headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 30/04/2024 - Ngày 22 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Mẹ chồng

mechongLiên Loan

Khi tôi đọc mẫu truyện ngắn “Nàng dâu hiếu thảo” trên báo giác ngộ, bỗng nhiên tôi cảm thấy ngậm ngùi và nghĩ đến lời của một vị Hòa Thượng dạy: “Trước sau mình vẫn là mình, không thay tên đổi họ, oan trái nên nhận chứ không nên biện bạch. Mình làm đúng cho dù không ai công nhận mình cũng tồn tại. Mình làm sai dù cho có hào quang che chở cho mình, mình cũng sẽ bị đào thải.”

Đạo mình thì mình giữ, oan trái của mình thì mình đón nhận không oán trách, nhưng để làm được điều này hoặc làm như thế nào thì không phải là chuyện dễ dàng mà ai cũng làm được.

Không tròn bổn phận…

Chị họ tôi khi thời con gái đã tuyên bố rằng nếu chị lấy chồng chị sẽ không bao giờ lo lắng cho gia đình chồng. Chị chỉ biết có mỗi người mẹ là mợ tôi thôi. Đám cưới diễn ra sau khi anh họ tôi xem ngày kỹ lưỡng. Khi cưới về gia đình chồng cũng yêu quý chị lắm, nhưng sống chung không được bao lâu thì hai vợ chồng ra riêng, gia đình bên chồng không biết tới luôn.

Cuộc sống riêng của vợ chồng chị được một năm thì hai người chia tay. Khi hỏi ra mới biết là hai vợ chồng đi làm về ít khi có bữa cơm chung ăn với nhau. Anh rể tôi chi tiêu gói ghém bao nhiêu thì chị họ lại xài hoang bấy nhiêu. Chị thấy người ta sắm sửa cái gì thì chị đòi anh mua cho bằng được cái đó. Sau khi tan sở thì chị giao du với bạn bè, ăn uống, tiêu khiển, còn anh đi làm về nấu cơm ăn một mình. Nhà cửa một tay anh rể dọn dẹp, chị không có động tay đến. Mỗi khi mợ tôi ở quê lên chơi thì chị lo đủ điều, nhưng đối với bên chồng thì chị phớt lờ.

Hiếu đạo không giữ…

Em trai họ bên chồng tôi ở quê lên thành phố học, nó học ngành kiến trúc. Trong thời gian học đại học nó quen một cô bé học chung ngành lại là con nhà giàu. Bố cô ta là tổng giám đốc một công ty Kiến trúc tại thành phố. Sau khi ra trường nó cưới cô bé đó và bố cô ta cũng nâng đỡ nó trong công việc.

Vốn dĩ tay này nó thông minh và học rất giỏi. Sau khi cưới vợ và được sự nâng đỡ của bố vợ, nó làm việc như hổ mọc thêm cánh, khá lắm. Cả nhà cô tôi đều nhờ một mình nó. Nó lo lắng mọi thứ cho gia đình. Lúc này mới bắt đầu có chuyện đây.

Sau mấy năm làm việc nó cất nhà ở riêng và đón cô tôi lên thành phố sống. Cô tôi cũng thật thà nghĩ rằng lên ở để trông nhà cho nó đi làm thôi. Khi lên ở thì mới biết rõ ra là con dâu không ưa gia đình chồng và cũng chẳng muốn má chồng lên nhà mình ở. Con dâu xử sự không mấy gì hay, cô em chồng tôi hỏi nó:n “Hồi đó chị thấy em ngoan lắm mà, sao bây giờ em đối xử với má như vậy.”

Cô em dâu nói: “Hồi đó chưa cưới còn nhường nhịn, bây giờ thì còn khuya.”

Cô tôi đau lòng quá nên xách gói về quê không nói một lời nào.

Phận mỏng đạo tròn…

Người bạn tôi tính cách anh ta hơi phóng khoáng một chút, nên má anh rất lo lắng về tương lai của anh, mỗi khi anh dẫn cô bạn gái nào về nhà, bà cũng không đồng ý. Cuối cùng bà về quê, chọn cho anh một cô vợ, chị rất xinh và hiền, nhưng anh lại không thương, vì sợ má buồn nên anh bằng lòng cưới chị.

