headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 06/12/2024 - Ngày 6 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Uyển Lăng Lục (tiếp theo...) - cập nhật 16/03/2008

 CHÁNH VĂN

Sau Ngài đến Kinh đô, nhờ người mách đến tham với Tổ Bá Trượng.
Ngài hỏi Bá Trượng:
- Từ trước Tông thừa chỉ dạy thế nào ?
Bá Trượng lặng thinh. Ngài thưa:
- Không thể dạy người sau dứt hẳn mất.
Bá Trượng bảo:
- Sẽ nói riêng với ông.
Bá Trượng đứng dậy đi vào phương trượng.

Ngài cũng đi theo sau thưa:
- Con đến riêng một mình.
Bá Trượng bảo:
- Nếu vậy ông sau sẽ không cô phụ ta.

GIẢNG
Ngài đi tới Tổ Bá Trượng hỏi “Từ trước Tông thừa chỉ dạy thế nào?” Tông thừa hay Thiền tông cũng tương tự như nhau. Hỏi Thiền tông chỉ dạy thế nào? Tổ Bá Trượng lặng thinh không nói. Như vậy có tàn nhẫn không? Người ta tha thiết hỏi đạo lý mà không nói gì hết.

Ngài Hoàng Bá thưa “không thể dạy người sau dứt hẳn mất”, nếu không dạy người thì sau này còn ai nối tiếp. Bá Trượng bảo sẽ nói riêng với ông. Vậy trọng tâm chỗ chỉ dạy Tông thừa thế nào? Bá Trượng làm thinh là dạy chưa, có nói chỗ yếu lý của Tông thừa không? Chỗ yếu lý của Tông thừa vượt ngoài đối đãi, mà ngôn ngữ là đối đãi, nên mở miệng nói thì sai, vì vậy Tổ làm thinh. Ngài Hoàng Bá sợ như vậy người sau không thể học hiểu? Tổ Bá Trượng bảo sẽ nói riêng với ông. Cho nên Tổ đi vào phương trượng, Hoàng Bá đi theo.

Ở đây chúng ta không thấy Tổ Bá Trượng dạy cái gì, cũng không thấy ngài Hoàng Bá nói ngộ chi, mà thầy trò lại có chỗ kế thừa. Đó là chỗ đặc biệt của nhà thiền. Vì chỗ lặng thinh đó, không thể nào hiểu nổi, mà không hiểu nổi là đúng hay không đúng? Vừa khởi hiểu là đã xa muôn dặm, cho nên ngay chỗ lặng thinh mà nhận thì được. Ngài Bá Trượng lặng thinh, thiền sư Hoàng Bá có hội ý không? Ngài bảo “không thể dạy người sau sẽ dứt hẳn mất”, Bá Trượng bảo sẽ nói riêng với ông. Tổ Bá Trượng đi vào phương trượng Ngài cùng đi theo sau, nói “con đến riêng một mình đây”. Bá Trượng bảo “nếu vậy ông sau sẽ không cô phụ ta”. Tổ dạy cái gì mà nói không cô phụ ta? Thầy trò đối xử rất bình thường thì chỗ nào mà thâm nhập được, lại nói sẽ không cô phụ ta ?

Chỗ còn nói năng là còn hai, bặt nói năng thì hai hay một? Vì vậy, Hoàng Bá nói con tới một mình thôi, Tổ bảo sau ông sẽ không cô phụ ta. Nói một tí thôi mà thật là nhẹ nhàng nhanh chóng, nghe liền hiểu nhau, coi như thầy trò đã thông cảm. Thế là ngài Hoàng Bá được Tổ Bá Trượng ấn chứng.

CHÁNH VĂN

Một hôm, Bá Trượng bảo:
- Ở đâu đến đây ?
Ngài đáp:
- Nhổ nấm dưới Đại Hùng đến.

GIẢNG

Núi Bá Trượng tên là núi Đại Hùng, vì nó cao tới một trăm trượng nên người ta gọi là Bá Trượng.
Tổ hỏi ngươi đi đâu ? Đáp con nhổ nấm dưới Đại Hùng đến.

CHÁNH VĂN

Bá Trượng lại bảo:
- Lại thấy đại trùng chăng ?
Ngài bèn làm tiếng cọp rống. Bá Trượng cầm búa thủ thế.
Ngài bèn vỗ vào chân Bá Trượng một cái. Bá Trượng cười to bỏ đi.

GIẢNG

Đại trùng là con cọp. Tổ hỏi thấy cọp không thì Ngài làm tiếng cọp rống lên. Nghe rống, Tổ Bá Trượng cầm búa thủ thế. Như vậy là đấu võ hay làm gì? Coi như trường đấu võ vậy, không nói qua bàn lại gì hết, chỉ có những hiện tượng lạ lùng. Khi Bá Trượng cầm búa thủ thế, Ngài bèn vỗ vào chân Bá Trượng một cái. Bá Trượng cười to bỏ đi. Đã thủ thế mà vẫn bị vỗ một cái vào bắp đùi.

CHÁNH VĂN

Bá Trượng thượng đường bảo đại chúng:
Dưới núi Đại Hùng có một đại trùng, các ông nên xem. Lão Bá Trượng này hôm nay đích thân bỗng gặp và bị cắn một cái
.

GIẢNG

Gặp đại trùng tức gặp cọp, bị cọp cắn một cái. Ngài gặp cọp ở đâu, cắn lúc nào? Đó là chỗ ý nghĩa thầm lặng, không phải chỗ suy gẫm, lý luận thế này thế nọ. Chỉ thầm lặng nhận và trình một cách hết sức giản đơn. Hỏi ông ở đâu tới, nói con nhổ nấm dưới chân núi Đại Hùng lên. Hỏi có thấy cọp không, nói dạ thấy. Cọp đây là cọp nào? Phải hiểu được con cọp này mới hiểu chặn sau. Nghe nói thấy cọp, Ngài thủ thế.

Thủ thế thì cọp chụp cho một cái. Như vậy là sao? Thấy đây là thấy tận nơi, không phải thấy bằng lý giải, bằng tưởng tượng cho nên không có lời. Cái Ngài thấy là cái Ngài đã sống được, không phải cái lý giải để phân biệt đúng sai, hay dở. Bị thiền sư Hoàng Bá chụp mà Ngài Bá Trượng mừng vì đây là cọp thật, nên Tổ khoe với chúng các ông nên biết dưới núi Đại Hùng có con cọp, ta mới bị nó cắn một cái. Ý nói trong hội chúng có một người đã lãnh hội được yếu chỉ và trình cho ta thấy rồi. Đó là cách ấn chứng khéo léo, song người đời nghe qua không hiểu gì hết. Đây là điểm đặc biệt trong nhà Thiền.

Khi được Tổ Bá Trượng ấn chứng rồi, từ đây ngài Hoàng Bá bắt đầu đi tham vấn các nơi.
 

[ Quay lại ]