headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 14/12/2024 - Ngày 14 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Xác định tinh thần và lập trường tu hành

phat6Chân Hiền Tâm

Là cư sĩ thì hầu hết đời sống của chúng ta gắn liền với công việc, gia đình và xã hội. Nên rồi những thứ cần thiết cho việc tu hành như giới luật thanh tịnh, cảnh tịnh ít duyên v.v… gần như mình không có. Vì vậy đặt ra vấn đề tu hành cho một người tại gia phải nói là ít ai dám nghĩ đến. Nhưng hiện thực thì chúng ta đã tu và tu có kết quả. Nghĩa là, ngay trong đời sống thường nhật của mình đây, với pháp môn BIẾT VỌNG KHÔNG THEO, mình đã ứng dụng và có được sự lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội. Đó là phúc duyên lớn lao cho người tại gia.

 Vì vậy, một khi đã có duyên lành đến với thiền thì mình nên thực hiện những gì mình đã chọn ở mức độ CỐ GẮNG NHẤT. Có vậy, mới mong ĐỀN TRẢ được phần nào công ơn của Thầy Tổ mà không làm MẤT ĐI phúc duyên sẵn có của mình.

Một khi đã ý thức được vậy thì ngoài niềm tin đối với Phật Tổ, ngoài lòng tha thiết đối với Thầy, ta còn phải xác định LẬP TRƯỜNG TU HÀNH của mình cho được rõ ràng, để việc làm hiện tại của mình được ít nhiều tốt đẹp. Vì trong việc tu hành, nếu lập trường tu hành của mình không có thì ta dễ vướng vào những thứ mà những bậc đi trước đã nói - ĐƯỜNG TẺ. Nếu lập trường tu hành của mình không được rõ ràng thì ta rất dễ chùn bước và bỏ cuộc một khi gặp trở ngại hoặc khó khăn. Đây là việc ta gặp rất nhiều trên đường tu.

Đã nói đến tu mà nhất là tu thiền thì phải đặt vấn đề HÀNH. Không hành thì mình không thể hiểu được giá trị của những gì mình đã học. Không hành thì chúng ta không thể có niềm tin để đi tiếp. Những thứ gọi là ngộ, giải ngộ hay đốn ngộ cũng chỉ với mục đích là giúp người tu có được niềm tin - với Phật Tổ, với Thầy và với chính mình - để có thể đi trọn con đường mình đã chọn. Nên vấn đề HÀNH là cần thiết. Thành đã nói tu thì phải cố gắng hành. Không thể hành một ngày thì một buổi. Không được một buổi thì một tiếng. Không được một tiếng thì cố gắng 30 phút. 30 phút cho mỗi buổi sáng để BIẾT VỌNG KHÔNG THEO. Nếu biết mà cứ theo thì mình nên theo hơi thở để bớt vọng. Vậy là ta có hành. Cái ít sẽ thành nhiều, cái khó sẽ thành dễ …

Vả lại, tu mà hành cũng là một trong ba điều Hòa thượng mong muốn đệ tử của mình phải có. Đã có niềm tin yêu đối với bậc Thầy của mình thì mình cũng nên có quyết tâm thực hiện hoài bảo của Thầy cho được trọn vẹn.

Kế tiếp, ta còn phải chuẩn bị tinh thần cho việc tu học của mình là, mình phải đối đầu với rất nhiều khó khăn và trở ngại trong chính bản thân mình. Không gan, không quyết, không bền chí thì không thể có kết quả tốt đẹp cho việc tu hành. Nói vậy không phải để chúng ta bi quan chùn bước. Nhưng thật tình, với bất cứ một vấn đề gì hay một công việc nào, một khi mình đã nắm vững được đường lối cũng như chuẩn bị sẵn tinh thần cho những khó khăn và trở ngại có thể xảy ra trong quá trình thực hiện, mình mới có thể vượt qua và hoàn thành nó một cách tốt đẹp. Điều này giới cư sĩ mình đã có nhiều kinh nghiệm, vì hoàn cảnh và môi trường sống của mình có nhiều chuyện phải đối đầu và giải quyết.

Giờ nói thẳng vào vấn đề tu hành để hiểu vì sao mình phải chuẩn bị tinh thần cho những việc như vậy.

