headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 28/03/2024 - Ngày 19 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Sống

Hôm nay chúng tôi sẽ nói về sức sống của người con Phật. Bởi vì chúng ta không thể để cho đời mình trôi suông vô ích, mà phải gầy dựng cuộc sống hiện tại như thế nào để khi sống cũng như lúc ra đi, ta được an ổn vui vẻ.

Một chữ “Sống”, nếu chúng ta sống được, sống đúng với Phật pháp thì chắc chắn hiện tại được an vui và khi nhắm mắt cũng an vui. Trái lại, nếu chúng ta sống chưa đúng nghĩa, còn đầy dẫy toan tính, thì chắc chắn những rối rắm không thể tránh khỏi khi lâm chung. Thế thì bây giờ ta phải “sống” như thế nào ? Ở đây có mấy điểm cần nêu.

Thứ nhất, sống phải có mục đích. Con người không ai không có mong muốn. Mong muốn chính là mục đích. Người tu cũng có những mong muốn của người tu. Như mong muốn được thành Phật, mong muốn hết khổ… Người đời thì mong muốn mạnh khỏe, sống lâu, giàu có, gia đình hạnh phúc… những mong muốn ấy tuy khó nhưng thực hiện không khó lắm. Trái lại, mong muốn của người tu nghe tuy dễ nhưng thực hiện rất khó.

Người mong muốn hết khổ, mà trong lòng lúc nào cũng toan tính, sợ hãi, bất an, thì làm sao hết khổ được. Quý Phật tử lạy Phật, tụng kinh, đều hồi hướng cho con hết khổ, gia đình con được an vui hạnh phúc. Điều này, nếu bình tâm xét lại sẽ thấy đó là một mong muốn phi thường. Bởi trên cuộc đời này ai cũng khổ hết, khổ về tâm, khổ về thân hoặc khổ về cảnh.

Như đức Phật khi còn là Thái tử, Ngài cũng khổ. Nếu không khổ thì chắc rằng Ngài không vượt thành đi tu. Nhưng quả thực, đằng sau những cuộc vui ca hát xướng, Ngài cảm thấy bế tắc trước cái già, cái bệnh, cái chết của con người. Bởi vì có bao giờ mình muốn mình già, muốn bệnh, muốn chết đâu. Nhất định tôi không muốn già, tôi phải sống lâu để làm việc hoặc để tu. Nhưng muốn có được đâu, chết vẫn chết, thành ra khổ.

Đức Phật thị hiện thân tướng sắc vàng như vậy, nhưng rồi 80 tuổi cũng phải chết, hà huống thân chúng ta bệnh hoạn yếu đuối, nhiều nghiệp chướng thì làm sao có thể tồn tại mãi được. Cho nên trên đời này không ai không khổ. Bởi vì chúng ta luôn đứng trước những điều bất như ý, luôn bất lực với những hoàn cảnh không giải quyết được. Người con Phật mong muốn hết khổ, nghĩa là mong muốn thoát ra khỏi sanh, lão, bệnh, tử.

Nói tới sanh, nhiều người đã than không biết tại sao hồi đó tôi không chọn đường nào sung sướng, lại sinh trong gia đình làm khổ tôi quá. Ông già tôi, những người trong gia đình đều làm tôi bất mãn, không chịu đựng nổi. Quả thực là bất lực, bởi vì cha mẹ sanh ra, nuôi dưỡng mấy mươi năm lớn lên, mình mới nói câu đó. Phải chi câu này được nói ra hồi ông bà cha mẹ chưa gặp nhau thì có lý hơn, kịp thời gian hơn. Đằng này đợi đến khi trưởng thành, thì càng nói càng chứng tỏ sự bất lực, sự tăm tối, sự đau khổ bất như ý mà thôi.

