headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 02/05/2024 - Ngày 24 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KHÔNG CÓ LÒNG TỪ HỮU TÌNH

Hòa thượng Tinh Vân - Đạt ma Chí Hải dịch

Chúng sinh thường có lòng từ với người mà ta yêu thương, gọi là hữu tình với mình. Vì họ cho rằng đối với người họ yêu thương đã có mối nhân duyên với nhau, tức là có đối tượng, có hiện hữu, có cái thuộc về ta, có đối đãi. Ví như trong tình yêu lứa đôi chẳng hạn, người ấy là lẽ sống của đời ta, người ấy phải là sở hữu của riêng ta. Con cái của họ cũng vậy, tình yêu họ dành cho con cái cũng là của họ, nhất thiết người con đó phải là sở hữu của họ. Tình thương yêu đó chỉ dành cho những người nào được xem là của riêng họ, tình yêu đó có tính toán, có trói buộc, có phân biệt … Đó là “hữu tình”. Lòng yêu thương này thường hay che mờ trí tuệ của chúng ta, khiến chúng ta không thể thoát ly sanh tử.

 Thông thường tình cảm của chúng ta đối với mọi người đều có sự sai biệt, đều có nguyên nhân. Cha mẹ, anh em, bạn bè đồng học, đều cùng chúng ta có mối nhân duyên, vì thế ta sẵn lòng từ bi với họ.
 
Lòng từ trong đạo Phật thường hay nói đến là lòng từ “vô tình”. Lòng từ vô tình này không cần có sự liên quan là quyến thuộc hay người dưng. Sự từ bi đó không có tính toán, phân biệt, không vụ lợi, không chiếm hữu, không đối đãi, không thiệt hơn, không giai cấp và cũng không có nguyên nhân gì cả.
 
Hiện tại mọi người lên núi này xuất gia thọ giới. Có nhiều người đồng hạnh, đồng tu giúp đỡ. Nhà thiền dạy: “Lấy vô lý đối với hữu lý.” Hữu lý, vô lý đều là kiền chùy cúng dường. Đó chính là “đập chết những ý niệm đầu để sống lại với pháp thân của mình”. Như khi chúng ta ở trong chúng, thầy nuôi nấng, dạy dỗ cho chúng ta, mà không cần chúng ta phải là của riêng thầy. Tôi tự giác, bản thân tôi rất hạnh phúc, nhà thiền đã cho tôi thể hội được lòng từ vô tình.
 
1.      Vô duyên là lòng từ vô tình

Vô duyên nói đây là không cần phải có sự quan hệ liên đối với nhau. Nó đối với hữu duyên. Vô tình đây là không cần có nguyên nhân, đối với nhau thật vô tư, không suy tính, là đối với hữu tình.
 
Thông thường trong ứng xử, mọi người đối với nhau đều có nguyên nhân, có phân biệt. Ta chỉ sẵn lòng từ bi với người có mối nhân duyên với ta, bằng cảm tính, căn cứ vào sự ràng buộc hữu duyên với nhau như cha mẹ, anh em, bạn bè, thân bằng quyến thuộc, hay người ơn …
 
Người con Phật khi thực hành từ bi nên dùng lòng từ vô tình, lấy sự quan hệ vô duyên mà ứng xử, nghĩa là hạnh từ bi phải thực hành trên tinh thần chân chánh, không thân sơ hay ngoại tộc, không phải là bạn hay thù, người ơn hay kẻ bội, kể cả tôn giáo, màu da … chỉ cần khi anh gặp phải tai ương, tôi liền giúp đỡ anh bằng tất cả tấm lòng, không suy hơn tính thiệt hơn gì cả, lòng từ như thế mới gọi là “Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”, và chỉ khi có lòng từ bi đó, hành giả mới có thể bước lên con đường của Bồ-tát, hòa vào đại ngã vô biên.
 
2.      Không mong báo ân là lòng từ vô tình

Giả như tôi đã chào hỏi thăm anh bằng những lời tốt đẹp, giúp đỡ, hỗ trợ anh trong mọi việc, mà anh không có gì đáp trả lại, tôi cũng không quan tâm. Nghĩa là tôi không mong được anh phải báo đáp. Vì đôi khi báo ân được xem là có mục đích, có tính toán, mưu cầu, là có đối đãi, đó là “Từ bi hữu tình” mà người đời thường đánh giá, người mau báo ơn thường dễ quên ơn.
 
