headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 03/12/2024 - Ngày 3 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH DUY MA CẬT: VII- PHẨM QUÁN CHÚNG SANH

quanchungsanhHT. Thích Thanh Từ giảng

Phẩm đầu của bộ kinh này là Tịnh Phật Quốc Độ, tức là muốn trang nghiêm tịnh độ thì phải tịnh tâm, đến đây là phẩm Quán Chúng Sanh. Khi biết rõ thật tướng của chúng sanh thì đối với sự tu hành chúng ta mới khỏi lầm lẫn. Như vậy chúng sanh là chánh báo, cõi tịnh độ của Phật là y báo.

Chánh văn:

Khi ấy Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi ông Duy-ma-cật:
- Bồ-tát quán chúng sanh như thế nào?
Ông Duy-ma-cật nói:
- Ví như nhà huyễn thuật thấy người huyễn của mình tạo ra, Bồ-tát quán chúng sanh là như thế. Như người trí thấy trăng trong nước, như hình mặt hiện trong gương, như sóng nắng khi trời nóng bức, như âm vang của tiếng hô to, như mây trong  hư không, như chùm bọt nước, như bong bóng nước, như sự bền chắc của cây chuối, như sự lâu dài của tia chớp, như đại thứ năm, như ấm thứ sáu, như tình thứ bảy, như nhập thứ mười ba, như giới thứ mười chín, Bồ-tát quán chúng sanh cũng lại như thế.

Như sắc trong cõi trời Vô sắc, như mầm của hạt giống rang, như thân kiến Tu-đà-hoàn, như A-na-hàm vào thai, như ba độc của A-la-hán, như tham sân phá cấm giới của Bồ-tát đắc vô sanh nhẫn, như tập khí phiền não của Phật, như người mù thấy sắc, như hơi thở ra vào của người nhập Diệt tận định, như dấu chim bay trong hư không, như con cô gái đá, như người huyễn hóa khởi phiền não, như cảnh thấy trong mộng khi thức, như người diệt độ mà thọ thân, như lửa không khói, Bồ-tát quán chúng sanh cũng lại như thế.

Ngài Văn-thù-sư-lợi hỏi:
- Nếu Bồ-tát khởi quán như thế, làm sao thực hành lòng từ?
Ông Duy-ma-cật trả lời:
- Bồ-tát khởi quán thế ấy rồi, tự nghĩ: "Ta phải vì chúng sanh nói pháp như thế." Ấy tức là lòng từ chân thật vậy.

Thực hành lòng từ tịch diệt vì không có chỗ sanh. Thực hành lòng từ bất nhiệt vì không có phiền não. Thực hành lòng từ bình đẳng vì ba đời bình đẳng. Thực hành lòng từ vô tránh vì không có chỗ khởi. Thực hành lòng từ không hai vì trong ngoài không hòa hợp. Thực hành lòng từ không hoại vì rốt ráo diệt tận. Thực hành lòng từ kiên cố vì tâm không hủy hoại. Thực hành lòng từ thanh tịnh vì các pháp tánh thanh tịnh. Thực hành lòng từ vô biên vì như hư không. Thực hành lòng từ A-la-hán vì để phá kiết sử và các tặc. Thực hành lòng từ Bồ-tát để an ổn chúng sanh. Thực hành lòng từ Như Lai vì được tướng như. Thực hành lòng từ của Phật vì giác ngộ chúng sanh. Thực hành lòng từ tự nhiên vì không nhân được. Thực hành lòng từ Bồ-đề vì một vị bình đẳng. Thực hành lòng từ vô đẳng vì đoạn các ái. Thực hành lòng từ đại bi vì dẫn dắt đến Đại thừa. Thực hành lòng từ không chán vì quán không, vô ngã. Thực hành lòng từ pháp thí vì không tiếc nuối. Thực hành lòng từ trì giới vì giáo hóa những người phạm giới. Thực hành lòng từ nhẫn nhục vì bảo hộ ta và người. Thực hành lòng từ tinh tấn là để gánh vác chúng sanh. Thực hành lòng từ thiền định vì không thọ vị. Thực hành lòng từ trí tuệ vì đều biết thời. Thực hành lòng từ phương tiện vì tất cả thị hiện. Thực hành lòng từ không ẩn vì trực tâm thanh tịnh. Thực hành lòng từ thâm tâm vì không có những hạnh tạp. Thực hành lòng từ không dối gạt vì không hư giả. Thực hành lòng từ an lạc vì khiến được an vui của Phật. Thực hành lòng từ của Bồ-tát là như thế ấy.

Ngài Văn-thù-sư-lợi lại hỏi: - Sao gọi là bi ?
Đáp rằng: - Bồ-tát làm ra những công đức đều cho tất cả chúng sanh cùng hưởng.
Hỏi: - Sao gọi là hỷ?
Đáp: - Có điều lợi ích đều hoan hỷ không hối hận.
Hỏi: - Sao gọi là xả?
Đáp: - Việc làm phước đức, không có chỗ mong cầu.
Ngài Văn-thù-sư-lợi lại hỏi:
- Có sợ sanh tử, Bồ-tát phải nương tựa chỗ nào?
Ông Duy-ma-cật bảo:
- Bồ-tát ở trong sanh tử có sợ, phải nương vào sức công đức của Như Lai.
Ngài Văn-thù-sư-lợi lại hỏi:
- Bồ-tát muốn nương vào sức công đức của Như Lai thì phải trụ chỗ nào?
Đáp: - Bồ-tát muốn nương vào sức công đức của Như Lai, phải trụ độ thoát tất cả chúng sanh.
Lại hỏi: - Muốn độ chúng sanh phải trừ cái gì?
Đáp: - Muốn độ chúng sanh phải trừ phiền não kia.
Hỏi: - Muốn trừ phiền não phải làm hạnh gì?
Đáp: - Phải hành chánh niệm.

Hỏi: - Làm sao để hành chánh niệm?
Đáp: - Phải hành chẳng sanh chẳng diệt.
Hỏi: - Pháp gì chẳng sanh? Pháp gì chẳng diệt?
Đáp: - Pháp bất thiện chẳng sanh, pháp thiện chẳng diệt.
Lại hỏi: - Thiện và ác cái gì làm gốc?
Đáp: - Thân làm gốc.
Lại hỏi: - Thân lấy gì làm gốc?
Đáp: - Tham dục làm gốc.
Hỏi: - Tham dục lấy gì làm gốc?
Đáp: - Hư vọng phân biệt làm gốc.
Hỏi: - Hư vọng phân biệt lấy gì làm gốc?
Đáp: - Tưởng điên đảo làm gốc.
Hỏi: - Tưởng điên đảo lấy gì làm gốc?
Đáp: - Vô trụ làm gốc.
Lại hỏi: - Vô trụ lấy gì làm gốc?
Đáp: - Vô trụ thì không có gốc. Ngài Văn-thù-sư-lợi! Từ gốc vô trụ mà lập ra tất cả pháp.
Khi ấy thất ông Duy-ma-cật có một thiên nữ thấy chư đại nhân đang nghe nói pháp, liền hiện ra thân thiên nữ, dùng hoa trời tán trên các vị Bồ-tát và các vị đại đệ tử. Hoa đến các vị Bồ-tát đều rơi xuống đất, đến các vị đại đệ tử, dính lại không rơi. Tất cả đại đệ tử dùng thần lực để phủi hoa mà không thể nào phủi được.
Khi ấy Thiên nữ hỏi ngài Xá-lợi-phất:
- Vì sao phủi hoa?
Đáp: - Hoa này không đúng pháp, do đó phủi đi.

Thiên nữ thưa:
- Chớ nói hoa này là không đúng pháp. Vì cớ sao? Hoa ấy không phân biệt, nhân giả tự sanh tưởng phân biệt vậy! Nếu đối với người xuất gia trong Phật pháp, có chỗ phân biệt là không đúng pháp; nếu không có chỗ phân biệt, ấy mới gọi là đúng pháp. Xem các vị Bồ-tát hoa không dính, vì đã đoạn tất cả tưởng phân biệt. Ví như khi người sợ thì phi nhân được cơ hội, như thế các đệ tử Phật sợ sanh tử nên sắc thanh hương vị xúc mới được cơ hội lôi cuốn. Người đã lìa sợ, tất cả ngũ dục đều không làm gì được. Kiết tập chưa hết thì hoa còn dính trên thân! Kiết tập đã hết, hoa không dính được.
Ngài Xá-lợi-phất hỏi:
- Thiên nữ ở thất này đã bao lâu?
Thiên nữ đáp:
- Tôi ở trong thất này như người già được giải thoát.
Ngài Xá-lợi-phất nói: - Ở đây được bao lâu?

