headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 14/12/2024 - Ngày 14 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Đừng để thành tro bụi

botatthichquangducChân hiền Tâm

Có những việc, bản thân mình chưa đủ lớn để chiêm nghiệm hoặc không có điều kiện để tận mắt nhìn thấy, nhưng mỗi khi nhìn lại, vẫn có hấp lực ít nhiều cho những suy nghĩ và hành động của mình trong hiện tại.

Năm 1963, tôi chỉ mới bốn tuổi. Cái tuổi không thể nhận rõ được những việc trước mắt đủ để trở thành ký ức trẻ thơ, nói là không thấy. Nhưng mỗi lần nhìn lại tấm hình ngùn ngụt lữa và quả tim còn nguyên của người xưa, lại thấy khởi lên trong lòng sự cảm kích khó tả.

 

 

Nó không chỉ dừng lại ở mặt cảm xúc đối với một hiện tượng, như phóng viên David Halberstam đã ghi lại trong tờ New York Times: “Tôi lại thấy cảnh đó thêm lần nữa, nhưng một lần là đủ lắm rồi. Ngọn lửa phun ra từ một con người. Thân thể ông cháy héo khô dần và teo nhăn lại. Đầu ông đen dần và hóa than. Trong không khí thoảng mùi cháy khét của thịt người - loài người có thể cháy nhanh một cách đáng ngạc nhiên - từ phía sau, tôi có thể nghe tiếng thổn thức của những người Việt giờ đang tụ tập. Tôi đã quá sốc để khóc, quá bối rối để ghi chép hay đặt câu hỏi, quá ngỡ ngàng ngay cả trong suy nghĩ... Khi cháy, ông không hề cử động một cơ bắp nào, không hề bật ra một âm thanh nào, sự điềm tĩnh của ông thật trái ngược với cảnh những người đang rền rĩ khóc than chung quanh[1]. Còn một cái gì đó sâu xa hơn bởi công phu hành trì cùa người xưa.

 

Phật đản năm 1963 được xem là pháp nạn. Bởi đã có những đàn áp dẫn đến đổ máu. Người lãnh đạo đất nước thời đó không phải là phật tử, cũng không phải là con chiên ngoan đạo để có thể thực thi những lời Chúa đã dạy: “Nếu ai tát con má bên trái, hãy đưa luôn má bên phải cho họ”[2].  Thánh nhân dạy người từ, bi, hỉ, xả nhưng tham dục và tự ngã của con người đã biến tôn giáo mình đang tín ngưỡng thành động lực thực thi lòng tham muốn thống trị của mình. Một sự thống trị được thực hiện bằng các phương tiện không mấy thông minh và thiếu cái nhìn hiểu biết về nhân quả. Kết cuộc là chết chóc và sụp đổ.

 

Tôi tìm thấy ở đó một chút hơi hướm của những gì mà đức Phật đã kể về giòng họ Thích xưa kia.

 

Ngày ấy vua Lưu Ly mang quân tàn sát hết dòng họ Thích. Mức độ tàn sát phải nói là khủng khiếp. Không phải vì anh đạo Phật còn tôi đạo Chúa. Chỉ vì ngày còn nhỏ, nhà vua lỡ trèo lên ngồi trên tòa sư tử mà dòng họ Thích đã dựng cho Phật trong một pháp đường mới xây. Ông là con vua nhưng mẹ lại là nữ tì. Do duyên đó mà một số người của dòng họ Thích đã tống ông ra khỏi pháp đường kèm những lời thóa mạ. Uất hận, ông nói với người hầu cận thân thiết của mình: “Khi nào ta lên ngôi, hãy nhắc ta trả mối hận này”.

 

Ông lên ngôi...

 

Ngày nào, Háo Khổ cũng nhắc ông việc trả thù. 

 

Đức Phật biết tai họa dòng họ Thích sắp gặp không phải chỉ nằm ở cái nhân thóa mạ hiện tại, mà còn bị chi phối bởi một cái nhân ở thời quá khứ và trở thành một loại định nghiệp cho dòng họ Thích.

 

Trong một kiếp, giòng họ Thích lâm vào cảnh đói khổ, họ sống nhờ vào một hồ cá gần đó. Trong số cá bị giết, có hai con cá đã nói với nhau: “Chúng ta đối với những người này, không có lỗi lầm. Ta là vật thuộc thủy tánh, không ở đất bằng. Nhân dân này lại đến ăn nuốt chúng ta. Ðời trước nếu có chút ít phước đức gì nhất định sẽ dùng báo oán này”. Sự thóa mạ trong hiện đời trở thành lớn lao là do có cái nhân nguyện ước đời trước làm nền tảng.  