Khi chị về nhà chồng, anh luôn kiếm chuyện đi làm xa để chị ở nhà với má và cô em chồng. Tuy chồng không thương chị, nhưng được cái duyên là má và em chồng rất yêu quý chị. Mỗi khi không có chồng ở nhà hoặc chồng lạnh nhạt thì chị hay qua ngủ với má chồng, ôm má chồng ngủ, thủ thỉ như con gái vậy.Má chồng thấy chị hiền và ngoan, mà con trai mình lại như vậy, bà sợ chị buồn nên bảo chị: “Con về quê chơi thăm ba má con ít hôm rồi lên nha con.”

Chị nói: “Con mới về đây mà về nữa má buồn đó, con đã lấy chồng là phải theo chồng về hoài làm sao được, má mặc kệ ảnh đi để cho ảnh làm ăn một thời gian rồi ảnh sẽ về mà, con không sao đâu má đừng lo cho con ảnh không có ở nhà thì con ngủ với má, lo cho má.”

Chị càng ngoan bao nhiêu, bà má lại mắng nhiếc con trai mình bấy nhiêu. Thời gian qua đi cũng không lâu, vậy mà cũng có được hai đứa con. Rồi việc làm ăn của anh thất bại, từ thất bại này đến thất bại khác, và cũng từ đó anh nhận ra được người bấy lâu nay âm thầm lo lắng, chăm sóc cho gia đình và đồng cam cộng khổ với mình. Cuối cùng quay về nhà sống êm ấm với cô vợ ngoan hiền. Cô dâu trước cũng như sau đều sống hiếu thuận với gia đình chồng. Bây giờ họ đã có xui gia.

Hiếu đạo cảm hóa…

Ngày xưa khi má tôi  lấy chồng, bà con lối xóm đều lắc đầu tiếc rẻ: “Tôi mà biết chú Hai gã cô cho gia đình đó là tôi cản liền, ai mà làm dâu gia đình đó nổi.”

Không biết ông bà nội khó thế nào, nhưng má tôi về làm dâu ông bà thương lắm. Bà nội sai làm việc gì hoặc sai đi đâu, má phải làm cho xong chuyện mới về không bao giờ biếng nhác làm qua loa. Má kể: “Có lúc bà nội con bảo má đi thu tiền hàng. Khi đến không có chủ ở nhà, má phải ngồi trước nhà đợi đến khi nào người chủ về mới thôi. Lấy được tiền hay không cũng phải có câu trả lời má mới chịu về. Có lúc đợi cả buổi đói bụng rã rời luôn mà cũng phải đợi bằng được. Ông bà dạy sao thì làm theo lời như vậy không dám cải, bởi vậy ông bà nội con thương má lắm.

Sau này khi ba má ra riêng, mỗi chuyến má đi giao hàng về là đều mua trái cây hay quà đem về biếu ông bà nội. Thỉnh thoảng lại gởi tiền vào túi để ông nội xài vặt. Ông bà nội còn sống phải lo gởi miếng bánh miếng quà, mai mốt ông bà qua đời rồi mình không có hối hận. Má đối xử với ông bà ngoại ra sao thì đối với ông bà nội con cũng vậy, đều là cha mẹ cả. Mình đối xử tệ với cha mẹ sao này không có cơm ăn đó con.”

Nghe má kể tôi mới nhớ ra, lúc tôi ở với ông bà nội, cứ mỗi lần ông nội đi xe hàng về mà không có tiền xài là hay bảo tôi vể xin má tôi tiền cho ông nội. Hể ông nội cần tiền xài là má đưa ngay không nói một lời nào cả.Má kể tiếp:

“Mợ Hai con chị kỳ lắm, hồi đó má ở quê vào nhà cậu Hai con ở để học nghề, đến bữa ăn cơm mợ Hai cứ cầm đôi đũa dầm dầm chén cơm mà nói: “Cô Chín, cô ăn ít ít thôi cô ăn nhiều sẽ mập rồi bị đứt gân máu chết đó.” Má tưởng thiệt nên sợ quá đâu dám ăn, mỗi bữa chỉ ăn có nữa chén cơm thôi. Sau này lấy ba con má về làm dâu, sống với ông bà nội, nhà có người làm sung sướng nên ăn uống bình thường đâu có kiêng, nhưng mập đâu có thấy đứt gân máu gì đâu, lúc đó má mới biết là mợ Hai con xấu.”

