headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 17/05/2024 - Ngày 10 Tháng 4 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Uyển Lăng Lục (Tiếp tục....)

 CHÁNH VĂN:

Hỏi: Nếu như vậy, chư Phật mười phương ra đời nói pháp gì?

Đáp: Chư Phật mười phương ra đời chỉ cùng nói một tâm pháp. Vì thế, Phật thầm trao cho Đại Ca Diếp một tâm pháp thể này. Tột hư không khắp pháp giới gọi là lý luận chư Phật, pháp ấy đâu phải ông ở trên ngôn cú mà hiểu được, cũng không phải ở trên một cơ một cảnh mà thấy được. Ý này chỉ là thầm khế hội, một môn ấy gọi là pháp môn vô vi. Nếu muốn hội được chỉ biết không tâm, chợt ngộ liền được. Nếu dụng tâm nghĩ học lấy thì càng đi xa. Nếu không tâm chia chẻ, không tất cả tâm thủ xả, tâm như cây đá, mới có phần học đạo.

GIẢNG:

Học mà tâm như cây đá thì làm sao mà học. Nên nhớ học ở đây là dứt hết những tâm dính, tâm kẹt, tâm chấp của mình. Gỡ bỏ cho sạch hết những thứ ấy là học đạo. Người nào học để thuộc để nhớ nhiều, đó là học chữ học nghĩa, chưa phải học đạo. Học đạo là xả tất cả tâm, tâm như cây đá. Nói như cây đá có người hiểu tâm như vô tri vô giác. Nếu vô tri vô giác đâu gọi là tâm. Tâm là cái biết, cái biết không dính, không kẹt, không có cái gì che đậy, cái biết đó mới thật là tâm, tâm đó là tâm Phật. Còn tất cả cái biết sanh diệt, vừa có liền không, vừa sanh liền diệt đều là cái biết hư ảo, không thật.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Như hiện nay có các thứ vọng niệm làm sao nói không?

Đáp: Vọng vốn không thể, tức là tâm ông khởi lên. Nếu ông biết tâm ông là Phật, tâm vốn không vọng, đâu có khởi tâm lại nhận là vọng? Nếu ông không sanh tâm động niệm, tự nhiên không vọng. Sở dĩ nói “tâm sanh thì các thứ pháp sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt”.

GIẢNG:

Hỏi hiện nay có các thứ vọng niệm, làm sao nói không? Ngài đáp vọng vốn không thể. Quí vị tìm xem cái gốc của khởi nghĩ ra sao, ở đâu, có hay không? Nó không có gốc, mà không gốc không rể thì có cái thể không? Vọng niệm không gốc rể, vậy nó từ đâu ra? Từ tâm mà dấy.

Nếu ông biết tâm ông là Phật, tâm vốn không vọng, đâu có khởi tâm lại nhận là vọng? Nếu biết tâm mình là Phật thì không chạy theo cái vọng, không chạy theo vọng thì đâu có nhận vọng làm mình.

Nếu ông không sanh tâm động niệm, tự nhiên không vọng. Chúng ta đừng dấy tâm, đừng khởi niệm, đó là không vọng. Cho nên nói “tâm sanh thì các thứ pháp sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt”.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Nay chính khi vọng niệm khởi, Phật ở tại chỗ nào?

Đáp: Nay khi ông biết vọng khởi, biết ấy chính là Phật. Vì thế, nếu không vọng niệm thì Phật cũng không. Tại sao như vậy? Vì ông khởi tâm chấp thấy Phật, bèn bảo có Phật nên thành, chấp thấy chúng sanh, bèn bảo có chúng sanh nên độ, khởi tâm động niệm thảy là chỗ thấy của ông. Nếu không tất cả thấy thì Phật có chỗ nào? Như Văn Thù vừa khởi thấy Phật liền liếc thấy hai ngọn núi Thiết Vi.

