headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 20/04/2024 - Ngày 12 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH DUY MA CẬT: V- PHẨM VĂN THÙ THĂM BỆNH

botatvanthuHT. Thích Thanh Từ giảng

Chánh văn:

Khi ấy Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi:
- Ông đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Bậc thượng nhân kia khó mà đối đáp được vì đã thâm đạt được thật tướng, khéo nói pháp yếu, biện tài thông suốt, trí tuệ vô ngại, tất cả các pháp thức của Bồ-tát thảy đều biết hết, những bí tàng của chư Phật không chỗ nào mà chẳng nhập, hàng phục các chúng ma và được thần thông du hý, trí tuệ phương tiện kia đều đã vượt qua. Tuy nhiên con xin vâng thánh chỉ của Phật đến thăm bệnh ông.

 Khi đó ở trong chúng hội, các vị Bồ-tát và các vị đại đệ tử, trời Đế-thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương đều khởi nghĩ thế này: "Nay hai vị đại sĩ là Văn-thù-sư-lợi và Duy-ma-cật cùng luận đàm với nhau, ắt là nói diệu pháp!" Liền khi ấy tám ngàn vị Bồ-tát, năm trăm vị Thanh văn, trăm ngàn vị thiên nhân đều muốn đi theo.
Bấy giờ ngài Văn-thù-sư-lợi cùng các Bồ-tát, các vị đại đệ tử và chư thiên nhân cung kính đi nhiễu để vào đại thành Tỳ-da-ly.
Lúc ấy trưởng giả Duy-ma-cật thầm nghĩ: "Nay Văn-thù-sư-lợi cùng với đại chúng đồng đến!" Ông liền dùng thần lực làm cho trong thất trống rỗng, dẹp hết đồ đạc và các thị giả, chỉ để một giường bệnh mà nằm.
Ngài Văn-thù-sư-lợi đã vào trong nhà ông Duy-ma-cật, thấy thất trống rỗng không có vật gì, chỉ có một mình ông nằm trên giường. Khi ấy ông Duy-ma-cật nói:
- Lành thay, Văn-thù-sư-lợi! Tướng không đến mà đến, tướng không thấy mà thấy.
Ngài Văn-thù liền đáp:
- Như thế, cư sĩ! Nếu đã đến lại chẳng đến, nếu đã đi lại chẳng đi. Vì cớ sao? Đến không từ đâu đến, đi không có chỗ đến, chỗ có thể thấy càng không thể thấy. Hãy gác việc đó lại. Cư sĩ, bệnh ông có thể chịu nổi chăng? Điều trị có bớt không, không đến nổi tăng chứ? Thế Tôn rất ân cần thăm hỏi ông. Này cư sĩ! Bệnh ấy do nhân gì mà khởi? Bệnh sanh đã lâu chưa? Làm sao để hết bệnh?
Ông Duy-ma-cật nói:
- Từ si có ái, ắt là bệnh tôi sanh. Vì tất cả chúng sanh bệnh, thế nên tôi bệnh. Nếu tất cả chúng sanh hết bệnh thì bệnh tôi cũng dứt. Vì cớ sao? Bồ-tát vì chúng sanh nên vào sanh tử, có sanh tử ắt có bệnh. Nếu chúng sanh được lìa bệnh thì Bồ-tát cũng không bệnh. Ví như ông trưởng giả chỉ có một đứa con, đứa con kia bị bệnh thì cha mẹ cũng bệnh. Nếu đứa con hết bệnh thì cha mẹ cũng khỏi. Bồ-tát cũng như thế, đối với chúng sanh yêu mến như con. Chúng sanh bệnh thì Bồ-tát bệnh, chúng sanh lành bệnh thì Bồ-tát cũng lành bệnh. Lại nói bệnh ấy từ nhân duyên nào mà khởi? Bồ-tát bệnh đó là do lòng đại bi mà khởi.
Ngài Văn-thù-sư-lợi hỏi:
- Này cư sĩ, thất này vì sao trống không không có thị giả?
Ông Duy-ma-cật nói:
- Cõi nước của chư Phật cũng đều trống không.
Lại hỏi: - Lấy gì làm không ?
Đáp rằng: - Lấy không làm không.
Lại hỏi: - Không đâu cần không?
Đáp: - Do không phân biệt không, nên không.
Lại hỏi: - Không có thể phân biệt được sao?
Đáp: - Phân biệt cũng không.178
Kinh Duy-ma-cật Giảng Giải
Lại hỏi: - Cái không ấy phải cầu ở đâu?
Đáp: - Ở trong sáu mươi hai kiến chấp mà cầu.
Lại hỏi: - Sáu mươi hai kiến chấp phải cầu ở đâu?
Đáp: - Phải ở trong giải thoát của chư Phật mà cầu.
Lại hỏi: - Giải thoát của chư Phật phải cầu ở đâu?
Đáp: - Phải cầu ở trong tất cả tâm hạnh chúng sanh. Lại nhân giả hỏi, sao không có thị giả? Tất cả chúng ma và ngoại đạo đều là thị giả của tôi. Vì cớ sao? Chúng ma ưa sanh tử, Bồ-tát đối với sanh tử chẳng bỏ. Ngoại đạo thì ưa các kiến chấp, Bồ-tát đối các kiến chấp chẳng động.
Ngài Văn-thù hỏi: - Bệnh của cư sĩ tướng trạng thế nào?
Ông Duy-ma-cật đáp: - Bệnh tôi không hình tướng không thể thấy.
Lại hỏi: - Bệnh này hợp với thân chăng? Hợp với tâm chăng?
Đáp: - Không hợp với thân vì lìa thân tướng, cũng chẳng hợp với tâm, vì tâm như huyễn.
Lại hỏi: - Địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, nơi tứ đại này thì đại nào bệnh?
Đáp: - Bệnh ấy không phải địa đại cũng chẳng lìa địa đại; thủy, hỏa, phong đại cũng lại như thế.
Các chúng sanh bệnh là từ tứ đại khởi, vì chúng sanh có bệnh thế nên tôi bệnh.
Khi ấy Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi ông Duy-ma-cật:
- Bồ-tát nên làm thế nào để an ủi những vị Bồ-tát bệnh?
Ông Duy-ma-cật mới nói:
- Nói thân vô thường mà không nói chán lìa thân. Nói thân có khổ mà không nói ưa Niết-bàn. Nói thân là vô ngã mà nói pháp để giáo hóa chúng sanh. Nói thân không tịch, không nói cứu cánh tịch diệt. Nói ăn năn những lỗi trước mà không nói vào quá khứ. Do mình bệnh nên thương những người khác bệnh. Phải biết cái khổ vô số kiếp đời trước mà nhớ nghĩ lợi ích cho tất cả chúng sanh. Nhớ việc tu phước, nghĩ đến sự sống trong sạch, chớ sanh buồn phiền, thường khởi tinh tấn. Phải làm vị y vương để trị bệnh cho tất cả chúng sanh. Bồ-tát nên như thế mà an ủi những Bồ-tát có bệnh, khiến cho những vị này được hoan hỷ.
Ngài Văn-thù-sư-lợi nói:
- Này cư sĩ, Bồ-tát có bệnh thì làm sao mà điều phục tâm kia?
Ông Duy-ma-cật đáp:
- Bồ-tát có bệnh nên khởi nghĩ thế này: "Nay ta bệnh đây đều là từ đời trước vọng tưởng điên đảo các phiền não sanh, không có một pháp thật thì ai nhận bệnh! Vì cớ sao? Vì tứ đại hợp nên giả danh là thân, tứ đại không chủ thì thân cũng vô ngã, lại bệnh này khởi đều do chấp ngã. Thế nên, đối với ngã không nên sanh chấp trước." Đã biết gốc bệnh tức trừ ngã tưởng và chúng sanh tưởng. Phải khởi pháp tưởng, nên khởi nghĩ thế này: "Chỉ do các pháp hợp thành thân này. Khởi chỉ là pháp khởi, diệt chỉ là pháp diệt. Lại pháp này mỗi pháp không biết nhau, khi khởi không nói ngã khởi, khi diệt không nói ngã diệt." Những vị Bồ-tát có bệnh kia vì diệt pháp tưởng nên phải khởi nghĩ thế này: "Pháp tưởng này cũng là điên đảo, điên đảo đó tức là đại họa, ta phải lìa nó." Thế nào là lìa? Lìa ngã, ngã sở. Thế nào là lìa ngã, ngã sở? Nghĩa là lìa hai pháp. Thế nào là lìa hai pháp? Nghĩa là không nghĩ các pháp trong ngoài, thực hành bình đẳng. Thế nào là bình đẳng? Nghĩa là ngã bình đẳng, Niết-bàn bình đẳng. Vì cớ sao? Vì ngã và Niết-bàn cả hai đều không. Vì sao lại không? Chỉ vì danh tự nên không. Như thế hai pháp này không có tánh quyết định. Được bình đẳng như thế thì không có các bệnh khác, chỉ có bệnh không; bệnh không cũng không. Bồ-tát có bệnh này do không chỗ thọ mà thọ các thọ, chưa đủ Phật pháp, cũng chẳng diệt thọ mà thủ chứng. Dù thân có khổ, nghĩ đến chúng sanh trong đường ác mà khởi tâm đại bi, ta đã điều phục cũng sẽ điều phục tất cả chúng sanh. Chỉ trừ bệnh kia mà không trừ pháp, vì đoạn gốc bệnh mà giáo hóa họ. Sao gọi là gốc bệnh? Nghĩa là có phan duyên, từ có phan duyên ắt là gốc bệnh.

