headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 02/05/2024 - Ngày 24 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

NẾM KHỔ

  Đại sư Thánh Nghiêm - HạnH Đoan dịch

Một Thiền sư vĩ đại, nếu chẳng nỗ lực tinh tấn và trải qua cảnh nghèo thiếu vật chất thì không thể thành tựu. Tôi ban sơ xuất gia ở tự viện Ban Sơn, nơi có nhiều Phật tử hộ trì, cho nên đời sống tại đó rất đầy đủ. Dù vậy, các chú tiểu bắt buộc phải trải qua ba năm mài luyện, phải học tập và làm thông thạo các việc giống phụ nữ như: nấu nướng, may dệt, quét dọn, trồng tỉa v.v…

Mục đích của việc huấn luyện này là để chúng tôi dẹp trừ kiên mạn, không được coi thường người công tác lao nhọc. Các tu sĩ phải có tâm lý chuẩn bị (giống như các nhà truyền giáo Tây phương vậy), để lỡ có trôi dạt đến vùng không tín đồ, thì sẽ biết xử lý việc như thế nào. Phải dốc sức hoạt động giúp môn sinh an tâm, loại bỏ vọng niệm, dẹp trừ tâm phân biệt ngã chấp. Nếu chỉ biết tính toán thiệt hơn, so đo chuyện được mất của bản thân, thì sinh hoạt tự viện sẽ trở nên rất gian nan. Bởi, nếu không định tâm, chẳng  dùng tâm khiêm hạ để cư xử thì sẽ rất khổ. Nếu giữ được tâm bình thường, thì nếp sinh hoạt của tự viện sẽ rất đơn giản.

Trong ngữ lục thiền, có kể nhiều câu chuyện làm việc cực khổ trứ danh. Chẳng hạn như chuyện đời Đường: Có một vị đệ tử trẻ theo Thiền sư Điểu Khoa (biệt danh Đạo Lâm) tu hành. Sư phụ ngụ trên cây, đồ đệ trụ dưới đất. Trò vì thầy dâng trà nước, làm các việc vặt phụng sự đến mỏi giò, chỉ mong sư phụ dạy thiền, giúp mình khai ngộ. Nhưng đã sáu năm trôi qua rồi mà sư phụ chẳng dạy Phật pháp gì ráo, chỉ toàn sai việc vặt, khiến đệ tử cảm thấy rất nản lòng. Một hôm trò thưa với thầy là đã đến lúc mình phải ra đi.

- Vì sao con muốn đi? Sư phụ hỏi.

Trò đáp:

- Con tới đây là để học Phật pháp, nhưng chỉ toàn là làm tạp vụ, con không học được gì và cũng chẳng khai ngộ… Vì vậy nên con muốn ra đi. Con hy vọng sẽ tìm được một bậc thiện tri thức khác, có thể dạy cho những đạo lý mà con cần…

Sư phụ nói:

- Ờ! Phật pháp hả? Ở đây ta cũng có thể chỉ điểm cho…

Rồi sư phụ lấy ra một ống thổi (bằng gỗ thông) từ trong tăng bào, chúm miệng làm một hơi. Ngay lúc đó trò hoát nhiên khai ngộ.

Khi (Ban Quản Trị) Đổng Sự Hội của chùa Đại Giác chuẩn bị tiếp đón tôi, chắc họ cũng muốn áp dụng theo câu chuyện này. Họ biết tôi mới tốt nghiệp tiến sĩ, sợ tôi kiêu mạn, chẳng khiêm, cho nên muốn để tôi nếm chút mùi khổ.

Điều này chẳng là vấn đề trọng đại gì, bởi hồi nhỏ tôi đã nếm qua rất nhiều gian khổ rồi, nhưng họ hoàn toàn không biết. Vì vậy khi tôi đến Đại Giác tự, họ đối với tôi như một người xuất gia bình thường, không cho tôi làm pháp sư. Họ muốn tôi phải chùi rửa, dọn dẹp và thanh lý các gian phòng trong chùa. Tôi dọn sạch các phế vật chứa trong tầng ngầm, biến nhà kho và các phòng lượm thượm bẩn chật của chùa thành một nơi tươm tất sạch sẽ, thành là ngôi giảng đường và thư viện trang nhã. Bằng hai tay không, tôi biến mảnh đất phía sau chùa thành một hoa viên mỹ lệ.

