headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Những Điều Cần Thiết Của Sự Tu

Hôm nay tôi nói về những điều thiết yếu của sự tu, cốt làm sao chúng ta có được nhiều kinh nghiệm để áp dụng và hành trì Phật pháp. Mỗi vị sau khi học hiểu rồi, tùy theo căn nghiệp của mình, ứng dụng phương pháp thích hợp sao cho việc tu học đạt được kết quả tốt.

Trên đường tu, ngoài thầy bạn là những vị thiện hữu dìu dẫn chúng ta đi đúng chánh pháp, mỗi người còn phải có quyết tâm, có ý chí sắt đá thì đạo nghiệp mới có thể thành tựu. Bởi vì tu hành không phải là chuyện thường tình đơn giản, nên không những chúng ta quyết tâm mà còn phải quyết tử nữa. Nếu không chúng ta dễ bị lay chuyển bởi những cam go chướng ngại trong lúc tu tập. Người xưa nói: “Nếu không gắn chữ tử trên trán thì công phu nhất định không tiến”. Vì vậy chúng ta phải có những chuẩn bị cần thiết cho mình.

Trong kinh Tư Ích có dạy về pháp Lục độ ba la mật, tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Đây chính là những pháp tu thiết yếu giúp chúng ta tiến nhanh trên con đường Bồ-tát đạo. 

1. Bố thí ba la mật.

Pháp thứ nhất là bố thí ba la mật. Khi nói đến bố thí, thông thường chúng ta hay nghĩ phát tâm cho người khác tiền bạc của cải không tiếc, gọi là bố thí. Ở đây, bố thí ba la mật không phải như vậy. Theo tinh thần của Đại thừa cũng như của nhà thiền thì bố thí là, làm sao buông bỏ được phiền não của chính mình. Lọc lừa loại bỏ tất cả những cặn bã ô nhiễm trong lòng mình, làm sao trong từng giây phút, trong từng sinh hoạt, luôn luôn không có những tâm niệm triền phược trong lòng.

  Tùy theo mức độ loại bỏ mà chúng ta đạt được trình độ bố thí khác nhau. Loại bỏ được bao nhiêu phần trăm thì tinh thần bố thí của chúng ta đạt được bấy nhiêu phần trăm. Nếu loại bỏ được hoàn toàn tất cả phiền não trong lòng, thì ta đạt được tinh thần bố thí ba la mật. Được vậy đứng trước bất cứ hoàn cảnh nào mình cũng cảm thấy bình an thanh thản. Việc này tuy khó làm, nhưng không phải làm không được.

Ở đây đòi hỏi sự tỉnh giác của hành giả. Khi nào tỉnh và giác thì chúng ta có thể loại bỏ những thặng dư, phiền trược ô nhiễm. Bỏ được chúng tức ta đã thực hành bố thí. Có khi chỉ với một việc thường trong đời sống thôi, cũng đủ làm chúng ta mất ăn mất ngủ, hà huống những dấy niệm lăng xăng lôi cuốn cả cuộc đời, cả sinh mệnh của mình. Chúng ta đã mất mình trong những thứ ấy nhiều quá rồi.

Người tu phải là người biết làm những việc chính đáng, còn những gì không chính đáng thì loại ra, bỏ đi. Nghĩa là phải bố thí những thứ cặn bã không cần thiết, còn những gì đúng với đạo lý thì cố gắng hành trì. Đó là người biết bồi dưỡng các công đức lành. Việc làm này đòi hỏi sự quyết tâm và lòng kiên trì, nếu hay quên hoặc dễ vui qua ngày thì làm được gì.

Thông thường chúng ta nghe nói bố thí nội tài là buông bỏ những thứ bên trong mình như đầu mắt tay chân… Điều đó không sai, nhưng chỉ là phần thân ngoài, còn những thứ dấy niệm vọng động trong tâm mới là nội tài chính. Phải bố thí hết những thứ này, thì đời sống của chúng ta mới được thanh tịnh an vui. Có thanh tịnh mới đi đến giải thoát, giải thoát ngay trong hiện tại. Tu như vậy mới đúng theo tinh thần Phật dạy.

