headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 29/04/2024 - Ngày 21 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Phát tâm trường viễn

Trích Thơm Ngát Hương Lan - Hòa thượng Hư Vân - NT – KC – HĐ dịch 

    

Ghi chú : Dù tu bất cứ pháp môn nào thì tâm chuyên nhất và trường viễn luôn là thứ cần thiết đối với một hành giả. Những lời dạy của Hòa thượng Hư Vân, tuy đang tập trung cho pháp tham thoại đầu, nhưng tinh thần tu hành Hòa thuợng nêu lên trong bài viết lại rất cần thiết cho mọi pháp môn. Vì thế, chúng tôi xin trích dẫn lời dạy của Hòa thượng ra đây để chúng ta cùng tham học.

Pháp tu hành nói dễ thì cũng thật dễ, nói khó thì cũng thật khó. Dễ là, chỉ cần các ông buông xả hết, lòng tin chắc thật, phát tâm kiên cố lâu bền thì sẽ được thành công. Còn khó là vì chúng ta sợ cực khổ, chỉ muốn an lạc. Chẳng biết rằng, đối với tất cả pháp hữu vi trên thế gian, ta vẫn phải trải qua học tập mới được thành, huống nữa là học đạo Thánh hiền? Muốn thành Phật thành Tổ mà vội vàng cẩu thả mà có thể thành công sao? Cho nên, điều tối quan trọng là:

1 - Phải có lòng tin kiên cố

Bởi vì, người tu một khi hành đạo tất cả đều không thể tránh khỏi ma chướng. Ma chướng đây tức là những trần lao nghiệp cảnh: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp mà tôi đã giảng hôm qua. Những nghiệp cảnh này chính là oan gia sinh tử của các ông và tôi. Cho nên phần đông các Pháp sư giảng kinh, thường ở trong cảnh giới này mà đứng không vững. Nguyên nhân chính là do tâm đạo không kiên cố.

2 - Phải phát tâm lâu bền

Chúng ta sinh trên đời này tạo nghiệp vô số vô biên, một khi muốn tu hành, liễu sinh thoát tử, há có thể đem mớ tập khí lâu đời ấy buông được hết một lúc hay sao? Như chư Tổ xưa nay thì thiền sư Trường Khánh, ngồi rách đến bảy bồ đoàn, Thiền sư Triệu Châu 80 tuổi mà vẫn còn đi hành cước, 40 năm khán một chữ VÔ, chẳng tạp dụng tâm, sau mới được đại triệt đại ngộ. Yến Vương và Triệu Vương rất kính mộ Sư, thường cúng dường đủ thứ. Đến triều Thanh, Hoàng đế Ung Chính xem Ngữ Lục của Sư thấy quá cao siêu, bèn phong là Cổ Phật v.v... Như thế, chư Tổ đều do một đời khổ hạnh mới dược thành công.

Các ông và tôi hiện nay phải đem những tập khí xấu buông sạch hết, lắng trong một niệm thì sẽ đồng với Phật Tổ. Như trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “Như lóng nước dơ, phải chứa trong một nơi yên tĩnh, lắng lâu đến bất động, cát đất sẽ tự chìm xuống đáy, nước liền trong trẻo... Đây mới gọi là khách trần phiền não. Tới khi đã gạn bỏ hết chất cặn bã rồi, còn thuần là nước trong, mới được gọi là đoạn đứt cội gốc vô minh”. Tập khí phiền não của các ông và tôi giống như bùn cặn, nên phải dùng câu thoại đầu trị. Câu thoại đầu này cũng giống như cục phèn, có khả năng làm cho nước dơ lắng trong (tức là hàng phục phiền não). Nếu người dụng công có kết quả, đến chỗ thân tâm nhất như, bấy giờ cảnh tịnh hiện tiền thì cần phải chú ý, chẳng nên dừng bước nơi đây – phải biết đây chỉ là bước đầu của công phu, phiền não vô minh hẫy còn, chưa đoạn trừ hết. Đó là từ tâm phiền não đi đến chỗ thanh tịnh, cũng như lóng nước dơ thành nước trong. Mặc dù đã  được như thế song cặn bùn còn nằm dưới đáy chưa trừ sạch nên cần phải gia công tiến tới. Người xưa nói: “Nếu gia công chưa tiến bước thì đã nhận hóa thành làm nhà mình, phiền não (bùn nhơ chưa rạn đi) gặp cơ hội sẽ dấy khởi lại”. Trong trường hợp này thì muốn làm một người tu liễu cũng khó. Cho nên cần phải rạn bỏ bùn nhơ đi, còn lại thuần nước trong mới đoạn là đoạn dứt được cội gốc vô minh. Như thế mới thành Phật. Đến lúc vô minh đã đoạn dứt hẳn, thì ông mới có thể tùy nghi tại mười phương thế giới hiện toàn than thuyết pháp. Như Bồ-tát Quán Thế Âm có 32 ứng thân, tùy chúng sinh hợp thân nào, ngài liền hiện thân đó thuyết pháp. Lúc này, thì dù ở trong dâm phòng quán rượu, thai lừa bụng ngựa, thiên đường địa ngục v.v... các ông đều tự do tự tại, không bị câu thúc. Nếu không được như thế thì: “Một niệm sai liền bị luân hồi”.

