headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 30/03/2024 - Ngày 21 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH DUY MA CẬT: IV- PHẨM BỒ-TÁT- BỒ-TÁT TRÌ THẾ

ducPhatbonsuHT Thích Thanh Từ - giảng

Chánh văn:

Phật bảo Bồ-tát Trì Thế:

- Ông hãy đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.

Bồ-tát Trì Thế bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ thuở xưa, con ở trong tịnh thất, khi đó ma Ba-tuần đem một muôn hai ngàn Thiên nữ, dáng giống như là Đế-thích, đánh nhạc ca hát, đi đến chỗ của con cùng những quyến thuộc của nó, đầu lễ dưới chân con, chắp tay cung kính đứng qua một bên. Con nghĩ đó là Đế-thích nên nói rằng: “Lành thay! Kiều-thi-ca, ông tuy có phước, không nên tự buông lung, nên quán ngũ dục là vô thường để cầu căn lành, nơi thân mạng, tài sản mà tu pháp kiên cố.”

 Liền khi ấy, ma vương nói với con: “Này Chánh sĩ, nên nhận một muôn hai ngàn Thiên nữ này, có thể đủ để quét dọn.” Con nói rằng: “Kiều-thi-ca, không nên đem vật phi pháp mà cúng dường cho Sa-môn Thích tử. Đây không phải chỗ ta nên nhận.”

Con vừa nói rồi, khi ấy ông Duy-ma-cật đi đến bảo con: “Không phải là trời Đế-thích, ấy là ma đến nhiễu loạn ông đó!”

Ngài Duy-ma-cật liền nói với ma: “Những người nữ này có thể đem cho tôi. Như tôi thì mới đáng nhận.” Ma liền hoảng sợ, nghĩ rằng ông Duy-ma-cật đâu không làm não hại ta, muốn ẩn hình đi mà không thể ẩn được. Dùng hết thần lực của nó cũng không thể đi được. Liền nghe trong hư không có tiếng nói: “Ba-tuần, hãy đem những người nữ này cho đi thì mới có thể đi được.” Ma vì sợ nên mới miễn cưỡng mà cho.

Khi ấy ông Duy-ma-cật mới bảo những người nữ ấy: “Ma đã đem các chị cho tôi rồi. Nay các chị đều phải phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Liền tùy căn cơ thích hợp mà vì nói pháp, khiến cho các vị đó phát ý đạo. Lại nói rằng: “Các chị đã phát ý đạo, có pháp lạc có thể tự vui. Không nên lại vui theo ngũ dục nữa.”

Các Thiên nữ liền hỏi: “Những gì là pháp lạc?”

Ngài đáp: “Vui thường tin Phật, vui muốn nghe pháp, vui cúng dường chúng tăng, vui lìa ngũ dục, vui quán ngũ ấm như oán tặc, vui quán tứ đại như rắn độc, vui quán nội nhập như xóm rỗng. Vui tùy hộ ý đạo, vui làm lợi ích cho chúng sanh, vui cung kính bậc sư trưởng. Vui rộng làm việc bố thí, vui kiên trì giới luật, vui nhẫn nhục nhu hòa, vui siêng làm các căn lành, vui thiền định không loạn, vui lìa cấu được trí tuệ sáng suốt. Vui rộng phát tâm Bồ-đề, vui hàng phục các ma, vui đoạn các phiền não, vui thanh tịnh cõi nước Phật, vui thành tựu những tướng tốt nên tu các công đức. Vui trang nghiêm đạo tràng. Vui nghe những pháp thâm sâu không sợ. Vui ba môn giải thoát, không vui phi thời. Vui gần những người đồng học, vui với những người không phải đồng học, tâm không giận không ngại. Vui đem sự bảo hộ những người ác tri thức, vui gần gũi những thiện tri thức. Vui tâm hỷ thanh tịnh, vui tu pháp vô lượng đạo phẩm. Ấy là pháp vui của những vị Bồ-tát.”

