headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 20/04/2024 - Ngày 12 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

ĐÔI NÉT VỀ VỊ THIỀN SƯ NI GIỮA HAI THẾ KỶ

NisuTenzinS.C Viên Thể

Phần sau thế kỷ 20, Ni Sư Tenzin Palmo sinh ra, lớn lên, băn khoăn về cuộc đời rồi xuất gia tu tập, đấu tranh với ngoại cảnh, nội tâm, trải bao cảnh thiếu thốn đói lạnh và cả đối diện với cái chết. Rồi Ni Sư trưởng thành, mạnh mẽ bước đi, hết lòng phụng sự đạo và đời Phần đầu thế kỷ 21, Sư bắt đầu vào những tháng năm tuổi già, càng cương nghị rắn rỏi, càng tận tâm phụng sự hạnh phúc con người.

Buddhism and Ageing: In Praise Of Old Age là bài tham luận mới nhất của Ni Sư Tenzin Palmo, đọc tại Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới Sakyadhita lần thứ 13, tổ chức ở Vaisahali, Ấn Độ vào đầu năm 2013 vừa qua.

Ai không sợ, không ngán sanh già bệnh chết? Nhưng với người biết tu, chúng không đáng sợ. Ngược lại, tuổi già còn đáng quý, đáng trân trọng và có nhiều ưu thế để tu tập nữa. Hàng hậu học chúng ta, nhất là những ai đã lớn tuổi mới gặp Phật pháp, thường cho già bệnh chướng ngại việc hành trì công phu. Thì đây, những kinh nghiệm chia sẻ rất thân tình của Sư thật đúng lúc cho chúng ta!

Phải chăng 12 năm tu tập trong động đã chuyển hóa Sư từ một người luôn băn khoăn trước cái vô thường của cuộc sống, luôn tự hỏi làm sao rút kinh nghiệm trong kiếp sống ngắn ngủi nhiều đau khổ này, thành một người an nhiên tự tại trong công việc phụng sự hạnh phúc của chúng sanh?

Sư đã đến Việt Nam dự Hội nghị Sakyadhita lần thứ 11 tại chùa Phổ Quang, thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2011. Tại hội nghị này, cũng như hội nghị kế tiếp Sakyadhita lần thứ 12 tại Thái Lan, những buổi giảng pháp của Sư thường đông nghẹt người tham dự. Như Vickie Mackinzie, tác giả quyển “Trong động Tuyết Sơn” đã nhận xét phong cách sống của Sư sau khi xuất động: “Sư khôn khéo sáng suốt, tùy trường hợp tiếp đối người, không kể hiền nhân hay người tội lỗi. Bất cứ ai cần giúp đỡ, Sư đều sẵn lòng…Ai cũng nói khi tiếp xúc Sư, họ đều cảm thấy thoải mái, êm dịu, chan chứa sự thuần khiết, thanh cao tỏa ra từ Sư”. Quả vậy, nơi Sư, ta cảm nhận một sự bình an thật sâu lắng, tiềm tàng một nghị lực, một sức mạnh tinh thần vô biên.

Trước khi từ giã quê hương Anh quốc lên đường tiến đến Ấn Độ tầm sư học đạo, Sư đã chú ý đến tông phái cổ của Phật giáo Tây Tạng Drukpa Kargyu, gồm những ẩn sĩ tu hang động. Sư đã được xuất gia với vị đạo sư của tông phái này theo đúng ý nguyện. Nhưng cũng chính tại tu viện của sư phụ, Sư phải đối đầu sự kì thị nam nữ rất nặng nề. Sau khi vào động tu với một thời khóa rất nghiêm ngặt, chịu đựng mọi gian khổ thiếu thốn Sư lại bị ra thất trước thời hạn. Khi thấy ý định nhập thất trở lại không thành, Sư biết đã đến lúc phải trở về Tây phương để làm những gì phải làm. Sư đi hoằng dương Phật Pháp và rất thành công. Tại một hội nghị ở Dharamsara năm 1993, Sư đã nói lên việc kì thị nam nữ trong Phật giáo Tây Tạng và các nơi khác, khiến đức Đạt Lai Lạt Ma và cử tọa đều xúc động.

Sau đó, ni viện Dolma Ling đã được xây dựng tại Dharamsara, và chư ni đã được cho thọ đại giới. Đức Đạt Lai Lạt Ma còn gởi phái đoàn đi Đài Loan học hỏi để về áp dụng cho ni giới Tây Tạng.

Suốt bao nhiêu năm dài, Sư đã miệt mài đi thuyết giảng khắp thế giới, quyên góp tiền bạc để xây dựng ni viện Dongyu Gatsal Ling ở Ấn Độ cho các cô ni Tây Tạng dòng Drukpa Kargyu để báo ơn Sư Phụ - Sư còn dự định xây dựng một trung tâm thiền quốc tế cho chư ni và phụ nữ khắp thế giới đến tu học. Ngoài ra, Sư còn muốn xây một chánh điện, nhiều thất nhỏ cá nhân và một nhà khách cho những ai muốn ở lại tu vài ngày theo chư ni.

Năm 2008, Sư đã được vị tổ thứ 12 dòng thiền Drukpa là ngài Gyalwang Drukpa tấn phong “Jetsunma” (Ni trưởng) để tán thán công hạnh của Sư.

Sư cho biết sẽ nhập thất trở lại tại một xứ sở không phải Anh quốc. Sư nói: “Tôi luôn nghĩ tổ ấm của tôi là Đông phương và tôi sẽ chết ở đó”.
 

[ Quay lại ]