headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 17/05/2024 - Ngày 10 Tháng 4 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Uyển Lăng Lục (Tiếp theo...)

 CHÁNH VĂN

Hỏi: Chư Phật thế nào hành đại từ bi vì chúng sanh thuyết pháp ?

Đáp: Phật từ bi là vô duyên nên gọi là đại từ bi. Từ là không thấy có Phật để thành. Bi là không thấy có chúng sanh để độ.

GIẢNG:

Người ta bảo đại từ, đại bi là thấy chúng sanh khổ khóc theo chúng sanh, thấy chúng sanh vui cười theo chúng sanh. Còn đại từ đại bi ở đây là vô duyên, lạ chưa! Chữ vô duyên này dễ bị hiểu lầm. Thường thường chúng ta nghe ai nói những câu không có ý nghĩa thì bảo nói vô duyên quá. Nhưng vô duyên của nhà Phật là không có tâm phân biệt. Chúng ta là phàm phu nên khởi lòng từ phải có nhân duyên, còn Phật lòng từ tràn ngập không đợi nhân duyên nên gọi là vô duyên.

Thế nào là lòng từ có nhân duyên? Như một người đang khổ cay đắng nhưng trước mặt chúng ta họ không thố lộ, không trình bày, vì vậy tuy đối diện với họ mà ta không khóc. Trong khi đó mấy cô đào khéo nói, khéo gợi trúng tình cảm của mình, nên họ khóc mình khóc theo, dù biết họ khóc giả mà mình vẫn khóc sướt mướt. Lòng thương là từ bi nghe người ta khổ, thấy người ta khóc mình thương nhưng cái thương đó là do gợi trúng chỗ mới thương, còn không gợi thì không thương. Đó gọi là lòng từ có nhân duyên.

Phật thấy tất cả chúng sanh khổ đều thương, không đợi nhân duyên. Trong một tiền kiếp, đức Phật hành hạnh Bồ-tát, thấy con cọp rớt xuống hố bị đói, ngài tội quá thả mình xuống cho nó ăn. Người sau bảo Ngài hành động như vậy là từ bi mà không có trí tuệ. Con cọp nếu sống nó sẽ hại người khác, tại sao Ngài không để nó chết mà thả mình xuống cứu nó, một ngày sống của nó là một ngày giết hại chúng sanh. Thử hỏi việc làm đó có từ bi không? Người đời từ bi mà còn suy gẫm, xét lý, đó là lòng từ hữu duyên. Còn đức Phật vì dùng lòng từ vô duyên nên thấy chúng sanh khổ là giúp, không nghĩ tới một lý do nào hết. Khi lòng từ đạt tới vô duyên từ rồi thì thấy chúng sanh khổ là sẵn sàng giúp, không nghĩ giúp như thế sẽ được lợi ích hay có tai hại gì. Cho nên ở đây nói “Phật từ bi là vô duyên nên gọi là đại từ”, lòng từ ấy mới tràn ngập khắp tất cả.

Từ là không thấy có Phật để thành, nghĩa là tu sống trở về tánh giác của mình, không phải từ Phật nào khác thành. Bi là không thấy có chúng sanh để độ, chúng sanh đã sẵn tánh giác, mình nhắc họ để họ trở về, chớ không phải đưa họ tới đâu để họ thành Phật.

CHÁNH VĂN

Phật thuyết pháp là không nói không dạy. Người nghe pháp là không nghe không được, ví như huyễn sĩ vì người huyễn nói pháp.

GIẢNG:

Phật thuyết pháp là không nói không dạy. Người nghe pháp là không nghe không được, như vậy sao gọi là thuyết pháp, nghe pháp? Thuyết pháp là không nói không dạy, nghe pháp là không nghe không được. Nói thế để nhắc nhở cho chúng ta biết người thuyết pháp không sở đắc, không có, không được nên thuyết mà không thuyết, người nghe pháp cũng biết rõ không có sở đắc thì còn có pháp nào để nghe, để được. Chúng ta học đạo là nhận chân được lý đạo, đó mới thật là học đạo. Nếu chúng ta nghe pháp rồi phân biệt pháp này hay, pháp này dở, pháp này cao, pháp này thấp, đó là nghe trong so sánh, do so sánh nên thấy có pháp, có người nói pháp. Nghe như vậy chưa phải là nghe pháp.

Ví như huyễn sĩ vì người huyễn nói pháp, huyễn sĩ là người huyễn. Phật như huyễn sĩ, chúng ta nghe là người huyễn, huyễn sĩ nói pháp người huyễn nghe pháp, không có gì thật hết. Như vậy mới là nói pháp, nghe pháp.

CHÁNH VĂN:

Pháp ấy nếu vì nói, ta từ thiện tri thức ngay một câu liền nhận được, hội được, ngộ được, cái ấy là từ bi. Nếu ông khởi tâm động niệm học được hiểu biết của người, không phải là tự ngộ bản tâm, rốt ráo vô ích.

GIẢNG:

Học mà chỉ học câu nói của thầy, không nhận ra bản tâm của mình, học đạo như thế thật vô ích. Nhiều vị nghe pháp, câu nào hay hay liền ghi chép học thuộc lòng, cho rằng như thế là khéo học. Ở đây không phải vậy. Nghe pháp là nghe Phật chỉ rõ bản tâm mình, cố gắng nhận cho được bản tâm mới hữu ích, còn nghe mà lệ thuộc vào ngôn ngữ chữ nghĩa, đó là nghe bên ngoài, không có lợi ích. Người thời nay đa số nghe pháp, gom nhặt cho nhiều để ăn nói giòn giã, lưu loát thu hút người khác, chớ không thấy tột cùng chỗ chân thật của mình.

