headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 03/05/2024 - Ngày 25 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Uyển Lăng Lục (tiếp theo...) - cập nhật 22/03/2008

 CHÁNH VĂN

Lúc Ngài ở chỗ Tổ Nam Tuyền, một hôm toàn chúng đi hái trà. Nam Tuyền hỏi:
- Đi đâu ?
Ngài thưa:
- Đi hái trà.
Nam Tuyền hỏi:
- Đem cái gì hái ?

Ngài đưa con dao lên. Nam Tuyền bảo:
- Đại gia hái trà đi.
Một hôm Nam Tuyền bảo Ngài:
- Lão tăng ngẫu hứng làm bài ca “chăn trâu”, mời Trưởng lão hòa.
Ngài thưa:
- Tôi tự có thầy rồi.
Ngài từ giã đi nơi khác. Nam Tuyền tiễn đến cổng, cầm chiếc mũ của Ngài đưa lên hỏi:
- Trưởng lão thân to lớn mà chiếc mũ rất nhỏ vậy ?
Ngài thưa:
- Tuy nhiên như thế, đại thiên thế giới đều ở trong ấy.
Nam Tuyền bảo:
- Vương lão sư vậy.
Ngài bèn đội mũ ra đi.

GIẢNG

Nam Tuyền và Bá Trượng đều là đồ đệ của Mã Tổ. Khi đi hái trà, Ngài Nam Tuyền hỏi đem cái gì hái. Ngài đưa con dao lên, Nam Tuyền bảo cả nhà đi hái trà đi. Hỏi đem cái gì hái, thường thường mình có cái gì đưa cái ấy, chuyện hết sức bình thường. Hoàng Bá đưa con dao lên, Nam Tuyền bảo đại gia hái trà đi, không nói thêm câu nào. Như vậy chấp nhận hay không chấp nhận ? Nhà thiền không dùng ngôn ngữ, chỉ dùng hình ảnh để nói lên chỗ đó không có ngôn ngữ, cho nên ngài Nam Tuyền đã chấp nhận.

Một hôm Nam Tuyền bảo lão tăng ngẫu hứng làm bài ca chăn trâu, mời trưởng lão hòa. Ngài thưa tôi tự có thầy rồi. Tại sao mời hòa bài ca chăn trâu lại đáp tôi có thầy rồi. Nói tôi có bài ca chăn trâu mời trưởng lão hòa, tức là mời ngài vào dòng phái của tôi, cùng truyền bá Phật pháp. Ngài thưa tôi có thầy rồi, nghĩa là từ chối.

Bây giờ Ngài sửa soạn từ giã Nam Tuyền đi. Đến cổng, Nam Tuyền cầm chiếc mũ nói trưởng lão thân to lớn mà chiếc mũ rất nhỏ vậy. Câu này là câu dọ dẫm lần chót. Ngài đáp rất khéo, tuy nhiên như thế, cả đại thiên thế giới đều ở trong ấy. Tuy tướng mạo nó nhỏ vậy, mà trùm cả đại thiên sa giới. Do đó ngài Nam Tuyền cũng phải nể. Đó là những câu chuyện đối đáp khi tham vấn những bậc thiện tri thức. Rất là khéo, rất là đặc biệt.

CHÁNH VĂN

Sau, Ngài ở Hồng Châu chùa Đại An, đồ chúng tìm đến rất đông.
Tướng quốc Bùi Hưu trấn Uyển Lăng lập đại thiền uyển thỉnh Ngài đến thuyết pháp. Vì Ngài quá mến núi cũ nên để hiệu Hoàng Bá.

GIẢNG

 Lúc Ngài ở tại Uyển Lăng, đã có những pháp thoại này.

CHÁNH VĂN

Một hôm, thượng đường đại chúng vân tập, Ngài bảo:

Toàn là bọn ăn hèm, thế mà xưng hành khước để cho người chê cười. Chỉ cam thấy một ngàn tám trăm người đi chớ không chịu sự ồn náo. Tôi khi đi hành khước hoặc gặp dưới rễ cỏ có một cái ấy là đem hết tâm tư mà xem nó. Nếu biết ngứa ngáy khả dĩ lấy đãy đựng gạo cúng dường. Trong lúc đó, nếu dễ dàng như các ông hiện giờ thì làm gì có việc ngày nay. Trong nước Đại Đường chẳng có Thiền sư sao ?
Có một vị Tăng ra hỏi:

Bậc tôn túc ở các nơi họp chúng chỉ dạy, tại sao nói không Thiền sư ?

Ngài bảo:

Chẳng nói không Thiền, chỉ nói không Sư. Xà lê chẳng thấy sao, dưới Mã Tổ Đại Sư có tám mươi bốn người ngồi đạo tràng, song được chánh nhãn của Mã Tổ chỉ có hai ba người, Hòa thượng Lô Sơn là một trong số ấy.

GIẢNG

Tại sao người xưa lại có những lời nói hơi thô lỗ, cả chúng mà nói toàn là bọn ăn hèm. Cái gì ăn hèm ? Ở Việt Nam hồi xưa hay nấu rượu, bả rượu gọi là hèm, dùng cho heo ăn. Ngài nói toàn là bọn ăn hèm, tức bọn con lợn. Câu nói này nhiều người trách, tại sao Ngài nói những lời khinh bạc chúng quá vậy. Nhưng chúng ta phải hiểu Ngài muốn khích lệ, nhắc nhở mọi người cố gắng tu. Nhắc nhở mạnh mẽ như vậy, người ta mới có tâm vươn lên, nếu nói nhè nhẹ người ta coi thường. Vì vậy Ngài nói đã là bọn ăn hèm mà xưng hành khước cho người chê cười.