Con người thường đương đầu với những nổi khổ gần như phi lý. Bởi bản thân mình, cha mẹ, tất cả người thân, có ai muốn chúng ta bệnh đâu. Cha mẹ nghe nơi nào có thuốc bổ, thuốc trường sinh, dù cực khổ tốn hao mấy cũng chạy tìm cho con. Nhưng bệnh nó vẫn bệnh. Rõ ràng không ai có thể làm chủ được thân này. Ví dụ tới giờ đi ngủ ta đâu muốn nhức đầu đau bụng để phải mất ngủ, nhưng nó lại đau đầu đau bụng và mất ngủ thì sao ! Và ta cứ phải chấp nhận những điều bất như ý như vậy dài dài. Cho nên sống là chịu đựng. Vì vậy muốn sống phải là người gan dạ, kham nhẫn.

Nếu chúng ta xét kỹ lại, những sự việc ấy không phải là phi lý đâu, tất cả đều có nguyên nhân của nó. Chúng ta là người lái con thuyền ấy, chứ không ai vào đây gây sóng gió cho ta cả. Đạo Phật chỉ cho con người biết rõ điều đó, rồi hướng dẫn họ tự xoay chiều, tự sắp đặt, tự làm chủ hướng đi của mình bằng trí tuệ của mỗi người. Như vậy, nói đến “sống” là phải có trí tuệ.

Trí tuệ từ đâu mà có ? Từ sự tu tập. Tu là sửa. Những gì không hợp, không thích đáng, chúng ta phải mạnh dạn bỏ nó đi. Những toan tính làm cho mình buồn khổ thì chứa chất trong lòng làm gì. Bất cứ lúc nào, giữa đêm thức dậy nghe lòng mình toan tính gì đó liền bỏ đi, đang ăn cơm bất thần nghĩ đến câu nói trái tai hôm qua liền bỏ đi. Nếu được như vậy thì sống trong cuộc đời này, tương đối có ý nghĩa. Nếu chúng ta cứ để những toan tính bám víu, làm khổ mình hoài thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì nữa.

Cuộc đời của mình tự mình giải quyết, làm chủ được hay không, sắp đặt mọi việc được hay không, khổ hay không vui, mình đều có thể tự lo liệu được. Nếu muốn hết khổ thì đừng nuôi dưỡng mầm mống khổ đau. Phật dạy khổ đau từ những vọng động tăm tối mà ra. Kiểm nghiệm kỹ chúng ta sẽ thấy, nếu làm chủ được mình ta sẽ làm chủ được tất cả. Làm chủ được tất cả là thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử khổ.

Người tu Phật là người sáng suốt, biết rõ nhân duyên quả báo dẫn con người đi trong các cõi. Cho nên muốn có cuộc sống hiện tại cũng như tương lai tốt thì đừng bao giờ nhắm mắt làm càn. Chừng ấy thôi cũng đã sung sướng rồi. Sở dĩ khổ đau bất như ý, là vì mình cứ nhắm mắt làm bừa, rồi sau đó đổ thừa cho hoàn cảnh, cho người này, người kia. Phải biết với tinh thần nhân quả có vay thì có trả, mình làm mình chịu, không trốn tránh, không than trách ai cả. Như vậy, cuộc đời mình may ra có chút tự chủ, có chút hạnh phúc. Cho nên sống có mục đích chính là tự chọn cho mình con đường đi và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy.

Sang điểm thứ hai, sống phải siêng năng, tu hành liên tục. Vì nếu không siêng năng liên tục sẽ dễ bỏ cuộc lắm. Có người làm việc gì cũng rất giỏi, nhưng chỉ được giai đoạn đầu, sau đó biếng trễ thì coi như sự nghiệp không bao giờ thành tựu. Ở đây tôi nói siêng năng là tận dụng mọi thời gian, mọi hoàn cảnh, đừng hẹn đừng đợi gì cả. Giàu tu cũng được, nghèo tu cũng được, bận rộn tu cũng được, hoàn cảnh nào cũng được. Hòa thượng thường dạy chúng ta tu trong mọi hoàn cảnh.

Siêng năng là như vậy, chớ không phải tối nay tụng kinh một tiếng đồng hồ, tối mai tụng một tiếng rưỡi, rồi tối mốt xem ti vi, bỏ quách hết. Tu kiểu đó gọi là một nắng mười mưa, không có kết quả gì. Hình thức là nhằm tăng thêm giá trị cho nội dung, chứ hình thức không phải là điều chính yếu của việc tu. Nếu không gặp hoàn cảnh thuận tiện, ta có thể bỏ qua hình thức mà giữ nội dung, chứ không thể bỏ nội dung giữ hình thức. Được vậy, ai cũng có thể sắp đặt việc tu hành của mình trong mọi sinh hoạt. Với điều kiện người ấy siêng năng thì chắc chắn việc tu sẽ thành công.

