headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Sơn Tây-TT)


BỒ TÁT ĐỈNH

 Ngày trước, khách hành hương muốn lên Bồ-tát Đỉnh phải đi bộ từ trị trấn Đài Hoài lên quần thể các tự viện trước, sau đó leo 108 bậc thang mới tới Bồ-tát Đỉnh. Có lẽ bây giờ đi dễ quá, nên ít ai được gặp Bồ-tát, chỉ đảnh lễ tôn tượng của Ngài mà thôi. Nói như vậy cũng không đúng. Bởi vì, thật ra Bồ-tát có mặt trên khắp nhân gian, trong mọi ngõ ngách hang hẽm của cuộc đời, chớ không phải chỉ ở Ngũ Đài sơn, nhưng vì tâm chúng ta chưa đủ thiện lành nên không nhận ra được Bồ-tát đó thôi.

Thiện Tài đồng tử khi đảnh lễ cầu Bồ-tát Văn-thù chỉ giáo về Bồ-tát hạnh, Ngài đã dạy:
- Này thiện nam tử! Nếu có chúng sanh phát tâm vô thượng Bồ-đề, đây là việc rất khó. Đã có thể phát Bồ-đề tâm rồi lại cầu Bồ-tát hạnh, việc này càng khó gấp bội. Này thiện nam tử! Nếu muốn thành tựu nhất thiết chủng trí, thời phải quyết định cầu khẩn thiện tri thức. Cầu thiện tri thức chớ có mỏi lười. Thấy thiện tri thức chớ có nhàm đủ. Thiện tri thức có dạy bảo điều chi đều phải tùy thuận. Nơi thiện xảo phương tiện của thiện tri thức chớ thấy lỗi lầm.
  (kinh Hoa Nghiêm)
Thế là từ đó, Thiện Tài bắt đầu cuộc hành trình đi tìm thiện tri thức. Đi trong tinh thần tùy hỷ, không lười mỏi, không thấy đủ, luôn kính trọng và không thấy lỗi lầm của các bậc thuận cũng như nghịch hạnh tri thức. Đi từ núi cao tới rừng sâu, vào trong biển lớn, qua phố chợ, đến thành ấp tụ lạc, khắp mọi hang cùng ngõ cụt… để tìm học và thân cận các bậc thiện tri thức. Các ngài là những Bồ-tát, những Tỳ-kheo, những thiện thần, những Dạ-xoa, La-sát, những nam, những nữ, những sang, những hèn, những già, những trẻ… tất cả, Thiện Tài đều cúi đầu cung kính cúng dường, một lòng cầu đạo Bồ-tát. Vì vậy, cuối cùng đồng tử mới vào được lầu các Di-lặc, đảnh lễ Bồ-tát Di-lặc và được chỉ dạy. Sau đó Ngài bảo Thiện Tài hãy quay lại với Bồ-tát Văn-thù, cầu giáo huấn để tiếp tục đi cho hết đạo lộ Bồ-tát của mình.
Đọc đoạn kinh Hoa Nghiêm trên thì biết chư Bồ-tát luôn có mặt bên cạnh chúng ta, trong mỗi sát-na hiện sinh này. Nhưng chính chúng ta lại cô phụ quý ngài. Trong đời sống thường nhật ta vẫn thường có thái độ trọng phú khinh bần. Ta chỉ cúi đầu chắp tay với các bậc tôn trưởng, hoặc khép nép trước những ai có uy thế, giúp người ta thương, bỏ kẻ ta ghét. Với người, một chút trung ngôn đã nổi sân, đôi lời nghịch nhĩ đã tái sắc, tâm Bồ-đề dễ thối chuyển khi gặp cảnh trái ý nghịch lòng. Đâu ngờ đó chính là hiện thân của Bồ-tát giữa cuộc đời. Do vậy chúng ta không hạnh ngộ Bồ-tát bao giờ. Ngày nào, theo bước chân Thiện Tài, chúng ta đi vào khắp nhân gian, trải lòng học đạo với tất cả muôn loài, có lẽ ngày ấy ta sẽ đón nhận được nguồn hạnh phúc lớn nhất trên đời, là gặp lại Bồ-tát Văn-thù nơi chính mình.
Từ xa, Bồ-tát Đỉnh hiện ra với một quần thể kiến trúc đền điện rất lớn, chớ không phải nhỏ xíu như ta thấy dưới núi. Chùa có hơn 430 phòng ốc và lâu các, chiếm một diện tích là 27.000m2. Ngoài cổng chùa có bức tường chạm nổi chín con rồng phun nước rất hoành tráng. Xe chạy vòng ra ngã sau, vì thế chúng tôi lên chùa từ ngã sau. Qua các dãy nhà Tăng Ni, tham quan cái nồi đồng tại nhà bếp, đường kính 1m7, sâu 1m3. Nồi này hồi xưa dùng để nấu thức ăn cho Tăng Ni tại đây. Ngày nay vẫn dùng để nấu cháo bố thí cho bá tánh vào những ngày lễ lớn của Phật giáo.
