headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 28/03/2024 - Ngày 19 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Cách Thức Giáo Hóa Chúng Sanh

phat10Đại sư Hám Sơn – NS Hạnh Huệ dịch

Sách nói: Thánh nhân không ra đời thì vạn cổ như đêm dài đen tối, nên Phật Thích-ca Văn của ta thị hiện ở vương cung, xuất gia ở Tuyết Sơn, sáu năm khổ hạnh, ngộ đạo thành Phật, rồi thuyết pháp độ sanh ở vườn Lộc Uyển.

Lúc đức Phật chưa ra đời, ở Ấn Độ có chín mươi sáu phái ngoại đạo, mỗi phái lập môn đình xưng là sư trưởng. Đến khi Phật thành đạo thuyết pháp, tất cả ngoại đạo đều quy y xuất gia làm đệ tử Phật, y theo giáo pháp tu hành, chứng quả A-la-hán, nên trên hội Linh Sơn có một ngàn hai trăm năm mươi người vốn đều là ngoại đạo, ngay lúc đó, những người tin Phật thì quy y Phật pháp, y giáo vâng làm, còn người không tin thì sanh kinh nghi cho đến nỗi tạo các ma hại, hủy báng mà bị đọa vào ác đạo chẳng thể kể. Như thế thì biết ngày nay, những nơi chưa hành theo Phật pháp đều do lúc Phật chưa ra đời có trí hay ngu, hiền hay bất tiếu; tuy có nghi hay tin không phải một, đều vì chẳng biết bổn hoài xuất thế của Phật chúng ta và phép tắc của phương tiện độ sanh có thứ lớp. Nên nay tôi lược thuật thứ tự của phương tiện độ sanh cho người chưa nghe, chưa tin Phật pháp, biết chúng ta là tăng, pháp môn hóa sanh chẳng phải là một việc, một hạnh, một môn mà có thể vào được, nên nói: “Phương tiện có nhiều cửa, quy nguyên tánh chẳng hai”.

Tóm lại trong bốn mươi chín năm đều tùy thứ tự căn cơ lớn nhỏ, sâu cạn, nên nói kinh giáo chẳng nên vượt bậc. Mong mọi người nên biết rõ, chớ cho là lời tầm thường.

Phật vì một đại sự nhân duyên xuất hiện ở đời, nghĩa là khai thị cho chúng sanh tri kiến Phật, khiến họ ngộ nhập. Chỉ một việc này thôi chứ không còn gì khác. Một đại sự là muốn chúng sanh biết sanh tử là một việc lớn. Tri kiến Phật tức là Phật tánh sẵn có của mỗi một chúng sanh, do mê Phật tánh này mà thành sanh tử; nay muốn ra khỏi khổ sanh tử, thì phải lấy sự ngộ tri kiến Phật làm nghĩa đầu tiên. Như thế há chẳng phải Phật chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật ra khỏi thế gian sao? Như thế thì Thiền đạo chỉ một đường ngộ tâm, chẳng phải đợi đến Đạt-ma từ Tây sang.

Phật đặc biệt vì việc này mà ra đời, đâu dè chúng sanh từ nhiều kiếp đến nay, tham, sân, si, ái, phiền não, ác kiến, mê mờ quá sâu; chẳng kham chỉ ngay cho đại pháp ngộ tâm. Nên Ngài đem pháp Nhất thừa chia ra làm ba, do đây nên mới có bày ra thứ lớp tam thừa, nghĩa là Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa. Cho đến có người không kham nổi pháp Tiểu thừa thì Ngài bày ra ngũ giới, thập thiện là thiện quả trời người, để họ khỏi đọa vào cái khổ của ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh nên nói: “Chẳng giữ ngũ giới thì đường Nhân Thiên bị cắt đứt”.

Nay chúng ta là đệ tử Phật, tuân theo Phật dạy, lấy độ sanh làm sự nghiệp. Nếu không dùng phương tiện thứ lớp, dẫn dụ người vào đạo, rồi một ngày nào đó, đem đại pháp dạy họ thì ngược lại sẽ khiến họ sanh nghi báng, tự rước cái khổ tam đồ, đó là đem đề hồ làm thành độc dược, lỗi do không rành dẫn đường. Nên chúng ta tuân theo lời Phật chế, thiện nam tử tại gia gọi là Ưu-bà-tắc, nữ thì gọi là Ưu-bà-di, nên giữ ngũ giới để tu quả lành Trời Người.