Khi ấy Ba-tuần bảo những Thiên nữ rằng: “Ta muốn cùng các ngươi trở về thiên cung.”

Các vị Thiên nữ nói: “Ông đã đem chúng tôi cho cư sĩ, có pháp vui, chúng tôi rất là vui, không trở lại vui cái vui ngũ dục nữa.”

Ma nói: “Cư sĩ có thể xả những người nữ này không? Tất cả những sở hữu đem cho người, ấy mới gọi là Bồ-tát.”

Ông Duy-ma-cật liền bảo: “Ta đã xả rồi. Ngươi hãy đem những người đó đi, khiến cho tất cả chúng sanh được pháp nguyện đầy đủ.”

Khi ấy những vị Thiên nữ hỏi ông Duy-ma-cật: “Chúng tôi làm sao mà ở trong cung ma được ?”

Ông Duy-ma-cật nói: “Này các chị, có pháp môn tên Vô tận đăng, các chị nên học. Vô tận đăng đó, ví như một ngọn đèn mồi trăm ngàn ngọn đèn, những chỗ tối đều sáng, sáng khắp không cùng tận. Như thế, các chị! Phàm một vị Bồ-tát đã mở được đạo, khiến trăm ngàn chúng sanh đều được phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với ý đạo kia cũng không có diệt hết, tùy chỗ nói pháp, mà tự tăng trưởng lợi ích tất cả pháp lành, ấy gọi là Vô tận đăng. Các chị tuy ở trong cung ma, dùng pháp Vô tận đăng này khiến cho vô số thiên tử Thiên nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác để đền ơn Phật, cũng là làm lợi ích cho tất cả
chúng sanh vậy.”

Khi ấy Thiên nữ cúi đầu lễ dưới chân ông Duy-ma-cật, đi theo ma trở về cung, bỗng nhiên biến mất.

Bạch Thế Tôn! Ông Duy-ma-cật có thần lực tự tại, trí tuệ biện tài như thế, nên con không kham đến thăm bệnh ông.

Giảng:

Phật bảo Bồ-tát Trì Thế:

- Ông hãy đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.

Bồ-tát Trì Thế bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ thuở xưa, con ở trong tịnh thất, khi đó ma Ba-tuần đem một muôn hai ngàn Thiên nữ, dáng giống như trời Đế-thích, đánh nhạc ca hát, đi đến chỗ của con cùng những quyến thuộc của nó, đầu lễ dưới chân con, chắp tay cung kính đứng qua một bên. Con nghĩ đó là trời Đế-thích nên nói rằng: “Lành thay! Kiều-thi-ca, ông tuy có phước, không nên tự buông lung, nên quán ngũ dục là vô thường để cầu căn lành, nơi thân mạng tài sản mà tu pháp kiên cố.”

 Liền khi ấy, ma vương nói với con: “Này Chánh sĩ, nên nhận một muôn hai ngàn Thiên nữ này, có thể đủ để quét dọn.” Con nói rằng: “Kiều-thi-ca, không nên đem vật phi pháp mà cúng dường cho Sa-môn Thích tử. Đây không phải chỗ ta nên nhận.”

 Con vừa nói rồi, khi ấy ông Duy-ma-cật đi đến bảo con: “Không phải là trời Đế-thích, ấy là ma đến nhiễu loạn ông đó!”

 Bồ-tát Trì Thế còn đang tu hạnh thanh tịnh ở thất vắng, tuy tâm Bồ-tát nhưng chưa nhập thế nên bị ma Ba-tuần đánh lừa. Ma giả làm trời Đế-thích, ngài lầm tưởng là Đế-thích thật. Sau khi thưa hỏi qua lại xong, ma còn đem một muôn hai ngàn Thiên nữ cúng dường cho ngài. Ngài nghĩ mình là người tu phải nghiêm trì giới luật, nên không nhận và nói đây là sự cúng dường phi pháp. Lúc đó cư sĩ Duy-ma-cật đến và giản trạch cho ngài Trì Thế biết, đó không phải là trời Đế-thích mà chính là ma Ba-tuần, ngài đã lầm. Bây giờ ông bắt đầu nói chuyện với ma.

