headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 14/12/2024 - Ngày 14 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Biệt thời ý thú

 

hoadangChân hiền Tâm

Biệt thời ý thú, là một trong Tứ ý thú.

Nhiếp Chánh Luận, bản dịch của ngài Huyền Trang ghi: «Ngoài ra còn có Tứ ý thú và Tứ bí mật. Mọi lời Phật nói nên căn cứ vào đó mà lý giải và quyết định». Nghĩa là, khi đọc kinh Phật, nếu dùng 4 thứ ý thú và 4 thứ bí mật đó làm nền tảng để hiểu thì sẽ thông tỏ những ý thú mà Phật muốn nói trong kinh.

Đây chỉ nói về «Biệt thời ý thú» mà không nói các phần kia, vì phần ý thú này cần thiết cho phạm vi bản kinh Địa Tạng. Nêu ra để chúng ta hiểu hơn về cách hành văn cũng như ý nghĩa mà đa phần kinh luận đã nêu bày. Hiểu rõ, ngoài việc đánh tan sự nghi ngờ (do cái nhìn còn bị hạn cuộc trong nghiệp thức chúng sinh), nó còn giúp việc ứng dụng kinh luận vào đời sống của mình không nhầm lẫn.

Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký ghi: «Biệt thời ý thú là, như nói «Nếu tụng danh hiệu Đa Bảo Như Lai thì đối với bồ đề vô thượng chánh đẳng đã được quyết định». Hoặc nói: «Do chỉ phát nguyện, liền được vãng sinh thế giới cực lạc». Ngài Vô Tánh giải thích: Vì khuyến khích kẻ giải đãi, đối với pháp không chịu tinh cần mà nói như vậy. Ý muốn trưởng dưỡng kẻ có thiện căn đời trước. Như thế gian nói chỉ nhờ một đồng mà được đến hàng ngàn».

Lục Tổ, tuy chỉ là người đốn củi không biết chữ, nhưng khi nghe một câu tụng của kinh Kim Cang liền sáng tỏ, đến gặp Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, không bao lâu sau lại được ấn chứng làm Tổ thứ sáu. Hoặc như ở đời, lấy mười ngàn mua tờ vé số, chiều trúng độc đắc … Với những việc như thế, câu kinh trên không có gì để bàn và thí dụ trên cũng trở thành dễ hiểu, nên nói: «Ý muốn trưởng dưỡng kẻ có thiện căn đời trước». Song với đa phần chúng sinh hiện nay, dù nghe rất nhiều kinh luận hoặc cũng phát nguyện rồi, nhưng trên sự vẫn chưa có gì tiến triển, thì với các trường hợp như thế không khỏi khiến chúng ta mất niềm tin đối với kinh luận. Song kinh là lời chân lời thật của chư Phật. Chỉ vì trí ta hiểu chưa tới mà thấy có sự nghịch lý.

Nếu y cứ vào cách giải thích của ngài Vô Tánh ở phần «Biệt thời ý thú», ta sẽ hiểu «Tụng danh Đa Bảo Như Lai» và «Chỉ phát nguyện…», là muốn nói đến cái NHÂN mà QUẢ là «Bồ đề vô thượng chánh đẳng» và «Vãng sinh thế giới cực lạc».

Cũng như nói «Nhờ một đồng mà được đến hàng ngàn» thì «Một đồng» là nhân mà «Hàng ngàn» là quả. Nếu không có «Một đồng» đó thì không bao giờ có cái quả là «Hàng ngàn». Đó là điều chắc chắn. Còn một khi đã có cái nhân «Một đồng» rồi, thì khi đủ duyên nhất định sẽ có quả. Nó vừa mang nghĩa «tức thì» vừa mang nghĩa «không tức thì». Vì sao?

