headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 14/11/2024 - Ngày 14 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Một khoảnh khắc và cả đời người

phat7Liên Loan

Để trở thành một người tốt, làm được một người tương đối trong xã hội, lợi mình lợi người thật không phải dễ dàng gì khi sanh ra trong một gia đình thiếu sự chăm sóc dạy dỗ của cha mẹ, môi trường chung quanh mình toàn là đầy dãy tham vọng sân si. Tiền tài, danh lợi, được, mất, hơn, thua, ái ái, tình tình là những sợi dây oan nghiệt đã cắm rễ quá sâu trong nhiều đời nhiều kiếp, trói chặt mình không có lối ra.

 Lời hối tiếc muộn màng...

Bạn tôi thở dài và nói: “Đời người có được bao nhiêu năm đâu, mới đây thoắt một cái là đã hơn nữa đời người rồi. Quay đầu nhìn lại mới biết là khi mình còn trẻ đã không biết lo xa, đã quá hao thần tổn khí, nên bây giờ mới ra nông nổi như vầy. Có lẽ... đây là cái giá tôi phải trả!”

 

Cậu ta kể: “Khi tôi hơn một tháng tuổi, thì ba tôi theo tiếng gọi non sông ra đi tìm đường cứu nước. Những năm thập niên 50, người phụ nữ có chồng đi tập kết rất khổ, cảnh sát luôn truy lùng tra xét khắp nơi. Má tôi phải chạy bôn ba sinh sống nơi xứ người, không tiện đem con theo bên mình nên phải gởi tôi cho họ hàng chăm giúp, thỉnh thoảng mẹ con lại đoàn tụ được vài ngày rồi phải chia tay. Khi tôi đến tuổi đi học, tình hình lúc đó cũng tương đối ổn định, má sắp xếp chỗ ở rồi về quê đón tôi lên để tôi được cắp sách đến trường.

 

Cuộc sống trên Sài gòn đối với mẹ con tôi rất là vất vả, má là dân nông thôn hiền hậu, thật thà, cho nên sống trên thành phố gặp rất nhiều khó khăn, chật vật. Má đi làm từ sáng đến chiều tối, tôi đi học về là tự ăn cơm và quanh quẩn ở hàng xóm hoặc ở nhà chơi một mình. Cuộc sống đơn chiếc, một mình má vừa làm cha vừa làm mẹ, không có ba bên cạnh tôi nên má hết mực cưng chìu tôi, hễ tôi muốn cái gì là được cái nấy, cho nên thói quen đó đã dần dần in sâu trong tiềm thức tôi.

 

Năm 18 tuổi tôi về quê làm giấy tờ nhỏ tuổi lại để khỏi phải đi lính, từ lúc đó tôi ở dưới quê nhà tiếp tục học cho hết cấp 3. Thời gian sống xa má ở quê đi học, những việc tốt thì không chịu học mà lại tập tành những thói hư tật xấu. Tôi biết hút thuốc, uống rượu, đàn đúm chơi bời, học hành thì ít nhưng ăn chơi thì nhiều. Trong thời điểm đó tôi rất tự hào là thời gian vàng son nhất của mình, tự cao, tự đại tự cho rằng những gì mình học là đúng còn kiêu ngạo nói rằng: “Trên có trời dưới có đất khoảng giữa có ta”, thật là ngông cuồng, không biết trời cao đất dày gì hết, má tôi không hề biết gì về cuộc sống của tôi lúc đó. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, mẹ con tôi được đoàn tụ trở lại. Năm giải phóng là năm tôi thi tốt nghiệp cấp 3, nhưng tôi không chịu thi, tôi nói với má rằng: “Ngày giải phóng ba sẽ về con mừng lắm con không thi đâu.”

