headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 20/04/2024 - Ngày 12 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Hà Nam TT2)


PHỦ KHAI PHONG

Buổi chiều, đoàn được đưa đi tham quan phủ Khai Phong. Nơi đây nổi tiếng không phải chỉ vì thành xưa miếu cổ, cung kiều dạ nguyệt in trên mặt nước hồ thu, mà vì có Bao Thanh Thiên. Nhưng phải nói phố cổ Khai Phong đẹp quá, nhất là Vương gia trang soi mình trên hồ Thiên Bá Vương Phủ. Thật ra, kiến trúc cổ của Trung Quốc cần được bảo lưu, bởi vì nó rất có mỹ thuật, có hồn và có cả nền văn minh cổ đại trong đó nữa.

Toàn bộ quần thể điện đài trong phủ đều được làm bằng gỗ quý hiếm. Cả bức tượng Bao Công cao lớn tôn trí tại Thanh Tâm Lâu cũng được tạc từ gỗ. Khu vực rất rộng, phối trí cân xứng, cây cảnh tuy không nhiều nhưng khéo bày trí nên khá bắt mắt du khách. Đứng trên lầu cao nhìn xuống toàn bộ phủ Bao Công vẫn đường bệ uy nghi khí phách, lẫm liệt oai phong như tính cách Bao Thanh Thiên ngày ấy.
Đến phủ Khai Phong thì không thể không nhắc tới Bao Công một chút, mặc dù sách sử, báo chí cho tới phim ảnh… mọi hình thức văn hóa nghệ thuật đã nói đến ông quá nhiều. Bởi vì phẩm chất của ông là nguồn sáng tác của họ, là thần tượng của công lý, là ngôi sao sáng không chỉ để nhân dân Trung Quốc ngưỡng mộ, mà cả thế giới cũng khen ngợi, kính trọng về một quan tòa thanh liêm, chánh trực và thiên tài phá án của ông. Đời sau khó có ai qua nổi ông.
Bao Chửng tên chữ là Hy Nhân (999-1062), người đất Hợp Phì Lư Châu thời Bắc Tống, nay thuộc tỉnh An Huy. Năm Thiên Thánh thứ 5 (1027), ông đậu Tiến sĩ. Vào thời Nhân Tông, làm quan Ngự sử giám sát, ra sức luyện tập quân sĩ, chọn lựa tướng tài, củng cố việc phòng bị biên cương, chống lại giặc Khiết Đan. Sau làm quan Đãi chế Thiên Chương các, Trực học sĩ Long Đồ các, Khu mật Phó sứ. Lúc làm Tri phủ Khai Phong, chấp pháp nghiêm minh, không sợ cường quyền quý tộc, liêm khiết công chính nổi tiếng triều đình.
Sách ghi Bao Chửng là vị quan tòa pháp trị nghiêm minh, đoán án sáng suốt như thần. Một lần nọ, có kẻ lén cắt lưỡi trâu của người láng giềng, chủ trâu đến huyện đường báo án. Bao Chửng bảo chủ trâu rằng: “Ông về nhà giết trâu luôn đi, rồi mang thịt ra chợ bán”. Theo pháp luật Bắc Tống quy định, người nào tự ý giết mổ trâu cày sẽ bị phạt nặng. Trong lúc chủ trâu đang bán thịt ngoài chợ, có người đến nha môn huyện tố giác chủ trâu tự ý mổ thịt trâu cày. Bao Chửng nghiêm mặt hỏi người tố giác: “Ngươi đã lén cắt lưỡi trâu của người ta, giờ lại đi tố giác nữa là sao?”. Kẻ đó nghe xong run sợ, tự khai tội trạng của mình.
Lúc làm Tri phủ Khai Phong, Bao Chửng đã cải cách Viện Tố tụng tại đây. Trước kia, hai bên thưa kiện không được trực tiếp đến pháp đường tường thuật, vì vậy tình trạng thiên vị vì cảm tình riêng tư hay vì những lý do khác xảy ra rất nghiêm trọng, dẫn đến thi hành án oan là chuyện thường. Bao Chửng không chấp nhận như thế. Ông mở rộng cửa chính nha môn, cho phép hai bên tố tụng được tường thuật trực tiếp lời khai của mình. Từ đó giảm bớt nạn lừa dối giấu giếm của quan lại, nâng cao chất lượng và hiệu lực xử án.
Sau khi nhậm chức, Bao Chửng lấy bản thân làm phép tắc, đứng giữa triều cứng cỏi, không sợ quyền thế, nghiêm trị tất cả những ai phạm pháp, cho dù người đó thuộc gia tộc quyền quý hay hoàng thân quốc thích, gia quyến của các đại thần đương triều. Có một số đại thần được nhà vua sủng ái, hà hiếp chiếm đoạt tài sản của dân, Bao Chửng cũng không tha. Do vậy chỉ cần nhắc đến tên ông, tất cả đều hoảng sợ. Uy tín và phẩm cách đạo đức của ông lúc bấy giờ rất cao, ngay cả phụ nữ hay trẻ con cũng đều truyền tụng ông. Người dân đương thời xem ông như là vị thiện thần của họ.