Vì thế giới này là thế giới được hình thành theo quan hệ Nhân duyên, tức không phải chỉ có NHÂN và QUẢ, mà từ NHÂN đến QUẢ còn phụ thuộc vào DUYÊN. Duyên này là thứ quyết định thời gian để nhân hình thành quả. Nó phụ thuộc vào căn nghiệp, sự quyết tâm cũng như ý chí tu hành của hành giả. Nhưng dù thời gian bao xa thì khi đã tạo được một việc là «Niệm Phật» hay «Phát nguyện» như thế, thì NHÂN đã được gieo, sự hộ trì của chư Phật và Bồ tát đã có, dù trải qua thời gian bao xa thì cũng có ngày QUẢ được thành tựu. Cho nên, Tam Tạng Pháp Số ghi: «Chúng sinh hiện đời tu tập tịnh nghiệp, cầu sinh thế giới cực lạc, khi mệnh chung đều được vãng sinh và được bất thối chuyển. Vì hiện đời gieo nhân này, vào lúc nào đó nhân sẽ thành thục, gọi là Biệt thời ý thú». «Vào lúc nào đó» là tùy chúng sinh, nhưng NHÂN đã có thì nhất định một lúc nào đó QUẢ sẽ thành. Kinh Pháp Hoa nói họa hình tượng Phật v.v… sau sẽ thành Phật là ý này vậy. Đó là ý thú mà chư Phật muốn nói với chúng sinh.

Như vậy, khi chúng ta đọc kinh Địa Tạng mà thấy nói như vầy: «Những ai lúc lâm chung, nếu nghe được danh hiệu của một vị Phật hay Bồ tát thì không luận là có tội hay không tội đều được giải thoát», thì phải hiểu :

. Với cái nhìn của Hoa Nghiêm Nhất thừa Viên giáo, «Nhân quả tương tức đồng thời ứng”[1], thì việc đó là như thế, không có gì để bàn. 

. Với cái nhìn của đa phần chúng sinh, thì cần phải hiểu «Nghe được danh hiệu của một vị Phật» là cái duyên giúp chúng ta gieo vào tàng thức của mình một thiện nhân thánh đạo, để tương lai được cái quả là giải thoát.

Nghe được danh hiệu Phật khi lâm chung cũng là cái quả của những thiện nhân mình đã gieo trong quá khứ, không phải tự dưng mà có.

Ông, bình thường không thích chùa chiền, nghe đến Tăng bảo càng không ưa. Sau ông bệnh nặng. Thời gian đó, chị vẫn thường giấu ông đến chùa một mình, cách đó khá xa, một tuần một lần.

Biết bệnh ông không thể nào qua được, nên chị cũng đã dự trù mọi thứ để khi ông mất cũng phải có tiếng chuông tiếng mõ cho ấm cúng. Quí thầy cũng đã bằng lòng đến tụng niệm cho.

Ông mất vào lúc 4 giờ sáng, chị một mình lái xe đến chùa đó, nhưng đi mãi vẫn không thấy chùa đâu. Dù sương mù chị vẫn bỏ xe một mình rảo bộ tìm cho bằng được ngôi chùa. Chị chỉ lấy làm lạ là tuần nào chị cũng đi, đâu phải bây giờ mới tìm lần đầu, nhưng không cách gì tìm ra được. Quay lại xe, mới hay khi xuống xe mình đã quên khóa cửa. Khu đó không được an ninh, dân bản xứ đã lấy mất túi đựng giấy tờ của chị. Sợ cảnh sát địa phương tra hỏi bất tử, không giấy tờ sẽ lòi thêm vụ ông mất mà không báo cảnh sát, chị đành quay về.

Chị vẫn nghĩ ông không thích nên ông cản không cho chị tìm ra. Cũng có cái lý của nó.

Đứng ở góc độ Nhân quả mà nói, một khi nhân không gieo thì quả không có. Ông không thích nên dù chị đã hết lòng, vẫn tìm không ra chùa để thỉnh thầy. Đi tìm một ngôi chùa mình đã đi hàng tuần mà không ra, đã là chuyện hy hữu, còn cột thêm cái duyên mất giấy tờ. Giả như không có vụ mất giấy tờ, có lẽ chị sẽ còn tìm cho bằng được, nhưng việc mất trộm đã xảy ra. Và nếu vụ mất trộm ấy xảy ra tại Việt Nam thì chưa chắc chị đã sợ mà quay về.       

Cho nên, khi lâm chung mà nghe được một bài kệ, một câu kinh v.v… phải biết, đã từng gieo cái nhân ấy từ trước. Nhờ nhân đó sẽ có những duyên trong tương lai giúp ta hành trì để có cái quả là thiện đạo và giải thoát. Đó là ý nghĩa của câu «Không luận là có tội hay không tội». Không tội thì giải thoát là đương nhiên. Có tội, thì nhờ thiện nghiệp ấy, tội sẽ chuyển hóa hay trả dứt mà giải thoát.

Đọc kinh luận của Phật Tổ, cần vận dụng các loại ý thú này để thông tỏ.     


 


[1] Thập Huyền Môn.

[ Quay lại ]