headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

NON YÊN GỢI NHỚ

 Hạnh Diệu 

Ra Bắc khá nhiều lần nhưng tôi vẫn chưa có dịp leo đến đỉnh núi Yên Tử, chiêm bái chùa Đồng. Mỗi lần nhìn thấy tấm bảng “Trăm năm tích đức tu hành, chưa lên Yên Tử chưa thành quả tu”, tôi luôn ấm ức vì cảm thấy có lỗi. Đã đến chùa Lân rồi mà không lên tới chùa Đồng thì thật là chưa viên thành công quả. Chốn Tổ thật gần mà chưa có duyên đặt chân đến, đúng là gần trong gang tấc mà xa nghìn trùng.

Trái cây chín muồi rồi có lúc cũng phải rụng chứ! Ra Bắc lần đó, không định trước mà lại có chút duyên tháp tùng cùng vài vị Phật tử Hà Nội hành hương Yên Tử. Sự đời nghĩ ra thật bất công, mình khao khát chỉ một lần lên đến đỉnh non Yên thì cũng tạm gọi là hữu duyên, là kỳ tích rồi. Vậy mà hỏi ra mới biết những vị đi cùng ai cũng đến đây hơn mười lần. Ôi! Tủi thân tủi phận mình thật hẩm hiu, vì chưa chắc trong đời lại có dịp tái ngộ chốn này. Nhưng cũng không sao, có khi “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, còn “vô duyên đối diện bất tương phùng”. Tôi tin chắc mình không đến đỗi vô duyên với chư Tổ Trúc Lâm, bằng chứng là ngay khi đặt chân lên non Yên, mỗi bước chân đi cảm xúc cứ dâng tràn, cảnh vật như có gì thân quen.

Qua chùa Giải Oan một đỗi, cạnh dốc Voi Quỳ là vườn tháp Hòn Ngọc. Trên gò có tám ngôi tháp đá và gạch. Ba ngọn tháp đá cao ba tầng. Một ngọn có niên đại Cảnh Hưng thứ mười chín(1758), tháp Chân Bảo (1770), tháp Tịnh Trú(1863). Khu vườn tháp này là mộ phần chư tăng ni tu hành và chết tại đây từ đời Hậu Lê đến thời Nguyễn.

Cao hơn khu tháp Hòn Ngọc là vườn Tháp Tổ, ẩn hiện dưới những cội thông già uy nghiêm trầm mặc, bất động trước thời gian. Chính giữa khu tháp là ngọn tháp lớn Huệ Quang Kim Tháp, nơi thờ tro cốt của Điều Ngự Giác Hoàng, trải qua bao thăng trầm vẫn bền gan trước nắng, mưa, sương, gió. Trên đỉnh tháp là một búp sen với những nét chạm trổ đơn giản nhưng trang nhã. Đây là bình đựng nước cam lồ, bảy trăm năm qua vẫn mãi tuôn chảy, tưới mát thấm đậm lòng người con Phật.

Quay quần quanh Kim Tháp có bốn mươi lăm ngọn tháp. Mỗi tháp đang lưu giữ hài cốt của một vị sư tu hành. Minh chứng cho đời sau biết rõ trước đây đã có một đội ngũ Tăng sĩ, trong đó có không ít bậc cao tăng tu hành đắc đạo và viên tịch nơi đây. Không chỉ vào đời Trần mà tiếp diễn cho tới đời Nguyễn. Có thể trên khắp nước Việt nam chưa có nơi nào có nhiều mộ tháp như ngọn núi này. Tổng cộng có hàng trăm ngôi lớn nhỏ.

Đứng tần ngần trước tôn tượng Sơ Tổ bằng đá cẩm thạch đang ngồi xếp bằng tọa thiền, nước mắt chực tuôn tràn, tôi thầm nghĩ chắc thời đó mình cũng đã từng làm trùng dế nơi núi này, nên nay về lại chốn xưa lòng không khỏi bồi hồi. Thoáng một chút bâng khuâng như loài hoa dại đứng trước chư tiền bối hoa hồng, hoa lan thượng lưu quý phái, lòng ngậm ngùi cho kiếp luân hồi trôi nổi.

