headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 14/12/2024 - Ngày 14 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Khai Sơn

hoiquanamLâm Thanh Huyền - SC Hạnh Đoan dịch

Tại Nghi Lan, sau khi Lôi Âm tự đã đi vào nề nếp, đồ chúng theo học với Tinh Vân rất đông. Đại sư bắt đầu nghiền ngẫm hướng tiến cho các môn đệ. Sư nghĩ đến hai vấn đề cần làm trước nhất:

Một, Sư thấy rằng tu sĩ cần có trình độ học thức uyên bác, phải trải qua kinh nghiệm thực tu thực chứng. Do đó bắt buộc phải có một bộ giáo dục chuẩn mực tương xứng để đào tạo họ. Xét theo điều kiện của chùa Lôi Âm thời bấy giờ thì khó mà thiết lập được một Phật học viện tối ưu; vì thế, đành phải mở Phật học viện ở nơi khác.

Hai, các thanh niên theo Sư xuất gia học đạo tuy là việc tốt, song người xuất gia cũng cần có việc làm hợp với khả năng và sở trường chuyên môn; không thể sống phó thác hoàn toàn vào của cúng dường. Thế nên, bắt buộc phải lập ra các cơ sở cung ứng các ngành nghề thích hợp để giúp các tu sĩ vừa có thể tự túc kinh tế, vừa phát huy được tài năng.

Thật hay, đúng lúc đó có một số môn sinh tốt nghiệp Phật học khóa đầu đến miền nam hành sự. Khi Tinh Vân tới thăm dò tình hình của họ, Sư đâm ra cảm mộ phong thổ và nghĩa tình của người Nam Đài Loan, nên quyết định mở Đạo tràng mới ở đây, dự tính sẽ xây Trường Mầm Non và Phật học viện tại chùa Thọ Sơn Cao Hùng

Sức lôi cuốn của Tinh Vân rất mạnh, chẳng mấy chốc các thanh niên đều hội tụ đông đảo ở chùa Thọ Sơn. Đại sư nói:

- Muốn đào tạo, phát triển nhân tài thì phải xây dựng một đại Đạo tràng kiểu mẫu mang tính chất trường cửu, đây là việc cầøn thiết, cấp bách nhất.

Và chân dung lý tưởng của Phật Quang Sơn nơi làng Đại Thọ đã được phác họa, chập chờn ẩn hiện trong tâm tưởng Sư.

Động lòng từ bi, mua đất Phật Quang Sơn

Thế nhưng, việc đi Phật Quang Sơn rất là tình cờ.

Trước đó Tinh Vân thấy một mảnh đất nằm cạnh hồ Trừng Thanh, (nay là nhà hàng khách sạn Viên Sơn Cao Hùng). Lúc đó đang là mảnh đất tam giáp(*), phong cảnh tuyệt mỹ; khí sắc thanh vắng u nhã, rất hợp để xây tự viện, duy có một khuyết điểm là đất tam giáp hơi nhỏ.

Sư phụ kể:

- Tôi suy tính đắn đo mãi, mặc dầu miếng đất ấy không đủ rộng, song dùng trong thời điểm hiện tại thì vẫn đủ, bèn quyết định mua nó.

Hôm ký giao kèo, Tinh Vân đang ở trên lầu; đột nhiên nghe các đệ tử dưới lầu bàn tán, một người nói:

- Sướng quá! Chùa mình xây gần hồ Trừng Thanh, tương lai Tưởng tổng thống đến hồ Trừng Thanh, nhất định thuận đường sẽ ghé thăm chùa chúng ta.

Sư phụ giật mình đánh “thịch” một cái, nghĩ thầm: -“Mình nhọc nhằn vất vả xây chùa, là cốt để tu; nhất định ta phải xây chùa ở tít nơi thâm sơn xa hút để chỉ những ai muốn đi tham bái mới lặn lội tìm đến, bởi vì chúng ta cất chùa là cho cơ nghiệp cả trăm ngàn năm; còn các nhân vật chánh trị thì chỉ có tính cách nhất thời !”

