headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 14/12/2024 - Ngày 14 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Dựa vào chính mình

hoasungLiên Loan

Cô bé bác sỹ tương lai học tiếng Hoa trong lớp tôi, hôm nay sau giờ giải lao cô xem chỉ tay. Các bạn khác lại bu quanh đưa tay cho cô bé xem. Cô ta nói về tình duyên, gia đạo, việc làm,đủ thứ chuyện hết.Hồi còn nhỏ tôi cũng hay tò mò về chuyện xem chỉ tay, bói bài lắm, nhưng ai xem cũng trúng còn tôi chẳng thấy trúng gì cả.

 Nếu xem bói mà không tin thì xem không trúng, có khi gặp người thầy xem hay người ta cũng nhận ra mình không tin và không thèm xem cho, có một lần bạn tôi dẫn đi xem bói nó dặn tôi như thế. Muốn đi xem bói tôi cũng tin lắm chứ, nhưng không hiểu sao xem đến tôi là trật lất, bảo làm sao tôi tin được.Khi đến nơi, nghe nói thầy này xem hay lắm. Đến lượt thầy xem cho tôi, ngay từ đầu là tôi đã thấy lạc quẻ rồi, thầy cũng đâu có nói gì là tôi tin hay không tin.

 Lúc ba má tôi chia tay, có một lần ba dẫn tôi đến một chỗ, khi đi đến nơi tôi thấy banói chuyện gì với ông ta, về nhà tôi nghe lóm thóm ba nói với bà nội là đi xem bói, thầy bảo ba phải để cái gì trên đầu giường thì ba ngày sau má tôi quay trở về. Lúc nghe nói như vậy tôi mừng lắm, vì má sắp về, nhưng chờ hoài chờ mãi cũng không thấy má về.

 Bói cái gì chứ, đâu có giúp được việc gì cho ba tôi. ba đâu biết là ba đã gieo cái nhân trăng hoa, bây giờ phải chịu kết quả gia đình tan nát.Rốt cuộc ba má tôi cũng mỗi người một nơi, ai cũng có gia đình khác.

 Má tôi bà cũng mê tín “chúa” luôn.

 Muốn làm chuyện gì là phải tránh ngày mùng 5, 14, 23. Quét nhà không được quét từ trong nhà quét ra. Tết đến phải xem tuổi để nhờ người xông đất, cúng sao giải hạn, coi ngày giờ để xuất hành đầu năm. Mèo tự nhiên vào nhà thì đuổi ra, hể Chó tự nhiên ở đâu tới thì giữ lại nuôi. Vì má cho rằng: “Mèo vào nhà thì khó, Chó vào nhà thì sang”, đủ chuyện mê tín.

 Hồi tôi còn nhỏ. Mỗi lần gia đình lục đục, bất hòa haymá tôi làm ăn không được suông sẻ thì má hay đi xem bói rồi cúng tam tai giải hạn gì gì đó.Mỗi năm má tôi đều cúng sao. Năm nào gặp sao xấu, má cho rằng năm nay sao xấu làm ăn phải cẩn thận nếu không sẽ xui xẻo, có năm trúng sao Thái Bạch lại phải kiêng mặc áo trắng vì thầy nói rằng sao Thái Bạch chiếu mà mặc áo trắng ra đường sẽ bị tai nạn. Gặp năm nào tam tai thì cúng liên tiếp ba năm luôn. Khi cúng tam tai thầy dặn má tôi đem đồ cúng ra ngoài ngã ba đường chỗ nào có người qua lại thì để ở đó.

 Tôi hỏi má: “Chi vậy má.”

 Má trả lời: “Thầy nói để ở đó cho ai lượm thì lượm họ sẽ rước cái xui của mình.”

 Tôi còn nhỏkhông hiểu chuyện gì,chỉ nghĩ là: “Sao má mình lại tin như vậy, mà thầy nào cũng nói thật là lạ. Thầy mà không biết giúp người gì hết, chỉ giúp người đến mình xem quẻ thôi.má có tiền buôn bán thì gặp xui, người ta không có tiền buôn bán, có ăn đồ cúng hay không cũng lấy gì xui.”

