headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 21/04/2024 - Ngày 13 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH DUY MA CẬT:X- PHẨM PHẬT HƯƠNG TÍCH

coiphathuongtichHT. Thích Thanh Từ giảng

Cõi Phật Hương Tích là cõi Phật do chứa nhóm mùi hương mà làm Phật sự. Đức Phật Hương Tích dùng mùi hương, tức hương trần để giáo hóa, còn đức Phật Thích-ca ở cõi Ta-bà dùng âm thanh, tức thanh trần để giáo hóa. Như vậy thanh trần và hương trần đều làm Phật sự được, không nhất định, tùy theo duyên của chúng sanh ở mỗi cõi. Khi hiểu được tên mỗi phẩm là chúng ta biết được trọng tâm của phẩm đó.

Chánh văn:

Khi ấy ngài Xá-lợi-phất khởi nghĩ: "Gần đến giờ Ngọ, các vị Bồ-tát đây sẽ lấy gì ăn?" Bấy giờ ông Duy-ma-cật biết ý ngài Xá-lợi-phất mà nói rằng:
- Phật nói có tám món giải thoát, nhân giả đã vâng làm thì đâu có xen tạp tâm muốn ăn mà nghe pháp ư? Nếu muốn ăn hãy đợi trong chốc lát, tôi sẽ khiến các ngài được các thức ăn chưa từng có.

 Lúc ấy ông Duy-ma-cật liền nhập chánh định, dùng sức thần thông thị hiện cho đại chúng thấy ở cõi nước phương trên, trải qua bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật có nước tên là Chúng Hương, đức Phật hiệu là Hương Tích, hiện nay vẫn còn ở nơi đó. Mùi hương của nước ấy so với mùi hương của mười phương thế giới chư Phật, cõi trời cõi người, rất là bậc nhất. Cõi nước Chúng Hương đó không có danh từ Thanh văn, Bích-chi Phật, chỉ có chúng đại Bồ-tát thanh tịnh, Phật vì họ nói pháp. Thế giới kia tất cả đều dùng hương để làm lầu gác, kinh hành trên đất hương, vườn cây đều là hương, khi ăn cơm mùi hương bay khắp mười phương vô lượng thế giới. Khi ấy đức Phật kia cùng với các vị Bồ-tát đang ngồi ăn, có các vị thiên tử đồng hiệu là Hương Nghiêm, thảy đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cúng dường đức Phật kia và các vị Bồ-tát, đại chúng đây đều thấy rõ ràng.

Bấy giờ ông Duy-ma-cật hỏi chúng Bồ-tát:

- Các nhân giả, ai có thể đến cõi Phật kia để xin cơm?

Do sức oai thần của ngài Văn-thù-sư-lợi, thảy đều làm thinh. Ông Duy-ma-cật nói:

- Các nhân giả trong đại chúng đây, không biết hổ thẹn sao?

Ngài Văn-thù nói:

- Như lời Phật dạy, chớ khinh người chưa học.


Khi ấy ông Duy-ma-cật ngồi yên tại chỗ, ở trước hội chúng hóa ra làm một vị Bồ-tát tướng đẹp trang nghiêm sáng rỡ, oai đức thù thắng che lấp cả hội chúng. Ông bảo vị hóa Bồ-tát đó rằng:

- Ông đi đến thế giới phương trên, qua bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật, có một nước tên là Chúng Hương, đức Phật hiệu là Hương Tích cùng với các vị Bồ-tát đang ngồi ăn. Ông đến chỗ kia, như lời tôi dặn mà nói: "Ông Duy-ma-cật cúi đầu đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, rất cung kính vô lượng, thưa hỏi ngài ở yên, ít bệnh ít não, khí lực an ổn chăng? Cúi mong được Thế Tôn cho phần dư cơm của ngài, đem về thế giới Ta-bà để làm Phật sự, khiến những người ưa pháp nhỏ này được mở rộng đạo lớn, cũng khiến tiếng tăm của Như Lai khắp nơi đều biết đều nghe."

Bấy giờ hóa Bồ-tát ở trước hội chúng thăng lên phương trên, cả chúng đều trông thấy hóa Bồ-tát đến thế giới Chúng Hương, lễ dưới chân đức Phật Hương Tích, lại nghe vị hóa Bồ-tát nói:

- Ông Duy-ma-cật cúi đầu đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, rất cung kính vô lượng, thăm hỏi ở yên, ít bệnh ít não, khí lực có được bình an chăng? Cúi mong được phần cơm dư của Thế Tôn, muốn đem về thế giới Ta-bà để làm Phật sự, khiến những người ưa pháp nhỏ này được mở rộng đạo lớn, cùng khiến tiếng tăm của Như Lai khắp nơi đều nghe biết.

Các Bồ-tát kia thấy vị hóa Bồ-tát này, khen ngợi chưa từng có, liền hỏi đức Phật:

- Nay thượng nhân này từ chỗ nào đến? Thế giới Ta-bà là ở đâu? Vì sao gọi là người ưa pháp nhỏ?

Đức Phật bảo rằng:

- Ở phương dưới qua bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật, có thế giới tên Ta-bà, Phật hiệu Thích-ca-mâu-ni, hiện nay ở trong đời ác ngũ trược vì chúng sanh ưa pháp nhỏ mà diễn bày đạo giáo. Ở cõi đó có Bồ-tát tên Duy-ma-cật trụ Bất khả tư nghì giải thoát, vì những vị Bồ-tát nói pháp nên sai vị hóa Bồ-tát đến đây, khen ngợi danh hiệu của ta cùng tán thán cõi này, khiến cho những vị Bồ-tát kia được tăng trưởng công đức.

Những vị Bồ-tát cõi nước Chúng Hương thưa rằng:

- Vị đó như thế nào mà biến được vị hóa Bồ-tát đức lực vô úy, thần túc dường này?
Phật nói:
- Rất lớn! Tất cả mười phương ông đều có thể sai hóa Bồ-tát đến, để làm những Phật sự lợi ích cho chúng sanh.
Khi ấy đức Như Lai Hương Tích lấy bát Chúng Hương chứa đầy một bát cơm thơm cho vị hóa Bồ-tát. Bấy giờ chín trăm muôn vị Bồ-tát đều lên tiếng thưa rằng:

- Chúng con muốn đến thế giới Ta-bà cúng dường đức Phật Thích-ca-mâu-ni, và muốn thấy ông Duy-ma-cật cùng các chúng Bồ-tát.