Tôi không có trợ thủ, tất cả đều phải tự làm một mình. Các tu sĩ khác tuổi tác và giới pháp đều cao hơn tôi nên không ai đến giúp đỡ. Khi chiếc xe tải chở khách từ Nhật Bản đến, tôi phải nghĩ cách để đem sách từ bến cảng về chùa, lo sắp xếp và trưng bày trong thư viện. Sau nhiều năm bế quan, tôi đã có thói quen làm việc một mình.

Hoàn cảnh chung quanh rất thô sơ. Bố lãng khu lúc đó, kiến trúc phòng ốc khắp nơi trống trải và xiêu vẹo, nhìn giống như là muốn sụp đổ. Cư dân phần nhiều là tầng lớp người nghèo (hậu duệ của dân Do Thái và cùng đinh). Hoa kiều hiện diện rất ít. Nơi đây chủ yếu là khu công nghiệp và thương nghiệp.

Ngôi chùa này, nguồn gốc là gian nhà kho bưu cục, được cư sĩ Trầm Gia Trinh mua lại. Lúc tôi đến, cảm thấy giống như mình đang ở trong sơn động. Tôi khoét một lỗ hổng trên tường để cho ánh sáng và không khí tràn vào. Vùng này có nhiều tu sĩ nhưng họ ngụ tại khu nhà trọ gần bên, tôi là người duy nhất ở trong chùa. Tôi không giảng kinh và chẳng có quyền quyết định làm gì (không được quản người lẫn quản tiền). Tôi trụ trong chùa gần như là tiếp đãi khách đến thăm, về cơ bản giống như một người gác cổng.

Tại Đại Giác Tự mỗi ngày làm, nghỉ rất có giờ giấc. Đã là tu sĩ Trung Quốc, thì bất kể là bạn ở đâu, thì thời khóa hàng ngày đều giống nhau. Tôi thì cứ 4, 5 giờ thức dậy tụng khóa sáng, ăn điểm tâm và quét dọn… Nếu như có khóa Anh Văn, tôi sẽ lên lớp học; còn như không có khóa, thì tôi lo chỉnh lý các tầng ngầm trong chùa. Nếu có khách đến thăm, thì tôi phụ trách tiếp đãi họ, hễ làm mệt thì tạm nghỉ xả hơi. Bởi vì đây là đoàn thể không lớn, cho nên tôi được quyền tùy nghi uyển chuyển sắp xếp thời gian.

Dùng trưa xong thì nghỉ một chút, sau đó lo dọn dẹp phòng xá và đạo tràng. Tôi luôn đơn độc một mình, bởi vì ban ngày người đến lễ Phật rất ít.  Nếu có thời gian rảnh thì tôi ngồi thiền. Thông thường tôi tụng khóa chiều trước 5 giờ, sau đó dùng dược thạch ăn chiều. Buổi tối thì tôi bái Phật, ngồi thiền và viết lách.

Vào chủ nhật, 6 giờ sáng thì tôi dạy một đám người Tây phương lẫn Hoa kiều ngồi thiền. Sắp xếp việc giảng kinh suốt ngày chủ nhật. Thường thì chúng tôi thỉnh pháp sư Tư Khâm đến giảng, phần tôi lo quét sạch đạo tràng từ trong ra ngoài.

Tôi là tu sĩ duy nhất trụ tại chùa, công tác hành chính thường ngày do các pháp sư phụ trách, bởi vì trình độ Anh văn họ hơn tôi, còn những việc khác đều do tôi đảm đương. Nhưng dù tôi có làm tạp vụ, phải dọn dẹp hay chỉnh lý tự viện, điều này chẳng tạo thành nỗi khổ hay mối lo gì, bởi tôi đã biến nó thành một phương pháp tu hành.

Cảm tạ cư sĩ Trầm Gia Trinh, thời gian tôi nếm khổ không dài. Sau đó ông đã cử tôi làm Đổng sự tự viện và Phó lý Sự trưởng Hội Phật giáo Mỹ quốc và còn chỉ định tôi là trụ trì Đại Giác Tự. Đây thật là đãi ngộ rất đặc biệt vì thời gian tôi ở tại Đại Giác Tự chưa đầy nửa năm. Tôi hiểu rằng các tu sĩ khác cũng chẳng có được sự đãi ngộ như thế.