 Bói thì bói, cúng giải hạn thì cúng, nhưng xui vẫn cứ xui, hên vừa tới thì cái xui liền theo sau. Gia đình xào xáo. Cuộc đời má tôi lấy phải ông chồng nào cũng không được hạnh phúc. Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, thật là tội nghiệp cho má.

 Thông thường khi mình rơi vào một hoàn cảnh không may, trong lúc túng quẩn mình thường mong chờ cầu cứu một thế lực Thần linh nào đó để dựa dẫm. Mình không biết gì là nhân quả nên mới thế. Thật ra thì trên đời này không có gì là tự nhiên mà có cả, thảy đều có nguyên nhân.

 Thần linh có hay không? Có chứ! Chúng ta phải sống sao cho tốt có lợi mình và lợi người thì Thần linh sẽ xuất hiện ủng hộ chúng ta. Nếu chúng ta sống ganh tị, tật đố, tham lam, ích kỷ v.v..., cái gì cũng muốn phần mình là hơn hết thì chừng nào Thần linh mới xuất hiện, cho dù có đến chùa lạy mỗi ngày cũng chẳng thấy Thần linh.

Cũng là chuyện xem ngày. Em gái tôi mua nhà đang chuẩn bị sửa để dọn vào ở thì ba dượng tôi mất, việc dọn nhà gác lại. ba mất thì cả nhà má và các em tôi đều phát tâm ăn chay 49 ngày để cầu cho ba thoát khổ.

 Ba mất được hơn một tháng, em gái tôi đi xem ngày để dọn nhà. Thầy nào đó nói là tuổi..... hạp với nó, bảo nó về tìm được cái tuổi đó dọn nhà thì mới được. Nghi thức cúng,dọn nhà như thế nào thì thầy ghi sẳn trong tờ giấy cho nó.

Nó gọi điện thoại cho con trai tôi nhờ thằng nhỏ dọn nhà dùm cho nó. Thì ra là tuổi của con mình. Tôi không biết nó nhờ con tôi như thế nào, khi dọn nhà xong về nhà thằng nhỏ kể:

 “Mẹ biết không dì lo mâm đèn trái cây sẵn sàng hết. Đến đúng giờ thì dì lật đật chạy ra khỏi nhà như bị ma đuổi vậy, chỉ để cho con một tờ giấy viết cách thức cúng gì gì đó, dặn con lia lịa chẳng nghe kịp gì cả, dì bảo con cứ xem y như trong này mà cúng vái.Con nghe dì nói không rõ ràng với lại con cũng không quen kiểu cúng vái như thế này nên con bỡ ngỡ chẳng biết phải thế nào nữa.” Tôi hỏi:

“Rồi con làm thế nào.” Nó nói:

 “Lúc đó tùy cơ ứng biến. Con đi vòng quanh nhàthấy phía sau nhà dì có mồ mã, chắc ở khu đó hình như là đất thổ cư ông bà chết chôn ở đó hay sao ah. Con không nhớ để làm theo lời dì mà con nghĩ sao thì làm vậy. Trước tiên con dâng hương Phật, kế đó dâng hương Bồ Tát Địa Tạng Vương, sau cùng mới dâng hương cho ông ngoại. Khi dâng hương cho ông ngoại con nói:“Ông ngoại sống khôn thác thiên, nếu ngoạichưa đi còn quanh quẩn đâu đây thì hãy chỉ cho dì đi con đường sáng, đừng để dì đi trong bóng tối mà phải tạo nghiệp khổ, rồi con nói thêm, những vong hồn ở quanh quẩn đâu đây, mỗi ngày ở nhà này gia chủ đều có tụng kinh hãy về dựa vào đó mà tu cho bớt khổ, theo độ cho người ta đừng có không biết tu mà theo phá người ta thì sẽ tạo nghiệp.v.v...”.

 Tôi nói:“Nó nhờ mà con làm không đúng như lời nó, nếu có chuyện gì nó sẽ đổ thừa cho xem.”