Ai cũng biết tinh thần tu hành chính của đạo Phật là PHÁ NGÃ. Phá ngã là phá bỏ đi những THÓI QUEN sẵn có của mình. Từ những thói quen thuộc về thân, về miệng, cho đến những thói quen về suy nghĩ, mà ngày nay ta thường gọi là quan niệm hay định kiến ... Tất cả điều phải bỏ. Bỏ những thứ này cũng như cắt đi nắm ruột của mình, là điều không phải dễ làm. Vì vậy, nếu không chuẩn bị tinh thần chịu khó, chịu khổ thì ta khó mà tu đến nơi đến chốn.

Với người tu thiền, chỗ nhắm của ta là LIỄU THOÁT SANH TỬ, là trở về NGỘ NHẬP LẠI PHẬT TÁNH của mình, vấn đề này lại càng rõ ràng đậm nét hơn. Thành tu mà không phá ngã thì dứt khoát không phải là tu Phật và càng không phải là tu thiền chân chánh. Nói lên điều ấy để làm gì? Để thấy việc xác định tinh thần tu hành của người tu là cần thiết. LÝ cần phải rõ ràng chính xác thì trên SƯï, mình mới thực hiện được đúng đắn.

Một khi đã lấy việc TU LÀ PHÁ NGÃ làm tinh thần tu hành của mình, ta sẽ nhận ra rằng: Những gì làm mình e ngại, khó chịu v.v… nói chung là những thứ không thuận theo lòng mình, chính là những thứ ta không nên né tránh mà phải đối diện nhìn thẳng vào nó. Những thứ không vừa lòng mà tránh đi thì khác gì mình đang bảo bọc kỹ càng ngã tướng của mình. Vì vậy phải đối diện với nó. Có dám dối diện với nó thì mới mong phá trừ được cái ngã thâm căn cố đế của người tu.

Còn cách phá trừ thì Hòa thượng dạy mình rất thẳng tắt, rất đơn giản là : Những ý niệm, những tơ tưởng, những cảm giác vui, buồn, sợ sệt, thích thú, e ngại … một khi chúng dấy khởi thì KHÔNG THEO! Đối với những người mới thực hành như chúng ta thì nói là BUÔNG ĐI! Không theo hay buông đi là để đưa tâm trở lại trạng thái vốn không của nó. Dừng được những ý niệm, những cảm giác khi chúng mới xuất hiện ngay ở tâm như vậy là ta đã dừng luôn được thân nghiệp và khẩu nghiệp.

Một khi ta đã ý thức được vậy thì sẽ có nhiều thuận lợi cho việc tu học của mình :

1. Môi trường học hỏi của mình được mở rộng, ở đâu mình cũng tu được, ai mình cũng có thể học được. Tất cả đều là những duyên giúp mình nhìn lại con người mình. Có vậy thì việc học hỏi và tu hành của mình mới không giẫm chân tại chỗ. Tinh thần độc lập vượt khó của mình mới có. Mình sẽ không ngần ngại hay lùi bước khi gặp khó khăn trong việc học cũng như hành. Thiền sư Triệu Châu nói “Con nít lên ba hơn ta, ta học nó. Ông lão bảy mươi ba thua ta, ta dạy họ” đã nói lên tinh thần tu học mở rộng này. Dạy thì chưa dám, nhưng học mà theo được phương châm ấy, là một trong những cách giúp ta phá dần đi ngã tướng của mình.

2. Quan niệm của mình đối với một bậc Thầy sẽ đúng đắn hơn : Thầy không phải là chỗ dựa êm dịu để mình nương tựa, cũng không phải là bậc để mình dựa vào đó mà hãnh diện với mọi người … mà Thầy là người chỉ bày những kinh nghiệm cần thiết cho việc tu học của mình, là người có thể giúp mình phá đi ngã tướng, là người chỉ ra những lỗi lầm của mình. Ý thức được vậy thì ta mới có thể gần gũi, tham khảo, học hỏi với một vị Thầy và sẽ có ý thức đúng đắn hơn trong việc nghe pháp. Bởi ai cũng có khuynh hướng né tránh hay “cao chạy xa bay” khi lời nói của Thầy không phải là một lời ca ngợi, mà là một câu phê bình hay góp ý, là thứ làm chạm đến ngã tướng của mình. Ý thức vấn đề này rõ ràng thì việc tu hành của mình mới có cơ tiến triển.

