headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 03/05/2024 - Ngày 25 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Uyển Lăng Lục (tiếp theo...)

 CHÁNH VĂN

Nếu không hội ý này, dù ông học rộng, siêng năng khổ hạnh tu hành, ăn cây mặc cỏ mà không biết tâm đều gọi là hạnh tà, sau này sẽ thành thiên ma ngoại đạo và các vị thần trong nước, trên đất, tu hành như thế sẽ có lợi ích gì ?

GIẢNG:

Ngài chỉ thẳng nếu chúng ta không nhận được ý chỉ tu hành ngay nơi tâm mình thì dù học nhiều, siêng năng tu khổ hạnh như ăn lá cây, kết cỏ làm y phục… đều là hạnh tà. Những người này sau khi chết sẽ thành thiên ma, ngoại đạo và các vị thần trong nước, trên đất. Tu hành như thế sẽ có lợi ích gì? Tu để rồi thành thiên ma, ngoại đạo, thần núi, thần sông v.v… thì tu để làm gì ?

CHÁNH VĂN

Ngài Chí Công nói: “Bản thể là tâm mình nhận, đâu thể trong văn tự tìm”.

GIẢNG:

Bản thể chân thật ngay nơi tâm khéo nhận, nó đâu có trong văn tự, chữ nghĩa.

CHÁNH VĂN

Nay chỉ nhận tâm mình, dừng bặt nghĩ tính, vọng tưởng trần lao tự nhiên không sanh. Kinh Tịnh Danh nói: “Chỉ để một giường bệnh mà nằm" tức là tâm không khởi vậy.

GIẢNG:
Chỉ nhận được tâm mình, dừng bặt những suy nghĩ tính toán, vọng tưởng trần lao tự nhiên không sanh. Như trong kinh Tịnh Danh nói “chỉ để một giường bệnh mà nằm”. Cư sĩ Duy Ma Cật khi bệnh, trong nhà ông chỉ để một giường bệnh chính giữa mà thôi. Khi các vị Bồ-tát, La-hán đến thăm thấy ông nằm một mình trên giường bệnh, để biểu trưng tất cả đều dứt hết, chỉ còn tâm chân thật thôi. Nằm một mình là chỉ tâm không dấy động.

CHÁNH VĂN

Nay nằm bệnh, các phan duyên đều dứt, vọng tưởng diệt sạch tức là Bồ-đề.

GIẢNG:

Bây giờ chỉ còn một tâm yên lặng, mọi phan duyên dứt, vọng tưởng sạch, gọi là Bồ-đề.

CHÁNH VĂN

Nếu trong tâm lăng xăng chẳng định, dù ông học đến các vị tam thừa, tứ quả, thập địa, chỉ là đến trong chỗ phàm thánh mà ngồi, các hạnh hết trở lại vô thường, thế lực đều có khi hết. Ví như bắn tên trong không, sức đẩy hết lại rơi xuống đất, trở lại vào trong sanh tử luân hồi. Người tu hành như thế không hiểu ý Phật luống chịu khổ nhọc, đâu không phải lầm to!

GIẢNG:

Nếu chúng ta không dứt hết vọng tưởng, không nhận được Bồ-đề, trong tâm lăng xăng không định, dù cho học tới tam thừa, tứ quả, thập địa… chỉ ở trong chỗ phàm thánh mà ngồi, tức là ngồi trong chỗ sanh diệt đối đãi, vô thường. Cho nên tu mà có quả vị là còn ở trong vô thường. Quả được rồi phải bỏ, như vậy đi mãi cho tới cứu kính là chỗ chân thật bất sanh bất diệt. Bây giờ ngay cái bất sanh bất diệt chúng ta nhận lấy, sống với nó thì khỏi qua tất cả cấp bậc. Như vậy đường nào gần hơn? Đi từng cấp bậc thì quanh co, đi thẳng thì dễ đến thẳng. Bao giờ đường thẳng cũng gần hơn. Cho nên ở đây gọi là đốn ngộ, đi thẳng chớ không theo cấp bậc.

CHÁNH VĂN

Ngài Chí Công nói: “chưa gặp thầy sáng ra đời, uổng uống thuốc pháp Đại thừa”.

GIẢNG:

Nếu chúng ta tu mà không gặp những bậc thầy sáng chỉ thẳng thì uổng uống thuốc pháp Đại thừa. Dù tu pháp Đại thừa cũng không được tâm Đại thừa.

CHÁNH VĂN

Hiện nay chỉ trong tất cả thời đi đứng ngồi nằm chuyên học không tâm, không phân biệt, không nương tựa, không trụ trước, trọn ngày mặc tình lặng lẽ, giống hệt người ngu. Người đời hoàn toàn không biết ông, ông cũng chẳng cần dạy cho người biết hay chẳng biết, tâm như hòn đá nhẵn không tỳ vết, tất cả pháp vượt qua tâm ông không phủng, cao vót không dính mắc, như thế mới có ít phần tương ưng.

