headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 28/03/2024 - Ngày 19 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Nền tảng giáo dục trong Đạo Phật

Hơn bao giờ hết, bây giờ là lúc mà những người con Phật phải biết rõ mình đang hiểu gì và làm gì? Cuộc sống tăng sĩ có định hướng và được thực hiện đúng đắn như những gì đức Phật đã dạy dỗ chúng ta hay không? Đó chính là những câu hỏi lớn, những trăn trở lớn và những trách nhiệm lớn của nền giáo dục Phật giáo đối với chúng đệ tử Như Lai, đặc biệt là giới xuất gia.

Sống trong một thời đại mà đỉnh cao của nền văn minh “bấm nút” thật sự từng phút từng giây đang đe dọa hơn tánh mạng của con người, càng minh chứng rõ cái thông điệp vô thường mà đức Thế Tôn đã từng cảnh báo cho nhân loại biết cách đây 2.551 năm “mạng sống chỉ trong hơi thở”, thì chúng ta sẽ sử dụng thời gian như thế nào và phải làm gì bây giờ đây?
Tăng Ni là hàng đệ tử xuất gia của đức Phật, nhất định không thể không biết đạo Phật là đạo giác ngộ giải thoát. Muốn tu Phật trước hết phải học Phật. Có học mới biết đường mà tu. Điều này không ai có thể chối cãi được, song học trong tinh thần như thế nào mới là điều đáng nói. Tăng Ni tu học không ngoài mục đích dứt khổ được vui. Từ thời đức Phật xuất hiện ra nơi đời, tu hành thành đạo, giáo hóa chúng sanh và hoằng truyền Phật pháp lại trên thế gian cho tới ngày nay, trải qua bao đời chư tổ nối tiếp truyền thừa, giữ gìn mạng mạch Phật pháp, đều lập cước trên nền tảng vô ngã vị tha, chỉ đi theo một con đường duy nhất Giới Định Tuệ. Vì căn cơ chúng sanh chẳng đồng, đức Phật lập bày phương tiện tuy có khác nhưng cứu cánh quyết không hai.
Trên tinh thần ấy, trường Trung Cấp Phật Học Đồng Nai chúng ta đã nhiều năm được chư tôn đức Lãnh đạo Ban Trị Sự Tỉnh, Ban Giám Hiệu nhà trường định hướng và chỉ đạo một tinh thần học tập tri hành hợp nhất, chương trình căn bản dựa trên nền tảng giáo lý của đức Phật từ xưa đến nay, nhằm giáo dục và đào tạo đội ngũ chư Tăng Ni kế thừa nắm vững giáo lý, đường lối tu hành và nhất là phải biết mình học Phật để làm gì! Tăng Ni sinh phải biết đời một người tu chỉ có giá trị khi thành tựu được pháp lạc tự thân, có phẩm hạnh, có niềm tin, có tình thương mới khả dĩ đi vào đời, lợi ích nhân sinh mà không bị vong thân. Chính vì thế mà tại bản trường trong nhiều năm qua, thầy trò chúng ta đã phải cố gắng và vẫn còn tiếp tục cố gắng bằng cả thân tâm để dạy, để học và để tu.
Việc Phật sự sau này của chư Tăng Ni sinh hay nói cụ thể hơn là “đầu ra” có thành tựu hay không đều tùy thuộc vào mỗi phút giây đào tạo và học tập của thầy trò chúng ta trong hiện tại. Đừng để thầy trò sau bao năm hết lòng vì nhau lại phải ngậm ngùi khi thấy Phật sự biến thành ma sự. Đơn giản là vì trong sự giáo dục của chúng ta chỉ có ngữ mà không có nghĩa, chỉ có hiểu mà không có tu. Tham sân si còn nguyên thì dù học vị, địa vị lên tới đâu cũng bị phiền não lôi xuống, trả về cho nghiệp thức lưu chuyển. Đã là người tu mà bị nghiệp thức lưu chuyển, không thể xoay chuyển được dòng nghiệp của mình thì không còn gì bất hạnh bằng!
Chạy theo ngũ dục là đi trong con đường sanh tử, còn hướng ngoại là còn khát vọng tìm cầu, còn khổ đau. Người tăng lữ chỉ khi xoay lại chính mình, nhận rõ tâm chân thật vô nhiễm mới đích thực là trở về cố hương.
Tổ Bá Trượng dạy:
                    Linh quang độc chiếu
                    Hồi thoát căn trần
                    Thể lộ chân thường
                    Bất câu văn tự
                    Chân tánh vô nhiễm
                    Bổn tự viên thành
                    Đãn ly vọng duyên
                    Tức như như Phật.
Dịch:
                    Linh quang tự chiếu
                    Vượt thoát căn trần
                    Thể lộ chân thường
                    Chẳng vương chữ nghĩa
                    Chân tánh không nhiễm
                    Vốn tự đầy đủ
                    Chỉ lìa vọng duyên
                    Tức như như Phật.