 

Thời đức Phật, Lưu Ly và Háo Khổ là hiện thân của hai con cá ấy. Việc trả thù coi như đủ duyên. Những gì xảy ra trong hiện đời chỉ là cái duyên để cái nhân ở quá khứ thành quả. Máu đỏ tràn sông, thây chết cùng khắp, nhưng việc trả thù không mang lại kết quả tốt đẹp nào cho vua Lưu Ly, vì bảy ngày sau, ông cùng quan quân bị nước cuốn trôi, đọa liền vào địa ngục A-tỳ.[3] Bao nhiêu phước đức gầy tạo từ thời quá khứ, chỉ vì một phút không tỉnh, đã mang đổi hết khổ nạn cho mình và người, không nhận ra rằng thù hận dù trả được, chỉ thêm kéo dài con đường vay trả trả vay… 

 

Đời này, không có thứ gì xảy ra không có nhân duyên của nó.

 

Pháp nạn 1963 cũng không ra ngoài lẽ ấy.

 

Ta thì chỉ đủ trí tuệ để thấy những việc xảy ra trong hiện tại mà không thấu được cái nhân gieo từ quá khứ.

 

Từ bi bác ái đối với quốc dân

 

Mẹ nói ngày ấy, chính quyền đối xử thắt ngặt lắm, việc tranh đấu tất phải xảy ra. Phật tử Tăng Ni tham gia rất đông. Nhưng muốn nói đến thành công thì phải có Ôn Quảng Đức. Không có cảnh tự thiêu chắc sự việc chẳng đến đâu. Mà dù có cảnh tự thiêu, cũng chưa hẳn là “bước ngoặt dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm” nếu như quả tim tiêu tro, thân Ôn không khác những xác hỏa tán bình thường. Tôi từng thấy cảnh người chết bật dậy khi lửa liếm tới thân và sự la hét kêu cứu của những kẻ tự tẩm xăng đốt mình. Ôn thì “khi cháy, không hề cử động một cơ bắp nào, không hề bật ra một âm thanh nào, sự điềm tĩnh…”. Có lẽ đó là chỗ khiến cho việc tự thiêu có giá trị khắp thế giới và trở thành giọt nước tràn ly làm thay đổi một chính quyền, mang đến sự an bình cho mọi người.

 

Hình như giai cấp lãnh đạo chẳng thể nhận được chút tốt đẹp nào, nếu họ có tâm phá hoại Phật giáo và Tăng đoàn.

 

Sau khi hai pho tượng không lồ ở Bamiyan bị phá huỷ thì chính quyền Taliban cũng bị diệt vong.

 

Lưu Ly không cố ý tàn phá Phật giáo nhưng do lòng thù hận đã giết hàng loạt chư vị có giới hạnh thanh tịnh. Ông đã tự chấm dứt thời kỳ vàng son của mình bằng cái quả địa ngục.

 

Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ vì đã đàn áp Phật giáo không chút nương tay.

 

Chẳng qua vì Phật giáo là tôn giáo chánh thiện. Tăng đoàn, đại diện cho Phật giáo là những vị có giới đức thanh tịnh, mang trong mình xứ mệnh của Như Lai “Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh”. Chư vị tự nguyện điều phục tự ngã cùng tham dục của mình hầu giúp người đời qui thiện. Là giúp nhà nhà được an vui. Góp tay tạo sự ổn định thiết thực cho nước nhà. Cho nên, đàn áp hay tàn phá chư vị là đang phá hoại thiện nghiệp của chính mình. Thiện nghiệp đã phá thì cái quả ác báo hiện ra.

 

Đàn áp hay phá hoại người có giới đức và tu chứng càng cao thì cái quả bất hạnh càng nặng.    