Lần theo con đường dẫn lên chùa Cả, tức chùa Vân Yên. Ngôi chùa này đúng như cái tên của nó quanh năm khói mây bay lượn trên mái chùa. Về sau vua Lê Thánh Tông đi vãn cảnh thấy hoa cỏ nơi đây tươi tốt, xinh đẹp nên đổi thành chùa Hoa Yên. Dù Hoa Yên hay Vân Yên, cái tên đó cũng gợi cho mọi người hình ảnh một ngôi chùa nằm bên sườn núi, chung quanh hoa lá xinh tươi, mây khói giăng mờ, cảnh đẹp nên thơ, thiên nhiên kỳ thú như cõi non bồng trần thế.

Tuy chùa đã được xây dựng lại khoảng một trăm năm nay, không còn giữ được nét cổ thời Trần, nhưng không vì thế làm mất đi vẻ cổ kính tôn nghiêm. Tượng Sơ Tổ bằng đồng đặt ở hậu viện, gương mặt ung dung thanh thản, vui vẻ ngắm nhìn hàng lượt con cháu vãng lai, như muốn tìm ra những mầm non điểm tô cho rừng thiền Trúc Lâm. Dù thời gian có trải dài bao lâu, tâm huyết đó mãi mãi không phai mờ trong trái tim luôn muốn nối thịnh dòng Phật của Ngài.

Chùa Hoa Yên và các chùa chung quanh tạo nên quần thể kiến trúc chính của núi Yên Tử: Viện Phù Đồ, nhà dưỡng tăng, nhà khách, chùa Thiền Định, chùa Một Mái, chùa Phổ Đà… Nơi đây, một thời hưng thịnh đã có rất nhiều người đến tu học. Khi Tam tổ Huyền Quang trụ trì chùa Vân Yên, vì mến đức độ cũng như sự uyên bác của Ngài, tăng ni theo học khoảng một ngàn người. Chính trong thời gian này Ngài đã sáng tác bài phú Vịnh Vân Yên Tự.

Qua khỏi chùa một mái, theo đường băng ngang sườn núi là đến am Thung, am Dược là nơi những vị tăng am hiểu về cây thuốc, sưu tầm dược liệu quý trong núi bào chế thành thuốc trị bệnh cho tăng ni trong sơn môn và mang xuống núi cứu giúp bá tánh. Thời đó chùa Quỳnh Lâm là trọng điểm hoằng pháp, cũng là nơi bào chế thuốc, dưỡng lão và điều trị bệnh cho tăng sĩ. Hiện nay tại chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang còn lưu trữ các quyển sách thuốc Đông Nam dược rất quý của dòng thiền Trúc Lâm.

Chùa Bảo Sái hiện ra ở một vị trí khá cheo leo, chùa vẫn còn ba ngôi tháp và ba pho tượng Trúc Lâm Tam Tổ được thờ trong cái am có mái che bằng đá. Tượng rỗng ruột, trong lòng tượng có khắc tên và hiệu của từng vị Tổ. Điều bất ngờ là sau chùa còn có am Ngộ Ngữ, mái là vách đá thiên nhiên, trong am có những phiến đá dùng làm bàn ghế, là nơi xưa kia Sơ Tổ Trúc Lâm giảng pháp cho đệ tử. Hình ảnh này gợi lại trong tôi bóng dáng hao gầy của vị Thiền sư thông tuệ, đang ngồi đó chỉ bảo cặn kẽ từng câu kinh lời kệ và đối diện là các đệ tử chăm chú lắng nghe, uống từng dòng sữa pháp ngọt dịu, chuyển tâm khai ngộ. Bất chợt tôi lại liên tưởng đến Hòa thượng ân sư, người cũng đã từng vì hàng môn đồ không từ khổ nhọc, đắng miệng khô môi, chỉ lối đưa đường. Xưa và nay, không gian thời gian có khác nhưng tâm nguyện một đời vẫn bền vững như nhau.