Tại Đại Giác Tự tôi không thể giảng Anh văn, mới đầu thì điều này chưa thành vấn đề lớn. Bởi lúc tôi mới đến, đa số tín chúng đều là người Hoa. Thỉnh thoảng cũng có vài người Tây phương hiếu kỳ đến tham quan nhưng họ chẳng biết làm gì và thường có cảm giác như đang đi lạc vào một quốc gia khác, bởi chúng tôi toàn bộ đều giảng Trung văn. Bất kỳ Hoa kiều nào, hễ thấy một người Tây phương tới, thì họ luôn nói: “Lão ngoại lai tới kìa.” Tôi thường cảnh tỉnh, nhắc nhở họ rằng: “Mình mới chính là người ngoại lai (từ nước ngoài tới) còn họ vốn là dân bản địa.

Tôi rất muốn tiếp xúc với người Tây phương. Lúc này tôi chợt nhớ đến lời của một pháp lữ Nhật Bản, từng dạy tôi pháp thiền, đó là Thiền sư Thiết Ngưu, khi tôi bày tỏ những băng khoăn, mối lo âu với ông, e là khi mình đến Mỹ quốc sẽ gặp chướng ngại về ngôn ngữ, thì ông đã tặng cho tôi một câu nhắc nhở: “Dạy thiền không cần dùng văn tự.”

Câu này đã giúp tôi cho dù tôi nói tiếng Anh dở, từng hoằng pháp khó khăn và gặp phải cảnh “bể dĩa” ở Toronto, thì ở tại Nữu Ước này, tôi chỉ đạo tọa thiền và chẳng kỳ vọng gì đối với các học sinh, học giả. Trọng điểm của thiền là “trực chỉ chân tâm” - chỉ thẳng tâm người. Tâm là chủ yếu nồng cốt. Nếu dùng bất kỳ văn tự hoặc khẩu thuật đều không phải là cách giải quyết vấn đề then chốt và chẳng đi đến đâu.

Mục đích chính yếu là hướng dẫn học sinh, giúp họ chứng ngộ pháp thiền, song bản thân học sinh cần phải lìa văn tự, ngôn thuyết mới có thể minh tâm kiến tánh. Trong sử Thiền tông, có một vị Thiền sư trứ danh là Đại Trí Hoài Hải. Có lần đệ tử hỏi ông: - Thầy có thể dạy con làm sao để tu không? Thiền sư đáp: - Đói ăn, mệt ngủ! (không cần văn tự và ngữ ngôn).

Chúng ta không cần dùng hay làm những điều thần bí gì. Bởi vì nhìn người tu thiền, thấy việc họ làm tưởng là thần bí, nhưng nếp sinh hoạt của họ rất thực tế, đơn thuần, không phức tạp và chẳng có ham muốn chi nhiều. Bấy kỳ ai cũng có thể trải qua đời sống như thế.

Lúc Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc, ngài cũng chẳng cần nói Trung văn (tiếng Hoa). Trong sử có một Hòa thượng hỏi Thiền sư Triệu Châu rằng:

- Con rất khốn đốn và có nhiều mối nghi, xinngài chỉ điểm giúp cho.

Triệu Châu hỏi:

- Ngươi ăn cháo chưa?

- Dạ ăn rồi.

- Vậy thì rửa chén đi!

Vị đệ tử ngay đây khai ngộ.

Cho nên khi tôi bắt đầu tiếp xúc với chúng Tây phương, tôi cũng áp dụng phương pháp giống vậy. Gặp học sinh đến cầu giúp đỡ, tôi liền hỏi: - Ăn tối chưa? Nếu họ đáp: - Ăn rồi thì tôi sẽ bảo: Hãy rửa chén của anh đi!

Tôi thường dùng phương thức này cùng học sinh đàm đạo, nhất là lúc không có phiên dịch. Bởi tôi không thể nói nhiều tiếng Anh để giảng phật pháp nên phải đơn giản hóa sự tình. Khi học viên hỏi: - Nguyên nhân vì sao? Tôi đáp: - Không có nguyên nhân. Bọn họ dường như cũng hiểu ra.