Đoàn vòng lên phía trước là đến Văn-thù Điện. Khoảng sân trước Văn-thù Điện khá rộng. Nơi đây hãy còn tấm hoành đá đề bốn chữ “Ngũ Đài Thánh Cảnh” do vua Khang Hy đề tặng. Các bia đá cổ xưa dựng đứng ngoài sân thật trầm lặng, cứng cỏi theo màu thời gian. Chư Tăng Ni và Phật tử vào lễ Bồ-tát Văn-thù. Tất cả đều xúc động và vô cùng sung sướng, thật không ngờ có ngày mình lên tới đỉnh Văn-thù! Nhưng gặp Bồ-tát hay không còn tùy tâm, tùy duyên của mỗi vị. Truyền thuyết về tượng Bồ-tát Văn-thù ở đây được kể lại như sau:
Đời nhà Đường, năm Trinh Quán thứ 5, có vị Trụ trì hiệu Pháp Vân, muốn tạc tượng đức Văn-thù. Sư liền mời một nhà điêu khắc tên là An Sinh tới tạc. An Sinh hỏi Sư muốn tạc tượng như thế nào, Sư không đáp được. An Sinh cố tưởng tượng ra Bồ-tát và ngày đêm chăm chỉ tạc. Tạc ra 6 pho tượng, nhưng pho nào cũng bị nứt hay gãy. An Sinh liền ăn chay, gìn giữ thân tâm thanh tịnh, rồi quỳ xuống khẩn cầu “Con cầu xin Bồ-tát, con đã tạc nhiều tượng Phật, nhưng chưa bao giờ bị thất bại như vầy. Hôm nay con chí thành khấn nguyện, cúi xin Ngài thị hiện cho con được thấy tận mắt, để con tạc tượng Ngài thật đúng và thành tựu viên mãn”. Nguyện xong, ông ngẩng đầu lên, thấy hào quang rực rỡ, trong hào quang hiện ra đức Văn-thù cỡi kim sư. Lát sau, Ngài bay lên không trung biến mất. An Sinh mừng rỡ, y theo hình tướng đã thấy mà tạc tượng Ngài.
Tượng do An Sinh tạc ra đặt ở ngọn đồi phía bắc của Đại Hoa Nghiêm tự. Ngọn đồi được đặt tên là Văn-thù đài, rồi xây cất tự viện gọi là Bồ-tát Thị Hiện Các vào đời nhà Tống. Sang năm Vĩnh Lạc thứ nhất đời nhà Minh, đổi tên là chùa Đại Văn-thù, dân gian gọi nôm na là chùa Bồ-tát Đỉnh. Lúc đầu chùa theo phái Đại thừa chính thống, sang năm Đồng Trị thứ 13 đời nhà Thanh, chùa đổi sang phái Lạt-ma.
Hữu cảm tất ứng, điều này xưa nay luôn như thế. Hãy hết lòng phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Như Lai, là hành hạnh Bồ-tát. Đây là lời Phật dạy. Trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ-tát Di-lặc đã tán thán Bồ-tát Văn-thù với Thiện Tài đồng tử như thế này:
- Này Thiện nam tử! Văn-thù-sư-lợi có hạnh quảng đại, nguyện vô biên, xuất sanh tất cả Bồ-tát, công đức không thôi dứt. Văn-thù-sư-lợi thường làm mẹ của vô lượng chư Phật, làm Thầy của vô lượng Bồ-tát, giáo hóa thành tựu vô lượng chúng sanh…
Bồ-tát Văn-thù là mẹ của chư Phật, là Thầy của vô lượng Bồ-tát vì Ngài là căn bản trí. Nếu không có trí này dẫn đạo làm sao chư Phật và Bồ-tát thành tựu được quả vị của các Ngài. Thật ra, Bồ-tát Văn-thù là một vị cổ Phật, bằng hóa thân của một vị Bồ-tát, Ngài đến với chúng sanh để khai mở trí tuệ chân thật sẵn có nơi tất cả muôn loài. Chúng ta phát tâm tu hành cũng là nhờ nguồn trí tuệ này thúc đẩy. Trong suốt quá trình tu hành, người con Phật mỗi mỗi đều đi theo sự chỉ đạo của trí tuệ chân thật thì sẽ được chuyển hóa, dần dần dứt sạch ba nghiệp và đi đến thành tựu viên mãn Bồ-đề. Cho nên nói Bồ-tát Văn-thù giáo hóa thành tựu vô lượng chúng sanh.
Vâng lời Bồ-tát Di-lặc, Thiện Tài đồng tử quay trở lại tìm Bồ-tát Văn-thù và được Ngài áp tay lên đầu mà chỉ dạy:
- Lành thay! Này Thiện nam tử! Nếu rời tín căn thì tâm yếu kém, lo sợ ăn năn nên công hạnh chẳng tròn đủ, thối thất tinh cần. Nơi một thiện căn sinh lòng trụ trước, với chút công đức đã cho là đủ, chẳng thể phát khởi hạnh nguyện, chẳng được thiện tri thức nhiếp thọ, chẳng được Như Lai ức niệm, chẳng biết pháp tánh như vậy, công hạnh như vậy… không thể biết hết, biết nhiều, biết rõ, biết tột nguồn cội, hướng nhập giải thoát, chứng biết và chứng đắc giải thoát. Tất cả những điều trên đều không thể được.
Với tinh thần Hoa Nghiêm, hành giả khi phát tâm cầu vô thượng Bồ-đề thì tín căn là yếu tố quan trọng nhất. Tin cái gì? Tin mình có khả năng thành Phật. Tin tuyệt đối như vậy. Trong câu chuyện của Lạt-ma Yahden ở trên, Bồ-tát đòi vị sư “cả trái tim”, trái tim đó chính là lòng tin này. Do tin mới tha thiết cầu đạo, mạnh mẽ tiến đạo. Do tin mới chuyên cần và quyết chí tu hành tới nơi tới chốn. Do tin nên Thiện Tài mới có thể trải qua cuộc hành trình đi tìm 53 vị thiện tri thức đầy gian nan, mà lòng không hề nhàm mỏi. Trên đạo lộ đi đến giác ngộ giải thoát, chúng tôi vẫn thường tự nhủ lòng, hãy giữ lấy nhịp đập của trái tim Bồ-tát mà lên đường, mà thắp sáng niềm tin, thành tựu đại nguyện vô cùng.
Trong nhà thiền, có câu chuyện liên hệ tới Bồ-tát Văn-thù khá kỳ lạ:
Thiền sư Văn Hỷ (280-899) lên Ngũ Đài sơn ở chùa Hoa Nghiêm, sang lễ bái hang Kim Cang, gặp một ông già dắt trâu đi, mời Sư vào chùa. Đến chùa, ông gọi: Quân Đề! Có đồng tử: Dạ, ra đón. Ông già thả trâu, dẫn Sư vào trong, Sư nhìn thấy nhà cửa đều hiện sắc vàng. Ông già ngồi trên giường, chỉ cái đôn bảo Sư ngồi. Ông già hỏi:
- Vừa ở đâu đến?
Sư thưa:
- Ở phương nam đến.
- Phương nam Phật pháp thế nào?
- Đời mạt pháp Tỳ-kheo ít giữ giới luật.
- Chúng nhiều ít?
- Hoặc ba trăm, hoặc năm trăm.
Sư hỏi lại:
- Ở đây Phật pháp thế nào?
- Rắn rồng lẫn lộn, phàm thánh chung ở.
- Chúng nhiều ít?
- Trước ba ba, sau ba ba.
Đồng tử dâng trà và tô lạc, Sư dùng vào cảm thấy tâm ý sảng khoái.
Ông già đưa chung pha lê lên hỏi Sư:
- Phương nam lại có cái này chăng?
Sư thưa:
- Không.
- Hằng ngày lấy cái gì uống trà?
Sư không đáp được. Thấy bóng mặt trời xế chiều, Sư hỏi:
- Tôi xin nghỉ lại một đêm ở đây được chăng?
Ông già bảo:
- Ông còn chấp tâm chẳng được nghỉ.
- Tôi đâu có chấp tâm.
- Ngươi đã thọ giới chưa?
- Thọ giới đã lâu.
- Ngươi nếu không chấp tâm đâu cần thọ giới.
Sư từ tạ trở xuống. Ông già sai đồng tử tiễn chân.
Sư hỏi đồng tử:
- Trước ba ba sau ba ba, là nhiều ít?
Đồng tử gọi:
- Đại đức!
Sư ứng thanh: Dạ!
Đồng tử bảo:
- Ấy nhiều ít?
Sư lại hỏi:
- Đây là chỗ gì?
Đồng tử đáp:
- Đây là chùa Bát-nhã trong hang Kim Cang.
Sư buồn bã, biết ông già đó là Văn-thù mà không thế nào gặp lại được.
Sư đảnh lễ Đồng tử xin một câu khi từ biệt. Đồng tử nói kệ:
            Diện thượng vô sân cúng dường cụ
            Khẩu lý vô sân thổ diệâu hương
            Tâm lý vô sân thị trân bảo
            Vô cấu vô nhiễm thị chân thường.
Dịch:
            Trên mặt không sân là cúng dường
            Trong miệng không sân xuất diệu hương
            Trong tâm không sân thật trân bảo
            Không nhơ không nhiễm ấy chân thường.