Cách Bảo Sái không xa là am Vân Tiêu. Am xưa đã bị cháy rụi, chỉ còn nền gạch và bệ thờ chơ vơ bên gốc thông già cháy dở. Trước am còn sáu ngọn tháp đá và gạch. Núi Yên Tử có điểm khá đặc biệt là những nơi có chùa am là có thông tùng. Ngoài việc người xưa thích trồng thông tùng, có lẽ cũng muốn đánh dấu giúp mọi người định hướng. Bởi giữa núi rừng mênh mông trùng điệp, việc định vị phương hướng vô cùng quan trọng, không khác ngọn hải đăng dẫn lối cho tàu thuyền về bến. Chính chúng tôi lúc đi lạc cũng đã tìm hướng những cây thông già mà bước tới, mới tìm được lối ra. Am Vân Tiêu nay chỉ là một phế tích điêu tàn, nhưng muôn đời sau vẫn không quên vị đại đệ tử của Điều Ngự Giác Hoàng là thiền sư Bảo Sát.

Sư đã từng là thị giả Tổ, được thương yêu và gần gũi. Lúc Tổ đuổi hết các đệ tử xuống núi hoằng pháp, chỉ còn lại một mình Sư. Tổ đi thăm viếng các hang động trên núi Yên Tử cũng chỉ có Sư cận kề. Khi Sơ Tổ sắp tịch, Sư đang ở am Vân Tiêu. Tổ bảo thị giả Pháp Không gọi Sư về gấp. Khi Sư đến Ngọa Vân Am, Tổ mỉm cười bảo: “Ta sắp đi đây, ngươi sao đến trễ vậy? Đối với Phật pháp, có chỗ nào chưa rõ ngươi hãy hỏi mau”. Giây phút cuối cùng, sắp giã biệt cõi trần, Tổ vẫn muốn gặp người đệ tử lớn của mình, chứng tỏ sự ưu ái của Ngài đối với Sư, đủ biết vị trí của Sư trong lòng Tổ không nhỏ.

Trước khi Sơ Tổ thu nhận ngài Pháp Loa, Tổ đã có nhiều đệ tử lớn xuất sắc. Thiền sư Bảo Sát, Bảo Phác, là một điển hình. Thiền sư Bảo Phác đã từng là thầy tế độ của ngài Huyền Quang, công chúa Huyền Trân. Có nơi cho ngài Huyền Quang xuất gia với ngài Pháp Loa, điều này không hợp lý vì ngài Pháp Loa chỉ xuất gia trước có một năm, làm sao đủ tư cách cạo tóc cho Sư. Sau khi Sơ Tổ tịch, thiền sư Bảo Phác về ở ẩn trên núi Vũ Ninh, rồi được vua Trần Anh Tông phong làm quốc sư. Một người được những nhân vật lớn, tiếng tăm tôn kính làm thầy, cũng đủ nói lên trình độ tâm chứng, đạo đức hết sức cao thâm.

Vậy tại sao Sơ Tổ không truyền y bát cho một trong các đồ đệ lớn mà lại truyền cho ngài Pháp Loa, một người còn non trẻ chỉ mới vào đạo bốn năm với hai mươi lăm tuổi đời? Hiểu trò không ai hơn người thầy. Khi Sơ Tổ gặp ngài Pháp Loa ở Nam Sách, thấy người này có đạo nhãn, sau ắt là pháp khí nên cho xuất gia, thọ giới. Biết ngài Pháp Loa là một nhân tài có thể đặt kỳ vọng, nên Tổ cho đi tham học với nhiều thiền sư danh tiếng, sau cho về hầu hạ một bên và được ấn khả.