Thuở trước, Tần Cối đã từng ở trước Bồ Tát Địa Tạng làm Hương Đăng, chỉ vì ông ta không phát tâm trường viễn, vô minh phiền não chưa đoạn nên bị tâm si làm hại. Đây là một thì dụ. Nếu như lòng tin các ông kiên cố, tâm lâu bền bất thối thì dù các ông là một người bình thường thế nào cũng không đáng lo, vẫn có thể thành Phật.

Thuở xưa, tại Chương Châu có một người nghèo khổ vào chùa xuất gia, lòng muốn tu hành nhưng khổ nỗi, không biết tu thế nào cho đúng, cũng không biết thưa hỏi ai. Mỗi ngày ông ta chỉ biết làm các động tác lao nhọc. Hôm nọ, có vị Tăng đi hành cước đến ngôi chùa xin tạm trú, thấy ông ta đầu tắt mặt tối, vị Tăng hỏi:

            - Công phu thường ngày của ông ra sao?

            Ông đáp

            - Hằng ngày tôi chỉ biết làm các công việc nặng nhọc, xin Thầy chỉ giúp tôi phương pháp tu hành!

            Vị Tăng bảo:

            - Ông hãy tham câu “Niệm Phật là ai?” đi!

Ông bèn làm theo lời chỉ dạy của vị khách Tăng. Thường ngày trong lúc công tác, ông đem chữ “AI” đặt vào đầu mình mà chiếu cố. Về sau, ông vào ẩn tu trong Thạch Nham (núi đá), mặc cỏ, ăn cây. Bấy giờ, ba mẹ và chị ông ở nhà, nghe tin ông tu hành trong núi quá khổ, bà mẹ bèn sai người chị mang một mảnh vải và ít vật thực đến hang đá, thấy ông ngồi trên đá, nghe tiếng động vẫn bất động, bèn cất tiếng gọi, ông cũng chẳng đáp, người chị giận quá, liền ném đồ đạc rồi quay về, ông cũng không ngó ngàng chi tới, chỉ nhất tâm ngồi trong động đá tu hành. Trải qua 13 năm, người chị lại đến thăm, thấy mảnh vải và vật thực mình ném lần trước vẫn chưa ai động đến.

Về sau, có một người lánh nạn đến nơi này, đói bụng, thấy Hòa thượng y phục đã rách nát ở trong hang, bèn đến gần hỏi xem có cái gì để ăn không. Vị Hòa thượng bèn đến bên vách đá, lượm vài cục đá bỏ vào nồi, đun chín rồi đem ra cùng ăn với nhau, thấy mùi vị như khoai tây. Người lánh nạn ăn xong liền cáo từ. Vị hòa thượng dặn: “Ông chớ nói với ai chuyện này nhé!”. Một thời gian sau, ông ta nhủ thầm: “Mình tu ở đây nhiều năm rồi, cũng phải đi gieo duyên!”. Thế là ông đi đến Hạ Môn (Ma Cao) cất một túp liều tranh xen đại lộ, đãi trà nước cho người qua lại.

Đến viên hiệu Vạn Lịch (1573 - 1616), đức Hoàng thái hậu, mẹ của Hoàng đế mạng chung, vua muốn thỉnh các bậc Cao tăng làm Phật sự. Trước tiên vua định thỉnh các bậc Cao tăng trong kinh thành, nhưng vì bây giờ trong Kinh không có Đại đức Cao tăng, Hoàng thái hậu liền báo mộng cho Hoàng đế Vạn Lịch hay là ở Chương Châu, Phước Kiến có bậc Cao tăng. Hoàng đế bèn sai người đến Chương Châu rước rất nhiều Tăng sĩ vào Kinh làm Phật sự. Chư Tăng đều mang hành lý tề chỉnh vào Kinh đô. Khi thấy họ đi ngang qua chỗ mình, vị Tăng già kia bèn hỏi:

                - Chư Sư hôm nay đi đâu mà hoan hỷ quá vậy?.

Mọi người đáp:

              - Chúng tôi vâng lệnh vua về Kinh làm lễ cầu siêu cho Hoàng thái hậu.

             - Cho tôi đi với được không?

             - Bộ dạng ông khổ quá, làm sao mà đi chung cho được?

             - Tôi không thể tụng đám nhưng có thể gánh giùm hành lý cho quí vị, hãy cho tôi theo để xem kinh đô đẹp đến cỡ nào nhen?