Khi đó sư phụ từ trên lầu đi xuống, bảo người chủ đất đang đợi rằng:

- Hôm nay thôi không ký giao kèo nữa, miếng đất đó tôi không mua!

Chủ đất và đệ tử sư thảy đều ngẩn ngơ.

Số tiền Tinh Vân định mua miếng tam giáp gần hồ Trừng Thanh, sau được chuyển qua mua miếng đất ba mươi giáp ở thôn Đại Thọ, xây thành Phật Quang Sơn ngày nay.

Từ một câu nói của đồ đệ, Tinh Vân ngay đó quyết định dứt khoát, thì có thể hiểu được tính cách của Đại sư. Một số người thấy sư phụ giao du mật thiết với các quan lớn, các thương nhân giàu có, hiểu lầm và cho rằng sư phụ là nhà kinh doanh, nhà chính trị, xã hội.. Đây là cái nhìn phiến diện, hẹp hòi. Tấm lòng Đại sư siêu việt sâu xa, dù đang tuổi còn trẻ người vẫn có khí phách phi phàm, nên mới bỏ gần cầu xa, sáng lập ra Phật Quang Sơn tuyệt hảo như ngày nay.

“Mua đất ở hồ Trừng Thanh không thành, có cặp vợ chồng Hoa kiều ở Việt Nam được tín đồ giới thiệu đến gặp tôi; cho biết là họ đang thiếu một khoản nợ lớn, cần bán gấp vùng núi đồi mấy mươi giáp ở thôn Đại Thọ. Nếu như không bán được đất để trả nợ, cặp vợ chồng này chỉ còn nước tự tử. Tôi nghĩ sinh mệnh là quí, động lòng xót thương bèn mua ngay miếng đất ấy.”

Trừ sư phụ ra, chẳng ai thèm tới!

Hôm đi coi đất, Tinh Vân thuê một chiếc xe đò chở đệ tử và tín đồ đến thôn Đại Thọ để cùng xem. Vùng này lúc đó chưa nổi danh, chẳng có gì đặc sắc; người đương thời gọi nó là “ Vườn tre gai”. Chắc hẳn là do ở đây trồng nhiều tre.

“Vườn tre gai” trong tưởng tượng tương đối còn thơ mộng và có chút cảm tình, nhưng đến hiện trường rồi, ai nấy đều “tá hỏa”. Chẳng những đường đi không ra hồn, mà còn dẫy đầy chướng ngại. Đất thì lồi lõm, gồ ghề, dằn xóc; lại thêm bụi khói mịt mù. Đến gần chân núi, chỉ thấy mây, tre gai, cỏ dại mọc tràn lan, cao lêu nghêu dài ngoằng đan chằng chịt phía ngoài. Còn bên trong và trên núi mọc đủ thứ cây hỗn tạp rậm rì.

Xem ra đây giống như khu sơn lâm chưa được khai phá đáng sợ ở nam Đài Loan. Không những thế, bên trong còn có các loài đầy nọc độc như rắn rết, muỗi sốt rét, bò cạp rừng, ong, nhện, kiến bù nhọt, đỉa vắt.., cư ngụ. Các đồ đệ và nhóm Phật tử đi theo Tinh Vân tất nhiên là ngán ngược, không muốn xuống xe. Có lẽ lúc đó Tinh Vân chỉ là một chàng trai trẻ, chưa có uy như hiện thời; tuổi người và đồ chúng xấp xỉ như anh em, thậm chí có vài người còn tuyên bố : - “Sư phụ ! Nếu mà cất chùa ở nơi hoang vu hẻo lánh khỉ ho cò gáy như thế này, thì … trừ sư phụ ra, chẳng ai thèm tới đâu !”
Tinh Vân thấy không ai chịu đi theo, liền cầm cây gậy trúc một mình tiến vào khu rừng hoang.