 Phật bảo:

- Nên đi. Nhưng phải nhiếp mùi hương ở thân các ông, không để những chúng sanh kia khởi tâm đắm trước. Lại phải xả thân cũ của các ông, chớ khiến những vị cầu Bồ-tát ở cõi Ta-bà tự thấy hổ thẹn. Lại các ông đến đó chớ đem lòng khinh chê mà khởi tưởng ngại. Vì cớ sao? Vì mười phương cõi nước đều như hư không. Lại chư Phật vì muốn giáo hóa những người ưa pháp nhỏ, nên không hiện hết cõi nước thanh tịnh kia.

Khi ấy hóa Bồ-tát nhận được bát cơm, cùng với chín trăm muôn vị Bồ-tát đồng nương oai thần của Phật và sức của ông Duy-ma-cật, ở thế giới kia bỗng dưng biến mất, trong khoảng chốc lát đến thất ông Duy-ma-cật.

Lúc đó ông Duy-ma-cật liền hóa chín trăm muôn tòa sư tử trang nghiêm tốt đẹp như trước, các vị Bồ-tát đều ngồi trên tòa kia. Rồi vị hóa Bồ-tát đem bát cơm thơm đầy dâng cho ông Duy-ma-cật, hương thơm của cơm bay khắp thành Tỳ-da-ly và cả tam thiên đại thiên thế giới.

Khi ấy ở thành Tỳ-da-ly, những vị Bà-la-môn, cư sĩ... ngửi được mùi thơm này, thân ý rất thích thú, khen ngợi chưa từng có! Lúc ấy ông trưởng giả chủ là Nguyệt Cái cùng với tám muôn bốn ngàn người đi đến thất ông Duy-ma-cật, thấy trong thất này rất nhiều Bồ-tát, các tòa sư tử cao rộng đẹp đẽ, đều rất hoan hỷ, lễ chúng Bồ-tát và đại đệ tử, đứng lui qua một bên. Các vị địa thần, hư không thần và chư thiên ở Dục giới, Sắc giới ngửi được mùi hương này cũng đều đến, vào thất cư sĩ Duy-ma-cật.

Bấy giờ cư sĩ Duy-ma-cật nói với ngài Xá-lợi-phất cùng các vị đại Thanh văn:

- Nhân giả có thể dùng, cơm vị cam lồ của Như Lai do tâm đại bi huân tập, không nên dùng ý giới hạn mà ăn cơm đó, khiến nó không tiêu.

 Có các vị Thanh văn khác nghĩ: "Cơm này ít mà đại chúng đây mỗi người đều ăn làm sao no?" Hóa Bồ-tát nói:

 - Chớ dùng đức nhỏ trí nhỏ của Thanh văn mà so lường với phước đức trí tuệ vô lượng của Như Lai! Nước bốn biển có thể khô cạn, cơm này không thể hết! Giả sử tất cả người ăn, nắm cơm bằng núi Tu-di, cho đến một kiếp vẫn không thể hết. Vì cớ sao? Vì là thức ăn dư của bậc đầy đủ công đức vô tận giới, định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, trọn không thể hết.

 Lúc đó cả hội chúng đều ăn no mà bát cơm vẫn như cũ không hết. Những vị Bồ-tát kia, Thanh văn, chư thiên, người ăn cơm này rồi, thân an ổn vui vẻ, ví như chư Bồ-tát ở cõi nước Nhất Thiết Lạc

 Trang Nghiêm vậy. Lại các lỗ chân lông đều toát ra mùi hương vi diệu, cũng như mùi thơm của các cây ở cõi nước Chúng Hương.

 Khi ấy ông Duy-ma-cật hỏi Bồ-tát ở cõi Chúng Hương:

 - Đức Như Lai Hương Tích dùng cái gì để nói pháp?

 Bồ-tát kia đáp:

 - Như Lai ở cõi nước tôi không dùng văn tự nói, chỉ dùng các mùi hương khiến cho trời người được vào luật hạnh. Các vị Bồ-tát ngồi dưới cội cây hương, ngửi được mùi hương vi diệu kia liền được tam-muội Nhất thiết đức tạng. Được tam-muội này thảy đều có đầy đủ công đức của Bồ-tát.

Các vị Bồ-tát kia hỏi ông Duy-ma-cật:

 - Nay Thế Tôn Thích-ca-mâu-ni dùng cái gì để nói pháp?

 Ông Duy-ma-cật nói:

 - Cõi này chúng sanh cang cường khó giáo hóa, thế nên Phật nói những lời cang cường để điều phục họ. Nói đây là địa ngục, đây là súc sanh, đây là ngạ quỷ, đây là chỗ các nạn, đây là chỗ người ngu sanh. Đây là thân tà hạnh, đây là quả báo thân tà hạnh. Đây là khẩu tà hạnh, đây là quả báo khẩu tà hạnh. Đây là ý tà hạnh, đây là quả báo ý tà hạnh.

 Đây là sát sanh, đây là quả báo sát sanh. Đây là trộm cắp, đây là quả báo trộm cắp. Đây là tà dâm, đây là quả báo tà dâm. Đây là vọng ngữ, đây là quả báo vọng ngữ. Đây là lưỡng thiệt, đây là quả báo lưỡng thiệt. Đây là ác khẩu, đây là quả báo ác khẩu. Đây là lời nói vô nghĩa, đây là quả báo lời nói vô nghĩa. Đây là tham lam tật đố, đây là quả báo tham lam tật đố. Đây là sân não, đây là quả báo sân não. Đây là tà kiến, đây là quả báo tà kiến.

 Đây là xan tham, đây là quả báo xan tham. Đây là hủy giới, đây là quả báo hủy giới. Đây là nóng giận, đây là quả báo nóng giận. Đây là lười biếng, đây là quả báo lười biếng. Đây là ý loạn, đây là quả báo ý loạn. Đây là ngu si, đây là quả báo ngu si.

 Đây là kiết giới, đây là trì giới, đây là phạm giới. Đây là nên làm, đây là không nên làm. Đây là chướng ngại, đây là không chướng ngại. Đây là mắc tội, đây là lìa tội. Đây là tịnh, đây là cấu. Đây là hữu lậu, đây là vô lậu. Đây là tà đạo, đây là chánh đạo. Đây là hữu vi, đây là vô vi. Đây là thế gian, đây là Niết-bàn...