Thiên nữ hỏi:
- Người già giải thoát cũng được bao lâu?
Ngài Xá-lợi-phất lặng thinh không đáp.
Thiên nữ hỏi: - Như ngài là bậc kỳ cựu đại trí, sao lại làm thinh?
Đáp: - Giải thoát không lời để nói, nên tôi đối với chỗ này không biết nói thế nào.
Thiên nữ thưa:
- Ngôn thuyết văn tự đều là tướng giải thoát. Vì cớ sao? Giải thoát không ở trong không ở ngoài, không ở khoảng giữa; văn tự cũng vậy, không ở trong không ở ngoài, không ở khoảng giữa. Thế nên, ngài Xá-lợi-phất! Không lìa văn tự mà nói giải thoát. Vì cớ sao? Tất cả pháp là tướng giải thoát.
Ngài Xá-lợi-phất hỏi: - Không do lìa dâm nộ si vẫn giải thoát ư?
Thiên nữ thưa:
- Phật vì những người tăng thượng mạn mà nói lìa dâm nộ si là giải thoát. Nếu người không có tăng thượng mạn thì Phật nói tánh dâm nộ si tức là giải thoát.
Ngài Xá-lợi-phất nói:
- Lành thay, lành thay, Thiên nữ! Ngươi đã được cái gì, đã chứng cái gì mới biện tài như thế?

Thiên nữ thưa:
- Tôi không chứng không đắc nên được biện tài như thế. Vì cớ sao? Nếu có đắc có chứng tức ở trong Phật pháp là tăng thượng mạn.
Xá-lợi-phất hỏi Thiên nữ:
- Thiên nữ, ngươi đối với tam thừa là chí cầu cái gì?
Thiên nữ đáp:
- Dùng pháp Thanh văn để giáo hóa chúng sanh nên tôi làm Thanh văn, dùng pháp Duyên giác để giáo hóa chúng sanh nên tôi làm Bích-chi Phật, dùng pháp đại bi để giáo hóa chúng sanh nên tôi là Đại thừa. Ngài Xá-lợi-phất! Như người vào trong rừng chiêm-bặc, chỉ ngửi được mùi hương chiêm-bặc, không ngửi các mùi hương khác. Như thế, nếu người nào vào thất này thì chỉ có nghe mùi hương công đức Phật, không thích nghe mùi hương công đức của Thanh văn, Bích-chi Phật.
Ngài Xá-lợi-phất! Có những vị Đế-thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương, chư thiên, long thần, quỷ thần... vào trong thất này nghe thượng nhân đây thuyết giảng chánh pháp, đều ưa thích mùi hương công đức Phật, phát tâm rồi lui ra.
Ngài Xá-lợi-phất, tôi ở thất này mười hai năm. Ban đầu không nghe nói pháp Thanh văn, pháp Bích-chi Phật, chỉ nghe nói pháp Bồ-tát đại từ đại bi, pháp Bất khả tư nghì của chư Phật. Ngài Xá-lợi-phất, thất này thường hiện tám pháp chưa từng có khó được. Những gì là tám?
Thất này thường dùng ánh sáng màu vàng chiếu soi ngày đêm không khác, không do mặt trời mặt trăng chiếu soi mới sáng, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ nhất.
Người vào thất này không bị các cấu nhiễm làm phiền não, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ hai.
Thất này thường có Đế-thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương và các vị Bồ-tát từ những phương khác đến tụ hội không dứt, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ ba.
Thất này thường nói sáu pháp ba-la-mật bất thối chuyển, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ tư.
Thất này thường trổi nhạc bậc nhất của trời người, dây đàn phát ra vô lượng pháp âm, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ năm.
Thất này có bốn kho lớn chứa đầy đồ quý báu, cứu giúp những người cùng khốn, cầu là được không bao giờ hết, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ sáu.
Thất này đức Phật Thích-ca-mâu-ni, đức Phật A-di-đà, Phật A-súc, Phật Bảo Đức, Phật Bảo Diệm, Phật Bảo Nguyệt, Phật Bảo Nghiêm, Phật Nan Thắng, Phật Sư Tử Hưởng, Phật Nhất Thiết Lợi Thành...  mười phương vô lượng chư Phật như thế, khi thượng nhân này nghĩ đến liền đều đến, rộng nói các pháp tạng bí yếu của chư Phật, thuyết xong rồi trở về, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ bảy.
Thất này tất cả cung điện trang nghiêm của chư thiên, cõi tịnh độ của chư Phật đều hiện trong đó, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ tám.
Ngài Xá-lợi-phất! Thất này thường hiện tám pháp chưa từng có khó được, ai đã thấy được việc bất tư nghì này mà lại còn ưa pháp Thanh văn ư ?
Ngài Xá-lợi-phất hỏi:
- Ngươi vì sao mà không chuyển thân nữ?
Thiên nữ đáp:
- Tôi từ mười hai năm nay, tìm tướng thân nữ trọn không thể được, làm sao mà chuyển! Ví như có một huyễn sư hóa làm người nữ huyễn, nếu có người hỏi: "Vì sao không chuyển thân nữ?", người ấy hỏi là đúng chăng?
Xá-lợi-phất nói:
- Không vậy, tướng huyễn không nhất định, làm sao mà chuyển?
Thiên nữ đáp:
- Tất cả pháp cũng lại như thế, không có tướng nhất định, vì sao lại hỏi chẳng chuyển thân nữ ?
Liền khi đó Thiên nữ dùng sức thần thông biến Xá-lợi-phất thành Thiên nữ, Thiên nữ tự hóa thân thành Xá-lợi-phất, và hỏi rằng:
- Vì sao không chuyển thân nữ?
Ngài Xá-lợi-phất mang hình tướng thân nữ mà đáp rằng:
- Nay tôi không biết vì sao lại chuyển biến làm thân nữ?
Thiên nữ thưa:
- Ngài Xá-lợi-phất! Nếu có thể chuyển được thân nữ này, thì tất cả người nữ cũng có thể chuyển được. Như ngài Xá-lợi-phất không phải nữ mà hiện thân nữ, tất cả người nữ cũng lại như thế, tuy hiện thân nữ mà không phải nữ. Thế nên Phật nói tất cả các pháp chẳng phải nam chẳng phải nữ.
Liền khi đó Thiên nữ thâu nhiếp thần lực lại, thân ngài Xá-lợi-phất trở lại như cũ. Thiên nữ hỏi ngài Xá-lợi-phất:
- Sắc tướng thân nữ nay ở chỗ nào?
Xá-lợi-phất đáp:
- Sắc tướng thân nữ không có cũng không phải không có.
Thiên nữ thưa: - Tất cả các pháp cũng lại như thế, không có cũng không phải không có. Phàm không có không phải không có, đó là chỗ Phật nói.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi Thiên nữ:
- Ngươi ở đây chết rồi sẽ sanh về đâu?
Thiên nữ đáp:
- Chỗ Phật hóa sanh, tôi cũng như kia mà sanh.
Xá-lợi-phất nói:
- Phật hóa sanh, không phải chết mới sanh.
Thiên nữ thưa:
- Chúng sanh cũng như vậy, không chết mà sanh vậy.
Xá-lợi-phất hỏi:
- Ngươi chừng nào sẽ được thành Phật?
Thiên nữ đáp:
- Như ngài Xá-lợi-phất trở lại làm phàm phu, tôi mới có thể thành Phật.
Xá-lợi-phất nói:
- Tôi làm phàm phu điều đó không thể có.
Thiên nữ thưa:
- Tôi được thành Phật cũng không thể có. Vì cớ sao? Bồ-đề là không có chỗ trụ, thế nên không có được.
Xá-lợi-phất hỏi:
- Nay chư Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đã được và sẽ được, nhiều như số cát sông Hằng, đều gọi là gì ?

Thiên nữ đáp:
- Đều do số văn tự thế tục nên nói có ba đời, chứ không phải Bồ-đề có quá khứ vị lai hiện tại.
Thiên nữ hỏi:
- Xá-lợi-phất, ngài được đạo A-la-hán chăng?
Xá-lợi-phất đáp:
- Vì không có chỗ được mà được.
Thiên nữ thưa:
- Chư Phật Bồ-tát cũng lại như thế, vì không chỗ được mà được.
Khi ấy ông Duy-ma-cật bảo ngài Xá-lợi-phất:
- Thiên nữ này đã từng cúng dường chín mươi hai ức chư Phật, đã có thể dùng thần thông của Bồ-tát mà dạo chơi, sở nguyện đều được đầy đủ, được vô sanh nhẫn, trụ bất thối chuyển. Vì do bản nguyện, tùy ý thị hiện giáo hóa chúng sanh.

