headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 30/04/2024 - Ngày 22 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Điều tâm mà bình thiên hạ

phathoangxuongnuiChân hiền Tâm

 

Phật kể rằng:

Xưa, có vua Chuyển Luân Thánh Vương tên là Kiên Cố Niệm, là vị pháp vương, chinh phục bốn thiên hạ, thống trị các quốc độ và đầy đủ bảy món báu. Vị này trị vì quả đất cho đến hải biên, dùng chánh pháp trị nước, không cần trượng, không cần kiếm.

Sau nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, vua Kiên Cố Niệm nói với người dưới:

- Này khanh ! Khi nào khanh thấy Thiên luân báu[1] có lặn xuống một ít, có rời khỏi vị trí cũ, thì báo cho ta biết.

 

Sau nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, người ấy thấy Thiên luân báu lặn xuống một ít. Người ấy liền báo cho vua. Vua Kiên Cố Niệm cho mời thái tử lại và nói:

 

- Này thái tử ! Thiên luân báu của ta đã lặn xuống một ít, đã rời khỏi vị trí cũ. Ta nghe nói: "Nếu Thiên luân báu của Chuyển Luân Thánh Vương lặn xuống và rời khỏi vị trí cũ, thời vua còn sống không bao lâu nữa". Ta đã thọ hưởng dục lạc đầy đủ. Giờ đã đến lúc cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Hãy trị vì trái đất này cho đến hải biên.

 

Vua Kiên Cố Niệm, khi thái tử lên ngôi, liền đắp áo cà sa, xuất gia. Khi vua xuất gia bảy ngày, Thiên luân báu biến mất. Sát-đế-lỵ nghe tin liền không vui. Ông đến chỗ vua cha và thưa:

 

- Thưa phụ vương, Thiên luân báu đã biến mất.

 

Vua cha nói với Sát-đế-lỵ:

 

- Này thái tử ! Chớ có sầu muộn. Thiên luân báu không phải là gia bảo tổ tiên để lại, chỉ cần con hành trì chánh pháp của bậc thánh vương, Thiên luân báu liền xuất hiện. Khi con hành trì chánh pháp của bậc thánh vương, vào ngày rằm Bố-tát, con gội đầu trai giới và lên lầu cao thì Thiên luân báu sẽ hiện ra với đầy đủ ngàn tăm, vành xe, trục xe...

 

- Thưa phụ vương, thế nào là chánh pháp của bậc thánh vương?

 

- Này thái tử ! Con hãy y cứ vào pháp, kính trọng pháp, cung kính pháp, đảnh lễ pháp, cúng dường pháp, tôn trọng pháp, tự con trở thành pháp tràng, pháp kỳ, xem pháp là thầy, tự trở thành người bảo vệ hợp pháp cho thứ dân, cho quân đội, cho Sát-đế-lỵ, cho quần thần, cho Bà-la-môn, cho các gia chủ, cho thị dân, thôn dân, cho Sa-môn, Bà-la-môn, cho các loài thú và loài chim. Chớ có làm điều gì phi pháp trong quốc độ của con.

 

Này thái tử! Nếu trong quốc độ của con, có người không có tiền của, hãy đem tiền của cho người ấy.

 

Này thái tử! Nếu trong quốc độ của con, có những Sa-môn, Bà-la-môn từ bỏ dục vọng, không phóng dật, thực hành nhẫn nhục, từ ái, nhiếp phục tự kỷ, an chỉ tự kỷ, giải thoát tự kỷ, thì thỉnh thoảng nên đến và hỏi: "Thưa Tôn giả ! Thế nào là thiện, thế nào là bất thiện? Thế nào là có tội, thế nào là không có tội? Thế nào nên thực hành, thế nào không nên thực hành? Hành động thế nào là đem lại bất lợi và đau khổ cho tôi lâu dài? Hành động thế nào là đem lại lợi ích và hạnh phúc cho tôi lâu dài?" Con hãy nghe họ mà ngăn chặn sự bất thiện, khuyến khích phát triển điều thiện. Này thái tử ! Đó là chánh pháp của bậc thánh vương.

 

Vua Sát-đế-lỵ bắt đầu thực hành thánh vương chánh pháp. Khi thực hành chánh pháp vào ngày rằm Bố-tát, vua gội đầu trai giới và đi lên lầu cao thì Thiên luân báu hiện ra với đầy đủ ngàn tăm, vành xe, trục xe... Vua Sát-đế-lỵ biết rằng ông bây giờ chính là Chuyển Luân Thánh Vương.