Giá trị của Phật pháp rất thiết thực trong cuộc sống, nhưng phải siêng năng, tinh tấn không ngừng nghỉ chúng ta mới hưởng được. Ở đây quan trọng là sự liên tục. Người tu không phải sửa một ngày hai ngày mà phải sửa mãi, đến bao giờ đạt được mục đích mới thôi. Phải gan dạ loại bỏ tất cả những gì không xứng đáng, không hợp pháp, không đúng với đạo lý ra khỏi cuộc sống của mình. Bởi mục đích của mình là thành Phật, thì trong tâm không thể dung chứa những thứ đó được.

Như người tu pháp môn Tịnh độ, niệm Phật đến khi lâm chung, thấy Phật Di Đà đến rước thì mới theo. Nếu không phải Phật Di Đà thì nhất định không theo mới không lầm. Chứ còn thấy cảnh giới đẹp hoặc nghe đờn nghe trống gì đó liền  nhảy lên thì ma mị nó rước đi mất. Thất bại là tại không chuyên nhất, lòng còn tham muốn nông nổi.

Người tu thiền định thì phải dừng vọng tưởng, vừa có niệm khởi liền buông, gặp cảnh giới nào cũng đều buông hết. Nói định tức bên trong không động, nói thiền tức bên ngoài không vướng mắc. Nếu chúng ta không tự tu, tự sửa, tự thực hiện thiền định cho chính mình thì Phật cũng không làm sao giúp hơn được. Cho nên đến giai đoạn này cần phải siêng năng liên tục. Đó là chất liệu để sống vậy.

Nên nhớ sự tu hành phải được thực hiện từ trong thâm tâm của mình, chứ không phải chỉ có hình thức bên ngoài. Ví dụ có vị nghèo khổ không đi chùa được, không có gì để cúng dường thì mình nguyện đem công đức tu hành để cúng dường Tam bảo. Làm được điều lành, nói lời lành, ý nghĩ lành cũng có thể tạo phước cúng dường. Đôi khi giàu có lại khó tu hơn nghèo khổ, cốt ở tâm thôi.

Điều thứ ba là phải khắc ghi. Khắc ghi tức là chuyên chú. Khắc ghi điều gì? Phật dạy: Cõi này là cõi mộng, cuộc sống này là cuộc sống mộng, con người là vô thường, hoàn cảnh là đổi thay, tất cả đều đi đến hủy diệt. Khắc ghi như thế, dần dần công huân tu hành tăng tiến, đạo lực thâm hậu, sức định tĩnh đầy đủ, chúng ta sẽ thấy giá trị lời Phật dạy và kết quả của việc tu tập.

Có người bảo cây cảnh tí xíu còn sống mấy chục năm, huống thân này to lớn, tuổi thọ cũng cả trăm năm, vô thường chỗ nào ? Đó là cái nhìn cạn hẹp của thế gian. Họ không biết mọi vật luôn sanh diệt trong từng phút giây. Muôn cảnh muôn vật, ngay cả thân này cũng vậy, dù tuổi thọ có bao nhiêu nó vẫn biến dạng, đâu thể giữ hoài một trạng thái ban đầu. Nếu không thế thì con người đâu có già, bệnh và chết.

Với cái nhìn đạo lý, nếu chúng ta sáng suốt định tĩnh sẽ thấy đời sống này là vô thường. Cho nên giai đoạn thứ ba là phải khắc ghi, phải nhớ mãi công phu tu hành của mình. Nếu không thế, chỉ cần lơ là một chút là lệch lạc ngay.