Về phần bố thí ngoại tài, như của cải vật chất bên ngoài, chúng ta mở lòng chia sẻ cho người khác. Nếu không có tinh thần đạo lý, không dễ gì ta thấy chúng là những thứ bên ngoài. Chỉ khi nào mình có được sự tỉnh giác, thấu hiểu bản chất vô thường của chúng, thì mới yên lòng thực hành hạnh bố thí một cách viên mãn. Hai loại tài sản trên, khi nào chúng ta bố thí trọn vẹn thì mới gọi là bố thí ba la mật.

Như tôi thường nói, bước đầu của người tu thiền là buông bỏ những vọng tưởng lăng xăng của mình. Nhưng nếu không tỉnh giác thì không dễ gì buông được. Không tỉnh giác thì làm sao biết nó giả, cho nên nó dấy lên mình theo dính với nó, nói gì chuyện buông. Vì vậy trong giai đoạn này phải cần đến trí dụng để hóa giải chúng. Đây là giai đoạn thực hành công phu ban đầu.

Trong hai thứ bố thí trên, bố thí nội tài là quan trọng. Song với người tu Phật dù nội tài hay ngoại tài thảy đều bố thí hết. Nói thế, nhiều vị sẽ đặt vấn đề: Với người có của cải phương tiện thì bố thí được, còn người đầu tắt mặt tối, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc thì làm sao bố thí? Hiểu như vậy, người nghèo không tu được hạnh bố thí sao! Thưa không phải thế.

Người nghèo không có của thì có công. Chúng ta chẳng thể giúp tiền bạc thì giúp người bằng lời nói, bằng hành động. Như nắm tay một cụ già qua đường, đỡ một em bé vừa vấp ngã, lặn xuống sông cứu người vừa bị chết đuối… không thiếu chi cách bố thí. Quan trọng là ở cái tâm. Tâm lượng rộng lớn thì dù làm một việc nhỏ công đức cũng nhiều. Tâm lượng nhỏ bé thì dù có tổ chức đình đám rình rang, công đức cũng chẳng được bao nhiêu.

Nên nhớ phải tỉnh sáng tùy thời tùy hoàn cảnh mà tu. Tóm lại nếu người biết tu thì trong hoàn cảnh nào tu cũng được. Làm sao cố gắng bồi dưỡng phát triển sự tỉnh giác và trí dụng trong mọi lúc mọi nơi. Có vậy việc tu hành mới tăng tiến.

2. Trì giới ba la mật.

Pháp thứ hai là trì giới ba la mật. Trì giới ba la mật là đối với các pháp chúng ta không dính mắc. Như vậy điểm chính yếu của phần này là đừng để dính mắc các cảnh duyên. Dính là dính chùm lại, mắc là vướng kẹt. Nghĩa là làm sao đối duyên xúc cảnh, chúng ta không vướng kẹt, không dính khằn, đó là trì giới viên mãn tức trì giới ba la mật. Việc này rất khó làm. Bởi vì chúng ta luôn luôn có khuynh hướng vướng mắc, không bao giờ chịu tháo gở.

Nếu nghiệm kỹ chúng ta sẽ thấy rất rõ, như mình đang ngồi yên mà chỉ một câu nói bâng quơ ở đâu cũng làm ta hết yên. Cứ thế hàng loạt ý tưởng thắc mắc lăng xăng xoay quanh câu nói ấy. Nếu sức tỉnh giác yếu thì vướng mắc này sẽ dẫn mình đi tới chỗ tối tăm, mất hết sáng suốt. Từ đó tạo ba nghiệp bất thiện, không thể dừng được. Thế là đã mở cửa ba đường ác rồi đó.

Hoặc mình đang ngồi mà có mùi hương thơm hay một lời ca tụng nào đó, tâm cũng xao động bất an liền. Nếu ta biết tu, có sự tỉnh giác thì cứ để cho mùi hương ấy bay đi, cho những lời ca tụng bâng quơ ấy theo gió theo mây, không cần phải quan tâm. Thực hành được như vậy gọi là trì giới ba la mật, vì thân khẩu ý lúc nào cũng thanh tịnh. Nhưng đâu phải dễ, bởi các giác quan của chúng ta luôn chực chờ sẵn để chạy theo cảnh duyên bên ngoài, rồi vướng mắc dính chùm với nhau. Thành ra ta tu hoài mà chẳng ra làm sao cả. Mình với các pháp dính, mình với âm thanh dính, mình với sắc tướng hương vị… dính hết. Không chịu gỡ thì làm sao mà trì giới ba la mật được !