3. Một khi đã thực hiện được các điều trên thì mình sẽ rõ ràng được với chính mình, không lầm về bản thân mình. Không lầm với chính mình là, biết những gì mình đã làm được, mình chưa làm được, mình yếu chỗ nào, công phu mình đang ở mức độ nào, mình tiếp duyên là do bắt buộc hay do mình chưa dừng được, mình tự tại an lạc là do công phu hay do mình gặp toàn chuyện vừa lòng, gặp việc nghịch lòng mình cũng bình tĩnh yên ổn, nhưng là tự nhiên hay vẫn còn phải dụng công v.v… Đây là điều rất quan trọng đối với người tại gia, vì ta được hoàn toàn tự do trong việc tu hành. Có không lầm về chính mình ta mới định rõ được những điều cần làm và mới có thể tới lui nhịp nhàng trong công phu. Vì trong vấn đề tu hành không phải khi nào mọi thứ cũng suông sẻ trơn tru. Làm sao trơn tru được một khi mình đi ngược lại với những thói quen nhiều đời của mình? Phá bỏ các thói quen thì có khác gì một con nghiện cai thuốc, tránh sao khỏi những phản ứng về tâm sinh lý.

Có khi lòng tha thiết và sự liên tục trong công phu cũng gây trở ngại cho mình thì mình phải xả bớt. Nhưng XẢ và CHẠY THEO là hai thứ khác nhau. XẢ là để điều hòa lại những cái đi hơi quá đà. CHẠY THEO là do không làm chủ được bản thân vì bị thói quen dẫn dắt. Nếu không rõ ràng với chính mình thì thay vì là hỗ trợ cho công phu tu hành, hóa ra là tiếp tay cho những thói quen sẵn có của mình.

Như pháp môn “Biết vọng không theo” mà mình đang áp dụng đây. BIẾT VỌNG là phá đi thói quen chuyên hướng ra ngoài của mình. KHÔNG THEO là phá đi thói quen chuyên sanh khởi của mình. Hai thứ này một khi được thực hiện liên tục và miên mật thì có khi gây sự căng thẳng cho người tu. Là người khéo thì mình phải biết xả kịp thời. Xả và chạy theo là hai thứ khác nhau cần phải ý thức. Ý thức được, ta mới có thể tới lui nhịp nhàng và công phu của ta mới tiến, không thì rất là nguy hại. Khi cần xả lại sợ chạy theo rồi không xả thì mất bình thường. Khi chạy theo lại cho là xả thì mất mình. Thành không rõ ràng với chính mình là không được.

Cuối cùng là, ta nên có lời nguyện. NGUYỆN là vì có những điều phù hợp với đạo, mình chưa làm được mà muốn làm được. Nhìn cư sĩ mình thì còn nhiều thứ chưa làm được lắm. Có khi ăn chay cũng chưa được, có khi 5 giới giữ cũng chưa xong … thành ta nên có lời nguyện. NGUYỆN là hình thức biểu trưng cho tinh thần tu học tha thiết và dứt khoát của mình. Nó là sức mạnh, là niềm tin giúp ta vượt qua khó khăn và trở ngại. Có nguyện thì có ngày ta sẽ được toại nguyện.

Là cư sĩ thì biết, đường thành Phật của mình dài lắm. Dài mà công phu chưa vững thì nhiều khi … lang thang đâu đó mà quên mất đường về. Cứ nhìn ngay hiện tại đây thì thấy, chỉ với một việc BIẾT VỌNG KHÔNG THEO thôi mà mình còn quên lên quên xuống, nói gì chết đi sống lại mà nhớ Tổ, nhớ Thầy, nhớ đường, nhớ quê … thành ta nên có lời nguyện. Chính lời nguyện sẽ tạo ra những duyên giúp mình không rời khỏi Phật đạo được. Chưa kể LỜI NGUYỆN còn là thứ giúp ta vượt qua khổ nạn ngay tại đây và bây giờ. Một khi đang gặp khó khăn bức xúc đau khổ mà ta dám nguyện một câu đại loại như là “Nguyện thay thế tất cả những khổ nạn mà con đang gặp đây cho mọi người và muôn loài”, thì tâm mình sẽ vượt qua khổ ách tức thì. Vì một khi ta dám mở lòng phát nguyện vì tất cả, cũng có nghĩa là ta đang phá được ngã tướng của mình. Phá được ngã tướng thì an lạc và giải thoát. Đó là sự an lạc thiết thực của người tu.

