headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 21/04/2024 - Ngày 13 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Hạnh Hiếu trong nhà thiền

Thích Nhật Quang
 Sau thời gian ba tháng an cư, chư tăng trải qua một trăm ngày kiết giới cấm túc an cư, nỗ lực tu học đúng theo chánh pháp, nên cũng gặt hái những thành quả nhất định trong công phu.

Từ công đức trang nghiêm thanh tịnh đó, quý Phật tử cùng quy tụ về trú xứ của chư tăng dâng lễ cúng dường, với tâm thành mong nhờ công đức tu hành của chư tăng, chư ni hồi hướng chú nguyện cho cha mẹ nhiều đời, thân bằng quyến thuộc của quý Phật tử được hưởng phước lành, kẻ quá vãng nhẹ nhàng an vui sinh về cõi Phật, những Phật tử hiện tại tâm bồ-đề dũng mãnh, học hiểu chánh pháp, luôn là những Phật tử thuần thành hộ đạo, làm cho ngôi nhà Phật pháp trường tồn trên đời. Ý nghĩa lễ cúng dường nhân ngày Vu Lan, Tự tứ đại khái là thế.
  Sau thời gian ba tháng an cư, chư tăng trải qua một trăm ngày kiết giới cấm túc an cư, nỗ lực tu học đúng theo chánh pháp, nên cũng gặt hái những thành quả nhất định trong công phu. Từ công đức trang nghiêm thanh tịnh đó, quý Phật tử cùng quy tụ về trú xứ của chư tăng dâng lễ cúng dường, với tâm thành mong nhờ công đức tu hành của chư tăng, chư ni hồi hướng chú nguyện cho cha mẹ nhiều đời, thân bằng quyến thuộc của quý Phật tử được hưởng phước lành, kẻ quá vãng nhẹ nhàng an vui sinh về cõi Phật, những Phật tử hiện tại tâm bồ-đề dũng mãnh, học hiểu chánh pháp, luôn là những Phật tử thuần thành hộ đạo, làm cho ngôi nhà Phật pháp trường tồn trên đời. Ý nghĩa lễ cúng dường nhân ngày Vu Lan, Tự tứ đại khái là thế.
 Trong kinh Phật dạy “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Cho nên nghĩ đến ân nghĩa sinh thành, công lao nuôi dưỡng to lớn của cha mẹ, quý Phật tử phải làm những việc gì để gọi là phần nào đền ơn đáp nghĩa thâm trọng của cha mẹ? Người xưa đã dạy công ơn cha mẹ to lớn vô cùng, muốn đền đáp ân đức đó, không có cách gì cho cân. Vậy Phật tử chúng ta phải làm sao? Phật dạy chỉ có tu tập mới thể hiện được tinh thần hiếu đạo của người con Phật.
 Chúng ta biết Tôn giả Mục-kiền-liên là vị đại đệ tử của Phật, thần thông bậc nhất. Ngài biết hạnh nghiệp xấu trong đời thường của mẹ, chắc chắn khó thoát cảnh giới khổ đau. Đối với luật nhân quả, một khi đã gây nhân không tốt thì không chạy trốn đàng nào được cái quả không tốt. Ngài vận dụng thần lực phi phàm của mình đi khắp nơi tìm mẹ. Cuối cùng thấy mẹ đọa vào loài quỷ đói khổ vô cùng! Ngài dâng mẹ bát cơm của mình, nhưng do lòng tham khiến bát cơm biến thành lửa than, bà ăn không được. Thấy hiện tình như vậy, Tôn giả Mục-kiền-liên cầu cứu đức Thế Tôn. Đức Phật hướng dẫn cách thức cúng dường mười phương các bậc hiền thánh, nhờ sự chú tâm hồi hướng nguyện cầu của các vị này nhân ngày mãn hạ, có công đức vô lượng, hy vọng cứu vãn được khổ đau của bà Thanh Đề, cũng như của tất cả những chúng sinh trong loài đó.