 Ngài Duy-ma-cật liền nói với ma: “Những người nữ này có thể đem cho tôi. Như tôi thì mới đáng nhận.” Ma liền hoảng sợ, nghĩ rằng ông Duy-ma-cật đâu không làm não hại ta, muốn ẩn hình đi mà không thể ẩn được. Dùng hết thần lực của nó cũng không thể đi được. Liền nghe trong hư không có tiếng nói: “Ba-tuần, hãy đem những người nữ này cho đi thì mới có thể đi được.” Ma vì sợ nên mới miễn cưỡng mà cho. Khi ấy ông Duy-ma-cật mới bảo những người nữ ấy: “Ma đã đem các chị cho tôi rồi. Nay các chị đều phải phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

 Ma Ba-tuần muốn cúng các Thiên nữ cho Bồ-tát Trì Thế, cư sĩ Duy-ma-cật liền nói, hãy để cho tôi. Ma sợ quá miễn cưỡng cho.

 Liền tùy căn cơ thích hợp mà vì nói pháp, khiến cho các vị đó phát ý đạo. Lại nói rằng: “Các chị đã phát ý đạo, có pháp lạc có thể tự vui. Không nên lại vui theo ngũ dục nữa.”

Các Thiên nữ liền hỏi: “Những gì là pháp lạc?” Ngài đáp: Vui thường tin Phật, vui muốn nghe pháp, vui cúng dường chúng tăng...

 Sau đó cư sĩ Duy-ma-cật tùy căn cơ thích hợp nói pháp cho chúng ma nghe, khiến họ được phát ý đạo. Như vậy ba cái vui đầu của người học đạo là vui đối với Tam bảo, vui tin Phật, vui nghe pháp, vui cúng dường chúng tăng.

 Vui lìa ngũ dục. Vui quán ngũ ấm như oán tặc, vui quán tứ đại như rắn độc, vui quán nội nhập như xóm rỗng. Những cái vui này là vui nhận rõ được thật tướng của thân, vui vì đã xa lìa ngũ dục. Thân năm ấm của chúng ta luôn phiền nhiễu, khổ đau, không có gì vui thích, không có gì đáng để mến yêu; mà lại mê lầm sanh mến yêu nó. Cho nên phải vui quán thân năm ấm như là oán tặc, vui quán tứ đại như bốn con rắn độc, luôn chực chờ hại nhau, vui quán nội nhập như xóm rỗng, không có gì là thật.

 Vui tùy hộ ý đạo, vui làm lợi ích cho chúng sanh, vui cung kính bậc sư trưởng. Vui tùy hộ ý đạo tức là vui tùy hỷ. Người có tâm đạo phải bảo bọc để tâm đạo họ không mất, không lui sụt, đó cũng là cái vui của mình. Vui làm lợi ích cho chúng sanh. Vui cung kính, cúng dường các bậc sư trưởng. Đó là ba cái vui bên ngoài đối với thầy bạn.

 Vui rộng làm việc bố thí, vui kiên trì giới luật, vui nhẫn nhục nhu hòa, vui siêng làm các căn lành, vui thiền định không loạn, vui lìa cấu được trí tuệ sáng suốt. Những cái vui kể trên là vui lục độ: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Mỗi pháp đều có lợi ích riêng, như thiền định thì tâm không loạn, trí tuệ thì lìa được cấu uế.