Nói chung thì, từ lời nguyện cho đến việc tu hành ta được tự do mọi thứ. Nguyện sao cũng được, tu sao cũng được, không tu không nguyện cũng được. Cư sĩ mà! Nhưng đã nguyện thì cố gắng nhớ cái nguyện hoàn thành Phật đạo của mình. Đã tu thì cố gắng xác định tinh thần tu hành là phá ngã. Đó là hai điều chính mà có chúng, ta sẽ dễ dàng giải quyết việc tu hành cũng như sinh hoạt đời thường của mình một cách hài hòa. Nghĩa là, mình vẫn hoàn thành được trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, mà việc tu hành của mình cũng không hề lơi lỏng, như Hòa thượng từng dạy “Đời và đạo phải cân bằng”.

Là cư sĩ thì đời sống của chúng ta phải nói là phức tạp. Dù lấy pháp môn BIẾT VỌNG KHÔNG THEO làm nền tảng cho việc tu học, nhưng trong từng sự từng việc và tùy nghiệp tập của mình đối với từng sự từng việc ấy mà công phu của mình có khác đi. Đây là điều đòi hỏi mình phải khéo léo và uyển chuyển. Tuy nhiên, chỉ cần tinh thần tu học của mình có, lòng tha thiết của mình đầy đủ, mình sẽ nhận được tất cả những gì cần làm trong những thời pháp. Vì không đâu chứa nhiều kinh nghiệm từ đời sống tu hành cho đến những sinh hoạt thời thường bằng chính từ các bậc Thầy. Nhưng phải nói, nhiều khi lòng tha thiết của mình không có, tinh thần tu học của mình yếu, thành mình không nhận được những kinh nghiệm thiết thực đó. Việc nghe pháp trở thành những giờ thoải mái thoáng qua, vì mình chỉ thích nghe những thứ lâng lâng cao siêu trên chín từng mây, mà không thích nghe nhắc đến những cái gọi là thói hư tật xấu, cũng như những cái chưa muốn làm, hay chưa làm được của mình, là những cái mà mình hay cho là tầm thường, vụn vặt không đáng nghe. Nên rồi, dù mình có được một cái gì đó trong công phu tu hành chăng nữa, dù mình có muốn công phu tu hành của mình tăng tiến chăng nữa, thì mọi thứ vẫn cứ trở ngại và dẫm chân tại chỗ. Bởi không đối mặt với những cái tầm thường ấy, không vượt qua được những cái vụn vặt ấy thì không thể nào tiến sâu vào bên trong được.

Từ chỗ này liên hệ đến các việc khác ta sẽ thấy, dù là các việc công đức hay phúc lợi, một khi làm mà mình không ý thức được tinh thần vô ngã của đạo Phật thì càng làm, mình càng vướng vào những thứ vẽ vời của cái ngã ẩn tàng. Và một khi cái ngã ẩn tàng ấy không có chỗ để phát triển thì có khi là mình sẽ bỏ cuộc nửa chừng cũng nên. Đây không phải là điều mình ít gặp ở người tu. Rất nhiều! Thành là người tu Phật thì dù làm bất cứ việc gì, ta nên ý thức đến vấn đề PHÁ NGÃ. Hòa thượng đã dạy mình BIẾT VỌNG KHÔNG THEO cũng chỉ cốt là để ta làm việc gì cũng lấy việc phá ngã lót đường.

Người tu một khi đã chuẩn bị tinh thần cũng như lập trường tu hành của mình được chính chắn rồi, thì tất cả những gì còn lại sẽ được giải quyết ổn thỏa. Dù cho đường ta đi còn rất dài, ta còn rất nhiều khó khăn phải trải qua thì ngay hiện tại đây, mình vẫn là người an lạc và giải thoát. Sự an lạc giải thoát bắt nguồn từ niềm tin đối với chính mình, với tất cả những gì chư Phật, chư Tổ và các bậc Thầy của mình đã dạy. Đây là lý do vì sao trong bài, việc XÁC ĐỊNH LẬP TRƯỜNG và TINH THẦN TU HÀNH được nêu ra trước tiên.

 

[ Quay lại ]