headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Có một giới đàn như thế

daigiodanphaploa

Quảng Hậu

Có thể nói, Đồng Nai là một trong những tỉnh thành mỗi lần tổ chức giới đàn, số lượng giới tử quy tụ rất đông. Năm nay, BTS GHPGVN tỉnh phối hợp với Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm tổ chức Đại giới đàn mang tôn hiệu vị Đệ nhị Tổ của thiền phái là ngài Pháp Loa, để truyền trao giới pháp cho 2.636 giới tử xuất gia và hơn 1.200 Phật tử tại gia, tại thiền viện Trúc Lâm Trí Đức, xã An Phước, H.Long Thành.

 Khơi thông suối nguồn Tăng bảo

Chính vì Giới luật là mạng sống của Phật pháp, là sinh mạng của người xuất gia, nếu thiếu Giới luật thì Phật pháp sẽ lụi tàn, người xuất gia không thành tựu quả vị giải thoát. “Tỳ-ni tạng trụ, Phật pháp diệc trụ; tỳ-ni tạng diệt, Phật pháp diệc diệt” chính là tuyên ngôn muôn thuở về một đoàn thể Tăng-già thanh tịnh và hòa hợp.

Có mặt từ những ngày đầu khi giới đàn diễn ra, người viết cảm nhận một khung cảnh trang nghiêm của đất Phật, lòng vỡ òa cảm xúc. Những bước chân vội vã của chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử hộ đàn, tất bật để hoàn thành những công việc cuối cùng để sự kiện quan trọng này được diễn ra trang nghiêm như pháp.

Sáng ngày 8-10, giới tử từ các nơi trở về thiền viện Trúc Lâm Trí Đức làm thủ tục nhập giới đàn và an đơn. Những giới tử dù tay xách, tay đeo nhưng khuôn mặt ai cũng hiện lên nét hoan hỷ, như những người con đi xa nay được về quê cũ. Phải chăng chính tâm niệm thiết tha, cần cầu giới pháp, cũng như năng lượng đại chúng thanh tịnh nơi đây đã lan tỏa, khiến những phiền não, mệt nhọc ở quãng đường dài như được bỏ lại đằng sau.

Quá trình chuẩn bị hơn bốn tháng qua, chỉ để cho giới đàn diễn ra vỏn vẹn 5 ngày. Ban Kiến đàn cũng như Ban Quản trị đã nỗ lực để có thể chu toàn các khâu. Từ công việc thiết trí, phân chia các khu vực, đến chỗ ăn ở, ngủ nghỉ và vệ sinh cũng được Ban Tổ chức quan tâm. Đặc biệt, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được Ban Kiến đàn và những người Phật tử ngoại hộ thực hiện một cách nghiêm túc, kết hợp với các cơ quan y tế của tỉnh và huyện, giữ lại mẩu thức ăn hàng ngày để kiểm tra.

Nói về tôn hiệu Tổ sư Pháp Loa định danh cho Đại giới đàn, HT.Thích Nhật Quang chia sẻ: “Vì muốn tưởng niệm đến một bậc Đại Thiền sư nước Việt, không chỉ vì ngài là Đệ nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm vang danh một thuở, mà vì ngài là bậc chân tu thật học, thâm ngộ thâm chứng, hết lòng vì đạo pháp, phụng sự chúng sanh như trần sát, nêu gương đạo nghiệp cho hậu thế muôn đời sau soi chung. Tăng sĩ Việt Nam ngày nay là con cháu của Tổ, không thể không noi gương ngài, nỗ lực tu học, gìn giữ giới luật…”.

Quan sát những ngày diễn ra giới đàn, người viết cảm nhận được khung cảnh trang nghiêm, cũng như sự chí thành “ngũ thể đầu địa” của các giới tử khi cung nghinh chư tôn đức lãnh đạo các cấp Giáo hội, cũng như Hội đồng Giới sư quang lâm để trao truyền giới pháp. Trong khung cảnh thiền vị và linh thiêng nơi mảnh đất “Tuyển Phật trường” này, hương giới pháp như được lan tỏa đến mọi người, những nụ cười hoan hỷ, cái cúi đầu xá chào, từng bước đi an lạc, không hề vội vã.