“Tôi đi vào trong núi, dường như một thế giới sống động đang mở ra trước mắt tôi, khu mật lâm này quả thật thích hợp. Tôi dự tính chùa sẽ xây như thế nào, ngắm dòng nước uốn lượn qua rừng trúc ra làm sao, lối vào như đã hiện trên núi cao trước điện Phật uy nghi.. Hình ảnh Phật Quang Sơn giờ đang được phác họa, hiển hiện rõ ràng từng nét một.. Tôi mê mãi tiến sâu vào rồi leo lên một vùng đất cao, phóng mắt nhìn xuống… Sực nhớ Phật giáo Đại Lục có bốn tòa danh sơn nổi tiếng: Nga Mi, Ngũ Đài, Phổ Đà, Cửu Hoa.. Những chỗ ấy há chẳng từng là chốn thâm sơn bặt dấu chân người lui tới ư? Thế thì ở đây, chỉ cần có lòng thì cũng có thể sáng lập ra một đại danh sơn cho Phật giáo, để chánh pháp được truyền bá rộng rãi khắp nhân gian…”

Tinh Vân phát khởi hùng tâm như thế rồi, lòng tràn ngập hân hoan, Sư bước chầm chậm trong núi, miệng tủm tỉm cười, không hề nhớ là nãy giờ mình đã tham quan hơn cả tiếng đồng hồ. Lúc những người ngồi trên xe nhìn thấy bóng dáng cao lớn của Sư từ rừng trúc ló ra: y phục thì lấm lem bụi đất và ghim đầy bông cỏ gai; toàn thân từ đầu đến chân ướt đẫm mồ hôi, nhưng mặt lại rạng rỡ tươi cười, ai nấy đều ngạc nhiên, thắc mắc thầm: “Không biết có cái gì mà sư phụ vui dữ vậy?? - Chắc hẳn là người đã thấy cái gì đó mà chúng ta chưa thấy rồi! ”
Hỏi sư phụ, người cũng chẳng nói, chỉ cười bảo:

- Xin lỗi nhé! Để mọi người chờ lâu quá!

Đồ chúng nào biết, nếu nhìn theo quan điểm “Nhân quả đồng thời” của Phật giáo thì lúc đó Phật Quang Sơn đã được xây xong trong lòng của Tinh Vân rồi.

Việc tiếp theo là cứ đem hình mẫu có sẵn đó đặt vào khu rừng mà thôi.

Bẻ cành trúc vẽ sơ bản thiết kế

Nhưng việc này không phải là chuyện dễ dàng.

Phật Quang Sơn trong thời kỳ đầu, tiền của và nhân lực rất thiếu thốn. Muốn làm việc gì sư phụ đều phải tự mình thầu lấy, mấy vị đệ tử cũng tận tụy hết lòng.

Suốt thời kỳ khởi sự khai sơn, ai nấy bù đầu với công tác, ngày nào trên mình cũng bị lãnh vài vết thương là chuyện thường.

Tâm Bình, đệ tử lớn của Tinh Vân, được phái tới trông coi sơn lâm; thầy ngụ tại gian thảo am trên núi. Đêm đến không nước không điện, rắn trùn bò quanh; tới khe suối gánh nước về thì cũng mất hết nửa tiếng. Ban ngày phải làm việc suốt, ban đêm thì đi tuần quanh núi khảo sát địa hình và tính toán xem nên khai phá, san phẳng sơn lâm như thế nào.

Hồi đó trên núi chưa có đường đi, máy cạp đất lên không được. Phải huy động tất cả tăng sinh trong Phật học viện phụ sức đưa máy lên núi trước, con đường dần dần xuất hiện. Lúc máy hành sự, Tâm Bình ở cạnh bên coi chừng. Vì tiền chi phí máy một giờ tới ba trăm đồng, nên không thể lãng phí, dù một xu.

Thời kỳ khai sơn thật gian nan, có thể nói là nhóm đệ tử đầu của Tinh Vân đã cho ra một bản kinh mà mỗi trang đều làm cảm động lòng người, những trang vàng này đã kết lại thành một bộ kinh rạng ngời chói lọi, khắc sâu vào tâm khảm Tinh Vân. Đối với công lao gian khổ của các đệ tử, Sư nhớ mãi không quên và trân trọng như gia bảo. Đó là vì sao Đại sư thường nói: “Phật Quang Sơn là ngôi nhà chung của tất cả, vì mọi người đã cùng góp công góp sức xây dựng nên”.

