headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 03/12/2024 - Ngày 3 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Có Phật pháp thì có biện pháp.

bienphapĐại sư Tinh Vân - SC Hạnh Đoan dịch

Cả đời tôi, cha mẹ sinh dưỡng xác thân này, cố nhiên gian lao khổ nhọc. Nhưng 12 tuổi xuất gia rồi, Phật giáo ban cho tôi nền giáo dục, trưởng dưỡng pháp thân huệ mạng tôi, khiến tôi thọ dụng chẳng hết. Càng là công đức cao vợi.

Tôi ở trong đạo gần một giáp, thầm thầm khế hội chỗ vi diệu của Phật pháp. Nếu ai hỏi tôi Phật pháp có gì tuyệt? Tôi sẽ chẳng do dự đáp ngay: “Có phật pháp thì có biện pháp”.

 

Thời niên thiếu lúc tham học tại tùng lâm, tôi phát tâm hạ sơn tụng kinh cho tín đồ, thường thường sáng đi tối về, phải vượt qua xóm làng đồng không hoang vắng. Các bạn tôi đều nói tôi gan dạ, đáng nể. Thật ra tôi vừa đi vừa tụng chú. Sáu chữ Đại Minh Chú đã cho tôi sức mạnh. Tùy theo tuổi tác tăng trưởng, huệ giải ngày càng sâu. Từ chí thành tụng kinh Duy Ma Cật, Dược Sư, xem bản đồ nhân gian tịnh dộ, cho đến thọ trì Tâm Kinh, Kim Cang, tôi hưởng pháp hỉ lấy “vô” làm “có”, không ngờ ngày sau, những kinh văn này đều biến thành tư lương hoằng pháp lợi sinh. Thế nên có Phật pháp thì có biện pháp” ứng thế độ sinh.

Nhớ lại hồi mới vào Phật học viện, tôi mới mười 10 tuổi, đang độ thiếu niên đầy nhiệt huyết, khó tránh tâm phiền khí thô, nói năng thẳng đuột, không biết giữ gìn. Sau này nhờ tinh tấn niệm Phật, tôi giảm thiểu vọng niệm phiền não, đạo nghiệp cũng dần tăng trưởng.

Năm 1953, lúc tôi tại Nghi Lan Lôi Âm Tự, chủ trì Phật thất, đột nhiên cảm thấy thân tâm tan biến, đại địa rỗng không, sau đó nghe tiếng Phật hiệu vang không ngừng. Có lúc, tại trong thất, đi đứng nằm ngồi, nhưng bên ngoài có tiếng người nói, đi đường, tôi đều nghe rõ ràng.

Có lần tôi chủ trì Phật thất tại chùa Đại Tiên, nghe người kể lại thấy tôi trong lúc ngủ vẫn niệm Phật, âm thanh rõ ràng phân minh.

Một lần tôi cử hành Phật thất tại chùa Phổ Môn, có hai con chim bay tới chính điện cùng tôi niệm Phật thật hài hòa thú vị.

Trong kinh tả: “Đất nước Tịnh độ cực lạc có chim thuyết pháp” quả nhiên không sai. Mãi đến ngày nay dù ngồi xe hay đi bộ, tôi đều có thói quen niệm danh hiệu Phật. Dù đi bên đường đồng ruộng mênh mông hay men theo hàng cây rợp lá, tất cả đều thành phương tiện tụng niệm thù thắng của tôi.

Tôi từ chánh niệm niệm đến vô niệm, từ vọng tâm niệm đến nhất tâm, từ vô niệm mà niệm, đến niệm mà vô niệm, từ có nhân có ngã niệm đến vô nhân vô ngã, thậm chí niệm đến thời gian không gian, thiên địa vạn vật gì đều hóa thành không, tựa như A-di-đà đang hoạt phát trên thân tôi. Thế gian cực lạc như chính là đây.

Thể nghiệm về tôn giáo đã trưởng dưỡng tín tâm vô bờ của tôi, tôi tin sâu rằng chỉ cần mọi người thực hành Phật pháp, khai mở Phật tính vốn có đầy đủ, nhất định có thể đồng thành Phật đạo. Thế nên trong cuộc sống hoằng pháp, bất luận gặp bao nhiêu oan khuất, tôi trước sau chẳng thoái tâm, bất kể gặp bao ngăn trở ách nạn, tôi cũng không đánh mất sứ mạng hoằng pháp.

Nhớ lại hơn 40 năm trước, lúc mới đến Đài Loan, muốn ăn không có cơm, muốn ngủ không có chỗ chứa. Có ngươi nói bây giờ Phật giáo suy vi, ngoại giáo thịnh hành, chi bằng cải đạo đổi tín ngưỡng, có lẽ dễ sống hơn. Tôi dùng lời thiết thạch cương quyết nói với họ: “Cho dù đức Phật hiện thân, khuyên tôi cải đạo, thay đổi niềm tin, tôi cũng không nghe”.

Hôm nay bốn mươi mấy năm sau không những Phật giáo Đài Loan phát triển, thịnh chưa từng thấy mà các đạo thờ Chúa của các quốc gia Âu Mỹ cũng không thể xem thường tiềm lực này.

