headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 21/04/2024 - Ngày 13 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

ĐÈN THIỀN TỎA CHIẾU

tvthuongchieu3Với nhãn quan thông thường, khi nhìn cơ ngơi Tu viện Chơn Không trên ngọn Tương Kỳ trở thành bãi đất trống quạnh hiu, không ai dám nghĩ, ngọn đèn Thiền trước bão táp phong ba, lại có thể chiếu sáng một góc trời. Nhưng sự thật đã xua tan mọi nỗi nghi ngờ và niềm tin thêm lớn.

Nếu kiểm lại đời tu của Hòa thượng Trúc Lâm, từ khi bắt đầu cuộc đời Tăng lữ cho đến ngày chống gậy hạ sơn và mãi đến sau này, thì cứ mỗi lần đối mặt với chướng duyên trắc trở, lại mở ra những bước hanh thông. Ở đây như có một tiền lệ. Mà tiền lệ này, như có lần Hòa thượng thổ lộ, là "cái duyên riêng có nơi Người". Cho nên lần này, khi bất đắc dĩ phải rời bỏ sơn môn thì cũng là lúc khởi đầu vận hội mới. Hoài bão Người ôm ấp bấy lâu, đến lúc khó khăn lại được dịp thi triển.

 Không còn nghi ngờ gì nữa, hoài bão dựng lại ngôi nhà Phật giáo Thiền tông cho người con Phật Việt Nam của Hòa thượng Trúc Lâm đã thành hiện thực. Ðến lúc này, từ hai Thiền viện mang tên "Chiếu" ban đầu tủa ra sức sống Thiền, các "Chiếu" khác đã được lập nên - Huệ Chiếu, Linh Chiếu, Phổ Chiếu, Tịch Chiếu, Chơn Chiếu, Liễu Ðức nối tiếp nhau trên đất mới khai hoang, những Thiền viện tuy còn đơn sơ tranh lá nhưng hứa hẹn sẽ trở thành những Tùng lâm trang nghiêm, khí sắc hương Thiền dào dạt, nuôi lớn những tâm hồn khát khao giác ngộ, giải thoát theo con đường Phật tổ Thế Tôn.

Trang sử Thiền tông Việt Nam đương đại sẽ ghi lại những nét son khi bước vào thế kỷ XXI, qua hiện thực hào hùng của những Thiền viện được ươm mầm trong gai lửa, cho hôm nay rực rỡ huy hoàng.

Hãy đến tận nơi để ngắm nhìn, chiêm nghiệm bằng tất cả lòng khâm phục, tưởng tin. Qua đầu gậy trúc của vị Thiền sư đơn bạc đất nở hoa tươi, tâm nở thiện lành. Cảnh cảnh người người rạng rỡ niềm vui, tràn trề hy vọng.

Hòa thượng Trúc Lâm gởi trao hoài bão lớn trong một từ "Chiếu".

Từ giã Chơn Không, đưa đàn con xuống núi và bắt tay làm lại từ đầu, phải mất hơn một phần tư thế kỷ miệt mài xây dựng với cả tâm huyết và mồ hôi, các Thiền viện dựng lập trên miền đất mới đã trụ vững và những đứa con non yếu ngày nào cũng đã từng bước trưởng thành. Ðến đây, Hòa thượng Trúc Lâm đã có thể an tâm, tin tưởng gởi trao trọng nhiệm cho hàng đệ tử nối truyền mạng mạch Tông môn, nối bước thực hiện hoài bão của Người khi bước vào thiên niên kỷ mới.

Với cả tấm lòng tha thiết vì tiền đồ Phật giáo Thiền tông Việt Nam, với cả tin yêu vào hàng môn hạ cũng như cả thế hệ tiếp bước trên con đường Thiền, nhân ngày Tết cổ truyền của dân tộc (Tết Canh thìn 2000), nơi Tổ đình của Thiền phái Trúc Lâm, Hòa thượng Trúc Lâm đã trút cả ruột gan truyền đạt cho cả môn đồ và hàng Phật tử hoài bão của Người. Hoài bão đó đã được gởi gắm trong một từ "Chiếu" mà Hòa thượng đã lấy đó làm danh hiệu các Thiền viện Người dựng lập trong thời kỳ gian khó, từ những năm 1974-1990.

Bây giờ, sau hơn một thập niên, chúng ta cùng nhau đọc lại những trang viết ghi lại lời chỉ dạy của bậc Ân Sư và chiêm nghiệm từng chữ từng lời. Những lời vàng đó của Người sẽ mãi mãi là ngọn hải đăng, cho ta an ổn chuyến hải hành, vượt qua ngàn trùng sóng gió trong cuộc tử sanh.

Như vậy là, sau 15 năm kể từ ngày xuống núi (1986-2000) Hòa thượng Trúc Lâm làm đã chính thức trao gởi cho Tăng Ni trọng nhiệm kế thừa, gìn giữ môn phong, nối bước Ngài dựng gầy sự nghiệp "Truyền đăng tục diệm" ngày càng quang huy bền vững.

Hòa thượng đã chọn thời điểm và nơi chốn thực hiện công việc trọng đại này, bao hàm nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, Thiền viện Thường Chiếu, một đại Tùng lâm đã được xây dựng quy mô hoành tráng đánh dấu chỗ "Diệu hữu" bước khởi đầu công cuộc hoằng hóa của Hòa thượng Trúc Lâm, nơi tụ hội của Phật tử muôn phương và tín chúng mọi miền, đã được Hòa thượng đặt là Tổ đình của Thiền phái Trúc Lâm thời kỳ phục hưng. Từ tổ đình của Tông môn, Hòa thượng đã trao gởi nghĩa vụ truyền thừa cho hàng môn hạ. Thứ hai, năm 2000 kết thúc thiên niên kỷ thứ 2, cả thế giới loài người đang hướng về sự kiện này, với tất cả hoài vọng bước vào thiên niên kỷ thứ 3, thời kỳ tụ hội ánh sáng văn minh để nhân loại được sống trong thanh bình cộng tồn và phát triển. Hòa thượng muốn cho tất cả Tăng Ni và Phật tử chuẩn bị tinh thần cho vận hội mới, thời kỳ Thiền tông Việt Nam nở hoa kết trái, cho nơi nơi ngát tỏa hương thơm, cho người người chan hòa trong âm hưởng từ bi, trong ánh sáng giác ngộ của Phật tổ.

( Trích  - Kỷ yếu 50 năm Thiền viện Chơn Không )

[ Quay lại ]