 

Có Thiên luân báu rồi, vua Sát-đế-lị bắt đầu đi chinh phục các nước ở bốn phương. Thiên luân báu đi tới đâu người người hàng phục tới đó. Và ông dạy mọi người chánh pháp: “Chớ sát sanh! Chớ lấy của không cho! Chớ sống tà hạnh! Chớ nói láo! Chớ uống rượu! Và hãy thọ hưởng theo những gì đã có”.

 

Việc làm đó được nối truyền từ đời này qua đời kia…

 

Thời vua Sát-đế-lợi thứ bảy, quốc gia không được hưng thịnh như các đời trước. Vua hỏi các cận thần thì được biết “Vì không cai trị nước theo thánh vương chánh pháp mà theo ý mình”. Vua bắt đầu thực hành những gì gọi là thánh vương chánh pháp mà các vua trước đã truyền thừa nhau, nhưng lại không thực hành việc bố thí. Nghèo đói lan rộng và trộm cắp phát sinh.

 

Khi kẻ trộm bị bắt, vua hỏi “Vì sao đi trộm cắp?”. Hắn trả lời “Vì không có gì sống”. Vua nghe vậy, liền cho hắn tiền và dặn hãy dùng tiền đó nuôi dưỡng gia đình và bản thân cũng như bố thí, cúng dường các bậc sư trưởng để được quả báo tốt đẹp trong hiện tại và mai sau.

 

Bất cứ tên ăn trộm nào được dẫn tới, nhà vua đều làm thế. Dân quân đồn nhau: “Kẻ nào ăn trộm tài vật của người khác, đều được vua cho tiền bạc”. Nghề ăn trộm trở nên tăng thịnh.

 

Vua nghe tin liền suy nghĩ: “Trộm cắp mà được cho tiền của thì trộm cắp sẽ tăng trưởng. Nay cần ngăn chặn triệt để việc này”. Nghĩ vậy, nhà vua liền ra lệnh “Ai trộm cắp sẽ bị chém đầu”.

 

Tất cả những ai ăn trộm đều bị biêu xấu trước cửa thành và bị chém đầu.

 

Việc chém đầu xuất hiện, không ngăn được dân tình hết trộm cắp, chỉ khiến  hình thành nên một lối ăn trộm mới là dùng kiếm bén làm  trợ thủ đắc lực cho việc ăn trộm. “Họ đi cướp làng, cướp thôn xóm, cướp thành, cướp đường, lấy vật không cho, ngăn chặn triệt để những người mà họ ăn trộm, hình phạt thích đáng là chém đầu những người này”.[2]

 

Vì không bố thí cho người nghèo tiền của, nghèo đói tăng thịnh.

 

Vì nghèo đói tăng thịnh nên trộm cắp tăng thịnh.

 

Vì trộm cắp tăng thịnh nên đao kiếm tăng thịnh.

 

Vì đao kiếm tăng thịnh nên sát sinh tăng thịnh.

 

Vì sát sinh tăng thịnh nên nói láo tăng thịnh.

 

Vì nói láo tăng thịnh nên tuổi thọ của loài hữu tình giảm thiểu.

 

Đó là câu chuyện đức Phật kể cho chư vị Tỷ kheo nghe.

 

Hãy y cứ pháp, kính trọng pháp, cung kính pháp…

 

Pháp được nói đó là pháp Thập thiện. Thập thiện, là xa lìa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói thêu dệt, vọng ngữ, lời ác, lời chia rẻ, sân nhuế, tham dục và tà kiến. Trong đó có năm giới của người tại gia, nhưng không có giới uống rượu. Song theo luận Đại Trí Độ, uống rượu và bán rượu là nhân sinh ra tà kiến, nên muốn không tà kiến thì uống rượu cũng phải xa lìa.

 

Xa lìa tà kiến, là nhận ra lý nhân quả đang chi phối thế giới này. Nhờ đó có thể hành thiện nghiệp mà bỏ ác nghiệp.

 

 Xa lìa tham dục thì tiêu cực không phát sinh.

 

Đó là những nhân tố giúp người lãnh đạo dễ thu hút lòng người và hoàn thành công việc mình đang nắm giữ.