Khi quy y và được truyền năm điều giới, Phật tử nguyện giữ gìn không trái phạm, đó gọi là trì giới. Nhưng với kinh Tư Ích thì, người giữ giới viên mãn là người không những không dính mắc những thứ bên ngoài mà luôn cả những thứ trong tâm, cũng không được dính mắc. Cho nên không phải người siêng tụng điều giới mà gọi là giữ giới. Giữ giới là luôn luôn lóng sạch tâm tư, không để các cảnh duyên bên ngoài và những dấy niệm bên trong kéo lôi. Nếu chúng ta có thể hành trì như vậy trong mọi thời mọi lúc, mới được gọi là trì giới ba la mật.

3. Nhẫn nhục ba la mật.

Pháp thứ ba là nhẫn nhục ba la mật. Nhẫn nhục ba la mật là đối với các pháp, chúng ta không xâm phạm. Thường con người luôn đặt vấn đề với các pháp. Lúc nào ta cũng muốn uốn nắn sửa sang mọi thứ theo ý mình. Trong cuộc sống, không khi nào ta chấp nhận mọi người và mọi điều. Cứ nhìn theo con mắt, theo kinh nghiệm, theo nghiệp tập của mình. Thành ra thế gian có trăm ngàn mẫu mã nhà cửa, không cái nào giống cái nào. Có giống chăng chỉ ở hình thức bên ngoài, còn cấu trúc sắp đặt bên trong thì mỗi nhà mỗi khác.

Cuộc sống này là tạm, mọi thứ đều tạm, cho đến thân tâm sanh diệt cũng tạm. Thế thì ta có giá trị gì mà bắt mọi người mọi vật phải theo ý ta! Người hiểu và sống được như vậy là không xâm phạm đối với các pháp, tâm được như như. Đây gọi là người nhẫn nhục ba la mật. Trái lại xem mọi thứ là thật thì coi như mất mình, bởi vì ta đã đồng hóa mình với những thứ tạm bợ, nghĩa là nhận giặc làm con, mở cửa cho kẻ trộm cướp vào nhà, thì mất hết gia sản là chuyện dĩ nhiên rồi.

Trong cuộc sống, nếu chúng ta cứ chạy theo, cứ lăng xăng toan tính xâm phạm pháp này pháp nọ, thì càng ngày mình càng ngược xuôi theo vọng tưởng, bị vọng tưởng cột trói cho đến nhắm mắt xuôi tay. Không làm chủ được thì không có ý chí để sắp đặt vận mạng của mình, thế nên cuộc sống càng kéo dài ta càng vướng vào vòng xoáy của khổ đau.

Như ta đang ngồi thiền hay ngồi nghỉ dưới một bóng cây. Nếu ngồi chỉ ngồi, không bị vướng mắc bởi bất cứ niệm nào, trần cảnh nào bên ngoài thì tâm là tâm, cảnh là cảnh, không trói buộc lẫn nhau. Đây gọi là tâm cảnh như như. Nhưng chúng ta thường thì ngồi xuống chỗ nào là chỗ ấy có vấn đề. Ngồi xuống băng đá thì băng đá có vấn đề, cái băng này ở đâu, làm bằng đá gì. Ngồi xuống gốc cây thì gốc cây sinh chuyện, cây này là cây gì, sao nó cao thế… luôn luôn như vậy. Trăm ngàn hình ảnh bên ngoài tương ưng với vô lượng vô lượng tâm lăng xăng bên trong.

Nếu không ý thức buông bỏ, đình chỉ những vọng tưởng ấy thì suốt đời chúng ta cứ loay hoay mãi trong vòng lẩn quẩn ấy, tạo thành một thói quen không dừng được gọi là nghiệp. Đụng pháp nào tâm cũng dấy khởi, cũng rối loạn, cũng mất mình. Rối loạn thì không định, không định thì không tuệ, làm sao sáng suốt để nhìn đúng thực chất của các pháp. Mà chủ trương của đạo Phật là phải sáng suốt. Muốn sáng suốt thì phải định tỉnh. Không định tỉnh thì không bao giờ sáng suốt. Đó là điều tất yếu.