Sao gọi là phan duyên? Nghĩa là tam giới. Làm sao đoạn phan duyên? Dùng vô sở đắc, nếu vô sở đắc thì không có phan duyên. Sao gọi là vô sở đắc? Nghĩa là lìa hai kiến chấp. Sao gọi là hai kiến chấp? Nghĩa là kiến chấp bên trong, kiến chấp bên ngoài, ấy là vô sở đắc. Văn-thù-sư-lợi, ấy là Bồ-tát có bệnh dùng tâm kia để mà điều phục, vì đoạn khổ già bệnh chết, ấy là Bồ-đề của Bồ-tát. Nếu không như thế thì chỗ tu trị của mình không có trí tuệ bén nhạy. Thí như thắng được kẻ thù mới gọi là dũng sĩ. Như thế trừ hết già bệnh chết mới gọi là Bồ-tát.
Bồ-tát có bệnh kia nên lại khởi nghĩ như thế này: "Như bệnh của ta đây chẳng phải thật, chẳng phải có, bệnh của chúng sanh cũng chẳng phải thật, cũng chẳng phải có." Khi khởi quán như thế đối với các chúng sanh, khởi ái kiến đại bi tức nên xả ly. Vì cớ sao? Bồ-tát đoạn trừ khách trần phiền não mà khởi đại bi. Ái kiến bi đó tức là đối với sanh tử có tâm mệt mỏi nhàm chán. Nếu hay lìa được cái này, không có mệt mỏi nhàm chán, sanh ở chỗ nào cũng không bị ái kiến che lấp. Chỗ sanh không bị trói buộc, hay vì chúng sanh nói pháp mở trói buộc, như lời Phật nói: "Nếu tự có trói buộc mà hay cởi mở cho người khác thì không có lẽ ấy. Nếu tự mình không trói buộc mà hay mở cho người, điều ấy là có được." Do đó Bồ-tát không nên khởi trói buộc. Sao gọi là trói? Sao gọi là mở? Tham trước thiền vị, ấy là Bồ-tát bị trói; vì phương tiện sanh, ấy là Bồ-tát mở. Lại không có phương tiện tuệ là bị trói, có phương tiện tuệ gọi là mở; không có tuệ phương tiện là trói, có tuệ phương tiện là mở. Sao gọi không có phương tiện tuệ bị trói? Nghĩa là Bồ-tát do tâm ái kiến trang nghiêm cõi Phật, thành tựu cho chúng sanh, đối với các pháp Không, vô tướng, vô tác mà tự điều phục, ấy gọi là không phương tiện tuệ bị trói. Sao gọi là có phương tiện tuệ mở? Nghĩa là không do tâm ái kiến trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng sanh, đối trong ba pháp Không, vô tướng, vô tác, tự điều phục mà không mệt mỏi nhàm chán, ấy gọi là có phương tiện tuệ mở. Sao gọi là không có tuệ phương tiện bị trói? Nghĩa là Bồ-tát trụ nơi các thứ phiền não tham dục, sân nhuế, tà kiến... mà gieo trồng các cội công đức, ấy gọi là không có tuệ phương tiện bị trói. Sao gọi là có tuệ phương tiện mở? Nghĩa là lìa các thứ phiền não tham dục, sân nhuế, tà kiến... mà gieo trồng các cội công đức, hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ấy gọi là có tuệ phương tiện mở.
Văn-thù-sư-lợi, những vị Bồ-tát có bệnh kia nên quán các pháp như thế. Lại nữa, quán thân vô thường, khổ, không, phi ngã, ấy gọi là tuệ. Tuy thân có bệnh mà thường ở trong sanh tử làm lợi ích cho tất cả chúng sanh không biết chán mỏi, ấy gọi là phương tiện. Lại nữa quán thân, thân chẳng lìa bệnh, bệnh chẳng lìa thân, bệnh ấy thân ấy không phải mới không phải cũ, ấy gọi là tuệ. Dù thân có bệnh mà không hằng diệt, ấy gọi là phương tiện.
Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát có bệnh nên như thế mà điều phục tâm kia, chẳng trụ ở trong ấy cũng lại chẳng trụ chẳng điều phục tâm. Vì cớ sao? Nếu trụ chẳng điều phục tâm, ấy là pháp của người ngu; còn nếu trụ ở điều phục tâm, ấy là pháp của Thanh văn. Vì thế Bồ-tát không nên trụ ở nơi điều phục và chẳng điều phục tâm, lìa hai pháp này, ấy gọi là hạnh Bồ-tát. Ở trong sanh tử không làm những hạnh ô uế, trụ nơi Niết-bàn mà không hằng diệt độ, ấy là hạnh Bồ-tát. Chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh hiền thánh, ấy là hạnh Bồ-tát. Chẳng phải hạnh cấu, chẳng phải hạnh tịnh, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy vượt qua hạnh ma mà hiện hàng phục chúng ma, ấy là hạnh Bồ-tát. Cầu nhất thiết trí, không cầu phi thời, ấy là hạnh Bồ-tát.
Tuy quán các pháp chẳng sanh mà chẳng nhập chánh vị, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy quán mười hai nhân duyên khởi, mà vào các tà kiến, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy nhiếp phục tất cả chúng sanh mà không ái trước, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy ưa xa lìa mà không hoàn toàn y nơi diệt thân tâm, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy đi trong tam giới mà không hoại pháp tánh, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy hành nơi Không mà gieo trồng các cộïi công đức, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy hành vô tướng mà độ chúng sanh, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy hành vô tác mà hiện thọ thân, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy hành vô khởi mà khởi tất cả hạnh lành, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy hành lục ba-la-mật mà khắp biết tâm vương tâm sở của chúng sanh, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy hành lục thông mà không có tận lậu, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy hành tứ vô lượng tâm mà không tham trước sanh ở cõi trời Phạm thiên, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy hành thiền định giải thoát tam-muội mà không sanh theo cõi Thiền, ấy là hạnh của Bồ-tát. Tuy hành tứ niệm xứ mà không hằng lìa thân thọ tâm pháp, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy hành tứ chánh cần mà không xả thân tâm tinh tấn, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy hành tứ như ý túc mà được tự tại thần thông, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy hành ngũ căn mà phân biệt các căn lợi độn của chúng sanh, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy hành ngũ lực mà ưa cầu thập lực của Phật, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy hành thất giác phần mà phân biệt trí tuệ Phật, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy hành bát chánh đạo mà ưa hành vô lượng Phật đạo, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy hành pháp chỉ quán trợ đạo mà cứu cánh không rơi vào tịch diệt, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy hành các pháp chẳng sanh chẳng diệt mà dùng tướng hảo trang nghiêm thân kia, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy hiện oai nghi Thanh văn Bích-chi Phật mà không xả Phật pháp, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy tùy tướng thanh tịnh cứu cánh của các pháp mà tùy sở ứng để hiện thân kia, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy quán cõi nước chư Phật hằng tịch như không mà hiện các cõi Phật thanh tịnh, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy được Phật đạo chuyển pháp luân vào Niết-bàn mà không bỏ đạo Bồ-tát, ấy là hạnh Bồ-tát.
Khi nói lời ấy rồi, đại chúng đi theo ngài Văn-thù-sư-lợi, trong đó tám ngàn vị thiên tử đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

 

Giảng:

 

Khi ấy Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi:
- Ông đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Bậc thượng nhân kia khó mà đối đáp được vì đã thâm đạt được thật tướng, khéo nói pháp yếu, biện tài thông suốt, trí tuệ vô ngại, tất cả các pháp thức của Bồ-tát thảy đều biết hết, những bí tàng của chư Phật không chỗ nào mà chẳng nhập, hàng phục các chúng ma và được thần thông du hý, trí tuệ phương tiện kia đều đã vượt qua. Tuy nhiên con xin vâng thánh chỉ của Phật đến thăm bệnh ông.
Trước khi vâng lời Phật dạy đến thăm cư sĩ Duy-ma-cật, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hết lời tán thán ông là người đã thâm nhập thật tướng của các pháp, lại khéo giảng pháp yếu cho người nghe. Ông có đủ biện tài không chướng ngại, trí tuệ không gì ngăn trở, thông suốt tất cả những pháp thức của Bồ-tát, vào được kho bí mật của chư Phật, hàng phục tất cả ma, được thần thông du hý và trí tuệ phương tiện... Tất cả những điều ông đạt được thật đáng kính nể. Ngài Văn-thù là bậc thượng thủ trong chúng hội của Phật, mà không nhận lời thì còn ai có thể đi thăm nữa! Vì vậy đến đây ngài Văn-thù phải chấp nhận.
Khi đó ở trong chúng hội, các vị Bồ-tát và các vị đại đệ tử, trời Đế-thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương đều khởi nghĩ thế này: "Nay hai vị đại sĩ là Văn-thù-sư-lợi và Duy-ma-cật cùng luận đàm với nhau, ắt là nói diệu pháp." Liền khi ấy tám ngàn vị Bồ-tát, năm trăm vị Thanh văn, trăm ngàn vị thiên nhân đều muốn đi theo.
Bấy giờ ngài Văn-thù-sư-lợi cùng các Bồ-tát, các vị đại đệ tử và chư thiên nhân cung kính đi nhiễu để vào đại thành Tỳ-da-ly.
Chúng ta bây giờ cũng vậy, khi nghe những vị có uy tín, có tiếng tăm đàm luận với nhau thì muốn đi nghe thử xem quý vị luận bàn việc gì. Ở đây số người đi theo Bồ-tát Văn-thù rất đông, nhưng thất cư sĩ Duy-ma-cật quá nhỏ, làm sao chứa được tám ngàn vị Bồ-tát, năm trăm vị Thanh văn, trăm ngàn vị thiên nhân, vậy mà vẫn dung được hết. Đó là điều đặc biệt.
Lúc ấy trưởng giả Duy-ma-cật thầm nghĩ: "Nay Văn-thù-sư-lợi cùng với đại chúng đồng đến!" Ông liền dùng thần lực làm cho trong thất trống rỗng, dẹp hết đồ đạc và các thị giả, chỉ để một giường bệnh mà nằm.
Tuy bệnh nằm trong thất nhưng cư sĩ Duy-ma-cật vẫn biết Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi cùng đại chúng sẽ đến thăm. Ông liền dùng thần lực dẹp hết đồ đạc và thị giả, làm cho thất trống, chỉ còn lại một cái giường để ông nằm. Chỗ này nghĩa lý rất sâu xa. Thất của cư sĩ Duy-ma-cật là chỉ cho tâm của tất cả chúng sanh hay của chư Bồ-tát. Tâm đó muốn được đầy đủ tuệ giác thì phải dẹp tất cả mọi vọng tưởng, còn một giường nằm bệnh là chỉ cho phương tiện độ sanh.
Ngài Văn-thù-sư-lợi đã vào trong nhà ông Duy-ma-cật, thấy thất trống rỗng không có vật gì, chỉ có một mình ông nằm trên giường. Khi ấy ông Duy-ma-cật nói:
- Lành thay, Văn-thù-sư-lợi! Tướng không đến mà đến, tướng không thấy mà thấy.
Ngài Văn-thù liền đáp:
- Như thế, cư sĩ! Nếu đã đến lại chẳng đến, nếu đã đi lại chẳng đi. Vì cớ sao? Đến không từ đâu đến, đi không có chỗ đến, chỗ có thể thấy càng không thể thấy.