 Quả nhiên, sau lễ cúng dường bà Thanh Đề và các loài quỷ xung quanh được hết khổ, sanh Thiên. Nhiều Phật tử hiểu lầm, cứ nghĩ cúng dường cầu nguyện sẽ được hết khổ. Không phải vậy. Đây là sự chỉ giáo của đức Thế Tôn, ngày đó nhờ công đức vô lượng vô biên của chư tăng, ngày mười phương chư Phật và các bậc hiền thánh hoan hỷ, chúng ta dâng lễ cúng dường để cầu mong các ngài thụ nhận và hướng tâm hồi hướng công đức lành cho tất cả chúng sinh. Điều này trong kinh nói, giống như khối đá to một người không thể khuân vác nổi, nếu được lực của nhiều người cùng hỗ trợ thì khối đá đó có thể đẩy đi dễ dàng.
 Lễ cúng dường trong ngày rằm tháng bảy hay lễ tự tứ của chư tăng có ý nghĩa hướng về công đức lành của các bậc hiền thánh, mong các ngài từ bi hồi hướng công đức của mình cho tất cả chúng sinh. Đây không mang tính cầu nguyện mà căn cứ vào công đức tu tập để chuyển tâm cho chúng sanh. Tinh thần tu học của người Phật tử, năm nào tới mùa giải hạ quý vị cũng đều về dâng lễ cúng dường chư tăng, thể hiện lòng hiếu hạnh, hồi hướng công đức cúng dường này nguyện cầu cho cha mẹ hiện đời cũng như nhiều đời chuyển đổi tâm xxấu thành tâm tốt, biết hướng về Tam bảo phát tâm tu hành. Dâng lễ cúng dường Thắng hội Vu lan có ý nghĩa như thế.
 Nếu Tôn giả Mục-kiền-liên không phải là bậc đã chứng thánh thì làm sao tìm gặp được mẹ trong chỗ khổ đau của loài quỷ đói? Chỗ đó chỉ có hai đối tượng vào được, một là do nghiệp lực phải đọa vào đó, hai là bậc thánh mới tới được. Nghiệp lực là sao? Chúng sanh gây tạo những nghiệp nhân tương ưng với cảnh khổ nào, khi nghiệp chín muồi thì bị đọa vào đó. Trường hợp thứ hai là do phước lực của các bậc thánh mới đến được chỗ đó. Tôn giả Mục-kiền-liên là một bậc thánh, cho nên ngài đến đó một cách tự tại. Chúng ta chưa chứng thánh quả, không có phước đức nhiều, không có thần thông, cũng không có Phật tại thế, chủng duyên của mình kém nhiều mặt, bây giờ phải làm sao? Xin được đề nghị với quý vị trong mùa hiếu hạnh, chúng ta phải nỗ lực tu hành. Điều này chúng ta có thể gầy dựng cho mình được. Nếu chúng ta không chịu tu, chỉ hiểu thôi thì sẽ không có lợi lạc gì hết. Một thời gian ta sẽ thoái tâm bồ-đề, con đường đạo chẳng đi tới đâu, làm sao tự cứu mình và cứu thân bằng quyến thuộc được.
