headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 10/09/2024 - Ngày 8 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

ĐƯỜNG XƯA CHỐN CŨ

duongxuaThông Thiền

Chơn Không mỗi sáng sớm và chiều tà, tôi thường dạo bước trên đường Tiêu Dao, đi lên nẻo Đại Mai rồi thả bộ xuống dốc đá Thạch Đầu. Đó là các con đường mà trước năm 75, Thầy Viện chủ đã đặt cho những danh xưng theo tên các vị Thiền sư trong thiền sử Trung Hoa và Việt Nam.

Chiều về chầm chậm hồn nhiên bước

Khúc nhạc hoàn hương trổi nhịp hoài

Chơn Không đang độ mùa hoa nở

Đường xưa chốn cũ ngát hương bay…

Đối với một số người, con đường chính là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm, có những bài thơ, bài hát và những câu chuyện buồn vui mang tên con đường ấy. Riêng cá nhân tôi, từ nhỏ đã yêu mến con đường làng của Tế Hanh:

Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang

Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng,

Đến cuối thôn kia hơi cỏ vướng,

Hương đồng quyến rũ hát lên vang.

Bài thơ ám ảnh tôi lạ lùng, làm tôi tưởng tượng ra “Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ/ Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ”. Tôi thường tìm về miền quê để được dạo bước trên những nẻo đường mà tâm trí mình đã từng vẽ nên.

Lớn lên một chút, khi xem tranh phong cảnh miền quê, có vẽ con đường đất ngoằn ngoèo, hai bên đường là thảm cỏ hoặc đồng lúa xanh mơn mởn của danh họa người Pháp Claude Monet và tình cờ đọc đến bài thơ Đường quê của Hòa thượng Nhất Hạnh:

Đường quê đi mãi trong vô tận

Thầm kín trong tôi gợi quốc hồn

Mùa lúa năm nay đầy hứa hẹn

Nước xanh nhuần thấm hạt muôn phương

Thật đúng là rung cảm tận đáy lòng! Hồi đó nhà ba tôi buôn bán ở thành thị nhưng ông lại sắm thêm một mảnh vườn ở ngoại ô cách đó ba cây số. Thế là tôi vòi ba chở về vườn cho bằng được và tha hồ đi chân đất tung tăng trên đường quê như Hòa thượng Nhất Hạnh mô tả. Nhưng mãi đến bây giờ, khi trở về lại Chơn Không, điều tôi thích nhất vẫn là con đường núi ở chùa tôi.

Từ trước đến nay, nếu bạn là dân du lịch dã ngoại, việc leo lên đến đỉnh núi Lớn Tương Kỳ là một niềm vui khó cưỡng. Con đường Vi Ba lên núi Lớn cho bạn một tầm nhìn bao quát về thành phố Vũng Tàu. Nó là đường tráng nhựa, vách núi bên phải, triền dốc bên trái, cả hai bên đường đều được che phủ bởi những hàng cây rợp bóng, không khí thoáng đãng và rất mát mẻ. Hết đoạn đường nhựa là một vài quán cóc, nước mía nhỏ cho du khách có thể dừng chân ngắm cảnh, trải mắt xuống toàn bộ bãi trước. Khu du lịch Hồ Mây nằm trên đỉnh, có tôn trí tượng Phật Di Lặc cao mười sáu mét. Đoạnđường đó chỉ dành cho xe hơi, chứ thật chưa phải là đường núi-đường xưa chốn cũ. Điều tôi muốn nói ở đây là những con đường núi nằm trong khuôn viên chùa như đường Tiêu Dao, Đại Mai, Thạch Đầu kể trên và con đường cao hơn, lên gần đến đỉnh Tương Kỳ kia. Con đường này quả thật độc đáo và đầy thú vị, càng đi lên cao, thì cảnh thiên nhiên càng mở ra cho bạn mỗi tầng nhìn khác nhau và chính điều này đã gợi cho tôi nhớ đến đoạn mở đầu trong bài thơ Đường Đi Lên của Trúc Thiên:

Đường đi lên có hạc vàng mây bạc

Màu sắc chơi vơi gợi sắc màu

Chim hót ra thơ trầm nhả nhạc

Mỗi tầng là một khác trời nhau.