CHÁNH VĂN

Hỏi: Thế nào là tinh tấn ?

Đáp: Thân tâm không khởi ấy gọi là đệ nhất dũng mãnh tinh tấn. Vừa khởi tâm hướng ngoại tìm cầu, gọi là Ca Lợi Vương, Di hầu yêu bọt. Tâm không chạy ra ngoài là tiên nhân nhẫn nhục. Thân tâm đều không, tức là Phật đạo.

GIẢNG:

Hỏi tu thế nào gọi là tinh tấn. Ngài đáp Thân tâm không khởi ấy gọi là đệ nhất dũng mãnh tinh tấn. Nơi thân, nơi tâm không khởi làm sao đi lại, chẳng lẽ nằm hoài. Nếu nói tâm không khởi thì dễ hiểu, nói thân không khởi là không động, chẳng lẽ nằm tới chết luôn. Cho nên nói thân tâm không khởi là nơi thân tâm này không dấy khởi niệm hay dở xấu tốt v.v… ấy gọi là đệ nhất dũng mãnh tinh tấn. Nhiều người cho rằng tinh tấn là một đêm lạy Phật một ngàn lạy hoặc sám hối một ngày ba thời… Nhưng ở đây ngài định nghĩa tinh tấn khác hơn. Người đối với thân tâm không dấy niệm, không khởi ý nghĩ lăng xăng là người tinh tấn dũng mãnh bậc nhất. Tinh tấn như thế có ai thấy không? Không ai thấy, nhiều khi bị chê nữa là khác. Cả ngày không nói năng chi, ai nói gì cũng không khen chê, thiên hạ bảo là lừ đừ. Đối với các pháp thế gian không bận, không dính, không mắc, không khởi tâm, trong đạo khen là người đại tinh tấn.

Vừa khởi tâm hướng ngoại tìm cầu là Ca Lợi vương, Di hầu yêu bọt. Ca Lợi vương liên hệ tới một câu chuyện tiền thân của đức Phật. Vào thuở quá khứ, đức Phật là vị tiên tu hạnh nhẫn nhục. Bấy giờ có vua Ca Lợi ác nghiệt vô đạo, một hôm vua cùng các cung nhân đi du ngoạn, gặp vị tiên tu hạnh nhẫn nhục, đang ngồi thiền dưới gốc cây. Các thị nữ tùy tùng trông thấy, liền bỏ vua Ca Lợi đến chỗ vị tiên này để nghe pháp. Ca Lợi vương thấy vậy nổi giận, bèn chặt hết tay chân của vị tiên nhân này. Vị tiên nhân này chính là tiền thân của đức Phật hành hạnh nhẫn nhục.

Di hầu yêu bọt là chỉ bầy khỉ ở trên cây cạnh bờ sông, thấy khối bọt nước do ánh sáng mặt trời chiếu lóng lánh, bèn đua nhau nhảy xuống vớt. Kết quả tất cả đều chết chìm. Những thứ hư ảo, giả dối mà tưởng là thật, đắm chìm trong đó nên khởi tâm hướng ngoại tìm cầu. Giống như những con khỉ yêu đắm bọt nước vậy.

Ngược lại Tâm không chạy ra ngoài là tiên nhân nhẫn nhục. Tiên nhân nhẫn nhục bị vua Ca Lợi chặt tay, chặït chân mà không buồn, không giận vì tâm không chạy ra ngoài.

Thân tâm đều không, tức là Phật đạo. Không chấp thân, không chấp tâm, thân tâm đều thanh tịnh, đó là Phật đạo.

CHÁNH VĂN

Hỏi: Nếu không tâm, hành đạo này được chăng?

Đáp: Không tâm tức là hành đạo này, lại nói cái gì được cùng chẳng được? Vã lại vừa khởi một niệm bèn là cảnh, nếu không một niệm tức là cảnh mất, tâm cũng tự diệt, không cần lại tìm kiếm.

GIẢNG:

Hỏi “Nếu không tâm, hành đạo này được chăng?”. Đáp “Không tâm tức là hành đạo này”. Lúc nào ta không dấy niệm, không khởi nghĩ là đang hành đạo. Một số tu sĩ ngày nay cho rằng suy tính tổ chức làm việc này việc nọ là hành đạo. Ở đây ngược lại, Tổ nói không tâm là hành đạo. Đã không tâm là hành đạo, lại nói cái gì được cùng chẳng được? Không tâm là hành đạo rồi, lại nói được chẳng được cái gì.

Vã lại vừa khởi một niệm bèn là cảnh, vừa khởi niệm nghĩ về cái gì đều là cảnh cả. Như khi nghĩ tới người thân, thì bóng của người thân hiện trong chúng ta, nghĩ tới kẻ thù thì bóng của kẻ thù hiện trong chúng ta. Nhớ cái gì, nghĩ cái gì thì hình ảnh ấy hiện ra, cho nên nói là cảnh.

Nếu không một niệm tức là cảnh mất, không khởi nghĩ gì hết thì không có cảnh nào. Tâm cũng tự diệt, không cảnh thì đâu có tâm duyên theo, nên nói tâm tự diệt. Không cần lại tìm kiếm, đó là tu rồi, tìm kiếm cái gì nữa. Như vậy không nghĩ thì không cảnh, không cảnh thì tâm duyên cảnh lặng, tức tâm vọng tưởng không có. Đó là chân thật khỏi đi tìm kiếm gì cả. Ngài chỉ cho chúng ta cách tu rất rõ ràng.

[ Quay lại ]