 Mọi người đồng ý cho ông đi theo gánh hành lý.

Bấy giờ Hoàng đế biết rõ con đường mà chư Tăng phải đi qua, bèn cho người đem bộ Kinh Kim Cang ra chôn ở dưới cổng ra vào. Chư Tăng thảy đều không biết nên cứ thong thả bước qua đi vào hoàng cung, chỉ riêng vị Hoàng thượng có bộ dạng khổ não, lúc đi đến đó thì quỳ gói chắp tay, chẳng chịu bước qua. Mọi người thấy vậy bèn cất tiếng gọi, thúc ông tiến  bước nhưng ông vẫn không chịu. Ngài gác cổng bèn tâu với Hoàng đế. Bấy giờ, Hoàng đế biết là Thánh tăng đã đến, bèn thân hành ra đón, hỏi:

            - Vì sao Thầy chẳng chịu vào?

            - Dưới đất có Kinh Kim Cang nên tôi chẳng dám bước qua.

            - Sao không lộn ngược mà đi?

            - Vị Tăng nghe nói bèn chống hai tay xuống đất chỏng hai chân lên trời, phóng mình một cái, nhảy xa hơn một thước mà vào. Hoàng đế rất kính trọng, rước Sư vào cung đình khoan đãi, hỏi cách lập đàn làm lễ cầu siêu. Sư bảo:

            - Vào canh năm sáng mai khai đàn, chỉ cần lập một cái đàn, treo một bức phan, bày chút đỉnh hương đèn, trái cây là được rồi.

             Lúc ấy Hoàng thượng trong lòng không vui, vì thấy đàn tràng không long trọng, cũng lo thầm vị Tăng không có đạo đức. Song vua vẫn thiết lập đàn tràng đơn giản y theo lời Sư dạy. Hôm sau, Sư thăng tòa thuyết pháp, lên đài cử hành nghi thức xong, Sư cầm tràng phan đến trước bàn vong, nói:

            -  Tôi vốn không định đến đây, chỉ vì bà có lòng thương muốn mời – một niệm vô sinh liền được lên cõi trời.

Làm lễ xong, Sư nói với nhà vua:

            - Xin mừng Thái hậu đã giải thoát.

Hoàng đế còn hồ nghi, cho là chưa hoàn thành, vì e chưa đủ công đức. Trong lúc đang nghi ngờ thì bỗng nghe trong cung có tiếng Thái hậu nói:

            - Hoàng đế hãy lễ tạ thánh tăng đi, mẹ đã được siêu thăng rồi.

Nhà vua vừa sợ vừa mừng vội lạy tạ ân, rồi truyền thiết trai trong nội đình cúng dường. Lúc ấy, vị tăng thấy nhà vua mặc chiếc quần gấm, chăm chăm nhìn không chớp mắt, vua hỏi:

            - Đại đức có thích cái quần này không?

Và cởi tặng cho Sư. Sư nói:

            - Cảm ơn.

Nhà vua phong cho vị Tăng là Long Khố Quốc Sư. Thọ trai xong, vua mời Sư dạo vườn xem hoa, trong vườn có một bảo tháp, vị Tăng trông thấy bảo tháp có vẻ vui lắm, bồi hồi chiêm ngưỡng. Vua nói:

            - Quốc sư thích ngôi tháp này a?

            - Tháp đẹp quá!

            - Trẫm có thể dâng tặng Sư tháp này.

            Vua bèn ra lệnh hạ tháp để đem đến Chương Châu xây dựng lại. Sư nói:

            - Chẳng cần dỡ tháp, tôi sẽ mang nó đi!

            Vừa nói Sư vừa cầm ngọn tháp, đặt vào tay áo rồi bay lên hư không, đi mất. Nhà vua vừa sợ, vừa mừng, tán thán là chưa từng có.

            - Chư vị hiểu câu chuyện này ra sao? Chính nhờ từ lúc xuất gia trở đi, vị Sư đó không tạp dụng tâm, đạo tâm kiên cố. Chị đến thăm cũng chẳng đoái, áo quần rách nát cũng chẳng quản, bỏ mặc manh vải suốt 13 năm trời không quan tâm đến. Các ông và tôi hãy tự xét lại mình. Có thể nào dụng công như vị Sư ấy được chăng? Đừng nói từ sáng đến tối, thấy chị mình đến không thèm ngó tới là việc không làm nổi. Nội việc đang chỉ tịnh đây, thấy người Giám hương đi đốt nhang hoặc người bên cạnh có chút động tịnh gì là cũng đưa mắt liếc họ một cái. Dụng công như thế thoại đầu làm sao thuần thục được? Chư vị chỉ cần bỏ bùn giữ nước lại, nước trong thì tự nhiên trăng hiện. Hãy khéo léo đề khởi thoại đầu. Tham đi!

[ Quay lại ]