Bà ngoại tôi hơi khó tánh một chút nhưng ông ngoại rất hiền và ít nói. Con cái có vợ chồng xa hết, bà ngoại vào ở với má tôi trong Sai gòn, còn ông ngoại ở với cậu Hai ngoài tỉnh. Nhà cậu Hai làm lò bánh mì nên lâu lâu cậu phải đi Sai gòn mua hàng, mỗi chuyến đi như vậy cả tuần cậu mới về. Khi không có cậu ở nhà mợ Hai không mua thức ăn cho ông ngoại ăn cơm, ông có gì thì ăn nấy không nói lời nào. Má kể:“Có một lần ông ngoại con đang sàn thuốc rê phơi, mợ Hai đi ngang qua hất một cái bụi thuốc đổ tứ tung vào mặt ông ngoại. Ông buồn quá bỏ đi vào trong nhà mình,trên đường đi ra sân bay đúng lúc ấy gặp cậu Hai con ở trong Sai gòn về, nhìn thấy ông ngoại ốm quá cậu ôm khóc và hỏi:“Cha có bệnh không mà ốm vậy cha?” Ông ngoại con nói:“Không có gì đâu con, cha nhớ con Chín nên vào Sai gòn thăm nó thôi. Con về nhà đi.”

Vào Sai gòn ông ngoại kể đầu đuôi câu chuyện xong, bảo má mua vé cho ông bà về ngoài quê. Cậu Hai không biết chuyện gì xảy ra hết. Bẳng một thời gian cũng hơi lâu, vì cậu Hai nhớ ông bà ngoại quá nên muốn đón ông bà vào ở, nhưng ông bà biết tánh nết của mợ Hai nên nhiều lần cậu về quê đónmà ông bà không chịu vào. Má mới nói thật câu chuyện cho cậu biết. Cậu bảo má về năn nỉ ông bà ngoại vào. Mợ Hai con nói:

“Lần này mà cha má vào đây ở nữa thì tôi ở riêng đó.”

Cậu Hai nói: “Nó muốn ở riêng thì để cho nó ở riêng, em về rước cha má vào anh phụng dưỡng.”

Thật là vậy, ông bà ngoại vào ở không được bao lâu thì mợ Hai đi Đà Lạt chơi rồi bị té nên qua đời.”

Ông bà ngoại tôi có hai cô con dâu tánh tình giống hệt và kết cuộc cũng giống nhau. Hai người mợ tôi mất lúc mới ba mươi mấy tuổi, còn rất trẻ mỗi người đều để lại một đàn con 6, 7 đứa, thật tội nghiệp.

Bốn chữ “Mẹ chồng nàng dâu” tôi nghe cũng dễ thương đấy chứ, nhưng không hiểu vì sao khi người ta đứng ở vị trí đó đều có khoảng cách với nhau. Vì sao vậy? Vì định kiến sai lầm? Vì không phải người thân nên mình không thương hay vì giàu nên khinh rẻ người?

 Có không ít những phụ nữ thành đạt trong nhiều lĩnh vực ngoài xã hội, nhưng họ vẫn không quên đi những bổn phận và trách nhiệm của mình, nhưng cũng có những phụ nữ được một chút việc làm tương đối ở ngoài xã hội thì lại cho rằng mình đã ngang bằng với nam giới, ngay cả mẹ chồng cũng xem thường. Nhiều người nói ở thời buổi hiện nay là “nam nữ bình đẳng”, nhưng nếu nghĩ lệch lạc về “nam nữ bình đẳng” thì mình có thể sẽ đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Ở một góc độ nào đó, bình đẳng cũng là cái thiện. Bình đẳng để có được lẽ công bằng giữa người và người, nhưng bình đẳng không có nghĩa là đồng đẳng. Trong công việc gia đình và xã hội, phụ nữ có vai trò của phụ nữ, nam giới có trách nhiệm của nam giới. Có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.”Câu nói để chỉ cho cái nhìn chung,không phải là để tách bạch phân chia ranh giới việc ai người đó làm, mà vợ chồng cùng nươngnhau gánh vác. Phụ nữ truyền thống hay phụ nữ hiện đại cho dù có giỏi đến đâu cũng đều cần phải lấy nền tảng chuẩn mực, đạo đức cơ bản làm thước đo. Nói “nam nữ bình đẳng” mà hiểu sai về nó là mình vô tình phủ nhận những thiên chức cao cả,phẩm chất cao đẹp chuẩn mực của người phụ nữ.