Nói xong, Quân Đề và chùa đều ẩn, chỉ thấy trong mây năm sắc Văn-thù cưỡi Kim Mao sư tử qua lại, chợt có cụm mây trắng từ phương đông bay qua che lấp.
Niên hiệu Hàm Thông năm thứ ba (862), Sư đến Hồng Châu lại viện Quan Âm yết kiến Ngưỡng Sơn. Qua câu nói, Sư liền khế ngộ bản tâm. Ngưỡng Sơn cử Sư xung chức Điển tọa.
Sư nấu cháo, thường thấy Văn-thù hiện trên nồi cháo. Sư lấy cây giầm quậy cháo đập, nói:
- Văn-thù tự Văn-thù, Văn Hỷ tự Văn Hỷ.
Văn-thù nói kệ:

                Khổ hồ liên căn khổ,
                Điềm qua triệt đới điềm.
                Tu hành tam đại kiếp,
                Khước bị lão tăng hiềm.
Dịch:
                Dưa đắng gốc vẫn đắng,
                Dưa ngọt rễ cũng ngọt.
                Tu hành ba đại kiếp,
                Lại bị lão tăng đòn.

                Thiền sư Trung Hoa – HT. Thanh Từ

Ngài Văn Hỷ khi chưa ngộ, Bồ-tát hiện trước mặt cũng không biết. Khi ngộ rồi, chẳng cần tìm Bồ-tát vẫn cứ đến. Ngày trước còn kẹt chấp nên bị đuổi xuống núi. Bây giờ đã rỗng thông nên chẳng chút quan ngại. Bồ-tát hiện ra bên ngoài đâu bằng Bồ-tát nơi chính mình. Bất cứ hình ảnh hay niệm tưởng nào hiện lên đều không phải là mình, đều phải phá dẹp. Cho nên thiền sư nói “Văn Hỷ tự Văn Hỷ”. Đó chính là quan yếu then chốt của nhà thiền. Tuy nhiên, con đường thẳng tắt này rất trơn. Hành giả phải khiêm tốn, cẩn thận, coi chừng té.
Lòng ta bất an vì vương vấn mãi điều gì là kẹt chấp, là si ám thì dù ở cảnh thiền môn nghiêm tịnh, nửa đêm cũng cuốn gói ra đi. Đó là đã bị đuổi xuống núi rồi. Giữa dòng đời uế trược không một chỗ dung thân. Chỉ tại mình không thắp lên ngọn đuốc trí tuệ, nên không thể an trụ trên đất Phật mà thôi, chớ có Bồ-tát nào lại xua đuổi chúng sanh. Tâm điên đảo hỗn loạn với tham sân si dẫy đầy, đã đốt sạch hết lâu đài trí tuệ và từ bi trong ta rồi, mình trở thành kẻ cùng tử lang thang. Nghĩ như vậy, thật đau xót trong lòng.
Chúng tôi tiếp tục tiến lên Đại Hùng Bảo Điện. Hai bên Chánh điện là lầu chuông, lầu trống. Từ sân chùa nhìn xuống, cả thị trấn Đài Hoài chìm lặng trong một vùng núi non tĩnh mịch. Những đỉnh tuyết mênh mông xen lẫn giao hòa giữa đất trời. Nổi bậc nhất là Đại Bạch Tháp, trắng muốt giữa nền trời xanh thẳm. Và chùa và điện… nghìn năm còn đó khói hương ngát tỏa.
Hương giới, hương định và hương tuệ,
Hương giải thoát, giải thoát tri kiến,
Đài mây sáng rỡ trùm pháp giới,
Cúng dường Tam bảo khắp mười phương.
Nhìn thẳng ra phía trước, cổng tam quan bằng gỗ được dựng lên từ năm Khang Hy thứ 53 đời nhà Thanh. Đường nét chạm trổ rất công phu, mỹ thuật. Mái tam quan ba tầng lợp ngói vàng. Ngay giữa cổng có bức hoành với bốn chữ “Linh Phong Thắng Cảnh” do chính vua Khang Hy cẩn bút. Sau đó là 108 bậc thang nổi tiếng của Bồ-tát Đỉnh. Mỗi bậc đá là một nấc thang đỡ chân muôn vạn người lên tìm Bồ-tát. Từ vua quan đến thứ dân, từ tăng đến tục… đã nối nhau trên con đường thướng sơn, tìm lại nguồn ánh sáng của đại trí vô biên.
Theo 108 bậc thang đá, chúng tôi lần xuống chùa Hiển Thông.