 

Thế rồi ba tôi càng ngày càng bặt tăm, có tin báo là ông đã hy sinh từ năm Mậu Thân. Ba thì không thấy về, bằng tốt nghiệp cũng chẳng có. Ngày lại ngày qua, rồi tấm bằng Liệt sĩ nhà nước cũng đã trao cho gia đình tôi. Uổng công bao nhiêu năm ngồi ghế nhà trường, học chẳng ra sao mà lại phát sinh thêm cái hủ hèm bên cạnh mình.

 

Qua một hai năm sau giải phóng, nhờ nhà nước ưu đãi cho con gia đình Liệt sĩ nên không có bằng tốt nghiệp tôi cũng được xét tuyển học thêm một nghành khác, nhưng cũng học không đến nơi, muốn học thì học muốn nghỉ thì nghỉ. Khi lập gia đình tôi cũng chẳng lo được gì cho vợ con tôi cả. Đi làm mỗi khi tan sở thì thích nhấm nháp, tiêu khiển với bạn bè, nhậu nhẹt đến “xỉn quắc cần câu”, khi về nhà thì say bí tỉ, hơi rượu nồng nặc, có lúc nhậu say mèm rồi ngủ ở nhà người ta đến sáng mới về. Công việc nào tôi làm cũng vậy chẳng được bao lâu là nghỉ. Đang làm việc chỉ cần ai nói động đến tôi một chút là tôi không chấp nhận được. Tôi không thích làm thì nghỉ không ai có thể khuyên được ngay cả má tôi. Tôi luôn nhìn thấy cái khiếm khuyết của mình mà oán trách cuộc đời, trách xã hội không công bằng, trách mình không được như chúng bạn, lúc nào cũng thấy mình mất, mình thua thiệt hơn người ta. Tôi không có lập trường cho riêng mình, cũng không có mục đích sống cho cuộc đời mình.
Má tôi là người phụ nữ truyền thống, hiền lành, chất phác, đảm đang, thờ chồng thương con, bà đã cực khổ cả đời để lo cho tôi, mà tôi lại chẳng ra tích sự gì cả. Vợ tôi cũng giống như má tôi, là người vợ hiền, dâu thảo, con tôi là những đứa con ngoan và hiếu thảo. Cuộc đời tôi như thế nhưng tôi cứ thấy thiếu sót một thứ gì đó mà tôi không hài lòng. Mấy mươi năm cuộc đời không làm lợi ích gì cho bản thân và gia đình mình huống hồ nữa là cho ai.

 

Nói những lời này quả thật là quá muộn màng, biết là vậy nhưng vẫn phải nói cho nhẹ lòng. Nghĩ cho cùng cuộc đời tôi được quá nhiều đấy chứ nhưng không hiểu sao tôi lại vô minh không có trí tuệ, cho nên con đường sáng không thấy, con đường tối lại hiện rõ ràng ràng!”

 

Không có ý chí

 

Gia đình hàng xóm tôi có duy nhất một cậu con trai. Năm học lớp 9 đến ngày lễ nó lấy xe Honda đi chơi ở biển Cần Giờ, trên đường về thì bị tai nạn. Khuôn mặt đẹp trai thì lại bị thương thay hình đổi dạng, phải vào bệnh viện phẩu thuật. Gia cảnh đã nghèo còn gặp chuyện không may, người gây tai nạn lại bỏ chạy mất tiêu. Phẩu thuật xong gương mặt cũng không trở lại như xưa, chỉ thoát chết là may mắn lắm. Khi hồi phục sức khỏe, nó thấy mình ra nông nổi như vầy thì lại buông xuôi tất cả không chịu tiếp tục đi học, ba nó lại giận bỏ mặc luôn.Khi đi ra ngoài nó luôn đeo khẩu trang che cái mặt lại. Má nó và bà con năn nỉ mãi nó mới chịu đi học trở lại, nhưng nó lại mặc cảm vì bộ mặt biến dạng của mình nên ít tiếp xúc với bạn bè, lầm lầm lì lì không nói chuyện với ai. Thi tốt nghiệp xong không chịu đi xin việc làm, nó nói với mẹ nó: “Đi làm ai cũng thấy cái mặt con như vầy con không chịu.” Mẹ nó năn nỉ mãi và phải đích thân cầm đơn đi xin việc cho nó.