 Vậy nên Phật tử khi có duyên hiểu đạo thì cố gắng hành trì, áp dụng đạo lý vào đời sống. Trước nhất đối với cha mẹ, bậc sinh thành mang nặng để đau, ơn nghĩa to lớn vô cùng, không thể đền trả một cách bình thường mà đủ được, phải tu tập tinh cần mới mong báo đáp cho cân. Kinh dạy có hai trường hợp đền đáp công ơn cha mẹ:
 Trường hợp thứ nhất, nếu cha mẹ chưa có duyên gặp Phật pháp, chưa đến gần Tam bảo, mà chúng ta đã được gặp Phật pháp, gặp Tam bảo, thì đối với cha mẹ, đối với người thân, chúng ta tạo điều kiện hướng cha mẹ về con đường lành, về Tam bảo, mình cùng với cha mẹ đồng phát huy chủng duyên Phật pháp. Việc làm này rất khó. Tại sao? Bởi vì nhiều Phật tử tuy tin Tam bảo, đi chùa, làm tất cả các việc công đức, nhưng thân nhân gia đình không thuận việc đó. Chẳng những không thuận mà còn chống trái nữa. Như vậy quí vị phải làm sao? Phải có một tinh thần dũng mãnh, sáng suốt, chịu đựng, khiêm hạ, để rồi bằng mọi cách thực hiện cho được nguyện vọng của mình. Nguyện vọng gì? Bản thân quí vị tu tập được và đồng thời tạo duyên gắn bó, sắp xếp để đưa những người thân của mình về Tam bảo.
 Nhiều Phật tử cố gắng kiên trì đưa người thân của mình tới Tam bảo, tiếp cận được với Tam bảo, trải qua một thời gian dài có khi cha mẹ gần mãn phần mới chịu thuận theo. Nhiều bậc cha mẹ được con khuyên đi chùa, thì bảo: - Tu đâu phải tới chùa mới tu được con. Ở nhà tu cũng được vậy. Cho nên mời đi chùa là không chịu. Tới chừng cha mẹ thuận theo con chịu đi chùa thì bệnh đau tới, đùng một cái chết, trở duyên như vậy. Cho nên không phải chúng ta muốn là được, nhưng bằng tâm thành của người con hiếu thảo, thực hiện lời dạy của Phật, cố gắng hiếu hạnh với cha mẹ cho vuông tròn thể hiện đúng như tinh thần Phật dạy. Hướng dẫn cha mẹ quy hướng Tam bảo rất khó, nhưng một số Phật tử đã làm được, chỉ một số ít chưa làm được thôi.
 Trường hợp thứ hai, bình thường quý vị là những người con hiếu đạo, cố gắng sắp xếp đời sống, chuyển hóa như thế nào để cha mẹ có đời sống tương đối thanh thản, an vui, rỗi rảnh. Từ đó mình có cơ hội động viên, khuyến dụ cho cha mẹ hướng về Tam bảo. Đây là việc làm đòi hỏi cái đức, cái khéo của những người con hiếu hạnh. Chứ mỗi khi mình định làm việc đó, mà bị rầy, bị quở hoặc nghe lời nói trái tai, mình nản muốn bỏ thì đạo hiếu sẽ không làm tròn.
 Thế nên Phật tử phải là người có đức nhẫn chịu, khiêm ha,ï tỉnh táo sáng suốt. Một khi đã hiểu như vậy, làm như vậy thì quyết tâm làm đến nơi đến chốn. Hôm nay khuyên cha mẹ chưa rồi, ngày mai tiếp tục. Bữa nay nói cha mẹ chưa thuận, ngày mai nói nữa. Cứ như thế, dần dần sẽ được. Việc này đòi hỏi ở kiên tâm, và tình thương chân thật của người con đối với cha mẹ. Các vị đừng nghĩ mình phải đi chùa, tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật mới là tu. Thưa không. Chúng ta tu trong mọi hoàn cảnh, tu trong tất cả các sự việc, tu với tất cả những cảnh duyên mình tiếp xũ hằng ngày.
