headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 08/11/2024 - Ngày 8 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

LỄ BÁI SÁU PHƯƠNG

phat9Chân Hiền Tâm

 

Vào thời đức Phật còn tại thế …

 

Buổi sáng như thường lệ, ngài đắp y, cầm y bát vào thành Vương Xá khất thực thì thấy Thi Ca La Việt – một gia chủ – với áo thấm ướt, tóc thấm ướt, đang đứng chấp tay đảnh lễ các phương. Hết đông sang tây, hết tây sang nam v.v… Cứ thế mà lạy đủ sáu phương. Thấy vậy đức Phật hỏi:

- Này Gia chủ! Vì sao ông dậy sớm ra khỏi thành Vương Xá với áo thấm ướt, tóc thấm ướt, chấp tay đảnh lễ hết các phương như thế?

- Bách Thế Tôn! Thân phụ con khi gần chết có dặn con “Con thân yêu! Hãy đảnh lễ các phương cho ta”. Vì tin kính lời thân phụ, nên sáng nào con cũng làm như thế.

- Này Gia chủ! Trong pháp của bậc Thánh, lễ bái sáu phương không phải như vậy.

- Bạch Thế Tôn! Vậy thế nào mới là lễ bái sáu phương? Xin hãy giảng cho con biết.

- Này Gia chủ! Ta sẽ nói, hãy nghe và suy nghiệm kỹ. Một thánh đệ tử lễ bái sáu phương bằng cách hộ trì sáu phương. Sáu phương là gì? Phương Đông là cha me, phương Nam là sư trưởng, phương Tây là vợ con, phương Bắc là bạn bè, phương Dưới là tôi tớ lao công, phương Trên là Sa môn và Bà la môn. Hộ trì sáu bậc đó chính là lễ bái sáu phương.

Rồi mỗi phương, Phật chỉ ra các cách để Thi Ca La Việt nương đó thực hành. Thực hành được những phương cách đó chính là lễ bái sáu phương. Lễ bái sáu phương như thế, thì hiện đời mới có hạnh phúc. Cũng là gieo cái nhân để có cái quả hạnh phúc trong tương lai.

I. HỘ TRÌ CHA MẸ : Có 5 cách.

1. Được nuôi dưỡng, con sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ: Nếu không được nuôi dưỡng mà mình vẫn có lòng nuôi dưỡng cha mẹ, đó là hạnh của hàng Bồ tát. Phước báu vô lượng vô biên.

Trên thực tế, không phải ai cũng có đủ điều kiện để nuôi dưỡng cha mẹ. Có khi cha mẹ còn phải nuôi lại. Có điều, nếu không nuôi dưỡng được, cũng nên tránh tình trạng vì những ưa thích ham vui của mình mà làm tổn hại đến cha mẹ, khiến cha mẹ phải lo nghĩ, mất di cái đức của mình. Thiếu đức thì hết “mặc sức mà ăn”.

2. Làm bổn phận đối với cha mẹ: Bình thường thì thưa thỉnh, thăm hỏi. Khi ốm đau thì chăm sóc. Thấy cha mẹ làm việc thiện thì khuyến khích. Thấy cha mẹ làm việc trái đạo thì khuyên ngăn. Việc này đòi hỏi người con phải có trí tuệ và đức nhẫn. Có trí tuệ mới biết việc làm nào dẫn đến quả báo xấu, việc làm nào dẫn đến quả báo tốt. Thiện ác phải rành, mới biết khuyên ngăn hay khích lệ cha mẹ làm cho đúng phép. Có đức nhẫn thì mới đủ sức kiên trì khuyên ngăn cha mẹ không làm việc xấu.

Thường, con cái có hiếu bằng cách thuận theo ý cha mẹ, cứ cha mẹ muốn gì liền làm theo thế ấy, dễ hơn là thuận cái nên thuận, không nên thuận cái không thể thuận. Cha mẹ chửi người vô cớ, nhưng vì có hiếu với cha mẹ, mình cũng ùa theo, khiến người rơi vào tình trạng uất ức, là mình đang tiếp tay cho cái ác tiếp diễn. Đủ duyên, cha mẹ và mình đều lãnh quả xấu. Người con có trí tuệ là người phải biết giải thích ngăn chặn cha mẹ những điều trái đạo. Làm được điều đó không dễ. Bởi ông bà khi nào cũng tự cho mình đúng. Ai đi ngược ý ông bà, dù nhã nhặn nhỏ nhẹ bao nhiêu, cũng trở thành bất hiếu khó ưa. Cái tốt của con không thấy, chỉ thấy những cái không vừa lòng của mình. Nhưng không biết rằng, đó mới là người con hiếu thảo thật sự. Chỉ vì không muốn cha mẹ mình bị quả xấu trong tương lai, nên mới tốn sức khuyên ngăn. Đó là cái hiếu của người có trí tuệ.

3. Giữ gìn truyền thống gia đình: Không nên vì những ưa thích ham vui của mình, khiến người phỉ báng cười chê, làm ảnh hưởng đến danh tiếng của cha mẹ và gia đình. Nếu mình có tâm niệm gìn giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình như người đời vẫn thường nói: “Đói cho sạch rách cho thơm”, thì khi việc gì khiến ảnh hưởng đến truyền thống đó, mình sẽ hạn chế không làm. Đây là một trong các cách giúp ngăn ngừa việc quấy rất hữu hiệu.

4. Bảo vệ tài sản thừa tự: Có tài sản để thừa tự, đó là một trong các phước báu. Vì thế bảo vệ tài sản thừa tự chính là bảo vệ phước báu của mình. Phung phí của thừa tự chính là đang phá phước báu của mình. Vì thế, nếu hưởng được thừa tự, mình nên gìn giữ, không nên tiêu xài hoang phí.