Như Đề Bà Đạt Đa khi còn ở hoàng cung là em họ của Thái tử. Ông luôn tranh chấp với Thái tử. Đến lúc được Phật độ cho xuất gia, ông tu hành cũng tinh tấn nhưng bản chất không thuần thiện vẫn còn. Vì vậy ông luôn mong muốn thay thế địa vị Giáo chủ của Phật. Ước mơ này lại hợp với A Xà Thế, con của vua Tần Bà Sa La. A Xà Thế tôn Đề Bà Đạt Đa làm Sư phụ, cả hai thầm hợp tác với nhau, một bên giết cha, một bên giết Phật để đoạt ngôi Vua, đoạt ngôi Giáo chủ.

Vua Tần Bà Sa La biết được nên nhường ngôi cho A Xà Thế. Để đền ân cha, A Xà Thế vừa lên ngôi liền hạ ngục Tần Bà Sa La và bỏ đói cho tới chết. Còn Đề Bà Đạt Đa được sự ủng hộ và sắp xếp của A Xà Thế, đã thả voi say giết Phật, nhưng sự việc không hành. Bởi đức Như Lai đã dùng từ bi tâm cảm hóa được voi dữ, khiến chúng nằm mọp xuống khi vừa thấy Ngài. A Xà Thế sau khi tỉnh tâm đã đến đảnh lễ sám hối với Phật: Con ngu muội nghe theo lời hướng dẫn của tà sư nên đã gây tạo tội lỗi tày trời. Hôm nay thức tỉnh ăn năn, cúi xin đức Phật từ bi cho con được sám hối. Phật rất hoan hỉ xem như không có chuyện gì xảy ra.

Sau lần đó rồi, Đề Bà Đạt Đa cũng chưa hài lòng. Mặc dầu biết A Xà Thế đã sám hối Phật, nhưng Đề Bà Đạt Đa luôn gần gũi nhỏ to, khiến cho A Xà Thế lại tạo tội. Hai người chuẩn bị năm trăm xạ thủ bắn tên giỏi nhất trong nước, chờ Phật về thành thọ lễ cúng dường sẽ động thủ. Phật vẫn bình thường nhận lời thỉnh của A Xà Thế với lòng từ bi bao la, không hề có niệm gì khác.

Sau khi đoàn của Phật vào thành, năm trăm tay xạ thủ buông tên nhưng không hiểu vì sao những mũi tên độc được bắn ra đều biến thành hoa sen rơi xuống trước Phật, trang điểm con đường của Ngài và chư vị Thánh đệ tử rực rỡ sắc hương. Lần này A Xà Thế không còn gì tin tưởng Đề Bà Đạt Đa nữa, ông ta đã thất bại hoàn toàn. Đức Phật lại tiếp tục nhận lời thỉnh thụ trai của nhà vua, thuyết pháp giảng dạy, hướng dẫn A Xà Thế cải tà quy chánh, trở thành một vị hộ pháp đắc lực nhất thời bấy giờ.

Chúng ta thấy, ngoài Phật chắc không ai làm nổi chuyện này. Nhưng Phật rất bình thường, bởi sức đại từ đại bi, đại hùng đại lực của đức Thế Tôn đã chuyên nhất. Tâm Ngài không còn xen tạp các thứ tật đố, tham sân, phiền não như chúng ta nữa. Ngài luôn khắc ghi chúng sanh trong lòng, thương tưởng như con đẻ nên mới có thể sống và hành xử như vậy. Đây chính là những thử nghiệm để thấy rằng công đức, đạo hạnh, trí tuệ của Phật vô cùng vô tận.

Tôi kể câu chuyện này để nhắc nhở quý Phật tử lòng còn chao đảo yếu đuối, dễ bị quyến rũ của những người chung quanh lấy đó làm kinh nghiệm. Người đã trải qua mười hai mươi năm gầy dựng công đức, mà bị ai đó rù rì rủ rỉ khiến phải bỏ cuộc thì uổng biết bao nhiêu. Tôi muốn nói, nếu chúng ta không khắc ghi trong tâm huyết tu hành, thì khi bị những thứ chung quanh ập đến mình không tự chủ được. Không tự chủ được thì nghe theo, rồi tạo biết bao nhiêu việc ghê gớm, làm mất hết công phu và công đức tu hành của mình.