Những năm ngài Pháp Loa ở cạnh, Sơ Tổ biết Sư ngộ tính rất cao, tuy mới vào đạo nhưng đã biết việc nhà mình, có thể gánh vác việc lớn, nên Tổ đặc cách giáo dưỡng. Có lẽ Tổ biết tuổi thọ mình không dài nên đã dồn sức đào tạo người kế thừa, nối nắm mạng mạch của dòng thiền Trúc Lâm vừa mới khởi đầu.

Vì tính kế lâu dài, nên Tổ phải tìm một người giác ngộ, có đạo đức thâm sâu, lại có đủ bản lãnh, năng lực để lãnh đạo Tăng đoàn, hoằng dương Phật pháp. Có thể các đệ tử lớn có rất nhiều ưu điểm nhưng thiếu tài tổ chức tăng sự. Một phái thiền vừa mới thành lập rất cần một nhân tài có khả năng lãnh đạo quần chúng. Ngài Pháp Loa hội đủ các điều kiện trên, nên Tổ chọn làm người tiếp nối.

Không thể nói Tổ vội vã trong việc trao truyền cả sự nghiệp Trúc Lâm Yên Tử cho ngài Pháp Loa, một người chỉ mới theo Tổ tu học vỏn vẹn bốn năm, mà phải nói là ngài Pháp Loa đã quá siêu xuất. Tuổi trẻ nhưng tài cao, đức trọng. Nhìn vào sự nghiệp đạo pháp của tổ Pháp Loa, ta thấy Giác Hoàng có cái nhìn thấu đáo, xuyên suốt và chọn đúng người.

Nhất là sau khi Sơ Tổ viên tịch, Ngài đã lập thêm rất nhiều chùa tháp. Phong trào học Phật lan rộng, số người xuất gia, phật tử quy y tăng lên thật nhanh. Nhiều người trong giới quyền quý theo Ngài xuất gia, quy y. Nhưng công trình đáng kể nhất là việc ấn hành Đại Tạng Kinh, một công việc có tầm cỡ quy mô lớn, tiêu tốn rất nhiều thời gian, nhân lực và tài lực, dĩ nhiên là phải dựa vào sự trợ giúp của triều đình mới thực hiện được. Cả hai lần khắc bản gỗ và in Đại Tạng Kinh, Ngài đều ủy thác cho thiền sư Bảo Sát và Bảo Phác điều hành.

Với một người chỉ sống ngắn ngủi có bốn mươi bảy tuổi đời, hai mươi sáu tuổi đạo, mà đã làm được ngần ấy phật sự thì đủ thấy năng lực siêu phàm của ngài Pháp Loa. Sơ Tổ quả đã có con mắt tinh vi, không nhìn lầm người.

Chẳng những Sơ Tổ lo cho đời thứ hai mà lo luôn cả người kế tiếp làm tổ thứ ba. Vì vậy khi Tổ gặp ngài Huyền Quang theo thiền sư Bảo Phác đến chùa Siêu Loại dự buổi lễ ngài Pháp Loa được lập làm giảng sư. Gặp lại ngài Huyền Quang trong hình thái tăng sĩ, Tổ rất mừng. Vì biết rõ văn tài bác học của Ngài, nên Tổ nói với thiền sư Bảo Phác cho theo hầu và phụ tá Tổ.

Tổ bảo ngài Huyền Quang biên soạn những quyển sách thực dụng, để lưu hành phổ biến trong giáo hội Trúc Lâm. Và Ngài cũng từng ngợi khen: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn hiệu khảo rồi thì không thể thêm bớt một chữ nào nữa”. Như vậy chứng thực Tổ muốn đào tạo và tuyển dụng người tài đức để truyền đăng tục diệm, phụng sự đạo pháp. Nên cũng đặc biệt dặn dò ngài Huyền Quang về sau phải phụ tá Nhị tổ Pháp Loa. Tấm lòng vì đạo vì thiền của Sơ Tổ Trúc Lâm bao la chất ngất, khiến hàng hậu bối chúng con không khỏi hổ thẹn vì sự kém cỏi, thiếu sót của mình.