Ở đây mây bạc thì có, còn hạc vàng thì không, mà chim bồ chao lại nhiều, có đến cả bầy, chúng kêu inh ỏi vào sáng sớm. Thỉnh thoảng mới có vài con sơn ca vừa chuyền cành vừa hót véo von, như lời thơ ngợi ca ánh nắng mai để đón chào một ngày mới. Đến khi mặt trời vừa khuất núi thì lũ bồ chao lại xuất hiện, chúng nhảy nhót rồi đáp xuống tắm trong các bể nước của hòn non bộ, chúng rỉa lông, cà khịa với nhau điếc cả tai. Và đúng là mỗi tầng thì phong cảnh khác nhau thật: Tầng dưới cùng, khi bắt đầu tiến vào sơn lộ, bạn sẽ được chào đón bởi các loài hoa mai và hoa đại nên Thầy chúng tôi đặt tên là đường Đại Mai. Tiến lên một đoạn dốc là bắt gặp khu trồng tràm và hoàng nam. Qua khỏi đoạn này là vườn hoa anh đào và đẹp nhất là đoạn cuối cùng cũng là nơi cao nhất, là rừng trúc, đến đây thì cửa rừng hiện ra, thật tuyệt vời. Nếu chúng ta phối lại với Đường đi lên của Trúc Thiên: chặng thứ nhất hoa sứ, hoa mai phải chăng muốn chỉ cho cảnh giới của con người bình thường; cây tràm, hoàng nam tượng trưng cho bậc anh hùng cõi thế; hoa đào chỉ cho cõi tiên (đào nguyên), còn trúc xanh chỉ cho thiền cảnh vô tâm (hư trúc, cây trúc vốn rỗng ruột mà!) ? Cứ lên cao cách khoảng chừng mười mét là có đường vắt ngang, chiều dài độ mười hoặc hai mươi mét, có những thân cây, những dây to lòng thòng hoặc bò ngang đường núi cùng với mùi ngai ngái của lá cây mục càng tăng thêm vẻ hoang dại của rừng. Dọc trên đường có rải rác những phiến đá mặt dẹt để mọi người ngồi nghỉ chân, hai bên đường vào mùa mưa hoa dại mọc đầy, cây rừng như thay áo mới, khoác lên thân một màu xanh dịu mát. Tôi để ý thấy chính những thứ cây này vào mùa nắng chúng rụng sạch lá, khô đét trông đến tội nghiệp, tưởng như chết rồi. Ấy thế mà, chỉ cần một cơn mưa đầu mùa vừa ập xuống, lập tức chúng nhú mầm xanh nõn đến ưa nhìn. Quả là tuyệt hậu tái tô như Thiền tông nói. Sức chịu hạn phi thường nơi chúng, đứng trơ trọi kế bên vồ đá dưới ánh nắng như thiêu của tháng hai, tháng ba thì có khác chi những Thiền sinh có chí xuất trần, đang được huấn luyện trong lò lửa của Thiền viện. Đến khi thời tiết nhân duyên đến, có thể là một trận mưa pháp của bậc Thầy ban bố cũng nên, nơi tâm họ liền chuyển hóa, mặt mày rạng rỡ, mới tinh như màu áo cây rừng. Do thích cảnh tượng này nhất, vì thế ngày hai buổi sớm chiều tôi thường thiền hành trên đường núi để thưởng ngoạn và cũng để nhắc nhở mình.

Càng lên cao, càng mở ra trước mắt bao khung cảnh thiên nhiên khoáng đạt, với chùa Chơn Không mái đỏ, ẩn mình sau làn mưa mờ mờ ảo ảo. Dưới núi là thành phố Vũng Tàu nơi có những ngôi nhà cao tầng cất theo lối chung cư đang được xây dựng. Xa xa ngoài kia ở mé trái là rặng Long Sơn, thị xã Bà Rịa rồi đến dãy núi Long Hải, cánh bên phải là núi Nhỏ và trước mặt là trùng dương bao la. Như vậy, vị trí của Thiền viện hiện thời giống như đặt trên một cái hàm rồng há ra biển Đông nên vừa thi vị vừa khớp với thuật phong thủy, địa lý một cách kỳ lạ. Biển khơi mang từng cơn gió lạnh táp vào mặt làm tôi tỉnh cả người, đầu óc nhẹ hẫng, tôi thấy như mình đang đắm chìm vào cõi hư không nào xa vời lắm, bỏ lại sau lưng cuộc sống ồn náo dưới kia.