Người con Phật phải luôn luôn khắc ghi, tâm niệm những gì quí báu tốt đẹp, giữ gìn công đức đạo hạnh. Khắc ghi và áp dụng Phật pháp vào đời sống tu tập của mình. Nếu không thì bao nhiêu cạm bẫy sẵn sàng một bên để quật chúng ta. Nói đúng hơn không phải chúng muốn quật mình mà tại chúng ta tự nạp thôi. Như khi đi ngang cái hố, nó có bao giờ nói đợi ta đến để nhận chân mình đâu, tại ta nhắm mắt lủi vô thì sụp thôi.

Nên biết những khổ đau, chua cay trong cuộc đời ta nếm trải, không thể đổ thừa cho hoàn cảnh hoặc người khác hết được. Nếu người tu hành tâm không vững, còn chao đảo lăng xăng, toan tính ngược xuôi thì tự mình chuốc khổ, tự mình làm hỏng cuộc đời tu hành của mình. Cho nên luôn tâm niệm khắc ghi Phật pháp là vậy.

Thứ tư là định tĩnh, đây là giai đoạn quyết định cuối cùng. Vì định tĩnh mới hay trừ khử, khắc phục các loạn động, bất an. Những thứ đó là gì ? Là lợi, suy, hủy nhục, khen ngợi, vui, buồn v.v… Thiếu định tĩnh chúng ta sẽ không đủ sức để giải quyết những vấn đề này. Vui quá cũng không được, cứ cười hô hố hoài, đúng cũng cười, sai cũng cười, gặp ai cũng cười hết thì người ta nói mình mad. Buồn quá cũng không được, gương mặt tháng bảy hoài thì có nước ngập lụt mà chết.

Nhà Phật nói buồn quá thì ma sầu bi nhập, vui quá thì ma hoan hỉ nhập. Người tu không quá vui, cũng không quá buồn. Muốn vậy phải giữ tâm định tĩnh, nếu không định tĩnh ta sẽ lao theo những vui buồn của thế gian như con rối. Chúng ta thấy mấy tay hề, biểu diễn tào lao mà người ta cười thôi là cười, cười muốn đứt ruột, vỡ bụng. Tại vì không tự chủ, nên ma cười nhập. Muốn làm chủ mà thiếu định lực thì không có thể được.

Như ngồi thiền đau quá nhưng mình nhất định tiến không lùi. Nhờ thế tới một hôm ta ngồi không đau nữa. Vui quá ta phát cười lên ha hả. Ngồi thiền mà như vậy thì thiên hạ chạy hết. Hoặc ta nghiệm lại từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành, lập gia đình có con cái, đời ta toàn là đau khổ, nước mắt chảy không biết bao nhiêu mà kể. Nghĩ vậy rồi buồn thôi là buồn. Thế là gặp ai mình cũng sầu bi khiến cho người chịu không nổi, họ cũng chẳng dám gần mình.

Người không có đức tu hành dễ bị các ma sự kia làm não hại. Được người ta công kênh, xưng tụng, vinh dự quá mình mất định tĩnh. Bị người ta biếm nhẽ, xem thường, tủi buồn quá mình mất định tĩnh. Ngoài định tĩnh và trí tuệ ra, không có gì giúp chúng ta thoát ra các thứ phiền não ấy. Trong cuộc đời, không làm sao ta tránh khỏi những điều bất như ý, nếu không có lực tu thì khó tìm được sự bình an. Cho nên người tu phải chuẩn bị một tinh thần kiên định, trầm tĩnh và sáng suốt mới có thể tự chiến thắng được mình.

Phật tử hôm nay phải hiểu hoàn cảnh nào mình cũng tu. Tu là ngay nơi đường đi lối về của tâm thức, của ý niệm ngã và ngã sở, ta thấy rõ nó không thật. Thấy rõ như thế rồi thì vọng tưởng không còn giá trị gì đối với mình nữa. Ta không loại, tự nó cũng mất, bởi vì vọng chỉ là cái bóng, nó không có thật thì làm sao còn được. Nhưng đáng tiếc, chúng ta lại bị động bởi những thứ hư vọng đó, cho nên lúc nào mình cũng rong ruỗi ngược xuôi. Vì vậy Phật nói chúng sanh sống với con khỉ ý thức, chứ không sống với tâm thể chân thật của chính mình, do đó nên khổ.