GIẢNG:

Nay khi ông biết vọng khởi, biết ấy chính là Phật. Vọng vốn không thật, nếu nó dấy lên chúng ta theo nó thì tạo nghiệp. Bây giờ nó vừa dấy lên mình biết nó hư dối, cái biết ấy giác hay mê? Giác mới biết được vọng hư dối. Thấy đúng bản chất là giác, là Phật. Lục Tổ nói niệm khởi liền giác, niệm khởi là vô minh, giác là Phật. Cho nên một trăm cái vô minh thì có một trăm ông Phật hiện ra. Bởi vậy khi tu, chỉ cần biết vọng không theo là có Phật hiện tiền.

Lâu nay chưa biết tu, khi dấy niệm quí vị chạy theo hay bỏ? Dấy niệm liền chạy theo. Ngồi trong Thiền đường lại nhớ thành phố, hồi đó mình ở chùa nào, đi học ra sao. Nhớ một dọc như vậy là giác hay mê? Mê. Bây giờ vừa nhớ thành phố liền biết vọng không thật, bỏ. Chạy theo vọng tưởng là mê, không chạy theo vọng tưởng là giác. Tại sao không chạy theo? Vì thấy đúng bản chất của nó không thật, đó là giác. Dù một trăm vọng tưởng dấy lên trong giờ ngồi thiền, chúng ta đều giác hết thì có thiệt thòi không? Có Phật đầy đủ, làm sao thiệt thòi. Khi vọng lặng hết không dấy lên nữa, mình vẫn thấy, vẫn biết, vẫn nghe, vẫn tỉnh sáng, lúc đó ông Phật hiện tiền.

Chúng ta canh ăn trộm, nếu cứ ngồi chăm chăm nhìn ngay cửa từ đầu hôm tới khuya, sợ ăn trộm vô, như vậy khỏe không? Mệt đừ. Thành ra cũng giữ ăn trộm nhưng cứ ngủ, chừng nào có động thì mở mắt nhìn, đốt đèn lên, không có thì cứ ngủ. Canh ăn trộm như vậy mới không mệt. Cũng vậy chúng ta nhìn vọng tưởng, không muốn nó dẫn đi, cứ chăm chăm nhìn nó hoài thì phát mệt, vọng tưởng không dấy lên nhưng đầu mình nặng. Bây giờ cứ ngồi thanh thản, không thèm nhìn, chừng nào nó dấy lên liền thấy, thấy rồi buông, vậy thôi. Tu nhẹ nhàng, không cố tình chăm chăm, mới yên, mới khoẻ, mới bền. Tu là vui, mà trái lại tu càng ngày càng quạo thêm là tu sai. Cho nên nhìn gương mặt là biết người tu đúng hay tu sai liền. Tu mà tươi tỉnh, thảnh thơi, luôn luôn sáng suốt đó là đúng.

Tại sao như vậy? Vì ông khởi tâm chấp thấy Phật, bèn bảo có Phật nên thành, chấp thấy chúng sanh, bèn bảo có chúng sanh nên độ, khởi tâm động niệm thảy là chỗ thấy của ông. Nếu không tất cả thấy thì Phật có chỗ nào? Nghĩa là mình khởi thấy bên này thì có bên kia, nếu không khởi tâm thì không có bên nào để thấy.

Như Văn Thù vừa khởi thấy Phật liền liếc thấy hai ngọn núi Thiết Vi. Chúng ta tu để tỉnh sáng, giác ngộ. Cái tỉnh sáng này không phải tìm kiếm ở đâu, ngay nơi tâm niệm mình vừa dấy vọng tưởng liền biết hư dối, không để nó dẫn lôi, đó là chúng ta tỉnh giác. Nó lặng thì thôi, ta cứ thanh tịnh không bận bịu gì hết. Tu như vậy là đúng.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Nay chính khi ngộ, Phật ở chỗ nào?

