headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 08/11/2024 - Ngày 8 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Phước báu không phải là định tuệ 

HakuinChân Hiền Tâm

Đại sư Bạch Ẩn nói:
Thường có một số người hay gom góp thật nhiều để có nếp sống xa hoa, cho sự trù phú của ngôi chùa sẽ làm tăng vẻ hào nhoáng cho việc giảng pháp.

Chư vị tưởng có tài hùng biện, ăn nói lưu loát là có trí tuệ, coi việc ăn ngon mặc đẹp là đồng với Phật đạo, xem vẻ đẹp hấp dẫn và sự kiêu ngạo như những đức tính, và cho rằng lòng tin của tín đồ đối với họ là dấu hiệu cho thấy họ đã giác ngộ được pháp Phật. Nhưng đáng buồn nhất là họ đem cái thân xác con người có được này ra làm nô lệ cho sự mưu cầu danh lợi chôn vùi Phật tánh vô thượng dưới những lớp bụi ảo tưởng chồng chất …

Giải thích:

 Thiền sư Bạch Ẩn phân tích để thấy: Sự trù phú của một ngôi chùa, việc ăn nói lưu loát và lòng tin của phật tử đối với một thiền giả, chưa hẳn đã là thứ biểu trưng cho việc thiền giả đó có đủ Định Tuệ. Đây nói CHƯA HẲN, vì những việc như thế có thể xảy ra với một vị có Định Tuệ nhưng vẫn có thể xảy ra nơi một vị không có Định Tuệ. Phân biệt như thế, để chúng ta hiểu phước báu và Định Tuệ không phải một. Có phước báu chưa hẳn đã có Định Tuệ. Có thể lấy việc hiện tại ở thế gian để chứng tri: Người có thể xây mấy ngôi chùa chưa hẳn đã biết gì về giáo lý thiền, huống là hành thiền để nói là có Định Tuệ.

Sự trù phú không phải là Định Tuệ

Tăng ni nếu chẳng niệm Phật, thiền tọa v.v… mà chỉ lo tập trung làm việc phước thiện như cứu trợ, cúng dường các chùa, các trường hạ, lo việc phật sự thì quả báo của những việc đó là sự sung túc, đệ tử đông v.v… chứ không thể là Định Tuệ. Định Tuệ là cái quả của Chỉ Quán, của Niệm Phật Tam Muội v.v… không phải là cái quả phát sinh trực tiếp từ bố thí cúng dường. 

Phát tâm tu Phật một thời gian, đây nói tu Phật không nói tu phước, bỗng thấy mọi thứ chung quanh thay đổi: Từ ngôi nhà hay ngôi chùa cũ rích bỗng trở thành nguy nga tráng lệ, tiền bạc bắt đầu hanh thông v.v… thế là cái niệm tự mãn nẩy sinh, cho đó là kết quả tu hành thành công của mình. Ừ, đó là do kết quả tu hành của mình, nhưng chỉ mới ở mặt phước đức, chưa hẳn là do định lực và trí tuệ phát triển. Nếu mình lầm lẫm giữa hai việc này với nhau thì mình rơi vào chỗ mà Đại sư đã nói: “Coi việc ăn ngon mặc đẹp là đồng với Phật đạo”.

Người tu phước thì không có gì để nói vì họ chỉ nhắm tới mặt phước báu. Khi phước báu đầy đủ, họ dừng trụ ở đó là chuyện đương nhiên. Còn mình tu Phật, mình đã khoát lên người chiếc áo của Như Lai thì “Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh”. Muốn cầu Phật đạo thì Định Tuệ phải có. Không có Định Tuệ thì không có Phật đạo. Bản thân mình đã không có Định Tuệ thì lấy gì để hóa độ chúng sinh hướng về Phật đạo?