Biết vậy, bây giờ chúng ta hãy tu sửa lại. Tất cả Phật pháp lâu nay đã được học hiểu, ta áp dụng vào đời sống tạo điều kiện cho định tuệ phát triển. Đừng vì một lý do gì mà mình suy suyễn, hễ suy suyễn là vọng động khởi lên liền. Nên nhớ động thì không định, định thì không động. Sống trong định thì an ổn, sống trong động thì đau khổ. Chúng ta có quyền chọn lựa con đường cho mình. Tu là như vậy.

Trong mọi sinh hoạt, đi đứng nằm ngồi, nói năng, làm việc, tụng kinh, ngồi thiền, ta đều kiểm soát được tâm vọng động, gan dạ buông nó đi. Như vậy mình mới sống, và sống với tâm chân thật bất động. Chính cái bất động này mới đủ lực giải quyết mọi thứ chướng ngại trên. Sức sống của người tu Phật là sức sống được toát ra từ trí tuệ và định lực.

Sống siêng năng tu tập, khắc ghi đúng chánh pháp, định tĩnh sáng suốt trong mọi sinh hoạt. Sống như vậy, cuộc sống mới có giá trị. Vì đó là cuộc sống thiền, sống đạo. Chúng ta không cần nói tu thiền, tu đạo chi cả, chỉ cần sống như thế  thì quả vị Phật không muốn cũng thành. Ngược lại, chỉ tu tập theo hình thức bên ngoài mà trong tâm không tỉnh thức, thì cầu xin khấn nguyện mấy Phật cũng không cho mình quả vị của Ngài được.

Luật nhân quả là tiêu chuẩn để định lượng cuộc sống của mỗi chúng ta. Đời này ta nợ nần, nghèo khổ là biết đời trước mình keo xẻn tham lam với người. Đời này ta giàu sang sung sướng, thông minh đẹp đẽ là biết đời trước mình bố thí thương người, không sát sanh hại vật. Đời này ta thích đi chùa, nghe pháp là biết đời trước ta đã có tu. Chắc chắn như vậy, không có gì nghi ngờ, nên đâu phải cầu xin ai ban phước giáng họa cho mình. Người nắm vững luật nhân quả sẽ có sức sống rất mãnh liệt, vì họ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước mọi cảnh thuận cũng như nghịch, không trốn tránh, không đổ thừa cho ai.

Hòa Thượng có viết bài thơ “Anh nếu biết”, chúng ta thử đọc lại xem Ngài muốn nhắn nhủ với mình những gì:

            Anh nếu biết!

            Cuộc đời là thế ấy,

            Còn gì đâu vướng bận ở lòng anh.

            Ai cười vui năm trước,

            Ai khổ đau tháng này,

            Ai tiền rừng bạc bể,

            Ai bát cơm khó đầy,

            Ai vinh quang tột đỉnh,

            Ai tủi nhục cùng đồ?

            Dòng đời cứ trôi, trôi qua mãi,

            Năm tháng mang đi, đi kiếp người.

            Đâu tá những ai, ai cố giữ,

            Còn chăng chỉ thấy một nấm mồ.

            Hồ thu nước trong vắt,

            Vầng trăng hiện sáng ngời,

            Trẻ con đua nhau vớt,

            Vớt mấy vẫn tay không.

            Thôi đừng ngây thơ nữa,

            Ngửa mặt nhìn trời trong,

            Ôi kìa, vằng vặc trăng đêm vắng.

            Đã hết khổ công nhọc vớt mò,

            Nay được thấy trăng, trăng rạng rỡ.

            Còn đâu run rẩy lặn tìm trăng,

            Anh nếu biết !

            Cuộc đời là thế ấy,

            Còn gì đâu vướng bận ở lòng anh.

“Cuộc đời là thế ấy” nghĩa là sao ? Nghĩa là cuộc đời vô thường, mộng ảo, không thực, luôn đổi thay nên khổ đau. Đã biết như vậy rồi thì còn gì vướng bận nữa. Mọi vật đều vô thường, ta lo gầy dựng cái trăm năm để làm gì. Chỉ tùy duyên sống vui vẻ thôi. Các pháp có hợp ắt sẽ tan, còn mất là việc thường. Ta không bận lòng, không sợ hãi toan tính khi nó đến cũng như lúc nó đi. Được vậy thì sướng nhất đời rồi.