Trước đây không lâu, nữ cư sĩ Chu Chí Mẫn, dẫn một đoàn 10 người qua Trung quốc Đại Lục, đem cờ của hội Phật Quang Quốc Tế cắm tại đầu sông Trường Giang, càng chứng minh Phật pháp vô biên.

Tất cả đều do sức mạnh tín tâm ban tặng cho, nhân đó tôi luôn nói với mọi người “Có Phật pháp thì có biện pháp”.

Bao năm nay, sự chia bờ cách ngăn đã tạo nên biết bao cuộc chia ly gia đình, biết bao cốt nhục vì đây mà phân tán, bản thân tôi cũng hứng chịu nổi khổ đó. Tôi từng nếm tai nạn lao ngục, trải qua bao phen bị nhốt giam, bị dèm chê phỉ báng, nhưng ý thức mình là một đồng thể cộng sinh, tôi âm thầm nổ lực làm sợi dây kết nối. Có người bảo tôi: “Hà tất phải đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm này để chuốc phiền toái cho mình. Nhưng do tôi đối với việc thống nhất dung hòa có niềm tin, vì vậy vẫn làm việc nghĩa không chùn bước, làm những gì cần làm.

Động tĩnh đều là Phật pháp. Thân giáo hơn ngôn giáo

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm phật chúng sinh đều vô sai biệt”. Trong tâm chúng ta vốn có đủ vô hạn của báu đang chờ chúng ta nỗ lực khai phá, nhân đó tại Phật môn rất xem trọng sự phát tâm.

Năm 1949, tôi một mình vượt sang Đài Loan, mặc dù chỗ ở bất định, nhưng mỗi khi đến chùa nào, tôi đều phát tâm phục vụ, từ nấu ăn đến biên chép, từ gánh nước đến làm tri viên, thậm chí gánh gạo tải lương, dọn đẹp vệ sinh, tình nguyện nhận mọi lao nhọc không thán oán, dốc sức gánh vác, làm chu toàn. Vì vậy không những tôi từ trong phụng hiến khai mở nhiều năng lực mà càng được chúng thiện cảm hoan nghênh. Họ tán thán ca ngợi sự phát tâm của tôi, thành tâm muốn lưu giữ tôi ở lại. Trong thời buổi thế cuộc sôi sục, lòng người hoảng loạn như lúc đó, có thể nói là hết sức khó khăn.

Năm 1967, lúc khai lập Phật Quang Sơn, tôi thường trong cảnh ngày nóng đêm hàn, phát tâm làm đủ việc, cắt gạch xẻ tường, đội đá cưa cây, gánh cát đất, trộn hồ… đồ chúng nhìn thấy cũng tự động đến giúp, mọi người đồng tâm hiệp lực mạnh mẻ vô cùng. Sau này, lúc lãnh đạo đệ tử làm việc, tôi luôn tiên phong làm trước, dùng thân giáo vô hình thay cho ngôn giáo đắng miệng của lão bà tâm. Thường thu được hiệu quả tốt hơn nhiều.

Trong Tam Qui Y có đoạn thế này: “Tự qui y tăng, đương nguyện chúng sinh thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại”. Nếu như trong tâm chúng ta có Phật pháp, biết phát tâm phụng hiến, thì giữa cư xử nhân ngã nhất định sẽ có biện pháp hòa kính đoàn kết.

Phật giáo vốn có công năng độ đời giúp dân, tiếc rằng mấy trăm năm nay, vì đường lối chính trị áp bức và sai lầm của con người, đã làm mất đi hoạt lực vốn có, khiến cho tôn giáo rơi vào cảnh lánh đời.

Chứng kiến cảnh tưởng này, tôi phát nguyện ra sức ngăn sông cuồng, hoẳng dương thánh giáo. Trải qua mấy mươi năm gian khổ, cuối cùng đem sự nghiệp Phật giáo, giáo dục, văn hóa, từ thiện, hưng kiến phát lên, khiến Phật pháp và đời sống hòa đồng một thể. Sau cơn mưa trời lại sáng. Khi mây tan thì nhìn thấy ánh dương. Tôi ôm hoài bảo tâm tình cảm ân, càng lập chí thêm lớn: Nguyện đem Phật Quang phổ chiếu tam thiên giới. Pháp thủy trường lưu ngũ đại châu”. Thế là tiếp tục dũng tiến lên trước. Tôi bỏ ra hơn mười năm tâm huyết, khắc phục nhân tình phong thổ trùng trùng gian nan.

Tại các nơi trên thế giới rộng dụng pháp tràng, khai mở cõi tịnh độ.

Cả đời tôi tuyệt không an bình, nhưng do nguyện lực vì Phật pháp sai khiến, tôi cam tiếp thọ, mài luyện, khiêu chiến, cho nên mới thành có biện pháp để đối diện hiện thực, vô úy trước nghịch cảnh, từng bước tiến lên hoàn thành lý tưởng.