DẠY MÔN SINH

Trong lúc tôi diễn đạt pháp bằng Anh văn (theo khả năng của mình), tôi có thể hồi đáp rất nhiều vấn đề. Cư sĩ Trầm Gia Trinh cực kỳ quan tâm, ông cho rằng ở Mỹ nếu không học Anh văn thì rất bất tiện. Thế là ông mời gia sư dạy Anh văn cho tôi và trả giúp học phí. Nhưng tôi đã già (gẩn 50 tuổi), học ngôn ngữ mới là điều không dễ, bởi trí nhớ tôi chẳng còn tốt như hồi trẻ. Vì vậy mà qua hơn 300 giờ dạy thì tôi ngừng học. Đây không phải do tôi quá bận, mà do học phí quá cao. Trầm Gia Trinh tôn trọng quyết định của tôi, ông lại tìm giúp cho tôi một khóa học khác tương đối ít tốn kém hơn.

Một hôm có hai người trẻ tuổi là Pháp Lan Khắc Lâm và Bỉ Đắc đến chùa, họ hỏi tôi là có biết công phu võ thuật gì không? Tôi nói có. Họ hỏi: - Thầy biết môn võ nào? – Tôi biết Thái cực quyền và Thiếu lâm quyền.  Sau đó tôi giải thích cho họ nghe là tôi không có võ giống như kiểu đấm đá trong điện ảnh. Tôi nói: - Tôi dạy người vận dụng tâm: Đầu tiên phải tập huấn luyện niệm và an định tâm, như vậy không làm tổn thương hay gây hại gì cho người. Họ nói: - Tuân hành!

Mới đầu họ dẫn theo vài bằng hữu tới tham gia khóa giảng. Thoạt tiên, tôi không biết phải dạy họ những gì, do tôi không giỏi Anh ngữ. Tôi lo họ sẽ mất đi hứng thú nhưng tôi vẫn cứ dạy.  Tôi mời trò Phương Minh Đài phiên dịch giúp, em là sinh viên đại học Nữu Ước, từng bị bịnh nhức đầu rất nặng. Sau khi theo tôi học thiền thì chứng nhức đầu cũng tiêu mất.

Tôi dạy thiền tọa trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến quá ngọ, mỗi tuần một lần, mỗi lần 4 tiếng. Hồi mới bắt đầu tôi không biết phải làm những gì, nên đã đi thỉnh giáo pháp sư Nhật Thường (Trầm Gia Trinh từng đưa ông đến Trung tâm Thiền Khởi Phổ Lâu ở Nữu học thiền.)

Tôi kể pháp sư Nhật Thường nghe: Tôi từng tu thiền tại rất nhiều tự viện Nhật Bản và Trung Quốc nhưng không biết phải dạy gì ở Tây phương cho nên muốn biết Trung tâm Thiền Khởi Phổ Lâu dạy thiền như thế nào.

Tôi thỉnh pháp sư Nhật Thường giúp tôi dạy học. Thoạt đầu ông có vẻ rất miễn cưỡng. Ông ở tại Mỹ đã nổi danh là thiền sư. Chúng tôi cùng trò chuyện bàn về Trung Tâm Thiền Khởi Phổ Lâu một lúc thì ông kể sư phụ mình là An Dung Bạch Vân (YasitaniRoshi).

Tôi hỏi: - Sư phụ của An Dung Bạch Vân là ai?

Ông đáp: - Điền Tổ Nhạc (Harda Sogku).

Tôi nói: - Nguyên Điền Tổ Nhạc cũng là sư phụ tôi và thầy Thiết Ngưu tại Nhật Bản. Điều này chứng tỏ tôi là sư huynh đệ với Trung Tâm Thiền Khởi Phổ Lâu. Nhân vì chúng tôi đều là hậu duệ của Nguyên Điền Tổ Nhạc. Việc này giúp tôi lãnh ngộ và hiểu mình phải làm sao để dạy học sinh Tây phương.

Pháp sư Nhật Thừơng sau khi biết rõ mọi chuyện thì phấn khởi lắm, đồng ý giúp tôi ngay.

Theo đề nghị của ông, trứơc tiên chúng tôi dạy học sinh đếm hơi thở. Tôi dạy cho học sinh mấy câu giản đơn. Tôi không có nội dung giáo trình cũng không soạn hay ấn định giáo án gì.