Nhìn lại đoạn đường núi mình đã đi qua, tôi mới biết tại sao chư Tổ đã lấy tên Trúc Lâm để đặt cho dòng phái thiền. Trúc tượng trưng cho đức tính cao khiết, thanh nhã, tài đức của quân tử. Nó không đứng một mình mà mọc cộng đồng, tựa vào nhau vươn thẳng. Nhỏ thì gọi khóm trúc, lớn thì là rừng trúc. Rừng trúc Yên Tử mọc dày, lá xanh rậm rạp phủ quanh các mái chùa, tháp và lối đi.

Núi này còn có một loại trúc vàng đậm, các đốt chỗ nhặt chỗ thưa, gốc rễ dày và xoắn trồi trên mặt đất, uốn cong như đầu rồng. Quý thầy Trúc Lâm Phụng Hoàng đã mang giống trúc này về trồng ở núi Phụng Hoàng, nguyện vọng mang sức sống tràn trề, mãnh liệt, dẻo dai của rừng trúc Yên Tử, tái sinh trên đỉnh núi Phụng Hoàng. Như ước nguyện của Sơ Tổ không phải chỉ có một cây trúc đơn lẻ mà phải nhân ra, trải rộng dài, bao thế hệ tiếp nối truyền trao, trùng điệp như rừng trúc xanh rờn, mạnh mẽ trên non Yên.

Đến tượng An Kỳ Sinh, tôi lại một phen thán phục thiên nhiên đã khéo phối hợp với con người tạo nên tuồng tích. Người ở đâu mà tượng đá bao đời vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Biết bao lượt khách đến đi, đá vẫn là đá còn hồn linh ở phương nào hay vẫn còn đang luyện thuốc trường sinh. Truyền thuyết thật hay hư mà ngọn núi này lại có tên là Yên Tử? Đây vẫn là ẩn số chưa giải. Nhưng giải làm gì để mất đi tính ảo diệu của ngọn núi thiêng, đã từng làm tăng gia vị tâm linh cho bao mảnh đời khốn khổ.

Qua khỏi tượng An Kỳ Sinh, sắp đến chùa Đồng, leo qua những tảng đá lớn khá trơn tuột. Lác đác đó đây trong một số hốc đá còn có vỏ hà vỏ sò. Tôi có cảm giác đang bước đi trên bãi đá ở bờ biển chứ không phải leo núi. Lòng chợt thương cảm, biết đâu hàng triệu năm về trước, nơi đây là biển cả, hàng triệu năm về sau, nó cũng lại trở về với biển. Trong cuộc bể dâu, thương hải tang điền là lẽ thường thôi. Giống như trên đường sanh tử hạt vàng nắm cát, có khi làm trời, người, có lúc bất giác chui vào đãy da chịu kiếp khổ ngựa trâu, đôi khi còn tệ hơn nữa. Ôâi! Đường sinh tử thật vất vả, gian truân, không đáng ngán sao?

Đến chùa Đồng, khói hương quyện tỏa với mây mù nắng sớm, tạo ra một cảnh tượng kỳ ảo nửa thật nửa hư. Một sức sống tâm linh vô cùng mãnh liệt, hóa thành cõi thiêng giữa trần thế. Cảnh cũ người nay tâm tâm hòa hợp, đạo lý thâm trầm trong mỗi sát na vắng lặng, tương thông nơi mỗi ngọn cỏ hương rừng. Văng vẳng đâu đây vẫn còn khúc nhạc điệu cũ lời xưa, thoảng trong không có tiếng cười khì vỡ tan trời đất. Tôi có cảm giác như đang sống lại một thời vàng son rực rỡ của Phật giáo Trần triều.

