headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 20/04/2024 - Ngày 12 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Sơn Tây)


NGŨ ĐÀI SƠN

Ngày 15-5-2007
Từ Thái Nguyên đoàn đến thị trấn Đài Hoài bằng ô tô mất đến bốn năm tiếng. Thị trấn Thái Nguyên có hơn 2 triệu dân, là một thành phố của kỹ nghệ thép và hóa học, vì gần Đại Đồng là nơi có nhiều mỏ than đá. Đất đai vùng này khô cứng, xe chạy qua những dãy núi loang lổ đang được khai thác để lấy than.

Đường đến Đài Hoài nhỏ, nhiều đoạn dợn sóng nhấp nhô. Xe chạy trên lộ mà tưởng như đi trên sông. Hoài nghĩa là ôm trong lòng. Đài Hoài là một thung lũng có độ cao 1.700m nằm chính giữa, chung quanh được bao bọc bởi năm ngọn núi. Thị trấn này có các sắc dân: Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, Thác Bạt v.v… chung sống vui vẻ với nhau. Trước đây vài năm, đường vào Ngũ Đài sơn rất khó đi, nhưng bây giờ đã được xây dựng khá tốt, xe chạy tương đối dễ dàng. Khách hành hương đến Trung Quốc, nhất là Tăng Ni Phật tử đều không thể không đến Ngũ Đài sơn đảnh lễ Bồ-tát Văn-thù, vì đây là đạo tràng của Ngài.
Ngũ Đài sơn được xem là quần thể danh sơn lớn nhất trong “tứ đại Phật sơn” của Trung Quốc, nằm ở phía đông bắc huyện Ngũ Đài, cách Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây khoảng 200km. Vì năm ngọn núi này cao chót vót, trên đỉnh không có rừng cây, đất dàn trải ra như năm cái đài nên gọi là Ngũ Đài sơn. Năm ngọn ấy là: Vọng Hải phong ở phía đông, Quải Nguyệt phong ở phía tây, Cẩm Tú phong ở phía nam, Hiệp Đầu phong ở phía bắc và Thúy Nham phong ở trung tâm. Trong đó ngọn Hiệp Đầu phong cao nhất 3.058m. Riêng ngọn chính giữa còn được gọi là Thanh Lương sơn.
Danh xưng Thanh Lương sơn gắn liền với một câu chuyện truyền kỳ. Tương truyền vào thời thượng cổ, Ngũ Đài sơn là khu vực có khí hậu khắc nghiệt khác thường. Mùa đông nước đóng thành băng, mùa xuân cát bay đất lở, mùa hạ cực kỳ nóng bức. Vì thế, nông dân không thể trồng trọt cày cấy gì cả. Để giải trừ khổ nạn này, Bồ-tát Văn-thù đến Long cung cầu viện, mượn về một tảng đá tên là Yết Long Thạch. Sau khi Bồ-tát ném tảng đá xuống thì cả khu vực bỗng nhiên mát mẻ, trong lành quanh năm. Từ đó người ta gọi tảng đá thần kỳ ấy là Thanh Lương Thạch và xây dựng chùa Thanh Lương để thờ.
Khác với Nga My sơn diễm lệ như ngọc bích, Ngũ Đài sơn cao xưa như những tòa cổ sái. Một bên xanh biếc quanh năm, một bên tuyết trắng bốn mùa. Nếu như Nga My sơn là ngọn núi của Bồ-tát Phổ Hiền, của đại hạnh, của tình thương vô tận thì Ngũ Đài sơn là ngọn núi của Bồ-tát Văn-thù, của đại trí, của tuệ giác vô biên. Hai đặc điểm dường như tương phản này thật ra không phải trái ngược nhau mà là bổ sung cho nhau để đi đến cái toàn thể viên dung. Vì vậy nhà Phật bảo tình thương mà không có trí tuệ thì dễ vướng vào hệ lụy buộc ràng. Trí tuệ mà không có tình thương thì “tình dữ vô tình” đồng thành cỏ úa, làm sao trở thành ruộng phước cho chúng sanh gieo trồng công đức, làm sao viên thành Phật đạo?