Cho nên trong mọi thời gian, đi, đứng, nằm, ngồi hoặc làm việc, chúng ta đều tự dặn lòng phải thức tỉnh, đừng bị mất mình, đừng để vọng tưởng làm rối loạn thân tâm. Có vậy mới nuôi dưỡng và phát triển được sức định. Có định thì nhất định có tuệ. Chúng ta cố gắng tu tập kiên trì liên tục như vậy, thì không xâm phạm các pháp, làm chủ được các pháp. Đó là tinh thần nhẫn nhục ba la mật.

4. Tinh tấn ba la mật.

Pháp thứ tư là tinh tấn ba la mật. Tinh tấn nghĩa là siêng năng. Siêng năng gìn giữ từng niệm tưởng của mình. Đối với các pháp người nào dứt được tất cả vọng tưởng, người đó được gọi là tinh tấn ba la mật. Trong các kinh Đại thừa, Phật nói sở dĩ chúng ta khổ là do tưởng. Như đêm qua ta mất ngủ, sáng nay gặp người cũng mất ngủ, họ nhìn mình nhăn nhăn thì lập tức có vấn đề. Vấn đề từ sự tưởng tượng của cả hai phía. Do tưởng thế này, thế kia nên sinh chuyện rồi gút mắc với nhau, tạo nghiệp, chịu quả báo và cuối cùng là khổ!

Chủ trương của đạo Phật là phải chân thật. Nếu thiếu tinh thần chân thật thì chúng ta không thể nào đi đúng con đường Phật dạy. Đã tưởng thì không thể thật, thành ra đối với sự tưởng tượng chúng ta cương quyết loại bỏ đi, đừng để nó kéo lôi tầm bậy tầm bạ. Muốn dứt được nhân khổ, muốn không trôi dạt trong luân hồi sanh tử, chúng ta phải làm chủ được các vọng tưởng của mình. Điều này khó chứ không phải dễ! Ngay cả đối với vấn đề Phật pháp, người không khéo tu cũng sinh chuyện.

Như chúng ta theo Phật, Ngài dạy mình tu như vậy, bây giờ có người nói khác đi, thế là chúng ta liền có ý tưởng theo ngoại đạo. Bất cứ điều gì trái với chủ trương, đường lối của mình, chúng ta cũng dễ phát sinh vấn đề. Chính điều này dẫn dắt đẩy đưa con người lạc vào bến bờ vô định, khổ đau. Quí vị thấy, không ai mà không nếm trải đau khổ. Từ đứa bé con cho đến người già bảy tám chục tuổi, không ai thoát khỏi sự khổ. Nhỏ khổ vì tham muốn mà không được, già khổ vì yếu đau bệnh tật bất lực… Những bấp bênh, bất như ý mình cứ gặp hoài, còn hình ảnh thân thương thì lại vắng bóng. Cuộc sống này là như vậy.

Người nếm trải khổ đau thì nhiều, mà người biết được nhân đau khổ thì ít. Biết được nhân khổ đau rồi, ngăn ngừa gìn giữ đừng gây nhân khổ thì lại càng hiếm hoi hơn nữa. Vì vậy các Thiền sư nói “Biết mà cố phạm” là vậy. Biết là nhân khổ đau mà cứ gây, gây rồi than khóc, thử hỏi ai mà cứu được chứ ! Với người con Phật, một khi chúng ta đã biết nhân đó là nhân không tốt, thì chúng ta cố gắng đừng gây, đừng tạo.

Để dừng được các thứ này, nhất là dừng dấy niệm, ngăn ngừa vọng tưởng, Phật có rất nhiều phương tiện. Tụng kinh, niệm Phật, trì chú, tọa thiền… tất cả pháp môn ấy đều để dừng niệm tưởng. Tùy, quí vị có thể tụng kinh Niết Bàn, tụng kinh Di Đà, tụng kinh Lăng Nghiêm… nhưng tốt nhất vẫn là luôn luôn tự kiểm điểm, làm chủ, khắc phục được tất cả niệm tưởng của mình, không cho chúng kéo lôi ta đi đâu. Đó là người áp dụng Phật pháp một cách tuyệt vời rốt ráo, siêng năng nhất. Điều này không hẳn khó làm, nhưng đòi hỏi hành giả phải tỉnh.