Thường chúng ta gặp nhau thì chào anh mới đến, mới đến đó là tướng đến. Nếu nói thật có đến là phàm phu, còn theo tinh thần Bồ-tát, thấy có đến mà không thật đến, có đi mà không thật đi. Gặp nhau là thấy, mà thấy cũng không thật thấy. Ở đây hai bậc thượng thủ này vừa gặp nhau chào hỏi một câu nghe thật tẻ lạnh: Tướng không đến mà đến, tướng không thấy mà thấy! Trong luận Trung Quán, Bồ-tát Long Thọ nói, không có đến thật, không có đi thật, nhưng có giả tướng đến, giả tướng đi. Như vậy tướng thật không đến nhưng giả tướng thì có đến, tướng thật không thấy nhưng giả tướng thì có thấy. Chính vì vậy mà ngài Văn-thù mới đáp lại rằng: Đúng như thế, cư sĩ! Nếu đã đến lại chẳng đến, nếu đã đi lại chẳng đi. Vì cớ sao? Vì người đến không từ đâu đến, người đi không đi về đâu. Vì vậy tìm cái đến cái đi thật không có. Chỗ có thể thấy càng không thể thấy. Cho nên nói tướng thấy thì không thấy. Hai ngài gặp nhau, lý sự một chút rồi trở lại thực tế. Bồ-tát Văn-thù nói:
Hãy gác việc đó lại. Cư sĩ, bệnh ông có thể chịu nổi chăng? Điều trị có bớt hay không, không đến nỗi tăng chứ? Thế Tôn rất ân cần thăm hỏi ông. Tôi đến thăm bệnh ông mà nói chuyện xa vời quá, thôi hãy gác chuyện đó lại đi. Bây giờ thật tình mà hỏi, bệnh ông có nặng lắm không? Có chịu nổi không? Ông trị liệu có giảm bớt hay tăng? Thế Tôn rất ân cần thăm hỏi ông.
Này cư sĩ! Bệnh ấy do nhân gì mà khởi? Bệnh sanh đã lâu chưa? Làm sao để hết bệnh? Đó là ba câu hỏi để cư sĩ Duy-ma-cật trả lời. Câu hỏi thứ nhất là nhân duyên gì mà sanh bệnh? Câu hỏi thứ hai, bệnh đó đã lâu chưa? Câu hỏi thứ ba, làm sao cho hết bệnh?
Ông Duy-ma-cật nói:
Từ si có ái, ắt là bệnh tôi sanh. Vì tất cả chúng sanh bệnh, thế nên tôi bệnh. Nếu tất cả chúng sanh hết bệnh thì bệnh tôi cũng dứt.
Ông trả lời câu đầu nguyên nhân bệnh là do si ái sanh ra. Câu thứ hai là tất cả chúng sanh có bệnh thì tôi có bệnh, không biết bao lâu. Câu thứ ba, chừng nào chúng sanh hết bệnh thì chừng đó tôi lành bệnh. Như vậy ông đã trả lời hết ba câu hỏi.
Vì cớ sao? Bồ-tát vì chúng sanh nên vào sanh tử, có sanh tử ắt có bệnh. Nếu chúng sanh được lìa bệnh thì Bồ-tát cũng không bệnh. Ông giải thích Bồ-tát vì chúng sanh mà vào trong sanh tử. Chúng sanh do si ái nên có sanh tử, có sanh tử thì có bệnh. Ông với tâm hạnh từ bi của Bồ-tát, thương chúng sanh nên vào trong sanh tử. Nếu chúng sanh hết sanh tử thì Bồ-tát đâu còn vào trong sanh tử nữa. Chúng sanh hết bệnh thì Bồ-tát cũng hết bệnh.
Ví như ông trưởng giả chỉ có một đứa con, đứa con kia bị bệnh thì cha mẹ cũng bệnh. Nếu đứa con hết bệnh thì cha mẹ cũng khỏi. Bồ-tát cũng như thế, đối với chúng sanh yêu mến như con. Chúng sanh bệnh thì Bồ-tát bệnh, chúng sanh lành bệnh thì Bồ-tát cũng lành bệnh. Lại nói bệnh ấy từ nhân duyên nào mà khởi, Bồ-tát bệnh đó là do lòng đại bi mà khởi.
Chúng sanh đang lăn lộn trong sanh tử gọi là bệnh. Bồ-tát vào trong sanh tử để độ chúng sanh, nên gọi là Bồ-tát bệnh. Bệnh đó là do lòng đại bi, chứ không phải do tứ đại bất hòa, không phải do phiền não mà bệnh. Bồ-tát thương chúng sanh như thương con. Những đứa con khôn ngoan cũng thương mà mừng, nó sẽ mau tỉnh; những đứa ngu ngốc cũng thương mà tội nghiệp, không biết chừng nào nó tỉnh! Thương hết không ghét đứa nào. Nếu có tâm ghét là tâm chúng sanh, còn thật tâm Bồ-tát thì người hay cũng thương, người dở cũng thương, không bỏ sót một ai.
Chúng ta kiểm lại xem mình là tâm Bồ-tát hay tâm chúng sanh? Dễ thấy quá. Dù người gây khó khăn cho mình, mình cũng thấy dễ thương, đó là tâm của Bồ-tát.
Ngài Văn-thù-sư-lợi hỏi:
- Này cư sĩ, thất này vì sao trống không không có thị giả?
Ông Duy-ma-cật nói:
- Cõi nước của chư Phật cũng đều trống không.
Lại hỏi: - Lấy gì làm không?
Đáp rằng: - Lấy không làm không.
Lại hỏi: - Không đâu cần không?
Đáp: - Do không phân biệt không, nên không.
Lại hỏi: - Không có thể phân biệt được sao?
Đáp: - Phân biệt cũng không.
Lại hỏi: - Cái không ấy phải cầu ở đâu?
Đáp: - Ở trong sáu mươi hai kiến chấp mà cầu.
Lại hỏi: - Sáu mươi hai kiến chấp phải cầu ở đâu?
Đáp: - Phải ở trong giải thoát của chư Phật mà cầu.
Lại hỏi: - Giải thoát của chư Phật phải cầu ở đâu?
Đáp: - Phải cầu ở trong tất cả tâm hạnh chúng sanh. Lại nhân giả hỏi, sao không có thị giả? Tất cả chúng ma và ngoại đạo đều là thị giả của tôi. Vì cớ sao? Chúng ma ưa sanh tử, Bồ-tát đối với sanh tử chẳng bỏ. Ngoại đạo thì ưa các kiến chấp, Bồ-tát đối các kiến chấp chẳng động.

Đoạn lý luận này nghe rất thâm thúy. Bồ-tát Văn-thù hỏi tại sao trong thất của ông trống không, không có thị giả. Cư sĩ Duy-ma-cật đáp chẳng những thất tôi mà thất của chư Phật cũng đều trống không. Tại sao cõi nước chư Phật cũng đều trống không? Bởi vì tất cả cõi chư Phật đều không có mọi kiến chấp, không có mọi phân biệt mới được thành Phật, mới được giác ngộ. Cho nên nói cõi chư Phật cũng là không. Hỏi thế nào là không? Đáp: Bởi không nên không. Nghe thật khó hiểu! Lại hỏi thêm: Đã không thì đâu cần không mà nói do không nên không? Đáp: Do không phân biệt không, nên không. Cái không này cần phải hiểu cho thật rõ, cái không ban đầu là không của nội tâm, do tâm không phân biệt nên nói tâm không. Như bài kệ tụng của ông Bàng Uẩn:

 

Thử thị tuyển Phật trường,
Tâm không cập đệ quy.

Nghĩa là:

Đây là trường thi Phật,
Tâm không được đậu về.

 

Tâm không là đối trước ngoại cảnh mà không dấy khởi niệm phân biệt, không phân biệt thì ngoại cảnh cũng thành không, nên nói do không mà không. Vì vậy mà gọi là không không. Bồ-tát lại hỏi: Không có thể phân biệt chăng? Đáp: Phân biệt cũng không. Đã không thì còn gì phân biệt, không phân biệt nên nói không cũng là không. Như vậy cả hai đều không.
Lại hỏi cái không đó từ đâu mà tìm? Tức là tìm lý do để thấy không tất cả phân biệt. Ở đây nói, phải từ sáu mươi hai kiến chấp mà tìm. Nghĩa là còn nằm trong một kiến chấp nào thì chưa phải không. Trong sáu mươi hai kiến chấp, không động không dính ấy gọi là không. Sáu mươi hai kiến chấp tìm từ đâu? Đáp: Từ trong pháp giải thoát của chư Phật. Muốn dứt sáu mươi hai kiến chấp thì ngay trong pháp giải thoát của Phật mà dứt, chứ không đâu xa hết.
Chúng ta ai cũng quý trọng pháp giải thoát của Phật. Hỏi pháp giải thoát của Phật từ đâu mà tìm? Từ nơi tâm hạnh của tất cả chúng sanh. Tâm hạnh mình có pháp giải thoát của Phật không? Nếu mắt thấy sắc mà không dính với sắc, tai nghe tiếng mà không mắc kẹt tiếng... cho đến tâm duyên với pháp trần mà không dính với pháp trần, đó là pháp giải thoát của Phật. Như vậy tất cả pháp giải thoát không ở bên ngoài mà từ tâm hạnh của chúng ta. Chúng ta biết tu, biết gỡ mọi dính mắc thì được giải thoát, chứ không tìm giải thoát ở đâu xa.
Hỏi tại sao không có thị giả? Đáp: Tất cả chúng ma và ngoại đạo là thị giả của tôi. Tại sao? Vì chúng ma ưa sanh tử nên dẫn người đi trong sanh tử, còn Bồ-tát đối với sanh tử không bỏ, lao mình trong sanh tử, cùng chúng ma làm bạn để độ chúng ma, nên nói chúng ma là thị giả của tôi. Ngoại đạo ưa các kiến chấp, Bồ-tát đối với các kiến chấp không động. Nghĩa là đối với sáu mươi hai kiến chấp, Bồ-tát không bỏ dẹp cũng không dính mắc, gọi là không động. Không động cho nên gần được với chúng ngoại đạo, vì vậy nói ngoại đạo là thị giả của tôi.
Ngài Văn-thù hỏi: Bệnh của cư sĩ tướng trạng thế nào?
Ông Duy-ma-cật đáp: Bệnh tôi không hình tướng, không thể thấy. Thí dụ nói tôi nhức đầu, tôi đau bụng... thì đó là có tướng bệnh. Ông Duy-ma-cật trả lời bệnh tôi không có tướng, không thể thấy được.
Lại hỏi: Bệnh này hợp với thân chăng? Hợp với tâm chăng?
Đáp: Không hợp với thân vì lìa thân tướng, cũng chẳng hợp với tâm vì tâm như huyễn. Bệnh đó không hợp với thân cũng không hợp với tâm. Vì thân đã lìa thân tướng, tâm đã thấy như huyễn.
Lại hỏi: Địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, nơi tứ đại này thì đại nào bệnh?
Đáp: Bệnh ấy không phải địa đại cũng chẳng lìa địa đại; thủy, hỏa, phong đại cũng lại như thế. Các chúng sanh bệnh là từ tứ đại khởi, vì chúng sanh có bệnh thế nên tôi bệnh.