Khiến cho tài sản đó được phát triển thì tốt, đương nhiên phải phát triển nó bằng phương hướng lương thiện. Cho vay nặng lãi, buôn ma túy á phiện v.v… là phát triển phước báu bằng pháp ác. Quả báo nhận được sẽ không tốt đẹp. Không phát triển được theo cách lương thiện, thì nên dùng vào việc phước thiện thiết thực. Đó là gieo cái nhân để có cái quả phước báu trong tương lai. Là cách bảo vệ phước báu được thường hằng hơn trong cõi vô thường tạm bợ.

5. Làm tang lễ khi cha mẹ qua đời: Cha mẹ chết đi, không có nghĩa là đã hết. Có người đi đầu thai liền, nhưng có người vẫn lòng vòng đâu đó. Vì là thân trung ấm, nên không thấy hình tượng da thịt như người bình thường, nhưng người chết vẫn nhận hiểu cảnh giới hiện tại. Người không quan trọng việc ma chay thì không nói. Nhưng người vẫn muốn việc tang lễ được chu tròn thì mình nên làm cho chu tròn. Làm tang lễ cho cha mẹ đàng hoàng chính là để cha mẹ được hoan hỉ.

Tang lễ, tùy phong tục của từng miền, từng gia đình mà việc tổ chức có khác nhau. Nhưng dù làm thế nào, thì có hai việc rất nên làm là TRÁNH SÁT SANH và cần BỐ THÍ CÚNG DƯỜNG, để tạo phước báu cho người sống lẫn người chết. (Đã nói trong kinh Địa Tạng).

Hiện nay có những vị không phải là đạo Phật, vẫn lấy tiền phúng điếu đem tặng cho các viện mồ côi, bô lão v.v… Đều là hình thức bố thí cúng dường, khiến người chết được thanh thản vui vẻ. Cũng là một trong các điều kiện để người chết đầu thai vào cảnh giới tốt. Người sống nhờ đó cũng có phước lây. Một công hai việc rất tốt.

Song muốn việc bố thí được thuận cho người sống lẫn người chết, kết quả nhờ đó được mỹ mãn hơn, thì lúc sống, mình nên khuyến khích cha mẹ mở lòng san sẻ. Việc san sẻ này không phải chỉ có đạo Phật mới khuyến khích Phật tử làm, mà ngay cả đạo Cao Đài, Thiên Chúa v.v… đều khuyến khích. Trong Kinh Thánh không những khuyên bố thí mà còn khuyên không nên khoe trương “Khi bố thí đừng có khua chiên đánh trống. Thầy bảo thật anh em, khi bố thí chúng ta đã được phần thưởng rồi. Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả công cho anh”. Khi bố thí chính là lúc gieo cái nhân để được phần thưởng. Phần thưởng đó, với cái nhìn của đức Phật là đầy đủ về tài lộc hoặc giàu sang phú quí trong kiếp hiện tại hoặc tương lai. Tùy duyên đã đủ hay chưa mà có sớm hay muộn.

Với Phật tử, ngoài việc tránh sát sanh và bố thí cúng dường, kinh còn khuyên nên cúng chay và thân nhân nên dùng chay trong các ngày tang lễ. Tang lễ càng thanh tịnh yên tĩnh bao nhiêu thì người chết dễ có điều kiện bình ổn, đầu thai vào cảnh giới tốt bấy nhiêu. Trong những ngày đó, người sống cũng thanh thản bình ổn hơn. Được vậy mới gọi là lo tang lễ vuông tròn.

Với những cách đó, gia chủ coi như đã lễ bái phương đông một cách chu đáo.

II. HỘ TRÌ CÁC BẬC SƯ TRƯỞNG: Đời người, thường ai cũng có ít nhất một vị thầy hướng dẫn mình học hành, không ngoài đời thì trong đạo.

1. Đứng dậy chào hỏi: Đây muốn nói lên lòng tôn kính của trò đối với Thầy.

2. Hầu hạ phục vụ: Nói lên tình thương yêu quan tâm của trò đối với thầy.

3. Hăng hái, chú tâm học hỏi nghề nghiệp: Đây là cách để trả ơn thầy. Thiện tri thức nào cũng muốn học trò thông thạo nghề nghiệp mà mình đã truyền trao. Nên trả ơn thầy, không gì bằng học tập tinh tấn để nghề nghiệp được vững vàng.

Mối quan hệ giữa thầy và trò hiện nay không như xưa nên tinh thần tôn sư trọng đạo thời nay cũng không được như xưa. Nhưng điều kiện không như xưa thì lòng tôn kính, tình thương yêu và sự quan tâm luôn là thứ cần thiết đối với một con người biết đạo lý.

III. HỘ TRÌ VỢ CON
1. Với vợ:
a. Tôn trọng vợ: Trong gia đình, không nên toàn quyền quyết định mọi việc mà không đếm xỉa gì đến ý kiến của vợ. Nên có ý kiến của cả hai người. Đây là đức Phật muốn phá bỏ tính phong kiến của người đàn ông ngày xưa. Bù lại, Phật dạy người vợ cũng phải biết tôn trọng chồng, không đi quá chức phận làm vợ của mình. Không nên lợi dụng sự tôn trọng đó mà trở thành “Sư tử Hà Đông”.

b. Trung thành với vợ: Phá bỏ chế độ đa thê của người đàn ông ngày xưa. Phá bỏ tính “Ham của lạ”, “Có mới nới cũ” của người đàn ông thời nay. Bù lại, người vợ cũng phải một lòng trung thành với chồng. Đây là nền tảng để gia đình được yên ấm, con cái không khổ đau.

c. Giao quyền hành cho vợ: Những gì người vợ có khả năng làm tốt thì nên để vợ làm. Không nên ôm đồm mọi thứ. Cái gì cũng thích làm chủ quyết định mà không có thứ nào làm ra thứ nào, thì chỉ khiến gia đình tan vỡ. Vợ cũng không còn tâm tôn kính chồng.
d. Sắm đồ nữ trang cho vợ: Tuy nói sắm nữ trang nhưng chính là muốn nói lên tính quan tâm của chồng đối với vợ. Bởi đối tượng bấy giờ là Thi Ca La Việt, một gia chủ có của cải thời đức Phật, nên Phật nói như vậy.

