headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 18/05/2024 - Ngày 11 Tháng 4 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Uyển Lăng Lục (Tiếp tục....)

CHÁNH VĂN:

Vào tông môn tôi đây cần yếu tại ý như thế. Thấy được gọi đó là Pháp, thấy Pháp nên gọi đó là Phật, Phật pháp đều không, gọi đó là Tăng.

GIẢNG:

Vào tông môn tôi đây cần yếu tại ý như thế, người nào vào tông môn của nhà Thiền thì phải biết được ý như vậy.

Thấy được gọi đó là Pháp, thấy Pháp nên gọi đó là Phật, Phật pháp đều không, gọi đó là Tăng. Ở đây nói thấy được tức là thấy được lẽ thực, gọi là pháp, pháp ấy gọi là Phật. Rốt ráo Phật pháp đều không, đó là Tăng. Tại sao thấy Phật, thấy pháp, rồi Phật pháp đều không? Bởi vì thấy Phật, thấy pháp là còn hai bên, mà tâm chân thật không có hai bên. Nhận ra tâm chân thật là Tăng, nên nói không còn hai bên nữa.

CHÁNH VĂN:

Kêu là tăng vô vi, cũng gọi là nhất thể Tam Bảo.

GIẢNG:

Tăng là tăng vô vi, tăng không sanh diệt. Vì tăng nhận được thể chân tâm không còn đối đãi, chỉ là tâm chân thật thôi, nên gọi là tăng vô vi không sanh diệt, cũng gọi là nhất thể Tam Bảo. Như vậy Phật Pháp Tăng chung lại một thể, chớ không có hai.

CHÁNH VĂN:

Phàm người cầu pháp không nên chấp nơi Phật mà cầu, chẳng chấp nơi pháp mà cầu, chẳng chấp nơi chúng tăng mà cầu, nên không có chỗ cầu.

GIẢNG:

Người cầu pháp mà không chấp Phật Pháp Tăng, nghĩa là không cầu nơi Phật, không cầu nơi Pháp, không cầu nơi Tăng thì cầu cái gì? Cầu vén màn vô minh cho ông Phật của mình hiện ra thôi, chớ không cầu Phật Pháp Tăng ở ngoài.

CHÁNH VĂN:

Không chấp nơi Phật cầu nên không Phật, không chấp nơi Pháp cầu nên không Pháp, không chấp nơi chúng Tăng cầu nên không Tăng.

GIẢNG:

Cuối cùng chỉ là tâm, không có Phật Pháp Tăng ở bên ngoài. Phật pháp là phương tiện chớ không phải chân thật, chân thật là trở về tâm trong sạch, sáng suốt, bất sanh bất diệt của mình. Đó là gốc.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Nay thấy Hòa thượng nói pháp thì đâu thể nói không Tăng cũng không Pháp?
Đáp: Nếu ông thấy có pháp nên nói, tức là lấy âm thanh cầu ta, nếu thấy có ta tức là xứ sở, pháp cũng không pháp, pháp tức là tâm.

GIẢNG:

Nếu thấy có người nói pháp, có người nghe pháp là lấy âm thanh mà cầu. Trong kinh Kim Cang Phật dạy “nếu lấy âm thanh cầu ta người đó hành đạo tà”. Nếu thấy ta có tức có xứ sở là có nơi chốn. Pháp cũng không pháp tức là tâm. Pháp tức là tâm, pháp do Phật nói, Tổ nói, pháp đó không phải pháp bên ngoài. Tất cả đều chỉ vềø tâm, nên nói pháp tức là tâm.

CHÁNH VĂN:

Tổ sư nói: “Khi trao tâm pháp này, pháp pháp đâu từng pháp”.

GIẢNG:

Tổ nói khi trao tâm pháp này, mỗi pháp mỗi pháp đều không phải pháp. Tại sao? Vì tất cả đều hướng về tâm.

CHÁNH VĂN:

Không pháp, không bổn tâm mới hiểu tâm tâm pháp.