Năm giới của người tại gia là:
1- Không sát sanh (Giới này cảm quả báo đời sau trường thọ và được quyến thuộc hòa hợp, hiện tại có con cháu hưng thịnh).
2- Không trộm cắp (Phàm cái gì không cho mà lấy đều là trộm. Giới này cảm quả báo đời sau được giàu có, ăn mặc đầy đủ, cầu được như ý).
3- Không tà dâm (Chẳng phải vợ mình mà sanh dâm dục gọi là tà dâm. Giới này cảm đời sau được vợ trinh lương, cha lành con hiếu, quyến thuộc lục thân hòa hợp).
4- Không nói dối (Phàm nói không đúng sự thật, gây chia rẽ hai bên, gọi là vọng ngữ. Giới này cảm quả báo đời sau, trí tuệ hơn người, lời nói chơn thật, ai nghe cũng tin, theo lời dạy mà làm).
5- Không uống rượu (Rượu làm hôn mê, rối loạn tâm tánh, phát cuồng sanh họa, là gốc của nghiệp ác. Giới này cảm quả báo đời vị lai, trí tuệ minh đạt, sự thấy biết siêu việt).

Trên đây là năm giới, khi Phật ra đời, lúc ban đầu vì người tại gia ở đời, đặc biệt đặt ra lời dạy này khiến người y theo giới tu nhân thì chẳng phụ đời này, khỏi đọa đường ác, mà còn có thể cảm đời sau không mất thân người, được sống lâu, giàu có, con cháu, gia đạo hưng thịnh, văn minh, thành đạt. Phàm đời nay, những người chức cao, quyền trọng, phú quý phong vinh, thông minh lợi đạt, đều là do giữ năm giới mà được.

Năm giới này cũng là ngũ thường của nhà Nho, bất sát là nhân, bất đạo là nghĩa, không tà dâm là lễ, không uống rượu là trí, không nói dối là tín.

Nên Phật pháp phụ giúp cho vương đạo đem năm giới giáo hóa mọi người thì không tranh tụng, bớt hình phạt, nhà được an ổn, phong tục được thuần mỹ.

Đây là lời Phật bày nghi thức đầu tiên để giáo hóa chúng sanh. Nay người thế tục chẳng biết Phật pháp, toàn là người không có tâm thích thiện, mà nghịch lại sanh cái thấy báng Phật, báng Pháp, báng Tăng. Đó là tự mình cam chịu ngu mê, tự ôm đường khổ.

Lại có một hạng người tuy có thể ăn chay, ăn rau mà không biết con đường tu hành chơn chánh của Phật pháp, lại nghe theo người tà vô vi, ngoại đạo, chẳng kính Phật Tổ, Trời Đất, chẳng hiếu để với cha mẹ, không đốt hương lễ bái Tam bảo, chỉ chuyên theo tà hạnh, tà thuyết, người mù dẫn bọn mù, tụ họp nói bậy, cho là truyền pháp, họ hoàn toàn không biết có con đường tu hành chơn chánh, mà ngược lại báng Phật Pháp Tăng, chấp cứng không giáo hóa được. Đây là người quá sức ngu si, là người đáng thương xót!

Nay chúng ta vâng theo chiếu chỉ, chính đây là những điều đang cấm.

Cúi mong các bậc cao minh quân tử ở đời, hãy biện rõ tà chánh, phải trái. Phàm gặp bọn này, hãy nên khai thị cho họ bỏ tà về chánh, không những hộ trì Phật pháp mà còn hỗ trợ vua cai trị.

Học tà, học chánh đều là một niệm tâm lành. Đáng tiếc vì chẳng biết là tà, mà lầm đọa.

Nay nếu biết là trái, sao lại không bỏ bọn tà mà làm người hiền lành chơn chánh, làm lương dân của đời Thánh?

Năm giới trên là Phật dạy tu nhân quả nhân đạo, Ngài lại bày đường mười nghiệp thiện, là nhân quả nhân thiên. Mười điều thiện là:

1- Ba nghiệp ác của thân: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Nếu dứt được ba điều ác này thì gọi là ba đường thiện.
2- Bốn nghiệp ác của miệng: Nói láo, ỷ ngữ, hai lưỡi, ác khẩu. Nếu đoạn được bốn điều này gọi là bốn đường lành.
3- Ba ác nghiệp của ý: Tham, sân, si. Nếu đoạn ba điều này gọi là ba đường lành.

Mười điều ác trên, người đời làm hằng ngày mà chẳng biết.

Nay nếu có thể dứt mười điều ác này thì gọi là thập thiện, là nhân để sanh thiên. Đó là người thuần thiện. Mười điều thiện này chính là đạo chánh tâm, thành ý, tu thân của nhà Nho. Nếu quả có thể tu điều này, thì hiện đời là Thánh, là Hiền và nhất định cảm đời sau sanh ở thiên cung, hưởng cái vui thắng diệu. Đây thật sự muôn ngàn lần là hạnh chơn thật. Người đời vì sao ngu mê chẳng biết, lại chuyên hướng theo tà đạo mà làm cho được? Há chẳng phải cô phụ tâm này sao ?