 Con tôi nói: “Đổ thừa cái gì, con đâu có làm sai, vả lại con đâu có tin mấy cái chuyện xem ngày xem giờ đó, cho nên dì nói lỗ tai bên này nó lọt lỗ tai bên kia, con chẳng nhớ gì cả, mình cứ làm tốt thì việc tốt sẽ đến với mình không phải lo gì hết, nhà mình dọn nhà có khi nào xem ngày đâu.”

 Mặc dù là tôi không tin xem ngày xem giờ nhưng thời gian đó tôi cũng hồi hộp lắm, không biết nó dọn nhà về đó ở như thế nào nữa.

Em gái tôi con nhỏ đó nó có hiếu lắm. Từ khi ba dượng chết thầy cô trong chùa chỉ tụng kinh gì là nó tụng kinh đó, ngày nào cũng tụng kinh cho ba hết. 49 ngày cả nhà phát tâm ăn chay cũng trôi qua, trở lại ăn mặn bình thường. Ăn mặn lại đâu khoảng gần một tháng gì đó thì cả nhà má tôi phát tâm ăn chay luôn, ngay cả gia đình em gái tôi cũng thế, thằng con trai của nó bốn tuổi cũng ăn chay luôn. Chẳng những không có chuyện gì không ổn từ lúc dọn nhà, trái lại cả nhà ăn chay, đi chùa, nghe giảng pháp và tin nhân quả lắm. Từ lúc đó má tôi và chúng nó chẳng những biết tu mà còn tu rất tinh tấn nữa.

Má tôi năm nay cũng bảy mươi mấy tuổi rồi, bà mới biết Phật pháp, bây giờ chỉ biết tụng kinh niệm Phật chứ nghe giảng pháp hay học giáo lý thì má tôi ít nhớ lắm, nên thỉnh thoảng chuyện gì má không hiểu tôi cũng nói cho má biết. Bây giờ má nghe chuyện gì tổn phước là má sợ lắm. Mỗi lần ở chùa tổ chức lễ vía của Bồ Tát má tôi lạy giỏi lắm nha, bà lạy gần 500 lạy đó, tôi nghe má nói mà tôi hết hồn.

Tôi là công nhân trong một xí nghiệp thêu hàng cho Nhật. Năm 1997 là năm khủng hoảng kinh tế, có rất nhiều xí nghiệp cắt giảm nhân công, xí nghiệp tôi đang làm cũng không ngoại lệ. Ban thêu máy chúng tôi mấy trăm công nhân mà cắt giảm còn lại có vài chục người trong đó có tôi. Những công nhân còn ở lại làm là may mắn lắm, nhưng chỉ làm cầm chừng thôi. Lương hướng lúc đó cũng giảm dần theo doanh thu tiêu thụ hàng hóa. Giảm mất 2/3 lương.

Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế, lúc đó vì thu nhập không đủ trang trải sinh hoạt gia đình, nên tôi cố cầm cự để kiếm việc làm khác. Nhưng tìm việc gì trong thời buổi đang cắt giảm lao động chứ. Nghĩ đi nghĩ lại đành phải nghĩ đến chuyện buôn bán.

Buôn bán vốn dĩ là cái nghề tôi không thích, hơn nữa tôi đâu có vốn mà buôn với bán. Buôn bán là phải miệng bằng tay, tay bằng miệng, cái không nói có, cái dở nói ngon mới bán được, tôi thì không lẹ làng với mấy chuyện đó, nhưng chạy trời cũng không khỏi nắng. Tôi không muốn cũng phải làm để nuôi con. Hai đứa nhỏ học vừa tốt nghiệp xong, đúng vào lúc khủng hoảng kinh tế, nếu chọn lựa thì lấy gì mà nuôi chúng ăn học tiếpđây. Cuối cùng phải lăn xả ra tập tành với việc buôn bán.