 

Giết hại, quả báo của nó là đoản mạng, tai ương, chết chóc và bệnh hoạn.[4]

 

Hội đủ những điều đó, coi như đủ duyên để trả quả, không kiếp này thì kiếp sau…

 

Trong bức thư Hòa thượng gởi cho chính quyền Ngô Đình Diệm, tôi đọc thấy mấy dòng “Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thủa. Tôi tha thiết kêu gọi chư Đại Đức Tăng Ni và Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo”. Đó là một phương cách trị vì đất nước rất đơn giản và hiệu quả. Có lẽ không chỉ có lợi cho chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ mà cho tất cả mọi chính quyền ở mọi lúc, mọi nơi. Vì bác ái và từ bi đối với quốc dân, đứng về mặt chính trị mà nói, là một pháp “đắc nhân tâm”. Đứng về mặt đạo đức mà nói, nó tạo âm đức cho người lãnh đạo. Âm đức này chính là nền tảng tạo ra thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho giai cấp trị vì. Không thì như tấm áo rách, vá chỗ này lòi chỗ kia, vá chỗ kia lòi chỗ nọ. Càng vá, càng rách…

 

Trong một thế giới đầy dẫy khổ nạn và bế tắc như hiện nay thì niềm tin đối với tôn giáo là cái phao sống chết của người đời. Đụng đến nó chính là đụng đến xương tủy của thiên hạ, khó mà không gặp sự phản khán.  Vì thế thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo là một cách khôn ngoan để ổn định dân tình.

 

Đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo

 

Về phía Tăng Ni và Phật tử, Hòa thượng kêu gọi “đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo”. Không nói “đấu tranh” mà nói “hy sinh”. Là nhận chịu sự thiệt thòi về mình mà không làm hại đến ai để bảo tồn Phật giáo.

 

Cách đây khá lâu, tôi nhìn thấy hai vị, trong màu áo vàng của Tăng chúng, đang nhảy đùng đùng trên capo của một chiếc xe zip trong trạng thái dữ tợn. Đang đấu tranh đòi một việc gì đó. Phải nói là phản cảm! Mình là phật tử thấy còn không xong, huống không phải phật tử.

 

Phật giáo dạy người từ bỏ tham, sân, si mà người đại diện cho Phật giáo lại như thế thì không khác làm trò cười cho thiên hạ, tìm đâu ra sự thán phục để có sự đồng tình nhất trí của thế giới? Cho nên, muốn bảo vệ đạo pháp thì việc đầu tiên là phải bảo vệ thiện nghiệp của chính mình, thể hiện tối thiểu qua năm giới của phật tử tại gia v.v… Sau mới nói tới những thứ cao siêu hơn. Mình là phật tử mà đụng cái là giết, đụng cái là nói dối, đụng cái là rượu chè đấu đá… thì tư cách hiện tại của mình đủ khiến thiên hạ ngán ngẫm, nói là thêm những quả báo mình đang và sẽ nhận lãnh, vì phạm vào những giới mình đã thọ: Nghèo đói mất mát (do trộm cắp mà ra). Tai ương, chết chóc, đoản mạng (do sát sinh mà có). Không ai dám tin tưởng (vì hay nói dối). Gia đình phân tán chia lìa (vì thạo hai lưỡi). Đời sống tình cảm không suông sẻ (vì phạm vào giới tà dâm). Tuy là phật tử mà mê tín dị đoan, rơi vào tà kiến (uống rượu là một trong các duyên đưa đến sự việc ấy). “Nạn tai” nhiều như vậy thì nhìn vào không ai dám theo Phật giáo nữa. Bởi sự sung túc và hạnh phúc gia đình vẫn là đích đến của đa số người đời. Chui vô một đạo giáo mà thấy cuộc sống của mình còn kinh hoàng hơn là không có đạo thì chui vô làm chi? Thành giới mà không giữ thì coi như hai chữ phật tử của mình, mình “bảo” còn chưa xong, Phật giáo khó mà “tồn” được với mình.

 

Tuy tôn giáo và người thực hành giáo pháp của tôn giáo đó không phải một, nhưng một khi các hiện tượng xấu xảy ra thì người ta lại thấy đó là một. Phật giáo hết đường sống bởi những con người theo Phật giáo mà làm ngược lại những gì mà giáo Phật đã dạy. Xưa, ma Ba Tuần nắm được ý này nên có ý đồ cho đệ tử lồng vào giáo đoàn của Tăng chúng để phá hoại Phật pháp. Chánh pháp trở thành mạt pháp không phải do pháp hết xài mà do con người không còn xài tới nó.