Thứ mà đa số phụ nữ thời nào cũng thích chính là nữ trang, vì thế nói sắm nữ trang là muốn nói đến những sở thích của vợ. Người chồng nên quan tâm và bù đắp những sở thích đó. Bù lại người vợ cũng phải quan tâm đến chồng. Không nên đòi hỏi những thứ vượt quá sức chồng. Sự quan tâm đúng mực với nhau luôn là cách khiến hạnh phúc gia đình luôn được hâm nóng như thuở… ban đầu.
Biết quan tâm đến nhau thì vợ chồng không bao giờ đòi hỏi những gì vượt quá sức nhau.

2. Với con:
a. Ngăn chặn con làm điều ác: Ngăn chặn các việc ác đơn giản và dễ thấy nhất, chính là khuyến khích chúng giữ 5 giới của người tại gia:

- Không sát sanh: Chỉ nói đến hình thức không sát sanh mà bỏ qua tinh thần của nó, thì không mấy ai có thể thọ giới này. Bởi khó thực hiện quá! Như học y khoa hay sinh học mà không sát sanh thì không thể học. Thứ hai, những thứ như muỗi v.v… thì sao? Nên đây nêu lên tinh thần của nó để giải quyết sự việc được nhẹ nhàng.

Không sát sanh, chủ ý là để phát triển tâm từ bi, ngăn chận tâm tàn độc của con người. Ý chính của mấy từ không sát sanh là để phát triển tâm từ. Cố gắng phát triển tâm từ cho con cái. Thứ gì cực chẳng đã phải làm thì đành làm, nhưng tuyệt nhiên đừng để con trẻ thấy đó là việc tự nhiên. Một triết gia nói: “Thấy con trẻ thích thú khi giết chết một con vật, là đang để cho ác tâm của nó phát triển”. Thích thú khi giết một con vật là việc không nên khuyến khích. Đó là mầm móng của tội ác.

Thế giới này là thế giới tương đối, mình chỉ có thể làm cái tốt hơn, không thể đòi hỏi làm cái tốt toàn diện. Như ngày xưa đức Phật giết tên ăn cướp cứu mấy trăm mạng người. Theo luật nhân quả, có nhân đủ duyên sẽ có quả. Việc giết tên ăn cướp đủ duyên sẽ có cái quả của nó. Nhưng vì tâm từ, đức Phật chọn cái đỡ xấu nhất là giết tên cướp. Không phải vì tâm tàn ác vì mình mà giết người, vì ham thích mà giết người. Chỉ là bằng lòng nhận quả xấu để mọi người hạnh phúc hơn. Tránh cái quả oan oan tương báo tàn sát lẫn nhau trong những kiếp tương lai. Đó là tâm hạnh của hàng Bồ tát.

- Không nói dối: Ngoại trừ nói dối là tập khí của một đứa trẻ, tức nói dối là cái bệnh đã có trước khi chúng có thân này, thì người lớn thường là cái gương để chúng bắt chước. Có khi chính mình dạy con nói dối chứ không ai khác. Nó trốn học đi chơi, khi xin phép đành nói dối nó bệnh. Còn dặn nó: “Cô có hỏi, nhớ nói con bệnh nghe chưa”. Sau nó cứ nương đó mà dối luôn cả mình. Nhưng mình ít để ý những chuyện như vậy. Cứ hồn nhiên dạy con nói dối. Lúc đầu chỉ vài chuyện nhỏ, lâu ngày thành quen, nói dối điêu luyện hồi nào không hay. Cả người lớn lẫn con nít, cả người tu lẫn không tu v.v… Mô Phật! Giới này là giới khó giữ vô cùng.

Một lần đứng lớ ngớ nơi thất thầy Phó Thường Chiếu, gặp một nhóm Phật tử mới qui y xong.

- Nè có giới không được nói dối đó. Bà liệu cái mỏ. Buôn bán nói dối cho lắm vô!

- Phật dạy nói dối là nói dối mấy chuyện khác, chứ đâu có nói buôn bán không được nói dối. Không nói dối sao buôn bán được.

Quả tình, trong buôn bán nhiều khi nói thiệt thiên hạ không nghe. Nói dối thiên hạ mới yên tâm mà mua hàng mình. Thành nhiều khi không muốn nói dối mà phải nói dối. Nhưng chơi cái màng “tùy duyên” như thế vô đây thì quả tình là tội cho Phật. Cái tùy duyên đó được phát biểu rất vô tư, chứ không có tâm bóp méo sự việc. Nhưng tùy duyên như thế là tội cho Phật. Cái gì chưa làm được, gắng bỏ từ từ. Cái gì chưa bỏ được thì biết là mình còn bị quả báo xấu về cái đó. Biết như vậy để khi cái quả hiện ra, mình không lấy làm lạ. Không thì lại trách Phật sao con ăn ở hiền lương mà bị vậy nè trời. Hiền lương có cái quả của hiền lương. Còn bị cái quả không thuận chiều, nếu không phải là hàng Bồ tát ra đời bằng hạnh nguyện, thì trong quá khứ mình đã tạo cái nhân bất thiện rồi. Ngày nay mới bị cái quả như vậy. Biết vậy là được.