CHÙA HIỂN THÔNG 

Chùa Hiển Thông là ngôi chùa lớn nhất và cũng cổ xưa nhất ở Ngũ Đài sơn. Cổng chính của chùa rất nguy nga, trông tựa như cổng hoàng cung, chiều ngang khoảng 10m, chiều sâu 4m hay 5m, phía trên có bốn chữ vàng “Đại Hiển Thông Tự”, nổi bật trên nền màu xanh.
Chùa xây vào năm thứ 11, niên hiệu Vĩnh Bình (năm 68 sau công nguyên), đời vua Hán Minh Đế và được đặt tên là Đại Linh Thứu Tự. Sang đến đời Đường, hoàng đế Võ Tắc Thiên đã cúng chùa bộ kinh Hoa Nghiêm, do đó chùa được đổi tên là Đại Hoa Nghiêm Tự. Đến triều Minh (1576 TL), chùa đổi tên là Vĩnh Minh Tự. Sau này vua Thuận Trị nhà Thanh trùng tu lại và đặt tên là Đại Hiển Thông Tự.
Chùa tọa lạc trên 4 mẫu đất, gồm 200 phòng, chia làm ba phần: phần giữa là các điện thờ, hai bên là các dãy nhà thiền. Từ ngoài vào trong có 7 dãy điện: Tiền Điện, Đại Văn-thù Điện, Đại Hùng Bảo Điện, Vô Lượng Điện, Thiên Bát Văn-thù Điện, chùa đồng và Hậu Điện. Hầu hết những ngôi điện này được tu sửa lại hoặc xây cất thêm vào đời nhà Minh, nhà Thanh.
Bước vào bên trong, đón khách là những cội tùng già cả ngàn năm tuổi. Bóng rợp mát sân chùa, tàn phủ xanh mái ngói. Sống trong ngôi đại già-lam cổ kính nên chúng cũng uy nghiêm, cứng cỏi lạ thường. Thật đáng gọi là “núi dựng, tùng già ôm bóng cả”. Thích quá, chúng tôi quanh quẩn dưới bóng tùng mãi và thật luyến tiếc khi phải tiếp tục đi vào bên trong.
Đại Văn-thù Điện và hai căn nhà bát giác nằm hai bên được xây vào năm Khang Hy thứ 46 đời nhà Thanh. Mỗi căn dựng một bia đá trắng cao 3m, rộng 1m. Tấm bia bên trái có bút tự của vua Khang Hy. Vì vậy người ta gọi đây là Khang Hy Bi. Nhà vua có nét chữ xuất thần, rất đẹp, lại ngưỡng mộ Phật pháp, nên trong các ngôi cổ tự lớn, nổi tiếng của Trung Quốc đều có bút tích của ông. Tấm bên phải không có chữ, người ta gọi là Vô Tự Bi. Tại Văn-thù Điện có câu đối nói về Pháp thân và Văn-thù rất hay:

                    Pháp thân vô khứ vô lai, trụ tịch oai nghi bất động,
                    Đức tướng phi không phi hữu, ứng tùy cơ dĩ hằng châu.
Dịch:
                    Pháp thân không đi không đến, trụ trong oai nghi bất động,
                    Đức tướng chẳng có chẳng không, ứng hiện tùy cơ cùng khắp.