 

Bà kể: “Tôi đi xe đạp từ Gò Vấp qua đến quận 4 xin việc làm cho nó, lúc trời mưa lớn phải đứng chầu chực hơn cả tiếng đồng hồ để nộp đơn xin việc, về đến nhà mình mẩy ướt như con chuột lột vậy. Song khi xin được việc nó vào làm được mấy ngày rồi bỏ, nó nói: “Ai cũng nhìn cái mặt nó hết, nó không muốn người ta cười nó”, đâu có ai cười tại nó mặc cảm như vậy, tôi cũng khổ với nó quá chừng không biết phải làm sao nữa! Có một lần tôi không còn cách nào tính, nên đăng báo nhờ báo Tuổi trẻ giúp đỡ. Trên nhà báo người ta xuống tận nhà phỏng vấn và xem tình hình ra sao, người ta khuyên nó: “Gương mặt của em như vậy không có gì nghiêm trọng lắm đâu, có người còn tội nghiệp hơn em gấp bao nhiêu lần nữa mà người ta vẫn phấn đấu đó thôi. Hãy cố lên đi!” Rồi họ giới thiệu cho nó một công việc, nhưng nó vào làm không được mấy ngày thì lại bỏ nữa.

 

Tôi hỏi nó: “bây giờ con muốn sao?” Nó nói: “Bây giờ phải lo cho con ra nước ngoài làm thẩm mỹ lại gương mặt con mới chịu.” Trời ơi! Nhà nghèo như vậy mà nó bảo tôi lo tiền cho nó đi nước ngoài làm thẩm mỹ. Nó bị như vậy là do nó ham chơi chứ đâu phải tôi sanh nó ra như vậy đâu, bây giờ nó lại oán trách là tôi không lo cho nó!”
Cuộc sống thực tại, không phải là màu hồng, cũng không có ai trải thảm đỏ sẵn cho mình mà mỗi người trong chúng ta vẫn hằng mơ tưởng. Cuộc đời như một cuộc chiến đấu cho chính bản thân mình. Nếu vấp ngã phải can đảm đứng lên mới là một sức mạnh đáng khâm phục, nếu không như thế chúng ta có thể đánh mất cả một đời người.

 

Tìm lại chính mình

 

Nó không còn nhớ rõ từ lúc nào nó đã ý thức được cuộc sống. Mỗi khi tà tà trên đường đi về nhà, nhìn thấy người qua kẻ lại bon chen, đua nhau chạy tới, chạy lui trên phố xá, thì có những câu hỏi thường lập đi lập lại trong suy nghĩ của nó: “Tại sao mình sanh ra ở thế giới này vậy? Sao mình không thích hợp với nơi như thế này”.

 

Lúc còn nhỏ gia đình nó sống trong một khu phố thuộc dạng trung lưu. Người dân trong khu phố đó toàn là dân trí thức. Họ rất hòa nhã, lịch sự, tương thân tương ái. Khi nó 8 tuổi thì cuộc sống của gia đình nó thay đổi hoàn toàn. Nó không ở cố định một nơi, khi thì ở với cậu, lúc thì ở với dì. Năm lên 12 tuổi nó về ở với má cùng các em cho đến trưởng thành. Lúc này gia đình nó lại ở trong một xóm lao động. Đa phần là họ hung dữ nhiều hơn là hiền. Dân trong xóm thường đánh lộn, cải nhau bằng những lời thô lỗ, khiếm nhã.

