headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 29/04/2024 - Ngày 21 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Tu Phật có cần đến việc phước thiện?

 Chân Hiền Tâm

Tại một đạo tràng bạn, khi đề cập đến vấn đề phước huệ song tu, người ngồi cạnh tôi đã lên tiếng với giọng cười chế diễu ... Ông cho rằng vấn đề phước báu chỉ là ngụ ý riêng của những vị giảng sư để hô to khẩu hiệu cúng dường, thực chất chỉ cần tu huệ là đủ tất cả.

Quan niệm này tương tự như quan niệm tôi đã gặp trước đây ở một người bạn “Học Bát Nhã Ba La Mật là đủ cả 5 độ kia nên chỉ cần học Bát Nhã Ba La Mật là đủ”. Vì thế, một vị đến chùa chỉ để mở mang trí tuệ bằng kinh luận, còn vị kia bỏ ra 2 giờ một ngày để tụng bộ Bát Nhã và chờ … thành Phật.

Tu cả phước huệ hay chỉ tu huệ và học Bát Nhã thôi đều được. Song pháp thế gian là pháp duyên khởi, được hay không, đúng hay sai còn ... tùy duyên!

TRÍ TUỆ, còn gọi là Bát Nhã hay Thực Tướng Bát Nhã, là cái trí thấy các pháp đúng như chính nó. Học Bát Nhã Ba La Mật là học cái thấy như thật ấy. Ta nhìn các pháp không đúng như chính nó vì TẬP NGHIỆP của mình làm biến dạng tất cả. Như con người thấy là nước, nhưng chỗ nào có nước thì ngạ quỉ lại thấy là lửa. Thân tâm này đều huyễn nhưng mình lại thấy thật. Trên cùng một sự kiện hay sự vật mà người thấy thế này, người thấy thế kia ... Sự lệch lạc ấy phát sinh là do tập nghiệp của mỗi loài, mỗi người trong lục đạo. Muốn thấy các pháp đúng như chính nó, tập nghiệp phải được tiêu trừ. Muốn tiêu trừ tập nghiệp, ta phải nương vào giới luật, thiền định v.v... Không phải chỉ đọc tụng mấy câu Bát Nhã hay vớ được một mớ hiểu biết từ kinh luận là đã học Bát Nhã Ba La Mật. Nghe pháp là để biết cách học Bát Nhã Ba La Mật, chưa phải là học chính Bát Nhã Ba La Mật. Đọc học nghe pháp nhiều bao nhiêu mà tập nghiệp không trừ thì Bát Nhã Ba La Mật chẳng thể hiển lộ. Ngài Thiện Tinh thông suốt 12 bộ kinh, đạt được tứ thiền nhưng không thành A la hán mà lại đọa địa ngục. Vì nhân có gieo mà duyên thì chưa đủ, lại chấp vào cái chưa đủ ấy sinh tâm phỉ báng, nên gặt cái quả trở ngược.

Vì lý do đó, Hòa thượng dạy mình BIẾT VỌNG KHÔNG THEO. Biết vọng không theo là phá ngay vào cái tập gốc của mình. Nói là gốc bởi đánh bật được nó thì các tập khác theo đó lụi tàn. Như đốn cây, đốn được gốc rồi thì cành lá từ từ sẽ khô. Trong Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất, có người hỏi “Người cư sĩ vợ con dâm dục không dứt, làm sao thành Phật?” Tổ Đạt Ma trả lời “Chỉ nói thấy tánh, chẳng nói dâm dục”. Thấy tánh là chỉ cho cái đốn ngộ đồng chư Phật ấy. Muốn nhận được tánh, phải phá trừ tập khí, khoét thủng được màng vô minh. “Thấy tánh rồi thì dâm dục xưa nay nó là không tịch, không nhờ đoạn trừ, không còn ưa thích”. Một khi nhận được cái chân, cái không chân sẽ hiện từ từ. Không có gì để vướng bận thì không có gì phải trừ khử.

