headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 03/05/2024 - Ngày 25 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Uyển Lăng Lục (tiếp theo...)

 CHÁNH VĂN

Vì chướng tâm ông nên bị nhân quả quản thúc, đứng đi đều không có phần tự do…

GIẢNG

Vì trong tâm còn chướng, còn dính mắc nên bị nhân quả quản thúc, đứng đi đều không có phần tự do. Như chúng ta không bằng lòng người nào, mình đang đi mà thấy họ đứng đàng kia thì không muốn đi về hướng đó nữa. Vì trong tâm không vừa ý nên có chướng.

Ngược lại nếu mình thích người nào, dù chưa muốn đi con đường đó nhưng thấy họ đứng đàng kia cũng bước tới. Như vậy cả hai đều do nhân quả quản thúc, nên ta mất tự do. Có khởi niệm thì nó dẫn mình đi đường này đường nọ, nếu không tâm thì người ta là người ta, mình là mình, cần đi thì đi, không cần thì thôi, không có gì vướng bận hết.

CHÁNH VĂN

Vì thế pháp Bồ-đề… vốn không phải có, Như Lai nói ra đều vì giáo hóa người, ví như cầm lá vàng nói là vàng để vỗ trẻ con khóc. Cho nên thật không có pháp gọi là A-nậu Bồ-đề.

GIẢNG:

Pháp Bồ-đề không có thực, song Đức Phật vì giáo hóa chúng sanh nên ngài nói đây là pháp Bồ-đề tâm, kia là cầu Bồ-đề quả. Đó là phương tiện thôi.

Ví như cầm lá vàng nói là vàng để vỗ trẻ con khóc. Trong kinh thường hay ví dụ như bà mẹ sửa soạn đi chợ, đứa nhỏ ở trong nhà thấy vậy đòi đi, không cho đi nó khóc. Bà mẹ mới lượm lá vàng ở ngoài đưa nói “mẹ cho con vàng đây”. Nghe vàng nó mừng quá hết khóc, nhưng thật ra trong tay chỉ là lá vàng chớ không có vàng. Cũng vậy, Phật nói tất cả pháp là phương tiện để độ chúng sanh, giống như ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay không phải là mặt trăng, nương ngón tay để thấy mặt trăng, bởi vì mặt trăng mới là chỗ cứu kính, chân thật. Chúng ta thường lầm cho ngón tay là mặt trăng nên không nhận ra được chỗ chân thật.

Nói tới tu thì phải tụng kinh, ngồi thiền. Tụng kinh ngồi thiền là ngón tay, nhưng người tu cứ lấy đó làm sở trường, không biết Phật muốn chỉ cái gì. Nếu biết nương lời Phật dạy nhận ra bản tâm, thấy được Phật tánh của mình, đó mới gọi là biết dùng phương tiện để đạt được cứu kính. Đằng này Phật nói ra chúng ta đọc lại cho Phật nghe. Thầy dạy trò học thuộc lòng, đọc lại cho thầy nghe. Cứ thế làm hoài không biết đi tới đâu?

Gốc của đạo không phải ở chỗ ngôn ngữ, kinh điển, mà từ ngôn ngữ kinh điển chúng ta nhận ra cái gốc nơi tự tâm. Tự tâm mình là tánh Bồ-đề nhưng chúng ta lại không biết, cứ chạy theo bên ngoài, đó là sai lầm. Cho nên ở đây nói không có pháp gọi là A-nậu Bồ-đề.

CHÁNH VĂN

Nếu đã lãnh hội được ý này, đâu cần phải ở chỗ riêng rẽ, chỉ tùy duyên tiêu nghiệp cũ, lại chớ tạo nghiệp mới, trong tâm sáng rỡ, nên nói “khi xưa thấy biết cần phải dẹp sạch”.

GIẢNG:

Khi lãnh hội được ý này rồi, không cần ở riêng một mình chỗ vắng, chỉ tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc y xiêm. Như vậy ở một mình trong thất cũng tốt, ra thất tùy chúng sanh tùy huynh đệ cũng tốt. Ở đâu cũng tùy duyên thôi. Nếu đòi ở trong thất mới tu, ra ngoài tu không được hoặc có người bảo bên ngoài lăng xăng thấy khỏe, vô thất bó buộc quá không tu được. Cả hai hạng người này có tùy duyên không? Không. Thành ra chúng ta sống tùy duyên ở chỗ vắng một mình cũng tốt, xông xáo hợp tác với huynh đệ cũng tốt. Đó là tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc áo xiêm.

Chúng ta cần hiểu rõ về câu “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ”. Ví dụ lúc trước mình có làm mích lòng một huynh đệ khiến vị ấy buồn. Bây giờ mỗi khi thấy mặt mình, vị ấy không nói chuyện chỉ ngó ngang thôi, mình làm sao đây? Thấy mình vị ấy không vui, nhưng mình cứ vui chào lại, chào riết người ta cũng sẽ hết giận. Còn thấy người ta không nhìn, mình cũng ngó ngang chỗ khác thì biết chừng nào hết nghiệp cũ? Đó là tu “tùy duyên tiêu nghiệp cũ”. Đã có nghiệp cũ rồi, gặp duyên không thuận chúng ta phải khéo xử sự để nghiệp cũ mòn mất đi. Đó là hiểu rõ “tùy duyên tiêu nghiệp cũ”. Hồn nhiên mặc áo xiêm tức là mặc áo ăn cơm một cách thanh tịnh, yên lặng không dính niệm nào, nghĩ suy nào.

Nếu ai tùy duyên tiêu nghiệp cũ rồi, lại chớ tạo nghiệp mới, trong tâm sáng rỡ nên nói “khi xưa thấy biết cần phải dẹp sạch”. Tất cả thấy biết trước kia ngày nay phải dẹp sạch. Chớ tạo nghiệp mới, là người khôn ngoan. Nghiệp cũ tùy duyên cho tiêu, nghiệp mới đừng tạo nữa. Nếu người ta giận, mình khỏa lấp lần lần bớt giận, mai mốt chọc nữa thì chừng nào hết nghiệp? Cho nên bớt nghiệp cũ rồi thì thôi đừng tạo thêm nữa. Như vậy trong tâm mới sáng rỡ. Cho nên nói “khi xưa thấy biết cần phải dẹp sạch”, tất cả niệm buồn thương giận ghét trước đó bây giờ dẹp sạch hết.

CHÁNH VĂN

Kinh Tịnh Danh nói: “Trừ bỏ những gì đã có”.

GIẢNG:

Tức là trừ bỏ tất cả những gì đã có trước kia cho sạch hết.

[ Quay lại ]