 

Gia đình nó trên dưới không hòa thuận. Ba má nó sống bằng nghề buôn bán nuôi một đàn con. Ba nó làm thì cũng làm nhưng ăn nhậu cũng số một. Ba má thì thường gây gổ, anh em trong nhà luôn cãi vã nhau, giành giựt từng miếng ăn ngon. Mỗi khi có tranh luận điều gì ý kiến của nó luôn luôn bị bác bỏ, cả nhà đều nói: “Chẳng có tâm địa gì cả, ngu quá không biết gì hết, được cũng chẳng mừng mất cũng chẳng lo, không biết lớn lên làm cái gì để sống nữa.” Câu nói này khiến nó tủi thân và tự hỏi: “Có phải mình ngu quá không? Quan điểm của mình là sai sao? Tại sao không giống ai hết vậy?” Tính cách và quan điểm đều không giống người thân nên tình yêu thương của gia đình đối với nó không mặn mà cho lắm. Nhưng nó vẫn thương yêu ba má và anh em nên luôn chịu thiệt thòi về phần mình. Nó luôn mơ ước có một mái ấm gia đình trên dưới hòa thuận, thương yêu nhau, biết nhường nhịn lẫn nhau và biết giúp đỡ lẫn nhau, nhưng mơ ước đó không mỉm cười với nó. Nó tự an ủi: “Mình như vậy là đã may mắn hơn nhiều người lắm. Có những đứa trẻ còn kém may mắn hơn mình rất nhiều, so với những người khác thì một chút quan điểm bất đồng của mình đối với gia đình không là gì cả, nhỏ nhoi lắm không nên đòi hỏi quá nhiều, phải tự nỗ lực hoàn thiện cho mình, phải tự sống cho tốt nếu mình thấy là đúng.” Đây cũng là một trong những cách tốt nhất để nó tự vươn lên hơn là mong chờ vào ai. Ba má nó xem trọng việc kiếm tiền hơn là việc chăm sóc, dạy bảo con cái. Đi ra ngoài nó phải tự mình học hỏi thầy cô, bạn bè, những điều hay, dở phải tự sàng lọc mà học. Nhưng những tác động của gia đình đối vớinó quá lớn, nên nó không có tự tin trong cuộc sống, làm việc gì cũng không vượt qua nổi cái định kiến của người thân.

 

Quan điểm giữa người thân và nó không có tương đồng, nhưng không vì thế mà nó bác bỏ đi cái quan điểm của mình. Cho dù không tự tin vào chính mình lắm nhưng nó cũng làm theo những gì nó cảm thấy là đúng. Nó tự phân biệt việc đúng việc sai. Khi lập gia đình nó lấy từ kinh nghiệm bản thân của mình để dạy con theo cách của nó. Nó nghĩ rằng: “Cha mẹ luôn là người thầy tốt nhất cho con cái, trẻ thơ muốn có được một đời sống tốt đẹp cho tương lai, yếu tố căn bản quan trọng là tình thương của cha mẹ và sự chăm sóc, dạy dỗ, uốn nắn cho trẻ từng chút một ngay từ đầu.” Tâm hồn trẻ thơ rất trong sáng nếu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Ngay từ nhỏ dạy cho nó vào một nề nếp, khi lớn lên nó đã hình thành được một nhân cách đạo đức tốt nếu có thay đổi cũng chỉ là phần nhỏ mà thôi. Dạy một đứa con cho nên người không phải là chuyện dễ. Cũng như những cây cảnh, người ta muốn uốn nắn nó theo kiểu này hình nọ để tạo dáng cũng mất rất nhiều công phu. Nó không học theo cách của ba má nó, bởi ba má nó chỉ mãi lo kiếm tiền nên mấy đứa em nó lớn lên cũng theo cái vòng xoáy đó mà thành người.

 

Bao nhiêu năm chầm chậm trôi qua, nó không may mắn trên con đường tình duyên nhưng bù lại con cái nó đều rất ngoan và hiếu thảo. Bây giờ chúng là chỗ dựa tinh thần vững chắc của nó, là những hy vọng và niềm tin của nó, đem lại cho nó một cuộc sống an vui. Nhưng bấy nhiêu đó cũng chưa giúp được nó thoát khỏi những định kiến của gia đình nó khi còn nhỏ.