 Cách báo hiếu của người Phật tử tại gia là cách tu thể hiện trong đời sống của người Phật tử. Chúng ta sống như vậy, làm như vậy với tinh thần như vậy. Về mặt tinh thần, quí vị phải vững tâm đối với Phật pháp, vững niềm tin đối với Tam bảo. Từ đó hướng những người thân của mình đến với Phật pháp, đến với Tam bảo. Dùng ý chí và lòng hiếu thảo của người con Phật để thực hiện điều này. Tại sao Phật tử phải quyết tâm như vậy? Vì quí vị đã đủ duyên gặp Phật pháp, hiểu, hành trì và có lợi lạc thiết thực, cho nên nghĩ nhớ tới cha mẹ và những người thân của mình, cũng muốn tất cả đều được lợi lạc. Không có vị Phật, vị Bồ-tát nào nói điều gì không thật đối với chúng sinh cả. Các ngài nói bằng tâm chứng tâm đắc. Các ngài nói bằng tinh thần từ bi trí tuệ vô lượng vô biên. Các ngài không lừa dụ chúng sanh trong lời nói, trong sự hướng dẫn tu tập. Chúng ta hiểu và nhận như vậy rồi, quyết tâm làm thì nhất định làm cho đến nơi đến chốn. Bản thân mình là người Phật tử tu hành, dù hiện tại hoàn cảnh khó khăn đến đau, cũng quyết tâm tu hành và để đền đáp thâm ân của mẹ cha.
 Tôi nhớ một câu chuyện thế này. Có người Phật tử, ngày trước là dược sĩ, gia đình khá giả. Người bạn đời của cô xuất thân trong chỗ giàu có, nhưng ông không tin Phật pháp. Đời sống của ông hằng ngày là vợ con, người ăn kẻ ở trong nhà phải hầu hạ ông. Cô thì ngược lại thích đi chùa, nghe pháp. Mỗi lần cô muốn mở băng giảng của Hòa thượng đều phải lén lút ông chồng. Có những khi bất ngờ ông bắt gặp thì càm ràm dữ lắm. Sau này càm ràm không được, ông sắm cái máy to hơn, tốt hơn. Hễ nghe vự mở băng giảng thì ông mở mở nhạc to lên, át cả tiếng giảng, bắt buộc cả nhà phải nghe nhạc, chứ không nghe kinh được. Nhưng cô vẫn tự nhiên, thấy ông làm vậy cô vui vẻ tắt máy, không nói gì hết. Khi nào nghe được cô lại mở băng giảng nghe một mình. Trải qua một thời gian dài như vậy, ông này lấy làm lạ: “Không biết mấy ông Hòa thượng dạy cái gì, mà sao bà này kiên cường như vậy? Mình làm như vậy mà không chịu bỏ!” Bữa đó chịu không được nữa, ông mới hỏi: - Thầy của bà là ai? Bà dẫn tôi tới coi sao thầy dạy bà hay quá vậy?
 
 Cô liền đưa ông tới găïp Hòa thượng Ấn Quang (tức Hòa thượng Thiện Hòa), ông đảnh lễ Hòa thượng, và sau lần gặp gỡ ấy ông xin được quy y với Hòa thượng. Bấy giờ ông nói với vợ: Lâu nay tôi có lỗi với bà nhiều lắm! Những băng nào bà đã từng nghe thầy dạy, bây giờ cho tôi nghe với. Thế là cái máy lớn ông sắm để quậy bà, được mở băng giảng của quý thầy, quý Hòa thượng. Thời gian sau ông phát tâm đi tu. Nhưng khi phát tâm tu, hai chân ông đã yếu rồi, đi phải có người dìu. Ông than: - Thầy ơi con hiểu đạo trễ quá! Phải sớm sớm được như quý thầy chắc con tu ngon lắm! Tu được một thời gian, sau đó ông mất.
 Người Phật tử đã hiểu đạo, làm việc gì phải quyết tâm như vậy. Cô dược sĩ này nhờ lòng kiên quyết, mà đã hướng dẫn người bạn đời của mình đến được với đạo. Kết quả tu tập cuối đời của ông là nhờ lòng kiên nhẫn chịu đựng của người vợ. Cho nên mấy đứa con lớn trong gia đình rất phục mẹ. Vì thế gia đình sống êm ấm vui vẻ, sau khi ông thầy mất, các người con rất quý trọng mẹ, tập trung phụng dưỡng mẹ còn hơn hồi trước cô phụng sự cho chồng.