Đáp: Hỏi từ đâu đến, biết từ đâu khởi, nói nín động tịnh tất cả thanh sắc đều là Phật sự, chỗ nào lại tìm Phật? Không thể trên đầu lại để thêm đầu, trên mỏ lại thêm mỏ (mỏ chim). Chỉ chớ sanh kiến chấp khác thì núi là núi, nước là nước, Tăng là Tăng, tục là tục, núi sông, quả đất, mặt trời, mặt trăng, sao, thảy đều không ngoài tâm ông. Ba ngàn thế giới trọn là tự thể của ông, chỗ nào có nhiều thứ? Ngoài tâm không pháp, khắp thấy núi xanh, hư không thế giới rõ ràng mà không có bằng mảy tơ sợi tóc cho ông sanh hiểu biết, nên nói “tất cả thanh sắc là mắt tuệ của Phật”. Pháp không khởi riêng, nương cảnh mới sanh, vì vật nhiều có trí nhiều. Trọn ngày nói mà đâu từng nói, trọn ngày nghe mà đâu từng nghe, nên nói “Thích Ca bốn mươi chín năm nói pháp mà chưa từng nói một chữ”.

GIẢNG:

Hỏi từ đâu đến, biết từ đâu khởi, nói nín động tịnh tất cả thanh sắc đều là Phật sự, chỗ nào lại tìm Phật? Như vậy Phật ở chỗ nào? Mã Tổ hỏi ngài Huệ Hải “ông tới đây cầu cái gì?” Đáp “cầu làm Phật”. Nói “kho báu nhà mình không đoái hoài, tới đây tìm cái gì?” Hỏi “cái gì là kho báu của Huệ Hải?” Đáp “cái ông hỏi ta đó”. Cái biết hỏi, cái nói, cái nín đều có Phật trong đó hết. Tại sao? Vì có hoạt động nào mà không có cái biết trong đó. Không biết thì có nói, có nín, có hoạt động không? Có nói, có nín là có hoạt động, mà có hoạt động là có tâm. Biết là tâm. Như vậy tất cả hành động đều có tâm trong đó. Tâm tức là Phật, như vậy tìm Phật ở đâu? Phật ở khắp nơi. Chỉ đừng dính với ngoại trần thì Phật hiện tiền, còn dính với ngoại trần thì Phật ẩn, cho nên nói rằng không phải ở đâu khác.

Chỉ nói nín động tịnh tất cả thanh sắc đều là Phật sự, chỗ nào lại tìm Phật? Không thể trên đầu lại để thêm đầu, trên mỏ lại thêm mỏ, Phật ở ngay trong mọi hành động, không nên tìm Phật ở đâu nữa. Tìm Phật ở đâu nữa thì chẳng khác nào trên đầu đặt thêm đầu, trên mỏ chim đặt thêm mỏ chim.

Chỉ chớ sanh kiến chấp khác thì núi là núi, nước là nước, Tăng là Tăng, tục là tục, núi sông, quả đất, mặt trời, mặt trăng, sao, thảy đều không ngoài tâm ông. Ba ngàn thế giới trọn là tự thể của ông, chỗ nào có nhiều thứ? Ngoài tâm không pháp, khắp thấy núi xanh, hư không thế giới rõ ràng mà không có bằng mảy tơ sợi tóc cho ông sanh hiểu biết, nên nói “tất cả thanh sắc là mắt tuệ của Phật”. Tất cả thấy, nghe, biết của chúng ta đối với ngoại cảnh, đối với sự vật lúc nào cũng có. Chỉ khác khi thấy nghe hiểu biết mà sanh chấp, sanh dính thì đó là chúng sanh. Nếu thấy mà không chấp, không dính là Phật. Cho nên tất cả thanh sắc là mắt tuệ của Phật.

Pháp không khởi riêng, nương cảnh mới sanh, vì vật nhiều có trí nhiều. Trọn ngày nói mà đâu từng nói, trọn ngày nghe mà đâu từng nghe, nên nói “Thích Ca bốn mươi chín năm nói pháp mà chưa từng nói một chữ”. Chúng ta nếu không để tâm duyên theo cảnh, cũng vẫn ăn, vẫn nói, vẫn làm mà không để tâm dính với cái gì hết. Như vậy trọn ngày nói mà chưa từng nói, trọn ngày nghe mà chưa từng nghe. Cho nên Đức Phật nói ta bốn muơi chín năm thuyết pháp mà chưa từng nói một chữ. Còn chúng ta nói thì kể ơn, kể công đủ thứ, tôi thuyết được bao nhiêu thời pháp, tôi làm được cái gì cái gì… Chúng ta không giống Phật ở chỗ đó.

[ Quay lại ]