headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

RỒNG THIÊNG TRỖI DẬY

 Hạnh Huệ 

Tôi đến Chùa Lân (Long Động) lần đầu vào năm 1987, theo Thành Hội Phật Giáo Thành phố HCM đi tham quan miền Bắc nhân dịp Đại Hội Phật Giáo Kỳ II tổ chức tại Hà Nội.

Trời tối thui, cả đoàn mò mẫm trên con đường gập ghềnh. Cảnh trí đến bây giờ sau hai mươi năm, chẳng còn lưu lại gì trong tôi, ngoài một chiếc giường đá lờ mờ ở góc nào đó mà chúng tôi đã nằm ngủ trong đêm ấy.

Một cái giếng đầy nước, trong khe cũng lờ mờ đâu đó. Hình ảnh vị trụ trì cũng lờ mờ, dù rằng sự hiếu khách thì rất đậm đà, như hương vị những trái bưởi ngọt ngào chúng tôi được chiêu đãi. Cảnh trí vào buổi sáng cũng chỉ khiến tôi cảm nhận một điều là cực kỳ nhỏ bé, cực kỳ gập ghềnh và có lẽ cực kỳ rêu phong.

Trên chiếc Hải Âu, chúng tôi đã cà tưng cà tưng đi qua nhiều đoạn suối để đến chân núi leo lên chùa Hoa Yên. Cảm giác thú vị đó ngày nay không còn nữa. Những đoạn suối đã bị chấn ngang vì con đường rộng rãi hơn. Lên tháp Tổ bây giờ cũng bớt cảm xúc hơn vì cáp treo dù tiện lợi hơn rất nhiều. Chúng tôi đã bồi hồi trên những đoạn đường bóng tùng bẩy trăm năm che rợp, ngậm ngùi bên những cây sứ cổ sần sùi, mơ màng giữa mây núi mà nhìn xuống trần gian mù mịt bên dưới. Sững sờ nhìn tháp Tổ, không phải vì vẻ đẹp huy hoàng tráng lệ gì, mà chỉ là nghĩ đến những vị Tổ ngày xưa, giã từ vinh hoa, lặn lội khắp vùng Yên Tử này, cất nhiều am cốc thô sơ để theo đuổi một mục đích cao hơn hơn ngôi vị quân vương, tể tướng. Đó là trở thành những thiền sư mà sự dẫn đường chỉ lối cho tâm thức con người vẫn còn sống động cho đến bây giờ. Tôi vẫn thường lạ lùng trước danh xưng Điều Ngự Giác Hoàng của Sơ Tổ Trúc Lâm.

Dĩ nhiên lúc ấy, tôi lên Yên Tử với một tâm trạng rất đỗi ngậm ngùi vì sự hoang sơ, tiêu điều của vùng đất Tổ. Không bao giờ dám nghĩ nơi này sẽ có lúc phong quang trở lại. Nhưng bây giờ thì…thật là hết biết! Nêu không tin vào lý trùng trùng duyên khởi của nhà Phật, mình sẽ nói sao khi Hòa Thượng Trúc Lâm Phụng Hoàng đã tạo một kỳ tích, biến chùa Lân thành một Phạm vũ huy hoàng? Và có lẽ cũng nhân đó mà cả vùng Yên Tử bỗng khởi lên sức sống mới.