Giảng:

Khi ấy Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi ông Duy-ma-cật:
- Bồ-tát quán chúng sanh như thế nào?
Ông Duy-ma-cật nói:
- Ví như nhà huyễn thuật thấy người huyễn của mình tạo ra, Bồ-tát quán chúng sanh là như thế.

Cư sĩ Duy-ma-cật nói với ngài Văn-thù: Bồ-tát phải quán chúng sanh như nhà huyễn thuật hóa ra một người huyễn. Chúng sanh coi người huyễn đó tưởng là  người thật, chỉ có nhà huyễn thuật biết rõ là huyễn. Cũng vậy, Bồ-tát có trí tuệ, quán sát thấy rõ chúng sanh là huyễn hóa không thật.

Như người trí thấy trăng trong nước, như hình mặt hiện trong gương, như sóng nắng khi trời nóng bức, như âm vang của tiếng hô to, như mây trong hư không, như chùm bọt nước, như bong bóng nước, như sự bền chắc của cây chuối, như sự lâu dài của tia chớp, như đại thứ năm, như ấm thứ sáu, như tình thứ bảy, như nhập thứ mười ba, như giới thứ mười chín, Bồ-tát quán chúng sanh cũng lại như thế. Những hình ảnh được dẫn dụ trên đây, có chiều thuận cũng có chiều nghịch.

Người trí quán chúng sanh như thấy trăng trong nước. Đêm rằm nhìn xuống hồ nước trong, thấy mặt trăng hiện rõ dưới đáy hồ. Như vậy mặt trăng hiện dưới đáy hồ là có hay không? Nó không thật có, cũng không hẳn là không, chỉ là bóng trăng in trong nước. Người trí quán chúng sanh cũng vậy, phải thấy chúng sanh không thật có. Giống như bóng trăng trong nước, bản chất nó không thật. Nói vậy nghe có vẻ không đúng, nhưng xét thật kỹ thân chúng ta đây, cái gì là mình, cái gì là người? Chẳng qua đủ duyên hợp lại gọi là có mình, duyên ly tán thì hoại. Cũng như trên trời có trăng, dưới hồ có nước thì thấy có bóng trăng hiện, còn trời không trăng thì nhìn dưới hồ đâu thấy bóng trăng. Như vậy, bóng trăng đâu thật có, cũng như ảnh trong gương, như sóng nắng khi trời nắng gắt, như tiếng vang trong núi, như mây nổi trong hư không. Những thứ đó tạm bợ, có mà không thật có. Như chùm bọt trên biển, như bong bóng nước khi trời mưa, nhìn thì thấy nhưng vừa chạm tới liền tan, đâu được lâu bền. Thân mình cũng giống như vậy. Đó là những thí dụ theo chiều thuận, để thấy thân này giả dối không thật.

Ông lại dùng thí dụ theo chiều nghịch để diễn tả nghĩa này. Như sự bền chắc của cây chuối, mà cây chuối có bền chắc không? Nếu lột từng bẹ ra tìm không có cây chuối. Như vậy cây chuối không bền chắc, nhưng lại nói bền chắc như cây chuối. Lâu dài như điện chớp, điện chớp vừa nháng lên là mất, vậy mà nói lâu dài như điện chớp. Như đại thứ năm, ấm thứ sáu, tình thứ bảy, nhập thứ mười ba, giới thứ mười chín. Nói như vậy nghĩa là sao? Kinh chỉ nói có bốn đại, năm ấm, sáu tình, mười hai nhập, mười tám giới, chứ đâu có đại thứ năm, ấm thứ sáu, tình thứ bảy, nhập thứ mười ba, giới thứ mười chín. Những thí dụ nêu trên để chỉ cho những cái không thể có.

Bây giờ nêu rõ lại đoạn này. Đầu tiên cư sĩ Duy-ma-cật nói, Bồ-tát phải quán chúng sanh như người huyễn, tuy thấy có thân người qua lại tới lui, nhưng bản chất không thật, đó là điểm chính. Kế dùng những thí dụ để thấy sự tạm bợ giả dối của nó như trăng đáy nước, như bóng trong gương... Bồ-tát thấy như vậy là người trí. Nếu thấy khác hơn là người ngu, là chúng sanh. Bồ-tát hay chúng sanh khác nhau chỉ do cái nhìn. Chỉ cần nhìn thấy đúng như thật, đó là Bồ-tát. Thân giả dối mà thấy thật, đó là ngu mê, là chúng sanh. Do thấy mình thật, mình quan trọng nên bị người chửi, người khinh thì sân si nổi lên, mọi phiền não đều từ đó sanh khởi.

Như vậy có hai cách nhìn: Nhìn của bậc trí tuệ, đưa người đến giải thoát. Nhìn của kẻ ngu si tạo ác nghiệp, đưa đến trầm luân. Thế nên, tu không phải là chuyện khó làm, chỉ cần chuyển cách nhìn từ phàm phu sang bậc trí. Tuy đã nghe Bồ-tát, nghe Phật nói quá rõ mà vẫn bỏ không được, vậy mới thấy thói quen mê lầm của chúng ta thật sâu dày nhiều đời nhiều kiếp, chất chồng không biết bao nhiêu lớp ngu mê tạo nghiệp. Cho nên phải thành khẩn thiết tha lễ Phật sám hối, để tiêu trừ nghiệp chướng giúp chúng ta sớm tỉnh giác, nhận chân được lẽ thật.

Như sắc trong cõi trời Vô sắc, như mầm của hạt giống rang, như thân kiến Tu-đà-hoàn, như A-na-hàm vào thai, như ba độc của A-la-hán, như tham sân phá cấm giới của Bồ-tát đắc vô sanh nhẫn, như tập khí phiền não của Phật, như người mù thấy sắc, như hơi thở ra vào của người nhập Diệt tận định, như dấu chim bay trong hư không, như con cô gái đá, như người huyễn hóa khởi phiền não, như cảnh thấy trong mộng khi thức, như người diệt độ mà thọ thân, như lửa không khói, Bồ-tát quán chúng sanh cũng lại như thế.

Đây đưa ra những điều nghịch lý để thấy sự việc không bao giờ có. Như cõi Vô sắc làm sao có sắc được. Hạt giống rang đâu thể nảy mầm. Tu-đà-hoàn còn chấp thân không? Nếu còn chấp thân thì chưa chứng Tu-đà-hoàn. A-na-hàm chỉ còn sanh lại một lần nhưng ở cõi trời Tịnh Cư, chứ không vào thai người ở cõi thế gian này nữa. A-la-hán đã dứt tam độc, chứng vô sanh. Bồ-tát đắc vô sanh nhẫn luôn giữ gìn tịnh giới, đâu còn tham sân. Phật làm gì còn tập khí phiền não. Người mù đâu thể thấy sắc. Người nhập Diệt tận định thì không còn hơi thở ra vào. Chim bay trong không làm gì lưu dấu vết. Gái đá đâu thể có con được. Đã là người huyễn hóa làm sao sanh phiền não. Thức giấc rồi thì cảnh thấy trong mộng cũng tan. Diệt độ là chứng A-la-hán nhập Niết-bàn, đâu còn thọ thân. Có lửa mà không khói là chuyện vô lý. Như vậy Bồ-tát quán thật rõ ràng tường tận, thấy tất cả chúng sanh đều như huyễn như hóa, chỉ có giả danh mà không thật có, như những điều kể trên.

Thông thường khi quán thấy chúng sanh là hư dối, tạm bợ như bóng trong gương, như trăng đáy nước. Nếu thấy bóng trong gương đang buồn đang khóc, hoặc bị người hiếp đáp, mình có đến an ủi, can thiệp không? Bởi thấy nó là bóng, là huyễn hóa nên mình thản nhiên trước những cảnh đó.
Ngài Văn-thù-sư-lợi hỏi:
- Nếu Bồ-tát khởi quán như thế, làm sao thực hành lòng từ?
Ông Duy-ma-cật trả lời:
- Bồ-tát khởi quán thế ấy rồi, tự nghĩ: "Ta phải vì chúng sanh nói pháp như thế." Ấy tức là lòng từ chân thật vậy.