- Không tà dâm: Một vợ một chồng, từ hành động đến tư tưởng. Tư tưởng không giữ, thì tiến đến hành động không khó. Một niệm tà dâm khởi lên nên quán sát và bỏ lập tức. Nếu ngay niệm đầu đó, mình ỷ y tới luôn, thì cái quả là phạm vào giới tà dâm. Cái nhân là giới tà dâm thì cái quả, nặng là làm súc sinh hoặc bị thiêu đốt, nhẹ thì bị đau khổ về tình cảm v.v… Rất nhiều dạng quả báo xảy ra tùy theo phước nghiệp gia giảm của từng người trong quá khứ hoặc hiện kiếp.

- Không trộm cắp: Dạy con cẩn thận cả với những thứ nhỏ nhặt mới hy vọng nó không trộm cắp những thứ lớn hơn. Không có lòng tham lấy của người thì mới không trộm cắp của công, đại họa tham nhủng mới không có.

Giúp con cái hiểu được luật Nhân quả ở thế gian, chúng sẽ chẳng ham hố gì với những thứ gọi là “trộm cắp của người”.

- Không rượu chè, ma túy, cờ bạc: Thuốc lá cũng không ngoài danh sách này. Bởi nó độc hại không chỉ với mình mà cho cả người chung quanh.

Muốn con cái ngăn ngừa được các thứ đó thì không nên coi thường bất cứ thứ gì. Nếu chúng tham gia một lần, hai lần mà mình thấy không quan trọng thì chúng trở thành con nghiện là đương nhiên. Đã nghiện thì nghiện bất cứ thứ gì, không sớm thì chày, cũng đưa đến … tử vong. Như trò vi tính hiện nay. Đã có người chết. Chưa quá 30 cái xuân xanh đã mãn phần.

Muốn ngăn con cái khỏi những thứ đó thì việc học tập phải được chú trọng. Thời khóa biểu sinh hoạt phải hợp lý. Cần có sự chăm sóc, quan tâm đến tâm sinh lý của chúng. Tập cho chúng ý thức hiểu biết về bổn phận và trách nhiệm của mình. Thứ gì cũng do thói quen mà ra. Người xưa nói: “Tập lâu thành tánh” là đó.

Thường, người lớn là tấm gương của con cái. Đó là nói trên mặt giáo dục.

Trên mặt phước đức, cha mẹ không giữ cái đức trong vấn đề làm ăn thì con cái dễ gặp những duyên không tốt, khiến sự việc trở nên tồi tệ. Đương nhiên việc này không phải là tất cả, bởi con cái còn bị chi phối bởi định nghiệp hay bất định nghiệp của chúng chi phối từ quá khứ. Vì thế cố gắng tỉnh táo trong vấn đề làm ăn. Không nên bán cái đức mà mua cái phước. Nạn tới, Phật đỡ không nỗi.

Ngày nay, do không tỉnh trí, do lòng tham ngự trị, mình dễ rơi vào trường hợp bán đức mua phước. Trộm cắp của công, cất ba phần, lấy một phần cúng chùa cho yên tâm. Cúng chùa thì có phước báu của cúng chùa. Nhưng trộm của công thì có cái nạn của việc trộm của công. Gây cho người đau khổ thì có cái quả của việc gây nhân đó. Cần cẩn thận với những việc như vậy. Việc này Hòa thượng Thường Chiếu đã nói rõ trong cuốn “Núi Thái Bên Nguồn”.

Ngoài ra, cúng chùa mà vật phẩm thanh tịnh, lòng thanh tịnh và người được cúng dường thanh tịnh, công đức cũng lớn hơn là một trong ba thứ không được thanh tịnh.

Đó là căn cứ trên cái nhân cái quả hiện tại mà bàn. Nhưng sự gì cũng có mối liên hệ từ quá khứ. Bởi nhân quả không phải chỉ xảy ra một đời mà vô số đời. Vì thế trên mặt hiện tại có khi mình thấy người lương thiện mà gặp gia cảnh không mấy hoàn thiện, hoặc ngược lại v.v... Tuy vậy, nhân quả không hề sai chạy. Bởi đó là qui luật chi phối đời sống của con người. Phật chỉ là người có trí tuệ thấy suốt được cội gốc của những thứ đó, rồi nói lại cho chúng sinh hiểu và sống mà thôi.

b. Khuyến khích con làm điều thiện: Giữ được 5 giới của hàng Phật tử tại gia chính là đã làm điều thiện. Xa hơn nữa, là khuyến khích con có tâm san sẻ, giúp đỡ mọi người, tha thứ, bao dung … Những việc đó khiến con trẻ được vui vẻ trong hiện tại, sau là gieo cái nhân phước đức cho tương lai.

Việc gì được huấn luyện từ nhỏ sẽ mang lại kết quả tốt hơn là đợi chúng lớn mới dạy. Người xưa nói: “Dạy con từ thuở lên ba …”. Không dạy chúng từ nhỏ, thì những thói quen xấu đã huân tập lúc đó dễ là động lực khiến chúng khó làm các việc thiện trong hiện tại. Thứ gì thành thói quen, giờ muốn sửa cũng khó hơn là dạy chúng từ nhỏ. Nhưng không có nghĩa là không sửa được. Đều sửa được, nếu cha mẹ hiểu đạo và quyết tâm.

Hiểu đạo, sẽ hiểu nguyên tắc vận hành tâm sinh lý của con cái : Không có tật xấu nào hết liền một lúc. Hết liền được là vì tật đó mới xuất hiện, chưa thành thói quen. Thứ gì đã thành thói quen, thì việc thay đổi chỉ có thể giảm từ từ. La rầy, nhắc nhở, ngăn chận là việc phải làm, nhưng kết quả thì phải hiểu là từ từ mới hết được. Có vậy mới không nản. Không bỏ lỡ công việc giáo dục.