Không có Định Tuệ mà phước báu càng lớn thì có khi nguy hại càng nhiều. Bởi nó khiến mình không thể dừng mà cũng không có ý muốn dừng. Mình bị cuốn phăng trong dòng phước báu mênh mông. Ý thức được sự nguy hại của nó, chưa chắc đã thoát ra được, huống là không ý thức, cứ nhập nhèm cái quả phước đức với Định Tuệ?

Trong quá trình xây dựng thiền viện Trí Đức, thầy T.H đã ra đi. Tôi không tiếp xúc nhiều với thầy nhưng vẫn nghe thầy là một người đáng nể trong việc phật sự cũng như tu học, thành nghe tin thầy mất, tôi không khỏi sửng sốt và đau đớn.

Chết và sống là chuyện thường tình ở nhân gian. Không ai chịu trách nhiệm về cái chết của ai được. Bởi con người là kẻ tạo nghiệp và thừa tự cái nghiệp mình tự gây tạo đó. Nhân duyên của thầy như thế thì việc xảy ra là như thế. Xây dựng Trí Đức cũng là việc phải làm, bởi thiền sinh ngày càng đông và phật tử cần có chỗ tu học. Mọi thứ là cần thiết, không có gì dư thừa. Việc làm và sự ra đi của thầy là cao quí. Nhưng không hiểu sao, cái chết ấy cứ xoáy mạnh vào tâm can tôi như một lời nhắc nhở: Làm phật sự, NẾU KHÔNG KHÉO cũng chính là đang chạy theo tướng bên ngoài. Chạy theo tướng bên ngoài thì giết chết tuệ mạng của người tu. Tuệ mạng của mình đã chết thì tuệ mạng chúng sinh hữu duyên với mình cũng không còn. Bởi lấy gì để hướng chúng sinh của mình về Phật đạo?

Cho nên, ngay với phật sự, mình cũng cần phải sàng lọc xem thứ gì cần thiết, thứ gì dư thừa để cân đối nhịp nhàng giữa phước báu và Định Tuệ, giữa tự lợi và lợi tha. Với những hình thức có vẻ như phật sự chứ chưa hẳn là phật sự, mình càng phải cẩn trọng. Bởi thứ gì cũng dễ huân vào tạng thức, làm mầm mống sinh khởi tập nghiệp trong những kiếp sau. Định Tuệ đã lỏng thì chánh dễ thành tà. Tà kiến rồi thì việc lợi tha chưa hẳn là lợi tha.    

Thầy Tổ và những bậc đi trước đã xả thân để chúng ta có được chỗ tu học khang trang tươm tất. Có lẽ, điều mong ước của chư vị không gì hơn là lớp hậu sinh có đủ điều kiện và thời gian để tập trung toàn bộ cho việc thực hành xứ mạng mà Như Lai đã giao phó: “Trên cầu Phật đạo. Dưới hóa độ chúng sinh”. Muốn đền đáp ít nhiều công ơn đó,  không gì hơn là phải phát triển Định Tuệ của chính mình, đó là tự lợi. Tự lợi được ít nhiều rồi thì phải lợi tha. Đó là giúp những người hữu duyên với mình cùng phát triển Định Tuệ như mình.  

Trên là phần Đại sư cảnh tỉnh người tu về vấn đề hưởng thụ phước báu. Chúng tôi ghi ra đây để chúng ta không lầm phước báu là Định Tuệ. Tăng ni không lầm, phật tử cũng không lầm, thì việc xây dựng một ngôi Tam bảo cho bằng chị bằng em, không phải là cái mốc mà người tu nhắm đến. Không đặt mục tiêu sai lầm, ta mới không vướng vào những chuyện sai lầm.

Nếu một ngôi thiền viện được xây dựng cho thật lớn, không phải để giải quyết việc tu học cho tăng ni và phật tử, nhưng vì xây dựng nó, ta phải đầu tư khá nhiều tâm lực đến nỗi không có thì giờ tu hành, suốt ngày chỉ lo chạy vạy, nợ nần, mượn tiền người không trả v.v... khiến phật tử có cái nhìn không tốt về đạo hạnh của một người tu, thì việc tự lợi của mình còn chưa xong, nói là lợi tha hay truyền bá chánh pháp?