Thường người ta nói, càng có danh vọng tiền tài chừng nào càng khó tu chừng nấy. Còn người không có gì cả đôi khi lại dễ tu hơn. Bởi vì người có danh vọng địa vị thì có nhiều vọng tưởng, mà đa số là những vọng tưởng hơn thua của thế gian. Còn người không có chi thì ít vọng tưởng, hoặc có chăng nữa cũng chỉ là loại vọng tưởng hiền lành thôi. Không biết vọng tưởng ở đâu mà nó làm điên đảo mọi lớp người. Ta đang vui vẻ, bỗng một ý tưởng dấy lên liền… khổ.

Thành ra người con Phật phải gắng làm chủ, bất cứ lúc nào cũng tỉnh thức, đừng để vọng tưởng kéo lôi. Đó là tinh tấn ba la mật.

5. Thiền định ba la mật.

Pháp thứ năm là thiền định ba la mật. Đối với các pháp, không dừng trụ ở bất cứ pháp nào, tâm luôn định tĩnh gọi là thiền định ba la mật. Đến giai đoạn này tôi nghĩ rằng người tu chúng ta cần phải có một đạo lực thâm hậu lắm mới được.

Các pháp thế gian không cố định, luôn luôn thay đổi vì bản chất của nó là vô thường. Vô thường tức không cố định. Chúng ta hiện đang bị chi phối hoàn toàn bởi luật vô thường này. Mọi sự thay đổi liên tục nhưng mình thì lại cố chấp, không chịu nó đổi thay. Ta muốn níu kéo, ôm giữ không cho các pháp thay đổi nên rồi khổ. Nếu biết sống nhịp nhàng, hòa điệu trong sự đổi thay thì cuộc sống sẽ bình yên. Đằng này sống trong sự đổi thay, mà cứ vọng tưởng gầy dựng, giữ gìn cho còn mãi nên con người đầy đau khổ.

Vì vậy người con Phật phải sống tùy duyên mà bất biến. Nghĩa là không cố chấp, không dừng trụ ở một pháp nào, luôn sống hòa điệu với mọi người, mọi hoàn cảnh mà vẫn giữ được mình. Đó gọi là tùy duyên bất biến. Sáng thức dậy làm việc, ăn cơm, đi tắm, tất cả mọi sinh hoạt đều trôi chảy như bao người, nhưng lòng luôn thanh thản bình yên, không toan tính được mất hơn thua như người đời. Sống như vậy là không mất mình, không lặn hụp trong các pháp, sống được với cái bất biến của mình. Đó là tánh giác, trùm khắp bất sanh bất diệt của mỗi chúng ta.

Tánh giác đó không phải ở ngoài, cũng không ở trong ta, chỉ khi nào mình sống được tùy duyên nhưng không mất mình, luôn tỉnh sáng, không bị phiền não vọng tưởng dẫn dắt tạo nghiệp thì tánh giác hiện tiền. Được như vậy gọi là thiền định ba la mật.

6. Trí tuệ ba la mật.

Pháp thứ sáu là trí tuệ ba la mật, tức là trí tuệ tột cùng rốt ráo. Đối với các pháp không hí luận gọi là trí tuệ ba la mật. Hí là đùa cợt. Luận là lý luận bàn bạc hay luận giải. Đối với các pháp ta không khởi luận giải thế này thế nọ, đúng sai tốt xấu, luôn nhìn đúng như thật bản chất không thật, do duyên khởi của nó, đây gọi là trí tuệ ba la mật. Nghĩa là, các pháp như vậy thì để chúng nguyên như vậy, không đặt để thêm bớt gì trong đó cả. Đó là người có trí tuệ.

Như mình đang ngồi dưới cây điều hay trên một băng đá thì chỉ thấy cây điều là cây điều, băng đá là băng đá. Vậy thôi. Không phân tích, không hí luận cây điều này sao lá màu xanh, ai sơn vôi vào gốc cây của nó, băng đá này từ đâu mà có v.v… Nếu ta cứ tìm tòi luận giải như thế thì đến trăm ngàn năm sau cũng chưa kết thúc được vấn đề. Vậy là mình trôi dạt miên man trong vòng hý luận. Chỉ khi nào dừng được dòng nghĩ suy ấy thì họa may tâm mới định tĩnh sáng suốt, nhận ra sự có mặt như thật của mình, của cây điều, của băng đá. Nó là như vậy, không có chi thêm bớt, không có chi dính dáng đến ta. Tâm hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng.