 

Platon, một triết gia phương tây, khi bàn việc đối phó nạn tham nhũng, đã chủ trương: “Trong giai cấp này không ai được quyền có của riêng ngoài những vật dụng tối cần thiết cho đời sống. Họ không được có nhà riêng có cửa khoá, vật dụng và đồ ăn uống chỉ vừa đủ cho một chiến sĩ lâm trận. Họ lãnh một số phụ cấp vừa đủ ăn và sống đời sống tập thể giống như những quân nhân trong doanh trại. Họ không cần có vàng bạc vì giá trị bản thân họ quý hơn vàng bạc. Họ không cần phải động đến các thứ đó hoặc đeo chúng vào người. Trong những điều kiện ấy họ mới có thể duy trì được đất nước. Nếu trái lại họ ham mua nhà, đất hoặc tích trữ tiền bạc, họ sẽ trở nên những người chủ nhà hoặc chủ nông trại. Thay vì phải là những người giữ nước, họ sẽ trở thành kẻ thù của người khác. Sự căm thù và những âm mưu làm hại nhau là những mầm móng phá tan xã hội từ bên trong, hiệu quả hơn những kẻ thù từ bên ngoài”.

 

Ông nói tiếp: “Lối sống trên giúp giai cấp lãnh đạo không nghĩ đến việc bè phái mà chỉ nghĩ đến ích lợi chung. Họ không thiếu thốn, không cần lo nghĩ về những vấn đề kinh tế nhưng đồng thời họ cũng không có cơ hội để tham nhũng và đeo đuổi những khát vọng cá nhân. Họ sẽ ăn chung với nhau, ngủ chung với nhau trong một đời sống giản dị. Quyền lực của họ sẽ không làm hại kẻ khác, phần thưởng độc nhất của họ là niềm tự hào đã giúp ích cho xã hội. Chắc chắn sẽ có những người bằng lòng sống một đời sống như vậy, họ sẽ đánh giá một đời sống tận tụy cho xứ sở cao hơn những món lợi kinh tế. Do đó sẽ không còn những phe phái cấu xé nhau vì địa vị”.

 

“Những người vợ ở nhà thì sao? Các bà này có chịu hy sinh những xa hoa của đời sống không? Giai cấp lãnh đạo sẽ không có vợ, chế độ cộng sản bao gồm cả những người vợ. Chẳng những họ không tìm cái lợi cho bản thân mà còn không tìm cái lợi cho gia đình. Họ không bị các bà vợ thúc giục vơ vét của cải, họ tận tâm với xã hội chứ không phải với một người ...”.

 

Đó là một trong các hình thức “xa lìa tham dục” mà Phật đã nói. Thật là khó thực hiện trong thời buổi mà ái dục được đề cao, danh và lợi được dùng để biểu trưng giá trị của con người. Song nó vẫn thực hiện được ở một số nước trên thế giới. Trong suốt 1000 năm Âu Châu bị đặt dưới quyền cai trị của một giai cấp không khác gì giai cấp cầm quyền lý tưởng mà Platon đã mô tả. Thời kỳ trung cổ, giai cấp giáo sĩ cũng nắm trong tay tất cả quyền hành và đã cai trị một cách gần như tuyệt đối một phần nửa lãnh thổ Âu châu. Họ cầm quyền không do sự tấn phong của dân chúng mà do công trình nghiên cứu học hỏi, nếp sống đạo đức và giản dị. Họ không bị ràng buộc bởi gia đình. Nếp sống độc thân của họ là một yếu tố tâm lý rất thuận lợi. Họ không bị cản trở bởi sự ích kỷ dành cho gia đình. Họ được dân chúng tôn sùng như những con người đặc biệt đứng trên sự kêu gọi của xác thịt. Rồi những nhà lãnh đạo cộng sản ở Nga thời kì đầu, cũng đã sống cuộc đời mà Platon đã mô tả. Họ có niềm tin mãnh liệt và hoàn toàn hiến thân cho Đảng, Họ sống một cuộc đời giản dị đơn sơ trong khi cầm quyền cai trị một nửa diện tích Âu châu.[3]

 