“Thời kỳ bắt đầu xây dựng chùa Thọ Sơn, nhờ có vị thợ hồ tên Tiêu Đỉnh Thuận, tuy ông không học qua trường lớp, song tính tình kỹ lưỡng, làm việc khéo léo, chu đáo vô cùng. Ôâng có công rất lớn trong việc kiến lập Phật Quang Sơn. Hồi đó chúng tôi không mời Kiến trúc sư, Thiết kế sư gì, tôi với ông ta đi lên núi, bẻ cành trúc vẽ sơ bản thiết kế, rồi cho san bằng vùng cao, lấp phẳng chỗ trũng; cứ thuận theo thế núi, tính toán sao để cuộc đất có thể xây dựng được tốt thì thôi. Tôi nghĩ từ bi là đức tính tối quan trọng của Phật giáo, nên khởi sự xây điện Đại Bi. Từ đó, mỗi một ngôi kiến trúc trong Phật Quang Sơn, đều do tôi và Tiêu Đỉnh Thuận chung vai sát cánh hợp sức tạo nên.

Điện Như Lai đã được xây xong trước đó không lâu. Tiêu Đỉnh Thuận xem ra không đơn thuần là thợ hồ, mà là một kiến trúc sư tài ba kiệt xuất. Vì những kiến trúc sư thực thụ xem ra chẳng hơn được ông, làm cũng chẳng đẹp bằng ông.”

Tinh Vân đã dành riêng một chương trọng yếu để tuyên dương công trạng Tiêu Đỉnh Thuận trong công cuộc kiến lập Phật Quang Sơn. Điều này thể hiện rõ hai tính cách nòng cốt nơi sư phụ: Một, sư phụ rất biết nhìn người, khéo dùng người và luôn xem trọng họ. Chỉ cần là người có tài, thì sư phụ sẽ cất nhắc, tìm cách để khẳng định tài năng và sẵn sàng giao phó nhiệm vụ trọng yếu cho. Hai là, sư phụ luôn xử sự công tâm, bình đẳng. Trong cái nhìn thông tuệ của Ngài, thì giá trị của một người thợ hồ tài ba chẳng thua kém gì một kiến trúc sư.

Mồ hôi pha máu xây nên điện đường

“Hồi ấy, lúc khởi sự xây dựng Phật Quang Sơn, mùa hạ ở Nam bộ mưa lớn xối xả, tuôn như trút nước, chúng tôi thường xuyên phải chiến đấu với mưa bão. Khi nước lũ tràn về, Y Hằng lo hướng dẫn chúng vác bao cát đi ngăn nước, thậm chí tận dụng cả chăn mền, miễn là làm giảm được thế nước hung hãn đang cuồn cuộn chảy. Thường khi “chiến trận” kết thúc rồi, nếu may mắn thì cũng ngăn được cơn hồng thủy; lúc này, giường chõng được dựng dậy để gõ nhịp thanh la. Mỗi khi thấy Y Hằng đi từ xa xa, toàn thân từ đầu đến chân ướt mẹp, mặt hoan hỉ tươi cười, tôi cảm động mãi không thôi.

Địa chất đặc biệt ở Phật Quang Sơn là: mùa khô thì rắn như đá, mà hễ gặp mưa thì nhão ra thành bùn, trôi theo nước. Do đó mà mỗi lần có mưa bão, chúng tôi đều phải tới phía đông núi để tu sửa lại bờ đê. Bờ đê nơi ao Quan Âm phóng sinh cũng đang kêu cứu. Khi trời nổi giông bão vào đêm, cả đại địa tối thui; chỉ có sấm sét nổ vang trời, phảng phất giống như ngày tận thế. Công việc thành công thì tổn thất tương đối nhẹ, cũng có lúc gắng sức đến cùng kiệt mà đê vẫn bị nước cuốn sạt lở hết, thì lúc đó chỉ còn nước đứng trơ mắt nhìn bao công lao của mình bị trận hồng thủy phá tan. Đành chờ trời tạnh, khởi sự lại từ đầu.