 

Một thời gian, tôi thấy thiên hạ truyền miệng nhau Công giáo đang âm mưu phá hoại Phật giáo. Những người có tấm lòng đối với Phật giáo thấy họ không yên, muốn Tăng đoàn nghĩ ra cách nào đó để đối phó lại những âm mưu đen tối, như xây dựng trường học dành cho phật tử để tăng sự hiểu biết v.v… và v.v… Đưa ra nhiều kế hoạch lớn lao lắm, bộ nhớ của tôi ghi không nỗi. Thấy sự nhiệt tình của chư vị đối với đạo pháp nước nhà, mình không khỏi xúc động. Nhưng không có ông Phật nào dạy mình lập kế hoạch đối phó với những âm mưu chưa có giấy mực chứng minh. Chỉ dạy mình quay lại từ bỏ tham sân si của chính mình. Vì thế, trường lớp tuy chưa có, nhưng trong một số chùa chiền và thiền viện hiện nay đều có quí Tăng Ni giảng pháp, dạy người sống thiện và làm thiện. Không dạy phật tử đấu tranh chống cái này hay cái kia. Người ta nói, đó là sự hạn cuộc của Phật giáo, cái gì cũng quay vào trong, trong khi thế giới đổi thay đã tới đâu đâu.

 

Tại không hiểu mới nói vậy.

 

“Tam giới duy tâm. Vạn pháp duy thức”. Thế giới anh đang có mặt chỉ là những biến hiện của chính tâm anh. Như người ngủ rồi mộng. Tâm anh tươi tắn vui vẻ thì mộng của anh vàng son. Tâm anh mệt mỏi thân anh bệnh hoạn thì ác mộng dẫy đầy. Vàng son hay ác mộng đều do tâm anh quyết định. Không quay lại đó chuyển hóa thì làm việc gì thiết thực hơn? Tâm anh chuyển thiện rồi thì thế giới anh bình yên. Có thứ gì đụng đến anh được? Người ta muốn hại anh mà gặp anh, cái đức anh phủ hết thì bản thân cái ác của người đó cũng bị hạn chế bớt. Tuy không cố ý lợi tha mà cũng góp phần vào việc lợi tha không ít. Thành Phật giáo chỉ dạy người sống thiện, không dạy người làm gì khác. Đại sư Ấn Quang nói: “Tất cả kinh Phật cùng các sách xiển dương Phật pháp đều nhắm vào việc giúp người làm lành lánh ác, sửa mình hướng thiện, hiểu rõ nhân quả ba đời, nhận được Phật tính vốn có, ra khỏi bể khổ sinh tử, hưởng hạnh phúc an vui”. Nếu có việc gì khác là do người, không do pháp.

 

Xưa, ngài Anan nằm mộng thấy bảy việc. Việc thứ bảy là thấy “Chúa sư tử tên Hoa-tát, trên đầu có 7 sợi lông, nằm chết trên đất. Tất cả chim thú thấy đều sợ hãi. Về sau, thấy trùng trong thân sư tử hiện ra ăn thịt sư tử”.[5] Anan hỏi Phật về điềm mộng. Phật trả lời: “Sư tử chết, là sau khi Phật niết-bàn 1470 năm, các đệ tử của ta, tâm tu hành đức hạnh, tất cả ác ma không thể nhiễu loạn. 7 sợi lông, là việc của 700 năm sau”. Trong bản kinh chữ Hán thuộc Đại Tạng Kinh, tôi chỉ tìm thấy được phần trả lời ngắn gọn như vậy. Không thấy Phật trả lời về phần trùng ăn thân sư tử. Song chỉ cần một câu trả lời ngắn gọn đó cũng đủ thấy không có ma quỉ nào có thể nhiễu loạn Phật giáo nếu đệ tử ngài là những người có tâm tu hành thật sự và giữ gìn đạo hạnh của mình. Chỉ cần một việc đó, đủ để bảo tồn Phật giáo. Muốn bảo tồn Phật giáo không có việc gì khác ngoài việc đó.

 

Tổ Hiền Thủ nói: “Tham sân si dần nhạt mỏng là tướng của chánh định”.[6] Không đòi hỏi hết liền mà nói “dần nhạt mỏng”. Tuy nói “dần nhạt mòng” nhưng nếu không ý thức để thực hành và thực hành chăm chút thì tham sân si khó mà nhạt mỏng theo thời gian. Bởi tâm có tính huân tập. Không bỏ đi, có nghĩa là đang huân vào. Đã huân vào thì ngày sẽ càng tăng thượng.

 

Vấn đề là có đủ niềm tin đối với đạo pháp để thực hành không mà thôi.  