Tôi mướn chỗ bán cơm tấm. Lúc đầu bán được lắm, bán bữa nào cũng hết. Bán riết không biết được bao lâu nữa thì nó ế thôi là ế. Cả nhà má và em trai tôi phải ăn giùm để trả lại vốn cho tôi. Má tôi thấy không ổn nên sang những đồ tạp hóa má đang bán cho hai chị em tôi, má nói:

“Má già rồi bây giờ bán một mình làm không nổi. Má sang hàng tạp hóa cho mày một phần, phần còn lại cho thằng Út nó bán. Đứa bán đầu chợ, đứa bán cuối chợ, má nghỉ ngơi.”

Không có vốn cũng làm liều để có đồng ra đồng vào nuôi con chứ biết sao bây giờ. Lúc này tôi đi bước nào tính bước đó chứ không nghĩ được nhiều.

Bây giờ bắt đầu tôi phải đương đầu với việc buôn bán, miệng bằng tay, tay bằng miệng đây.

Người ta nói “Phi thương bất phú.” Ông bà nội tôi ngày xưa cũng giàu lên nhờ nghề thương buôn, nhưng giàu thì sao chứ! Không biết cái làm giàu của ông bà nội như thế nào mà bây giờ con cháu thân sơ thất sở hết trơn. “Phi thương bất phú” cái nổi gì chứ. Khả năng của mình, mình biết hơn ai hết, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện làm giàu cả, chỉ mong có cái nghề làm nuôi con, cho chúng học thành tài là mừng lắm rồi. Túng thế phải tùng quyền thôi, hơn nữa ai nhờ buôn bán mà giàu, chứ còn tôi chỉ đủ ăn đủ để nuôi con học đến nơi đến chốn không thiếu nợ chứ không giàu nổi. Mười năm trước cũng vì cái nghề này mà tôi chịu cay đắng khôn xiết. Đi bán thức khuya dậy sớm, 2 giờ sáng là đã đi rồi, đến 8 giờ tối mới về đến nhà, cả ngày ở ngoài đường không, mệt gần chết, mà bị mắng te tua, một bên là má và em trai mắng là ngu buôn bán mà không biết lanh lẹ dành giựt gì hết, ngu ơi là ngu, một bên là vợ chồng lục đục, thường xuyên gây gổ, thời gian đó tôi nhừ tử như trái chuối dập vậy.

Buôn bán một thời gian ngắn, tôi học thêu và tìm cho mình một chỗ làm trong xí nghiệp cho ổn định, bây giờ tình hình kinh tế như thế tôi phải tiếp tục với cái nghề này một lần nữa.

Nghề buôn bán tuy là tôi không thích, nhưng nói cho cùng tôi cũng không thể phủ nhận rằng nếu không nhờ buôn bán thì hai đứa con tôi khó mong mà học đến nơi đến chốn. Nhưng cũng vì nó mà tôi tạo nghiệp không nhiều thì cũng ít, không sao tránh khỏi.

Bán tạp hóa. Hàng hóa rất nhiều thứ, chẳng những gạo thóc Chuột nó ăn mà nó còn gội đầu bằng dầu gội, tắm sữa tắm trắng da cho nên con nào con nấy mơn mởn mập lù. Nó phá quá nên tôi phải nuôi Mèo để bắt Chuột. Nuôi Mèo, nó bắt Chuột thì ít mà phóng uế tùm lum trên hàng hóa thì nhiều, phát sinh thêm công việc cho mình. Sợ Chuột phá hàng mình lỗ nên nuôi nó, mà nuôi nó thì nó phá như vậy cũng đâu có khác gì. Muối chưa kịp vô bọc thì nó tè lên tôi cũng bỏ, cái gì mà tè lên không cứu chữa được thì bỏ, bỏ riết lời lãi đâu nữa. Có một lần đậu xanh tôi bán nó tè lên trên đó, nếu bỏ hoài thì lỗ mà đem rửa sạch phơi khô rồi bán tiếp thì cảm thấy mình có lỗi, nhưng cũng phải làm, chứ bỏ thì mất vốn. Con tôi nhìn thấy nó nói:

“Mẹ bỏ đi đừng có bán, mẹ làm như vậy mình thất đức đó.”