Vào biển lớn phiền não được tất cả trí bảo

Bản thân tôi không có tài gì đặc biệt, may là hồi nhỏ được huân ướp Phật pháp, bồi dưỡng sức nhẫn nại kiên tâm, nhờ chịu nhẫn nhục gánh vác, cho nên tại đất Nghi Lan dân phong bảo thủ, tôi có thể vượt qua vạn khổ, khai mở các sự việc hoằng pháp, xây dựng các ngôi kiến trúc cho người tu tập, truyền đạo bằng đủ phương thức văn chương, âm nhạc, hội họa… Nhờ nhẫn nại, chịu nhọc, nhịn oán, nên trong cảnh nhân sự hỗn loạn tại miền Nam Đài Loan, tôi có thể điều chúng, hưng kiến chùa, khai sáng Phật Quang Sơn.

Khi mọi người tán thán tôi rất có biện pháp, khéo làm những vệc khó làm, tôi lại nhớ đến một đoạn trong kinh Duy Ma: “Tất cả phiền não là hạt giống của Như Lai. Nếu như không vào được đại dương thì không được bảo châu vô giá. Nếu như không vào biển lớn phiền não, thì không thể được tất cả trí bảo”. Tôi không khỏi thấy tự vui thầm, vì trong biển khổ nhân sinh, nhiều phiền não nung nấu, có Phật pháp quí báu dạy chúng ta nhẫn trong loạn động, tăng trưởng những điều tốt, không ngừng vượt qua chính mình, thực hiện cuộc sống có ý nghĩa.

                    Tay cầm mạ non gieo khắp ruộng
                    Cúi đầu nhìn thấy trời trong nước
                    Thân tâm thanh tịnh chính là đạo
                    Lùi bước chính là tiến lên trước

Bài kệ Phật giáo đó, đối với thuật xử sự làm người cả đời tôi, có tác dụng khai thị rất lớn.

Nhớ năm 1952, khi bước chân đến Nghi Lan, từng có người đề nghị tôi đảm nhiệm chức Lý sự trưởng chi nhánh “Hội Phật giáo Trung Quốc huyện Nghi Lan”, tôi tự thấy đức tài chẳng đủ, nên tiến cử pháp sư Thành Nhất nhậm chức này. Khi nhiệm kỳ đó mãn rồi, mọi người lại tiếp tục đề cử tôi, nhưng tôi vẫn nhất quyết nhường cho pháp sư Chân Hoa. Cứ thế hơn 10 năm trôi qua, khi không còn ai có thể kế nhiệm, tôi mới đứng ra nhậm chức. Do khiêm nhường đã thành phong khí nơi xứ Nghi Lan hẻo lánh, Phật giáo kết đoàn hài hòa, phát triển mau chóng, ngay cả một số hội ở đại đô cũng không theo kịp. Vì vậy chúng tôi không sợ điều kiện không đủ. Chỉ cần “Có Phật pháp” thì tự nhiên sẽ “có biện pháp”.

Nguyện làm Thường Bất Khinh lễ kính chư chúng sinh

Lúc mới xuất gia, tôi tuổi nhỏ khí hăng, thấy trong Phật môn có một số trưởng lão ngôn hạnh bất đạt, khiến người khó kính, tôi hết sức bất bình không ưng. Nhưng khi tôi xem kinh Pháp Hoa, đọc đến hạnh khiêm cung của Bồ-tát Thường Bất Khinh, trong lòng không ngăn được hổ thẹn. Từ đó đối với tất cả chúng sinh, tôi luôn giữ thái dộ tôn trọng, cho dù gặp các trưởng lão phong cách bất nhất, tôi cũng cung kính lễ ngộ. Hơn nữa sau lưng còn ca ngợi điềm hay của họ. Có câu: “Kính người thì được người kính”. Lâu dần , các trưởng lão cũng cho tôi rất nhiều tán trợ khuyến khích.

Năm 1954, pháp sư Nam Đình không bỏ mặc miền nam xa xôi hẻo lánh, chịu bớt chút thì giờ đến tiểu trấn Nghi Lan, vì dân làng giảng thuyết. Pháp sư Đạo Nguyên trước khi thị tịch cũng từng đi xuống miềm nam, xuống Cao Hùng, đến Phật Quang Sơn giảng Đại Thừa Khởi Tín Luận cho học sinh. Còn các vị đại đức khác như Ấn Thuận, Mặc Như v.v…đều nhận lời mời đến Lôi Âm Tự thuyết giảng, vì ủng hộ tôi mở trường độ chúng. Tôi ở vị trí giữa hàng hậu học không lệ thuộc đồng môn, nhờ họ tương trợ đăc lực, lòng cảm kích không ngớt, nên thầm thầm cảm thấy, chỉ cần “Có Phật pháp thì có biện pháp” dung hòa người mình.

Ngày xưa tại Phật môn qui định: Người xuất gia phải học giới năm năm mới có thể thỉnh giáo tham thiền. Do đã thọ nghiêm cách huấn luyện theo luật nghi này, nên tôi dù ra khỏi Phật học viện vẫn tiến dừng đúng mức.

(Còn tiếp)




 

 

 

[ Quay lại ]