Một đức tính cao đẹp nữa của Bao Chửng là sự trong sạch, khiêm tốn trong cuộc sống và ứng xử với mọi người. Có lần làm Tri châu Đoan Châu, nơi này nghiên mực nổi tiếng nhất nước, thuộc hàng cống phẩm thượng hạng. Lúc trước, quan lại nơi đây thường mượn danh nghĩa tiến cống triều đình, mà trưng thu cống phẩm gấp nhiều lần, để dành vào việc riêng. Bao Chửng chỉ nghiêm chỉnh chiếu theo số lượng cống phẩm đặt làm, thậm chí cho đến lúc ông mãn hạn quan, cả bản thân cũng không có đến một cái nghiên mực.
Tuy phú quý hiển đạt, nhưng trong cách ăn mặc và vật dụng thường dùng, không khác gì với dân thường. Không những như vậy, ông còn nghiêm khắc dạy dỗ con cháu: “Con cháu đời sau có làm quan, nếu phạm vào tội tham ô thì sống không được về nhà, chết không được chôn trong vùng mộ của tổ tiên. Nếu không nghe lời ta thì không phải là con cháu của ta”.
Gần nghìn năm nay, Bao Chửng là nhân vật lịch sử có sức lôi cuốn, sự tích của ông được mọi người truyền tụng không ngớt. Với tư cách một vị quan thanh liêm, chấp hành luật pháp nghiêm minh, Bao Chửng trở thành hóa thân của một vị quan lại toàn mỹ trong con mắt nhân dân Trung Quốc. Ông còn là nhân vật nổi tiếng vượt thời đại, danh đức của Bao Chửng gắn bó gần gũi với lương dân hơn bất cứ nhân vật lịch sử nào của Trung Quốc. Vì vậy đền thờ của ông quanh năm ấm áp, khói hương nghi ngút. Đây là nơi đáng tự hào của người dân phủ Khai Phong, mỗi khi có du khách thăm viếng, chiêm ngưỡng.([1])
Vẫy tay giã từ Khai Phong phủ và Bao Thanh Thiên, chúng tôi không quên gởi đến ông niềm kính trọng, thán phục. Ông rất xứng đáng ngủ yên trong lòng phố cổ này với miếu cổ thành xưa và tình cảm chân thành nhất, đậm đà nhất, quý trọng nhất của nhân dân Trung Quốc dành cho ông.
Xe chạy quanh bờ hồ Bao Công và hồ Thiên Bá Vương Phủ một lần nữa trước khi đưa đoàn ra ga Trịnh Châu đi Thượng Hải. Phố cổ Khai Phong với mây trời man mác làm cho chúng tôi nhớ tới phố cổ Hội An ở quê nhà quá. Phố cổ Việt Nam chắc chắn là nhỏ hơn phố cổ Trung Quốc nhiều. Nước mình nhỏ thì phố cũng nhỏ, chớ sao! Nhưng hai tiếng Hội An đủ để ta thấy cuộc sống bình yên trong lòng phố hiền hòa, nên thơ, nơi hội tụ của những sự an lành.
Hội An đáng nhớ vì Hội An có chùa. Chùa ở ven đô như vòng tay Tam bảo che chở cho lòng phố. Chùa còn là chốn tâm linh cho con người tìm về sau những lúc dong ruổi đường dài. Chúc Thánh, Phước Lâm, Vạn Đức, Pháp Bảo… từ lâu đã trở thành hơi thở của người dân phố Hội. Một ngày của phố bắt đầu bằng tiếng chuông chùa và kết thúc cũng bằng tiếng chuông chùa. Như vậy quen rồi. Tiếng chuông đã trở thành hồn phố, ngân dài theo năm tháng đi vào lòng phố, là chứng nhân bao đời cho dòng chảy Phật giáo ở mảnh đất “sông Hoài cửa Đợi”. Đất Hội An từng in dấu chân của chư Tổ Trung Quốc sang hoằng dương chánh pháp, ngài Thạch Liêm, ngài Minh Lượng, ngài Minh Hải… có mặt nơi này ngay từ những ngày tháng Hội An còn rất trẻ. Chùa mang hồn xưa và là hồn nay của phố. Cho nên người đi xa, vẫn thương nhớ lắm quê nhà.
                        Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp,
                        Quê nhà một góc nhớ mênh mông…