Chuyện kể cũng vì hiểu không đúng “bình đẳng” mà một cô gái quê mùa ít có bạn bè, ít vui chơi bù khú chỉ có việc nội trợ là đảm đang thôi. Cô lấy một ông chồng có học thức, có tài ăn nói, hào hoa phong nhã, chuyện gì anh ta cũng biết, nghe qua cách nói chuyện thì anh ta có kiến thức trong cuộc sống rất nhiều. Cô gái nghĩ rằng: “Mình quê mùa lại không giỏi giang thôi thì chọn mặt gởi vàng vậy.” Khi hai người cưới nhau, cuộc sống chung càng lâu cô càng thấy những lời anh ta nói đều rỗng tuếch, lời nói trái ngược với việc làm. Anh ta không tháo vát, không có lập trường cũng chẳng biết làm ăn gì cả. Ngoài giờ dạy học về là bù khú vui chơi với hàng xóm. Cô vợ thì đầu tắt mặt tối vừa làm kiếm tiền vừa chăm sóc con cái, nhà cửa trong ngoài từ A đến Z. Thu nhập của anh nếu là độc thân cũng chẳng đủ anh tiêu xài huống hồ là có vợ con. Cô ta càu nhàu thì anh ta nói:

“Thời đại bây giờ không như ngày xưa nữa, nam nữ bình đẳng bình quyền mà, không còn cái kiểu chồng làm nuôi vợ nữa.”

Anh ta nói chắc nịch, cô vợ vì ít hiểu biết nên có ấm ức cũng ngậm câm như hến. Trên thực tế không ít những người chồng, người vợ đều lấy “nam nữ bình đẳng” ra tranh luận để ngụy biện cho những hành động không đúng của mình. Nếu vậy thì tạo tác sai lầm cũng không nhỏ.

Khác hẳn với câu chuyện em trai bên chồng tôi. Anh chàng này cũng từ dưới quê lên thành phố đi học. Gần tốt nghiệp anh cưới một cô vợ con nhà giàu. Tuy con nhà giàu nhưng cách sống cô này rất là bình dân giản dị. Lần đầu tiên người má chồng lên dạm hỏi là cô nhìn đã thấy thương bà rồi. Sau khi đám cưới, bà con bên chồng có người nhìn cô rất thích cái tính chơn chất của cô, nhưng cũng có người không ưa vì cô là gái Sai gòn, họ cho rằng gái thành phố chẳng biết làm lụng gì cả.

Bà con ưa hay không cũng không sao quan trọng là má chồng.

Là dân Sài gòn, tuy tính cách của cô bình dân giản dị, nhưng cuộc sống ở quê và thành phố khác hẳn một trời một vực, cô dâu không biết làm sao để hòa nhập được. Quê chồng cô thuộc nơi kinh tế không mấy gì khá lắm, hơn nữa gia đình má chồng rất nghèo nên bà rất kỹ lưỡng trong việc chi tiêu. Cô dâu tuy không phóng túng nhưng so với sự tiết kiệm của bà thì cô còn kém xa, cho nên xảy ra mâu thuẫn. Công việc ở quê, cô dâu lạ lẫm không biết gì, nhưng má chồng thì không sai biểu, khi cô thấy bà làm gì đi lại hỏi để giúp một tay thì bà nói: “Ừ thì làm vậy đó.” Cô dâu chẳng hiểu gì luôn.