Nhớ hồi lợp mái ở công trình Long Đình. Khi ấy trời đã tối, thợ thuyền đều về hết cả, nhưng công trình xây dựng không thể ngưng. Vì nếu không hoàn tất kịp thời trước khi mưa xuống, mái sẽ hư, dột. Toàn chúng trên núi bắt buộc phải gấp rút hoàn thành công tác, hai máy phát điện lập tức được khởi động để tiếp tục thi công. Y Nghiêm bò lên đỉnh nóc cao chót vót để tô hồ, nhưng mái quá dốc và trơn, nên hồ trét vào khó dính, cứ rớt xuống liên tục, đành phải dùng hai tay mà tô. Kết quả là khi tô xong toàn bộ đỉnh nóc thì hai tay Y Nghiêm đều lở lói chảy máu vì bị xi măng ăn, song Y Nghiêm chẳng hề than vãn chi. Lúc đó tôi bảo đại chúng: “Mái Long Đình nhờ pha trộn với máu Y Nghiêm xây thành nên kiên cố lắm đấy!”

Vì tiết kiệm tiền nên hồi đó chúng tôi bao thầu hết công trình, việc gì cũng tự đứng ra làm, chẳng hạn như “khu thắng cảnh Phật Thành Đạo” trước “Linh Sơn Bảo Điện”, đập nước quanh “công viên Lịch Sử Phật Giáo” v.v.. tất cả đều do đồ chúng trên núi hợp sức xây thành. Có thể nói là: “Một tấc kiến thiết một tấc máu, mỗi bước đường in dấu gian lao.”

Đại sư nghĩ đến việc kiến thiết Phật Quang Sơn bốn mươi năm nay chưa từng ngừng nghỉ, lòng xúc cảm bồi hồi. Ngài cho rằng nếu như không có Phật tử góp công góp của và các đồ đệ dốc hết tâm lực lo toan, thì Phật Quang Sơn chẳng có cơ sở để màø thành tựu. Bây giờ nhìn Phật Quang Sơn trang nghiêm nguy nga, khó ai tưởng tượng được hết những gian khổ trùng trùng, những vất vả ngặt nghèo trong lúc kiến tạo chùa. Đại sư nói: “ Kinh tế Phật Quang $ơn cũng là một trong những khổ nạn trùng trùng này.” Thật là:- “ngày ngày túng bấn nối tiếp ngày ngày”.

“ Mỗi khi lâm vào bước cùng thắt ngặt, tôi thầm cảm tạ chư Phật, Bồ-tát đã luôn hộ trì gia bị, khiến cho dù gặp cảnh khốn khó vẫn tìm được lối thoát .

Năm 1985, khi giao chức Trụ trì cho Tâm Bình, tôi bảo ông ta:

- Thật không phải với chú khi tôi đem cả đống trách vụ nặng nề ở Phật Quang Sơn trút hết cho chú gánh vác!

Tâm Bình thưa:

- Bạch sư phụ! Thầy đừng nói vậy, sau này nếu có ai nói Phật Quang Sơn có tiền của, con sẽ trình những trách vụ này cho họ xem.

Tâm Bình đôn hậu xưa nay chưa từng kể lể việc mình phải đảm trách với chúng, chỉ âm thầm gánh vác trọng trách nặng nề ở Phật Quang Sơn.

Phật Quang Sơn được xây bằng mồ hôi nước mắt gian nan, cho nên kiến trúc tôn nghiêm càng kiên cố vững vàng. Và mỗi khi lâm vào cảnh thắt ngặt cùng đường, thì luôn có người đưa tay ra giúp đỡ rất kịp thời.

