headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Bài 68 — Cung Nhân có ngàn chúng

宮 人 千 眾

Cung Nhân thiên chúng

惠 安 單 丁

Huệ An đơn đinh

清 涼 十 願

Thanh Lương thập nguyện

達 磨 四 行

Ðạt Ma tứ hạnh

271. — Cung Nhân có ngàn chúng

Không có chú giải (DG)

272. — Huệ An chỉ một người

Không có chú giải (DG)

273. — Thanh Lương lập mười nguyện

Quốc sư Thanh Lương, Trừng Quán tự Ðại Hưu, họ Hạ Hậu, vốn là người xứ Cối Kê. Ngài thường lấy mười việc để tự răn, đó là:

1. Thân chẳng mất oai nghi của sa-môn;

2. Tâm chẳng trái với đều răn của chư Phật;

3. Khi ngồi chẳng xoay lưng về phía kinh Hoa Nghiêm;

4. Tính chẳng nhiễm cảnh thế gian;

5. Chân chẳng đi trên đất của chùa Ni;

6. Hông chẳng chạm giường của cư sĩ;

7. Mắt chẳng nhìn đồ tốt phi nghĩa;

8. Lưỡi chẳng nếm những thức ăn quá ngọ;

9. Ngủ chẳng lìa xa y bát;

10. Tay chẳng rời xâu chuỗi.

  • Thanh Lương là Tổ thứ tư của tông Hoa Nghiêm.

(Theo: Lục học tăng truyện.)

274. — Bốn hạnh của Ðạt Ma

Ðại sư Ðạt Ma lược nói về bản hạnh vào đạo Ðại thừa. Phàm lối vào đạo có nhiều đường, nói gọn thì không ngoài hai thứ:

– Một là lí nhập

– Hai là hạnh nhập.

Lí nhập có nghĩa là nhờ giáo điển mà ngộ tâm tính, tin sâu xa về loài hàm sinh đồng một chân tính, chỉ vì vọng tưởng khách trần che lấp nên chẳng bày lộ ra thôi. Người nào bỏ vọng về chân, ngó vách ngưng trụ, không ta không người, phàm thánh bình đẳng; nếu giữ được như thế không đổi dời, lại chẳng rơi vào chữ nghĩa của Giáo thừa, thì cùng với lí sâu xa phù hợp, không có phân biệt, bất động vô vi.

Hạnh nhập nghĩa là có bốn hạnh để vào đạo. Còn lại những hạnh khác đều gồm trong bốn hạnh này. Ðó là: Báo oán hạnh, Tùy duyên hạnh, Vô sở cầu hạnh, Xứng pháp hạnh.

1. Báo oán hạnh:

 Người tu đạo hạnh, nếu lúc thọ khổ phải tự suy nghĩ rằng: “Trong vô lượng kiếp về trước, ta bỏ gốc theo ngọn, phiêu dạt vô định nơi các cõi, phần lớn khởi thù ghét, gây tổn hại không ngằn. Hôm nay, tuy ta không gây phạm, nhưng nghiệp quả tai nạn xấu ác của đời trước do ta gây đã thuần thục, chẳng phải chỗ của Trời người thấy được, nên ta cam lòng nhận chịu, không hề kêu oan.

Kinh dạy: “Gặp khổ chẳng lo”. Vì cớ sao? Vì biết được tâm này lúc đang sống đây cùng với lí tương ưng và lấy oan ức để tiến đạo, nên gọi đó là Báo oán hạnh.

2. Tùy duyên hạnh:

Chúng sinh vô ngã đều do chỗ chuyển của nghiệp duyên, sự khổ vui mà mình cảm nhận đều từ duyên sinh. Nếu được quả báo thù thắng, tiếng tăm vẻ vang v.v… là do ta ở kiếp quá khứ vun trồng, vì chiều cảm nhận đó nên nay mới được như thế, duyên hết rồi cũng trở về không, sao lại mừng? Những việc được, mất tùy duyên, tâm không thêm, bớt.

Ngọn gió hoan hỉ chẳng động được chỗ sâu xa kia, sống thuận theo đạo nên gọi là tùy duyên hạnh.

3. Vô sở cầu hạnh:

Người đời quá lầm, chỗ nào cũng tham luyến nên gọi là cầu. Người trí ngộ chân lí sẽ nghịch với kẻ tục mà an tâm, vô vi theo hình vận chuyển. Muôn cái có cũng thành không, chẳng đáng ưa thích, những công đức đen tối thường theo nhau rơi vào ba cõi. Ở lâu cũng như ở trong nhà lửa, có thân đều khổ cả, ai được yên ổn mãi đâu? Ðạt đến chỗ này, nên bỏ các cõi, dứt tưởng vô cầu.

Kinh dạy: “Có cầu đều khổ, không cầu liền vui”. Biết rõ ràng không có cầu mới là đạo hạnh, nên nói Vô sở cầu hạnh.

4. Xứng pháp hạnh:

Lí tính tịnh, lí này là pháp cốt yếu. Các tướng rồi cũng trở về không, không nhiễm không trước, không đây không kia. Kinh nói: “Pháp không có chúng sinh vì lìa chúng sinh cấu, pháp không có ngã vì lìa ngã cấu”. Vì thế, người trí nếu hay tin hiểu lí này cần phải xứng pháp mà làm. Pháp thể không có xen lẫn. Ðối với thân mạng của cải buông bỏ tâm không luyến tiếc, đúng như hạnh mà bố thí. Hiểu được tâm không, chẳng nương tựa, chẳng dính mắc, chỉ cần trừ bỏ những thứ bợn nhơ, dạy dỗ chúng sinh mà chẳng thủ tướng. Ðấy là tự mình làm cũng hay lợi tha cũng hay trang nghiêm đạo Bồ-đề. Bố thí độ là như thế, còn lại năm độ kia cũng vậy.

Lấy việc trừ vọng tưởng để tu, hành lục độ mà không thấy có chỗ hành nên gọi là Xứng pháp hạnh.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 20.)

[ Quay lại ]