Hòa thượng Thường Chiếu vẫn dạy tăng ni cũng như phật tử nên hoàn chỉnh phần chánh báo cho tốt. Chánh báo tốt rồi thì y báo đương nhiên đầy đủ, không cần phải chạy vạy lo toan. Lo toan chạy vạy đến nỗi quên mất việc tu học cho bản thân, lại khiến tam nghiệp thành bất tịnh, là ta đang đi ngược lại với lời dạy của Phật Tổ. Quả xấu khó tránh khỏi trong tương lai. Đều do thiếu chánh kiến mà ra.             

Ăn nói lưu loát chưa hẳn là có trí tuệ

Kế, Đại sư dạy về vấn đề ngôn luận: “Chư vị tưởng có tài hùng biện, ăn nói lưu loát là có trí tuệ”. Câu này tương đương với câu ta hay nghe hiện nay ‘Nói thì hay mà làm không hay’. Cái ‘hay’ nói đó là cái hay của việc ‘hay nói’ và ‘nói nhiều’, không phải là cái thực sự ‘hay’ trong việc nói pháp. Vì sao? Vì thứ gì muốn nói hay, dù là pháp thế gian, đòi hỏi phải có trải nghiệm ít nhiều mới có thể nói hay, mới có thể đi vào lòng người, huống là Phật pháp, nhất là pháp tối thượng.

Cho nên, nếu có hay cũng chỉ là cái hay của thế gian, thứ mà ta hay gọi là khéo miệng, hoặc là những cái hay thuộc về hình tướng như nhân quả v.v… Còn những thứ thuộc phần tâm thức thâm sâu, nếu không có sự trải nghiệm ít nhiều thì không thể nói hay. Thứ gì chỉ do học hỏi không do trải nghiệm mà ra, thì câu trước dù đúng, qua đến câu sau cũng dễ trật, không có sự nhất quán trước sau.[1] Thứ ta thấy nói hay, chẳng qua vì người nói ‘không hay’ mà mình không biết, tưởng là ‘hay’, hoặc mình lấy cái ‘hay’ của một sự này làm nền tảng khỏa lấp hết những cái ‘không hay’ khác mà mình không biết. Như vin vào nốt ruồi đen của người da trắng mà cho người da trắng ấy da đen. Đó là lý do vì sao mình thấy người đó nói hay mà trên sự thì chỉ mới ở phần giới luật đã thấy họ giữ không nổi. Chẳng qua vì những cái họ nói ‘không hay’, mình không đủ trình độ nhận thức để hiểu cho cặn kẽ.

Đứng ở mặt nhân quả mà nói, cái quả mình nhận được trong hiện tại, đều có cái nhân ở quá khứ. Mình nói chuyện trên trời mà thiên hạ vẫn tin vẫn nghe, đó là do cái phước cái đức ở thời quá khứ. Phải có phước đức thế nào đó ở quá khứ giờ nói thiên hạ mới chịu nghe. Không có cái phước đức ấy làm nền tảng, dẽo miệng bao nhiêu cũng thành vô duyên. Có điều, trong cái phước đang hiện tiền đó, mình dụng cái khéo của mình là vì lợi ích cho người hay vì một lợi ích chung, thì phước tạo phước. Nếu dụng cái phước ấy vì lợi ích cho bản thân thì đó là phước tạo họa. Với các sự khác cũng như vậy.        

Phân tích thì như thế, nhưng cái chính không phải để hướng ra ngoài phê phán hay luận bàn mà để thiền giả ‘Phản quan tự kỷ’, để rút kinh nghiệm cho chính mình. 

-------------------------------------------------------------------------------------
[1] Chư vị thiền sư thường dựa vào sự không nhất quán này mà khảo nghiệm thiền khách ...
 

[ Quay lại ]