Vui rộng phát tâm Bồ-đề, vui hàng phục các ma, vui đoạn các phiền não, vui thanh tịnh cõi nước Phật, vui thành tựu những tướng tốt nên tu các công đức. Vui trang nghiêm đạo tràng. Đây là những niềm vui do công đức tu hành mà được. Vui khi phát tâm Bồ-đề rộng lớn, vui dứt trừ hết phiền não, vui hàng phục các ma, vui thanh tịnh cõi Phật và trang nghiêm đạo tràng. Vui nghe những pháp thâm sâu không sợ. Vui ba môn giải thoát, không vui phi thời. Vui gần những người đồng học, vui với những người không phải đồng học, tâm không giận không ngại. Vui đem sự bảo hộ những người ác tri thức, vui gần gũi những thiện tri thức.

 Vui gần gũi bạn đồng học thì dễ. Vui với những người không phải là bạn đồng học, không cùng tư tưởng, không cùng quan điểm tu hành, lại phải sống chung với họ mà tâm không sân giận, không chướng ngại, vui đó thật là khó. Chúng ta phải cố gắng thực hành được như vậy mới là tiến bộ.

Thiện tri thức, mình gần gũi thân cận, bảo hộ là lẽ đương nhiên, là bổn phận phải làm. Với ác tri thức, dù sống chung với họ, chẳng những không ghét không hại mà còn vui bảo hộ họ, việc này thật khó làm. Như những việc thông thường, hợp đạo lý mình vui thì dễ. Việc không hợp đạo lý vẫn vui, điều đó hết sức khó.

 Tóm lại, bạn đồng học và thiện tri thức là những người thuận duyên, phải bảo hộ, người không đồng học và ác tri thức là những người nghịch duyên, cũng phải bảo hộ. Dù thuận hay nghịch mình vẫn xử sự tốt hết. Được như vậy mới thật là tâm hạnh của Bồ-tát.

 Vui tâm hỷ thanh tịnh, vui tu pháp vô lượng đạo phẩm. Ấy là pháp vui của những vị Bồ-tát. Các pháp vui của Bồ-tát như tâm tùy hỷ, tu vô lượng đạo phẩm, tương đối dễ. Còn những pháp vui đã nói ở trên rất khó thực hành, muốn được nguồn vui đó phải huân tập những tánh tốt như nhẫn nhục, nhu hòa... để khi gặp những điều trái ý nghịch lòng không thấy chướng ngại.

 Khi ấy Ba-tuần bảo những Thiên nữ rằng: “Ta muốn cùng các ngươi trở về thiên cung.”

 Các vị Thiên nữ nói: “Ông đã đem chúng tôi cho cư sĩ, có pháp vui, chúng tôi rất là vui, không trở lại vui cái vui ngũ dục nữa.”

 Nghe qua những lời giảng dạy của cư sĩ Duy-macật, các Thiên nữ nhận hiểu được nên thấy vui. Như vậy mới biết pháp Bồ-tát tuy khó, nhưng người nghe nhận hiểu được là đã có chủng tử lành. Chúng ta thường có quan niệm ma là xấu, nhưng đôi khi ma biết chuyển tâm cũng thành tốt vậy. Còn người tu là tốt nhưng có lúc cũng khởi tâm xấu. Cho nên đừng lầm cho ma là hoàn toàn xấu hết.

 Ma nói: “Cư sĩ có thể xả những người nữ này không? Tất cả những sở hữu đem cho người, ấy mới gọi là Bồ-tát.” Ma Vương muốn cư sĩ Duy-ma-cật trả lại những Thiên nữ nên mới nói, nếu ông tu hạnh Bồ-tát thì tất cả những gì thuộc về ông, nên thí xả cho người mới gọi là Bồ-tát.

 Ông Duy-ma-cật liền bảo: “Ta đã xả rồi. Ngươi hãy đem những người đó đi, khiến cho tất cả chúng sanh được pháp nguyện đầy đủ.” Tôi đã thí xả các vị ấy rồi, vì muốn họ làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, đều được pháp nguyện đầy đủ. Ngươi hãy đem họ đi đi.

 Khi ấy những vị Thiên nữ hỏi ông Duy-ma-cật: “Chúng tôi làm sao mà ở trong cung ma được?”