Khách viếng Ngũ Đài trước phải đi qua vùng gió, cát và những ngọn núi trọc, không một bóng người luôn cả bóng cây. Những thung lũng cát ở hai bên đường sẵn sàng xoáy thành cơn lốc kéo dài đến tận chân núi, khi có một luồng gió mạnh thổi ngang. Mà gió ở đây thì có dư. Gió lồng lộng. Vừa gió vừa lạnh. Chúng tôi tạm xuống xe một chút, có vị đã đi xiêu vẹo trong gió. Các tà áo tràng, áo nhật bình của chư Tăng Ni bay phần phật, cơ hồ con người cũng bị gió cuốn đi. Nếu không có ô tô, mà đi bộ đến Ngũ Đài sơn để đảnh lễ Bồ-tát Văn-thù, thì đây quả là một cuộc thử thách không nhỏ. Phải hết lòng chí thành chí thiết, chịu khổ chịu khó lắm mới đi nổi. Nhớ lại, ngày xưa làm gì có ô tô, chỉ có ngựa. Mà nếu như phi nước đại trên một con tuấn mã nào đó lên non tìm Bồ-tát thì khó coi quá! Có lẽ vì thế Bồ-tát Văn-thù đã chọn nơi này làm trú xứ của Ngài để thử lòng người chăng?
Trong tác phẩm Mùi Hương Trầm, nhà văn Nguyễn Tường Bách có kể lại, ông đã biên dịch câu chuyện của một vị Lạt-ma tên Yahden. Vị này mất sáu tháng để đi từ Tây Tạng đến Ngũ Đài sơn chiêm bái ngài Văn-thù. Trên đường đi sư hết lòng tụng niệm và thiền định liên tục. Cuối cùng sư leo lên được 108 bậc thang để đến Bồ-tát Đỉnh. Vừa lên gần đến đỉnh thì gặp một người ăn xin cụt chân, người đó nói với sư: “Huyền diệu thay, cái một trong thiên hình vạn trạng”. Yahden mở túi xách lấy một ít tiền cho kẻ ăn xin. Người ấy nói tiếp: “Huyền diệu thay, cái thiên hình vạn trạng trong cái một. Thứ ít ỏi này, ta không thèm lấy của ngươi đâu. Ta đòi ngươi cả trái tim!”. Yahden vừa biết người đó là ai, tức thì hóa thân Bồ-tát biến mất. Yahden mở mắt thật lớn nhìn quanh và nhảy như bay lên những bậc cuối. Thoảng trên hư không, sư chỉ còn nghe tiếng chuông chùa văng vẳng trong mây.
Rõ ràng Bồ-tát Văn-thù muốn chúng ta đến với Ngài bằng cả trái tim, hiến dâng Ngài bằng cả trái tim, nhận ra Ngài bằng cả trái tim và tin ở Ngài cũng bằng cả trái tim.
Thật bất ngờ sau khi đi qua đoạn đường tưởng chừng heo hút khô khao ấy, lại là một vùng cao nguyên xanh mát với bạt ngàn thông xanh màu mạ. Chỉ mới đến Đài Hoài thôi mà đã thấy những núi là núi. Chúng gối đầu lên nhau ngủ yên trong mây và tuyết. Nhìn lại đoạn đường đã đi qua phía sau, ta cứ tưởng là một dòng sông uốn lượn trên những dãy núi liên hoàn, hùng vĩ. Xe chạy bên núi này thì thấy con đường xa xăm bên núi nọ. Chạy tới núi nọ lại thấy con đường thấp thoáng bên núi kia. Quảng đại cao thâm quá núi ơi!
Từ đây trở lên, đúng là cảnh giới của Bồ-tát Văn-thù rồi, thật đáng cho những ai bền lòng thật dạ đi tìm Ngài. Cổng tam quan đón khách từ bên ngoài thị trấn nổi bật bốn chữ “Ngũ Đài Thánh Địa” như xua đi bao nỗi nhọc nhằn trên đoạn đường xa đoàn đã đi qua. Thị trấn Đài Hoài hiện ra với những tòa biệt thự, khách sạn thật sang trọng và tấp nập những khách hành hương, làm cho ta hết sức ngạc nhiên. Chúng tôi đến đây trời đã xế chiều, không kịp lên núi nữa. Cho nên nghỉ lại khách sạn tại Đài Hoài, sáng mai sẽ lên Bồ-tát Đỉnh đảnh lễ Ngài Văn-thù. Nhiệt độ giảm dần từ 25oC ở Thái Nguyên đến 10oC khi vào đến Đài Hoài.
Đêm nằm trong một khách sạn không phải là chỗ của mình, càng làm cho nhà tu nhớ thật nhiều về chốn non thâm:

            Chiều ráng mây về nhưng chửa hợp,
            Núi xa dãy dãy, biếc trùng trùng.

            (Thường ái mộ vân quy vị hợp,
            Viễn sơn vô hạn bích tầng tầng.)
                               Thiền sư Hải Ấn Tín

BỒ TÁT ĐỈNH - CHÙA HIỂN THÔNG - CHÙA THÁP VIỆN

Ngày 16-5-2007
Núi non Trung Quốc không phải chỉ hùng vĩ, nó còn là suối nguồn của thơ văn, của nghệ thuật và của các nhà ẩn tu. Những bức tranh thủy mặc chúng ta thường thấy không hề là sự hư cấu của các họa sĩ. Chúng đúng thực như thế, với mây, với núi và với những mái chùa tí hon trên đỉnh tuyết vươn mình tới trời xanh.
Về lịch sử của Ngũ Đài sơn, tài liệu của các nhà khảo cổ Trung Quốc cho biết: Vào năm Vĩnh Bình thứ 10 (Đông Hán năm 58-75 sau công nguyên), vua Hán Minh Đế cử một phái đoàn sang Tây Trúc thỉnh kinh, phái đoàn đã thỉnh được hai vị sư Ấn Độ là Ca-diếp Ma-đằng và Trúc Pháp Lan về Trung Quốc, ở tại chùa Bạch Mã để giảng pháp và dịch kinh. Vài năm sau, hai vị tăng này đi qua vùng Ngũ Đài thấy nơi đây có phong cảnh giống như núi Linh Thứu bên Ấn Độ, nên hai Ngài tâu lên nhà vua. Vua Hán Minh Đế liền cho xây dựng chùa Linh Thứu tại đây. Như vậy chùa Linh Thứu ở Ngũ Đài sơn có cùng một thời với chùa Bạch Mã ở Lạc Dương. Ngoài ra còn rất nhiều chùa khác được kiến tạo trong các triều đại kế tiếp. Riêng đời nhà Đường, nơi đây đã có trên 300 ngôi chùa, viện lớn nhỏ.
Ngũ Đài sơn là nơi phát triển Phật giáo từ lúc sơ khai, nên các chùa ở đây cũng chịu ảnh hưởng bao cuộc thăng trầm của Phật giáo Trung Quốc. Vào những triều đại nhà vua sùng bái đạo Phật thì nhân dân được khuyến khích xây cất, tu sửa thêm các tự viện. Nhưng vào những triều đại nhà vua không kính tín Tam bảo thì họ nghe lời dèm pha của các cận thần dị giáo, hạn chế sự truyền đạo của Phật giáo, có khi ra lệnh đập phá chùa, tịch thu chuông và đồ đồng để đúc tiền.
Trong lịch sử Trung Quốc có bốn cuộc pháp nạn, người ta gọi là “tam Võ nhất Tôn”, trong đó cuộc pháp nạn thứ ba xảy ra vào năm 840 Tây lịch, thời vua Đường Vũ Tông là lớn nhất. Vua vốn thích đạo Lão, nghe lời sàm tấu của Tể tướng Lý Đức Dụ và đạo sĩ Triệu Quy Chân, cho Phật giáo là tôn giáo của bọn man di Tây Vực, người Hán không nên theo. Nhà vua ra lệnh đốt chùa, không cho Tăng Ni tu, sung công tượng vàng, tịch thu tất cả pháp khí bằng đồng đem đúc tiền. Nhiều ngôi chùa ở Ngũ Đài sơn bị phá hủy. Năm 846, vua Vũ Tông chết, Tuyên Tông lên thay. Vua này kính tin Tam bảo nên cho phục hưng đạo Phật trở lại.
Ngoài bốn cuộc pháp nạn trên, còn hai cuộc pháp nạn sau này nữa, đó là cuộc pháp nạn do quân đội Nhật Bản chiếm đóng Sơn Tây và cuộc Cách Mạng Văn Hóa, gây thiệt hại vô cùng to lớn cho Phật giáo Trung Quốc. Ngày nay, tại đây còn chừng 50 ngôi chùa cổ, kiến lập sau thời Đường vẫn giữ được nét cổ kính trang nghiêm. Nhiều chùa còn bảo lưu được những tượng cổ và di vật thờ tự quý giá.
Hệ thống chùa viện ở đây quá nhiều, nhưng tựu trung theo hai phái chính:
1. Phái Phật giáo Đại thừa, gồm các chùa: Hiển Thông Tự, Thanh Lương Tự, Tháp Viện Tự, Vạn Phật Các, Thù Tượng Tự…
2. Phái Phật giáo Mật tông, gồm các chùa: Bồ-tát Đỉnh, La-hầu Tự, Từ Phước Tự, Quảng Hóa Tự, Thất Phật Tự…