 Nếu quán thấy chúng sanh giả dối huyễn hóa, làm sao phát tâm cứu giúp họ! Vì vậy sau đó phải quán từ bi. Tại sao? Chúng sanh huyễn hóa mà không tự biết huyễn hóa, nên Bồ-tát thương xót, tìm mọi cách cứu họ thoát khổ, chỉ dạy cho họ biết đó là tạm bợ giả dối để họ đừng mê chấp mà tạo thêm nghiệp. Hết tạo nghiệp thì hết thọ khổ, dòng huyễn hóa từ đây dừng. Do đó Bồ-tát dùng trí tuệ quán chiếu thấy đúng như thật, liền khởi tâm đại bi. Chứ không phải thấy rồi không làm gì hết, trở thành tiêu cực. Đó mới là lòng từ bi chân thật của Bồ-tát.

Thực hành lòng từ tịch diệt vì không có chỗ sanh. Thực hành lòng từ bất nhiệt vì không có phiền não. Thực hành lòng từ bình đẳng vì ba đời bình đẳng. Thực hành lòng từ vô tránh vì không có chỗ khởi. Thực hành lòng từ không hai vì trong ngoài không hòa hợp. Thực hành lòng từ không hoại vì rốt ráo diệt tận. Thực hành lòng từ kiên cố vì tâm không hủy hoại. Thực hành lòng từ thanh tịnh vì các pháp tánh thanh tịnh. Thực hành lòng từ vô biên vì như hư không. Thực hành lòng từ A-la-hán vì để phá kiết sử và các tặc. Thực hành lòng từ Bồ-tát để an ổn chúng sanh. Thực hành lòng từ Như Lai vì được tướng như. Thực hành lòng từ của Phật vì giác ngộ chúng sanh. Thực hành lòng từ tự nhiên vì không nhân được. Thực hành lòng từ Bồ-đề vì một vị bình đẳng. Thực hành lòng từ vô đẳng vì đoạn các ái. Thực hành lòng từ đại bi vì dẫn dắt đến Đại thừa. Thực hành lòng từ không chán vì quán không, vô ngã. Thực hành lòng từ pháp thí vì không tiếc nuối. Thực hành lòng từ trì giới vì giáo hóa những người phạm giới. Thực hành lòng từ nhẫn nhục vì bảo hộ ta và người. Thực hành lòng từ tinh tấn là để gánh vác chúng sanh. Thực hành lòng từ thiền định vì không thọ vị. Thực hành lòng từ trí tuệ vì đều biết thời. Thực hành lòng từ phương tiện vì tất cả thị hiện. Thực hành lòng từ không ẩn vì trực tâm thanh tịnh. Thực hành lòng từ thâm tâm vì không có những hạnh tạp. Thực hành lòng từ không dối gạt vì không hư giả. Thực hành lòng từ an lạc vì khiến được an vui của Phật. Thực hành lòng từ của Bồ-tát là như thế ấy.

Thực hành lòng từ tịch diệt vì không có chỗ thọ sanh. Thực hành lòng từ bất nhiệt là không nóng nảy, dù gặp trường hợp nào, hoàn cảnh nào cũng bình tĩnh, không để phiền não sanh khởi. Thực hành lòng từ bình đẳng vì ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều bình đẳng. Thực hành lòng từ vô tránh vì không có chỗ khởi, nếu còn khởi là còn có chỗ tranh, là còn hạn chế. Thực hành lòng từ không hai, vì có trong có ngoài là còn mang tình chấp, không được hoàn toàn trong sạch, nên không thể hòa hợp. Thực hành lòng từ không hoại vì rốt ráo diệt tận. Thực hành lòng từ kiên cố vì tâm bền chắc, không gì phá hoại được. Thực hành lòng từ thanh tịnh vì các pháp tánh thanh tịnh. Thực hành lòng từ vô biên, như hư không không có ranh giới, thênh thang rộng lớn không bờ mé, vì không còn ngã chấp. Thực hành lòng từ A-la-hán vì để phá kiết sử và các tặc. Tặc là lục tặc, kiết sử là thập triền thập sử, là những phiền não trói buộc, dẫn dắt chúng sanh đi trong sanh tử. Thực hành lòng từ Bồ-tát để đem an ổn đến cho chúng sanh.

Thực hành lòng từ Như Lai vì được tướng như, tức là như như bất động, không sanh không diệt. Thực hành lòng từ của Phật, vì đức Phật ra đời muốn giác ngộ chúng sanh. Thực hành lòng từ tự nhiên còn gọi là vô duyên từ, vì không do nhân duyên mà được. Thực hành lòng từ Bồ-đề, vì biết tất cả giáo pháp của Phật chỉ có một vị bình đẳng, tức là vị giải thoát giác ngộ. Thực hành lòng từ vô đẳng vì đoạn trừ các tâm ái nhiễm, vô đẳng là không gì so sánh, không gì ngang bằng. Thực hành lòng từ đại bi vì dẫn dắt đến Đại thừa, nghĩa là dùng Đại thừa đưa chúng sanh đến con đường giác ngộ thành Phật. Thực hành lòng từ không chán vì quán không, vô ngã, vì không thấy có người có ta thì ai mệt mỏi, ai chán nản.

Thực hành lòng từ pháp thí vì không tiếc nuối. Với tinh thần pháp thí là đem giáo pháp, đem chân lý giảng giải cho mọi người biết được lẽ thật mà không tiếc nuối giấu giếm. Thực hành lòng từ trì giới vì giáo hóa những người phạm giới. Thực hành lòng từ nhẫn nhục vì bảo hộ ta và người. Thí dụ có người nói một câu nghe trái tai, nếu mình không nhẫn thì cơn sân nổi lên, không làm chủ dẫn đến những hành động thô, hoặc đấm hoặc tát họ... Như vậy cả hai đều bị tổn hại. Chẳng phải một đấm, một tát rồi thôi, mà có thể ôm ấp hờn giận cả năm cả tháng, cả đời không quên. Còn nếu nhẫn được, bỏ qua thì cả hai đều có lợi. Cho nên nhờ hạnh nhẫn nhục mà mình bảo hộ được cho mình mà cũng bảo hộ được cho người. Thực hành lòng từ tinh tấn là để dẫn dắt chúng sanh tiến lên con đường giác ngộ. Thực hành lòng từ thiền định vì không thọ vị. Thọ vị tức là đắm trước vị thiền định, lấy vui thiền định làm thức ăn nên gọi là thiền duyệt vi thực. Người tu thiền khi được an định, cảm nhận được nguồn vui, rồi cứ đắm vị vui đó mà không chịu xả để làm lợi ích cho chúng sanh; nên Bồ-tát tuy hành thiền định mà vẫn không bị đắm trước. Thực hành lòng từ trí tuệ vì đều biết thời. Nghĩa là biết căn cơ, thời tiết nhân duyên, khi nào nên nói khi nào nên dạy, đó là thực hành lòng từ trí tuệ.

Thực hành lòng từ phương tiện vì tất cả thị hiện. Bồ-tát có khi phải thị hiện sanh trong các chủng loại để thực hành lòng từ giáo hóa chúng sanh. Như trong kinh Bản Sanh kể lại tiền thân đức Phật đã từng thị hiện làm thân nai, thân chim oanh vũ, làm voi chúa, sư tử vương... để giáo hóa các loài chúng sanh. Thực hành lòng từ không ẩn vì trực tâm thanh tịnh. Ẩn tức là giấu kín. Vì lòng từ bi, biết người đó có lỗi, mình không giấu không che, dùng lời ngay thẳng chân thật chỉ cho họ biết, để sửa đổi trở thành thanh tịnh. Nếu thấy người làm điều tội lỗi, mà mình che giấu vì sợ họ bị rầy bị phạt, như vậy tưởng là mình tốt. Nhưng họ không nhận được lỗi lầm và không sửa đổi, đó chính là làm cho tội lỗi của họ tăng trưởng. Vậy là mình thiếu trực tâm thanh tịnh. Nên nói thực hành lòng từ không ẩn vì trực tâm thanh tịnh.

Tiếp theo đây là kể thêm một số lòng từ bi của Bồ-tát như: Thực hành lòng từ thâm tâm vì không có những hạnh tạp. Thực hành lòng từ không dối gạt vì không hư giả. Thực hành lòng từ an lạc vì khiến được an vui của Phật. Tuy quán chúng sanh là hư dối không thật, thấy rõ như vậy, biết đúng như vậy, nhưng vì chúng sanh mê muội cứ lầm tưởng mình là thật có, nên mãi tạo nghiệp phải chịu khổ đau. Chúng ta phải đem cái thấy đúng như thật chỉ dạy cho họ biết, làm tất cả hạnh từ bi để giúp họ dứt bỏ những xấu xa tội lỗi, thoát khỏi khổ đau, được an vui vĩnh viễn. Lòng từ bi của Bồ-tát là vì lợi ích cho chúng sanh, chứ không phải thấy thân giả tạm rồi để mặc họ ra sao cũng được, mà phải thương làm cho họ thức tỉnh đừng mê lầm tạo thêm nghiệp nữa, như vậy mới thoát khỏi khổ đau. Thực hành lòng từ bi của Bồ-tát là như thế ấy.