Chúng ta nên làm lợi ích và hóa độ chúng sinh bằng lòng từ vô tình, để cuộc sống có ý nghĩa và mọi người trở nên hướng thiện hơn. Ví như cha mẹ thường rầy la con trẻ để chúng được nên người ; luật pháp trừng trị nghiêm khắc kẻ có tội để xã hội được an ninh, trật tự, đó là lòng từ rộng lớn, là không có chuyện “bánh ít đi, bánh quy lại” gì cả. Lòng từ bi ấy là vô tư, cao thượng không chờ đợi sự báo ân.
 
3.      Công án đánh hét là lòng từ vô tình.

Trước đây trong chốn tùng lâm, chư vị Thiền sư đối với người học thường hay đánh đuổi la hét, đó là công án để giáo dục. Công án này xem như vô tình vô nghĩa, nhưng trên thực tế là đại từ đại bi. Nhiều vị cao tăng đại đức ngay nơi công án ấy mà thành tựu, cũng có một số người tu hành ngay nơi đánh đập la hét mà thành đạo. Như Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền, Thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám, đều nổi tiếng bởi cách khai thị sắc bén trong khi tiếp dẫn người học. Điều mà người ta gọi là “Gậy Đức Sơn quơ như mưa, tiếng Lâm Tế hét như sấm”. Về sau, “Con cháu Lâm Tế đầy trong thiên hạ” lưu lại nhiều giai thoại lý thú trong chốn thiền môn. Hiện trong cửa Phật thiếu vắng các bậc Tổ sư khai thị, nhưng cũng có thể nói rằng, người thời nay không chịu nổi những công án gọi là chửi mắng, đánh đập đó, không kham nổi phương pháp giảng dạy bằng lòng từ bi vô tình này.
 
Khi Phật học viện được sáng lập, điều khó khăn nhất vẫn là việc thiếu các bậc giáo thọ. “Tôi vất vả giúp đỡ họ, dạy phụ đạo … nhưng họ vẫn oán giận tôi. Vì sao tôi phải dấn thân khó nhọc mà không thu được kết quả tốt nhỉ?” Đó là lý do mà không có người sẵn lòng phát tâm đảm nhiệm chức giáo thọ.
 
Người sẵn lòng làm giáo thọ đều có tâm nguyện chân chánh, có lòng từ bi thâm sâu, được các tăng sinh trẻ tuổi quý kính, chúng ta phải có sự cảm ân với những bậc thầy dạy có tâm từ bi vô tình này.
 
4.      Vô tướng là lòng từ vô tình.

Khi đối duyên xúc cảnh chúng ta thường hay dính mắc. Ta và người có quan hệ gì? Tình cảm ra sao? Đối đãi thế nào? Điều này dựa trên hình tướng mà cảm nhận. Nếu không có sự lĩnh hội hình tướng ở bên ngoài, thì thật không dễ dàng cho người học Phật. Kinh Kim Cang nói: “Phàm vật gì có tướng đều là không thật”. Có tướng là có tình, mà có tình thì lòng từ không thể đạt tới cứu cánh. Không tướng thì không tình, đã không tình thì lòng từ bi mới chân thật.
 
Chùa Thê Hà nằm về phía tây dưới chân ngọn Trung Phong thuộc Nhiếp Sơn ở Trung Quốc, thật danh dự khi có Hòa thượng Tuyết Phiền trụ trì. Trước đây ngài là Viện trưởng Phật Học Viện Tiêu Sơn. Tôi và Hòa thượng xa cách hơn bốn mươi năm, bây giờ trông Hòa thượng dường như trẻ lại. Trong ba năm theo học ở Phật học viện Tiêu Sơn, tôi và Hòa thượng gặp nhau trao đổi không quá một câu, lúc chạm mặt dường như tượng gỗ, thật ra tôi và ngài có sự cảm thông nhau qua ánh mắt. Hòa thượng lúc nào cũng trân trọng tôi, bản thân tôi lại đặc biệt cung kính ngài. Tại sao? Vì thời gian ở Tiêu Sơn, tôi cảm nhận được thiện cảm qua ánh mắt của ngài luôn chứa đầy lòng từ bi !
 
Trong chúng ta ai cũng có sẵn tính chất vô tình, nhân khi được thức tỉnh thì liền phát ra lòng từ rộng lớn, có đầy đủ Phật pháp. Hy vọng quý vị có được tâm khiêm tốn thì việc học đạo sẽ rất dễ dàng.
 

[ Quay lại ]