Sư Giải Thiện đã có lần nhận xét: Nhìn rừng núi Việt Nam, mình muốn vào đó tu. Nó sâu thẳm, u tịch và…sống. Bởi vì lúc đó chúng tôi đang lang thang trong một vùng rừng núi  nổi tiếng của California - Yosemite, rừng sồi cao vút nhưng lạnh lùng. Còn núi khác dọc đường phần nhiều không cây cối. Và có dịp qua Trung Quốc, tôi cũng đã thất vọng khi thấy núi đồi chẳng có bóng cây của Tung Sơn và chung chung cũng thế. Vĩ đại thì có, nhưng ở thì chẳng dám ham. Đâu có như núi rừng của mình! Đồi núi trên đường lên Ngọa Vân Am lần đầu đã hớp hồn tôi mọi cách. Đồi núi chập chùng như ẩn như hiện. Đường xa típ tắp nhưng ai cũng hoan hỉ xếp rồng xếp rắn mà leo. Qua khu rừng trúc thì trời ơi! Mơ màng như cảnh tiên. Sương hay mây là đà, len lỏi qua thân trúc, tạo thành bức tranh thủy mặc tuyệt vời. Tôi không muốn đi nữa, chỉ muốn đắm mình vào cảnh vật và thấy hồn bay bổng. Tổ quả thật tinh đời chọn chỗ này để tu những ngày còn lại. Sau này, khi đi với Trụ Trì Viên Chiếu trở lại Ngọa Vân Am. Tôi đã náo nức biết bao! Nhưng lại vô cùng thất vọng khi rừng trúc bỗng tan hoang do những người bẻ măng, đốn trúc để làm gì đó! Đúng hơn là kiếm sống. Tôi ngẩn ngơ tiếc nuối. Nhưng sau nghe người khác đi về báo là rừng trúc vẫn mơ màng. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Chùa chiền Trung quốc cũng lộng lẫy, bề thế hơn Việt Nam nhiều. Lúc đầu chúng tôi cũng có tâm trạng hơi xấu hổ cho cảnh quan nước mình khi nhìn lại Tháp Rùa, chùa Một Cột…kể cả những chùa nổi danh như những ngôi chùa ở Huế. Nó khiêm nhường và nhỏ bé thấy thương. Nhưng xét cho cùng, đúng là bị thinh sắc cám dỗ mà quên: Tu là càng đơn giản, càng đạm bạc thì càng gần với đạo. Việt Nam không có những công trình kiến trúc to lớn, kể cả cung điện vua chúa nhưng không vì thế mà không có những nhân vật lừng danh.

Cũng xin vớt vát một chút. Bây giờ Việt Nam cũng có những chùa chiền bề thế vì nhân duyên nó thế! Nhưng chỉ muốn nói điều quan trọng nằm ở chỗ khác mà thôi. Có lẽ vì tôi đang ở Viên Chiếu, một xó xỉnh nhỏ bé của Long Thành, nơi mà hằng ngày phải hít thở không khí ô nhiễm của Vedan. Nhưng chúng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình nên đổi địa chỉ, và ai có công tác phải rời chúng thì chuyện mong chóng về chùa là điều dĩ nhiên.

Trở lại với Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Tôi đã không dừng được hứng chí mà sáng tác một bài ca với đề Dấu Ấn Non Yên.

                    Phượng Hoàng phương Nam,

                   Tung cánh bay về non Yên.

                    Rồng nằm ngủ quên,

                    Năm tháng phủ mờ rêu phong!

Không hiểu vì sao chùa Lân lại còn tên Long Động? Thế là hai linh vật đều được chùa này thâu hết. Nhưng linh khí chỉ được hồi sau giấc ngủ khá dài. Thế rồi

                    Gió thiền thổi lên mây tan,

                    Tổ sư còn đây dấu chân.

                    Rồng thiêng trỗi dậy,

                    Vươn mình nắng ấm vừa lên.

Ngày nay thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, với những người con đầy nhiệt huyết, cũng ôm ấp hoài bão của cha ông, muốn khôi phục lại khí thế bừng bừng của thiền tông thời Trần. Vùng núi thiêng khởi sắc. Không chỉ vì  thiền viện là một địa điểm du lịch với cảnh quan mỹ lệ mà vì nơi đây là nơi tụ hội của những Phật Tử thuần thành muốn được sống một đời sống tâm linh trong sáng, đầy trí tuệ theo dấu Đấng Từ Phụ, để giải trừ những cấu uế trong tâm, được sống an lạc tươi mới, vững vàng ngay trong cuộc đời rộn ràng và đầy bất trắc này.

                    Một vùng trời mở ra,

                   Ánh hào quang sáng ngời,

                   Bóng y vàng phất phới,

                  Tiếng chuông chùa ngân xa.

Người ta bảo Yên Tử là ngọn núi linh thiêng.

                  Dù ai quyết chí tu hành,

                 Có về Yên Tử mới đành lòng tu.

