headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

ĐÃ SỐNG NHƯ MÂY

 Linh Cẩn 

Sơ Tổ Trần Nhân Tông khi còn trên ngôi cửu trùng, đã xem ngai vàng như dép rách, danh lợi như phù hư. Tổ thích cuộc sống thanh đạm mà lòng nhẹ như mây. Có lẽ vì thế mà sau khi giao hết vương quyền và trọng trách cho Anh Tông, Người lên núi xuất gia tu hạnh đầu đà, buổi đầu lấy hiệu là Hương Vân.

Hương Vân là mây thơm, mây thì bay muôn phương và che mát cho chúng sanh khắp chốn. Nếu cần bóng râm, mây kết tụ lại che bớt sức nóng của mặt trời. Nếu cần mưa, mây kéo lại dày hơn, đen kịt, tuôn nước xuống rưới khắp mọi nơi. Nếu không cần bóng râm, không cần nước mưa thì mây là mây, thênh thang cùng trời đất. Mây là thế, và Tổ đã sống cuộc đời như mây.

Khi còn tại vị vua Nhân Tông sẵn sàng hy sinh thân mạng để giữ gìn đất nước được vẹn toàn, đánh đuổi giặc Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi, mang lại thái bình cho nước cho dân. Sau khi tu hành ngộ đạo, Người chống gậy đi khắp đất nước truyền dạy Phật pháp cho mọi người, giúp họ thăng hoa đời sống tâm linh. Ngài làm muôn sự mà lòng không vướng bận, thanh thoát như mây. Chính vì vậy mà người đời đã tôn xưng Ngài là Tổ, mãi đến hôm nay nếu có ai lần về Yên Tử, đứng trên non cao nhìn về dấu tích chốn xưa Tổ ở mà lòng cũng nhẹ như mây.

Thế thì tâm xưa tâm nay đâu khác, chốn xưa cảnh nay đâu thay đổi gì, nếu ta nhìn bằng cái tâm thực tại hiện tiền sáng rỡ, thì tâm ta tâm Tổ đồng. Chỉ một tâm ấy ta cùng chư Phật không sai không khác. Nhưng sở dĩ ta vẫn là chúng sanh vì tâm ta chưa nhẹ hẳn như mây, ta còn vương mang nhiều quá, tư lự nhiều quá nên tâm ta cách Phật Tổ khá xa.

Trong bài Phú Cư Trần Lạc Đạo, Tổ Nhân Tông có nói: “Gia trung hữu bảo hưu tầm mích”. Tạm dịch: Châu báu đầy nhà thôi đừng chạy kiếm. Tổ khuyên chúng ta hãy ngay nơi ngôi nhà tự tâm mà xoay lại nhìn thì châu báu dùng không hết. Nhưng ta cứ bôn ba tìm cầu, cái gì cũng chụp, cái gì cũng nắm, nên ngôi nhà tâm linh chỉ toàn là đá sỏi. Càng chạy càng nhọc nhằn mà chẳng được tí ti châu báu nào. Đáng thương thay!

Có vị tăng hỏi Tổ:
- Gia phong Hòa thượng thế nào?
Tổ đáp:
                “Phá nạp ủng vân triêu khiết chúc,
                Cổ bình tả nguyệt dạ tiên trà.”
Tạm dịch:
                Áo rách che mây, sáng ăn cháo,
                Bình xưa tưới nguyệt, tối uống trà.

Học nhân hỏi về gia phong của Tổ, tức là chỗ sống, chỗ dụng tâm hằng ngày của Tổ thì thế nào? Tổ đáp rất dung dị: Ngày ngày Tổ mặc áo rách, sáng ăn cháo, tối uống trà. Bình thường, đơn giản, đâu có xa xôi. Đó là gia phong của Tổ.