Đạo tâm gánh vác, phàm nhân khó sánh

“Năm đầu Phật Quang Sơn mở trường hạ, trước ngày học viên đến; tiền bạc lẫn thức ăn đều không có. Còn đang âu lo, thì bỗng có hai bà già ở thôn dưới, chẳng rõ tánh danh, đem biếu cho hai vạn quan tiền thật vừa vặn và kịp lúc, nếu không nhờ họ, quả thật chẳng biết xoay sở làm sao.

Năm thứ hai mở trường hạ, thậm chí bữa ăn của tăng sinh lo cũng không đủ, nhờ có tín đồ giúp đỡ mới xong.”

Những việc ấy từng chút, từng chút đã in sâu vào ký ức Đại sư không sót mảy may. Bất kể làm việc gì, Ngài đều dốc hết toàn tâm toàn ý, và cuối cùng cũng được sở cầu viên mãn. Có nhiều việc tưởng chừng như bí lối, không còn cách để giải quyết, song Ngài vẫn kiên trì đến giờ phút chót, và luôn“ hóa hung thành cát”. Về điểm này, đạo tâm gánh vác của Đại sư đúng là phàm nhân khó sánh. Việc đặc biệt gây ấn tượng sâu sắc đối với sư phụ là khóa Phật học trường hạ năm Dân Quốc 65. Sáng mai sẽ có hơn ba trăm tăng sinh đến dự lễ mãn khóa. Vậy mà chiều hôm ấy máy bơm nước lại bị hư. Đại sư sai các thầy tìm thợ đến sửa, Ngài căn dặn thế nào cũng phải ráng sửa cho xong và đích thân đứng bên giám sát.

“Sửa máy đến một giờ đêm mà vẫn chưa xong, ông thợ nói:

- Để con về Phụng Sơn tìm linh kiện rồi sẽ quay lại.

Tôi không yên tâm, bảo người nhà đưa ông ta đi Phụng Sơn. Đợi rất lâu, mới thấy họ quay về. Khi máy bơm được sửa xong, bắt đầu khởi động bơm thì tôi vẫn chưa hết lo, bèn men theo đám cỏ hoang đi vào rừng trúc đến bên tháp nước, nghe như có tiếng nước chảy, vẫn không an lòng; tôi trèo lên đỉnh tháp, đưa tay sờ chạm được nước rồi, mới thở phào nhẹ nhỏm! Trong lúc đang sửa máy, tôi thầm khấn: “Nếu như sửa máy không được, con nguyện đem máu huyết trong thân hóa thành nước trong, cho học viên có nước để dùng!” Giờ đây nhờ Bồ-tát phò trợ, cuối cùng đã có nước. Khi tôi tụt từ trên tháp xuống thì trời đã sáng, các thầy cũng vừa đi tới, họ mách tôi:

- Thật ra hồi khuya ông thợ quá mệt, chỉ muốn về ngã lăn ra đánh giấc thôi!

Phật Quang Sơn nhờ có tinh thần Đại sư nêu gương sáng khiến toàn núi đồng tâm hiệp lực, dần dần mới hiện ra ngôi kiến trúc lý tưởng trang nghiêm. Xét theo bố cục thiết kế tầm cỡ như thế, chỉ nội trong vòng mấy mươi năm ngắn ngủi đã hình thành được một Phật Quang Sơn nguy nga đồ sộ, nếu đem so với những ngôi chùa cổ trải qua hàng trăm năm xây dựng quả thật chẳng thua kém chút nào.

Cõi Phật giáo lý tưởng

Thế nhưng điều Đại sư tự hào không phải là kiến trúc Phật Quang Sơn, mà là thông qua Phật Quang Sơn Ngài thực hiện được thuyết: “Sinh, Lão, Bịnh, Tử”.

Trong Phật Quang Sơn có “Dục Ấu Viện, Trường Mầm Non, Trung Học Phổ Môn, Viện Chẩn Bệnh Phật Quang, Viện Dưỡng Lão, Vườn Vạn Thọ”.. Có thể nói là bao quát hết quá trình một đời người. Sáng lập Phật Quang Sơn cũng là xác định tôn chỉ Đạo tràng của Đại sư cho ngày sau: “ lấy giáo dục đào tạo nhân tài, lấy văn hóa hoằng dương chánh pháp. Lấy từ bi phục vụ xã hội, lấy đồng tu tịnh hóa nhân tâm.