 Do người khó giáo hóa, tâm như khỉ vượn, nên dùng bao nhiêu thứ pháp để chế ngự tâm kia, mới có thể điều phục được. Ví như voi ngựa hung dữ khó điều phục, phải thêm những hình phạt đau thấu xương, rồi sau mới điều phục được. Như thế chúng sanh cang cường khó giáo hóa này, nên phải dùng tất cả những lời thống khổ, mới có thể vào được luật nghi.

 Những vị Bồ-tát kia nghe lời ấy rồi, đều nói:

 - Thật chưa từng có! Đức Phật Thích-ca-mâu-ni Thế Tôn ẩn sức vô lượng tự tại của ngài, mới đem pháp người nghèo ưa thích mà độ thoát chúng sanh. Các vị Bồ-tát ở đây cũng chịu nhọc nhằn mà không khoe công, do vô lượng đại bi mà sanh ở cõi Phật này.

 Ông Duy-ma-cật nói:

 - Bồ-tát ở cõi này đối với các chúng sanh, tâm đại bi kiên cố thật như lời các ngài nói. Song một đời làm lợi ích chúng sanh ở cõi Ta-bà, nhiều hơn cõi khác trăm ngàn kiếp. Vì cớ sao? Vì thế giới Ta-bà này có mười pháp lành, những cõi tịnh khác thì không thể có. Những gì là mười? 1- Dùng bố thí nhiếp độ bần cùng. 2- Dùng tịnh giới nhiếp độ phá giới. 3- Dùng nhẫn nhục nhiếp độ sân nhuế. 4- Dùng tinh tấn nhiếp độ giải đãi. 5- Dùng thiền định nhiếp độ loạn ý. 6- Dùng trí tuệ nhiếp độ ngu si. 7- Nói pháp trừ nạn để người qua khỏi tám nạn. 8- Dùng pháp Đại thừa độ người ưa pháp Tiểu thừa. 9- Dùng các căn lành giúp người không có đức. 10- Thường dùng Tứ nhiếp pháp để thành tựu chúng sanh. Ấy là mười pháp lành.

 Những vị Bồ-tát kia hỏi:

 - Bồ-tát thành tựu bao nhiêu pháp ở thế giới này hạïnh không thương tổn, được sanh cõi Phật thanh tịnh.

 Ông Duy-ma-cật nói:

 - Bồ-tát thành tựu tám pháp ở thế giới này, hạnh không thương tổn, được sanh cõi Phật thanh tịnh.

 Những gì là tám pháp? 1- Làm lợi ích chúng sanh mà không mong đền đáp. 2- Thay tất cả chúng sanh chịu những khổ não, tạo các công đức đều thí cho họ. 3- Tâm bình đẳng đối với chúng sanh, khiêm hạ không ngại. 4- Đối với Bồ-tát xem như Phật. 5- Những kinh chưa nghe, nghe không nghi. 6- Không cùng với hàng Thanh văn mà chẳng trái nhau. 7- Chẳng tật đố người kia được cúng dường, không tự cao khi được lợi, ở trong đó mà điều phục tâm mình. 8- Thường xét lỗi mình, không bàn nói điều xấu của người. Thường dùng nhất tâm, cầu các công đức. Ấy là tám pháp.

 Ông Duy-ma-cật và Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi ở trong đại chúng khi nói pháp này rồi, thì trăm ngàn trời người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mười ngàn vị Bồ-tát được vô sanh pháp nhẫn.

 Giảng:

Khi ấy ngài Xá-lợi-phất khởi nghĩ: "Gần đến giờ Ngọ, các vị Bồ-tát đây sẽ lấy gì ăn?" Bấy giờ ông Duy-ma-cật biết ý ngài Xá-lợi-phất mà nói rằng:

- Phật nói có tám món giải thoát, nhân giả đã vâng làm thì đâu có xen tạp tâm muốn ăn mà nghe pháp ư? Nếu muốn ăn hãy đợi trong chốc lát, tôi sẽ khiến các ngài được các thức ăn chưa từng có.

 Gần đến giờ thọ trai, các vị Bồ-tát vẫn ngồi nghe pháp, nên tôn giả Xá-lợi-phất khởi nghĩ, đệ tử Phật chỉ ăn ngọ mà chư Bồ-tát chưa có gì để ăn. Cư sĩ Duy-ma-cật biết được ý này mới quở: Các vị Thanh văn tu lấy bát giải thoát làm gốc, tâm thanh tịnh không khởi niệm. Tại sao đang nghe pháp lại nghĩ đến thức ăn? Như vậy là trái với đạo lý rồi. Nói như thế nhưng ông vẫn chuẩn bị.

 Lúc ấy ông Duy-ma-cật liền nhập chánh định, dùng sức thần thông thị hiện cho đại chúng thấy ở cõi nước phương trên, trải qua bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật có nước tên là Chúng Hương, đức Phật hiệu là Hương Tích, hiện nay vẫn còn ở nơi đó. Mùi hương của nước ấy so với mùi hương của mười phương thế giới chư Phật, cõi trời cõi người, rất là bậc nhất. Cõi nước Chúng Hương đó không có danh từ Thanh văn, Bích-chi Phật, chỉ có chúng đại Bồ-tát thanh tịnh, Phật vì họ nói pháp. Thế giới kia tất cả đều dùng hương để làm lầu gác, kinh hành trên đất hương, vườn cây đều là hương, khi ăn cơm mùi hương bay khắp mười phương vô lượng thế giới. Khi ấy đức Phật kia cùng với các vị Bồ-tát đang ngồi ăn, có các vị thiên tử đồng hiệu là Hương Nghiêm, thảy đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cúng dường đức Phật kia và các vị Bồ-tát, đại chúng đây đều thấy rõ ràng.

 Cư sĩ Duy-ma-cật liền nhập chánh định, dùng sức thần thông thị hiện cho đại chúng thấy cảnh và Phật sự ở cõi Chúng Hương, do đức Phật Hương Tích giáo hóa. Dân ở cõi này chỉ có hàng Bồ-tát, không có Thanh văn,

 Bích-chi, huống là hạng phàm phu như chúng ta. Mùi hương cõi nước Chúng Hương so với mùi hương của cõi người, cõi trời, và cõi chư Phật, không đâu sánh bằng. Khi ấy đại chúng có mặt trong thất cư sĩ Duy-ma-cật đều thấy Phật và Bồ-tát đang ngồi ăn, mùi hương của cơm bay khắp mười phương vô lượng thế giới, các ngài đều ngửi mùi thơm ấy.