Đất, nước, gió, lửa vốn không bệnh, nhưng hợp lại thành thân mới sanh ra bệnh. Đối với ông, tứ đại không có bệnh, còn chúng sanh chấp tứ đại là thật nên thấy có bệnh. Tứ đại có bệnh nên Bồ-tát cũng bệnh, là để nói bệnh của ông từ nơi chúng sanh mà có. Thế nên nói vì chúng sanh có bệnh nên tôi bệnh.
Khi ấy Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi ông Duy-ma-cật:
- Bồ-tát nên làm thế nào để an ủi những vị Bồ-tát bệnh ?
Ông Duy-ma-cật mới nói:
- Nói thân vô thường mà không nói chán lìa thân. Nói thân có khổ mà không nói ưa Niết-bàn. Nói thân là vô ngã mà nói pháp để giáo hóa chúng sanh. Nói thân không tịch, không nói cứu cánh tịch diệt. Nói ăn năn những lỗi trước mà không nói vào quá khứ. Do mình bệnh nên thương những người khác bệnh. Phải biết cái khổ vô số kiếp đời trước mà nhớ nghĩ lợi ích cho tất cả chúng sanh. Nhớ việc tu phước, nghĩ đến sự sống trong sạch, chớ sanh buồn phiền, thường khởi tinh tấn. Phải làm vị y vương để trị bệnh cho tất cả chúng sanh. Bồ-tát nên như thế mà an ủi những Bồ-tát có bệnh, khiến cho những vị này được hoan hỷ.

Như có vị Bồ-tát bệnh, Bồ-tát khác tới thăm thì phải làm sao để an ủi? Trước hết ông nhắc, thân này là vô thường. Thanh văn thấy thân vô thường thì chán, nhưng Bồ-tát thấy thân vô thường mà không chán lìa thân. Tại sao? Nếu chán lìa thân thì làm sao vào sanh tử độ chúng sanh được. Thanh văn thấy thân là khổ nên cầu Niết-bàn an vui. Bồ-tát không cầu Niết-bàn vì thương chúng sanh, nếu vào Niết-bàn thì đâu cứu độ chúng sanh được. Nói thân vô ngã là không có ta thật mà luôn luôn nói pháp giáo hóa chúng sanh. Nói rỗng lặng nhưng không phải hoàn toàn rỗng không. Nói ăn năn những lỗi trước mà không nói vào quá khứ, nghĩa là không chấp có quá khứ thật. Nếu có quá khứ thật là chấp nhận ba thời thật sao! Đó là điểm đặc biệt của Bồ-tát.
Do mình bệnh nên thương những người khác bệnh. Chúng ta phải học câu này cho thấm. Khi mình bệnh thân thể bị hành hạ nhức nhối, phải chịu đau đớn khổ sở thế nào, nghĩ tới người khác bệnh, phải thương xót họ như lúc mình đang bệnh. Được vậy thì thế gian này đỡ khổ biết bao. Còn nếu thấy người bệnh mà ngó lơ, không chút quan tâm thì thật vô tình vô nghĩa, không có sự cảm thông giữa mình với người.
Phải biết cái khổ vô số kiếp đời trước mà nhớ nghĩ lợi ích cho tất cả chúng sanh. Phải nhớ rằng chúng ta từ trước tới giờ sanh ra chết đi không biết bao nhiêu kiếp, chịu biết bao nhiêu khổ, vậy nên thương chúng sanh còn đang chìm đắm, phải ráng tu, ráng giải thoát, khéo dùng phương tiện, phát tâm độ họ thoát ly các khổ. Đừng nghĩ mình đã được giác, đã có khả năng thoát ly khổ sanh tử mà không thương chúng sanh thì không được.
Nhớ việc tu phước, nghĩ đến sự sống trong sạch, chớ sanh buồn phiền, thường khởi tinh tấn. Chúng ta được đầy đủ phúc duyên, sớm gặp Phật pháp, là do đời trước đã có tu, đã gieo trồng căn lành, thật đáng mừng. Vì vậy phải cố gắng tinh tấn tu hành, ráng sống đời sống thanh tịnh. Nhất là người mới mười lăm mười bảy tuổi mà phát tâm vào đạo là càng mừng hơn, vì biết mình có phước hơn những người khác. Phải vui mừng vì túc duyên lành, sao lại buồn chán? Buồn chán là tâm niệm rất xấu, là phủi bỏ những công lao tu tạo trước của mình. Được vậy thì niệm tu hành đạo đức mới sâu dày.
Làm vị y vương để trị bệnh cho tất cả chúng sanh. Nghĩa là dùng Phật pháp làm thuốc để trị tâm bệnh cho tất cả chúng sanh. Phát khởi tâm niệm mạnh mẽ như vậy mới là hạnh nguyện Bồ-tát.
Trên đây là những điều cư sĩ Duy-ma-cật đã trả lời câu hỏi của Bồ-tát Văn-thù, Bồ-tát phải nên an ủi những Bồ-tát bệnh như thế nào, khiến cho những vị này được hoan hỷ. Chúng ta cũng vậy, khi đến thăm viếng an ủi người bệnh, chỉ dùng những lời đạo lý để nhắc nhở nhau, chớ theo thường tình. Phải học theo gương cao thượng của Bồ-tát, mới xứng đáng là người tu.
Ngài Văn-thù-sư-lợi nói:
- Này cư sĩ, Bồ-tát có bệnh thì làm sao mà điều phục tâm kia?
Ông Duy-ma-cật đáp:
- Bồ-tát có bệnh nên khởi nghĩ thế này: "Nay ta bệnh đây đều là từ đời trước vọng tưởng điên đảo các phiền não sanh, không có một pháp thật thì ai nhận bệnh! Vì cớ sao? Vì tứ đại hợp nên giả danh là thân, tứ đại không chủ thì thân cũng vô ngã, lại bệnh này khởi đều do chấp ngã. Thế nên, đối với ngã không nên sanh chấp trước."

Từ vô số kiếp đời trước do vọng tưởng điên đảo nên phát khởi các thứ phiền não, nhân đó sanh ra bệnh. Vọng tưởng phiền não vốn không thật, đã không thật thì bệnh đâu có thật. Cho nên không có pháp thật, bệnh thật. Lúc đau bụng, đau đầu... cũng không có cái đau thật thì rên khóc làm gì? Vậy bệnh từ đâu khởi, nó hành hạ ra sao mặc kệ, đừng để ý lệ thuộc vào nó. Như vậy đã biết trọng tâm phát khởi bệnh là không thật thì ai là người chịu bệnh, ai là người đang đau? Thế nên, thấy các thứ không thật thì tự nhiên bệnh không thật. Thân này do tứ đại hợp, giả danh tạm gọi là thân, tứ đại không chủ thì thân cũng vô ngã. Bệnh sanh là do chấp ngã vì vậy đối với ngã không nên sanh chấp trước.
Đã biết gốc bệnh tức trừ ngã tưởng và chúng sanh tưởng. Phải khởi pháp tưởng, nên khởi nghĩ thế này: "Chỉ do các pháp hợp thành thân này. Khởi chỉ là pháp khởi, diệt chỉ là pháp diệt. Lại pháp này mỗi pháp không biết nhau, khi khởi không nói ngã khởi, khi diệt không nói ngã diệt."
Biết gốc bệnh là do chấp ngã, vì vậy phải trừ ngã tưởng và chúng sanh tưởng. Ngã tưởng là tưởng mình thật, chúng sanh tưởng là tưởng người thật. Khởi pháp tưởng là nên khởi nghĩ thế này: Chỉ do các pháp hợp thành thân này. Khởi chỉ là pháp khởi, diệt chỉ là pháp diệt. Khi tứ đại hợp thì thân này sanh, tứ đại rã thì thân này hoại. Hợp tan là chuyện của pháp, chứ đâu phải chuyện của mình.
Lại pháp này mỗi pháp không biết nhau, khi khởi không nói ngã khởi, khi diệt không nói ngã diệt. Tứ đại khi hợp lại cũng không nói chúng ta cùng nhau hợp, khi tan cũng không nói chúng ta cùng nhau đi. Tự nó đến tự nó đi, còn mình không biết gì hết, như vậy nó đâu dính gì với mình, còn gì phải lo sợ.
Những vị Bồ-tát có bệnh kia vì diệt pháp tưởng nên phải khởi nghĩ thế này: "Pháp tưởng này cũng là điên đảo, điên đảo đó tức là đại họa, ta phải lìa nó." Bồ-tát khởi diệt trừ pháp tưởng phải nên khởi nghĩ pháp tưởng này cũng là điên đảo. Như vậy ban đầu bỏ chúng sanh tưởng, ngã tưởng mà khởi pháp tưởng. Kế đó khởi pháp tưởng hợp tan không thật. Cuối cùng pháp tưởng cũng phải bỏ luôn. Như vậy mới rốt ráo.
Thế nào là lìa? Lìa ngã, ngã sở. Thế nào là lìa ngã, ngã sở? Nghĩa là lìa hai pháp. Thế nào là lìa hai pháp? Nghĩa là không nghĩ các pháp trong ngoài, thực hành bình đẳng. Thế nào là bình đẳng? Nghĩa là ngã bình đẳng, Niết-bàn bình đẳng. Vì cớ sao? Vì ngã và Niết-bàn cả hai đều không. Vì sao lại không? Chỉ vì danh tự nên không. Như thế hai pháp này không có tánh quyết định.
Chúng ta thường nghe nói Niết-bàn là chỗ không sanh tử, còn ngã là tướng sanh tử khổ. Niết-bàn không sanh tử nên an vui. Bây giờ khởi tâm bình đẳng, không thấy trong không thấy ngoài. Không dính ngã cũng không kẹt Niết-bàn, nghĩa là không còn dính kẹt ngã và pháp, cả hai đều thấy như nhau, không có tâm thiên lệch. Ngã và Niết-bàn đều không, sanh tử không thật Niết-bàn cũng không thật, chỉ là giả danh. Đến chỗ cứu cánh không còn những danh tự đó nữa.