GIẢNG:

Hiện nay chỉ trong tất cả thời đi đứng ngồi nằm chuyên học không tâm. Không tâm học làm sao? Không tâm mà phải học, học đây là tập buông cho tới không tâm. Buông bỏ là học không tâm. Không phân biệt, không nương tựa, không trụ trước, tức không dính mắc gì hết. Trọn ngày mặc tình lặng lẽ, nếu suốt ngày không dính, không kẹt, không suy nghĩ, không tính toán thì ngày đó mình khổ hay vui? Thảnh thơi tuyệt vời.

Có người nào không muốn thảnh thơi không? Ai cũng muốn thảnh thơi tại sao lại không làm việc đó. Cứ ngồi lại nói chuyện bên này bên kia, anh này phải, chị kia quấy lung tung. Nhớ lung tung thì cái đầu không thể thảnh thơi được. Muốn thảnh thơi thì phải để cho tâm thảnh thơi. Ai thích phiền lụy thì làm việc phiền lụy, còn muốn thảnh thơi mà đeo đuổi việc phiền lụy là sai lầm.

Mặc tình lặng lẽ, giống hệt người ngu. Người đời hoàn toàn không biết ông, ông cũng không cần dạy cho người biết hay không biết, khi tâm rỗng lặng, không dính kẹt gì hết, người ta thấy mình như khờ như ngu. Họ nói mình khờ ngu cũng không cần cải chánh. Nếu ta không khờ ngu thì cứ bình thản, lúc đó tâm như hòn đá cụi láng lừ, không có gì dính được.

Tất cả pháp vượt qua tâm ông không phủng, không có gì soi phủng được tâm ông. Cao vót không dính mắc, như thế mới có ít phần tương ưng, tu như vậy mới thích hợp với pháp thân, bản tánh của mình. Còn tu mà lăng xăng lộn xộn, không hợp chút nào hết. Chúng ta ngồi tu, có ai đi ngang nói ông đó ngu si không biết gì, mà trong tâm không cục cựa nhúc nhích là khá rồi đó. Ngồi mà nghe khen trong bụng thấy thích thích, nghe chê thấy đau đau một chút, đó là bị tì vết rồi, bị soi phủng rồi. Làm sao khen chê tới chúng ta vẫn thản nhiên tự tại, đó là hòn đá mình đã nhẵn, không ai soi thủng được mới có ít phần tương ưng.

CHÁNH VĂN

Vượt qua được cảnh tam giới gọi là Phật ra đời. Tâm tướng không chảy gọi là trí vô lậu.

GIẢNG:

Hỏi thế nào là Phật ra đời? Là khi tâm không còn khởi niệm đi trong tam giới. Hỏi tu thế nào được trí vô lậu? Là tâm tướng không chảy. Không chảy là không dính mắc, gọi là trí vô lậu.

CHÁNH VĂN

Không tạo nghiệp người, trời, không tạo nghiệp địa ngục, không khởi tất cả tâm, các duyên hết chẳng sanh, tức thân tâm này là người tự tại.

GIẢNG:

Tất cả nghiệp chúng ta không tạo thì được gọi là người tự tại.

CHÁNH VĂN

Không phải một bề không sanh, chỉ là tùy ý mà sanh. Kinh nói: “Bồ-tát có ý sanh thân” ấy vậy.

GIẢNG:

Khi không còn dấy khởi niệm, đừng cho rằng không còn gì hết. Nếu nói không còn gì hết là sai lầm, lúc đó vẫn còn có ý sanh thân. Ý sanh thân là sao? Tức là chúng ta nghĩ độ chúng sanh ở cõi nào liền hiện thân đến cõi ấy để độ, cho nên nói Bồ-tát có ý sanh thân. Khi tâm ý thanh tịnh trọn vẹn, tùy duyên thấy chúng sanh ở nơi nào đáng độ, liền dấy niệm đến độ thì có thân ở cõi đó. Đây gọi là ý sanh thân.

CHÁNH VĂN

Nếu như chưa lãnh hội “không tâm”, chấp tướng mà tạo tác đều thuộc về nghiệp quỷ, cho đến làm Phật sự Tịnh độ thảy đều thành nghiệp, gọi là Phật chướng.

GIẢNG:

Ngài Hoàng Bá nói nếu người chưa lãnh hội được ý “không tâm”, chấp tướng tạo tác đều thuộc về nghiệp quỷ. Cho đến làm Phật sự Tịnh độ thảy đều thành nghiệp, gọi là Phật chướng, vì Tịnh độ là tu để tịnh nghiệp của mình, sau đó sanh về cõi tịnh tu nữa, mới chứng vô sanh pháp nhẫn. Nhiều người bảo tu Tịnh độ chết được Phật đón về Cực Lạc, còn tu Thiền chết không biết đi đâu, chắc làm ma lang thang không có chỗ nương tựa. Đó là hiểu lầm. Bởi vì Niết-bàn là vô sanh, tâm không còn dính kẹt mới giải thoát sanh tử. Bấy giờ Phật tánh hiện ra gọi là Niết-bàn. Nếu còn có niệm cầu sanh nơi này, nơi kia dù là sanh về Tịnh Độ, cũng chưa phải cứu kính. Còn kẹt trong cõi Phật là còn chướng ngại, nên nói Phật chướng.

[ Quay lại ]