headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

CÁI BUÔNG ÍCH KỶ

Minh Long

Không biết bắt đầu từ đâu, nhiều người tu thường nói: "Càng tu càng bị khảo, cái khảo của lần sau nhiều hơn lần trước". Có thể do họ tu sai hay họ tu mà không có nơi trụ vững chắc?

Tôi cũng vậy, cố gắng nghĩ ra những lý do đẹp đẽ và chính đáng để bào chữa cho những hành vi của mình. Một việc gì đó trái ý là nóng giận, quá lắm chỉ nhịn được vài lần rồi cũng bùng nỗ như núi lửa...

Trước đây, mỗi lần như thế lại nghĩ cái suy nghĩ này điều khiển mình, những oan gia hay thế lực nào đó xúi bảo mình. Để tự trấn an, để tâm không phiền não tôi đã làm như thế. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm sau khi đã trút hết gánh nặng cho ' họ '. Bao nhiêu cái xấu mình làm đều đổ hết cho ' họ '. Nhưng xét lại, nếu mình không sinh tâm xấu thì lấy gì họ nương tựa mà làm bậy.

Cứ thế, những việc ấy cứ được huân tập dần, thành cái tính ích kỷ và tạo điều kiện cho bản ngã ngày càng lớn ...

Tôi tự cho mình đọc nhiều kinh sách, triết lý sống, sách dạy làm người v.v... Nhưng những điều Phật dạy trong đời sống thiết thực, tôi vẫn chưa làm được. Phật dạy thân này là túi da, không đáng để bận tâm, Phật dạy phải từ bi hỉ xả v.v... nhưng tôi nào có thấy đó là túi da v.v...

Có lẽ tôi nghĩ cho bản thân mình nhiều quá. Những phiền não không thể xâm phạm tôi được không phải vì tôi tu giỏi, tôi đắc đạo mà vì tôi không bao giờ nghĩ đến bất cứ ai. Tôi chỉ nghĩ cho riêng mình. Chỉ cần một chút gì khiến tôi phiền não, ai làm gì đó khiến tôi suy nghĩ một chút là tôi ... BUÔNG, mặc kệ người khác có phiền não hay không, mặc kệ người khác đang ở trong tâm trạng nào, chỉ cần tôi vui là đủ ...

Giờ tôi mới nhận ra rằng, tôi buông nhưng không phải theo cái buông Phật đã dạy. Chỉ là dung túng thêm cho bản ngã và vô minh, rồi huân thành tánh lúc nào không biết. Nó đã ăn sâu vào người đến nỗi gặp việc gì là lại như con chó thấy phân, nhào đầu vào ngửi và ăn ...

Khi tâm khởi sinh điều bất thiện, tôi biết. Biết rất rõ nhưng lại làm và cư xử theo cảm tính, theo cảm xúc nhất thời ...

Học Phật là để tha thứ, là để bao dung với mọi người bằng chính cái tâm của mình, chứ không phải làm một cách miễn cưỡng, làm như bị ép buộc và chất chứa trong lòng không thể diệt được.

Trong lúc ngồi suy nghĩ lang man, tôi chợt nhớ đến câu chuyện mình thương ai nhất của Sư ông Thanh Từ. Nghĩ đến cái chậu phân đang đội trên đầu một vị tăng hoằng pháp (*), và sâu sắc nhất là học được chữ NHẪN từ một đạo tràng. Họ có tấm lòng, họ có tâm huyết, họ bị oan ức, họ bị chà đạp ... nhưng họ vẫn nhịn suốt bao năm tháng. Ngẫm lại mình, tôi bàng hòang thốt lên: "Từ trước đến giờ, mình là con người thế sao? Tệ thật Ml ạ!

Vì thế, từ nay nhất định phải quyết tâm huân tập lại những tình thương yêu, không phải chỉ yêu thương chính mình, không phải chỉ an vui cho bản thân mình. Phải gắng không làm phiền ai. Ai có ghét thì chịu, cố gắng không huân tập những thói xấu xa ấy nữa.

Một người 22 tuổi như tôi bây giờ, mới thực sự học được bài học quí giá. bài học làm người ...
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(*) Một vị thầy đi hoằng hóa, có người ghét lấy thùng phân đổ trên đầu thầy. Thầy vẫn bình thản. Dân chúng nghe tin kéo nhau đi xem. Có người nói: 'Thúi như thế mà cũng chịu được '. ' Hòa thượng này điên rồi ' v.v...

Vị thầy ung dung bước xuống sông rửa sạch phân rồi nói: Chẳng phải thân chúng ta cũng dơ bẫn như thùng phân này sao? Chẳng phải chúng ta là một thùng phân lớn sao? Dơ bẫn bên ngòai có thể rửa được, nhưng nếu tâm chúng ta dơ bẩn thì rửa bằng gì? Chỉ có sám hối mới làm được điều đó

 

[ Quay lại ]