Lúc đó tôi có biết khỉ gì đâu, cũng thấy ái náy thật nhưng chẳng biết cái gì là đức hay không đức nữa. Cũng lén nó để bán. Tôi nghĩ tội thì tội chứ biết sao bây giờ, nếu bỏ hoài thì hết vốn, mỗi cái mỗi chút thâm dần sẽ đổ nợ.

Có một lần vào mùng 5 tết. Mới sáng sớm mở cửa ra thì thấy chú Mèo con ở đâu đi vào nhà, mình mẩy ốm tong ốm teo. Tôi lại nghĩ câu má nói: “Mèo vào nhà thì khó, Chó vào nhà thì sang.” Tôi nói:

“Mày ở đâu mà vô nhà tao ngay ngày mùng 5 vậy, mày muốn tao mạt sao”.

Nghĩ mình đã nghèo rồi mà gặp nó nữa chắc có mà mạt luôn. Tôi quăng nó ra ngoài không thương tiếc, nhưng quăng nó ra, một lát nó cũng lại bò vào, đến trưa mở cửa cũng thấy nó vào, tôi lại quăng tiếp. Đến chiều tối không thấy nó tôi lại mừng thầm. Sáng hôm sau như là nó chực sẵn đâu ở ngoài vậy, vừa mở cửa ra là nó đi vào nhà. Tôi nói với con tôi:

“Cái kiểu này là ai cũng sợ rồi, không ai chịu nuôi nó nè.Mẹ thấy nó đói tội quá, nhưng bà ngoại con nói Mèo vào nhà là mạt đó, chắc mình mạt thiệt quá con, thôi kệ đi mạt thì cho mạt luôn để nuôi nó nha, tội nghiệp quá.”

Con tôi nói: “Mẹ sợ gì chứ, mẹ đừng tin mấy chuyện không có căn cứ đó, mình cứ nuôi nó đi mẹ.”

Khi để nó ở lại nuôi, tôi nhẹ nhõm cả người, nhưng không dám nói với ai là tự nhiên Mèo vào nhà mình. Nuôi nó, mạt hay giàu gì tôi cũng không thấy. Cuộc sống mẹ con tôi trước sau vẫn vậy, chỉ có điều là từ khi nuôi nó trong nhà mấy con Chuột nó chạy “mất dép” luôn, không thấy bóng một con nào hết. Con Mèo này nó giỏi và khôn cực kỳ. Hàng hóa không còn hao tổn nữa.

Người ta hay nói có so sánh phân biệt mới có sự công bằng, nhưng tôi nghĩ không phải như vậy mới thật sự là công bằng. So sánh phân biệt phải có kẻ hơn người thua. Người hơn thì cười, người thua thì oán làm sao có sự công bằng ở đây. Không so sánh phân biệt hơn thua, hai bên đều vui vẻ, được mình lợi người, như vậy không công bằng sao?

Cũng vì so với sánh nghĩ đến cái lợi cho bản thân mà để con Mèo lang thang đói khác không có chỗ trú. Ai cũng như mình thì con Mèo này sẽ chết chắc. Nếu như không nhờ cái duyên người ta sợ, thì tôi đâu có cơ hội sám hối.

Cũng vì so với sánh mà đi mua hàng thì lựa tới lựa lui, thứ nào phải ngon nhất mà rẻ nhất mới mua. Nếu như lựa tới lựa lui với cái suy nghĩ đáng tiền đáng của thì không nói gì, vì người ta bán hàng cũng đã khấu hao cái khoảng đó rồi, đằng này mình cứ muốn mua vừa rẻ vừa ngon thì làm sao mà được chứ. Xài tiền thì như cái cối, nhưng đối với cha mẹ, anh em thì tính toán từng đồng một. Đi chợ mua hàng thì cắt xén từng cọng cải đọt rau, kèo nài với người bán hàng bớt từng đồng, từng cắc. Giá tiền hàng ngon khác, hàng dở khác, vừa ngon vừa dở lại khác chứ. Tôi nghĩ cái gì miễn là không hư thối là ăn được rồi đâu cần phải như vậy. Mình ăn cái ngon rồi ai sẽ ăn cái dở. Mình khôn rồi ai sẽ ngu để cho mình khôn đây. Biết bao nhiêu người trên thế giới đói khổ, mình có đủ ăn là phước lắm rồi. Mình suy nghĩ và sống như vậy là đã gieo vào mình một cái nhân xấu và làm tăng trưởng lòng tham của mình mỗi ngày rồi.