Với cái nhìn của Phật giáo, “xa lìa tham dục” không nhất thiết là phải có đời sống vô sản mà là sống sao để không ảnh hưởng đến tình cảm và quyền lợi của người khác, thông qua năm giới của người tại gia. Như phước báo của Chuyển Luân Thánh Vương, quyền lực và tài vật đều sung mãn vượt trội. Trong điều kiện như thế, Chuyển Luân Thánh Vương vẫn trị vì đất nước rất tốt, là do ông thực hành Thập thiện nghiệp và dạy dân chúng hành Thập thiện. Vấn đề được xác dịnh là ở tâm, không phải ở ngoại cảnh, dù ngoại cảnh là một trợ duyên. Cho nên, đức Phật không hoạch định cho giai cấp lãnh đạo một hoàn cảnh sống khắc khổ nhưng cũng không cấm nếu đương sư muốn như thế, chỉ là chỉ bày phương tiện giúp họ tự thanh lọc thân tâm mình. Đó là “Thành tựu chánh kiến, như pháp mà giáo hóa chúng sinh. Dùng thiện pháp của chư Thiên mà giáo hóa thế gian. Dù ở nhân gian mà tu Thiên nghiệp, tâm thưởng phạt không thiên lệch bè phái”.[4] Đây là lý do mà từ xưa đến nay các bậc hiền triết, trong đó có chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư và có đời sống riêng khá nghiêm túc trong việc trị nước và giữ nước.  

 

Tổ Trúc Lâm khi còn tại ngôi, luôn được ca tụng là một vị minh quân. Không có triều đại nào vàng son hơn triều đại thời ngài, từ việc giữ nước cho đến xây dựng đất nước. “Tư tưởng triết học của ông là tinh thần thực tiễn chiến đấu và táo bạo. Thể hiện đầy đủ trí tuệ và bản lãnh của người Việt Nam”.[5] Đó là do Tổ vận dụng được mặt Duyên khởi của vạn pháp vào đời sống thường nhật. Muốn vận dụng được điều đó, Tổ phải tự hoàn chỉnh phước trí của bản thân và đi khắp nơi giáo hóa muôn dân hành Thập thiện.

 

Một lần Nhân Tông từ Thiên Trường về, nghe tin con trai uống rượu say khước. Nhân Tông liền truyền xa giá về lại Thiên Trường và hạ chiếu cho bách quan phải về đó hội nghị. Anh Tông tỉnh rượu sợ quá, cùng Đoàn Nhữ Hài thảo một bài biểu để tạ tội và đi suốt đêm đến Thiên Trường. Nhân Tông xem biểu, quở trách rồi tha thứ. Từ đó về sau, Anh Tông không bao giờ uống rượu.

 

Do lý tưởng của chính mình và quyền lợi của mọi người được đặt lên trên, nên những gì khiến ảnh hưởng đến vận mệnh của đất nước, thì dù là tình riêng, dù là việc nhỏ nhặt, đều được xử lý nghiêm khắc. Là cái gương để người đời kính phục, là cái nhân để nước vững dân an.

 

Người không có tiền của, hãy đem tiền của cho người ấy     

 

Đây là việc làm thứ hai mà giai cấp lãnh đạo đất nước cần thực hiện để an định dân tình.

 

Bố thí cho chúng hữu tình là việc đức Phật đề cập khá nhiều trong các văn kinh. Bởi loài hữu tình nhờ ăn mới có sống. Bố thí cũng là cái nhân mang lại sung túc cho người nhận lẫn người cho, giúp mọi người mở rộng lòng từ, gieo cái nhân thiện hòa với nhau.

 

Vua Sát-đế-lị dù đã ứng dụng chánh pháp cho bản thân nhưng lại bỏ qua việc bố thí, nên nạn trộm cắp đã xảy ra, kéo theo nhiều việc bất hảo khác.

 

Với cấp lãnh đạo, bố thí cho dân tình không chỉ mang ý nghĩa “lá lành đùm lá rách” giúp người qua cơn hoạn nạn, mà còn mang nghĩa giảm siêu thuế, đề ra những chính sách giúp hỗ trợ dân nghèo, như bảo hiểm nhân sinh, xây nhà tình thương v.v…

 

Để thực hiện được những việc đó có hiệu quả thì ngân sách phải có. Ngân sách muốn có thì thuế má cần chi thu hợp lý. Phật dạy giúp người nghèo, không nói giúp các tập đoàn doanh nghiệp lớn trốn thuế, cũng không dạy giai cấp lãnh đạo vơ vét tiền của bỏ túi. Nếu giúp người giàu trốn thuế và có đồng nào bỏ túi riêng đồng đó thì không còn điều kiện xây dựng đất nước và giúp người nghèo. Vì thế tham nhũng phải được giảm trừ. Không nói chấm dứt mà nói giảm trừ, vì vào thời mạt pháp, không tham nhũng chắc không còn ai để làm việc. Thành chỉ mong giảm trừ để đời sống nhân dân được tương đối, không dám mong hết hẳn. Ăn thịt cần chừa xương để còn nuôi cái đức mà hưởng tiếp. Ăn hết không chừa ai chút gì thì coi như phá tiêu phước báu đã có mà cán cân nợ nần ngày thêm nặng. Nhân tình sẽ loạn. Kẻ thù sẽ nhiều. Cũng chẳng còn cái gì mà ăn.