 Chúng ta thấy đạo hiếu được thể hiện trong đời sống gia đình của người Phật tử. Tùy theo hoàn cảnh, quí vị sắp đặt trong sự kiên nhẫn, để đưa lời Phật dạy đến với người thân. Hình ảnh đại hiếu, tấm gương của Tôn giả Mục-kiền-liên phải được thể hiện trong gia đình quý Phật tử. Cho nên thực hành hiếu hạnh có hai mặt như tôi đã nói. Một mặt hướng người thân đến với đạo, từ từ giúp họ tu tập theo phương pháp, theo sự hướng dẫn trong đạo. Một mặt, bản thân mình thể hiện là một người hoàn chỉnh, hiếu đễ, một người đầy đủ tư cách, có bổn phận đối với gia đình.
 Chúng ta là con của Phật, phải nghe lời Phật chỉ dạy. Nghe lời và làm đúng bảo đảm kết quả nhất định không sai chạy. Nếu không làm đúng, Phật dạy một đàng chúng ta làm một ngả thì không bao giờ có kết quả được. Tu một nắng mười mưa, một bữa nghỉ mười bữa, một năm đi chùa một lần, thỉnh thoảng nghe thầy nói gì đó, về nhà quên mất, làm sao có lợi lạc được. Cho nên Phật tử cố gắng học hiểu, áp dụng tu tập theo pháp Phật dạy để hết khổ, được vui.
 Phật tử còn nhỏ tuổi phải tu như thế nào? Phải thực tập đạo lý ngay trong đời sống của mình. Chúng ta không thể nói suông, mà phải thực sự gắn bó với sự thể nghiệm. Phật tử trẻ tuổi chưa lập gia đình, phải thể hiện hiếu hạnh của mình như thế nào? Điều quan trọng là cố gắng tuân thủ sự gia giáo trong gia đình. Quý vị đừng bao giờ có hành động chứng tỏ mình lớn khôn rồi, điều ông già hoặc bà già mình nói chưa chắc đúng. Giả dụ quý vị có cơ hội, có phúc duyên được học vị cao, hiểu biết nhiều nhưng đối với gia giáo gia đình, phải tôn trọng và giữ gìn truyền thống quý báu đó. Như vậy mới giữ được sự yên ấm, vui đẹp của gia đình. Chứ nuôi các vị cho đi du học bên Tây bên Tàu về, bây giờ ngồi lại chống trái, chỉ trích ông bà cha mẹ, nói thế này không được, thế kia không xong, đủ thứ chuyện mà bản thân các vị không có thể nghiệm gì hết, chẳng qua chỉ là một mớ lý thuyết.
 Thành ra đối với Phật tử còn trẻ, chúng ta phải biết lựa lọc những gì đúng, có thể áp dụng được thì thực hiện, tuân thủ, hành trì. Hòa thượng Viện trưởng dạy như con thiên nga uống sữa chừa nước. Chúng ta là Phật tử, giống như con thiên nga, giữa cuộc đời với bao nhiêu thứ hỗn tạp, ta phải biết chọn điều hay để sống cho được bổ ích.
 Nói tới đây, nhớ tới chuyện người ta nuôi trai để lấy ngọc trai. Ở Nhật Bản, có những vùng người ta bắt trai dưới biển, đem lên xẻ bụng nó ra cấy vào đó một hạt cát, xong người ta thả xuống nước. Con trai này tự nó phải làm sao cho vết thương đừng bị làm độc, vì thế trong người nó tiết ra một thứ chất bao quanh hạt cát để bảo vệ thân nó. Với thời gian nào đó, người ta bắt nó lên thì hạt cát được bọc bởi chất do con trai tiết ra lóng lánh nhiều màu sắc rất đẹp và rất quý. Mỗi con trai cống hiến cho cuộc đời một hạt ngọc. Đó là ngọc trai.