Sau này, khi khánh thành Đạo tràng Phật Quang Sơn ở Đài Bắc, trong buổi lễ, Đại sư đã bổ sung thêm mấy điều vào tôn chỉ Đạo tràng Phật Quang như: Tăng tục cộng hữu, dung hòa truyền thống mới và cũ; Phật giáo gắn liền với văn hóa nghệ thuật; chú trọng thực tu và tuệ giải.

Ngày nay chúng ta đi thăm Đạo tràng Phật Quang Sơn khắp nơi trên thế giới, sẽ thấy nơi nơi đều có cùng một tông phong như nhau, là nhờ vào nền tảng đã được đặt ra từ đó.

Đại sư nói: “Tôi hi vọng biến Phật Quang Sơn thành một thế giới Phật giáo lý tưởng, nên rất lưu tâm khi đặt tên. Chẳng hạn như đường đi Phật Quang Sơn được gọi là đường Từ Bi, đường Bồ đề, đường Quang Minh, đường Trí Tuệ.. Điện Phật thì đặt là điện Địa Tạng, điện Đại Bi, điện Văn Thù, điện Phổ Hiền.. nhằm thể hiện tinh thần và hạnh nguyện bi trí của Bồ-tát. Chỗ tăng sinh học được mang tên tám vị Bồ-tát như Huyền Trang, Hiền Thủ, Thiện Đạo .v.v.. chỗ ni sinh học được gọi là Nhất Thánh đường, Nhị Từ đường, Tam Qui đường, Tứ Nhẫn đường, Ngũ Phúc đường, Lục Hòa đường, Thất Hiền đường, Bát Thừa đường, Cửu Phẩm đường, Thập Nguyện đường… Có nhiều kiến trúc tôi mô phỏng theo cảnh tả trong Cực Lạc thế giới, như bảy hàng lan can, bảy hàng cây báu, cát vàng trải đất..Tôi mong rằng khi người ta đến thăm Phật Quang Sơn, không phải chỉ để chiêm ngưỡng kiến trúc trang nghiêm, mà còn thể nhập được vào cõi thanh tịnh của Phật giáo.

Tôi hi vọng Phật Quang Sơn sẽ là một nơi mà ai đến thăm cũng đều có cảm giác như đây là nhà, là quê hương của mình! Tất cả mọi việc từ ăn uống, ngủ nghỉ, tịnh tâm.. tôi muốn họ đều cảm thấy thích hợp, thoải mái. Bất kể là khách lên núi nhằm thời khắc nào, cũng đều có quyền được dùng bữa và ngụ ở nhà khách với các thiết bị tiện nghi.

Tôi hi vọng đến Phật Quang Sơn mọi người đều được vui vẻ tự tại, chỉ cần làm cho chúng sinh hoan hỉ, thì hiềm gì những phương tiện thiện xảo. Như mỗi năm, hay sang năm mới, Phật Quang Sơn đều mở hội. Ngày Phật Đản có Pháp Hội Tắm Phật; tháng bảy có hội Vu Lan Bồn.. Trải hơn mấy mươi năm đã thành truyền thống, người lên núi tham gia trong lòng đều rất hoan hỉ, phần đông đã trở thành tín đồ hộ pháp cho Phật giáo.”

Khi Đại sư nỗ lực khai sáng; đệ tử, tín chúng cùng chung vai góp sức. Phật Quang Sơn trở thành không chỉ là một ngôi chùa chốn Tùng lâm, mà là một Trung Tâm Tín Ngưỡng, một cõi Phật Pháp Nhân Gian! Thực tế đã chứng minh điều ấy. Phật Quang Sơn ngày một hưng thịnh, lực ảnh hưởng ngày một gia tăng rộng lớn. Có rất nhiều ngôi chùa cổ lừng danh trong lịch sử hân hoan xin nhập vào hệ phái Phật Quang Sơn, có thể thấy sự thành công của “Phật Giáo Nhân Gian” gây chấn động rất lớn vậy.