Ngài nói “Chỉ cam thấy một ngàn tám trăm người đi chớ không chịu sự ồn náo”. Thà là các ông bỏ đi, chớ còn ở đông ồn náo, ta không thích.

Ngài nhắc lại chuyện đi hành khước của Ngài. “Tôi khi đi hành khước, hoặc gặp dưới rễ cỏ có một cái ấy là đem hết tâm tư mà xem nó. Nếu biết ngứa ngáy khả dĩ lấy đãy đựng gạo cúng dường”. Ngài đi hành khước tức là đi tìm học nơi này nơi kia, gặp dưới rễ cỏ có một cái ấy, dưới rễ cỏ tức là một vật nhỏ nhất, tầm thường nhất, nếu thấy hơi lạ là đem hết tâm tư xem nó, tức là đem hết tâm tư nghiền ngẫm để thấu đạt nó.

“Nếu biết ngứa ngáy khả dĩ lấy đãy đựng gạo cúng dường”. Nếu nghiền gẫm thấy có gì hay, thì mới có thể nhận người cúng dường. Ngài đi hành khước, gặp Thiền sư có lời đạo lý, liền đem hết tâm tư xem xét nghiền ngẫm, chớ không lôi thôi. Như vậy mới thấy đạo. Còn chúng ta ngày nay thì sao ? Tới chỗ nào thấy vui thích thì ở, chớ không chịu nghiền ngẫm những cái hay, những điều sâu sắc. Người xưa dù gặp chuyện rất thường, cũng cố gắng tìm cho ra thâm ý. Nếu hiểu và thấy nó hay thực thì phải thành tâm cung kính tuân học chớ không thể lôi thôi được. Đó là ý nghĩa thâm trầm, diễn tả lại thời Ngài tìm học nơi các thiện tri thức.

Cho nên Ngài nói: “Trong lúc đó, nếu dễ dàng như các ông hiện giờ thì làm gì có việc ngày nay”. Nếu lơ mơ như các ông bây giờ thì làm gì có việc ngày nay. Cho nên người học đạo phải đem hết tâm tư của mình, khi được thấy, được nghe thiện tri thức chỉ dạy, tìm cho ra, hiểu cho thấu, như vậy mới gọi là học đạo. Chớ nghe rồi bỏ đó, không quan tâm, không tìm kiếm thì không biết chừng nào mới đến nơi đến chốn, tu chừng nào cho có kết quả.

Nói xong Ngài hỏi: “Trong nước Đại Đường chẳng có Thiền sư sao ?” Hỏi cả nước Đại Đường này chẳng có Thiền sư nào sao ? Bởi vì nếu học hiểu nghiên cứu không được gì hết, tức là không có thầy nào xứng đáng để học.

Có một vị Tăng ra hỏi:

Bậc tôn túc ở các nơi họp chúng chỉ dạy, tại sao nói không Thiền sư ?

Ngài bảo:

Chẳng nói không Thiền, chỉ nói không Sư.

Thiền có sẵn, từ Phật chí Tổ, cho đến chúng ta ngày nay ai cũng có sẵn hết, nên đâu phải không Thiền, mà chỉ không Sư thôi. “Xà lê chẳng thấy sao, dưới Mã Tổ Đại Sư có tám mươi bốn người ngồi đạo tràng, song được chánh nhãn của Mã Tổ chỉ có hai ba người, Hòa thượng Lô Sơn là một trong số ấy”. Hòa thượng Lô Sơn là Ngài Qui Tông. Chúng ta thường nghe nói Ngài Qui Tông ỉa chảy đầy đất. Có nhiều người tu học, nhưng đến nơi đến chốn không được mấy người, trong đó ngài Qui Tông được khen nhất, bằng câu nói Qui Tông ỉa chảy đầy đất. Đọc sách Thiền, người không có tí mùi vị Thiền không làm sao nếm, hiểu được. Đó là điểm khó của người mới tu học Thiền.

Ngài nói dưới Mã Tổ có tám mươi bốn người được nhận là thiện tri thức. Nhưng rốt cuộc dưới con mắt của Ngài, chỉ có hai ba vị tuyệt vời thôi, còn lại bao nhiêu cũng thường.

CHÁNH VĂN

Phàm người xuất gia phải biết có sự phần từ trước lại. Vả như, dưới Tứ Tổ, Đại sư Ngưu Đầu Pháp Dung nói ngang nói dọc vẫn chưa biết then chốt hướng thượng, có con mắt trí này mới biện được tông đảng tà chánh. Người hiện giờ không hay thể hội, chỉ biết học ngôn ngữ, nghĩ đến những việc trong đãy da xưng là ta hội Thiền. Nó có thể thay ông việc sanh tử chăng ?

GIẢNG

Ngài Pháp Dung ở núi Ngưu Đầu cũng ngộ được nơi Tứ Tổ, nhưng Ngài thấy chưa phải tột, chưa phải người thấu đáo đến chỗ rốt ráo của lý thiền. Cho nên Ngài bảo người học thiền phải có con mắt trí tuệ, phân biệt rõ ràng đâu là tà, đâu là chánh, đâu là tột cùng, đâu là chưa tột cùng v.v… Ngài nói người thời nay tức thời Đường học ngôn ngữ, nghĩ đến những việc trong đãy da xưng là ta hội Thiền, chỉ biết lẩn quẩn trong thân này cho là hội thiền. Như vậy ai thay cho ông việc sanh tử ?
 

[ Quay lại ]