Nhìn hai ngôi chùa một cũ một mới trên đỉnh núi mù sương, như chứng nhân của hai khoảng thời gian quá khứ, hiện tại hòa quyện đan xen. Không có gốc rễ quá khứ thì cành lá hiện tại làm gì phát mầm nảy lộc? Nắm lấy thành quả hiện tại ai dám quên cội nguồn xa xưa. Trái với di chí Tổ xưa“phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” hướng ngoại tìm cầu, chính là quên mất cội rễ. Trong số người có mặt hôm ấy, được mấy người bước theo lối cũ tìm lại gốc xưa, để không làm người khách tha hương hưởng của hương quả mà chẳng biết cha ông là ai, hành trạng thế nào! Từ giã chùa Đồng với chút luyến lưu bồi hồi chúng tôi xuống núi. Yên Tử đã cho tôi câu trả lời xác thực: chư Tổ ngày xưa lên non tu hành không phải để tránh đời, mà là mượn cảnh thanh vắng dồn sức chuyên ròng một việc trong một thời gian, rồi xuống núi nhập thế, tùy duyên hành đạo độ đời. Quốc sư Phù Vân đã từng khuyên vua Trầân Thái Tông, khi vua định bỏ ngai vàng vào núi tìm học Phật pháp, giải quyết việc lớn sanh tử: “Trong núi không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là chân Phật. Nay bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài”.

Sơ Tổ Trúc Lâm, khi chuyên tu thì Ngài lên núi cao, ít người lai vãng để chuyên tâm tu tập. Lúc xuống núi thì Ngài lập chùa giảng pháp độ Tăng Ni, đi khắp nơi khuyên người dẹp bỏ dâm từ, tu thập thiện. Thậm chí Ngài còn đi sang Chiêm Thành nghiên cứu Phật giáo xứ người và để giữ sự giao hảo giữa hai nước, tránh chiến tranh giết chóc, thiết lập nền hòa bình để hàn gắn vết thương lịch sử giữa Chiêm Việt, Ngài đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân.

Lập trường của Sơ Tổ Trúc Lâm rất rõ ràng, làm việc gì ra việc đó, đời đạo phân minh. Sống nơi thế gian Ngài làm tròn trách vụ một đấng minh quân lo gìn giữ và xây dựng đất nước. Xuất gia hành đạo, Ngài đã tự thân trải nghiệm, chứng đắc lý thiền rồi đem chân lý đó truyền trao cho hàng hậu bối. Điểm khá lạ là các vua ông, cha, thậm chí thầy Ngài là Tuệ Trung Thượng sĩ đều thâm ngộ, thiền đắc trong vai trò cư sĩ. Chính Ngài trước khi xuất gia cũng đã “ở đời vui đạo” rồi, như vậy đâu cần phải xuất gia khổ hạnh? Lý do rất đơn giản, người cư sĩ dù kiệt xuất đến đâu cũng chỉ đạt được phần tự lợi còn lợi tha chưa được trọn vẹn. Muốn cho sức chảy của dòng thiền Trúc Lâm lan xa trải rộng, chỉ có vai trò tu sĩ mới đủ tư cách truyền đăng tục diệm. Vì nguyện vọng lớn lao đó, Ngài đã xuất gia làm tăng.

Sau khi xuất gia, Ngài lại làm thêm một cuộc cách mạng chứng tỏ tinh thần dứt khoát giữa đạo và đời là tu khổ hạnh: trên bờ không đi ngựa, dưới nước không đi thuyền rồng, mặc thì dùng giấy sồi vó vá, ăn thì chẳng quản bữa đói bữa no, chỉ một bề dốc chí tu hành, an thiền tiêu sái. Do đó Ngài lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà tức là tinh thần tu khổ hạnh như đám mây thơm bảng lảng trên bầu trời đức hạnh. Thân làm vua, bỏ vinh hoa phú quý đi xuất gia đã là một việc kỳ vĩ, xuất gia rồi từ bỏ mọi vật chất phù hoa tu khổ hạnh nữa thì quả là bậc dũng mãnh phi thường. Hình ảnh đó là tấm gương sáng, khiến hàng vãn sinh hậu bối không dám khởi niệm buông lung, hưởng thụ vật chất xa hoa.