 

Xem ra, dù đối ngoại hay đối nội thì việc giảm dần tham sân si và nhận ra được bản chất của tham sân si luôn là việc cần thiết của một phật tử. Đó là yếu tố cần và đủ để Phật giáo được trường tồn.

 

Nhận ra được bản chất của tham sân si thì “Nói nín động tịnh thể an nhiên”.[7] Tới cũng phải, lui cũng phải, đấu tranh cũng phải, không đấu tranh cũng phải. Bởi một khi đã sống được với tánh thể đó thì mọi hành tác đều là diệu dụng của từ tâm, tùy duyên ứng hiện.  

 

Cũng nhờ có chánh định thâm sâu mà việc tự thiêu của Hòa thượng mới có tác dụng lớn mạnh trên toàn thế giới, có thể làm thay đổi cả một chính quyền. Tôi đọc được những lời sau trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, được trích ra từ những tài liệu báo chí ngày ấy: “Không có lời bào chữa nào có thể gỡ gạc lại được danh tiếng của Ngô Đình Diệm một khi những bức ảnh của Browne đã hằn vào tâm trí của công chúng thế giới”. “Khi đọc được bản tin sáng, tổng thống John Kennedy đã cắt ngang cuộc đàm thoại về tình hình tại bang Alabama và thốt lên: "Lạy Chúa Giê-su!". Về sau ông đã nhận xét: “Trong lịch sử không có một bức hình thời sự nào lại gây nên nhiều xúc cảm trên khắp thế giới như vậy"”. “Chủ tịch Hồ Chí minh cũng bày tỏ sự khâm phục trước hành động tự thiêu của Hòa thượng qua hai câu đối: “Vị pháp vong thân vạn cổ hùng uy Thiên Nhật Nguyệt / Lưu danh bất tử bách niên chính khí Địa Sơn Hà” v.v…

 

Dù đã bao năm qua đi, dù duyên đã khác đi rồi, lời dạy người xưa vẫn còn giá trị cho kẻ hậu sinh. Hai chữ “hy sinh” vẫn còn giá trị bảo tồn đối với Phật giáo nước nhà. Đã là phật tử, cố gắng học hỏi, tu hành, hy sinh dần mấy tâm đố kị, tham lam, sân hận, danh lợi v.v… Hy sinh được những tâm đó, từ, bi, hỉ, xả hiện tiền, trí tuệ định lực phát triển. Với người hữu duyên, tự nhiên sẽ có ảnh hưởng ít nhiều. Cái dây đoàn kết không kết mà kết, không nối mà nối. Ma Ba Tuần dù muốn lòn vô phá hoại Phật giáo cũng phải bó tay, không đường cựa quậy. Còn không, Ba Tuần đâu phải ai xa. Chính ta. Đội lốt con Phật phá hoại Phật giáo. Chỉ vì thọ giới mà không giữ giới, thêm thói tham lam, sân hận, ngu si ngất trời.

 

Cho nên, không sợ ngoại đạo phá hoại Phật giáo. Chỉ sợ bản thân vốn là phật tử mà không tỉnh giác, mê tín dị đoan, tham danh, tham lợi, định tuệ yếu kém. Lời của người xưa trở thành tro bụi không còn tác dụng. Mọi thứ chỉ còn hình thức, thực chất bên trong không còn. Khiến người nhìn vào sợ hãi tránh xa Phật pháp. Cái đó mới là đáng ngại cho việc bảo tồn Phật giáo nước nhà.

 

Nhân mùa Phật đản, nguyện cho…

 

Tất cả chúng sinh năm giới giữ gìn đầy đủ. Tham lam, sân hận, ngu si nhạt mỏng. Người người được hạnh phúc. Nhà nhà được an vui. Thế giới dứt đao binh.

 


 

 


 

[1] Bách khoa toàn thư mở Wikipedia .

[2] Kinh Thánh Tân Ước

[3] Kinh Tăng Nhất A-hàm II – phẩm Đẳng Kiến

[4] Kinh Thập Thiện

[5] Kinh Bảy Giấc Mộng Của Anan- Đại Tạng Kinh quyển 14 số 494.

[6] Tổ thứ ba tông Hoa Nghiêm – viết trong Đại Thừa Khởi Tín Luận Nghĩa Ký.

[7] Đại sư Huyền Giác – Chúng Đạo Ca.

 

[ Quay lại ]