 Bấy giờ ông Duy-ma-cật hỏi chúng Bồ-tát:

 - Các nhân giả, ai có thể đến cõi Phật kia để xin cơm ?

 Do sức oai thần của ngài Văn-thù-sư-lợi, thảy đều làm thinh. Ông Duy-ma-cật nói:

 - Các nhân giả trong đại chúng đây, không biết hổ thẹn sao ?

 Ngài Văn-thù nói:

 - Như lời Phật dạy, chớ khinh người chưa học.

 Khi ấy ông Duy-ma-cật ngồi yên tại chỗ, ở trước hội chúng hóa làm ra một vị Bồ-tát tướng đẹp trang nghiêm sáng rỡ, oai đức thù thắng che lấp cả hội chúng.

 Cư sĩ Duy-ma-cật hỏi trong chúng đây có ai lên cõi nước Chúng Hương xin cơm về được không? Ngài Văn-thù-sư-lợi dùng sức oai thần ngăn chặn không cho chư Bồ-tát thi thố tài năng, khiến đại chúng làm thinh, để cư sĩ Duy-ma-cật nói có vẻ ngạo nghễ, các ông trong đại chúng đây không biết hổ thẹn sao? Vì muốn an ủi đại chúng nên Bồ-tát Văn-thù nói:

 Như lời Phật đã dạy, chớ khinh người chưa học. Tuy hiện nay họ chưa làm được, nhưng mai kia cũng sẽ được.

 Cảnh của đức Phật Hương Tích và chư Bồ-tát trong nước đó, là do chánh định của cư sĩ Duy-ma-cật hiện ra, thế nên người đến được cõi đó xin cơm phải có dụng thần biến khế hợp, tức là thể dụng không hai mới được. Nếu thể của người này mà dụng của người khác là trái với lý đạo. Vì vậy cõi Phật do chánh định của cư sĩ Duy-ma-cật hóa hiện thì cũng chính ông hóa ra vị Bồ-tát rất đẹp đẽ, trang nghiêm vượt hơn tất cả hội chúng đang có mặt, đến đó xin cơm chứ không ai khác. Vị hóa Bồ-tát là dụng, nhập chánh định là thể, tức thể dụng không hai. Như vậy, hàng Bồ-tát khi thể nhập chỗ chân thật, hay thể nhập bản thể chân như thì tùy ý muốn thấy muốn hiện tự tại vô ngại.

 Ông bảo vị hóa Bồ-tát đó rằng:

 - Ông đi đến thế giới phương trên, qua bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật, có một nước tên là Chúng Hương, đức Phật hiệu là Hương Tích cùng với các vị Bồ-tát đang ngồi ăn. Ông đến chỗ kia, như lời tôi dặn mà nói: "Ông Duy-ma-cật cúi đầu đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, rất cung kính vô lượng, thưa hỏi ngài ở yên, ít bệnh ít não, khí lực an ổn chăng? Cúi mong được Thế Tôn cho phần dư cơm của ngài, đem về thế giới Ta-bà để làm Phật sự, khiến những người ưa pháp nhỏ này được mở rộng đạo lớn, cũng khiến tiếng tăm của Như Lai khắp nơi đều biết đều nghe."

 Bấy giờ hóa Bồ-tát ở trước hội chúng thăng lên phương trên, cả chúng đều trông thấy hóa Bồ-tát đến thế giới Chúng Hương, lễ dưới chân đức Phật Hương Tích, lại nghe vị hóa Bồ-tát nói:

 - Ông Duy-ma-cật cúi đầu đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, rất cung kính vô lượng, thăm hỏi ở yên, ít bệnh ít não, khí lực có được bình an chăng? Cúi mong được phần cơm dư của Thế Tôn, muốn đem về thế giới Ta-bà để làm Phật sự, khiến những người ưa pháp nhỏ này được mở rộng đạo lớn, cùng khiến tiếng tăm của Như Lai khắp nơi đều nghe biết.

 Đoạn này có hai ý:

 - Mọi hoạt động và sự tu hành ở cõi nước Chúng Hương của đức Phật Hương Tích, đều lấy mùi hương làm phương tiện giáo hóa.

 - Cõi nước Chúng Hương do cư sĩ Duy-ma-cật nhập chánh định hóa hiện ra. Cõi nước khác muốn xin cơm cõi nước đó về cũng là hóa thân của cư sĩ Duy-ma-cật mới được. Đó là lý thể dụng không hai của chư Phật, chư Bồ-tát khi muốn thực hiện một Phật sự.

 Các Bồ-tát kia thấy vị hóa Bồ-tát này, khen ngợi chưa từng có, liền hỏi đức Phật:
- Nay thượng nhân này từ chỗ nào đến? Thế giới Ta-bà là ở đâu? Vì sao gọi là người ưa pháp nhỏ ?

 Vì đến cõi nước thanh tịnh, vị hóa Bồ-tát đó có đức độ và dung mạo oai nghiêm đẹp đẽ, nên các vị Bồ-tát kia khen ngợi chưa từng có. Ở thế giới này chỉ  toàn là Bồ-tát, không có danh từ Thanh văn, Bích-chi Phật, huống nữa là có người ưa pháp nhỏ, tam quy ngũ giới, nên các vị thắc mắc đồng hỏi Phật.

 Đức Phật bảo rằng:

 - Ở phương dưới qua bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật, có thế giới tên Ta-bà, Phật hiệu Thích-ca-mâu-ni, hiện nay ở trong đời ác ngũ trược vì chúng sanh ưa pháp nhỏ mà diễn bày đạo giáo. Ở cõi đó có Bồ-tát tên Duy-ma-cật trụ Bất khả tư nghì giải thoát, vì những vị Bồ-tát nói pháp nên sai vị hóa Bồ-tát đến đây, khen ngợi danh hiệu của ta cùng tán thán cõi này, khiến cho những vị Bồ-tát kia được tăng trưởng công đức.