Ngũ giới, thập thiện ở trên là đức Phật của chúng ta đặc biệt vì người tại gia ở đời, bày ra kinh giáo muốn người y theo đây tu nhân thì chẳng mất phước của trời người. Đây là lời tuyên dạy từ kim khẩu của Phật chẳng phải lời bàn hư vọng. Nếu không tuân theo đây mà tu, thì đều là tà đạo, chẳng phải là chánh hạnh. Tuy chịu khổ tâm tu hành mà đều không lợi ích, ngược lại còn tăng thêm quả khổ. Đây là dùng khổ bỏ khổ. Đức Phật chúng ta đã đau khổ với nó quá kỹ rồi. Nay người đời nói năm bộ kinh, sáu cuốn sách, chính là ngoại đạo, tà nhân mà xưng càn là sư trưởng, lén trộm ngôn cú của Phật Tổ, góp nhặt loạn xạ những lời quê mùa ca vè thế tục để ngu hoặc dân.

Đó là người tà đạo làm loạn chân lý. Nay thánh chỉ cấm, chính đều là bọn này. Người tại gia đã có lòng yêu điều thiện, sao chẳng quy y Tam bảo mà đem cái thấy tự ỷ thế trí thông minh lanh lợi rồi sanh tâm ma hạ liệt, coi thường ngũ giới, thập thiện, chẳng thèm làm, cho ưa thích thiền là Tối thượng thừa, chẳng tu ba nghiệp bèn đem công án hiện thành của Tổ sư, xem xong vài tắc, ghi nhớ trong bụng rồi ưa lợi khẩu, khoái dùng cơ phong cho đây là diệu ngộ của chính mình, hoàn toàn chẳng biết là trái. Hơn nữa lại phỉ báng kinh điển Đại thừa, cho là văn tự chẳng để tâm, cười tăng chân tu thật hành cho là Tiểu thừa, vọng khởi các thứ tà kiến, hoàn toàn chẳng tin có nhân quả tội phước, thậm chí khinh mạn Phật, khinh mạn Pháp, khinh mạn Tăng, họ đâu chẳng biết tự rơi vào hầm nghiệp chướng ngu mê, vợ con xúm lại, đủ các khổ nhiệt não đốt cháy, mà vọng chỉ trước mắt là đạo. Người ngu si như thế là người rất đáng thương xót! Mình đã có một niệm tâm hướng thượng, sao chẳng chân chân thật thật, hành công phu đúng đắn? Đó là chỗ nói “Nói được mười phần, chẳng bằng hành được một phần”, cứ nói bậy như thế, ví như người nghèo mà vọng xưng đế vương, tự chuốc tội bị tru lục, không đáng buồn sao ?

Xin khuyên các bậc thiện lương ở đời, người thông minh lợi căn có chí ra khỏi sanh tử, nên tự lượng căn khí của mình, tham thiền chắc chắn là một đường hướng thượng vì đây là Phật Tổ chuyên vì người thượng thượng căn mà nói. Các người hãy tự mình kiểm điểm xem có phải là bậc thượng thượng căn không? Quả có thể ngay đây liền rõ hết sanh tử trăm kiếp chăng? Nếu căn mình chẳng phải là thượng thượng thì nên lượng sức chính mình chuyên tâm tu môn Tịnh Độ, hồi hướng về Tây Phương, nguyện sanh về Cực Lạc, bỏ hẳn cái khổ ở Ta-bà.

Một pháp môn này, người từ xưa tu nhân, tăng tục theo đây ra khỏi sanh tử không thể đếm hết. Chỗ nói “Vạn người tu vạn người đi” rất là ổn đáng, là đại pháp môn một mảy chẳng lầm. Tổ Sư nói: “Duy có đường tu hành tắt, chỉ niệm A-di-đà Phật”. Vì pháp môn này hoàn toàn không làm người lầm lạc. Nếu có thể buông hết thân tâm, theo đây tu hành, có quy tắc nên thực hành, tôi lược dạy ở sau đây:

Một môn Tịnh Độ, thường thường các bậc sĩ đại phu bàn luận đều cho là vì người trung hạ căn mà đặt ra. Nhưng không biết môn này nhiếp hết cả ba căn, không cơ nào chẳng thâu, rất là quảng đại. Hơn nữa vừa đơn giản lại dễ thực hành. Ngay các Tổ sư ngày xưa, sau khi ngộ đạo, người hồi tâm hướng về Tịnh Độ không phải ít, như các đại Tổ sư Vĩnh Minh, Trung Phong... chẳng phải chỉ một người.

Nhưng tu hành niệm Phật có ba căn thượng, trung, hạ chẳng đồng, nên cửu phẩm ở Tịnh Độ cũng nhân nơi căn cơ mà có khác biệt.

Tịnh Độ có ba loại:
- Thường tịch quang độ
- Thật báo trang nghiêm độ
- Phương tiện hữu dư độ. Đây tức là phàm thánh đồng cư độ.
Và ba cõi này tu nhân không đồng, nên chỗ cảm khác biệt. Nay tôi thử nói sơ lược.
(cịn tiếp)
 

[ Quay lại ]