Sau ba tháng kết thúc, chỉ có mấy vị đồng học còn lưu lại. Họ ở trong lớp chân thành nỗ lực, hơn nữa đối với giáo lý lẫn cách thức đều tiếp thu rất tốt. Họ cảm thấy đã tìm được thầy của mình.

Pháp Lan Khắc Lâm thưa là cậu sắp một trận đại tỉ thí võ thuật tại công viên Trung – Anh và hỏi tôi:

 - Sư phụ, khi con thi đấu thì thầy có đến ngồi bên cạnh chăng? Con sẽ giới thiệu cùng mọi người thầy là sư phụ của con. Ai cũng cho rằng, nếu có được sư phụ đến dự và ngồi bên cạnh, thì con chẳng cần đánh cũng sẽ thắng.

Tôi cảm thấy thú vị bảo:

- Nhưng nếu con thua, họ sẽ khiêu chiến với thầy hả?

- Không ái dám làm vậy đâu? Cậu nói.

Tôi cười cười, bảo:

- Cảnh giới võ thuật tối cao là không dùng vũ khí hoặc an bài tư thế gì. Lúc bị ngươi công kích, con phải buông ý thức tự ngã đi, như vậy đối thủ chẳng biết làm thế nào để công kích con. Vì sao ư? Bởi vì họ không có chỗ để hạ thủ. Đây là đạo lý vô ngã, vô tâm. Khi trung tâm tự ngã còn tồn tại, thì bất luận là tiến công hay phòng ngự, đối phương đều có thể nhìn ra sơ hở, phát hiện ra các nhược điểm phòng thủ của con, và nhân đó mới lợi dụng, tấn công. Nhưng nếu tự ngã không tồn tại thì chẳng còn gì để mà phòng, chẳng có chỗ để mà công. Đối phương sẽ tìm không ra nhược điểm để công kích con.

Pháp Khắc Lan và bằng hữu của cậu chăm chú lắng nghe, lập chí dụng công luyện tập, để đạt đến cảnh giới như vậy.

Tôi bảo: Muốn đạt đến cảnh giới như thế, công phu tu cần phải đạt đến chỗ hoàn mỹ.

Những thời kỳ đầu các môn sinh giỏi võ sau này thọ khóa huấn luyện cảnh sát, họ học tập chân thành khiến tôi rất vui, cảm thấy bản thân có ích. Tâm thọ giáo của họ rất đơn thuần và chân thành, tôi cũng dùng tâm chân thành mà dạy họ cho nên toàn bộ họ đều tiếp thu được hết. Kết quả cả nhóm đều rất tiến bộ. Tôi trở thành Thiền sư đệ nhất miền Đông nước Mỹ dạy chúng Tây phương. Có một vị khác ở phía Tây Mỹ quốc cũng dạy chúng Tây phương là Tuyên Hóa thượng nhân. Ông ở Cali, sáng lập Vạn Phật Tự - ngôi chùa có sớm nhất tại Mỹ. Ông dạy pháp tu khổ hạnh, rất được người Tây phương hoan nghênh, từng thu nhận nhiều đồ đệ người Âu. Nhưng do pháp môn ông dạy rất đa phương, cho nên lúc đầu ở Mỹ không được nhận đồng với Thiền tông mà được xếp là Tịnh Độ tông, bởi ông cũng dạy niệm Phật.

Tại Nữu Ước người ta rất có hứng thú với thiền Nhật Bản và Phật giáo Tây Tạng. Thiền tông ở phía Tây thì có Shunryu Suzuki, còn phía Đông là Eido Shimano dạy, rất nổi danh, cực kỳ sống động. Ông sáng lập Trung Tâm Thiền Taiwan Maezumi cũng rất kiệt xuất. Còn Phật giáo Tây tạng thì có đức Đạt Lai Lạt Ma và các Lạt Ma khác cũng nhiều lần qua Mỹ truyền đạo. Ngoài ra còn có một đoàn thể nhỏ thuộc Tịnh Độ tông đến từ Nhật Bản và tín chúng Hàn Quốc của Đại sư Sùng Sơn (Seung Sahn). Tôi hay cùng các đoàn thể này liên lạc, do Trầm Gia Trinh luôn ủng hộ các giáo phái Phật giáo. Hơn nữa, còn mời thỉnh đại sư của các tông phái này đến chùa Đại Giác diễn giải.