([1]) Viết theo quyển “100 danh nhân có ảnh hưởng đến lịch sử Trung Quốc” của Vương Tuệ Mẫn.

CHUYẾN TÀU KỶ NIỆM 

Chiều nay theo đúng chương trình, đoàn phải có mặt tại sân ga Trịnh Châu trước giờ lên tàu một tiếng. Thời gian lên tàu chỉ có 5 phút, vì đây là trạm giữa tuyến. Hướng dẫn viên giới thiệu một cửa hàng táo đặc sản tại Trịnh Châu trước khi rời Hà Nam Trung Quốc, và thông báo đoàn chỉ được ghé vào 10 phút thôi.
Mười phút đã trôi qua, vẫn bặt vô âm tín. Rồi hai mươi phút, ba mươi phút, năm mươi phút… bà con lục tục kéo ra với lỉnh kỉnh những túi, những giỏ, những thùng, cơ man là táo. Táo bánh, táo kẹo, táo nước, táo khô… Ngồi trên xe, quý thầy thở dài. Đầy mình trên dưới thôi là táo, vận chuyển sao đây để lên tàu? Nhưng dù sao cũng còn cười nổi, tại vì vui quá, phen này tha hồ ăn táo! Chỉ có điều bên nữ nặng nghiệp mua sắm bao nhiêu thì bên nam lãnh đủ hậu quả bấy nhiêu. Quý cô xách không nổi, buộc lòng quý thầy trẻ và các Phật tử nam phải xách phụ. Khó mà tưởng tượng nổi cái cảnh tay xách, nách mang, đầu đội này. Chưa biết rồi sẽ ra sao khi lên tàu?
Xe dừng lại tại sân ga, cả đoàn đang loay hoay với bao nhiêu là đồ đạc. Mỗi vị hai vali, một xách tay và cái đãy đeo trên vai… là ít. Ngay khi ấy hướng dẫn viên hớt hải chạy ra, dùng loa kêu to:
- Nhanh lên, quý Thầy cô ơi. Tàu đã ghé sân ga rồi, chỉ còn 5 phút nữa thôi.
- Chuyện gì vậy?
- Không biết.
- Không cần biết.
- Một hai ba… chạy.
Thế là đoàn quân xung trận, khí thế như vương. Không cần kiểm vé, không cần kiểm quân, không cần cửa nẻo, tháo tung mọi rào cản trong sân ga, mạnh ai nấy chạy. Đến nước này thì bặt đường ngôn ngữ, dứt chỗ tâm hành.
Quý thầy trẻ và Phật tử nam chạy bọc phía sau, nhìn thấy quý cô lớn tuổi thở dốc vì mớ hành lý nặng quá, không chạy được, đã hối:
- Bỏ đồ lại hết, chạy đi.
Thế là bên nam lại nặng nợ thêm nữa. Tiếng hướng dẫn viên vẫn tiếp tục thúc ở phía trước, phía sau, chặng giữa, liên hồi:
- Nhanh lên! Nhanh lên quý Thầy cô ơi. Chỉ còn 3 phút nữa thôi, 2 phút nữa thôi, 1 phút nữa thôi.
- Lên toa nào?
- Toa nào cũng lên.
… Và con tàu lăn bánh.
Cả đoàn không còn ai biết tới ai. Lạc thầy, lạc bạn, lạc vali… Thầy thị giả Hòa thượng Thường Chiếu mặt mày buồn hiu, thốt không nên lời “Thầy ơi! Thầy đâu mất rồi?”. Có ai ngờ, cái giây phút đệ tử hồn xiêu phách lạc ấy, Sư phụ đã an nhiên tĩnh tọa trên… toa!