Với việc thiện cũng vậy, không phải làm một lần hai lần là chúng đã nhớ, cần phải nhắc nhở khuyến khích để nó trở thành thói quen của trẻ.

Quyết tâm, là mình phải có sức nhẫn với những việc như thế. Nó đòi hỏi thời gian, tình thương và công sức của mình rất nhiều.

c. Dạy con nghề nghiệp: Tùy theo sở trường năng khiếu của con mà cho chúng học tập để tạo sự nghiệp cho chúng. Nam cũng như nữ. Người xưa nói: “Nhàn cư vi bất thiện”. Một nghề nghiệp để nuôi sống bản thân và giúp đỡ mọi người chung quanh là cần thiết.

Thứ gì thuộc sở trường năng khiếu của chúng thì thứ đó đã được huân tập từ những kiếp trước. Nếu con mình chỉ có nghiệp tu hành, tức tu hành đã thành thói quen từ những kiếp trước, thì kiếp này nó chẳng làm gì nên hồn bằng việc tu hành. Khi nó đã muốn đi tu, tức nó đã có sự huân tập sâu xa thứ đó trong tạng thức. Nên khuyến khích tốt hơn là cấm cản.

Con mình đi tu được, là phước báu rất lớn của mình và con. Nhưng cũng là đặt lên vai nó trách nhiệm rất lớn. Bởi ngoài đời mà tham dục ích kỷ v.v… thì quả báo xấu chỉ lãnh một phần. Còn mặc áo tu, ăn quả tín thí … quả báo xấu tăng gấp bội. Thành đã khuyến khích con trẻ tu được thì cũng nên khuyến khích con trẻ thực hiện đạo đức Tăng môn cho tốt. Cần tránh những gì khiến cái tôi của chúng phát triển. Cần phát huy tinh thần vì cái chung, không phải chỉ đối với môi trường Tăng môn mà với tất cả mọi người.

Năng khiếu tốt phát triển thì với những năng khiếu xấu, cần phải tạo môi trường mới để chúng lụi tàn. Thứ gì không tập quen nữa, (tức không huân tập nó vào tạng thức nữa) dần dần nó sẽ hết. Không kiếp này thì kiếp sau. Thành dạy con, đừng nghĩ dạy trong một đời. Nghĩ vậy mình sẽ buông tay nếu thấy khó khăn. Hãy nghĩ đời này chưa xong, thì cũng là cái nhân để đời sau tốt đẹp hơn.

d. Cưới vợ gã chồng xứng đáng cho con: Xứng đáng đây muốn nói đến sự tương hợp không phải ở mặt vật chất tiền bạc như việc “môn đăng hộ đối” ngày xưa. Việc gì dẫn đến sự không bình đẳng, gây đau khổ cho người khác, Phật không khuyến khích mình làm.

Sự tương hợp về tính tình, quan niệm, nghề nghiệp v.v… thường là điều kiện để vợ chồng sống hạnh phúc. Chỉ cần quan niệm sống khác nhau: Ông, cái gì cũng muốn san sẻ chia bớt. Bà, cái gì cũng muốn thủ chặt cất kỹ. Chừng đó thôi, đủ là đại nạn cho một gia đình. Đừng nói còn thêm những bất đồng về sinh lý, nhà cửa hay giáo dục con cái v.v… Vì thế sự tương hợp về quan niệm, ý thích là cần thiết cho hạnh phúc một gia đình.

Trên thực tế thì sao? Có thực là mình có thể quyết định được hoàn toàn mọi việc như Đức Phật đã dạy, hay còn bị cái gì khác chi phối? Trên thực tế, có những thứ mình có thể thực hiện được theo ý mình, nhưng có những thứ lại không thể. Đó là do quyết định hiện tại của mình còn bị chi phối bởi nghiệp báo của thời quá khứ. Những gì thuộc về định nghiệp, dù là ông trời, cũng không quyết định được, đừng nói là một gia chủ bình thường. Nếu nhân duyên con mình với một người không tương xứng đã thành định nghiệp, thì mình có muốn tìm người tương xứng, cũng không thành.

Mọi quyết định trong hiện tại được tốt đẹp theo ý mình, là do quá khứ mình từng gầy tạo những nhân tốt. Đời này mọi thứ thành như ý. Nếu nghiệp nhân thời quá khứ không tốt, thì những quyết định tốt đẹp trong hiện đời khó mà thực hiện, hoặc muốn thực hiện được phải mất nhiều công sức.

Trong cái duyên của gia chủ Thi Ca La Việt, Do Phật thấy ông đủ nhân duyên để quyết định những việc như thế, nên Phật nói như thế với ông. Ngài Anan thấy những điều đó lợi ích cho những người có đồng cái duyên với gia chủ Thi Ca La Việt, nên kiết tập thành kinh điển để người đời tham cứu học hỏi. Mình đọc kinh đọc luận cần nắm vững điều đó. Nếu nhân duyên hiện đời của mình, có những điều tương hợp với gia chủ Thi Ca La Việt, thì mình cứ theo đó ứng dụng. Thứ nào chưa đủ duyên thì thôi. Không nên chấp nhất vào một hình thức nào đó, rồi lấy hình thức đó làm tiêu chuẩn để mọi người cùng theo.

Pháp thế gian là pháp nhân duyên. Tức pháp chỉ có giá trị trong vài trường hợp nào đó mà thôi, không nhất thiết đúng trong tất cả mọi trường hợp. Tùy duyên là như vậy.