Ngài Văn-thù-sư-lợi lại hỏi: - Sao gọi là bi ?
Đáp rằng:
- Bồ-tát làm ra những công đức đều cho tất cả chúng sanh cùng hưởng.

Bi là cứu khổ, tức là làm cho mọi người được lợi ích, được an lạc. Bồ-tát có được công đức gì đều chia sớt cho mọi người cùng hưởng, chứ không phải cho riêng mình. Đó gọi là bi.

Hỏi: - Sao gọi là hỷ ?
Đáp: - Có điều lợi ích đều hoan hỷ không hối hận.

Tức là làm những điều lợi ích cho chúng sanh, đều hoan hỷ không hối hận. Chúng ta có khi nào làm điều lợi ích cho chúng sanh rồi hối hận không? Thí dụ mình là người biết may đồ, có một huynh đệ đến nhờ may giùm bộ đồ, mình hoan hỷ nhận vì nghĩ đây là việc làm lợi ích cho người. Nhưng khi may xong giao đồ, họ chê may không khéo, may dối. Lúc đó nếu khởi nghĩ "biết vậy không thèm may", đó là tâm niệm hối hận. Nhưng mình làm tất cả lợi ích cho người, dù bị chê, bị coi thường, cũng vẫn hoan hỷ không hối hận. Đó là tâm hoan hỷ cần phải thực hành.

Hỏi: - Sao gọi là xả?
Đáp: - Việc làm phước đức, không có chỗ mong cầu.

Xả là buông xả tất cả những việc phước đức mình đã làm, làm mà không mong cầu. Trong sinh hoạt hằng ngày như ngồi thiền, tụng kinh, thọ trai... chúng ta đều hồi hướng cho mình và chúng sanh trọn thành Phật đạo, như vậy là có mong cầu phải không? Nhưng chữ Xả ở đây là buông xả tâm mong cầu riêng tư. Làm tất cả việc phước đức là mong cho mọi người cùng hưởng, chứ không cho cá nhân mình, vì mong cầu riêng tư thì tâm dễ sanh phiền não sân hận. Như có người bị tai nạn rất hiểm nguy, muốn cứu họ mình phải có sự hy sinh. Nhưng khi cứu họ qua cơn nguy biến, có nghĩ đời đời họ sẽ không quên ơn mình không? Nghĩ như vậy là có mong cầu. Nếu hai ba tháng sau tình cờ gặp lại, họ không chào hỏi, mình có nổi sân lên và nghĩ người đó vô ơn bạc nghĩa không? Nếu mình cứu giúp họ rồi, không cần nhớ không cần biết, gặp nhau có chào không chào cũng được, như vậy mới gọi là xả, không mong cầu. Không thấy mình là người ban ơn, kia là người thọ ơn. Chỉ một hai việc nhỏ thôi mà chừng vài ba tháng họ quên, mình cũng còn bực bội, huống nữa là những ơn rất khó làm. Vì vậy xả là để dứt tâm mong cầu.

Dứt hết mong cầu thì tự nhiên không còn sân hận. Chúng sanh dễ quên lắm, mình dễ quên người khác cũng dễ quên, chấp họ làm chi, buông xả hết để khỏi sanh phiền não. Như vậy mới tốt.

Ngài Văn-thù-sư-lợi lại hỏi: - Có sợ sanh tử, Bồ-tát phải nương tựa chỗ nào?
Ông Duy-ma-cật bảo: - Bồ-tát ở trong sanh tử có sợ, phải nương vào sức công đức của Như Lai.
Ngài Văn-thù-sư-lợi lại hỏi: - Bồ-tát muốn nương vào sức công đức của Như Lai thì phải trụ chỗ nào ?
Đáp: - Bồ-tát muốn nương vào sức công đức của Như Lai, phải trụ độ thoát tất cả chúng sanh.

Nếu còn sợ sanh tử thì Bồ-tát phải nương tựa vào sức công đức của Như Lai. Muốn nương vào sức công đức của Như Lai, phải trụ độ thoát tất cả chúng sanh. Như vậy nương vào công đức Phật không phải là sẽ được hào quang của Phật che chở, mà phải độ tất cả chúng sanh thoát khỏi khổ sanh tử. Vì công đức Phật là công đức độ sanh, mà độ sanh thì phải trôi lăn trong sanh tử. Nếu sợ sanh tử thì đâu độ thoát chúng sanh được. Bồ-tát cũng như Thanh văn đều biết rõ sanh tử là khổ đau đáng sợ, nhưng Bồ-tát vì thương muốn độ chúng sanh nên phải lăn lộn trong đó. Việc khó làm, nguy hiểm mà các ngài vẫn xả thân, sẵn sàng hy sinh cứu giúp. Đây là giá trị cao quý của Bồ-tát.

Lại hỏi: - Muốn độ chúng sanh phải trừ cái gì ?
Đáp: - Muốn độ chúng sanh phải trừ phiền não kia.
Hỏi: - Muốn trừ phiền não phải làm hạnh gì ?
Đáp: - Phải hành chánh niệm.

Độ chúng sanh nghĩa là dẹp trừ phiền não cho chúng sanh, nhưng muốn làm được việc đó, trước mình phải sạch phiền não, sau đó mới tìm phương tiện trừ dẹp phiền não cho người. Muốn trừ phiền não phải hành chánh niệm. Thí dụ ở trong chúng lâu lâu có huynh đệ buồn giận nhau nổi sân lên, có những lời nói và hành động thô tháo. Khi nổi sân là đã phiền não. Vì sao phiền não? Vì không làm chủ được thân tâm, để những vọng niệm dẫn dắt, nên muốn trừ phiền não phải hằng nhớ chánh niệm, đó là thực hành chánh niệm. Hoặc có người thích đi nơi này nơi kia, tâm ý dao động, chạy nhảy lăng xăng như khỉ vượn. Được đi thì vui, không được thì buồn phiền than thở sao không được thoải mái, tức là phiền não sanh khởi. Thế nên người có trách nhiệm hành đạo, muốn giúp đỡ cho người sau thì phải biết trừ phiền não cho họ, bằng cách nhắc nhở họ đừng buông lung tâm ý, phải sống trở về với chánh niệm.

Hỏi: - Làm sao để hành chánh niệm?
Đáp: - Phải hành chẳng sanh chẳng diệt.
Hỏi: - Pháp gì chẳng sanh? Pháp gì chẳng diệt?
Đáp: - Pháp bất thiện chẳng sanh, pháp thiện chẳng diệt.

Muốn hành chánh niệm phải thực hành pháp chẳng sanh chẳng diệt. Nhưng pháp gì chẳng sanh, pháp gì chẳng diệt? Pháp bất thiện chẳng sanh,  pháp thiện chẳng diệt. Chánh niệm tức là vô niệm, nghĩa là tất cả pháp ác chẳng sanh, tất cả pháp thiện chẳng diệt. Đó gọi là chánh niệm.

Lại hỏi: - Thiện và ác cái gì làm gốc ?
Đáp: - Thân làm gốc.
Lại hỏi: - Thân lấy gì làm gốc?
Đáp: - Tham dục làm gốc.
Hỏi: - Tham dục lấy gì làm gốc?
Đáp: - Hư vọng phân biệt làm gốc.

Thân này là gốc của ba nghiệp, thân nghiệp khẩu nghiệp và ý nghiệp. Tất cả nghiệp thiện nghiệp ác đều từ thân mà ra. Thân này do tham dục làm gốc. Nếu hết tham dục thì không còn thọ thân. Trong tham dục, ái dục là gốc của trầm luân, hết ái dục thì được giải thoát. Tham dục lấy hư vọng phân biệt làm gốc, như thấy cảnh rồi khởi phân biệt đẹp xấu nên niệm tham mới khởi lên, vậy hư vọng phân biệt là gốc sanh ra tham ái. Nếu thấy cảnh mà không khởi phân biệt hư vọng thì tham ái dứt.

Hỏi: - Hư vọng phân biệt lấy gì làm gốc ?
Đáp: - Tưởng điên đảo làm gốc.
Hỏi: - Tưởng điên đảo lấy gì làm gốc ?
Đáp: - Vô trụ làm gốc.
Lại hỏi: - Vô trụ lấy gì làm gốc ?
Đáp: - Vô trụ thì không có gốc. Ngài Văn-thù-sư-lợi! Từ gốc vô trụ mà lập ra tất cả pháp.