Được bình đẳng như thế thì không có các bệnh khác, chỉ có bệnh không; bệnh không cũng không. Bồ-tát có bệnh này do không chỗ thọ mà thọ các thọ, chưa đủ Phật pháp, cũng chẳng diệt thọ mà thủ chứng.
Bồ-tát bệnh mà không nhận tất cả những bệnh, tuy không nhận mà vẫn còn có cái nhận. Tại sao? Thấy mình chưa đầy đủ công đức độ sanh, thì còn phải thọ thân trong sanh tử để cứu độ chúng sanh, không vì không thọ mà nhập Niết-bàn. Thế nên nói, không thọ mà thọ các thọ.
Dù thân có khổ, nghĩ đến chúng sanh trong đường ác mà khởi tâm đại bi, ta đã điều phục cũng sẽ điều phục tất cả chúng sanh. Chỉ trừ bệnh kia mà không trừ pháp, vì đoạn gốc bệnh mà giáo hóa họ.
Bồ-tát dù thân đang bệnh đau đớn khổ sở mà vẫn nhớ những chúng sanh ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh phải chịu
đau khổ gấp mấy ngàn lần mình. Do nghĩ như vậy nên Bồ-tát khởi tâm thương xót mà quên bệnh của mình, cố gắng tự điều phục và điều phục chúng sanh trong ba đường ác.