Cuộc tìm kiếm người và vật để đưa về đúng toa của mình sau đó mới là gian nan. Vé tuy cầm trong tay nhưng không ai biết mình đang đứng ở đâu? Bấy giờ phải xin lỗi hành khách mà luồn lách qua những toa ngồi nằm đông ken người ta. Không có chỗ đứng, nói gì chuyện đẩy vali trên tàu, nên chúng tôi phải đội vali trên đầu mà đi. Lại còn không biết nói tiếng Hoa, càng làm kinh dị thêm cho người ta. Ai cũng nhìn mình như người hành tinh lạ mới xuống. Trải qua hai tiếng đồng hồ sau mới tìm đủ cả người và hành lý.
Lạy Phật, tuy chúng con có ham vui, ham mua đồ nhưng chắc cũng biết tu chút đỉnh nên Phật độ, cuối cùng không thiếu một ai trên tàu. Thầy trò hạnh ngộ. Huynh đệ sum vầy. Bình yên vô sự. Thật hú vía!
Có người hỏi thầy quay phim:
- Sao thầy không quay cảnh này?
- Máy đâu mà quay?
- Ủa! Vậy chớ máy của thầy đâu?
- Ai biết. Còn được cái mạng đứng đây là quý lắm rồi.
Tả lại tâm trạng của chúng tôi ngay lúc ấy như thế nào? Vui quá, không đúng. Buồn quá, không đúng. Khỏe quá, không đúng. Mệt quá, không đúng. Chỉ biết lên tàu. Đúng! Nhưng không phải biết với tâm thanh tịnh, mà biết với tâm sợ rớt lại sân ga. Không toan tính, không muộn phiền, không so đo, không ỷ lại, không lười nhác. Tự thân mỗi vị chánh tâm, nhất ý… lên tàu. Xem ra hai cái tâm này cũng rất gần nhau, chỉ cách một lớp giả ngã thôi. Ước gì mình xé được lớp này nữa là xong. Phải chăng vì thế thiền sư Huyền Giác đã nói:
Vô minh thật tánh tức Phật tánh,
Huyễn hóa không thân tức Pháp thân.
Bao giờ mình đối đầu với sanh tử cấp bách như vậy, tu mới quyết liệt. Còn bây giờ vẫn tà tà… Nghĩ lại cái thảm cảnh rớt lên rớt xuống tại sân ga, mới hiểu vì sao Phật không cho phép chúng ta dần dà năm tháng. Để nước tới trôn mới nhảy, nhất định là không kịp rồi. Chỉ tha cho một lần này thôi.
Lên tàu được rồi, qua cơn cấp bách rồi. Mọi người im lặng thở. Thở được rồi tới nói. Từng cơn đột biến của vọng tưởng cộng hưởng, cũng cao trào không kém. Cứ kiểu này không biết tới bao giờ mới thành Phật đây?
Không sao. Chạy thêm vài trận nữa, biết đâu chừng… ngộ ra! 

 Còn tiếp ...

[ Mục Lục ]

[ Quay lại ]