 

Con của nó mong muốn nhìn thấy mẹ mình vui vẻ có tự tin vào bản thân và cuộc sống, chúng nó nghĩ mẹ đã chịu ảnh hưởng gia đình bên ngoại ngay từ nhỏ, nên bây giờ muốn thay đổi suy nghĩ của mẹ cũng không phải là một sớm một chiều. Có lần con của nó kể cho nó nghe một câu chuyện để đả thông tư tưởng của mẹ mình.

 

Chúng kể:“Có một con gà mái đang ấp một ổ trứng, không biết vì sao lại lọt vào trong ổ gà đó một quả trứng con Đại Bàng. Ấp đủ ngày đủ tháng nở ra một đàn gà con, trong đàn gà đó có một con Đại Bàng con. Đại Bàng con quanh quẩn sống chung với gà mẹ và đàn gà con. Đại Bàng vì khác mặt khác mũi nên bị đàn gà con và gà mẹ nó không ưa, thường ăn hiếp nó. Mỗi ngày đi kiếm ăn, nó thường nhìn thấy trên bầu trời có một con Đại Bàng đang bay trên không. Nó luôn ao ước mình cũng sẽ bay được như thế, vì vốn dĩ bản thân nó là Đại Bàng nên ao ước đó là lẽ tất nhiên. Đàn gà con nhìn nó chê cười: “Mày cũng là gà như tụi tao vậy, đừng có mơ mộng viễn vông, có muốn bay cũng chẳng bay được.” Nó không biết mình là Đại Bàng, luôn vẫn tưởng mình là gà nên thường không hiểu vì sao bản thân chung một mẹ sanh ra mà mình luôn bị ăn hiếp. Tự ti mặc cảm cho phận mình. Mỗi ngày một lớn, bỗng dưng nó nghĩ: “mình muốn bay tại sao không thử chứ, nếu cứ tự ti mặc cảm thì suốt đời mình cũng chỉ ở dưới đất mà thôi”. Rồi đến một ngày kia có một con Đại Bàng đang bay trên bầu trời. Nó ở dưới đất nhìn thấy liền vung đôi cánh bản năng của nó bay lên, lúc đó nó vui vẻ nghĩ rằng: “Mình đã bay được rồi, mình đã làm được những gì mình muốn làm rồi.”

 

Cuộc đời con người sống có mấy mươi năm. Mấy mươi năm không phải là dài nhưng cũng không phải là ngắn, nếu chúng ta nhìn thấy nó qua đi từng phút từng giây. Cuộc đời của mình là do mình quyết định. Mình có quyền chọn lựa không ai có thể chọn thay cho mình cũng không nên phó mặc cho số phận, phó mặc cho số phận là một tiêu cực và bi quan.

 

Học làm người

 

Làm người có rất nhiều việc để làm, rất nhiều điều để học. Lời của Đại sư Tinh Vân nói: “Học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được. Học tích lũy kiến thức bằng cấp ở ngoài đời tuy khó nhưng không khó bằng cách học làm người.

 

Học ân nghĩa hiếu kính là bài học đầu tiên của việc làm người. Học ân nghĩa hiếu kính là học cái hạnh của Bồ Tát Địa Tạng Vương. Nói đến Bồ Tát Địa Tạng là nói đến hạnh hiếu. Nếu biết ân thì mới biết đến nghĩa tình, nếu biết nghĩa tình thì mới biết đến hiếu thuận và biết hiếu thuận thì sẽ biết đến kính trọng bề trên và nhường kẻ dưới. Cứ tuần tự như vậy mà học.