Theo thiển ý của tôi còn một lý do sâu kín nữa mà khi đọc kỹ hai bài Cư Trần Lạc Đạo và Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca ta sẽ thấy, dù ở tại gia có thể giác ngộ tu chứng, vui với đạo nhưng gia duyên lắm nhiều phiền toái ràng buộc, không thể chuyên tâm nhất trí, khó có cơ hội tiến xa hơn. Người xuất gia cắt đứt mọi duyên trần, sống nơi núi rừng chỉ một bề thanh nhàn vô sự mới dễ dàng hát “khúc ca chứng đạo”. Tâm tình này đã được Ngài thố lộ “Trần duyên rũ hết, thị phi chẳng hề, rèn một tấm lòng, đêm ngày đon đả”.

So sánh giữa hai bài phú, ca ta thấy rõ, trong mười hội Cư Trần Lạc Đạo Tổ có cái nhìn hết sức thấu đáo, sâu sắc uyên thâm về đạo về thiền nhưng vẫn còn hơi hám lý giải. Đến Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca thì hoàn toàn xa lìa tri giải. Một sức sống mãnh liệt phát xuất từ tâm nhàn, ứng lý trong sự, lý sự viên dung - Thanh nhàn vô sự, quét tước đài hoa, thờ phụng bụt trời, đêm ngày hương hỏa - Gia phong của Ngài là một mảnh nhàn điền địa, bao nhiêu kinh điển đều quên sạch hết, chỉ nhớ trong đầu một chữ “Như” thôi .

Bởi thấy muôn việc đều không, nên Ngài mới vui sống đời thanh bần giữa núi rừng hoang vắng. Kết quả hết sức mỹ mãn: Ngài thấy rõ ràng trước mắt Pháp thân thường trụ, viên dung đầy khắp hư không. Những gì Thiền tông chỉ dạy về lẽ đạo, Ngài đã mục kích hiện tiền. Thành tựu lớn lao này phần lớn là nhờ náu mình nơi sơn dã, buông hết muôn duyên, rảnh rang vô sự. Bởi vậy Ngài mới tuyên bố mạnh mẽ: “Hai chữ thanh nhàn quý hơn muôn nén vàng ròng”.

Hình ảnh vua Trần Nhân Tông, một sự kiện phi thường trong lịch sử Việt Nam. Câu chuyện một ông vua anh hùng, hai lần cùng quân dân đánh tan giặc Nguyên Mông. Ở vị trí đứng trên muôn người, quyền uy phú quý tột bậc mà không màng danh lợi, từ bỏ ngai vàng xuất gia tu chứng giải thoát, hóa độ quần sinh được đánh giá là một nhân vật huyền thoại siêu quần trong lịch sử đất nước và Phật giáo Việt Nam.

Đương thời cả một góc đất nước là vùng trầm tích văn hóa Phật giáo đời Trần, nối liền trải dài: Núi Yên Tử, Côn Sơn Kiếp Bạc, chùa Quỳnh Lâm, Ngọa Vân Am, chùa Hồ Thiên, bãi Đá Chồng… Những nơi chư Tổ đặt chân lưu trú toàn là vị trí đắc địa, núi rừng thâm u trùng điệp, rồng chầu hổ phục, khí thiêng hun đúc. Những giá trị văn hóa tâm linh các Ngài để lại, không chỉ ảnh hưởng trong một giai đoạn lịch sử mà sống mãi trong lòng dân tộc muôn đời.

Bảy trăm năm qua, Yên Tử vẫn mãi là đất địa linh. Linh vì có hồn thiêng của Tam Tổ Trúc Lâm và đường lối của dòng Thiền Trúc Lâm hướng nội tu hành, không câu nệ hình thức, đạo có trong thực tế đời thường, không tìm kiếm đâu xa, giải thoát hiện tại ngay khi còn mang thân xác bọt huyễn này. Nhà nhà đều có thể tu Phật, người người đều có thể giác ngộ, không cần phải lên non vào núi.

[ Quay lại ]