 

Dân khổ mà tâm vơ vét không ngừng là cái họa của đất nước.          

 

Xử phạt không công minh là cái họa của người lãnh đạo.

 

Dân tình nếu đói khổ là vì … thiếu tu. Bởi không biết thực hành Thập thiện nên không thể gặp được giai cấp lãnh đạo tốt để mà nương tựa. Cũng không ai dạy cho pháp Thập thiện để biết mà an tâm, vinh thân. Duyên khởi là vậy. Không đồng thanh thì không thể tương ứng. Không đồng khí thì khó mà tương cầu. Vì thế tự bản thân phải sống cho nghiêm túc. Được vậy thì thế giới chung quanh dù tai họa bao nhiêu, cũng không đến phiên mình.

 

Có những Sa môn, Bà-la-môn từ bỏ dục vọng, sống không phóng dật v.v… thì hãy đến và hỏi…

 

Việc thứ ba, giai cấp lãnh đạo cần làm nữa là thưa hỏi đối với các vị Sa môn, Bà-la-môn thanh tịnh.

 

Từ bỏ dục vọng, không phóng dật, thực hành nhẫn nhục, từ ái, nhiếp phục tự kỷ, an chỉ tự kỷ, giải thoát tự kỷ… là những nhân tố xây dựng nên một bậc chân nhân có đầy đủ trí tuệ nhìn ra trông rộng và có lòng từ đối với muôn dân. Các triều đại nào có được các quốc sư bên cạnh ân cần chỉ dạy đều là triều đại vàng son. Vì thế cần thân cận gần gũi để tự điều phục thân tâm và biết cách an ổn dân tình.

 

Kinh Đại Tập nói: Trong một quốc gia nếu vua chúa biết kính phụng Tam bảo thì trong nước có ba loại tinh khí tăng trưởng:

 

1/ Địa khí tăng trưởng, nên ngũ cốc được mùa v.v...

 

2/ Nhân khí tăng trưởng, nên dân trong nước ít phiền não, dung mạo tươi nhuận, ít bệnh ít tật.

 

3/ Thiện căn khí tăng trưởng, nên trong nước thường hay chuyển bánh xe pháp, Tam bảo tăng thịnh.

 

Kính phụng, nghĩa là thành tâm tin tưởng kính lễ Phật bảo cùng Tăng bảo và phụng trì giáo pháp của đức Phật. Bởi có kính tin thì mới có thể phụng trì phần giáo pháp mà các ngài đã chỉ dạy.

 

Kinh Phật Dạy Báo Ân nói: Vua nếu dùng chánh pháp giáo hóa nhân dân thì trong nước tránh được 8 thứ khủng bố:

 

1/ Bị nước khác xâm chiếm.

 

 2/ Nội loạn.

 

3/ Ma quỉ, tật bệnh.

 

4/ Đói khát mất mùa.

 

5/ Gió mưa không đúng thời.

 

6/ Gió mưa quá thời (nhiều).

 

7/ Nguyệt thực nhật thực.

 

8/ Tinh tú biến quái.

 

Đó là những tai họa phá hoại việc xây dựng đất nước rất nhiều, vì nó làm hao tổn người vật, ngân sách. Không có các thứ đó thì việc xây dựng đất nước xem như gặp thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

 

Chùa chiền, thiền viện được xây dựng nhiều chỉ với mục đích tham quan, du lịch hay để an ổn dân tình về mặt chính trị thì các tai họa trên chưa hẳn đã không. Bởi cái chính là nằm ở việc ứng dụng Pháp vào đời sống thường nhật của từng người, trong đó bao gồm cả giai cấp lãnh đạo lẫn dân chúng. Nói tin kính Phật bảo và Tăng bảo, chính là để ứng dụng Pháp bảo vào đời sống thường nhật của mình. Bởi có kính tin thì mới có tâm ứng dụng Phật pháp vào đời sống thường nhật.