 

Học bớt sân si nóng giận. Thường những gì không vừa ý thì chúng ta hay nổi sân hoặc mong muốn điều gì không được cũng nổi sân. Sân giận thường đi kèm theo tham. Nếu không tham cầu thì cũng khó nổi sân. Chúng ta luôn thấy cái mất của mình chứ không thấy cái mình có được, luôn muốn người khác phải tốt với mình, liệu có bao giờ nghĩ rằng mình đã tốt với họ được gì chưa.Khi uống một ly sữa thì nói sữa có vị ngọt nhưng khi uống ly nước cam lại chê vị nước cam chua. Chúng ta không bao giờ bằng lòng với hiện tại, cứ luôn đòi hỏi những chuyện ngoài tầm tay của mình nên trong tâm thường không thoải mái rồi sân hận. Mình cứ tốt với mọi người rồi sẽ được nhận lại, không tốt với người mà muốn có được sự ưu ái ngược lại là chuyện không thể có. Quy luật trong cuộc sống không chỉ là đón nhận mà còn phải cho đi. Một đạo lý đơn giản như vậy nhưng rất ít người làm được. Thành bại, hạnh phúc, giàu sang hay nghèo khổ... thậm chí “thân người khó hay dễ được” đều có cái nhân của nó. Luật nhân quả mà!

 

Học nhẫn nhịn để mình không phải sân giận.Tục ngữ có câu “Một câu nhịn chín câu lành”. Cháu tôi khi còn nhỏ nó thường sống với cậu mợ và ông bà ngoại. Nhà cậu nó ở ngay chợ nên người ta buôn bán cải nhau là chuyện thường xuyên. Mỗi lần họ tranh giành cải nhau ông ngoại nó thường đem câu tục ngữ này ra để dạy bảo. Khi đó còn nhỏ nó cứ nói: “Làm thế nào mà nhịn được ta!” Nhưng nghe riết rồi quen tai, dần dần thấm vào tiềm thức. Cho nên mỗi lần có xảy ra chuyện gì dù là người thân hay hàng xóm thì nó liền nhớ ngay câu này rồi chuyện lớn thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không. Cho nên mới nói gia đình ông bà, cha mẹ là yếu tố quan trọng đầu tiên để hình thành tính cách cho trẻ. Đây là bước cơ bản để học chữ “nhẫn”.

 

Học cách biết tha thứ. Nhẫn nhịn thành thói quen sẽ dễ dàng tha thứ lỗi lầm của người khác. Con người không ai tránh khỏi lỗi lầm. Khi họ phạm sai lầm không có nghĩa là họ cứ mãi sai lầm hay không có tích sự gì. Chỉ cần họ biết sửa lỗi sai thì đó là một sự đáng khâm phục và hãy luôn mở rộng vòng tay đón chờ họ. Hoặc nếu họ không có thiện chí muốn sửa. Hãy biết nhìn ở mặt tích cực, ở những điểm tốt mà họ có, đừng nhìn những điểm xấu của họ thì mình sẽ cảm thấy dễ dàng tha thứ hơn. Bởi chúng ta không ai hoàn thiện cả, không ai có thể dám khẳng định rằng trong cuộc đời mình không bao giờ lầm lỗi dù là rất nhỏ.Hãy nhìn lại mình và sẽ thấy mình cũng đã có không ít sai lầm. Mỗi người có một cách sống khác nhau nếu họ thấy vui với điều họ đang sống. Mình không thể mong chờ ở họ phải sống giống như mình hoặc muốn thay đổi cách cư xử của họ đối với mình. Không phải lúc nào mình cũng có thể thay đổi được người khác. Có lẽ họ cũng không cần mình tha thứ, nhưng nếu mình không biết tha thứ, trước tiên chính mình tự chuốc lấy phiền não nặng nề cho mình. Cho nên, mở rộng lòng tha thứ với mọi người cũng chính là đem lại cuộc sống an lạc và hạnh phúc cho chính bản thân.

 

Khi dễ dàng tha thứ cho người khác là mình đã biết học trải rộng tình thương. Chúng ta thường chỉ biết có gia đình và người thân của mình là nhất thôi, có thương người nghèo khổ cũng chỉ một chút thoáng qua chứ không hiểu thấu nỗi cái cảnh khổ của người gặp phải. Khi cái cảm thọ của khổ mà chính mình cảm nhận thì mới biết đồng cảm được với người.