Kế đến là Đại Hùng Bảo Điện. Sân giữa Đại Hùng Bảo Điện và Văn-thù Điện có một cái đồng hồ bằng đá, dùng ánh sáng mặt trời để xem giờ. Qua Vô Lượng Điện, đến Thiên Bát Văn-thù Điện. Sau điện này là một sân rộng. Khách bước lên khoảng 10 bậc thang nữa thì tới ngôi điện bằng đồng. Ngôi điện này có từ thời nhà Minh, năm Vạn Lịch thứ 38. Trước điện có bia đá khắc bốn chữ “Thanh Lương Diệu Cao”. Đây là bút tự của Đại sư Diệu Phong, Ngài là thầy của mẹ vua Vạn Lịch.
Ngôi chùa bằng đồng đen này nặng 50.000kg, có nhiều mái cong, ngang 5m, cao 8m, dựng trên 4 cột đồng vuông cạnh. Kiến trúc thật độc đáo. Giữa điện có tượng đồng Bồ-tát Văn-thù cao 1m. Hai bên có hai bảo tháp nhỏ cũng bằng đồng. Xung quanh vách điện gắn hàng ngàn tượng Phật đúc nổi bằng đồng. Trước sân điện có năm bảo tháp lại cũng bằng đồng, tượng trưng cho năm ngọn núi của Ngũ Đài sơn. Trong số năm bảo tháp này, chỉ có hai cổ tháp hình bát giác là đúc từ đời nhà Minh. Mỗi cổ tháp có 13 tầng, cao 7m, đường kính 1m. Trên các mặt tháp đều chạm nổi tượng Phật. Ba ngôi tháp còn lại mới được tạo nên, thay thế vào tháp cũ đã bị phá hủy thời Cách Mạng Văn Hóa.
Viếng chùa đồng nơi đây, lòng chợt nhớ về Chùa Đồng trên núi Yên Tử ở quê nhà. Chùa Đồng nước mình tuy không to lớn và tuyệt mỹ như Trung Quốc, nhưng ở đó có Tổ sư Việt Nam. Các ngài chọn cuộc sống đạm bạc của sơn tăng, “ăn rau răm, nhai hạt dẻ, uống nước suối, vui cảnh núi rừng đã quen, lòng nhẹ như mây nổi” (thiền sư Đạo Viên). Và cao đẹp nào hơn hình ảnh của Điều Ngự Giác Hoàng – Sơ Tổ Trúc Lâm: ăn rau ăn trái, vận giấy vận sồi, nửa gian lều quý nửa thiên cung, ba miếng ngói yêu hơn lầu gác… Chừng ấy cũng đủ làm ấm lòng những đứa con xa nhà, mong ngày trở về.
Ra khỏi chùa Hiển Thông, đoàn được hướng dẫn sang chùa Tháp Viện.

 

 