Đi trên con đường này, càng lên cao tôi càng tiếp cận với mây trời, nhìn những áng mây trôi lãng đãng càng làm tôi thấy tâm hồn mình bình yên hơn, mọi thứ lo toan, buồn đau khi tiếp xúc với cõi đời đã tan theo đám vân cẩu. Thiền sư Sở Thạch Phạm Kỳ đời Nguyên khi kinh hành trên núi, thấy mây bay đã thốt lên:

Áo trắng chó xanh mặc tung hoành,

Mây núi đùa trêu khách long đong

Gối đầu trên đá say nằm ngủ

Buông thõng thân tâm về mênh mông.

Giờ được tận mắt chứng kiến, tôi chợt ngẫm đời người sao giống áng mây trắng kia giăng giăng tản mạn theo sức gió bay đi, biến thành hình ảnh chó xanh thả sức tung hoành trong mấy mươi năm rồi lặng lẽ trở về với hư không, tìm nào thấy? Phải chăng được làm một kiếp người mà phải nhọc nhằn đến thế sao? Cho nên mây núi “đùa trêu” mình cũng đúng. Vậy thì chỉ cần buông xuống liền an lạc, được biểu thị bởi hình ảnh một con người vô sự nằm gối đầu lên đá mà ngủ… Mọi thứ chỉ là duyên khởi tánh không thôi mà!

Vào những đêm sáng trăng, sau khi xả thiền tôi thường một mình thiền hành:

Cốc đá thềm trải trăng suông

Kinh hành đếm giọt sương nguồn tịnh tâm

Sáng trăng đối bóng nguyệt thầm

Cảm thông đã chín tuổi rằm thái hư

Chạy trên biên tế vô dư

Đường trăng theo núi dẫn về hốc hang   ( Tuệ Đăng )

Ở cốc đá trên núi vắng chỉ có trăng và mình, tôi bước đi trong chánh niệm và hòa vào thiên nhiên không còn phân biệt mình và vũ trụ, thấy mọi hiện tượng không gì ngoài tâm. Khi soi sáng những ngõ ngách tâm tư mình bằng ánh sáng trí tuệ, tôi bỗng thấu suốt và tiêu dung tất cả những tâm lý tiêu cực nơi mình, cảm thấy lòng thanh thoát đến lạ kỳ!

Bất chợt nhìn trở xuống dưới núi, bỗng thấy như ngàn ánh sao lấp lánh. Thì ra đấy là toàn cảnh thành phố Vũng Tàu về đêm. Gió thổi vi vu, rít khe khẽ qua các tán lá, hòa vào với cái tĩnh mịch của đêm. Cảnh sắc yên bình quá, tôi thấy lòng nhẹ tênh rồi xuống đến cốc lúc nào không biết. Cổ nhân nói: Việc tu hành giống như leo núi. Quả không sai. Ban đầu, khi chưa quen, rất ngán. Nhất là bạn nào tim yếu, chân run thì e ngại vô cùng. Con đường núi này tuy xa nhưng bởi tôi thích thú và đi lại lắm lần nên cảm thấy gần hơn rồi sao nghe thân thương quá. Biết có được đi mãi trên con đường ấy nữa không? Có khi chỉ vài năm nữa, nơi đây mọi thứ đã khác rồi. Đỉnh núi được san bằng để làm khu du lịch, nhà cửa trong thành phố mọc lên như nấm sau mưa, thiên nhiên tươi xanh đã nhường chỗ cho những công trình hiện đại. Khó mà còn con đường độc đạo này nữa. Cũng đúng thôi, làm sao nó cứ tồn tại mãi được, đường xưa chốn cũ theo không gian và thời gian vật lý phải có sự đổi thay theo định luật thành trụ hoại không thì cái mới mới phát triển. Điều quan trọng là đường xưa chốn cũ - đường về nội tâm nơi mỗi người chúng ta:

Nghìn năm trước nghìn năm sau vẫn vậy

Chơn Không ơi! vẫn trấn ngự đỉnh Tương Kỳ.

[ Quay lại ]