Lúc đó tự viện Trung Quốc tập trung tại Trung Quốc Thành không có hướng dẫn chúng Tây phương, cũng chẳng giảng tiếng Anh. Tính chúng đa số đến từ Trung Quốc Đại Lục, Hương Cảng, Việt Nam, Miến Điện và Đài Loan. Có chừng mười ngôi chùa phân bố rải rác trong khu vực Trung Quốc Thành, những tăng chúng trong đây không chịu rời vùng này. Nhưng những Thiền sư khác như Tiền Giác (Taiwan Maezumi), Lãnh Mộc (Shunryu Suzuki) đã sáng lập các ngôi thiền viện thâm hậu tại Mỹ quốc.

Thiền tông không giao thiệp và bất nhập thế sự, đến nay đã rất lâu – từ thời Tống  (960 – 1276), Nhật Bản chẳng còn phái các tăng sĩ đến Trung Quốc học Phật nữa.Vào thời Nguyên, Minh (Tây lịch 1368 – 1644), Phật giáo Hán truyền bắt đầu suy, đến triều Thanh (1644 – 1911) hòang đế sùng mộ Phật giáo Tây Tạng càng đẩy Phật giáo Hán truyền đi đến suy thoái.

Các học giả Phật giáo Nhật Bản tuyên bố Trung Quốc chẳng có thiền sư là không đúng. Chỉ vì thiền sư Trung quốc vô phương hấp dẫn học sinh ngoại quốc đến học thiền cho nên người ngoài không biết Trung Quốc có thiền sư. Đồng thời do người trẻ hầu như chẳng được học qua khóa huấn luyện Phật pháp.

Vào thời thế giới chiến thứ hai, Trung Quốc hoàn toàn không có nền giáo dục chánh quy dành cho tăng thanh niên. Đến sau năm 1949, Phật pháp tại Trung quốc bị tán thất đến tận cùng. Trong khi đó, ngược lại, ở Nhật Bản lại có hệ thống giáo dục thiền rất ưu mỹ, tốt lành không hề vì đại chiến mà đứt đoạn. Phật giáo Tạng truyền cũng được dưỡng thành thể thống, còn phật giáo Hán truyền về phương diện này xem ra rất thiếu thốn. Đây chính là nguyên nhân vì sao tôi muốn tái sáng lập Viện Nghiên Cứu Phật Giáo Đài Loan sau này.

Có người hỏi tôi Thiền tông không được hoan nghênh tại Tây phương lắm, có phải là do thiền và văn hóa Trung Quốc dung hợp? Tôi không cho là vậy, bởi văn hóa Nhật Bản dung nhập thiền Nhật Bản. Văn hóa Tây Tạng cũng dung nhập Phật pháp Tạng truyền. Tôi cho rằng thềin Trung Quốc sở dĩ chưa thể truyền rộng tại Tây phương là do thiền sư Trung Hoa đến Tây phương truyền pháp rất ít.

Nhân được mời đến Mỹ dạy học, tôi mới có cơ hội đến đây. Năm 1977 tôi bắt đầu phát hành tạp chí thiền, sau đó đổi thành quý sang, bưu ký gửi đến hơn 50 quốc gia. Nhưng tôi vẫn không cho là bản thân mình đang thi hành sứ mệnh truyền bá Phật pháp, tôi chỉ là muốn chia sẻ pháp thiền cùng với mọi người. Tôi tin sâu rằng, nếu thuận tiện, có thể dùng Anh ngữ liên lạc với người dân thuộc các quốc gia, giúp họ tiếp thọ các phương pháp và quan niệm thiền  thì nhất định sẽ gây ảnh hưởng tốt đối với nhiều người trên thế gian. Chẳng phải tôi muốn mỗi người đều thành là Phật giáo đồ, nhưng chỉ cần họ trong sinh hoạt thường ngày biết áp dụng pháp thiền thực tiễn thì bất kể là thân tâm họ có kiện khang hay hòan cảnh ưu liệt ra sao, họ đều có thể sống hạnh phúc.

[ Quay lại ]