Và một điều đặc biệt, Thiền sư Thích Thanh Từ, năm nay đã 95 tuổi, Tông chủ của thiền phái Trúc Lâm, bất ngờ quang lâm nơi giới trường chứng minh buổi lễ khai mạc, càng làm cho không gian nơi đây trở nên đặc biệt hơn. Ban Tổ chức và hai Hội đồng Giới sư đã đối trước đảnh lễ Hòa thượng Thiền sư trong niềm xúc động và không khí thiêng liêng.

Đặc biệt, trong đạo từ của Đức Phó Pháp chủ HĐCM - HT.Thích Trí Quảng, Hòa thượng đã nhắc lại công hạnh tu tập của Tổ Pháp Loa, người có công lớn trong việc truyền thừa và phát triển dòng thiền nước Việt. Trải qua hơn 700 năm, những tưởng tổ ấn đã phai, trác tích đã mòn. Nhưng đến nay, dòng thiền Trúc Lâm không những được tái lập, mà còn phát triển mạnh trong lòng của Giáo hội và Dân tộc. “Từ những bậc tiền nhân kiệt xuất như: Tổ Khánh Hòa, cố HT.Thích Thiện Hoa và đến Thiền sư Thích Thanh Từ là những nhân tố tích cực, đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo miền Nam nói riêng và GHPGVN nói chung”, Hòa thượng Phó Pháp chủ nhấn mạnh.

Chu toàn để đàn giới trang nghiêm

Ở Đại giới đàn lần này, có thể thấy tất cả các văn bản đều sử dụng tiếng Việt, từ bản Cung an chức sự Hội đồng Thập sư Tăng, Ni, đến Nghi truyền giới cũng sử dụng bản Việt dịch của Luật viện Huệ Nghiêm. Qua đó cho thấy, đã có những nét riêng của văn hóa Việt trong giới đàn được nhen nhóm, khỏi phạm vi TP.HCM. Lần đầu tiên năm 2015, Đại giới đàn Trí Đức do BTS GHPGVN TP.HCM tổ chức đã sử dụng “Việt Nam truyền giới Chánh Phạm” - được soạn thuật từ các soạn dịch của quý ngài Luật sư thực hiện trước đó. Cho đến hôm nay, một số tỉnh, thành đã sử dụng bản Việt dịch này tại các đàn truyền giới, như tỉnh Đồng Nai là một ví dụ điển hình.

Với những đàn giới Tỳ-kheo-ni, trước đây sau khi truyền bổn pháp thì được hướng dẫn qua Đại Tăng để truyền Chánh pháp giữa hai bộ Tăng - Ni, thường được truyền tập thể. Ở đàn giới này, Ban Kiến đàn đã quyết định truyền từng đàn một, mỗi đàn 3 giới tử Tỳ-kheo-ni cầu Chánh pháp. Vì số lượng giới tử Tỳ-kheo-ni lên con số 160 đàn, nên đàn giới của Tỳ-kheo-ni được tổ chức 2 ngày. Mỗi ngày sau khi truyền Bổn pháp thì tất cả giới tử Tỳ-kheo-ni được hướng dẫn đến Đại Tăng cầu thỉnh Chánh pháp Yết-ma. Đây có thể nói là nỗ lực thực hiện như pháp về Chánh pháp Yết-ma cho đàn giới Tỳ-kheo-ni, không để cách đêm mới cầu Đại Tăng làm Chánh pháp.

Một điều mà chúng tôi ghi nhận ở nơi đây chính là sự khác thường về thời tiết. Theo dự báo, khu vực tại nơi diễn ra giới đàn sẽ có mưa do ảnh hưởng của cơn bão đang đổ bộ ở miền Trung. Tuy nhiên trong lúc đàn giới thực hiện các pháp sự thì hoàn toàn trời quang và nắng nhẹ, ở những nơi khác xung quanh đó vẫn có mưa như dự báo thời tiết đã loan tin. Có một cơn mưa nhẹ đã phủ xuống mát mẻ và nắng lại lên khô hanh, quang tạnh trước khi đàn giới Tỳ-kheo được chính thức tấn đàn. Dường như tấm lòng của những con người hướng về Chánh pháp đã tương thông, câu lưu với nhau để những sự ứng nghiệm xảy ra một cách nhiệm mầu.

[ Quay lại ]