Ở nơi đó, nhà giàu cũng như nhà nghèo, một ngày chỉ ăn có hai bữa thôi, trừ khi đến mùa lúa mới được ăn ba bữa, đàn bà con gái không được mặc đồ bộ chỉ mặc áo túi, quần đen, đi thì chân không mang dép, con dâu không được phép ngủ trưa. Thời buổi đó còn khó khăn, mỗi khi muốn chà gạo để ăn thì phải thức dậy 2giờ sáng để đến sắp hàng lấy số, chờ đến gần xế chiều mới chà được gạo. Nhà máy chà gạo cách nhà chồng cô gần 3 cây số. Cô dâu mới về nhà chồng được ba bữa thì má chồng gọi dậy bảo quá giang chị họ đi chà gạo. Sáng tinh mơmắt nhắm mắt mở thức dậy đi, chờ đến 11 giờ trưa đói hoa cả mắt không thấy ai đem cơm cho cô ăn.Ccả ông chồng của cô cũng lặn luôn. Chị họ hỏi:

“Cô đưa cho mợ bao nhiêu tiền để chà gạo vậy.”

 Cô em dâu trả lời:

“Dạ 6 đồng.”

Chị bảo:

“Cô đưa dư đó, mợ lấy bớt lại tiền chà gạo mua cái gì ăn đi, từ khuya đến giờ không có ăn gì mợ đói rồi xỉu đó.”

Cô em dâu nói:

“Má em không dặn gì hết em đâu dám ăn.” Chị nói:

“Mợ cứ lấy mua ăn đi, có chuyện gì tôi chịu lỗi thế cho không sao đâu.”

Cô dâu nghe nói cũng mừng nhưng cô lại nghĩ thầm: “Dù chị có chịu lỗi thế nhưng em còn mới mẻ quá không biết tánh ý má thì biết làm sao cho đúng đây, thôi thì nhịn một chút cũng không có chết.” Em dâu trả lời:

“Em không đói lắm đâu, chị đừng lo.”

Người chị họ nhìn cô với cặp mắt tội nghiệp và tắc lưỡi xuýt xoa. Đợi thêm một chút nữa thì có người hàng xóm chèo ghe ra nhà máy, chị họ cô bảo:

“Mợ Hai, mợ quá giang chị Sáu về nhà ăn cơm đi, bây giờ hơn 12 giờ trưa rồi đợi một lát nữa chà gạo xong là mợ mệt lắm đó”. Thấy cô lưỡng lự chị nói tiếp: “Cứ về đi để tôi chà gạo xong tôi chở về luôn cho không sao đâu!”

Lúc đó tay chân cô bủn rủn hết, đành phải nghe lời làm gan đi về. Về đến nhà thấy má chồng đang chẻ củi bà hỏi:

“Chà gạo xong chưa?”

Cô trả lời:

“Dạ chưa. Chị Hai bảo con về nhà ăn cơm, để chị chờ khi nào chà gạo xong chị chở về dùm luôn.”

Trả lời xong cô đi thẳng ra nhà sau nhìn lên nhà trên thấy chồng mình đang nằm trên đi-văng ngủ. Cô đang lay hoay lấy cơm ăn thì anh đi xuống nói:

“Anh gởi cơm ra ngoài đó rồi em không thấy sao?”

Cô trả lời:

“Anh gởi sớm quá nên em về mất tiêu rồi.”

Anh biết là cô giận lẫy nên nói tiếp:

“Anh đi ruộng 10 giờ trưa mới vào nhà nấu cơm.”

Nói xong anh đi lên nhà trên ngủ tiếp.

Cô dâu ngồi dưới nhà sau giận run cả người. Tay bưng chén cơm ăn mà nghẹn ngào, hai hàng nước mắt chảy ròng.

Chồng cô làm việc thường xuyên đi công tác xa. Ngoài giờ làm việc thì tiêu khiển với bạn bè chẳng quan tâm gì đến cuộc sống vợ mình ở quê như thế nào. Đặc biệt một điều là không bao giờ má chồng bảo cô về thăm gia đình ruột của mình, cô có nhớ thì ráng chịu. Cháu nội thương thì thương, nhưng bà không bao giờ chăm sóc giúp. Mọi việc cô đều phải nghe theo sự sắp đặt của bà. Ở thành phố việc làm thì làm không hết, nhưng khi về quê phải chịu bó hẹp trong nhà, muốn làm chuyện gì xin phép cũng không được má chồng chấp thuận, việc ruộng nương thì không biết một chút gì cả. Cuộc sống lạnh lùng của má chồng làm cô ngạt thở. Tình cảm đầu tiên cô dành cho bà cũng dần dần phai nhạt. Khoảng cách mẹ chồng nàng dâu càng ngày càng xa. Cô suy nghĩ mãi không biết nguyên nhân gì mà lại như thế.