 

Phật dạy chúng ta nuôi dưỡng tâm từ bi. Tâm từ bi rất lợi hại. Có tâm từ bi sẽ hóa giải được hận thù, tâm mình không dễ gì sân hận. Có tâm từ bi mình không nỡ làm tổn hại đến ai ngay cả loài vật. Mình luôn mưu cầu hạnh phúc không ai muốn khổ đau. Những con vật có tính hữu tình cũng giống như vậy, biết thương yêu cuộc sống chúngđều không muốn đau khổ đến với mình. Điều này chúng ta thấy rất rõ ràng ở những con vật mà chúng ta giết hại để đem lại miếng ăn ngon cho mình. Khi giành giựt từng giây phút sống còn chúng đều kêu la,giãy dụa thảm thiết. Chẳng qua là ngôn ngữ của nó mình không hiểu được mà thôi. Phật dạy quả sát sanh thường mang lại thân mình yểu mạng, bệnh hoạn, tai ương. Có người nói người tu một con kiến, con muỗi cũng không dám giết. Thật là vậy, người tu hành chân chính cây cỏ họ cũng không nỡ dẫm đạp lên, một lỗi nhỏ xíu họ cũng rất cẩn thận để tránh. Khi nghe nói tôi cũng không hiểu thế nào, bây giờ suy gẫm kỹ mới hiểu là tuy mạng con kiến, con muỗi ngắn ngủi giết nó thấy không có sao.Nhưng thực ra mình thường gieo nhân sát hại như vậy thì cũng không tốt cho thân mạng của mình. Sát sanh mạng lớn có cái quả lớn, sát sanh mạng nhỏ có cái quả nhỏ, cho dù không có yểu mạng, nhưng đau yếu hoài thì làm gì cũng chẳng được, muốn tu hành cũng chẳng xong.

 

Trải rộng tình thương mới có tấm lòng bao dung đến mọi người. Tình thương và tấm lòng bao dung là món quà vô giá khi mình biết trao tặng cho nhau. Học hoan hỷ với niềm vui của người khác, ai hơn thì mừng cho họ, ai kém may mắn thì giúp đỡ họ. Học làm người là để tập chuyển hóa nội tâm và hoàn thiện bản thân, cũng là gieo cái nhân để có được cái quả tốt đẹp cho đời này và đời sau, để ươm mầm kết nên huệ mạng của đời người. Học làm người cũng để mở mang trí tuệ, để đẩy lùi vô minh, cũng để bào mỏng tham sân si... Phật nói “Thân người khó được” chính làtùy thuộc vào cuộc sống của chúng ta đang huân tậpở hiện đời, tùy thuộc vào khả năng trí tuệ sáng suốt của chính mình. Còn rất nhiều việc để mình học. Học cả đời người cũng học không hết. Học hoài học mãi cũng vẫn thấy mình còn cái chưa học hết.

 

Suy ngẫm...

 

Cuộc đời con người không bao giờ hoàn hảo cả. Những mất mát xảy ra trong cuộc đời là chuyện hiển nhiên. Chúng ta hãy nhẹ nhàng, thanh thản trước những mất mát, đau thương đó, bởi ngoài bản thân mình còn có cha mẹ, anh em người thân nhất của mình. Điều cơ bản làm người tối thiểu cũng phải biết tự lo cho mình, đây là bản năng sinh tồn của con người khi phải đối diện trước sự khiếm khuyết hay mất mát mà mình gặp phải. Đó là chỉ nói trong một phạm vi hạn hẹp, còn trong phạm vi rộng hơn thì sẽ thấy rất nhiều người họ sống không chỉ vì mình và người thân mà còn có đồng bào, chủng tộc. Trong xã hội có những người họ làm rất nhiều việc từ thiện giúp đỡ mọi người, thậm chí là ở khắp nơi trên thế giới. Được, mất, hơn, thua, thiếu, đủ đó chỉ là cái bóng, nếu cứ vì những cái bóng đó để đuổi theo nó thì sẽ đánh mất mình và không có điểm dừng, đôi khi mình lại bỏ lỡ biết bao sự sống mầu nhiệm trong thực tại. Những khiếm khuyết của mình nếu biết tận dụng nó thì nó sẽ trở thành lợi ích cho mình và cho mọi người rất nhiều. Có một câu danh ngôn “Đừng đếm những gì bạn đã mất, hãy quý trọng những gì bạn đang có và lên kế hoạch cho những gì sẽ đạt được bởi quá khứ không bao giờ trở lại, nhưng tương lai có thể bù đắp cho mất mát”.