Được nghe những lời dạy thi thiết như vậy, thiết nghĩ chúng ta phải biết rõ việc học ngày hôm nay của mình là để xả bỏ tất cả những tham vọng bên ngoài, nỗ lực hướng về nội thân phát triển Giới Định Tuệ, hoàn thành tâm nguyện giác ngộ giải thoát của một người xuất gia, sau đó hãy nói chuyện độ sanh.
Trăn trở với những góc nghĩ nhỏ như vậy, chúng ta càng biết mình phải làm gì bây giờ. Thời gian chẳng cho hẹn, không phải đợi học xong chúng ta mới tu. Tu như vậy sẽ không còn kịp nữa. Phải vừa học vừa tu. Phải chiêm nghiệm giáo lý Phật dạy bằng sự trải nghiệm tự thân ngay mỗi phút hiện sinh. Ở vào thời đại khoa học kỹ thuật đã lên quá cao mà đời sống tâm linh của con người quá thấp, quá nghèo nàn thì nhất định nhân loại sẽ mất thăng bằng, sẽ ngã quỵ. Đó là một sự thật mà hơn ai hết những nhà giáo dục Phật giáo cần phải quan tâm và có một phương hướng thiết thực kịp thời.
Thân giáo và khẩu giáo luôn là bước song hành của người thầy hôm nay và của người trò mai sau. Trí tuệ và tình thương mãi mãi vẫn là chất liệu quí giá nhất có sẵn trong mỗi chúng ta, nó có thể ứa ra bất cứ lúc nào, nếu chúng ta biết tu và biết dùng đến nó, thông qua giáo lý Phật đà. Đó chính là định hướng giáo dục của bản trường. Bên cạnh những thành tựu nhất định ngót mười bảy năm qua của bản trường, vẫn còn tồn đọng những khiếm khuyết mà thầy trò chúng ta cần phải nhìn thẳng, thấy rõ để cùng dìu dắt nhau vượt qua, vươn lên. Đó chính là mong mỏi lớn nhất của những người đi trước, luôn luôn hướng về đàn em với nhiều trăn trở và cố gắng hết sức mình.
Chúng tôi viết bài này không chỉ với tính cách của một người thầy, mà còn là một người bạn đồng hành với chư Tăng Ni, những người học trò suốt cuộc đời tu hành của mình, luôn hướng về các bậc thiện tri thức trong đạo cũng như trong cuộc đời, nguyện một lòng cầu học với pháp giới chúng sanh. Xin được chia sẻ và động viên với tất cả Tăng Ni sinh tinh thần tu học vô úy, vô ưu, vô trước. Cầu học đến bao giờ tất cả chúng ta tu hành thành tựu viên mãn mới an vui.

Trường Trung Cấp Phật Học Đồng Nai,
Ngày 15 - 10 - 2007
HT. NHẬT QUANG

 

[ Quay lại ]