Suy nghĩ không xong cô quyết định ẳm con về nhà má ruột mình. Trong thời gian cô ở thành phố thì ở quê nhà, dì chồng cô khuyên má chồng lên đón cô về và hãy cho cô có một chút quyền trong gia đình, dù sao đi nữa cô cũng là con gái thành phố, muốn uốn nắn tập tành cho cô quen nếp sống dưới quê cũng phải có thời gian, chuyện gì cũng bó buộc quá đâu có ai mà chịu nổi. Cô sống ở thành phố được mấy tháng thì má chồng cô lên đón. Cô thấy má chồng lên đón thì trong lòng cảm thấy có lỗi với bà, nên vui vẻ theo má chồng đi về. Khi về quê, cô tự thấy mình làm sai nên xin lỗi bà, cùng lúc đó bà cũng cởi mở với con dâu. Tuy hai má con đã cởi mở những gút mắc, nhưng vì bà hờn tủi nên sau đó không nói tới con dâu một lời nào, bỏ mặc cho cô muốn làm gì thì làm. Cô dâu nghĩ rằng: “Mình đã chịu về đây thì phải chấp nhận tất cả, vả lại chính mình đã vô tình khiến cho bà bị tổn thương, cho nên bây giờ bà có khó cách mấy cô cũng cam”. Ngày ngày vẫn vui vẻ với việc nhà,chăm sóc con cái, trong ngoài làm tất cả mọi việc bằng cả tấm lòng hối cải, bằng cả cái tâm tình thương trải rộng, đối xử với bà như mẹ ruột của mình. Cô nghĩ thầm: “Má không nói tới mình nhưng má đâu có cấm mình nói với má và cũng đâu có cấm mình làm công chuyện giúp bà. Má không nói thì mình nói, việc gì má chưa kịp làm thì mình để ý lo làm rước là xong. Nếu tự giải quyết việc này không được thì mày tự dìm mày luôn đi.” Mưa dầm thấm đất không phụ thành ý của cô. Cứ như thế không bao lâu dần dần bà cũng thấy rõ sự chân thành của con dâu và nguôi ngoai. Kể từ đó khoảng cách giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng không còn.

Con cái là núm ruột là niềm vui của cha mẹ. Một ngày nào đó mình cũng “vượt cạn” một mình như bao nhiêu người mẹ khác, lúc đó sẽ cảm nhận được nụ cười và nước mắt hòa lẫn với nhau như thế nào. Rất hiếm thấy người mẹ nào không thương con cả. Có nhiều thứ trên đời có thể thay thế, nhưng tình mẹ thì không. Khi họ thương con cái họ luôn hy sinh và bảo vệ những gì con họ có, cho nên mình có duyên là vợ chồng của con họ thì lại muốn chia rẽ tình cảm của người ta, làm những chuyện bất chấp đến “luân thường đạo lý” là điều không nên. Quan hệ mẹ chồng nàng dâu, vợ chồng có thể nói là một trong những sự gắn kết liên hệ với nhau của nghiệp và quả, mà tất cả chúng ta là chủ nhân của nghiệp và là người thừa kế nghiệp của mình. “Đạo ai người đó giữ”, cho nên ở trong bất kỳ vị trí nào, đạo mình thì mình giữ, nếu gặp oan trái nên biết đó là cái nhân mình đã gieo từ nhiều kiếp trước bây giờ đủ duyên tất nhiên quả sẽ trổ, đây là nghiệp duyên của mình đã gieo thì tự mình phải giải quyết, phải tháo gỡ không ai có thể tháo gỡ thay cho mình được, vui vẻ gỡ cho sạch gỡ cho dứt.