 Đức Phật Hương Tích giới thiệu cho chư Bồ-tát ở cõi nước Chúng Hương về thế giới Ta-bà. Từ cõi này nhìn xuống, phải qua bốn mươi hai số cát sông Hằng cõi Phật mới đến được. Số cát một con sông Hằng còn không thể đếm hết, huống là bốn mươi hai số cát sông Hằng làm sao tính được. Đó là con số quá sức tưởng tượng, để diễn tả khoảng cách xa giữa hai cõi Phật.

 Những vị Bồ-tát cõi nước Chúng Hương thưa rằng:

 - Vị đó như thế nào mà biến được vị hóa Bồ-tát đức lực vô úy, thần túc dường này?

 Phật nói:

 - Rất lớn! Tất cả mười phương ông đều có thể sai hóa Bồ-tát đến, để làm những Phật sự lợi ích cho chúng sanh.

 Chư vị Bồ-tát cõi nước Chúng Hương ngạc nhiên, không biết năng lực cư sĩ Duy-ma-cật thế nào mà có thể hóa ra vị Bồ-tát có sức công đức không sợ sệt, sức thần túc như vậy. Phật Hương Tích nói, không những thế mà ông còn có thể hóa ra nhiều vị Bồ-tát đến khắp mười phương để làm Phật sự.

 Khi ấy đức Như Lai Hương Tích lấy bát Chúng Hương chứa đầy một bát cơm thơm cho vị hóa Bồ-tát. Bấy giờ chín trăm muôn vị Bồ-tát đều lên tiếng thưa rằng:

 - Chúng con muốn đến thế giới Ta-bà cúng dường đức Phật Thích-ca-mâu-ni, và muốn thấy ông Duy-ma-cật cùng các chúng Bồ-tát.

 Phật bảo:

 - Nên đi. Nhưng phải nhiếp mùi hương ở thân các ông, không để những chúng sanh kia khởi tâm đắm trước. Lại phải xả thân cũ của các ông, chớ khiến những vị cầu Bồ-tát ở cõi Ta-bà tự thấy hổ thẹn. Lại các ông đến đó chớ đem lòng khinh chê mà khởi tưởng ngại. Vì cớ sao? Vì mười phương cõi nước đều như hư không. Lại chư Phật vì muốn giáo hóa những người ưa pháp nhỏ, nên không hiện hết cõi nước thanh tịnh kia.

 Đức Phật Hương Tích lấy bát Chúng Hương chứa đầy một bát cơm cho vị hóa Bồ-tát. Ngài đồng ý cho chư Bồ-tát đến cõi Ta-bà cúng dường đức Phật Thích-ca, diện kiến cư sĩ Duy-ma-cật cùng chúng Bồ-tát và dặn dò ba điều kiện:

 - Phải nhiếp mùi thơm nơi thân các ông lại, vì sợ chúng sanh cõi Ta-bà ưa thích mê say. Phật Hương Tích biết tâm lý chúng sanh cõi này dễ bị mùi thơm mê hoặc.

 - Phải xả thân hình đẹp đẽ, để những vị cầu Bồ-tát ở cõi Ta-bà không hổ thẹn.

 - Không nên thấy cõi này xấu xa rồi khinh chê mà sanh tưởng ngại. Vì đức Phật nào khi thành Phật rồi công đức cũng ngang nhau, cũng đều có thể hiện cõi nước thanh tịnh. Nhưng sao cõi Ta-bà này lại xấu xa ô trược? Do Phật Thích-ca muốn giáo hóa những người căn cơ mỏng cạn thấp, cho nên phải hiện cõi nước như vậy, chứ công đức của chư Phật không có sai biệt.

 Khi ấy hóa Bồ-tát nhận được bát cơm, cùng với chín trăm muôn vị Bồ-tát đồng nương oai thần của Phật và sức của ông Duy-ma-cật, ở thế giới kia bỗng dưng biến mất, trong khoảng chốc lát đến thất ông Duy-ma-cật.

 Lúc đó ông Duy-ma-cật liền hóa chín trăm muôn tòa sư tử trang nghiêm tốt đẹp như trước, các vị Bồ-tát đều ngồi trên tòa kia. Rồi vị hóa Bồ-tát đem bát cơm thơm đầy dâng cho ông Duy-ma-cật, hương thơm của cơm bay khắp thành Tỳ-da-ly và cả tam thiên đại thiên thế giới.

 Hương thơm của cơm trong bát bay khắp thành Tỳ-da-ly và cả mười phương thế giới. Đó là những hình ảnh thể dụng tương ưng của một vị Bồ-tát làm Phật sự.

 Khi ấy ở thành Tỳ-da-ly, những vị Bà-la-môn, cư sĩ... ngửi được mùi thơm này, thân ý rất thích thú, khen ngợi chưa từng có! Lúc ấy ông trưởng giả chủ là Nguyệt Cái cùng với tám muôn bốn ngàn người đi đến thất ông Duy-ma-cật, thấy trong thất này rất nhiều Bồ-tát, các tòa sư tử cao rộng đẹp đẽ, đều rất hoan hỷ, lễ chúng Bồ-tát và đại đệ tử, đứng lui qua một bên. Các vị địa thần, hư không thần và chư thiên ở Dục giới, Sắc giới ngửi được mùi hương này cũng đều đến, vào thất ông Duy-ma-cật.

 Trong thất cư sĩ Duy-ma-cật, ban đầu chỉ có các vị đệ tử lớn của Phật như ngài Xá-lợi-phất,... và các vị Bồ-tát. Lại thêm chư Bồ-tát ở nước Hương Tích đến. Hương thơm của cơm bay tỏa khắp, khiến chư thần, Bà-la-môn, cư sĩ... ngửi được mùi thơm này đều quy tụ đầy đủ.

 Bấy giờ ông Duy-ma-cật nói với ngài Xá-lợi-phất cùng các vị đại Thanh văn:

 - Nhân giả có thể dùng, cơm vị cam lồ của Như Lai do tâm đại bi huân tập, không nên dùng ý giới hạn mà ăn cơm đó, khiến nó không tiêu.

 Cơm này là cơm của Phật, do tâm đại bi huân tập mà thành, nên khi ăn đừng dùng tâm hạn lượng nhỏ hẹp mà ăn ắt khó tiêu.