Tinh thần “Phật Giáo Nhân Gian” ø rất quan trọng, nhằm tạo cơ duyên giúp mọi người có dịp tiếp xúc với pháp Phật, để trong thời gian sống tạm ngắn ngủi ở đời, họ có được cơ hội không ngừng thăng hoa tâm linh chính mình, tiến nhập vào cõi pháp thanh tịnh. Đại sư thực hành mấy mươi năm, không hối tiếc, người đi theo Ngài cũng thế. Tinh thần này làm tôi nhớ tới các Tùng lâm thịnh hành thời Đường. Phật Quang Sơn cho dù được hiện đại hóa, thật ra vẫn mang nề nếp cũ, còn bàng bạc hơi hướm cổ phong.

Đây không phải là mộng, đây là cõi liên hoa

“Phật Quang chiếu khắp tam thiên giới, dòng pháp chảy dài suốt năm châu” (Phật quang phổ chiếu tam thiên giới, pháp thủy trường lưu ngũ đại châu). Đây là sự thật chứ không phải là khẩu hiệu. Ngày nay Đạo tràng Phật Quang Sơn được mở rộng khắp toàn cầu.

Tôi phỏng vấn:

- Điều sư phụ cảm thấy hài lòng nhất là gì ?

Ngài mỉm cười trả lời:

- Tôi cảm thấy ưng ý nhất là, từ lúc Phật Quang Sơn bắt đầu xây dựng, nhờ có cư sĩ Tiêu Đỉnh Thuận hướng dẫn, thợ hồ, thợ mộc, thợ điện, thợ sơn … đều đồng tâm hợp lực, làm việc rất ăn ý, thuận lợi, cho nên chẳng có một công trình nào xảy ra ngoài ý muốn. Giờ đây con trai Tiêu Đỉnh Thuận đã tốt nghiệp kiến trúc sư, cũng đến góp sức xây dựng Phật Quang Sơn; mỗi lần nghĩ đến điều này, lòng tôi rất vui.”

Tôi đã nhiều lần được trú ngụ ở Phật Quang Sơn trong thời gian ngắn, mỗi lần đến, tôi luôn có cảm giác như mình đang ở Tịnh Độ. Đây chỉ là vùng quê nhỏ bé ở nam Đài Loan, xưa kia là vùng đất man di; nhờ hạnh nguyện và bi tâm của sư phụ mà nay đã trở thành một quốc độ thanh lương, nghĩ đến đây tôi cảm động chứa chan.

Cảm động nhất là, đêm đến, tôi sung sướng tản bộ quanh Phật Quang Sơn. Từ đường Từ Bi tới đường trí Tuệ, từ đường Bồ đề sang đường Quang Minh, trong lòng tôi có cảm giác như mình đang bước từng bước về nẽo xán lạn, dường như thân tâm đều được tẩy gội, thần trí lâng lâng.

Vùng sơn lâm này an tĩnh, sinh động. Sức sống của bao người và rừng cây trong núi tràn trề, mạnh mẽ; tinh thần của họ bất hủ và kiên định giống như phiến núi này.

Từ Phật Quang Sơn, ngẩng đầu nhìn trời, tôi cảm nhận được ánh sáng dịu dàng tỏa ra từ con trăng huyền ảo, dãy sao trời lấp lánh dường như rạng rỡ đặc biệt hơn, khiến tôi nhớ tới cõi liên hoa xa thẳm được mô tả trong kinh, ngỡ như đây là mộng.

“Đây không phải là mộng, đây là cõi liên hoa, đây là nhân gian!”

Tiếng côn trùng. Tiếng ếch nhái, tiếng gió reo, thậm chí tiếng lá rơi trên núi cũng đều thì thầm như thế!

 

 

[ Quay lại ]