Trên thực tế, do nghiệp tập cũng như hoàn cảnh của người tại gia còn nặng nề đa đoan nên rất ít người có thể miên mật hoàn toàn đối với vấn đề BIẾT VỌNG mà Hòa thượng đã dạy. Điều này nói lên căn cơ của mình chưa phải là thứ chỉ làm một việc đốn tận gốc là xong. Năng lực dứt vọng trong hiện đời không đủ thì chưa thể quyết định được đường đi nước bước của mình khi xuôi tay nhắm mắt. Luân hồi trường kiếp, duyên nghiệp càng trải dài … Công phu chưa vững mà thiếu phước quá thì đường tu khó suôn sẻ. Phước nhiều thì công hạnh Bồ tát cũng có điều kiện phát triển hơn. Vì thế không thể không tính đến chuyện phước thiện ở thế gian. Nó là thứ cần thiết cho việc tu hành.

Ngoài ra TỪ BI là thứ tất yếu phải có khi chúng ta có trí tuệ. Học nhiều mà đối với tha nhân, mình thủ chặt quá thì việc học hỏi ấy đã có chiều hướng lệch lạc. Cái biểu hiện lòng từ ấy là thứ đánh giá xem ‘phần LÝ mình đã học hỏi được ứng vào SỰ đến đâu’ để đạt lần đến LÝ SỰ VIÊN DUNG. Bởi vậy, việc tu hành của chúng ta không thể bỏ đi phần phước thiện này. Chúng chính là phương tiện giúp ta tiêu trừ lần thói quen chấp ngã của mình. Quen ăn mặn thì tập ăn chay để phá. Quen ồn náo thì lấy tĩnh lặng để phá. Quen vì mình thì lấy vì người mà phá. Tu phước là để phá thói quen vì mình này. Trong 5 độ nó thuộc vòng ngoài của Bố Thí Ba La Mật. Nói “ngoài” bởi Bố Thí Ba La Mật không chỉ có hai từ phước thiện.

Tóm lại, không cần đến phương tiện mà học thẳng được Bát Nhã Ba La Mật thì chỉ cần học Bát Nhã là đủ cả 5 độ kia. Tu mà đạt thẳng cái huệ ấy thì chỉ cần tu huệ là đủ. Nhưng với cái duyên của mình, là những chúng sanh lênh đênh giữa cõi Ta Bà, không nhờ phương tiện thì khó mà được Bát Nhã Ba La Mật. Nên muốn học Bát Nhã Ba La Mật phải học đủ cả 5 độ kia. Cũng đều là đủ, nhưng cái đủ trước không giống cái đủ sau vì duyên trước không giống duyên sau. Ở đời vui đạo hãy tùy duyên! Học hỏi tu hành cũng NHỚ TÙY DUYÊN.

Song việc thiện của người tu Phật khác với người cầu phước. Người cầu phước lấy phước báu làm cứu cánh. Với người tu Phật, nó chỉ là phương tiện giúp ta phá dần đi ngã tướng của mình, trang trải phần nào những duyên nghiệp trước đây và tạo thêm điều kiện tu hành cho tương lai. Nó là thứ giúp tâm mình mở rộng để dễ gần đạo hơn, nhưng không phải là việc chính của mình. Việc chính của mình là làm sao càng ngày tâm mình càng lắng. Việc gì khiến tâm mình bớt sanh khởi, đó là việc thiện của mình. Nên ngay khi làm thiện, phải lấy sự bình thản và qui hướng vô tâm làm nền tảng. Làm thiện mà khiến tâm sanh khởi dính mắc nhiều quá thì việc ấy không còn là việc thiện của người tu Phật.

Vô tâm rồi, việc thiện trở thành nhu cầu tự nhiên của người tu Phật. Thiền sư Bạch Ẩn làm mấy câu thơ “Dù có khoe khoang tôi đã tỉnh ngộ, nếu vô tình với chúng sanh, thì rơi vào thế giới của ma quỉ, lời thánh Kasuga nói như vậy”. Việc thiện không bao giờ là thứ dư thừa đối với người tu, nên ta không thể xem thường và bác bỏ nó. Tu Bồ tát hạnh cũng phải tu Thập Thiện như tu Nhân - Thiên vậy.

[ Quay lại ]