Những câu chuyện trên tôi được nghe kể lại, có chuyện tôi chứng kiến thật sự trong cuộc sống khi tôi trưởng thành. Tôi tự hỏi: “Sao người ta không lấy tình thương và tấm lòng bao dung để sống với nhau, chỉ có tình thương và lòng bao dung mới có thể trải rộng lòng mình ra với mọi người được.” Ba má tôi chia tay nhau khi tôi còn nhỏ, có lẽ vì quá nhỏ nên tôi không cảm nhận được nổi đau của cảnh “tan đàn xẻ nghé”. Dần dần lớn lên tôi mới cảm thấy buồn tủi, bơ vơ, thèm tình thương của ba, khát vòng tay của má, nhưng rồi tôi lại nghĩ rằng: “Có lẽ cuộc đời của mình phải chịu như vậy nên không giận ai cũng không trách ai.” Và tôi lại nghĩ sau này lập gia đình mình sẽ không dẫm theo bước chân của họ. Nghĩ thì dễ nhưng phải làm sao cho đúng khi mình không biết thế nào gọi là “đạo”.

Một chữ “đạo” nếu chúng ta hiểu đúng và ứng dụng đúng vào trong cuộc sống thì “đạo” có vô vàn công năng. “Đạo” là ánh sáng sẽ giúp cho ta không đi lầm đường lạc lối, là ngọn đuốc sẽ giúp cho ta phá vỡ mãnh rừng u minh của tâm mình, là cán cân sẽ giúp cho tacân bằng lại cuộc sống, là con thuyền sẽ giúp cho ta không chơi vơi giữa biển khổ,  là trí tuệ sẽ giúp cho ta hiểu được thế nào là nghiệp quả v.v...

Làm người trước phải học “ân nghĩa hiếu kính”. Khi mình còn ấu thơ, cha mẹ thường dạy bảo mỗi khi mình nhận được quà từ tay người khác cho thì phải vòng tay cúi đầu cảm ơn họ. Nhận được một  món quà hay một miếng bánh nhỏ thậm chí là một chén cơm ta cũng phải biết mang ơn người đã cho. Làm được miếng bánh nhỏ công sức mất nhiều lắm là một buổi, trước khi có được hạt cơm,công đoạn trồng lúa phải trải qua sáu bảy tháng đổ mồ hôi khó nhọc cộng thêm một thời gian ngắn nữa mới có hạt gạo rồi mới đến có cơm để ăn,công lao cho dù nhiều hay ít cha mẹ cũng dạy phải biết cảm ơn người. Cũng vậy, nuôi con khôn lớn đến lúc lập gia đình, ân nghĩa đó không sao kể xiết, nhưng khi thành đôi thì mình lại muốn vứt bỏ công ơn,phủi bỏ sạch sành sanh nghĩa tình sâu nặng đó, còn cho là mình con nhà giàu nên xem rẻ gia đình bên chồng. Nói về mặt hiếu nghĩa thì đạo đức mình kém, nói về mặt nhân cách thì mình không đủ tư cách ỷ thế cậy quyền.Sự giàu sang đó là của cha mẹ mình tạo ra chứ không phải của mình, chỉ dựa hơi một chút mà mình còn làm hùm làm tướng như vậy, nếu là của mình thì bản ngã sẽ đến dường nào.Trong thời đại hiện nay xã hội càng ngày càng phát triển, đầy đủ tiện nghi, vật chất phục vụ cho con người, nhưng cái gốc “đạo đức” không ai xem trọng. Nếu bốn chữ “ân nghĩa hiếu kính” học không được thì bằng cấp Cử nhân hay Tiến sỹ cũng chẳng giúp ích được gì nhiều cho mình và cho người, có khi lại “hại người, hại mình”. Bởi vì cây phải có cả gốc lẫn ngọn.

Ném một hòn đá xuống nước, phản ứng ngược lại là nước bắn tung lên, nước bắn lên người mình nhiều hay ít là tùy thuộc vào sức ném và hòn đá ném lớn hay nhỏ. Nên biết rằng khiến người khác chảy nước mắt thì mình cũng sẽ không bao giờ tránh khỏi được điều đó. Phật dạy quy luật nhân quả rất công bằng. Khi tin sâu nhân quả và thấy rõ được chúng ta và vạn vật trên thế gian này đều nương nhau mà sống thì chúng ta sẽ thật sự trải lòng ra với mọi người. Lúc đó mình sẽ tìm được sự an lạc trong tình thương và tấm lòng bao dung đó.

[ Quay lại ]