Hoặc ta ngồi nghe Phật pháp, bên tai có tiếng chim hót, chó sủa, cảm giác nóng lạnh… các sự kiện chung quanh, ta đều biết rõ nhưng không chạy theo sự kiện nào. Chạy theo là mất mình. Ngồi an nhiên lắng tâm tư nghe đạo lý rõ ràng, tỉnh táo sáng suốt, không vướng mắc, không chạy theo bất cứ hình ảnh âm thanh nào. Đó là sống với thực tại nhiệm mầu, là trí tuệ ba la mật hiện tiền.

Hãy quán sát cuộc đời này như quán trọ, sinh mệnh ta như người khách. Người khách nghỉ qua đêm trong quán trọ rồi lên đường, thì có gì lưu luyến gì. Đối với các pháp cũng thế, chỉ có tạm rồi tan, tại sao ta lại vướng mắc. Tu khó hay dễ là ở chỗ tỉnh hay không tỉnh. Nếu chúng ta có được chút tỉnh, sẽ thấy vô thường đổi thay nhanh chóng. Đức Thích Ca Mâu Ni trải qua ba vô số kiếp tu hành, ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, công đức đầy đủ như vậy mà tuổi thọ cũng chỉ tám mươi. Huống là thân chúng ta, làm sao tránh được vô thường?

Người xưa nói hữu hình hữu hoại. Điều này quả thực không sai. Tất cả những gì có tướng đều biến đổi, tan hoại. Vô thường không tha ai, nó luôn luôn báo động trước với mình. Báo động như thế nào ? Đó là những sứ giả già, bệnh, chết mà Diêm vương gởi đến thường xuyên. Thế mà ta chưa chịu tỉnh để tu thì không biết đến bao giờ mới hết khổ. Chư Tổ thường dạy “Người tu thiền là cốt giải quyết vấn đề sanh tử”. Sanh thì ai cũng có rồi, còn tử là bản án mà chúng ta phải chấp nhận, bất lực để đón lấy. Tuy nhiên, không phải điều đó là hoàn toàn bất khả kháng, nếu chúng ta tu tập đúng như lời Phật dạy.

Đức Thế Tôn khi còn là Thái tử phước đức của Ngài vô lượng, công đức vô lượng, giàu sang tột đỉnh, nhưng cũng vì sanh, già, bệnh, chết mà Ngài buông bỏ tất cả, vượt thành xuất gia, tìm lối thoát ra khỏi con đường ấy. Chúng ta so với Ngài thấm vào đâu. Thế mà còn chần chờ không lo tu, không tìm cách giải quyết những vấn đề ách yếu của mình. Quí vị thấy, chỉ cần một miếng ăn không ngon, một giấc ngủ không lành là điềm báo của bản án đã tới. Quả thật mạng sống của con người mong manh ngắn ngủi vô chừng. Chỉ cần một hơi thở ra không hít vào là xong. Vì thế người biết thương mình phải lo chuẩn bị tu tập. Có vậy mới tự tại làm chủ khi ra đi.

Cùng với nội dung của Lục độ ba la mật trong kinh Tư Ích, Phật dạy sáu pháp khác: buông bỏ, không khởi, không niệm, lìa tướng, không trụ, không hí luận. Sáu pháp này cũng là những phương tiện giúp chúng ta làm chủ sanh tử. Tuy sáu pháp nhưng chỉ cần chúng ta thực hiện một pháp buông bỏ thôi cũng có thể gặt hái được kết quả mỹ mãn.