Cứ thấy nam phụ lão ấu nườm nượp rủ nhau lên chùa Đồng vào những ngày lễ hội, mới thấy lòng thành của người dân vùng này đối với non Yên. Nhưng nếu chỉ cứ thành tâm lên đến đỉnh núi chỉ để xì xụp vái van mà thôi, thì không phải phụ lòng chư Tổ hay sao?

                  Núi linh không phải vì núi cao,

                  Núi linh không phải vì núi sâu,

                 Núi linh vì có người sống đạo,

                 Núi linh vì giúp đời hết chiêm bao.

Sơ Tổ Trúc Lâm và những vị kế thừa là niềm tự hào lớn của dân tộc nói chung, và của Thiền tông Việt Nam nói riêng. Tôi lúc mới lên núi Tương Kỳ Vũng Tàu, để theo Hòa Thượng Chơn Không tu học, lòng rất sung sướng vì được tu Thiền, một lối tu đối với tôi cực kỳ sống động, hấp dẫn và vô cùng thích hợp với tính nết ngang bướng của mình. Cái tính không dễ dàng chấp nhận những gì chỉ vì nó là truyền thống, là người trước đã nói thế, làm thế. Tôi phục Thầy mình, dấn thân vào con đường gặp nhiều phản ứng không thuận lợi, nhưng Thầy đã kiên trì vượt qua và dẫn dắt chúng tôi vượt qua.

                   Dòng thiền Chơn Không,

                  Tuôn qua thành Rồng,

                 Vượt suối băng rừng…

Chúng tôi đã từ Chơn Không về đất Long Thành, và sau này Thầy về Tuyền Lâm Dalat. Đúng là qua biết bao thăng trầm.

Sau chuyến đi Bắc về, Thầy quyết định khôi phục Thiền tông đời Trần. Thú thật tôi có …hơi bị dị ứng. Tôi đã nghĩ Thiền là trở về với bản tâm. Bản tâm đâu có hạn cuộc vào bất cứ thời gian, không gian hay triều đại nào. Mình sống thế kỷ 20-21 này hay thế kỷ nào, cứ việc trở về bản tâm là đều làm sống lại thiền của Phật, của tất cả Tổ rồi! Nhưng sau này nghĩ lại mới thấy mình hơi ngu! Lý thì có thể vậy, nhưng trên thực tế, đặt mình vào khung cảnh đời Trần, với một đất nước nhỏ hẹp - hình như chỉ tới Huế, với một dân trí còn hoang sơ, mà một vị vua lại có những tư tưởng siêu việt thoát trần, bỏ vương vị dù không gặp nghịch cảnh đau lòng như vua Trần Thái Tông, lại vừa chiến thắng quân Nguyên, một đạo quân bách chiến bách thắng  một cách vẻ vang. Lên núi sâu, cất am tranh, tu đến sáng đạo. Ngài lại không bỏ mặc dân chúng, bôn ba khắp nơi giáo hóa, và trở về thị tịch giữa chốn rừng u tịch. Lòng quảng đại và đầy hùng lực đó ngàn năm dễ có một. Tự tu và dấn thân phải là gương sáng muôn đời. Do đó, chủ trương của Thầy quả là một chủ trương tất yếu vậy.

                     Nay về tận ngọn nguồn Trúc Lâm,

                    Hoài bão một đời đã xong.

Nay Thầy tôi đã già rồi, Phật sự đã giao phó cho các sư huynh sư tỉ tôi, những vị có thể thay Thầy tôi làm tùng bách che mát người sau. Thầy có thể an tâm

                    Phượng Hoàng về đầu non,

                   Ẩn thân chốn mây ngàn.

                   Một đời tuy huyễn mộng,

                  Ân đức tràn muôn phương.

Hôm nay nhân kỷ niệm 700 năm ngày giỗ Tổ, tôi thật hết lòng hổ thẹn, xin sám hối những suy nghĩ nông cạn của mình. Cầu mong chư Phật gia hộ hoài bão của Thầy sẽ được đàn con tiếp tục thành tựu một cách đúng đắn, rõ ràng minh bạch và cầu nguyện pháp giới chúng sanh đều có đủ nhân duyên phát khởi tính Phật trong chính mình.

[ Quay lại ]