CHÙA THÁP VIỆN 

 Ngày xưa chùa Tháp Viện là một phần của chùa Hiển Thông, về sau tách ra. Bốn chữ “Sơn Vân Thủy Nguyệt” trên bức hoành trước cổng, làm cho chùa như bàng bạc lẫn trong mây, nước, trăng, núi, thấp thoáng ẩn hiện giữa tầng không.
Trong chùa Tháp Viện có hai ngôi tháp: Đại Bạch Tháp thờ xá-lợi đức Phật Thích-ca, Văn-thù Phát Tháp thờ tóc của ngài Văn-thù. Ngoài ra còn có hai ngôi điện lớn: Đại Từ Duyên Thọ Điện và Tàng Kinh Điện.
Năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), Minh Thành Tổ cho tu sửa Đại Từ Duyên Thọ Tháp và lập một ngôi chùa đặt tên là chùa Tháp Viện. Sang năm Vạn Lịch thứ 7 (1579), vua nhà Minh lại tu sửa ngôi tháp, ba năm sau khánh thành và đổi tên là Thích-ca-mâu-ni Xá-lợi Tháp. Sau này vì màu trắng nổi bật của tháp, thời nhân gọi là Đại Bạch Tháp. Nghe nói trước đời nhà Nguyên ngôi tháp này xây bằng đá, sau đó người ta xây ngôi tháp lớn hơn trên nền cũ theo kiến trúc của phái Lạt-ma, cao 56m4. Tầng dưới của tháp là điện thờ đức Phật Thích-ca, hai bên là tượng Văn-thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Địa Tạng. Chung quanh hành lang điện là 120 bánh xe chuyển pháp luân kiểu Tây Tạng. Đỉnh tháp có hình hồ lô, mạ vàng, cao 5m, chung quanh có treo 252 cái linh đồng, ngân nga đong đưa trong gió trong mây.
Về truyền thuyết xá-lợi Phật Thích-ca trong Đại Bạch Tháp được kể như sau:
Vào năm 200 trước công nguyên, vua A-dục của Ấn Độ thống nhất được quốc gia. Nhà vua rất sùng tín đạo Phật nên nghe nói xá-lợi Phật chôn dưới tám ngôi chùa. Nhà vua cho đào lên, phân chia trong 84.000 bảo tháp nhỏ, làm bằng ngũ kim hay ngọc quý, rồi phân sang nhiều nước. Theo truyền thuyết thì Trung Quốc nhận được 19 bảo tháp nhỏ ấy. Bảo tháp xá-lợi trong Đại Bạch Tháp là một trong 19 bảo tháp kể trên.
Văn-thù Phát Tháp hình dáng cũng giống Đại Bạch Tháp nhưng nhỏ hơn, chỉ cao 6m thôi, song có huyền sử rất hay. Ngày xưa, trong một ngày đại lễ tại chùa Hiển Thông, nhân dân tới dự rất đông. Trong số đó có một thiếu phụ mang thai, tay phải bồng đứa con nhỏ, tay trái dắt đứa con lớn, theo sau là một con chó nữa. Bà thấy mọi người đều cúng dường nhưng bà không có tiền, nên tự cắt mái tóc dài của mình cúng dường Tam bảo. Sau lễ cúng dường là lễ thọ trai. Mọi người đều được phân phát thức ăn, nhưng vì số lượng đông quá nên vị chia thức ăn múc phần cho chư tăng đầy đủ, còn phần của bá tánh kém hơn.
Đến lượt thiếu phụ, vị ấy chỉ múc cho hai phần, vì nghĩ đứa nhỏ bồng trên tay còn bú sữa mẹ nên không ăn. Thiếu phụ xin thêm hai phần nữa, một cho đứa con đang bồng và một cho con chó. Vị chia thức ăn cũng chiều ý. Nhưng không thôi, thiếu phụ lại xin một phần nữa cho đứa con còn trong bụng. Vị chia thức ăn chịu hết nổi liền lớn tiếng đuổi thiếu phụ đi. Thiếu phụ nói:
- Dù đứa trẻ chưa sinh ra nhưng vẫn là một chúng sanh, tại sao không cho nó ăn?
Vị kia đáp:
- Bà ngoan cố lắm, đã đành đứa trẻ là một chúng sanh, nhưng ai ăn phần đó.
Thiếu phụ nói:
- Tôi không nhận tất cả các phần ăn nữa, vì đứa con trong bụng không được ăn. Như thế cho bình đẳng.
Nói xong, thiếu phụ bước ra khỏi phòng ăn. Liền khi ấy, hào quang chói tỏa khắp một vùng, thiếu phụ biến thành Bồ-tát Văn-thù, hai đứa trẻ biến thành hai đồng tử, con chó biến thành kim sư. Nhã nhạc vang lừng, Bồ-tát cỡi mây bay vào hư không. Dân chúng bấy giờ quỳ mọp xuống lạy rồi xúm nhau chạy ra khỏi phòng, ngẩng lên không trung van xin Bồ-tát hãy quay trở lại, nhưng đã muộn mất rồi. Từ đó mái tóc của Ngài được lưu giữ và xây tháp thờ phụng. Đồng thời chùa luôn luôn giữ đúng tục lệ là khi cúng dường thức ăn, phải cung cấp đầy đủ thức ăn cho chư tăng cũng như bá tánh. Bất cứ ai có lời thỉnh cầu gì, đều không được từ chối. Phong tục đó còn giữ đến ngày nay.