 

Chúng ta khi còn trẻ tính khí nông nổi. Khi gặp những oan trái đau khổ không ai tránh khỏi cảnh ngao ngán cuộc đời, chán chường cuộc sống, sẽ thấy... sao cuộc đời mình quá khổ, mất nhiều hơn là được, muốn buông xuôi tất cả. Nhưng tránh cái khổ này cái khổ khác sẽ gấp bội. Thay vì chối bỏ nó mà mình đối diện với nó. Đối diện để sống hòa bình với nó. Khi đó mình sẽ nhận ra rằng đây là hương vị tất yếu không thể thiếu trong cuộc sống, rồi dần dần nó sẽ qua đi. Cuộc đời này chỉ là tương đối không có gì tuyệt đối cả. Chúng ta hãy nghĩ đến cha mẹ, gia đình và con cái phải tiếp tục nỗ lực vì họ. Thân mình có được là nhờ vào cha mẹ. Mình tự nỗ lực góp phần ung đúc nhân cách cho bản thân là đã giúp cho cha mẹ bớt phần gánh nặng. Cho dù có chán ngán cuộc sống đến mấy cũng không nên phá hoại tương lai cuộc đời mình. Đắm chìm trong trụy lạc ăn chơi đó là những thói hư tật xấu, khi nó thành tập nghiệp nó sẽ có lực chi phối cuộc sống của mình, chẳng những mình khổ mà người thân của mình cũng liên lụy theo. Hủy hoại tương lai cuộc đời mình là có tội với cha mẹ, là trở thành một gánh nặng cho xã hội, đến khoảnh khắc gần cuối cuộc đời nhìn lại rồi tiếc nuối cũng chẳng giúp ích được gì, mà lại uổng đi một kiếp người.

 

Từng giai đoạn của đời người cái khổ đau, hạnh phúc, sự giàu sang, nghèo khó, được và mất có tính toán được không? Nếu được thì cái bản ngả của mình không biết như thế nào. Nếu không thì trong mỗi hoàn cảnh vào mỗi thời điểm chuyển biến nào đó mình sẽ giải quyết cho mình một cách nào tối ưu nhất mà có thể, và hãy hiểu rõ rằng tất cả đều có nhân quả, luật nhân quả chi phối cả thế giới này. Vòng luân hồi lẫn quẩn. Phật nói: “cuộc sống chúng ta được hình thành từ nghiệp và nghiệp sẽ theo chi phối đời sống chúng ta.” Có đôi khi nhờ những chuyển biến đó trong cuộc sống mà mình rút ra được kinh nghiệm và có được những điều mới mẻ hơn để học hỏi. Thiếu một chút mình sẽ dễ dàng thương người khốn khó, cảm thông cho người bất hạnh hơn mình. Nếu có đầy đủ tất cả mình sẽ không biết quý trọng những gì mình đang có, bởi lòng tham con người không đáy. Trong cuộc sống có những thứ không phải của mình cho dù muốn giành, muốn giựt cũng sẽ không có được. Có câu “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Giá trị đích thực của mỗi con người không chỉ là vị trí mình đang đứng ở đâu, mà còn nằm ở việc mình đã sống như thế nào, và ở những gì mình đã để lại sau khi chết.

 

[ Quay lại ]