Hư vọng phân biệt do tưởng điên đảo làm gốc. Sở dĩ có phân biệt hư dối là từ tưởng điên đảo mà ra. Tưởng điên đảo là tưởng lộn ngược, tưởng không đúng lẽ thật. Như có nhiều người trang điểm trau chuốt cho thân này đẹp đẽ, nhưng có đẹp thật không? Do tưởng điên đảo cho là đẹp rồi phân biệt thế này thế kia, sanh ra các tham ái. Vậy tưởng điên đảo là tưởng không đúng lẽ thật, do thói quen huân tập lâu đời nên chúng ta đối cảnh liền khởi tâm phân biệt.

Tưởng điên đảo lấy Vô trụ làm gốc, nghe thật khó hiểu. Tưởng điên đảo là cái thấy sai lầm, lộn ngược, sao lại lấy vô trụ làm gốc? Nên mới hỏi thêm, vô trụ lấy gì làm gốc? Vô trụ thì không có gốc. Ý này trùng hợp với ý trong Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ. Lục Tổ lập Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm gốc. Thế nên chúng ta thấy, cái nhìn của Lục Tổ rất phù hợp với cái nhìn của cư sĩ Duy-ma-cật, đều lấy vô trụ làm gốc. Như trên mặt biển có sóng gió nổi lên ầm ầm, ngay khi đó chúng ta biết có bao nhiêu lượn sóng nổi lên không? Những lượn sóng đó bằng nhau hay lớn nhỏ khác nhau? Những lượn sóng đó bủa ra đập vào nhau, thành những đám bọt. Bọt trắng xóa từ đâu mà có? Chúng ta đáp sao? Từ sóng bủa mà có. Hỏi sóng từ đâu mà có? Từ nước mà có. Hỏi nước từ đâu mà có? Ngay đó nói sao ?

Đây cũng vậy, chỗ vô trụ không hình tướng. Tuy không hình tướng nhưng thể của nó tùy duyên mà  biến đổi. Như có gió thì nổi sóng, gió mạnh thì sóng to... Cho nên từ vô trụ sanh ra tưởng điên đảo. Từ tưởng điên đảo sanh ra hư vọng phân biệt. Từ hư vọng phân biệt sanh ra tham dục. Từ tham dục mà có thân. Như vậy chúng ta thấy, vô trụ là gốc của tất cả pháp.

Chúng ta tu muốn khỏi trầm luân sanh tử thì phải dứt tham dục. Muốn dứt tham dục, trước phải dứt những hư vọng phân biệt. Muốn dứt hư vọng phân biệt phải bỏ tưởng điên đảo. Cho nên chúng ta phải thấy như Bồ-tát, phải giác như Bồ-tát. Thấy thân này là hư dối, như người huyễn, như bóng trong gương, như trăng đáy nước... Thấy như vậy là phá được tưởng điên đảo, nếu phá tưởng điên đảo rồi thì đạt đến gốc vô trụ, là chỗ bất sanh bất diệt. Đến đây mới dứt được dòng sanh tử. Đó là đã chỉ rõ ràng cho chúng ta manh mối tu hành từ cạn đến sâu. Thế nên cư sĩ Duy-ma-cật nói với ngài Văn-thù-sư-lợi, từ gốc vô trụ mà lập ra tất cả pháp.

 Khi ấy thất ông Duy-ma-cật có một thiên nữ thấy chư đại nhân đang nghe nói pháp, liền hiện ra thân thiên nữ, dùng hoa trời tán trên các vị Bồ-tát và các vị đại đệ tử. Hoa đến các vị Bồ-tát đều rơi xuống đất, đến các vị đại đệ tử, dính lại không rơi. Tất cả đại đệ tử dùng thần lực để phủi hoa mà không thể nào phủi được.
Khi ấy Thiên nữ hỏi ngài Xá-lợi-phất:
- Vì sao phủi hoa?
Đáp: - Hoa này không đúng pháp, do đó phủi đi.
Thiên nữ thưa:
- Chớ nói hoa này là không đúng pháp. Vì cớ sao? Hoa ấy không phân biệt, nhân giả tự sanh tưởng phân biệt vậy! Nếu đối với người xuất gia trong Phật pháp, có chỗ phân biệt là không đúng pháp; nếu không có chỗ phân biệt, ấy mới gọi là đúng pháp. Xem các vị Bồ-tát hoa không dính, vì đã đoạn tất cả tưởng phân biệt. Ví như khi người sợ thì phi nhân được cơ hội, như thế các đệ tử Phật sợ sanh tử nên sắc thanh hương vị xúc mới được cơ hội lôi cuốn. Người đã lìa sợ, tất cả ngũ dục đều không làm gì được. Kiết tập chưa hết thì hoa còn dính trên thân! Kiết tập đã hết, hoa không dính được.

Câu chuyện này nghe thật lý thú. Thiên nữ tán hoa cúng dường, khi hoa rơi trên thân Bồ-tát thì tự rớt xuống đất, rơi trên người những vị Thanh văn trúng đâu dính đó, phủi không được. Thiên nữ hỏi, tại sao các ngài lại phủi hoa? Tôn giả Xá-lợi-phất đáp, vì giới của Thanh văn không được đeo tràng hoa, không được dùng hoa thơm để trang sức. Nay hoa dính đầy người như trang sức thân này thì phạm giới rồi, nên phải phủi nó đi vì không đúng pháp. Thiên nữ lý luận, người xuất gia trong Phật pháp còn khởi tưởng phân biệt thì không đúng pháp. Hoa vốn tự đâu có phân biệt, chỉ do ngài tự sanh tâm phân biệt nên nói không đúng pháp. Lý luận của Thiên nữ nghe quá hay! Cuối cùng Thiên nữ kết luận, ai kiết sử chưa hết thì hoa còn dính trên thân, ai kiết sử hết rồi thì hoa tự rơi rụng.

Chúng ta tu, hằng đêm lạy Phật cầu được giải thoát, vì những kiết sử quá sâu dày nên dính mắc sáu trần; nếu dứt hết kiết sử, khỏi lạy Phật cầu xin cũng tự giải thoát. Trong sự tu, điều đáng sợ không phải là cảnh mà chính là những kiết sử hay những phiền não của mình. Phiền não chưa sạch thì cảnh ngoài mới lôi cuốn được, phiền não đã sạch rồi thì ngoại cảnh làm gì được mình.

Câu chuyện tán hoa trên làm sáng tỏ thêm chủ đích của người tu là phải dẹp phiền não, chớ nên nói "ở đây đông quá, huynh đệ tới lui rộn ràng làm phiền, tôi tu không được", mà do mình còn phiền não. Phiền não sạch rồi, ở đâu tu cũng được, đó là điểm chính yếu của sự tu.
Ngài Xá-lợi-phất hỏi:
- Thiên nữ ở thất này đã bao lâu ?
Thiên nữ đáp:
- Tôi ở trong thất này như người già được giải thoát.
Ngài Xá-lợi-phất hỏi: - Ở đây được bao lâu ?
Thiên nữ hỏi:
- Người già giải thoát cũng được bao lâu ?
Ngài Xá-lợi-phất lặng thinh không đáp.
Thiên nữ hỏi:
- Như ngài là bậc kỳ cựu đại trí, sao lại làm thinh ?

Đáp: - Giải thoát không lời để nói, nên tôi đối với chỗ này không biết nói thế nào.
Thiên nữ thưa:
- Ngôn thuyết văn tự đều là tướng giải thoát. Vì cớ sao? Giải thoát không ở trong không ở ngoài, không ở khoảng giữa; văn tự cũng vậy, không ở trong không ở ngoài, không ở khoảng giữa. Thế nên, ngài Xá-lợi-phất! Không lìa văn tự mà nói giải thoát. Vì cớ sao? Tất cả pháp là tướng giải thoát.
Ngài Xá-lợi-phất hỏi:
- Không do lìa dâm nộ si vẫn giải thoát ư?
Thiên nữ thưa:
- Phật vì những người tăng thượng mạn mà nói lìa dâm nộ si là giải thoát. Nếu người không có tăng thượng mạn thì Phật nói tánh dâm nộ si tức là giải thoát.
Ngài Xá-lợi-phất nói:
- Lành thay, lành thay, Thiên nữ! Ngươi đã được cái gì, đã chứng cái gì mới biện tài như thế?
Thiên nữ thưa:
- Tôi không chứng không đắc nên được biện tài như thế. Vì cớ sao? Nếu có đắc có chứng tức ở trong Phật pháp là tăng thượng mạn.