Như con mình, nó không có nhân duyên lấy vợ gã chồng, chỉ thích đi tu thì sao? Mình phải lạy mà cho nó đi. Đó là phước báu rất lớn cho cả mình lẫn con. Không phải cứ y theo đây mà nói “Phải dựng vợ gã chồng cho con mới là làm đúng lời Phật”. Không phải vậy. Có người Phật khuyên làm một gia chủ tốt như thế, nhưng có người Phật khuyến khích xả bỏ mọi thứ để tu hành v.v… Đó là tùy căn nghiệp hiện đời của từng người mà Phật dạy các pháp khác nhau. Nhưng mục đích cuối cùng của ngài vẫn là để mọi người được an lạc hạnh phúc.

Do phước nghiệp của người xưa tốt, nên gặp được Phật, được Phật khuyên nhủ đúng với trình độ của mình mà tu tập. Ngày nay, mình không đủ nhân duyên để gặp Phật, nhưng nếu mình đủ phước đức, mình cũng gặp được những thiện tri thức chỉ dạy mình các điều phù hợp với căn cơ của mình, để mình có thể y đó, tìm hạnh phúc cho chính mình.

5 việc mà một gia đình phải hộ trì đối với con cái nói đây, cũng chính là 5 việc mà những bậc cha mẹ phải đối lại với con cái ở mục “Hộ trì cha mẹ” nói trên. Thuận nhân thuận duyên thì gia đình mới hoàn toàn hạnh phúc. Nhưng thường thì ít ai được toàn vẹn như vậy. Vì thế Phật mới xuất hiện ở đời dạy cho mình biết cần gầy tạo những nhân gì để mình có hạnh phúc trong tương lai.

IV. ĐỐI VỚI BẠN

1. Bố thí: San sẻ những gì mình có về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng nhớ là bố thí trong giới luật. Không phải mua rượu mời bạn sáng xỉn chiều say v.v… rồi nói Phật dạy phải bố thí. Phật dạy bố thí, nhưng là bố thì để mình và người có những cái quả tốt đẹp, không phải để có những cái quả xấu, lại phạm giới.

2. Không lường gạt: Chơi bạn mà lường gạt bạn thì đúng là … thua! Quả báo sẽ gặp lại những người gạt mình như vậy.

3. Lợi hành đồng sự: Là nói về quan hệ đồng nghiệp, hoặc trong việc giao tiếp hàng ngày. Quan hệ của mình đối với bạn có tốt thì đó mới là cái nhân để có cái quả bạn tốt trong tương lai.

Bạn tốt là bạn thế nào?

1.Khuyên ngăn và giữ gìn tài sản cho mình nếu mình làm chuyện phung phí.

2.Trở thành chỗ nương tựa cho mình khi mình gặp nguy hiểm.

3.Không tránh xa khi mình gặp khó khăn.

4.Tôn trọng gia đình mình.

Trong hiện đời, thấy mình gặp toàn bạn “trời ơi” là biết quá khứ mình từng gây cái nhân không tốt. Muốn chỉnh sửa những việc này thì gắng thực hành theo những gì Phật dạy đây. Là đang gầy lại nhân tốt. Người nào “chơi không nổi” thì tránh, không nên trả đủa mà thành gây tạo nhân mới.

V. ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI: Chỉ cho người giúp việc hoặc những người làm dưới quyền mình. Phật dạy có mấy điều cần làm :

1. Giao việc đúng theo sức của họ: Làm đúng sức, đúng khả năng thì việc hoàn thành tốt đẹp. Mình không phải nhắc nhở la rầy nhiều. Tạo cái nhân không tốt về sau.

Làm quá sức thì mờ mắt làm bậy. Việc này thấy thường, nhưng cái “đúng sức” này rất khó. Vì thường mình thấy thiên hạ làm được việc là mình cho làm trối chết…

Khi người bệnh thì cái “đúng sức” hằng ngày phải gia giảm. Ai từng thiếu sức khỏe mà phải làm việc quá sức, mới thấu được cái khổ này của người.

2. Lo ăn uống và tiền lương: Người cũng có gia đình và những nhu cầu như mình. Tiền lương là thứ cần thiết để họ trang trải những khó khăn. Không đòi hỏi thứ gì quá mức, nhưng để đời sống họ được thong thả là tốt. Đối xử tốt với người làm công, chính là đang làm một việc thiện rất lớn lao và thiết thực. Hiện tại vẫn có nhiều người đối với người làm công y như người thân, dù họ không mấy tha thiết với chùa chiền.

Xưa, một người cúng dường bánh cho Phật, Phật đưa phần bánh ấy lại cho một con chó và nói công đức của hai việc cúng dường đó ngang nhau. Vì thế nói xây chùa có công đức lớn, bởi chùa chiền là chỗ để Tăng Ni tu tập trừ bỏ tham ái, phát huy trí tuệ để có điều kiện cứu giúp người. Do cả quá trình đó, mà nói có công đức lớn. Còn dù không xây chùa, mà có thể khiến người phát huy được trí tuệ, sống đúng với qui luật nhân thiện cho ra quả thiện ở thế gian, để cuộc đời họ bớt khổ, là mình đang xây chùa cho mình và cho người.

Người vui thì mình vui, người khổ mình sẽ khổ. Nếu mình bóp chẹt người, rồi đem tiền đi cúng chùa thì Phật cũng … khóc. Phước báu cúng chùa mình cũng có đó, nhưng cái quả làm người khổ, mình phải chịu. Tránh sao được.

3. Lo thuốc men khi người bệnh: Không phải lo ăn uống tiền lương, mà ngay cả khi họ đau ốm mình cũng nên lo. Không có thì không nói, nhưng có thì nên làm. Người bớt khổ chính là mình đang nuôi dưỡng cái đức của mình.