 Có các vị Thanh văn khác nghĩ: "Cơm này ít mà đại chúng đây mỗi người đều ăn làm sao no?" Hóa Bồ-tát nói:

 - Chớ dùng đức nhỏ trí nhỏ của Thanh văn mà so lường với phước đức trí tuệ vô lượng của Như Lai! Nước bốn biển có thể khô cạn, cơm này không thể hết! Giả sử tất cả người ăn, nắm cơm bằng núi Tu-di, cho đến một kiếp vẫn không thể hết. Vì cớ sao? Vì là thức ăn dư của bậc đầy đủ công đức vô tận giới, định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, trọn không thể hết.

 Cơm của đức Phật Hương Tích là cơm thơm của ngũ phần pháp thân hương: hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát, hương giải thoát tri kiến. Vì sao năm thứ này là thơm ? Chúng sanh ở cõi Ta-bà nhớp nhúa, mang thân xấu xí hôi hám mà giữ được năm phần đó trọn vẹn, cũng có mùi thơm. Như vậy mùi thơm này là hương của đạo đức, chứ không phải hương chế biến từ các loại hoa.

 Ở thế gian, những gia đình có nề nếp đàng hoàng, dạy con cháu phải để lại danh thơm tiếng tốt cho đời. Danh thơm là chỉ cho đức hạnh tốt, hạnh kiểm tốt, hành động tốt, sau khi chết đi mọi người còn nhớ tiếc. Đó là nói theo thế tục. Còn trong đạo, danh thơm nhất muôn đời không quên là giới luật trọn vẹn, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến đầy đủ.

 Người nào đủ năm phần này tức đầy đủ đạo đức, thì những phần thừa hoặc cơm dư của họ có giúp hay cho người khác hưởng, trọn đời trọn kiếp cũng không hết.

 Tóm lại, ý nghĩa mùi thơm ở cõi Chúng Hương của đức Phật Hương Tích, là do chứa nhóm những công đức như vậy.

 Lúc đó cả hội chúng đều ăn no mà bát cơm vẫn như cũ không hết. Những vị Bồ-tát kia, Thanh văn, chư thiên, người ăn cơm này rồi, thân an ổn vui vẻ, ví như chư Bồ-tát ở cõi nước Nhất Thiết Lạc Trang Nghiêm vậy. Lại các lỗ chân lông đều toát ra mùi hương vi diệu, cũng như mùi thơm của các cây ở cõi nước Chúng Hương.

 Cả chúng hội đều ăn no mà bát cơm vẫn như cũ. Vì bát cơm giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến không thể hết được. Dù cho Bồ-tát hay trời, người ăn cơm này rồi, đều được thân an ổn tâm vui vẻ, giống như những vị Bồ-tát ở cõi nước Nhất Thiết Lạc Trang Nghiêm. Mỗi lỗ chân lông của các Bồ-tát này đều toát ra mùi hương vi diệu cũng như mùi thơm của các cây ở cõi nước Chúng Hương. Từ sự tướng để bày ra lý ngũ phần pháp thân hương. Ai tu mà năm phần này được đầy đủ thì thể nhập được pháp thân. Năm phần pháp thân hương này, dù người tu ở cõi nào mà giữ gìn trọn vẹn thì đều được mùi hương giống nhau, sẽ được nguồn vui vô tận như chư Bồ-tát kia không khác.

 Khi ấy ông Duy-ma-cật hỏi Bồ-tát ở cõi Chúng Hương:

 - Đức Như Lai Hương Tích dùng cái gì để nói pháp?

 Bồ-tát kia đáp:

 - Như Lai ở cõi nước tôi không dùng văn tự nói, chỉ dùng các mùi hương khiến cho trời người được vào luật hạnh. Các vị Bồ-tát ngồi dưới cội cây hương, ngửi được mùi hương vi diệu kia liền được tam-muội Nhất thiết đức tạng. Được tam-muội này thảy đều có đầy đủ công đức của Bồ-tát.

 Tam-muội Nhất thiết đức tạng tức là chánh định Đức tạng, nhập được tam-muội này thì tất cả công đức đều đầy đủ. Đức Phật ở cõi Chúng Hương không dùng phương tiện ngôn ngữ để thuyết pháp mà chỉ dùng mùi hương để giáo hóa. Mùi hương của giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, ai gần thì được thơm lây. Người ngồi dưới cội cây hương, ngửi mùi hương vi diệu liền được chánh định. Vì vậy không phải chỉ dùng ngôn ngữ mới làm Phật sự. Có khi nhờ giữ giới, nhờ sức an định hoặc nhờ trí tuệ... dùng làm phương tiện giáo hóa chứ không phải nói cho họ nghe để họ phát tâm. Đôi khi những lời nói không có giá trị bằng việc làm của tự thân. Đó là ý nghĩa giáo hóa của cõi Chúng Hương.

 Các vị Bồ-tát kia hỏi ông Duy-ma-cật:

 - Nay Thế Tôn Thích-ca-mâu-ni dùng cái gì để nói pháp?

 Ông Duy-ma-cật nói:

 - Cõi này chúng sanh cang cường khó giáo hóa, thế nên Phật nói những lời cang cường để điều phục họ. Nói đây là địa ngục, đây là súc sanh, đây là ngạ quỷ, đây là chỗ các nạn, đây là chỗ người ngu sanh. Đây là thân tà hạnh, đây là quả báo thân tà hạnh. Đây là khẩu tà hạnh, đây là quả báo khẩu tà hạnh. Đây là ý tà hạnh, đây là quả báo ý tà hạnh.
Đây là sát sanh, đây là quả báo sát sanh. Đây là trộm cắp, đây là quả báo trộm cắp. Đây là tà dâm, đây là quả báo tà dâm. Đây là vọng ngữ, đây là quả báo vọng ngữ. Đây là lưỡng thiệt, đây là quả báo lưỡng thiệt.

 Đây là ác khẩu, đây là quả báo ác khẩu. Đây là lời nói vô nghĩa, đây là quả báo lời nói vô nghĩa. Đây là tham lam tật đố, đây là quả báo tham lam tật đố. Đây là sân não, đây là quả báo sân não. Đây là tà kiến, đây là quả báo tà kiến.

 Đây là xan tham, đây là quả báo xan tham. Đây là hủy giới, đây là quả báo hủy giới. Đây là nóng giận, đây là quả báo nóng giận. Đây là lười biếng, đây là quả báo lười biếng. Đây là ý loạn, đây là quả báo ý loạn. Đây là ngu si, đây là quả báo ngu si.

