headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 30/03/2024 - Ngày 21 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Thượng Hải)


THƯỢNG HẢI

Ngày 19-5-2007
 Tàu đến Thượng Hải vào lúc 6h30 phút. Ăn sáng và nghỉ ngơi lấy lại sức xong, chúng tôi được đưa đến thăm viếng chùa Ngọc Phật. Thượng Hải là trung tâm kinh tế lớn nhất của Trung Quốc và là cảng khẩu nổi tiếng quốc tế, nên nó là thành phố trực thuộc trung ương, diện tích 6.340km2. Nam bắc dài 120km, đông tây dài 100km, dân số 13 triệu.

Thành phố ở vào vị trí trọng điểm tuyến bờ biển bắc nam tại vùng đông bộ Trung Quốc, đây là hòn châu sáng nơi cửa biển với dòng Trường giang, tuyến giao thông hoàng kim của thành phố cảng. Là một thành phố lớn nhất nước, giàu chỉ thua Bắc Kinh thì dĩ nhiên hào nhoáng, hoa lệ với những khu chung cư mới được thiết lập, cao 70, 80 tầng, sánh vai ngang tầm với những thành phố văn minh trên quốc tế.
Đoạn bờ sông Hoàng Phố kéo dài 2km từ cầu Bạch Độ đến đường Diên An Đông được gọi là bến Thượng Hải, hòn ngọc về đêm của Trung Quốc, cực kỳ diễm lệ. Đứng tại đây nghe mát lạnh vì nước dưới sông thổi lên. Tàu thuyền lớn nhỏ, đủ dáng đủ cỡ, lộng lẫy sang trọng, lững lờ trên sông như một hội hoa đăng. Những tòa nhà cao tầng san sát có phong cách kiến trúc khác nhau chính là trụ sở lãnh sự quán, tổng hội, các công ty, tòa soạn do các nước đến đây năm xưa đã thiết lập.
Tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu nổi bật giữa nền trời đầy sao và ánh đèn của Thượng Hải, làm lóa mắt người dân quê vốn không quen đặt chân đến những chỗ này. Tháp được khởi công vào ngày 30-07-1991 và hoàn thành vào ngày 01-10-1994, cao 468m, là tháp cao nhất tại châu Á và đứng hàng thứ ba trên thế giới. Lộng lẫy kiêu sa giữa thành phố hoa đăng về đêm. Trăm hoa đua nở khiến Thượng Hải trở thành bảo tàng kiến trúc đa quốc gia. Thật là phồn hoa đô hội có khác!
Vào những năm 90 của thế kỷ XX, Thượng Hải đã và đang vươn mình lớn dậy trong một sức trẻ, khỏe và đầy tiềm năng. Một loạt các cơ sở hạ tầng mới xây dựng tại khu vực phố Đông đã liên tiếp mọc lên và đưa vào sử dụng, trong đó có đường hầm qua sông Hoàng Phố dài 2km là lạ nhất đối với chúng tôi. Khi xe chạy trên đoạn đường này, có vị trong đoàn thắc mắc sao không thấy nước trên đầu? Ngộ hơn, có vị lại lo đường hầm mà lủng, nước sẽ tràn vào, chạy không kịp, chết hết cho mà coi!
Tuy tiếng tăm về một Thượng Hải như vậy, nhưng nhà tu chúng tôi cũng chỉ hữu duyên với những mái chùa. Cho nên phải về chùa thôi. Đời sống tâm linh của người dân Thượng Hải cũng chính là những mái ấm già-lam. Chùa Ngọc Phật, chùa Tịnh An, chùa Long Hoa… lúc nào cũng hương khói nghi ngút.
Chùa Ngọc Phật là ngôi chùa nổi tiếng vùng Giang Nam, nằm trên đường An Viễn, thuộc quận Phổ Đà. Đặc biệt trong chùa có hai pho tượng Phật ngồi và nằm làm bằng ngọc trắng, ngọc xanh được thỉnh về từ Myanmar. Chùa được kiến tạo vào năm 1918, kiến trúc mang phong cách đời Tống, kết cấu hài hòa, đường nét nhu nhuyến. Theo thứ tự trục giữa của chùa là điện Thiên Phật, Đại Hùng Bảo Điện, lầu Ngọc Phật. Kiến trúc hai bên là Ngọa Phật Đường, Quan Âm Điện và Trai đường.