Nhưng trong cái bình thường ta thấy toát lên nét siêu thoát của một vị tăng nhàn đầu núi. Tổ ăn rau cháo qua ngày mà lòng sảng khoái tiêu dao. Tổ mặc áo rách mà tâm không vướng bận, không ưu tư, không toan tính hơn thua, không khổ chuyện mất còn. Từ một bậc đế vương uy quyền tột đỉnh buông tất cả để làm một sơn tăng, sáng vui với cỏ nội mây ngàn, tối bầu bạn với trăng sao, bần mà thanh, nghèo mà sạch, quý ở vô tâm.

Vậy chúng ta có sống được như Tổ chăng? Hiện tại thì chưa được rồi. Vì ta ăn còn phân biệt vị ngon hay dở, mặc vải mà xem là tốt hay xấu,… như thế thì phan duyên nhiều quá. Nếu có lên núi ở chắc ta cũng lục đục quay về, vì tâm còn nặng lợi danh nên bị tuột xuống đất. Để thấy rằng, nói là một chuyện mà hành lại là một chuyện khác, hai cái cách nhau xa như núi với đất bằng. Vì vậy Tổ nhắc chúng ta đừng có vong thân nhiều, phải biết thương mình, thương mình thì đừng có chạy theo cảnh, theo duyên. Phải đối cảnh vô tâm mới hợp với đạo. Vô tâm là sao? Là ta thấy sắc thì chỉ biết thấy. Thấy cái gì biết cái đó rõ ràng mà không khởi tâm phân biệt, không khen chê dính mắc theo duyên bên ngoài. Đó gọi là vô tâm. Chứ không phải vô tâm là không thấy không biết gì cả, như cây khô củi mục. Nếu ta luôn sống trở về với bản tâm chân thật thì ta sẽ không khổ, được an vui. Mới có thể làm sơn tăng sớm đầu núi, tối cuối nghềnh, khát uống nước suối, đói ăn trái rừng, mà tâm nhẹ như mây. Và có thể nói rằng Tổ đã sống bằng tâm mây. Tâm mây không phải là tâm trôi nổi, mà là nhẹ nhàng thanh thoát như mây, hành sự như mây. Để rồi cuối đời Tổ đã chọn am mây làm nơi thị tịch (Ngọa Vân am).

Trong Tam Tổ Trúc Lâm có ghi: Thị giả Bảo Sát trên đường đến am Ngọa Vân theo lời chỉ dạy của Tổ đã “thấy một vầng mây đen từ ngọn Ngọa Vân bay qua Lỗi Sơn và hạ xuống Doanh Tuyền, nước đầy tràn lên cao mấy trượng, giây lát lại bình xuống…”. Khi đến am, Tổ mỉm cười và bảo “Ta sắp đi đây”. Trước khi Tổ vào cõi Niết Bàn, người đệ tử đã thấy trước điềm chẳng lành là vầng mây đen từ am Ngọa Vân bay qua và hạ xuống. Mây tụ mây tan là chuyện thường. Nước từ biển, sông, suối… nhờ sức nóng mặt trời bốc hơi lên tạo thành mây, mây kết tụ tuôn nước xuống lại biển, sông,… đâu hoại đâu thành, chỉ là do duyên. Đủ duyên thì đến hết duyên đi, đi trong cái nhẹ nhàng thanh thoát như mây mới là điều đáng nói, đi trong sự tỉnh giác làm chủ được tử sinh mới là điều đáng cho ta trân quý. Và Tổ đã làm được điều đó, đêm mùng 01 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), trời trong sao sáng, Tổ hỏi Bảo Sát: “Hiện giờ là giờ gì?” Bảo Sát bạch: “Giờ Tý”. Tổ lấy tay vén màn cửa sổ nhìn xem, nói: “Đến giờ ta đi”. Thế rồi Ngài nằm theo thế sư tử, an nhiên thị tịch.

Không còn ngôn từ nào để ca ngợi sự tự tại của Tổ giữa lằn ranh sống và chết. Tổ đã tự tại như mây, bay nhẹ như mây, mây tan để rồi trở về cùng hư không, hòa với núi sông. Đâu có mất bao giờ! Và Người đã sống cuộc đời như mây.

[ Quay lại ]