Mua hoa cúng Phật cũng vậy, người ta luôn chấp vào việc đó, phải hoa cho đẹp chứ hoa không đẹp là không mua. Cũng một chỗ mỗi ngày mình thường mua, có hôm người ta bán ế mình lại không mua giúp, lại chê hoa không đẹp đi nơi khác để mua. Đúng vậy, hoa bán ế đến trưa làm sao mà đẹp được, nhưng tuy là không được đẹp lắm nhưng cũng không đến nổi nào, mình mua giúp dùm người ta đó cũng là một cách cúng dường chư Phật rồi, còn hoa đem về mình chịu khó cắt tỉa lại cũng đẹp chán đi chứ, đâu có thua gì đâu. Chỉ cần một cái tâm từ bi giúp người và lòng thành muốn dâng hoa cúng dường Phật, với cái tâm như vậy nó sẽ tác động lên hành động cắm hoa của mình thì bình hoa trở nên tươi đẹp ngay. Vừa được hoa cúng Phật vừa giúp được người ta có thêm đồng lời và kết thúc phiên chợ sớm mà về vui với gia đình, chẳng phải là “tốt đạo, đẹp đời” đó sao.

Phải biết rằng mình khôn mười thì người cũng sẽ khôn trăm, ai cũng dành phần hơn về mình, cứ như vậy không ai chịu thua ai thì thế giới này sẽ hít thở bằng những không khí tranh giành ô nhiễm. Dựa vào cách sống của chính mình mà tích lũy phước đức. Làm việc mưu cầu lợi ích cho mình mà tổn hại đến người, khi cái quả đủ duyên nó đến lại đi cầu thầy bà, đến chùa lạy Phật xin Phật giúp, nếu Phật mà gật đầu giúp thì những gì Phật dạy còn ai mà nghe nữa. Mình với người chỉ cần đứng gần nhau là đã hít thở không khí hòa quyện với nhau rồi, huống hồ chi cả thế giới này luôn có sự tương quan với nhau. Vì vậy trong nhà Phật hay nói “bốn loài là một thể” đó. Nhân quả cũng theo sự tương quan này mà tiếp nối chằng chịt. Hiểu rõ được điểm này chúng ta sẽ không so sánh phân biệt. Vì chúng ta không thấy rõ được như thế nên mới nhởn nhơ tạo nghiệp, như là người điếc không sợ súng vậy!

Bởi vậy mới nói, mình nên dựa vào chính mình tự thanh lọc thân tâm cho tốt cho đẹp. Cái tâm là gốc, cảnh tượng là ngọn. Chỉ cần vung bồi cái gốc cho chắc tức thì ngọn sẽ liền theo. Cảnh tượng tốt đẹp sẽ hiện ra không cần phải xem tử vi hay bói toán làm gì hết.

Khi hiểu được Phật pháp và thực hành những lời Phật dạy mới biết là tôi cũng còn một chút may mắn, bao nhiêu tiền cũng không thể đổi được những điều quý báo này, vì ở thế gian người người đều dạy cho nhau những hơn thua, so sánh, phân biệt, tranh giành v.v...Bây giờ nghĩ lại lúc trước mình thật là ngu si, không biết nghiệp quả là gì hết, đúng là vô minh sinh nghiệp chướng. Bây giờ hiểu được Phật pháp, hành trì tu tập hằng ngày, thành tâm sửa đổi, thanh lọc thân tâm mình, ôm con đường đạo mà đi, nương theo giáo pháp Đức Phật mà sống thì chắc chắn không bao giờ sai.

[ Quay lại ]