 Chúng ta cũng vậy, mỗi người là một phàm phu với đầy đủ si mê điên đảo, những nghiệp tập không hay. Khi gặp Phật pháp, chúng ta cố gắng học hiểu, áp dụng lời của các bậc thánh, của thiện hữu tri thức chỉ dạy. Chúng ta tuân thủ, tiếp nhận sự giáo dục truyền thống của gia đình, loại bỏ những cái không hay. Cũng giống như con trai làm lành vết thương bằng sự gầy dựng của chính bản thân, biến hạt cát thành hạt ngọc.
 Phật tử phải tu tập làm sao để xứng đáng là người con Phật, áp dụng được Phật pháp vào đời sống hàng ngày, có lợi lạc cho chính mình, đồng thời cũng làm lợi lạc cho mọi người xung quanh. Đó là tinh thần chuyển hóa của người Phật tử. Sự tu tập, chuyển hóa hằng ngày của chúng ta căn cứ vào nhân quả. Như bà Thanh Đề khi Tôn giả Mục-kiền-liên trình sự việc này, Phật nói rằng bà nhiều đời đã cấu kết nghiệp nhân tham ái, ích kỷ nên hôm nay bị hậu quả như thế. Nếu chuyển hóa được tâm của bà thoát khỏi lòng tham lam ích kỷ thì sẽ thoát khỏi cảnh khổ. Đây là chỗ chúng ta cần học hỏi. Muốn chuyển hóa nghiệp tập phải là người có trí tuệ sáng suốt. Chúng ta biết nhân đó đưa tới hậu quả tăm tối thì đừng làm.
 Có người Phật tử ở Châu Đốc, gia đình làm nghề bán đồ nhậu nên sát sanh rất nhiều. Khi lớn lên, anh thấy cảnh giết những con dê quá tàn nhẫn, chịu không nổi nên anh lên thiền viện xin tu. Sống với quý thầy khoảng một tuần, trở về anh thấy cảnh đó thì mất ăn mất ngủ. Bởi vì người ta giết dê bằng cách đập cho nó chết từ từ, chứ mồ hôi nó còn nhiều ăn hôi lắm. Anh khổ sở vô cùng! Lên thiền viện anh cầu xin quý thầy làm sao chú nguyện, hỗ trợ để anh chuyển hóa gia đình, tìm cách thức làm ăn như thế nào để chuyển nghề sát sanh tàn nhẫn này đi. Anh cố gắng nhiều lần nhưng không chuyển nổi, cuối cùng anh bỏ lên thành phố, làm nghề thợ may, đến nay cũng khá giả lắm.
 Trong gia đình chúng ta lỡ sống nghề như vậy thì thật khổ. Dù hiện tại tạo được thức ăn hợp khẩu, có nhiều tiền nhưng nhân nào sẽ đưa đến quả ấy, sau này trả biết chừng nào cho hết nợ mạng của chúng sanh? Người ta nói nợ tình nợ nghĩa trả không vơi, thì nợ máu nợ mạng, trả làm sao cho hết? Chỉ có Phật pháp mới chuyển hóa nổi thôi. Anh này hiểu như vậy, gần gũi với quý thầy nên vùng vẫy thoát ra khỏi cái cộng nghiệp đáng sợ của gia đình, nhưng anh còn buồn là bất lực trong việc chuyển hóa người thân.
 Các Phật tử nhỏ tuổi, cả năm chưa về chùa một lần, không biết thầy dạy cái gì mà tu. Bận rộn ngược xuôi theo dòng đời làm ăn, rồi lớn lên lập gia đình, đủ thứ chuyện. Cho nên ở đây tôi khuyên các vị nhớ tinh thần chuyển hóa nghiệp tập trong nhà Phật. Áp dụng được tinh thần này thì cuộc sống của quí vị vững vàng trên đường đời. Những gì thấy không ổn, đưa đến hậu quả xấu thì mình chuyển dần đi, đừng để quá nặng quá tăm tối, chuyển không nổi. Chuyển từ ý nghĩ, lời nói, hành động của mình. Có ý nghĩ gì thấy tăm tối, sẽ dẫn tới hậu quả xấu thì đừng nghĩ. Có ngôn ngữ gì tác hại đến gia đình, xã hội hoặc những người chung quanh thì đừng nói. Có hành động gì thấy nguy hại cho bản thân cũng như cộng đồng thì đừng làm. Được vậy tất cả đều sẽ tốt đẹp.