GIẢNG:

Nghĩa là khi không thấy có một pháp thật, cũng không chấp tâm có chân có giả. Lúc đó mới hiểu được tâm tâm pháp là tâm mà Tổ muốn chỉ.

CHÁNH VĂN:

Thật không một pháp có thể được gọi là ngồi đạo tràng. Đạo tràng chỉ là không khởi các kiến chấp.

GIẢNG:

Người nào không thấy một pháp có thể được, không thấy có một pháp thật, đó là ngồi đạo tràng. Như vậy đạo tràng ở chỗ nào? Ở đâu mà thấy pháp thật thì không phải đạo tràng. Ngồi chỗ nào mà thấy các pháp duyên hợp hư ảo, không có gì quan trọng thì chỗ ấy là đạo tràng, nơi nơi là đạo tràng. Đạo tràng chỉ là không khởi các kiến chấp, ngồi đâu mà không khởi kiến chấp, chỗ đó là đạo tràng.

CHÁNH VĂN:

Ngộ pháp vốn không, gọi là không Như Lai tàng. Xưa nay không một vật chỗ nào dính bụi bặm. Nếu được ý trong đây, tiêu diêu đâu có chỗ bàn.

GIẢNG:

Ngộ pháp vốn không tức ngộ các pháp vốn là không, thể tánh nó không, không thật, đó gọi là không Như Lai tàng. Dẫn lời Tổ Huệ Năng nói “Xưa nay không một vật chỗ nào dính bụi bặm”, đó là ngài thấy đến chỗ tột cùng không Như Lai tàng. Nếu được ý trong đây, thì người đó tiêu diêu không có chỗ nghĩ bàn.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Xưa nay không một vật, không vật là phải chăng?
Đáp: Không cũng chẳng phải. Bồ-đề không chỗ ấy, cũng không không hiểu biết.

GIẢNG:

Nếu chấp cái không thì cái không ấy cũng không phải. Tại sao? Vì Bồ-đề không có cái không cũng không có cái có, cho nên cũng không không hiểu biết.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Sao là Phật?
Đáp: Tâm ông là Phật, Phật tức là tâm, tâm Phật không khác. Nên nói: “tức tâm là Phật”. Nếu lìa tâm ra không có Phật khác.

GIẢNG:

Xác nhận tâm chúng ta là Phật. Nói tâm là Phật là nói tâm nào, có phải tâm suy nghĩ phải quấy, hay dở không? Tâm đó không phải Phật. Tâm Phật là tâm không dính gì hết, không chấp cái gì hết, tâm đó tức là Phật. Phật là chỉ cho tâm hiện biết tất cả mà không dính, không chấp.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Nếu tâm là Phật, Tổ sư từ Ấn Độ sang truyền thọ thế nào?
Đáp: Tổ sư từ Ấn Độ sang chỉ truyền tâm Phật, chỉ thẳng tâm các ông xưa nay là Phật, tâm tâm không khác nên gọi là Tổ. Nếu thẳng đó thấy ý này tức chóng vượt khỏi tam thừa tất cả các vị, xưa nay là Phật không nhờ tu thành.

GIẢNG:

Hỏi nếu tâm mình là Phật rồi, Tổ sư từ Ấn Độ sang Trung Hoa truyền tâm gì? Đáp Tổ sư từ Ấn Độ qua chỉ truyền tâm Phật, chỉ thẳng tâm các ông xưa nay là Phật, tâm tâm không khác nên gọi là Tổ, tức là tâm của Tổ, tâm của chúng ta đều không khác. Người nào tu mà thấy tâm mình, tâm người, tâm chúng sanh đều không khác, đó gọi là Tổ.
Nếu thẳng đó thấy ý này tức chóng vượt khỏi tam thừa tất cả các vị, xưa nay là Phật không nhờ tu hành. Tu là dẹp những cái che đậy, chớ không phải tu để thành Phật.

[ Quay lại ]