4. Thỉnh thoảng cho họ nghỉ phép: Làm quá thiên hạ cũng khùng. Người chứ đâu phải ngựa.

Bù lại, hàng dưới đối với chủ nhân cũng phải có mấy điều sau, mới mong chủ nhân thực hiện được những việc trên lâu dài. Không thì Phật cũng đầu hàng đừng nói là chủ:

1. Dậy trước chủ, ngủ sau chủ: Đó là nói chuyện bình thường, còn chủ đi chơi khuya quá, thì cũng phải cho gia nhân ngủ trước, để còn có sức mà làm việc.

2. Tự bằng lòng các vật đã cho: Biết đủ khi nào cũng hạnh phúc, là điều kiện để chủ yêu thích mình.

3. Làm khéo các công việc: Đây là cách khiến chủ yêu thích mình.

4. Đem danh tiếng tốt đến cho chủ: Chủ xấu mà đem rao với thiên hạ là dại. Chủ tốt mà đem rao xấu chủ là thiếu đức. Khôn còn chết, huống là dại. Đức không có thì không thể đòi hỏi gì ở chủ. Đừng trách sao chủ không tốt. Tốt sao nổi? Chỉ có hàng Bồ tát mới tốt được với những người như thế. Bồ tát, đương nhiên có cái quả của Bồ tát. Vô lượng vô biên không thể đếm xuể.

VI. ĐỐI VỚI SA MÔN, BÀ LA MÔN: Sa môn là chỉ cho Tăng Ni. Bà la môn, chỉ cho người giữ giới thanh tịnh.

1. Mở rộng cửa để đón chư vị: Ngày xưa, Sa môn của Phật phải đi khất thực ở từng nhà nên nói mở rộng cửa. Ý là, mình phải mở lòng hướng về Tam Bảo, mà Tăng Ni là thành phần đại diện. Đương nhiên, không được là những vị chứng đạo, thì cũng phải là những vị có giới luật, tốt nữa là có trí tuệ. Nhưng căn bản vẫn là giới luật. Giới luật không có thì không phải Tăng Ni của Phật. Vì sao?

Vì trước khi Phật nhập niết bàn, ngài A Nan hỏi: “Khi Như Lai còn tại thế, hàng Tỳ kheo nương nơi Như Lai. Nếu Như Lai nhập diệt rồi, chúng con phải làm sao?”. Phật trả lời: “Các Tỳ kheo phải lấy Ba la đề mộc xoa làm thầy”. Vì thế, không lấy giới làm thầy thì không phải là đệ tử của Như Lai.

2. Cúng dường chư vị các vật dụng cần thiết: Ngoài việc giúp đỡ chư vị có phương tiện tu hành, Phật pháp được truyền bá lâu dài và rộng rãi, cúng dường tăng chúng còn là cái nhân để mình được sung túc trong tương lai. Cũng là cách đơn giản nhất để gieo duyên với Tam Bảo. Có gieo duyên với Tam Bảo, Tam Bảo mới phù hộ che chở mình được.

Che chở bằng cách nào? Bằng cách ban bố Phật pháp để mình biết cái gì cần tránh, cái gì nên làm, để cuộc sống của mình hạnh phúc.

Hoặc như trong kinh Hoa Nghiêm, một trong mười lời nguyện của chư vị Bồ tát là “Nguyện thay thế chúng sanh chịu các khổ nạn”. Nghĩa là đủ duyên, chư vị có thể hóa thân thành cha, mẹ, anh, em, bà con, thầy trò v.v… để làm những việc mà do một nhân nào đó trong quá khứ trói buộc khiến mình phải làm. Chư vị thay thế khổ nạn bằng cách lãnh giúp cái nhân đó cho mình. Gánh giúp nhân thì quả đương nhiên nhận giúp. Đó là một trong những cách “Thay thế chúng sanh chịu các khổ nạn” của chư vị.

Theo kinh Thọ Giáo Thi Ca La Việt, khi mình cúng dường cho chư vị như thế, mình sẽ được chư vị làm cho mình các điều sau:
- Ngăn mình không làm điều ác: Là giúp mình tránh được cái quả đau khổ.
- Khuyến khích mình làm điều thiện: Giúp mình có được cái quả hạnh phúc.
- Thương xót mình với tâm từ bi: Thay thế những khổ nạn cho mình.
- Dạy mình những điều chưa nghe: Để tránh việc không nên làm, làm việc không nên tránh.
- Làm cho thanh tịnh điều đã được nghe: Giúp tăng trưởng điều thiện.
- Chỉ bày con đường đưa đến cõi trời: Chỉ dạy mình những việc giúp mình có được cảnh giới hạnh phúc về cả vật chất lẫn tinh thần.

Vì thế, cúng dường cung cấp cho Tăng Ni, nói gì thì nói, không đủ duyên cúng được cho chư vị đắc đạo, thì cũng phải là chư vị đầy đủ giới luật. Không thể đòi hỏi ở thế gian một con người hết tham, sân, si. Nhưng phải là người có giới luật, biết hổ thẹn sám hối với những lỗi đã làm v.v… Đại sư Hám Sơn nói “Tăng đồ bây giờ dù chẳng thể tham thiền xem kinh, nhưng nếu có thể năng trì giới, tụng kinh, làm phước, hộ pháp thì vẫn hơn bọn ma tầm thường vạn vạn lần”. Người xưa nói: “Tăng đồ nếu chẳng thể liễu ngộ tự tâm, mà lưu tâm ở giáo pháp thì cũng không bỏ phí thời giờ”. Đó là những vị mình có thể yên tâm cúng dường.