Chỉ trừ bệnh kia mà không trừ pháp. Thân chúng ta là do năm uẩn sắc thọ tưởng hành thức hợp thành. Chấp năm uẩn là mình là chấp ngã. Vì chấp ngã nên có khổ có vui, đó là bệnh. Như vậy đối với thân năm uẩn này, chúng ta chỉ phá bệnh chấp ngã chứ không phá năm uẩn. Nên nói trừ bệnh mà không trừ pháp, vì muốn đoạn gốc bệnh là gốc sanh tử cho chúng sanh, mới dạy dỗ họ. Bồ-tát lúc nào cũng nghĩ tới chúng sanh nhiều hơn là bản thân mình. Dù đang bệnh khổ mà không nghĩ đến bệnh của mình, chỉ nhớ làm sao dạy bảo cho mọi người hết được gốc bệnh, tức là hết được gốc sanh tử.
Sao gọi là gốc bệnh? Nghĩa là có phan duyên, từ có phan duyên ắt là gốc bệnh. Sao gọi là phan duyên? Nghĩa là tam giới.
Phan duyên tức là đuổi theo, nắm bắt, buông cái này chụp cái kia. Tâm mãi đuổi theo ngoại cảnh, chạy theo sáu trần sắc thanh hương vị xúc pháp, đó là tâm phan duyên. Chính tâm phan duyên tạo thành nghiệp mà có thân này, là gốc của bệnh. Phan duyên ở đây là đuổi theo nắm bắt những cảnh trong Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Thí dụ những người tâm duyên tưởng theo các định Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền v.v... nếu ngang đó mà chết thì sanh vào cõi trời Sắc giới, đó gọi là phan duyên cõi trời Sắc giới. Những người đuổi theo các định Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ v.v... khi chết thì sanh vào cõi trời Vô sắc giới, đó gọi là phan duyên Vô sắc giới. Hiện nay chúng ta đang ở trong cõi Dục giới mà còn nắm bắt không ngừng, tâm ý chạy tứ tung không kìm nổi, huống nữa là cõi trời Sắc giới, Vô sắc giới. Như vậy sở dĩ mình có thân là vì tâm phan duyên theo cảnh trong tam giới.
Làm sao đoạn phan duyên? Dùng vô sở đắc, nếu vô sở đắc thì không có phan duyên. Muốn dứt tâm phan duyên thì phải thấy tất cả pháp đều không thật. Những được mất hơn thua... chỉ là tạm bợ giả dối, có gì đáng mà đuổi theo! Nhưng chúng ta thường đuổi theo sắc, thanh, hương, vị... Như có một huynh đệ tốt bụng luộc ba củ khoai lang, một củ phần mình, hai củ còn lại chia cho hai huynh đệ, trong đó có một củ bị sùng mà không hay biết.
Người nhận được củ khoai sùng, nghĩ mình bị huynh đệ đối xử không tốt, trong lòng ôm ấp mãi không vui, nên mỗi khi gặp nhau là nhớ đến chuyện đã qua. Thế đó, chúng ta cứ bám víu, dính mắc bởi những chuyện không đâu, lầm nhận những thứ hư giả không thật cho là thật, nên phải chịu trầm luân muôn kiếp. Hiểu được điều này thì tâm phan duyên dứt, việc tu hết sức rõ ràng.
Sao gọi là vô sở đắc? Nghĩa là lìa hai kiến chấp. Sao gọi là hai kiến chấp? Nghĩa là kiến chấp bên trong, kiến chấp bên ngoài, ấy là vô sở đắc. Kiến chấp bên trong là chấp thân, kiến chấp bên ngoài là chấp cảnh. Sở dĩ thấy có được mất là do chấp thân thật và cảnh ngoài thật. Không chấp thân và cảnh thật thì tất cả đều vô sở đắc.
Tóm lại, phan duyên là chạy theo sáu trần, duyên theo ngoại cảnh. Còn phan duyên tức còn vọng tưởng, mà vọng tưởng là gốc của bệnh. Sở dĩ chúng ta sanh trong lục đạo là từ tâm vọng tưởng chạy theo cảnh, mà cảnh đó không ngoài tam giới. Muốn dứt tâm chạy theo cảnh thì phải vô sở đắc, nghĩa là không chấp nhận một pháp nào thật. Không có năng thì không có sở, trong không có ngã, ngoài không ngã sở, không có một pháp thật thì tâm phan duyên hết. Nếu trong còn chấp thân, ngoài còn chấp cảnh, trong có vọng tưởng, ngoài có sáu trần, đó là thấy hai. Dứt được cái thấy hai tức là vô sở đắc.
Văn-thù-sư-lợi, ấy là Bồ-tát có bệnh dùng tâm kia để mà điều phục, vì đoạn khổ già bệnh chết, ấy là Bồ-đề của Bồ-tát. Nếu không như thế thì chỗ tu trị của mình không có trí tuệ bén nhạy. Thí như thắng được kẻ thù mới gọi là dũng sĩ. Như thế trừ hết già bệnh chết mới gọi là Bồ-tát.
Bồ-tát có bệnh phải dùng tâm vô sở đắc mà điều phục. Vậy khi Bồ-tát khởi tâm đại bi thương xót chúng sanh thì phải biết gốc bệnh của chúng sanh là gì, rồi theo đó chỉ dạy, để dẹp hết khổ già bệnh chết cho họ. Gốc bệnh là do chấp ngã và ngã sở.
Bồ-tát phải lấy Bồ-đề, giác ngộ của mình để dứt các khổ già bệnh chết. Cũng như người chiến thắng được kẻ thù mới gọi là mạnh, mới gọi là dũng sĩ. Đó là chỗ giác ngộ của Bồ-tát. Khi Bồ-tát bệnh, nếu không có tâm thương xót nghĩ nhớ đến nỗi khổ của chúng sanh trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, tìm cách cứu họ ra khỏi sanh tử... thì việc tu sửa của Bồ-tát không có trí tuệ bén nhạy.
Bồ-tát có bệnh kia nên lại khởi nghĩ như thế này: "Như bệnh của ta đây chẳng phải thật, chẳng phải có, bệnh của chúng sanh cũng chẳng phải thật, cũng chẳng phải có." Khi khởi quán như thế đối với các chúng sanh, khởi ái kiến đại bi tức nên xả ly. Khi Bồ-tát bệnh phải khởi nghĩ, bệnh của ta không phải thật có. Không phải thật có là sao? Vì bệnh là do duyên, đã là duyên sanh thì nó như huyễn như hóa, nên nói không phải thật có. Bệnh chúng sanh cũng lại như thế. Thường chúng ta ai cũng thấy bệnh là thật, là có. Nếu nó là thật thì lúc nào cũng đau, uống thuốc đâu có hết! Nhưng vì nó không thật nên gặp đúng thuốc trị bệnh sẽ dứt chứ đâu còn mãi. Như vậy cái gì khi có khi không, khi còn khi mất thì không phải thật. Quán như thế rồi, đối với chúng sanh nếu có khởi ái kiến đại bi thì nên xả bỏ.
Vì cớ sao? Bồ-tát đoạn trừ khách trần phiền não mà khởi đại bi. Ái kiến bi đó tức là đối với sanh tử có tâm mệt mỏi nhàm chán. Nếu hay lìa được cái này, không có mệt mỏi nhàm chán, sanh ở chỗ nào cũng không bị ái kiến che lấp.
Khách trần phiền não nghĩa là sao? Theo kinh Lăng-nghiêm, có người tới nhà người khác xin ở trọ một đêm rồi sáng ra đi. Người đó gọi là khách. Còn người ở trong nhà không đi đâu, gọi là chủ. Cũng như khi mặt trời lên, ánh sáng xuyên qua kẽ hở rọi vào nhà, nhìn thấy trong hư không có những hạt bụi bay lăng xăng. Bụi bay lăng xăng đó gọi là trần. Hư không đâu có bay lăng xăng, chỉ đứng yên một chỗ, gọi là chủ, còn khách là trần thì có đến có đi.
Khách trần phiền não là tâm vọng tưởng chợt sanh chợt diệt, chợt có chợt không. Trong khi dẹp trừ phiền não vọng tưởng đó, khởi tâm thương xót và muốn cứu độ chúng sanh, đó là tâm đại bi. Sao ở đây lại nói là ái kiến đại bi? Nghĩa là Bồ-tát khởi tâm thương và muốn đoạn trừ phiền não cho họ, nhưng đi trong sanh tử mãi, cảm thấy mệt mỏi chán nản, nên khởi nghĩ chỉ đời này thôi, mệt quá rồi không muốn trở lại độ họ nữa. Khởi tâm như vậy là ái kiến đại bi. Ái kiến là kiến ngã. Ai mệt? Ta mệt. Thương chúng sanh nhưng còn thấy mình mệt mỏi thì gọi đó là ái kiến đại bi. Lìa được tâm này thì sanh bất cứ nơi đâu, lúc nào cũng không bị ái kiến che lấp. Sanh ra liền nhớ bản hạnh độ sanh của mình để tiếp tục hành đạo. Nếu còn tâm ái kiến đại bi thì sanh ra liền bị ái kiến che lấp, quên bản nguyện ban đầu của mình.
Qua đó mới hiểu được tâm nguyện cao thượng, siêu thoát của Bồ-tát. Còn chúng ta có khả năng làm được việc gì thì chỉ làm một vài lần, chứ lâu dài dễ sanh mệt mỏi chán nản. Cái gì mệt? Cái ngã. Vì còn thấy mình thật nên chấp ngã sanh ái kiến. Đây là điểm yếu dở và tầm thường của mình. Giả sử ngang đây mà chết, đời sau sanh ra chắc quên hết, vì tâm ái kiến còn nặng quá, muốn nhớ lại cũng phải gần bạc đầu! Như vậy chúng ta đã biết cội gốc của sự tu, phải hiểu cho thật kỹ thì việc hành đạo mới khỏi lầm lẫn. Vì vậy nếu không học và hành theo công hạnh của Bồ-tát thì đâu thể thành Phật. Thế mà những việc làm của Bồ-tát, mình chưa được tí ti nào, thật đáng xấu hổ.
Chỗ sanh không bị trói buộc, hay vì chúng sanh nói pháp mở trói buộc, như lời Phật nói: "Nếu tự có trói buộc mà hay cởi mở cho người khác thì không có lẽ ấy. Nếu tự mình không trói buộc mà hay mở cho người, điều ấy là có được."  Do đó Bồ-tát không nên khởi trói buộc. Bồ-tát dứt ái kiến đại bi thì sanh nơi nào cũng không bị ái kiến che lấp, không có gì ràng buộc và thường nói pháp để mở trói buộc cho chúng sanh. Như lời Phật dạy, người đang bị trói buộc mà muốn cởi mở cho người khác thì không có lẽ đó. Thí dụ một đám cướp vô nhà, bắt hết mọi người trong nhà, cột mỗi người vào một cây cột. Chúng lấy hết đồ đạc và bỏ đi. Người nào cũng bị cột bị trói, muốn mở trói cho nhau có được không? Dù rất thương mà chính mình chưa mở được thì cũng khó mở được cho người. Cho nên Phật dạy chúng ta phải tự mở. Muốn tự mở thì phải phá hai kiến chấp, đó là kiến chấp về ngã và ngã sở, mình không bị trói buộc mới có thể mở được trói buộc cho người khác. Đó là lẽ thật. Khởi trói buộc tức là khởi những ái kiến về ngã và ngã sở. Người đã thọ giới Bồ-tát thì phải học những lời dạy này để thực hành theo hạnh Bồ-tát.
Sao gọi là trói? Sao gọi là mở ? Tham trước thiền vị, ấy là Bồ-tát bị trói; vì phương tiện sanh, ấy là Bồ-tát mở. Sao gọi là trói? Thí dụ những vị tu thiền đạt được Diệt tận định. Khi nhập Diệt tận định rồi, muốn an trú trong sự tĩnh lặng và say sưa mãi trong đó thì gọi là Bồ-tát bị trói. Vì như vậy là không có phương tiện làm lợi ích cho chúng sanh. Nên nói Bồ-tát tham trước thiền vị, gọi là bị trói. Sao gọi là mở? Nghĩa là trong khi Bồ-tát được thiền vị mà khởi phương tiện, tức là khởi lòng đại bi, muốn chỉ cho chúng sanh thoát khổ như mình, đó là mở. Nên nói do phương tiện sanh, ấy là Bồ-tát mở.
Lại không có phương tiện tuệ là bị trói, có phương tiện tuệ gọi là mở; không có tuệ phương tiện là trói, có tuệ phương tiện là mở. Sao gọi không có phương tiện tuệ bị trói? Nghĩa là Bồ-tát do tâm ái kiến trang nghiêm cõi Phật, thành tựu cho chúng sanh, đối với các pháp Không, vô tướng, vô tác mà tự điều phục, ấy gọi là không phương tiện tuệ bị trói. Chúng ta tu mà cố chấp những pháp mình được, rồi an trú và bị trói trong chỗ sở đắc, nên nói không có tuệ phương tiện bị trói. Còn nếu có tuệ phương tiện mà không chấp vào sở đắc đó, làm lợi ích cho mọi người nên nói có tuệ phương tiện là mở. Đây chỉ thêm chỗ cao tột. Trong lúc tu, Bồ-tát khởi tâm ái kiến trang nghiêm tịnh độ thành tựu chúng sanh, đối với ba môn giải thoát Không vô tướng vô tác mà tự điều phục, thì gọi là không phương tiện tuệ bị trói.