 Đây là kiết giới, đây là trì giới, đây là phạm giới. Đây là nên làm, đây là không nên làm. Đây là chướng ngại, đây là không chướng ngại. Đây là mắc tội, đây là lìa tội. Đây là tịnh, đây là cấu. Đây là hữu lậu, đây là vô lậu. Đây là tà đạo, đây là chánh đạo. Đây là hữu vi, đây là vô vi. Đây là thế gian, đây là Niết-bàn...

 Do người khó giáo hóa, tâm như khỉ vượn, nên dùng bao nhiêu thứ pháp để chế ngự tâm kia, mới có thể điều phục được. Ví như voi ngựa hung dữ khó điều phục, phải thêm những hình phạt đau thấu xương, rồi sau mới điều phục được. Như thế chúng sanh cang cường khó giáo hóa này, nên phải dùng tất cả những lời thống khổ, mới có thể vào được luật nghi.

 Những vị Bồ-tát kia nghe lời ấy rồi, đều nói:

 - Thật chưa từng có! Đức Phật Thích-ca-mâu-ni Thế Tôn ẩn sức vô lượng tự tại của ngài, mới đem pháp người nghèo ưa thích mà độ thoát chúng sanh. Các vị

 Bồ-tát ở đây cũng chịu nhọc nhằn mà không khoe công, do vô lượng đại bi mà sanh ở cõi Phật này.

 Cư sĩ Duy-ma-cật nói chúng sanh ở cõi nước này cang cường khó điều phục, nên Phật phải dùng nhiều cách để khuyên dạy họ. Thí dụ đứa bé nhút nhát, thấy ba má cầm roi thì run sợ, còn đứa ngang bướng, càng đánh càng đổ lỳ không sợ, cũng không chịu sửa lỗi, nên nói đứa bé đó khó dạy khó bảo. Đức Phật dạy, nếu tạo nghiệp ác sẽ đọa trong ba đường dữ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ở địa ngục thì bị quỷ sứ cầm chĩa ba đâm, bị ôm cột đồng cháy, bỏ vào chảo dầu sôi, uống nước đồng sôi... Những điều đó nghe thật đáng sợ, nhưng lâu rồi quên, lại tiếp tục tạo tội. Vậy chúng sanh ở cõi này có cang cường không? Đức Phật nói cụ thể từng quả của mỗi tội, nói dối sẽ bị quả báo của tội nói dối, nóng giận sẽ bị quả báo của nóng giận, làm việc tà kiến, lười biếng, tham lam sẽ bị quả báo gì... Lẽ ra nghe như vậy phải sợ, không dám phạm mà ráng tu chứ đâu dám buông trôi, mới là người hiền dễ dạy. Thế mà nghe, học thuộc làu rồi, nhưng tội lỗi vẫn không chừa bỏ. Ngẫm kỹ mới thấy chúng sanh cõi này thật ngỗ nghịch khó dạy, cứng đầu cứng cổ, ngu si chấp trước những thứ tạm bợ của thế gian, nên Phật gọi là nan điều nan phục.

 Như những đứa con mê say rượu chè, hút thuốc, xì ke ma túy... cha mẹ rầy đánh cũng không bỏ, càng tỏ ra lỳ lợm hơn. Chúng không biết những thú vui ngũ dục là tạm bợ, tầm thường giả dối. Bởi cang cường quá nên Phật phải dùng những lời lẽ mạnh mẽ, nhiều pháp răn dạy để chỉ rõ đâu là tà đâu là chánh, đây là hữu vi đây là vô vi... Vậy mà vẫn chưa thức tỉnh, tâm như khỉ vượn chạy nhảy lăng xăng không lúc nào dừng, nên Phật mới lập bày giới luật để chế ngự tâm kia. Ví như con voi con ngựa quá hung hăng, khó điều phục thì phải dùng câu dùng móc, hoặc cây có mũi nhọn châm vào da thịt cho đau thấu xương, mới có thể lôi kéo nó được. Nếu tâm bình lặng như các vị Bồ-tát ở cõi Chúng Hương thì đâu cần phải chế giới.

 Chư Bồ-tát ở cõi Chúng Hương nghe cư sĩ Duy-ma-cật diễn tả đức Phật Thích-ca giáo hóa ở cõi Ta-bà rất khó nhọc, vì chúng sanh tâm bệnh quá nhiều, các vị đều khen ngợi thật chưa từng có, ngài đã ẩn sức vô lượng tự tại, vì độ những kẻ ưa thích pháp nhỏ mà ở trong cảnh khó khăn đó. Lại khen các vị Bồ-tát do tâm đại bi vô lượng mới hiện sanh ở cõi này phải hết sức khiêm hạ, hết sức nhọc nhằn vì nguyện lực độ sanh. Đó là lời tán thán của các vị Bồ-tát ở cõi kia.

 Ông Duy-ma-cật nói:

 - Bồ-tát ở cõi này đối với các chúng sanh, tâm đại bi kiên cố thật như lời các ngài nói. Song một đời làm lợi ích chúng sanh ở cõi Ta-bà, nhiều hơn cõi khác trăm ngàn kiếp.

 Cư sĩ Duy-ma-cật xác nhận đúng như lời các Bồ-tát kia nói, Bồ-tát ở cõi này thật là đại bi kiên cố. Tuy ở cõi này nhọc nhằn khó khăn nhưng một đời làm Phật sự, làm lợi ích chúng sanh hơn các cõi khác trăm ngàn kiếp làm Phật sự. Đây là nguồn an ủi.

 Vì cớ sao? Vì thế giới Ta-bà này có mười pháp lành, những cõi tịnh khác thì không thể có. Những gì là mười? 1- Dùng bố thí nhiếp độ bần cùng. 2- Dùng tịnh giới nhiếp độ phá giới. 3- Dùng nhẫn nhục nhiếp độ sân nhuế. 4- Dùng tinh tấn nhiếp độ giải đãi. 5- Dùng thiền định nhiếp độ loạn ý. 6- Dùng trí tuệ nhiếp độ ngu si. 7- Nói pháp trừ nạn để người qua khỏi tám nạn. 8- Dùng pháp Đại thừa độ người ưa pháp Tiểu thừa. 9- Dùng các căn lành giúp người không có đức. 10- Thường dùng Tứ nhiếp pháp để thành tựu chúng sanh. Ấy là mười pháp lành.