 Ông Duy-ma-cật nói: Này các chị, có pháp môn tên Vô tận đăng, các chị phải học. Vô tận đăng đó, ví như một ngọn đèn sáng, mồi trăm ngàn ngọn đèn, những chỗ tối đều sáng, sáng khắp không cùng tận. Như thế, các chị! Phàm một vị Bồ-tát đã mở được đạo, khiến trăm ngàn chúng sanh đều được phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với ý đạo kia cũng không có diệt hết, tùy chỗ nói pháp, mà tự tăng trưởng lợi ích tất cả pháp lành, ấy gọi là Vô tận đăng.

 Những Thiên nữ này đã phát tâm Bồ-đề là đã ra khỏi cung ma, thì đâu thể theo ma vương được. Bấy giờ ông mới giảng pháp Vô tận đăng cho họ nghe. Tuy ở cung ma, nhưng một người đã sáng giống như một ngọn đèn thắp sáng, mồi trăm ngàn ngọn đèn khác thảy được sáng. Tất cả chỗ tối đều sáng. Ông dạy những Thiên nữ đã phát tâm Bồ-đề nên trở về cung ma khai đạo, hướng dẫn những quyến thuộc ma quay về Phật đạo, để cho trăm ngàn chúng sanh được phát tâm vô thượng Bồ-đề. Những vị đó đối với ý đạo không thể mất, tùy chỗ nói pháp làm tăng trưởng những điều lành. Như vậy gọi là Vô tận đăng.

 Các chị tuy ở trong cung ma, dùng pháp Vô tận đăng này khiến cho vô số thiên tử Thiên nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác để đền ơn Phật, cũng là làm lợi ích cho tất cả chúng sanh vậy. Như vậy ở ngay trong cung ma mà đem pháp Phật giáo hóa mọi người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là đã đền ơn Phật, làm lợi ích cho chúng sanh. Đây chính là phương tiện hành đạo rất tốt.

 Khi ấy Thiên nữ cúi đầu lễ dưới chân ông Duy-macật, đi theo ma trở về cung, bỗng nhiên biến mất.

 Bạch Thế Tôn! Ông Duy-ma-cật có thần lực tự tại, trí tuệ biện tài như thế, nên con không kham đến thăm bệnh ông.

Lâu nay chúng ta cố chấp ma là đáng ghét đáng sợ. Chẳng những ma không biết tu, không bao giờ phát tâm Bồ-đề, mà còn phá hại người tu. Như ngài Trì Thế là Bồ-tát vẫn bị ma giả Đế-thích để lừa gạt. Cư sĩ Duy-ma-cật cũng là Bồ-tát, nhưng thấy ma liền biết là ma tới quấy phá nhiễu loạn Bồ-tát. Ông giáo hóa khiến ma phát tâm Bồ-đề. Như vậy ma có thật xấu hay không? Ở đây ma ngầm chỉ cho những người xấu ác. Chúng ta không nên có quan niệm người xấu ác không thể tu hành, chẳng qua vì mình chưa đủ năng lực, phương tiện để chuyển hóa họ. Như vậy mình có một phần lỗi, họ cũng một phần, chứ đừng hoàn toàn đổ hết lỗi cho họ.

 Tóm lại, ở đây hai vị Bồ-tát, Bồ-tát xuất gia bị ma gạt, Bồ-tát cư sĩ lại giáo hóa được ma. Như vậy đâu phải ma chỉ hại người, nếu khéo chuyển thì ma cũng phát tâm Bồ-đề được. Vậy nên, dù kẻ trộm cướp, kẻ xấu xa, nếu chúng ta có đủ phương tiện, đủ đức độ, cũng có thể cảm hóa họ được, chứ không nên một bề quy trách nhiệm cho họ. Hiểu như vậy, chúng ta mới là người sáng suốt, là người thật công bình.

 

[ Quay lại ]