Buông bỏ nghĩa là hóa giải, tiêu dung hết những thứ cặn bã không cần thiết, những phiền trược trong lòng mình, để cuộc sống thanh thản, an bình, thánh thiện. Buông bỏ cũng chính là sống được với tâm mình, biết được tâm mình. Đối với tất cả vật, với tất cả thiện ác chúng ta không suy nghĩ, không vướng mắc. Sống với tâm là sống với thể chân thật rỗng rang sáng suốt, không hình không tướng, không dừng không trụ. Một khi sống được với tâm này thì việc quá khứ không còn suy nghĩ, việc vị lai chưa đến cũng không cần suy nghĩ, việc hiện tại thì trôi chảy không dừng cũng không cần suy nghĩ. Ba thời chúng ta không vướng mắc, thế là đã an vui giải thoát rồi.

Kinh nói : “Tâm không trụ tất cả chỗ thì rõ ràng thấy được bản tâm, cũng gọi là thấy tánh, được giải thoát, chứng Bồ-đề Niết-bàn và Vô sanh pháp nhẫn”. Với người tu thiền, chúng ta vẫn thường nghe từ kiến tánh, tức là nhận được bản tâm của mình. Tuy nhiên nghe thì nghe, mà có khi không hiểu kiến tánh là gì ? Thấy bản tâm là thế nào?

Ở đây theo tinh thần như chúng tôi đã trình bày thì kiến tánh hay thấy bản tâm chính là không vướng mắc những chuyện đã qua, không tơ tưởng những chuyện chưa tới và hiện tại sống thoải mái bình yên. Người sống được như vậy là người kiến tánh. Nếu biết nuôi dưỡng liên tục cái “kiến tánh” này thì sẽ được đại ngộ. Cho nên nhà thiền thường nói “kiến tánh khởi tu”, nghĩa là thấy được tánh thật của mình rồi mới dụng công tu hành, như vậy việc tu mới có kết quả. Người chưa kiến tánh mà tu, thì việc tu ấy sẽ chẳng đi đến đâu.

Ngài Đức Sơn Tuyên Giám trước khi là một Thiền sư cự phách trong thiền gia, ngài là giảng sư nổi tiếng với bản kinh Kim Cang Sớ Sao. Nghe nói thiền chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, Ngài nổi giận bảo: “Kẻ xuất gia muôn kiếp học oai nghi của Phật, vạn kiếp học tế hạnh của Phật, còn chẳng được thành Phật. Những kẻ ma phương Nam (chỉ các Thiền sư) dám nói trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật. Ta phải ruồng tận hang ổ của chúng, diệt hết những giống ấy để đền ân Phật”. Thế là Ngài khăn gói lên đường mang theo bộ Thanh Long Sớ Sao nhắm phương Nam mà tiến. Trên đường Ngài gặp bà già bán bánh, bèn nghỉ chân và bảo bà lấy ít bánh điểm tâm.

Bà già chỉ gánh kinh của Ngài hỏi:- Gói ấy là sách vở gì ?

Ngài đáp:- Thanh Long Sớ Sao.

Bà hỏi tiếp:- Thầy thường giảng kinh gì ?

Ngài đáp:- Kinh Kim Cang.

Bà nói:

- Tôi có một câu hỏi, nếu thầy đáp được tôi xin dâng bánh cúng dường, bằng đáp không được mời thầy đi cho.

Ngài gật đầu. Bà hỏi:

- Kinh Kim Cang nói “Quá khứ bất khả đắc, hiện tại bất khả đắc, vị lai bất khả đắc”, xin hỏi Thượng tọa điểm tâm nào ?

Ngài trả lời không được, mang bụng đói thẳng đến phương Nam. Gặp được Thiền sư Long Đàm Sùng Tín và sau Ngài trở thành một vị Thiền sư nổi tiếng của Tông môn khi liễu đạt được hai chữ “kiến tánh”. Vì vậy chúng ta cần phải nắm vững những điều thiết yếu trên quá trình tu tập, thì công phu mới mong đạt được kết quả viên mãn.

Hôm nay, tôi đã trình bày qua sáu pháp ba la mật Phật dạy trong kinh Tư Ích, mong tất cả hãy theo đó nỗ lực tu tập, để tự giải quyết vấn đề trọng đại cho cuộc đời mình. Bởi vì trách nhiệm và bổn phận của người con Phật là, làm sao tự mình giải thoát ra khỏi dòng sanh tử khổ đau và giúp cho mọi người cùng được như thế.

Mong tất cả đều được an vui lợi lạc khi thực hành được chánh pháp Phật dạy.

[ Quay lại ]