Năm thứ 8 vua Quang Tự đời Thanh (1882), Pháp sư Huệ Can ở Phổ Đà sơn đi tham bái Ngũ Đài sơn, Nga My sơn. Sau đó đi luôn qua Tây Tạng, Ấn Độ, Myanmar. Ngài được sự giúp đỡ và tài trợ của Hoa kiều địa phương, đã xẻ núi đá lấy ngọc, tạc thành năm pho tượng Phật ngọc. Pháp sư dùng thuyền thỉnh các tượng Phật về Phổ Đà sơn. Khi đi ngang vùng Thượng Hải thì gặp bão to nên phải lên bờ tạm trú. Bão tan, Pháp sư chuyển tượng Phật lên thuyền thì thấy quá tải, nước tràn vào không thể đi được. Thế là dân Thượng Hải bảo mình có duyên với Phật, nên thỉnh cầu pháp sư để lại đây hai tượng. Đó là một tượng Phật ngọc ngồi và một tượng Phật ngọc nằm. Pháp sư hoan hỷ, vì thế ngôi chùa Ngọc Phật này mới ra đời.
Trước kia chùa ở thị trấn Giang Vĩnh, cách Thượng Hải 70km. Đến năm 1918 Thượng Hải xảy ra chiến tranh, chùa bị hủy hoại. Để bảo vệ hai tượng Phật, dân chúng tạm thỉnh về nhà thờ phụng. Sau đó, tình hình ổn định, họ xây chùa ở ngoại ô cũng lấy tên Ngọc Phật Tự rồi thỉnh hai Ngài về chùa. Không ngờ chẳng bao lâu vùng ngoại ô ấy biến thành trung tâm thành phố với chi chít nhà cửa lầu đài như ngày nay. Đủ thấy tốc độ phát triển của Thượng Hải nhanh chóng như thế nào.
Chúng tôi được hướng dẫn vào đảnh lễ hai tượng Phật ngọc này. Quả là chất liệu ngọc nguyên thanh rất đẹp và sáng. Nghệ thuật điêu khắc tinh tế, đường nét thanh tú, dáng Phật an nhiên, nghi dung siêu thoát, sáng đẹp lạ thường. Tượng Phật ngồi cao 1,92m, nặng hơn 1 tấn. Những tủ thờ ở hai bên cũng là nơi an trí Đại Tạng kinh, hơn 7.000 quyển, khắc bằng gỗ đời Thanh. Căn điện phía tây là Ngọa Phật Điện, thờ tượng Phật nằm dài 96cm. Đây là tượng lúc Phật nhập Niết-bàn, đôi mắt khép lại trên một khuôn mặt hiền từ vô bờ.
Chỉ hai tượng này đủ để nói lên cả cuộc đời Như Lai. Tu hành, giáo hóa chúng sanh và an nhiên thị tịch. Tất cả đều an lành, thanh thoát và rất gần gũi với con người, mang dáng dấp con người, chớ không phải loài khác. Chiêm ngưỡng bất cứ tượng Phật nào, chúng ta cũng thấy diện mục Như Lai luôn sáng, vui và hiền. Làm Phật thì phải như vậy. Chớ tối, buồn và không hiền như mình thì không ai thèm tạc tượng đâu. Cho nên muốn hoàn mỹ như đức Phật trước tiên phải dọn dẹp bên trong cái đã. Trừ sạch cáu bẩn rồi, ánh sáng trí tuệ tự nhiên chiếu tỏa. Chuyện này ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng làm được. Điều này tùy thuộc vào lòng chí thành và sự quyết tâm của mỗi chúng ta.
Rời chùa Ngọc Phật, chúng tôi viếng chùa Tịnh An. Sau đó dùng trưa. Buổi chiều dành thời gian cho quý Phật tử đi phố Nam Kinh mua sắm, vì Thượng Hải nổi tiếng là thiên đường mua sắm mà. Tối tham quan bến Thượng Hải cho biết.
Một ngày đã trôi qua. Đêm nay nghỉ lại Thượng Hải. Lòng cũng chỉ hướng về núi cao rừng thẳm, nơi ẩn thân của những nhà tu, không quen với phố thị người đông.

Ngày 20-5-2007
Ngày và đêm hôm nay được nghỉ trọn vẹn trên tàu. Đoàn rời Thượng Hải vào lúc 9h50 phút sáng để đi Thiều Quan, về thăm non nước Tào Khê. 

 Còn tiếp...

[ Mục Lục ]

[ Quay lại ]