 Thế giới Ta-bà này có mười việc thiện để Bồ-tát làm đầy đủ công đức, còn những cõi khác không có, nên Bồ-tát ở cõi này vất vả một đời bằng Bồ-tát ở cõi kia làm nhiều đời. Như dùng bố thí để giáo hóa người nghèo khổ. Dùng giới thanh tịnh để nhiếp hóa người phạm giới. Dùng nhẫn nhục để nhiếp hóa người nóng giận, nghĩa là muốn giáo hóa người nóng giận, mình phải có đức nhẫn nhục. Chúng sanh ở cõi này vừa nghèo khổ vừa phá giới, vừa nóng giận, vừa lười biếng, vừa loạn ý, vừa ngu si, vừa ở trong tám nạn, ưa pháp nhỏ, không có đức, nên Bồ-tát phương tiện dùng các thứ pháp để giáo hóa họ. Thế nên các Bồ-tát ở cõi Ta-bà được công đức rất lớn.

 Những vị Bồ-tát kia hỏi:

 - Bồ-tát thành tựu bao nhiêu pháp ở thế giới này, hạnh không thương tổn, được sanh cõi Phật thanh tịnh?

 Ông Duy-ma-cật nói:

 - Bồ-tát thành tựu tám pháp ở thế giới này, hạnh không thương tổn, được sanh cõi Phật thanh tịnh. Những gì là tám pháp? 1- Làm lợi ích chúng sanh mà không mong đền đáp. 2- Thay tất cả chúng sanh chịu những khổ não, tạo các công đức đều thí cho họ.

 Người hành hạnh Bồ-tát giúp đỡ người không mong cầu đền đáp. Thay chúng sanh chịu tất cả khổ não và có những công đức gì đều thí cho họ. Thí dụ ở trong chúng khi nào rảnh rỗi, thấy huynh đệ làm mệt không kịp, đến phụ giúp cho mau xong việc, được vậy cũng là tốt rồi, chưa nói đến thay khổ não cho chúng sanh. Còn nếu nghĩ thôi tránh đi cho khỏe, đó là sẵn sàng đổ khổ cho người khác, là bệnh mê muội của chúng sanh, trái với tâm hạnh của Bồ-tát. Chúng ta tu, dù chưa làm được như các ngài, nhưng cũng phải tập từ từ. Chúng ta không thể thay tất cả khổ não cho người xung quanh, thì ít ra khi thấy người khổ, cũng hỗ trợ một phần để họ bớt khổ. Như thế cũng là tốt rồi, lâu ngày chúng ta có thể làm được việc lớn lao, lợi ích hơn nhiều.

 3- Tâm bình đẳng đối với chúng sanh, khiêm hạ không ngại. 4- Đối với Bồ-tát xem như Phật. Bồ-tát tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, khiêm hạ là thấp mình, không có chướng ngại. Tâm chúng ta có sai biệt, chưa bình đẳng với tất cả mọi người, nên người nào hợp ý mình thương nhiều, còn không hợp thì thương ít hơn, chứ đừng ghét. Vì chúng ta đang tập tễnh, chứ chưa là Bồ-tát thật. Thế nên phải cố gắng thực hành tâm bình đẳng không chướng ngại đối với mọi người, và phải có tâm khiêm hạ, đối với Bồ-tát phải như kính Phật vậy.

 5- Những kinh chưa nghe, nghe không nghi. 6- Không cùng với hàng Thanh văn mà chẳng trái nhau. Những kinh điển chưa nghe, nay đã được nghe không còn nghi ngờ. Hạnh tu của Bồ-tát khác với hạnh Thanh văn, nhưng đối với Thanh văn không có gì chống trái.

 7- Chẳng tật đố người kia được cúng dường, không tự cao khi được lợi, ở trong đó mà điều phục tâm mình. Thí dụ có hai huynh đệ đồng tu, giới luật ngang nhau, nhưng Phật tử chỉ cúng dường cho thầy A, thầy B không được cúng. Nếu thầy B sanh tâm bực tức, gặp lại thí chủ đó liền tìm cách nói xấu thầy A, để Phật tử thấy chán không muốn cúng cho thầy ấy nữa. Đó là tâm tật đố, khi thấy người được mình không được. Như thầy A nhận sự cúng dường của người, không nên tự cao, cho mình có đức hạnh đương nhiên phải được cúng, đó là tâm tự cao khi được lợi. Hai trường hợp này, người không được cúng thì tật đố, người được cúng thì tự cao. Do đó người tu khéo điều phục tâm mình, không nên sanh tâm tật đố và phải dè dặt tâm tự cao.

 8- Thường xét lỗi mình, không bàn nói điều xấu của người. Thường dùng nhất tâm, cầu các công đức. Khi có lỗi lầm thì phải biết sám hối, ăn năn chừa cải. Huynh đệ có điều dở, không đem ra nói với ai. Như vậy là người tỉnh, biết lỗi mình, không bàn nói việc xấu dở của người. Thường dùng tâm chuyên nhất, cầu các công đức.

 Thế nên Bồ-tát muốn sanh về cõi Phật thanh tịnh phải gắng tu tám pháp này mà hạnh không thương tổn. Đó là lời răn dạy của Bồ-tát.

 Ông Duy-ma-cật và Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi ở trong đại chúng khi nói pháp này rồi, thì trăm ngàn trời người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mười ngàn vị Bồ-tát được vô sanh pháp nhẫn.

 Học phẩm này rồi, chúng ta thấy, tuy ở cõi nhiều chướng nạn, nếu khéo tu khéo làm Phật sự thì công đức bằng trăm ngàn lần ở những chỗ dễ dàng. Đây là nguồn an ủi tinh thần giúp chúng ta vượt qua những khó khăn chướng ngại. Người khéo tu thì cảnh gian nan khổ cực chính là duyên tốt để tăng trưởng công đức, trên bước đường tu học và làm Phật sự. Không nên có tâm yếu ớt sợ khó khổ, chỉ muốn được nhàn hạ sung sướng là làm mất hết công đức. Cần phải dũng mãnh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hằng không lui sụt, mới không cô phụ bản nguyện lợi sanh của mình.

 

[ Quay lại ]