Phía bắc của Đại Bạch Tháp là Tàng Kinh Điện gồm hai tầng. Phía trên vua Khang Hy đề tặng bốn chữ “Đại Tàng Kinh Các”. Giữa Tàng Kinh Điện có một giá sách thật lớn, thật lạ, bằng gỗ xoay chuyển được. Xưa nay chúng tôi chưa từng thấy giá sách như vậy. Thật là di vật cổ xưa. Giá sách có hai tầng, cao 11m. Mỗi tầng chia làm 33 ngăn dọc, mỗi ngăn chia làm nhiều hộc để chứa kinh. Chu vi tầng trên 11m, chu vi tầng dưới 7m. Giá sách này có thể chứa hơn 20.000 quyển kinh. Nhưng ngày nay để bảo vệ giá sách cổ đã xưa cũ, người ta chứa kinh trên tầng hai của Tàng Kinh Các. Rất tiếc đoàn không được phép vào đây tham quan. Trước giá sách thờ tôn tượng đức Đại Nhật Như Lai, đức Tỳ-lô-giá-na. Chung quanh là tượng chư vị Bồ-tát.
Ngôi Từ Thọ Điện nằm bên trái Đại Bạch Tháp, do vua Vạn Lịch nhà Minh xây dựng để cầu thọ cho mẹ vào năm 1573. Bên trong cũng thờ đức Phật Thích-ca và chư vị Bồ-tát.
Chùa viện tại Ngũ Đài sơn còn rất nhiều, nhưng thời gian đã hết. Chúng tôi phải xuống núi cho kịp chuyến tàu tối nay. Ngoảnh lại nhìn Đại Bạch Tháp một lần nữa và bỗng thấy đức Phật hiện ra trong lòng. Tuy không được tận mắt chiêm ngưỡng xá-lợi Thế Tôn, nhưng chúng tôi tin chắc những hạt ngọc ấy rất tỏa sáng, mãi tỏa sáng. Bởi vì xá-lợi là kết tinh của quá trình tu tập không chỉ một đời mà rất nhiều đời của đấng Như Lai. Xả huyễn thân, lìa huyễn cấu, nhưng tinh tủy của các bậc Thánh nhân do công đức phát sinh, nên đã cô đọng lại thành những hạt ngọc bất hoại, trong suốt, óng ánh hơn cả pha lê.
Thế Tôn khép nhẹ đôi mắt mà vẫn không quên thương tưởng chúng sanh nơi đời, gởi lại trần gian những hạt ngọc của niềm tin, của tình thương và tuệ giác vô biên. Cho dù Ngài có để lại hay không để lại xá-lợi thì những người con Phật cũng hết lòng tin tưởng Như Lai, tin tưởng giáo pháp của Như Lai, tin tưởng Tăng-già của Như Lai. Bởi vì chính thọ mạng của Phật pháp trải qua 2.551 năm nơi thế gian này, ngày thêm sáng tỏ thêm lan rộng trong đời, quá đủ để khẳng định đức Phật và chư Thánh đệ tử đã tu tập, đã thành tựu viên mãn giác ngộ giải thoát, đã giáo hóa chúng sanh đạt nhiều lợi ích thiết thực, cho nên Phật pháp mới được truyền thừa nối nắm tới ngày hôm nay. Kết quả ấy, nguồn an lạc vô biên ấy còn chói tỏa hơn muôn ngàn vầng hào quang rực rỡ. Đại hạnh đại phúc nào khiến chúng ta trở thành Thích tử của Như Lai! Và như thế, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường của đức Phật đã đi.
Xe xuống núi, chúng tôi ngưỡng vọng lên Bồ-tát Đỉnh, đảnh lễ đức Văn-thù một lần nữa. Dễ hồ trong đời có lần thứ hai ta trở lại nơi đây. Dễ hồ trong cuộc sanh tử triền miên, có lần thứ hai ta trở lại Ta-bà với hiện thân ngày hôm nay. Vì vậy chỉ mong chúng ta luôn nhớ niệm danh và hằng giữ Bồ-tát trong trái tim của mình, với niềm tin rằng ta sẽ thành Phật. Sức mạnh và khả năng giác ngộ có thể từ đó mà tăng lên rất nhiều.
Kính lạy Bồ-tát,
Chúng con xin nguyện vâng lời Ngài sẽ theo chân Thiện Tài đi vào chốn nhân gian, cầu học với thiện tri thức giữa cuộc đời bằng tinh thần vô úy, vô ưu. Nguyện diệu đức của Ngài mãi là ngọn đuốc trí tuệ soi đường chúng con đi cho trọn cuộc hành trình. Ngưỡng mong Bồ-tát chứng tri cho lòng thành của chúng con. 

Còn tiếp ...

[ Mục Lục ]

[ Quay lại ]