Tôn giả Xá-lợi-phất chịu thua Thiên nữ, giờ chuyển qua vấn đề khác, hỏi Thiên nữ ở thất này đã bao lâu ? 
Thiên nữ nói, tôi ở đây cũng như người già được giải thoát. Vậy ông già giải thoát được bao lâu? Tôn giả Xá-lợi-phất lặng thinh không đáp. Hỏi ngài là bậc kỳ cựu đại trí, sao lại làm thinh? Vì giải thoát không có ngôn ngữ diễn tả được. Thiên nữ lại nói, ngôn ngữ văn tự cũng là tướng giải thoát. Vì giải thoát không ở trong không ở ngoài, không ở khoảng giữa nên văn tự cũng vậy, nó không dính mắc tức là giải thoát. Do đó không lìa văn tự mà nói giải thoát, nếu vậy ngay nơi văn tự mà nói giải thoát cũng được, sao lại nói giải thoát không thể dùng ngôn ngữ. Vì tất cả pháp là tướng giải thoát.

Ngay đó tôn giả Xá-lợi-phất không chấp nhận mới nói, chẳng lẽ người không lìa tham sân si vẫn giải thoát sao? Thiên nữ trả lời, đối với người tăng thượng mạn, Phật dạy lìa tham sân si mới được giải thoát, còn người không tăng thượng mạn thì Phật nói tánh tham sân si là giải thoát rồi.

Ngài mới khen Thiên nữ hay quá, đã chứng đắc gì mà lý luận hay vậy. Thiên nữ trả lời, tôi không chứng không đắc, bởi không chứng không đắc nên mới biện luận được như vậy. Tại sao? Vì trong Phật pháp nếu còn thấy có chứng có đắc là người tăng thượng mạn. Tăng thượng mạn là người mà Phật nói lìa tham sân si mới được giải thoát. Còn với người không tăng thượng mạn, không thấy đắc thấy chứng thì tham sân si đâu còn, mà nói lìa hay không lìa. Thấy có đắc có chứng là còn có ngã có pháp. Ngã pháp còn thì mới có lìa  có được. Ngã pháp không thì đâu còn gì để lìa, để được. Qua lý luận của Thiên nữ, tôn giả Xá-lợi-phất phải chịu thua, nhưng ngài vẫn hỏi tiếp:
Xá-lợi-phất hỏi Thiên nữ:
- Thiên nữ, ngươi đối với tam thừa là chí cầu cái gì?
Thiên nữ đáp:
- Dùng pháp Thanh văn để giáo hóa chúng sanh nên tôi làm Thanh văn, dùng pháp Duyên giác để giáo hóa chúng sanh nên tôi làm Bích-chi Phật, dùng pháp đại bi để giáo hóa chúng sanh nên tôi là Đại thừa. Ngài Xá-lợi-phất! Như người vào trong rừng chiêm-bặc, chỉ ngửi được mùi hương chiêm-bặc, không ngửi các mùi hương khác. Như thế, nếu người nào vào thất này thì chỉ có nghe mùi hương công đức Phật, không thích nghe mùi hương công đức của Thanh văn, Bích-chi Phật.
Tôn giả Xá-lợi-phất đặt câu hỏi, vậy trong tam thừa Thiên nữ cầu thừa nào? Thiên nữ nói, nếu người cầu pháp Thanh văn, tôi hiện Thanh văn để giáo hóa, người cầu pháp Đại thừa, tôi hiện Bồ-tát để giáo hóa, chứ không có cầu gì hết. Thiên nữ kết luận, ai vào được trong thất cư sĩ Duy-ma-cật, chỉ nghe mùi hương công đức Phật, chứ không nghe mùi hương Thanh văn, Bích-chi Phật hay Duyên giác.
Thất cư sĩ Duy-ma-cật trống không, không thị giả, chỉ có một giường nằm bệnh nói lên ý nghĩa gì ? 

Thất ở đây không phải là cái nhà bốn thước hoặc sáu thước vuông, mà là chỉ cho tâm thể của tất cả chúng sanh. Ai vào được tâm thể đó thì chỉ ngửi mùi hương Phật, không có những mùi hương khác. Ai vào được tâm thể đó thì tất cả điều chưa từng thấy sẽ được thấy, nên trong nhà thiền có câu: Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu.

Ngài Xá-lợi-phất! Có những vị Đế-thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương, chư thiên, long thần, quỷ thần... vào trong thất này nghe thượng nhân đây thuyết giảng chánh pháp, đều ưa thích mùi hương công đức Phật, phát tâm rồi lui ra. Như vậy không riêng gì Thiên nữ mà tất cả ai đã vào được trong thất đó đều phát tâm cầu giải thoát. Cho nên càng thấy rõ hơn ý nghĩa thất này là chỉ cho tâm thể của mỗi người.

Ngài Xá-lợi-phất, tôi ở thất này mười hai năm. Ban đầu không nghe nói pháp Thanh văn, pháp Bích-chi Phật, chỉ nghe nói pháp Bồ-tát đại từ đại bi, pháp Bất khả tư nghì của chư Phật. Ngài Xá-lợi-phất, thất này thường hiện tám pháp chưa từng có khó được. Những gì là tám ?

Thất này thường dùng ánh sáng màu vàng chiếu soi ngày đêm không khác, không do mặt trời mặt trăng chiếu soi mới sáng, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ nhất. Ánh sáng màu vàng của thất này tự soi sáng cả ngày lẫn đêm, chứ không do mặt trời mặt trăng chiếu soi mới sáng. Vì mặt trời chỉ sáng ban ngày, mặt trăng chỉ sáng ban đêm. Ánh sáng này là chỉ cho tâm thể sáng suốt, là tự tánh giác ngộ sẵn có của chính mình, chứ không phải do từ bên ngoài mà được.

Người vào thất này không bị các cấu nhiễm làm phiền não, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ hai.

Thất này thường có Đế-thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương và các vị Bồ-tát từ những phương khác đến tụ hội không dứt, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ ba.

Thất này thường nói sáu pháp ba-la-mật bất thối chuyển, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ tư.

Thất này thường trổi nhạc bậc nhất của trời người, dây đàn phát ra vô lượng pháp âm, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ năm. Thất này phát ra thứ âm nhạc đệ nhất của cõi trời cõi người. Âm nhạc đó phát ra vô lượng thứ tiếng để giáo hóa chúng sanh. Người nghe được tiếng nhạc đó đều phát tâm tu hành.

Thất này có bốn kho lớn chứa đầy đồ quý báu, cứu giúp những người cùng khốn, cầu là được không bao giờ hết, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ sáu. Bốn kho báu lớn ở đây là chỉ cho thân tứ đại này. Khi chúng ta tỉnh giác rồi, tuy mang thân tứ đại mà dùng nó làm phương tiện để độ thoát chúng sanh. Vậy tứ đại này là bốn kho báu để cứu khổ, để đem lại lợi ích cho mọi loài; còn khi mê, thấy thân tứ đại này là thật rồi chấp ngã chấp nhân, nên sáu căn biến thành lục tặc, tất cả của báu mất. Vì vậy mà nói là bốn kho lớn.

Thất này đức Phật Thích-ca-mâu-ni, đức Phật A-di-đà, Phật A-súc, Phật Bảo Đức, Phật Bảo Diệm, Phật Bảo Nguyệt, Phật Bảo Nghiêm, Phật Nan Thắng, Phật Sư Tử Hưởng, Phật Nhất Thiết Lợi Thành... mười phương vô lượng chư Phật như thế, khi thượng nhân này nghĩ đến liền đều đến, rộng nói các pháp tạng bí yếu của chư Phật, thuyết xong rồi trở về, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ bảy.
Thất này tất cả cung điện trang nghiêm của chư thiên, cõi tịnh độ của chư Phật đều hiện trong đó, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ tám.
Ngài Xá-lợi-phất! Thất này thường hiện tám pháp chưa từng có khó được. Ai đã thấy được việc bất tư nghì này mà lại còn ưa pháp Thanh văn ư ?

 Ở trong thất này, khi nào thượng nhân, tức cư sĩ Duy-ma-cật, vừa nghĩ đến chư Phật thì các ngài liền hiện, nói các pháp bí yếu. Ý muốn nói, người sống với tâm chân thật thì Phật tánh hiện tiền, nên cảm ứng đến chư Phật và nghe được chánh pháp. Thất này cung điện của chư thiên và cõi tịnh độ của chư Phật đều hiện trong đó, cho thấy người vào được thất này, tâm đã thanh tịnh thì phước báo và công đức tròn đầy. Như vậy tám pháp chưa từng có khó được thường hiện trong thất này, nếu ai thấy, ai nhận được việc bất khả tư nghì đó thì không còn trở lại ưa pháp Thanh văn.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi:
- Ngươi vì sao mà không chuyển thân nữ ?