Sao gọi là có phương tiện tuệ mở? Nghĩa là không do tâm ái kiến trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng sanh, đối trong ba pháp Không, vô tướng, vô tác, tự điều phục mà không mệt mỏi nhàm chán, ấy gọi là có phương tiện tuệ mở. Không có phương tiện tuệ bị trói và có phương tiện tuệ mở, khác nhau chỗ nào? Nghĩa là cả hai đều tu ba môn giải thoát để trang nghiêm tịnh độ thành tựu chúng sanh, nhưng sở dĩ nói không có phương tiện tuệ bị trói vì còn tâm ái kiến, có phương tiện tuệ mở là không tâm ái kiến.
Như việc xây dựng một ngôi chùa, nếu người có ý muốn xây chùa cho thật đẹp, để làm nơi tu dưỡng an nhàn, nghĩ như vậy là có tâm ái kiến. Còn nếu cất chùa để nuôi chúng và có chỗ nơi hướng dẫn chúng cùng Phật tử tu hành, tiến tới chỗ giải thoát, mà không nghĩ cho riêng mình, đó là không tâm ái kiến. Phải hiểu rõ lời của Bồ-tát chỉ cho mình biết bệnh để tránh, mới mong được giải thoát và tiến lên Phật quả.
Sao gọi là không có tuệ phương tiện bị trói? Nghĩa là Bồ-tát trụ nơi các thứ phiền não tham dục, sân nhuế, tà kiến... mà gieo trồng các cội công đức, ấy gọi là không có tuệ phương tiện bị trói. Sao gọi là có tuệ phương tiện mở? Nghĩa là lìa các thứ phiền não tham dục, sân nhuế, tà kiến... mà gieo trồng các cội công đức, hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ấy gọi là có tuệ phương tiện mở. Bồ-tát làm lợi ích cho chúng sanh, làm mọi việc phước đức, thấy ai nghèo khổ, bệnh hoạn thì cứu giúp... làm đủ mọi việc mà động tới thì nổi sân đùng đùng, gặp duyên thì tâm tham dấy khởi. Cho nên làm việc công đức mà còn tham dục, sân nhuế, tà kiến... thì gọi là không có tuệ phương tiện bị trói. Còn Bồ-tát gieo trồng các cội công đức mà dứt lìa các phiền não tham dục, sân nhuế, tà kiến... rồi hướng về Phật đạo thì gọi là có tuệ phương tiện mở. Đó là được giải thoát.
Văn-thù-sư-lợi, những vị Bồ-tát có bệnh kia nên quán các pháp như thế. Lại nữa, quán thân vô thường, khổ, không, phi ngã, ấy gọi là tuệ. Tuy thân có bệnh mà thường ở trong sanh tử làm lợi ích cho tất cả chúng sanh không biết chán mỏi, ấy gọi là phương tiện. Lại nữa quán thân, thân chẳng lìa bệnh, bệnh chẳng lìa thân, bệnh ấy thân ấy không phải mới không phải cũ, ấy gọi là tuệ. Dù thân có bệnh mà không hằng diệt, ấy gọi là phương tiện.
Bồ-tát có bệnh dùng các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã của Phật dạy, quán chiếu tự thân, thấu suốt được lý này, gọi đó là trí tuệ của Bồ-tát. Tuy thân bệnh, biết nó tạm bợ hư dối vẫn ở trong sanh tử làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, không biết mệt mỏi. Đó gọi là Bồ-tát có phương tiện. Hàng Thanh văn cũng quán chiếu các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã như Bồ-tát, nhưng vào được cảnh giới Niết-bàn tịch tịnh rồi thích an trú trong đó. Vì thấy thân này tạm bợ, không có giá trị, nên muốn bỏ thân để nhập Niết-bàn, không phát tâm độ sanh. Nhị thừa và Bồ-tát khác nhau chỗ đó. Còn hàng phàm phu lầm chấp thân này là thật là quý, chết đi muốn sanh trở lại vì vậy mới trầm luân trong biển khổ sanh tử.
Ở đây nói Bồ-tát phải quán thân, thân không lìa bệnh, bệnh cũng không lìa thân, bệnh ấy thân ấy không phải mới không phải cũ, ấy gọi là tuệ. Tại sao? Chúng ta xét thân với bệnh, hai cái đó rời nhau không? Bệnh từ ngoài thân vào hay từ trong thân ra? Nếu bệnh không ngoài thân, tức thân không lìa bệnh, mà bệnh cũng không lìa thân. Nhưng bệnh và thân không phải mới cũng không phải cũ. Vừa phát bệnh thì nói là mới, còn bệnh năm xưa gọi là cũ, sao đây nói không phải mới không phải cũ? Như lời Phật đã dạy thân này là tứ đại hợp. Tứ đại hợp thì có chống trái nhau, mà chống trái là gốc bệnh. Cho nên có thân tứ đại là có bệnh liền, như vậy không phải mới. Gốc bệnh nằm sẵn trong thân, khi chưa đủ duyên nó chưa phát, gặp duyên mới phát, nên nói bệnh không phải là cũ. Thấy được như vậy gọi là có trí tuệ.
Vì thấy chúng sanh mê muội, thân giả tưởng là thật, khổ tưởng là vui... Bồ-tát biết thân này là gốc của bệnh, nhưng không nhập Niết-bàn, muốn còn thân để giáo hóa chúng sanh, ấy gọi là phương tiện của Bồ-tát.
Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát có bệnh nên như thế mà điều phục tâm kia, chẳng trụ ở trong ấy cũng lại chẳng trụ chẳng điều phục tâm. Vì cớ sao? Nếu trụ chẳng điều phục tâm, ấy là pháp của người ngu; còn nếu trụ ở điều phục tâm, ấy là pháp của Thanh văn. Vì thế Bồ-tát không nên trụ ở nơi điều phục và chẳng điều phục tâm, lìa hai pháp này, ấy gọi là hạnh Bồ-tát.
Bồ-tát có bệnh nên như thế mà tự điều phục tâm, nhưng chẳng trụ trong chỗ điều phục đó. Tại sao? Nếu Bồ-tát mãi lo điều phục tâm là rất tốt, nhưng cố chấp cho việc đó là cứu cánh rồi quên làm lợi ích cho chúng sanh, ấy là pháp của Thanh văn. Còn người chưa biết điều phục tâm, cứ chạy theo vọng tâm điên đảo, đó là pháp của người ngu. Pháp của Bồ-tát thì cao thượng hơn, lìa hai pháp của Thanh văn và người ngu. Các ngài tự điều phục tâm, nhưng không trụ trong ấy, mà vẫn làm lợi ích cho mọi người, ấy là hạnh của Bồ-tát.
Ở trong sanh tử không làm hạnh ô uế, trụ nơi Niết-bàn mà không hằng diệt độ, ấy là hạnh Bồ-tát. Sống trong sanh tử như chúng sanh mà không làm những hạnh ô uế như tham, sân, si, hay phá trai, phạm giới... Trụ Niết-bàn mà không hằng diệt độ là trụ ở tâm thanh tịnh không dấy động, hằng như như. Như vậy Bồ-tát tuy ở trong sanh tử mà tâm hằng được thanh tịnh như như. Tuy tâm hằng thanh tịnh như như mà không muốn nhập Niết-bàn vô sanh. Đó là hạnh của Bồ-tát.
Chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh hiền thánh, ấy là hạnh Bồ-tát. Người mê say rượu chè... đó là người xấu, thuộc hạng phàm phu. Người tu giữ giới thanh tịnh, biết rượu chè... là tội lỗi, tránh xa không bén mảng đến, đó là người tốt người hiền. Như vậy kẻ mê say, người xa lánh. Phàm phu ngồi quán rượu vì say rượu, mê rượu. Người hiền biết chỗ đó xấu nên tránh xa. Bồ-tát không phải vậy, không mê say rượu chè, nhưng có khi ngồi quán rượu để dạy người bỏ rượu, vì giáo hóa họ, đó là hạnh của Bồ-tát. Phải có đủ đạo lực mới dám làm việc này, đừng lấy cớ tu hạnh Bồ-tát rồi sớm la cà quán rượu, chiều lại đến thanh lâu, nói để giáo hóa người. Nhưng giáo hóa ai chưa biết mà mình ghiền trước, đó là đại tội. Bồ-tát tới những chỗ đó vì lòng từ bi chứ không phải như tâm phàm phu.
Chẳng phải hạnh cấu, chẳng phải hạnh tịnh, ấy là hạnh Bồ-tát. Tham lam, nóng giận v.v... đó là hạnh cấu, hạnh nhơ nhớp. Không tham lam, không nóng giận... là hạnh tịnh. Nhưng Bồ-tát thì không phải thế, các ngài vì thương nên cũng có khi la rầy, đánh đập để răn sửa những chúng sanh ngoan cố. Những hành động này bên ngoài thấy như là hạnh cấu, nhưng làm vì tâm từ chứ không phải vì tham sân. La rầy đánh đập sao gọi là tịnh được! Cho nên không phải là hạnh tịnh cũng không phải hạnh cấu, ấy là hạnh Bồ-tát. Thật ra hạnh Bồ-tát là hạnh không thể lường được, phàm phu khó thấy, khó biết. Chúng ta luôn thấy có hai bên, nhìn một cách cạn cợt. Thấy ai xấu thì chê, ai tốt thì khen.
Còn việc làm của Bồ-tát, có khi thấy như xấu mà tâm không phải xấu. Thật không thể nghĩ bàn!
Tuy vượt qua hạnh của ma mà hiện hàng phục chúng ma, ấy là hạnh Bồ-tát. Bồ-tát không bị nghiệp chướng sanh trong các loài ma vương hay quỷ thần. Nhưng các ngài không tránh xa chúng, mà đôi khi phải thị hiện sống chung và làm những việc của ma để hàng phục chúng.
Cầu nhất thiết trí, không cầu phi thời, ấy là hạnh Bồ-tát. Nhất thiết trí là trí biết tất cả. Hàng Thanh văn thì được Nhất thiết trí, còn Phật thì gọi là Nhất thiết chủng trí. Bồ-tát cầu Nhất thiết trí để biết tất cả tâm địa và các pháp vì muốn làm lợi ích chúng sanh, chứ không phải cầu an trụ Niết-bàn để thoát ly sanh tử cho bản thân mình. Vì vậy mà nói không cầu phi thời. Đó là hạnh của Bồ-tát.
Tuy quán các pháp chẳng sanh mà chẳng nhập chánh vị, ấy là hạnh Bồ-tát. Nghĩa là quán thấy các pháp không thật tánh, do duyên hợp tự tánh là không. Tự tánh không thì duyên hợp gọi là sanh, duyên ly tán gọi là diệt. Cái sanh diệt đó không thật nên nói các pháp chẳng sanh. Thấy không sanh mà không nhập chánh vị. Chánh vị là chỉ cho Niết-bàn vô sanh. Tuy thấy các pháp không sanh mà không nhập chỗ không sanh. Đó là hạnh của Bồ-tát.
Tuy quán mười hai nhân duyên khởi, mà vào các tà kiến, ấy là hạnh Bồ-tát. Pháp duyên khởi là pháp trọng yếu Phật đã dạy cho hàng Thanh văn, Bồ-tát và tất cả chúng đệ tử. Thấy các pháp do duyên sanh là thấy đúng chân lý, thấy đúng lẽ thật. Còn nếu thấy có không phải quấy là thật, đó là tà kiến. Bồ-tát lúc nào cũng thấy rõ các pháp là duyên khởi, nhưng với chúng sanh phải dạy họ bỏ ác làm lành. Điều ác điều thiện là duyên hợp không thật, nhưng vẫn nói nó thật để khuyên người tránh ác, bảo người làm lành. Như vậy có tà kiến không?
Chúng ta phải hiểu cho thật rõ, nhiều khi chỉ nhìn một chiều, thấy cái gì cũng duyên khởi tánh không, nói gì cũng không, không hết. Những người mới vào đạo, nghe nói các pháp không thật, họ không biết phải tu như thế nào. Thế nên với những người này phải chỉ thẳng: đây là tội nếu tạo sẽ bị đọa địa ngục, đây là phước nếu tu thì sanh thiên. Nói khẳng định như vậy giống tà kiến, nhưng đó là hạnh Bồ-tát vì làm lợi ích cho chúng sanh, chứ không nói theo cái thấy riêng của mình.
Tuy nhiếp phục tất cả chúng sanh mà không ái trước, ấy là hạnh Bồ-tát. Tuy ưa xa lìa mà không hoàn toàn y nơi diệt thân tâm, ấy là hạnh Bồ-tát. Bồ-tát thương cái mê lầm của chúng sanh nên nhiếp phục, giáo hóa họ, chứ không phải vì tình cảm ái nhiễm, đó là hạnh Bồ-tát. Bồ-tát tuy ưa xa lìa mà không hoàn toàn y nơi thân tâm. Các ngài thấy thân nhớp nhúa, tạm bợ không thật, nên không đắm trước thân này cảnh này. Biết thân là gốc khổ, biết cảnh là hư giả, nhưng vì lòng đại bi, muốn giáo hóa mọi người cùng thấy cùng hiểu như mình, nên không đoạn dứt thân tâm, vẫn tiếp tục tái sanh. Tuy không yêu thân, nhưng phải nhờ nó để cứu độ chúng sanh. Đó là hạnh Bồ-tát.
Tuy đi trong tam giới mà không hoại pháp tánh, ấy là hạnh Bồ-tát. Pháp tánh là thể tánh của các pháp. Thể tánh các pháp là không. Như cái nhà không có thực thể cái nhà, cái chuông không có thực thể cái chuông, cái mõ không có thực thể cái mõ... Tất cả đều là tướng hư dối không có thực thể. Dục giới không có thực thể thì Sắc giới, Vô sắc giới cũng không có thực thể. Các ngài tuy qua lại trong tam giới hành hạnh Bồ-tát mà không hoại pháp tánh, chứ không phải như chúng ta đi trong tam giới rồi mê đắm, tới đâu tưởng thật tới đó.