 

Theo Platon, một đất nước không có tín ngưỡng đối với đấng tối cao thì không thể là một đất nước vững mạnh. Đơn giản vì “Không tin vào một đấng tối cao thì chưa đủ để tạo nên hy vọng, sự tận tâm và lòng hy sinh. Chỉ có một đấng tối cao mới có thể khiến con người làm những việc như thế, mới có thể bắt buộc những người ích kỷ phải dằn lòng để sống một cuộc đời tiết độ, kềm hãm sự đam mê...”.

 

Ông nói tiếp: “Vẫn biết rằng sự hiện hữu của một đấng tối cao không bao giờ có thể chứng minh được… nhưng chúng ta vẫn thấy rằng tín ngưỡng không đem lại điều gì có hại mà chỉ đem lại những điều lợi cho con em chúng ta”.

 

Đúng là có những vấn đề mà pháp luật v.v… không thể giải quyết được. Phải cần đến niềm tin trong tôn giáo. Đúng là tín ngưỡng mang lại lợi ích cho con người, nhưng để mang lại lợi ích thiết thực và dài lâu cho nhân loại ở cấp độ rộng và sâu thì cần phải có một tôn giáo chân chính. Thế nào là một tôn giáo chân chính?

 

Platon nói: “Chúng ta phải xử trí cách nào trong khi mọi người đều tham lam, ganh ghét, dâm dật và ưa gây gổ? Phải dùng đến cảnh sát chăng? Đó là một phương pháp dữ tợn và tốn kém. Có một phương pháp khác tốt đẹp hơn, đó là sự chế tài của một đấng tối cao. Chúng ta cần có một tôn giáo”. Như vậy, một tôn giáo chân chính là tôn giáo có khả năng dạy con người bớt tham lam, ganh ghét, dâm dật và ưa gây gỗ, đặt lợi ích của người trên lợi ích của mình hay chí ích là ngang với mình. Nói chung là giúp con người từ bỏ tham, sân, si. Việc đó phải được đưa vào trường lớp dạy cho tất cả khi còn là trẻ con. Phải huân vào tàng thức con trẻ những việc như thế ngay khi chúng bắt đầu ý thức được những việc quanh chúng. Đó là cách giúp phá bỏ hay ngặn chặn những thói xấu đã được huân tập từ quá khứ và biến những ý tưởng cùng hành vi tốt đẹp thành chính nhân cách của chúng. Đó là thứ giữ chúng không sa ngã vào những việc làm xấu. Nếu không, mọi thứ trở thành vô ích. Không ai còn đủ tỉnh táo hay sợ hãi một bản án tử hình khi thú tính đã trổi dậy. Sự hối hận hay sợ hãi chỉ có thể xảy ra khi thú tính đã được thỏa mãn. Muộn rồi, khổ này nối tiếp khổ kia…

 

Điều tâm mà bình thiên hạ

 

Chỗ nào không cần thiết? Một gia đình, một cơ quan hay một tập thể… chỗ nào cũng cần đến việc đó để phát triển. Những nhân tố nền tảng được chỉnh trang, mới hình thành nên một xã hội chỉnh trang, một đất nước vững mạnh. Không thì ác nghiệp sẽ không dừng ở đó. Nó là cái nhân để hình thành nên một gia đình, một tập thể hay một xã hội thêm khắc nghiệt trong tương lai. 
 

 


 

[1]Tương truyền, chỉ Chuyển Luân Thánh Vương mới có bánh xe báu này. Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký nói: “Khi vua muốn đi, Thiên luân báu dẫn trước. Kẻ nào không nép phục, Thiên luân báu xuất hiện trên đầu liền nép phục, không cần dùng dao gậy. Luân báu này không từ đâu đến, chỉ từ nghiệp lực khởi”. Do thiện nghiệp của quốc vương trong hiện đời mà lâun báu xuất hiện, không phải là báu vật có thể trao tay.

[2] Kinh Trường Bộ tập II – Kinh Chuyển  Luân Thánh Vương Sư Tử Hống.

[3] Các phần thuộc Platon, đều được trích trong Câu Chuyện Triết Học – Will Durant – Trí Hải và Bửu Đích dịch.

[4] Kinh Phật Dạy Báo Ân.

[5] Trích đất việt

 

[ Quay lại ]