Phật dạy thân này do tinh cha huyết mẹ và thức tâm hợp lại mà thành, không có gì thật hết. Nó có thể hư hoại bất cứ lúc nào. Một cơn gió độc, một viên đạn, một mũi tên cũng có thể mất đi tất cả. Biết như vậy, ta khấn vái sống một hai trăm năm làm gì, chỉ vô ích thôi. Cái không an toàn mà mình cầu nguyện cho nó an toàn sao được ? Bây giờ ta nên nhanh chóng sử dụng thân giả tạm này để tu, làm sao mau thoát ra khỏi vòng sanh tử khổ đau, để được sống muôn đời với cái chân thật bất sanh bất diệt của mình.

Ví như ta lên chiếc xe mục nát, cộng thêm ông tài xế chạy bạt mạng thiên lôi nữa. Vậy mà cứ ngồi trên đó, rồi đốt nhang cầu nguyện thần linh ủng hộ chiếc xe đừng hư, luôn được an toàn có phải vớ vẩn không ? Đó là ước mơ không hiện thực, không bao giờ thành tựu được, nên Hòa thượng nói: Anh nếu biết cuộc đời là thế ấy, còn gì đâu vướng bận ở lòng anh. Hai câu này nghe nhẹ làm sao. Biết cuộc đời là giả tạm, mộng huyễn thì còn gì vướng bận trong lòng nữa.

Ai cười vui năm trước, ai khổ đau tháng này, ai tiền rừng bạc bể, ai bát cơm khó đầy, ai vinh quang tột đỉnh, ai tủi nhục cùng đồ, thưa quí vị là ai ? Chính chúng ta là tác nhân vậy. Dòng đời cứ trôi trôi qua mãi, năm tháng mang đi đi kiếp người, đâu tá những ai ai cố giữ, còn chăng chỉ thấy một nấm mồ. Cả trường tranh đấu cuối cùng còn lại gì ? Một nấm mồ. Nếu người có chuẩn bị trước thì may ra phút chót bảo đảm không rơi vào tăm tối. Còn thì tiền rừng bạc bể cũng bất lực trước tử thần mà thôi. Tất cả những ước mơ, ta cố giữ để cuối cùng ngay cả đời mình cũng chẳng còn. Chừng ấy không có công đức, không có định tĩnh, không có trí tuệ thì tránh sao khỏi ma đưa lối quỷ dẫn đường !

Cho nên tiền rừng bạc biển chỉ là cái vui tạm thời trong một giai đoạn thôi. Đó là nói người biết sử dụng, chứ như kẻ nhiều tiền lắm của mà ăn chơi sa đọa thì tiền của càng làm khổ thêm. Người xưa nói: “Hữu phước bất khả hưởng tận”, nghĩa là có phước không nên hưởng hết. Dù có tiền của cũng không nên hưởng hết, mà phải khéo sử dụng nó, ta mới được lợi ích. Nếu không, vật chất như con dao hai lưỡi, giết người vô số.

Hồ thu nước trong vắt, vầng trăng hiện sáng ngời, trẻ con đua nhau vớt, vớt mấy vẫn tay không. Ở đây Hòa thượng có ý nhắc nhở chúng ta. Ví như hồ nước trong có bóng trăng hiện, trẻ thơ không biết đó là bóng, nên đua nhau vớt. Càng vớt  càng mất bóng trăng. Người lớn hay người có trí tuệ, nhân thấy bóng trăng mà biết mặt trăng thật ở trên hư không, ngẫng đầu lên nhìn thì tha hồ mà ngắm, mà thưởng thức vầng trăng sáng ngời.