Tuy hành nơi Không mà gieo trồng các cội công đức, ấy là hạnh Bồ-tát. Có người mới học đạo, nghe nói các pháp do duyên hợp tánh không, tội phước cũng không thật v.v... thì nói đâu cần phải làm phước, rồi tha hồ sống buông thả. Tuy biết rõ các pháp tự tánh không, nhưng vẫn không quên làm mọi việc công đức, đó là hạnh của Bồ-tát. Nhiều khi chúng ta học hiểu chưa thấu đáo, làm chướng ngại việc lành. Đức Phật công đức vô lượng mà còn bòn mót từng chút phước như việc xỏ kim, còn chúng ta phước đức kém mà nhiều khi thấy việc lành không muốn làm. Thấy huynh đệ làm việc nặng nhọc, nhờ phụ giúp thì ngó lơ, thật là quá dở. Thế nên nói, tuy hành nơi Không mà gieo trồng các cội công đức, ấy là hạnh Bồ-tát.
Tuy hành vô tướng mà độ chúng sanh, ấy là hạnh Bồ-tát. Hành vô tướng tức là thấy tất cả pháp không có tướng thật. Như cái đồng hồ, phàm phu cho là thật, thấy đẹp thấy xấu. Duyên giác thì thấy đồng hồ chỉ do các bộ phận ráp lại tạm gọi là đồng hồ, tìm thật thể đồng hồ không có. Như cái nhà có nhiều hình tướng khác nhau, chẳng qua chỉ do một mớ duyên ráp lại, chỉ là giả tướng, tạm gọi là nhà. Vậy tất cả pháp không có tướng thật thì chúng sanh đâu có thật. Chúng sanh không thật, khổ vui cũng không thật, thì họ khổ mặc kệ, cứu độ làm chi! Đó chưa phải là tâm niệm của Bồ-tát. Tuy không có tướng thật mà luôn luôn cứu độ chúng sanh, làm lợi ích cho chúng sanh mới là hạnh Bồ-tát.
Tuy hành Vô tác mà hiện thọ thân, ấy là hạnh Bồ-tát. Bồ-tát không còn nghiệp dẫn đi trong sanh tử, nhưng luôn nguyện hiện thân trong tam giới để giáo hóa chúng sanh, đó là hạnh của Bồ-tát. Còn chúng ta tu, mỗi ngày nhận lãnh sự cúng dường của đàn-na thí chủ, mà chỉ mong cho hết nghiệp để được giải thoát còn thiên hạ ai sao mặc kệ, như vậy có tàn nhẫn không? Chúng ta phải có tâm niệm cao thượng của Bồ-tát để thấy rõ việc cần phải làm, chứ nhiều khi chỗ tu của mình không khéo biến thành ích kỷ, nhận của người mà cứ lo phần mình. Có phải là trốn nợ không? Hiểu cho rõ mới thấy Bồ-tát hết nghiệp rồi nhưng vẫn hiện thọ thân. Chúng ta tu phải dừng được nghiệp sanh tử của thân khẩu ý, nhưng vẫn nguyện tiếp tục sanh trong cõi Ta-bà hay trong tam giới để giáo hóa chúng sanh.
Tuy hành vô khởi mà khởi tất cả hạnh lành, ấy là hạnh Bồ-tát. Tất cả pháp không có thật tướng thì cái gì sanh, cái gì diệt? Sanh tức là khởi. Tuy thấy các pháp không sanh không diệt mà luôn luôn khởi tất cả hạnh lành để làm lợi ích chúng sanh. Đó là hạnh Bồ-tát.
Tuy hành lục ba-la-mật mà khắp biết tâm vương tâm sở của chúng sanh, ấy là hạnh Bồ-tát. Bồ-tát hành sáu pháp ba-la-mật để đạt đến bờ giải thoát, nhưng không an trú ở Niết-bàn mà phải biết được tâm niệm, tâm vương, tâm sở, tâm thiện, tâm ác của chúng sanh, tùy theo đó dùng phương tiện giáo hóa họ. Đó là hạnh Bồ-tát.
Tuy hành lục thông mà không có tận lậu, ấy là hạnh Bồ-tát. Lục thông là Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Túc mạng thông, Tha tâm thông, Thần túc thông và Lậu tận thông. Bồ-tát tuy tu đủ lục thông, nhưng còn giữ chút phiền não để trở lại trong tam giới độ sanh, vì khi các nghiệp đã sạch gọi là lậu tận. Đó là hạnh Bồ-tát.
Tuy hành tứ vô lượng tâm mà không tham trước sanh ở cõi trời Phạm thiên, ấy là hạnh Bồ-tát. Người tu bốn hạnh từ bi hỷ xả viên mãn, được sanh về cõi trời Phạm thiên. Bồ-tát cũng tu bốn hạnh này nhưng mục đích không phải để sanh về cõi trời. Ấy là hạnh Bồ-tát.
Tuy hành thiền định giải thoát tam-muội mà không sanh theo cõi Thiền, ấy là hạnh Bồ-tát. Đối với các tầng thiền từ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, cho tới Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi phi tưởng xứ, tất cả những tam-muội trên Bồ-tát đã trải qua, nhưng các ngài không cho là cứu cánh. Thí dụ người được định Sơ thiền chết sanh về Sơ thiền thiên, người được định Tứ thiền chết sanh về Tứ thiền thiên... Còn các ngài tuy đã qua các tầng thiền nhưng không chịu sanh về trong các cõi đó, mà trở lại Ta-bà giáo hóa chúng sanh. Ấy là hạnh Bồ-tát.
Tuy hành tứ niệm xứ mà không hằng lìa thân thọ tâm pháp, ấy là hạnh Bồ-tát. Tứ niệm xứ là quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Tu bốn pháp quán này thành công thì vĩnh viễn lìa thân, không còn bị sanh trở lại nữa. Nhưng các ngài tuy tu bốn pháp quán đó mà không vĩnh viễn lìa thân thọ tâm pháp, để trở lại giáo hóa chúng sanh. Ấy là hạnh Bồ-tát.
Tuy hành tứ chánh cần mà không xả thân tâm tinh tấn, ấy là hạnh Bồ-tát. Tứ chánh cần là điều ác chưa sanh thì ngăn đừng cho phát sanh, điều ác đã sanh thì phải cố gắng diệt trừ, điều thiện chưa sanh thì làm cho phát sanh, điều thiện đã sanh thì phải tạo điều kiện cho tăng trưởng. Bồ-tát tu tứ chánh cần, thân tâm vẫn luôn luôn tinh tấn không dừng. Ấy gọi là hạnh Bồ-tát.
Tuy hành tứ như ý túc mà được tự tại thần thông, ấy là hạnh Bồ-tát. Tứ như ý túc là dục như ý túc, tinh tấn như ý túc, niệm như ý túc, nhất tâm như ý túc hay là định như ý túc. Hàng Thanh văn tu bốn pháp này thì được đầy đủ bốn như ý túc. Bồ-tát tuy thực hành bốn pháp đó không những được như ý túc mà còn được thần thông tự tại. Đó là hạnh của Bồ-tát.
Tuy hành ngũ căn mà phân biệt các căn lợi độn của chúng sanh, ấy là hạnh Bồ-tát. Khi tu ngũ căn chủ yếu là để biết căn cơ của chúng sanh lợi độn thế nào để tìm cách giáo hóa họ. Đó là hạnh Bồ-tát.
Tuy hành ngũ lực mà ưa cầu thập lực của Phật, ấy là hạnh Bồ-tát. Hạnh Thanh văn thì tu ngũ lực, Bồ-tát thì không dừng ngang đó mà mong cầu được thập lực của Phật mới thôi. Đó là hạnh Bồ-tát.
Tuy hành thất giác phần mà phân biệt trí tuệ Phật, ấy là hạnh Bồ-tát. Thất giác phần hay thất Bồ-đề phần là bảy phần giác ngộ của Thanh văn. Ở đây Bồ-tát cũng tu bảy phần giác ngộ này nhưng chỉ cầu được trí tuệ Phật chứ không phải trí tuệ Thanh văn. Đó là hạnh Bồ-tát.
Tuy hành bát chánh đạo mà ưa hành vô lượng Phật đạo, ấy là hạnh Bồ-tát. Tu bát chánh đạo là để diệt trừ tâm bệnh. Ở đây Bồ-tát tu bát chánh đạo nhưng nguyện hành vô lượng Phật đạo. Đó là hạnh Bồ-tát.
Tuy hành pháp chỉ quán trợ đạo mà cứu cánh không rơi vào tịch diệt, ấy là hạnh Bồ-tát. Tu chỉ quán để tâm tĩnh lặng. Tâm lặng là tiến tới chỗ tịch diệt. Bồ-tát cũng tu chỉ tu quán, dùng pháp này làm pháp trợ đạo, nhưng các ngài không an trú chỗ tịch diệt. Đó là hạnh Bồ-tát.
Tuy hành các pháp chẳng sanh chẳng diệt mà dùng tướng hảo trang nghiêm thân kia, ấy là hạnh Bồ-tát. Bồ-tát biết thực thể các pháp không sanh không diệt mà luôn tu các hạnh tướng hảo để trang nghiêm thân. Tại sao? Đã biết các pháp không sanh không diệt thì thân này đâu có thật, sao lại tu các tướng hảo? Như Kinh nói đức Phật được tướng lưỡi rộng dài là do nhiều đời ngài tu hạnh không nói dối, được trái tai dài là do nhiều đời tu hạnh không giết hại chúng sanh. Như vậy mỗi một hạnh tu là được một tướng tốt. Bồ-tát biết các tướng không thật, không sanh diệt, nhưng vì thương chúng sanh nên tu những hạnh lành để làm lợi ích cho họ chứ không phải vì mình. Đó là hạnh của Bồ-tát.
Tuy hiện oai nghi Thanh văn Bích-chi Phật mà không xả Phật pháp, ấy là hạnh Bồ-tát. Có khi các ngài thị hiện như những vị Thanh văn hay Bích-chi Phật, cũng đi khất thực, giữ giới thanh tịnh. Nhưng không xả Phật pháp, luôn lấy Phật đạo làm gốc, chứ không kẹt trong pháp Thanh văn Bích-chi Phật. Đó là hạnh Bồ-tát.
Tuy tùy tướng thanh tịnh cứu cánh của các pháp mà tùy sở ứng để hiện thân kia, ấy là hạnh Bồ-tát. Tướng của các pháp không thêm không bớt, không nhơ không sạch, nên cứu cánh là thanh tịnh. Tuy các pháp cứu cánh thanh tịnh nhưng Bồ-tát tùy chỗ lợi ích chúng sanh, có khi hiện thân nhơ nhớp, có khi hiện thân tốt đẹp để giáo hóa họ. Đó là hạnh Bồ-tát.
Tuy quán cõi nước chư Phật hằng tịch như không mà hiện các cõi Phật thanh tịnh, ấy là hạnh Bồ-tát. Kinh Kim Cang, Phật dạy: Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nghĩa là phàm cái gì có tướng đều là hư dối. Nếu là một cõi nước thì phải có tướng, như vậy tất cả cõi Phật hiện ra có tướng thì cõi nào cũng là hư dối. Bồ-tát tuy quán các cõi Phật là tịch diệt, là không, nhưng luôn luôn hiện ra các cõi Phật thanh tịnh để giáo hóa, khiến chúng sanh phát tâm hướng về. Như vậy trên lý nói đến chỗ tột cùng mà trên sự vẫn làm đầy đủ các việc lợi ích cho chúng sanh. Đó là hạnh Bồ-tát.
Tuy được Phật đạo chuyển pháp luân vào Niết-bàn mà không bỏ đạo Bồ-tát, ấy là hạnh Bồ-tát. Bồ-tát tu công đức viên mãn thành Phật, đầy đủ phẩm hạnh giáo hóa chúng sanh, lý đáng nhập Niết-bàn mà vẫn giữ bản nguyện của mình để tiếp tục độ sanh. Đó là hạnh Bồ-tát.
Chúng ta tu chỉ mơ ước được thành Phật, muốn an trú Niết-bàn, chứ không nghĩ đến nỗi khổ của chúng sanh, để phát tâm trở lại tam giới cứu độ họ. Con người sanh ra, ai cũng có cha mẹ anh em, thân bằng quyến thuộc. Từ thuở bé đến lớn khôn, kể sao cho hết công lao nuôi dưỡng của gia đình. Vào chùa được an ổn tu hành là nhờ sự giúp đỡ của đàn-na tín thí... Nợ của chúng ta nhiều biết là dường nào? Thế mà tu chỉ muốn thành Phật chứ không nghĩ đến ơn nghĩa của mọi người. Tuy phải có nguyện thành Phật nhưng không bao giờ quên độ sanh. Bồ-tát đối với chúng sanh thật đủ tình đủ nghĩa, không bỏ ai hết. Chúng ta phải học theo gương các ngài, phải thấy chúng sanh với ta ân nghĩa rõ ràng. Mình được tỉnh phải nhớ tới người mê, nên đâu thể nhập Niết-bàn, đó là hạnh Bồ-tát.
Khi nói lời ấy rồi, đại chúng đi theo ngài Văn-thù-sư-lợi, trong đó tám ngàn vị thiên tử đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Sau khi nghe cư sĩ Duy-ma-cật nói, tám ngàn vị thiên tử đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Chúng ta tu, muốn đạt đến chỗ cứu cánh thành Phật thì phải phát tâm Bồ-tát. Phát tâm Bồ-tát thì phải nguyện độ chúng sanh. Muốn độ chúng sanh thì phải mở trói cho mình trước, rồi mới mở cho người. Mình chưa mở mà đòi mở cho người, đó chỉ là nói suông, nói không thật. Người tu chân chánh, hiểu đạo thì phải sống đúng như thật. Nghĩa là giải thoát cho mình và nguyện làm lợi ích cho chúng sanh, không chỉ một đời mà mãi mãi. Chừng nào hết chúng sanh mới trả hết nợ. Mong tất cả cố gắng.
 

 

[ Quay lại ]