Chư vị nào nghiên cứu phim bộ hay nghiền ngẫm tiểu thuyết quên ăn quên ngủ, nhạc vàng nghe bỏng cả tai v.v… thì thôi. Bởi cúng cho Tăng Ni như thế thì ích lợi bao nhiêu? Huân tập mấy thứ như thế vào đầu, lấy đâu ra pháp mà ban bố cho chúng sinh? Cúng dường như thế không chừng còn tội là đằng khác, bởi đã tiếp tay để người xấu lợi dụng áo Như Lai, làm hoen ố pháp Như Lai.

Xưa ngài Anan nằm mộng, thấy hàng bạch y đi trên cầu, còn Tăng Ni lội lõm bõm dưới nước, ngài hỏi Phật: “Vì sao như thế?”. Phật trả lời: “Vì bạch y tu hành đàng hoàng, còn Tăng Ni ăn của tín thí mà không tu hành”. Mình đi trên cầu còn chư vị lội lõm bõm dưới sình như thế, làm sao chư vị che chở hay thay thế khổ nạn cho mình được?

Tóm lại, cúng dường cần quan sát cúng dường ít nhất là cho những vị có giới luật nghiêm túc. Đây là một việc khá khó. Bởi nếu sợ thì có khi mình không cúng luôn. Vậy thì càng bậy. Thành khi phát tâm cúng dường, nếu không chắc chắn, cứ nguyện một câu: “Xin nguyện đời đời kiếp kiếp cúng được cho những vị có giới luật nghiêm minh, trí tuệ và lòng từ hiển phát”. Nguyện rồi, cứ vậy yên tâm cúng dường. Đúng là hàng Thánh chúng thì chư vị sẽ là người đại diện Tam Bảo độ trì cho mình. Nếu không được như vậy thì hoặc là họ sẽ thành thánh tăng trong tương lai, hoặc là không đủ duyên hưởng được phẩm vật cúng dường của mình.

3. Luôn ứng xử với chư vị bằng tâm từ cả về thân, khẩu, ý: Với những bậc đức độ, chúng sanh rất dễ có tâm từ với các ngài. Một tâm từ được chi phối bởi sự kính trọng. Nhưng với chư vị phàm cũng không hoàn toàn phàm mà thánh cũng chưa phải thánh – thì tâm hoan hỉ của mình cũng có lúc này lúc kia, huống là những vị chỉ có áo và đầu là của Sa môn, còn tâm thì rặc chúng sanh? Rất khó có tâm từ với chư vị. Nhưng dù là với ai, Phật đều khuyên mình nên có tâm từ với chư vị ở cả ba phuơng diện thân, khẩu và ý. Từ, là ban vui. Ban vui thì không làm người buồn. Không khiến người đọa vào đường ác.

Tâm từ ở ý: Với chư vị, mình không nên để tâm khinh ghét xuất hiện. Đây là việc làm rất khó đối với người bình thường. Người có trí tuệ thì tình thương luôn xuất hiện với tất cả. Người càng tệ càng thương. Nhưng chúng sinh thì không. Song không được vậy, thì cũng nên để tâm “bất động”. Niệm khinh ghét khởi lên thì cố gắng bỏ, không để nó phát triển thành ngôn từ thô ác.

Tâm từ ở thân: Không nên tiếp tay để chư vị phát triển cái xấu. Cũng không đánh đập v.v…

Tâm từ ở khẩu: Không nên vì những tật xấu của người mà nói lời thô ác. Nếu được thì nên phân tích giải thích để chư vị trở lại con đường thiện.

Phật khuyên như thế không phải là bênh vực mấy vị đó mà để mình không để những ác nghiệp của người làm hư đi tâm từ của mình. Người lỗi là chuyện của người. Nhân nào có quả nấy. Nhưng mình nổi sân, đó lại là lỗi của mình. Đừng nói tại người thế đó v.v… nên mình mới như vậy. Tại hay bị là vì mình không làm chủ được tâm mình, mình để tham sân si làm chủ.

Một chút tâm từ luôn là điều tốt đẹp cho mình và người.

Thuyết giảng xong phần kinh trên, đức Phật làm kệ tổng kết:

                    Cha mẹ là phương Đông
                    Sư trưởng là phương Nam
                    Vợ chồng là phương Tây
                    Bạn bè là phương Bắc
                    Nô bộc là phương Dưới
                    Sa môn bà la môn
                    Đó chính là phương Trên
                    Cư sĩ và gia đình
                    Đảnh lễ phương hướng ấy
                    Kẻ trí giữ giới luật
                    Từ tốn và biện tài
                    Khiêm nhường và nhu thuận
                    Nhờ vậy đuợc danh xưng
                    Dậy sớm không biến nhác
                    Bất động giữa hiểm nguy
                    Người hiền không phạm giới
                    Nhờ vậy được danh xưng
                    Nhiếp chúng tạo nên bạn
                    Từ ái tâm bao dung
                    Dẫn đạo khuyến hóa đạo
                    Nhờ vậy được danh xưng
                    Bố thí và ái ngữ
                    Lợi hành bất cứ ai
                    Đồng sự trong mọi việc
                    Theo trường hợp xử sự
                    Chính những nhiếp sự này
                    Khiến thế giới xoay quanh
                    Như bánh xe quay lăn
                    Vòng theo trục xe chính
                    Nhiếp sự này vắng mặt
                    Không có mẹ hưởng thọ
                    Hay không cha hưởng thọ
                    Sự hiếu kính của con
                    Do vậy bậc có trí
                    Đối với nhiếp pháp này
                    Như quán sát chấp trì
                    Nhờ vậy thành vĩ đại
                    Được tán thán danh xưng
Nghe được vậy rồi, vị gia chủ bạch Phật: “Thật vi diệu thay bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì đã bị quăng xuống, phơi bày ra những gì đã che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh Pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Bạch Thế Tôn, nay con xin qui y Phật qui y Pháp, qui y Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử. Từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời qui ngưỡng”.

 

[ Quay lại ]