Người tu hành cũng vậy. Nhân thấy muôn pháp vô thường, thân tứ đại giả tạm mà biết có cái chân thật, bất sanh bất diệt ẩn bên trong. Sống với cái bất sinh bất diệt đó thì còn gì đau khổ nữa. Còn nếu ta cứ mê lầm lăng xăng ngược xuôi tìm bắt chính mình, thì giống như mấy đứa trẻ muốn vớt trăng, lại mò trong hồ nước, thử hỏi biết bao giờ mới vớt được ? Cho nên muốn sống lại với cái chân thật thì phải quay lại ngay nơi mình. Buông hết vọng tưởng, tâm định tĩnh sáng suốt thì vầng trăng vằng vặc sáng soi.

Thôi đừng ngây thơ nữa, ngửa mặt nhìn trời trong, Hòa thượng đã chỉ rõ cho chúng ta rồi. Muốn thấy mặt trăng thật thì phải ngó trên hư không kìa, đừng ngây thơ mò vớt bóng trăng dưới đáy nước nữa. Muốn nhận ra cái chân thường thì ngay nơi thân vô thường, ngay nơi sáu căn sanh diệt mà nhận lấy. Ô kìa vằng vặc trăng đêm vắng, đã hết khổ công nhọc vớt mò. Nay được thấy trăng, trăng rạng rỡ, còn đâu run rẩy lặn tìm trăng. Nhận và sống được với chính mặt trăng thật của mình rồi thì tha hồ vui sướng rạng rỡ, không còn nhọc nhằn run rẩy ngược xuôi trong bể khổ nữa. Xoay lại chính mình thì tất cả ngược xuôi chấm dứt. Những gì cả đời ta toan tính, bây giờ rõ ràng chúng chỉ là một mớ vọng tưởng điên đảo, có gì còn gì. Vậy mà ta đã gieo neo với nó không ít, thật phi lý, thật si mê! Cho nên cuối bài thơ Hòa thượng nhắc lại Anh nếu biết cuộc đời này là thế ấy, còn gì đâu vướng bận ở lòng anh, thật ý vị, thật sâu sắc.

Bài thơ trên là cả một nghệ thuật sống, Hòa thượng đã viết lên bằng chính kinh nghiệm của đời người. Trong đó có sự hiện diện tất cả chúng ta nữa. Ngài đã khéo nói lên những cái chung của con người, để từ đó hướng ta đến chỗ chân thật của cuộc sống. Sống trong sự sáng suốt, sống không bị vọng động kéo lôi, sống với mặt trăng thật của chính mình là người thật sống. Ngược lại sống nhọc nhằn, đuổi bắt theo bóng dáng mộng huyễn của thế gian thì sống cũng như chết mà thôi.

Nếu không thật tu, chúng ta sẽ không bao giờ thấy được giá trị thật của nó. Người Phật tử khi đã quyết định tu là phải dứt khoát, sắp đặt mọi việc xong xuôi rồi thì mạnh dạn buông bỏ tất cả, chỉ một đường thẳng bước. Thật ra việc tu hành không khó lắm, nhưng khó là do ta cứ lao theo rồi mắc bẫy vọng tưởng. Dừng lại được dù chỉ trong phút giây, ta cũng có thể thấy được giá trị vô cùng vô tận của tâm định tĩnh. Phút giây nào tĩnh lặng là phút giây đó ta sống trong ánh sáng của trí tuệ. Phút giây nào xao lãng, lao theo vọng tưởng là ta đánh mất sự sống của chính mình.

Nếu không có cuộc đời, không có sự hiện diện của thân tâm này thì làm sao ta thăng hoa, làm sao ta thấy được mặt trăng thật. Với người liễu đạt, người thấu hiểu tánh tướng của các pháp rồi thì cuộc sống thật đáng yêu, thật giá trị. Cho nên họ nguyện đem cả cuộc đời để cống hiến cho nhân loại mà không cần một điều kiện nào. Đó là người biết sống. Sống như thế là sống đạo, sống thiền, sống cho mình và cho người. Sống như vậy mới đáng sống.

Nếu khéo, ai trong chúng ta cũng có thể hưởng được cuộc sống ấy. Trái lại không khéo, chúng ta sẽ đánh mất nó trong nháy mắt. Tôi mong sao điều này không quá xa vời đối với tất cả chúng ta. Chúc quý vị có được cuộc sống đầy đủ ý nghĩa và giá trị nhất trên đời.

[ Quay lại ]