Sử liệu ghi lại nơi đây ngày xưa các thiền sư ẩn tu rất nhiều. Ngài Trừng Quán từng ở chùa Hoa Nghiêm soạn Hoa Nghiêm Kinh Sớ. Ngài Bát-tư-na cũng có trụ núi này. Rất nhiều vị danh tăng đến đây như ngài Bất Không xây chùa Kim Các, chùa Ngọc Hoa… trở thành trung tâm của Mật giáo. Ngài Pháp Chiếu dựng chùa Trúc Lâm tu tập niệm Phật Tam-muội. Các vị cao tăng ngoại quốc như sư Viên Nhân người Nhật Bản, sư Từ Tạng người Cao Ly, ngài Phật-đà-ba-lợi người Kế-tân cũng đến đây học đạo.
Vì thời gian quá ít, chúng tôi không thể tham bái hết số chùa viện của Ngũ Đài, nên chỉ đi một ít chùa chính, tiêu biểu thôi.
Sáng sớm, trước khi lên Bồ-tát Đỉnh, xe đưa chúng tôi tham bái Thù Tượng Tự (chùa có tượng Văn-thù). Trong chùa có Đại Văn-thù Điện thờ Bồ-tát Văn-thù. Trên hồng chung tại điện Văn-thù có khắc tên các vị Trụ trì, các thiền sư từng tu tập ở chùa này. Chúng tôi vào đảnh lễ Bồ-tát và nhớ tới lời Hòa thượng Trúc Lâm kể lại:
Thuở xưa, Bồ-tát Văn-thù là con thứ ba của vua Vô Tránh Niệm, tên là Vương Chúng. Do cúng dường đức Phật Bảo Tạng và phát nguyện độ sanh nên được hiệu là Văn-thù-sư-lợi. Phật Bảo Tạng thọ ký cho Ngài sau này sẽ thành Phật ở thế giới thanh tịnh Vô Cấu Bảo Chỉ, hiệu là Phật Văn-thù (kinh Bi Hoa). Văn-thù-sư-lợi cũng gọi là Mạn-thù-thất-lị, dịch nghĩa là Diệu Đức, Diệu Cát Tường. Vì thấy rõ Phật tánh, mọi đức đều tròn đầy, không sự ràng buộc nào chẳng dứt, nên gọi là Diệu Đức. Ngài là vị Bồ-tát đã thấu tỏ Phật tánh, đầy đủ ba đức: Pháp thân, Bát-nhã, Giải thoát. Bồ-tát hằng đem ba đức ấy giác ngộ chúng sanh. Ngài là hiện thân của căn bản trí, cho nên trong hàng Bồ-tát, Ngài là thượng thủ.
Tượng của Ngài thường có những biểu tướng:
- Tay phải cầm kiếm sắc bén biểu thị trí đức. Dùng trí tuệ sáng suốt phá tan tất cả vô minh tăm tối. Ánh sáng trí tuệ soi đến đâu, bóng tối tan đến đó. Như dũng sĩ cầm kiếm bén xông pha giữa trận mạc, kiếm lia đến đâu thì đầu giặc rơi đến đấy. Sức mạnh của trí tuệ mãnh liệt như thế.
- Tay trái cầm hoa sen xanh biểu thị đoạn đức. Đối với tự thân cũng do sức trí tuệ dứt sạch mọi ô nhiễm tham ái, như hoa sen trong bùn mà không nhiễm bùn. Đó là viên thành đoạn đức.
- Chiếc áo giáp mang trên người Ngài là giáp nhẫn nhục. Nhờ nó nên các mũi tên thị phi không xâm phạm vào thân tâm. Nó che chở cho Bồ-tát vẹn toàn tâm từ bi. Bọn giặc sân hận oán thù không thể nào xúc não được hạnh nguyện của Bồ-tát. Thiếu chiếc giáp nhẫn nhục, Bồ-tát không thể nào thành tựu được tâm Bồ-đề.
- Bồ-tát cỡi trên sư tử, vì sư tử biểu thị công năng trí tuệ. Sư tử là chúa sơn lâm, một tiếng rống của nó muôn thú đều nép phục. Bồ-tát do trí tuệ viên mãn hay thuyết pháp phá dẹp tất cả tà thuyết. Một khi chánh pháp vang lên, mọi tà thuyết đều ẩn náu. Như một phen sư tử rống lên thì muôn thú đều kinh hồn tán đởm.

(Thâm ý qua hình tượng Phật, Bồ-tát – TS. Thanh Từ)

Chúng ta thờ phụng, đảnh lễ Bồ-tát Văn-thù là để hướng về trí tuệ sẵn có nơi mình, dùng thanh gươm sắc bén ấy chặt đứt lưới tham ái, vượt ra khỏi bể khổ trầm luân. Chỉ có trí tuệ mới đủ công năng cứu vớt chúng sanh ra khỏi vòng nghiệp báo luân hồi mà thôi. Cho nên Phật giáo chủ trương “Duy tuệ thị nghiệp”, nghĩa là chỉ có trí tuệ mới là sự nghiệp. Với tinh thần ấy chúng tôi tiến lên đỉnh Văn-thù bằng… xe ô tô!

Còn tiếp...

[ Mục Lục ]

[ Quay lại ]