Thiên nữ đáp:
- Tôi từ mười hai năm nay, tìm tướng thân nữ trọn không thể được, làm sao mà chuyển! Ví như có một huyễn sư hóa làm người nữ huyễn, nếu có người hỏi: "Vì sao không chuyển thân nữ?", người ấy hỏi là đúng chăng?
Xá-lợi-phất nói:
- Không vậy, tướng huyễn không nhất định, làm sao mà chuyển ?

Tôn giả Xá-lợi-phất thọ pháp Thanh văn nên thấy thân nữ nhiều nghiệp chướng, không thể thành Phật. Vì vậy nghe Thiên nữ lý luận quá hay, ngài hỏi sao không chuyển nữ thành nam để thành Phật. Thiên nữ nói, tôi ở thất này mười hai năm tìm tướng nữ không ra. Mười hai năm là chỉ cho sáu căn sáu trần, tức thập nhị nhập. Sáu căn, sáu trần là tướng duyên hợp hư dối không thật, làm sao có tướng nữ tướng nam. Cho nên Thiên nữ dùng thí dụ, nếu có người hóa ra người nữ, rồi hỏi người nữ hóa đó sao không chuyển thành nam, câu hỏi hợp lý không? Tôn giả Xá-lợi-phất nói không hợp lý, vì đã là người hóa còn chuyển làm gì.

Quan niệm của người tu theo Nhị thừa, cho rằng thân nữ là thân nghiệp chướng, muốn thành Phật phải chuyển thành thân nam. Quan niệm của Đại thừa Bồ-tát thấy thân tướng là huyễn hóa, nên dù nữ hay nam đều là tướng huyễn hóa. Về thể tánh thì bình đẳng không phân biệt nam nữ, nên sống với thể tánh đó thì được vào thất cư sĩ Duy-ma-cật, đâu cần chuyển đổi thân tướng bên ngoài.
Thiên nữ đáp:
- Tất cả pháp cũng lại như thế, không có tướng nhất định, vì sao lại hỏi chẳng chuyển thân nữ?
Liền khi đó Thiên nữ dùng sức thần thông biến Xá-lợi-phất thành thiên nữ, Thiên nữ tự hóa thân thành Xá-lợi-phất, và hỏi rằng:
- Vì sao không chuyển thân nữ?
Ngài Xá-lợi-phất mang hình tướng thân nữ mà đáp rằng:
- Nay tôi không biết vì sao lại chuyển biến làm thân nữ?
Thiên nữ thưa:
- Ngài Xá-lợi-phất! Nếu có thể chuyển được thân nữ này, thì tất cả người nữ cũng có thể chuyển được. Như ngài Xá-lợi-phất không phải nữ mà hiện thân nữ, tất cả người nữ cũng lại như thế, tuy hiện thân nữ mà không phải nữ. Thế nên Phật nói tất cả các pháp chẳng phải nam chẳng phải nữ.

Thiên nữ dùng thần lực biến tôn giả Xá-lợi-phất thành Thiên nữ, rồi tự biến mình thành Xá-lợi-phất và hỏi sao ngài không chuyển đổi thân nữ? Tôn giả Xá-lợi-phất đáp, tôi không biết làm sao mà chuyển. Thiên nữ nói nếu ngài chuyển được thì tất cả người nữ cũng có thể chuyển được. Tướng đó là giả tướng, đâu phải là nữ, tuy hiện thân nữ mà không phải nữ. Nữ nam là giả tướng bên ngoài, tánh giác không có nam nữ. Do chấp giả tướng bên ngoài là thật nên thấy cần chuyển. Thế nên Phật nói tất cả các pháp chẳng phải nam chẳng phải nữ.
Liền khi đó Thiên nữ thâu nhiếp thần lực lại, thân ngài Xá-lợi-phất trở lại như cũ. Thiên nữ hỏi ngài Xá-lợi-phất:
- Sắc tướng thân nữ nay ở chỗ nào?
Xá-lợi-phất đáp:
- Sắc tướng thân nữ không có, cũng không phải không có.
Thiên nữ thưa:
- Tất cả các pháp cũng lại như thế, không có cũng không phải không có. Phàm không có không phải không có, đó là chỗ Phật nói.

Chúng ta thấy bóng trong gương, trăng đáy nước là có hay không có? Không phải là có thật, cũng không phải là không có. Thân nữ, thân nam cũng như thế, chỉ là giả tướng. Vì tất cả pháp như huyễn như hóa, nên không phải là không hẳn mà cũng không phải là có hẳn. Thế nên đức Phật nói, chấp có chấp không là chấp hai bên, là đoạn kiến, thường kiến.
Ngài Xá-lợi-phất hỏi Thiên nữ:
- Ngươi ở đây chết rồi sẽ sanh về đâu?
Thiên nữ đáp:
- Chỗ Phật hóa sanh, tôi cũng như kia mà sanh.
Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Thiên nữ chết rồi sẽ sanh về đâu? Thiên nữ trả lời, Phật hóa sanh thế nào, tôi cũng như Phật mà sanh. Sự sanh như sự biến hóa. Phật hóa sanh thì có định chỗ không? Tùy duyên ứng hiện, chỗ nào chúng sanh cần độ, Phật thị hiện đến để hóa độ. Khi hóa ra chúng sanh đó, ngài không có thật sanh cũng không có thật tử. Tôi cũng hóa sanh giống như vậy.

Xá-lợi-phất nói: - Phật hóa sanh, không phải chết mới sanh.
Thiên nữ thưa:
- Chúng sanh cũng như vậy, không chết mà sanh vậy.
Xá-lợi-phất hỏi:
- Ngươi chừng nào sẽ được thành Phật?
Thiên nữ đáp:
- Như ngài Xá-lợi-phất trở lại làm phàm phu, tôi mới có thể thành Phật.
Xá-lợi-phất nói:
- Tôi làm phàm phu điều đó không thể có.
Thiên nữ thưa:
- Tôi được thành Phật cũng không thể có. Vì cớ sao? Bồ-đề là không có chỗ trụ, thế nên không có được.

Xá-lợi-phất hỏi:
- Nay chư Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đã được và sẽ được, nhiều như số cát sông Hằng, đều gọi là gì?
Thiên nữ đáp:
- Đều do số văn tự thế tục nên nói có ba đời, chứ không phải Bồ-đề có quá khứ vị lai hiện tại.

Thiên nữ nói, Bồ-đề không có chỗ trụ, bởi không chỗ trụ tức là không có được. Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi vặn lại, nay chư Phật trong ba đời quá khứ hiện tại và vị lai sẽ thành Phật nhiều như số cát sông Hằng, thì những lời nói đó là không đúng sao? Sở dĩ nói Phật ba đời là tùy theo ngôn ngữ thế tục mà nói, chứ thật thể của Bồ-đề, chỗ giác ngộ viên mãn thì không có ba đời.
Thiên nữ hỏi:
- Xá-lợi-phất, ngài được đạo A-la-hán chăng?
Xá-lợi-phất đáp:
- Vì không có chỗ được mà được.
Thiên nữ thưa:
- Chư Phật Bồ-tát cũng lại như thế, vì không chỗ được mà được.
Khi ấy ông Duy-ma-cật bảo ngài Xá-lợi-phất:
- Thiên nữ này đã từng cúng dường chín mươi hai ức chư Phật, đã có thể dùng thần thông của Bồ-tát
 mà dạo chơi, sở nguyện đều được đầy đủ, được vô sanh nhẫn, trụ bất thối chuyển. Vì do bản nguyện, tùy ý thị hiện giáo hóa chúng sanh.

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời, vì tôi không có sở đắc nên mới được đạo A-la-hán. Phần này chỉ cho chúng ta biết, từ quả A-la-hán trong hàng Thanh văn đến quả của Bồ-tát, quả của chư Phật, nếu còn thấy có sở đắc tức là không phải đắc, chính khi không sở đắc mới gọi là sở đắc. Kinh Bát-nhã rất phù hợp với đoạn kinh này.

Kinh Duy-ma-cật chỉ cho chúng ta biết tất cả vọng chấp là giả dối, nếu cho là thật tức là gốc điên đảo. Gốc điên đảo còn thì khó trừ vọng tưởng. Vọng tưởng không trừ được thì ái kiến hay tâm bệnh tham ái không hết, do đó dòng sanh tử vẫn tiếp nối. Thế nên muốn dứt trừ vọng chấp, phải quán chúng sanh như huyễn như hóa. Ai đang học làm Bồ-tát phải quán như vậy mới đúng tinh thần Bồ-tát.
 

 

[ Quay lại ]