 Muốn chuyển như thế chúng ta phải vững niềm tin đối với Tam bảo, tin chắc nhân quả. Trong đời này có nhiều trường hợp kỳ lạ lắm, nếu không hiểu lý nhân quả, quí vị sẽ rất bất bình, mất niềm tin nơi cuộc sống. Có nhiều người làm ác nhưng gia đình họ hạnh phúc, còn những người tu hành hiền lành lại lận đận lao đao đủ thứ chuyện. Nếu căn cứ trên mặt nhân quả mà nói thì nó ảnh hưởng từ quá khứ, chớ không chỉ có ở hiện tại. Cho nên nắm vững luật nhân quả mới an lòng mà chuyển hóa nghiệp cũ, không tạo thêm nghiệp mới. Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh sự chuyển hóa ngay nơi tâm mình. Từ cái nhìn trí tuệ và vững niềm tin đối với Tam bảo, chúng ta sẽ chuyển hóa được nghiệp cũ và có cuộc sống an vui trong hiện tại cũng như vị lai.
 Trong đạo hiếu, chúng ta học được gương của Tôn giả Mục-kiền-liên. Đối với trong gia đình ta phải là người hiếu đễ, hướng dẫn gia đình đi theo con đường lành, đó là con đường thanh thản giản dị. Phụng sự gia đình trong tinh thần người Phật tử chân chánh. Gia đình gồm có cha mẹ, những người trong thân tộc. Phải làm sao trôi tròn nhiệm vụ của mình trong tinh thần sáng đạo, đầy đủ ý nghĩa của cuộc sống hiếu đạo.
 Phật tử chuyển hóa cuộc sống bằng cách đo lại ý nghĩ và kiểm tra ngôn ngữ, hành động của mình. Tu trong mọi hoàn cảnh, trong tất cả sinh hoạt đời thường. Phật tử đừng hẹn. Mọi thứ đổi thay nhanh chóng, chúng ta mỗi ngày mỗi đến gần với cái chết. Việc tu hành hễ quên là bị lẫn lộn, trì trầm, hẹn tới chừng nào? Có nhiều vị về chùa gặp quý thầy quy y một lần, bẵng đi thời gian thật lâu. Sau gặp lại, Phật tử hỏi:
 - Thầy nhớ con không?
 - Nhớ! Thấy quen quen mà không biết ai đây?
 - Con quy y với Thầy đã hai chục năm rồi!
 - Trời đất ơi! Đi đâu mà lâu dữ vậy?
 - Nó trôi giạt Thầy ơi! Khổ lắm!…
 Cứ như thế. Quý vị bị chi và cuốn phăng theo dòng đời. Cho nên chúng ta không hẹn được. Phải tu trong mọi hoàn cảnh, trong tinh thần chuyển hóa. Chúng ta phải tỉnh, phải gan, phải khiêm hạ và phải có chút lỳ thì mới thành công.
 Chúng tôi hy vọng với đạo lý sáng suốt thanh tịnh của Phật, Phật tử chúng ta tiếp thu được, có thể áp dụng vào đời sống của mình, nhất định sẽ được lợi lạc. Phật dạy không than van sầu muộn những chuyện đã qua, không nóng nảy bồn chồn những gì chưa đến. Chỉ sống ngay trong hiện tại sáng suốt rõ ràng. Quý vị sống như thế là tu và cùng giúp người thân đồng tu. Đó là cách đền trả hiếu đạo trong nhà Phật.

[ Quay lại ]