headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

BUÔNG CHỖ DUYÊN

ThayTrucLam6Do tâm con người cứ đuổi theo duyên bên ngoài, nhớ cảnh nhớ đối tượng, tâm luôn bám víu nên quên mất thực tại. Bây giờ khéo buông những chỗ tâm duyên theo đó thì sống trở về thực tại. Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy: "Những người tu hành chẳng thể thành tựu được Vô thượng Bồ-đề, cho đến thành Thanh văn, Duyên giác hay làm quyến thuộc của ma, là đều do không biết được hai thứ căn bản, nên tu học lầm lộn.

Thứ nhất là căn bản sanh tử từ vô thủy đến nay, tức các ông cùng chúng sinh dùng tâm phan duyên làm tự tánh. Thứ hai là thể Bồ-đề Niết-bàn thanh tịnh sẵn có từ vô thủy, là thức tinh nguyên minh hay sanh ra các duyên mà bị các duyên bỏ sót. Do chúng sinh bỏ sót cái sáng suốt sẵn có nên trọn ngày tu hành mà không tự giác được".

Cái biết nguyên vẹn, sáng ngời (thức tinh nguyên minh) hay sanh các duyên tức là nó biết cái này, biết cái kia, biết đủ thứ hết. Nhưng khi nó biết cái nào rồi thì nó chỉ nhớ cái đó thôi, mà quên mất chính nó gọi là các duyên bỏ sót. Cũng như nó biết bình hoa thì nó chỉ nhớ bình hoa mà quên mất chính nó, tức bị các duyên bỏ sót. Cho nên, tu hành trọn ngày mà không có giác ngộ. Bây giờ chúng ta khéo tu chỉ chuyển lại, nó biết cái này, biết cái kia, biết tất cả hết, nhưng không bỏ sót chính nó. Chúng ta học thiền, chỉ khéo buông những chỗ duyên đó, luôn luôn nhớ lại chính nó để nhận trở lại cái "gốc biết". Như vậy, chúng ta cũng thấy nghe, hiểu, biết rõ ràng nhưng luôn luôn sáng ngời, đó gọi là trở về nguồn, sống với thực tại. Ngược lại, chúng ta sống mà đánh mất chính mình gọi là sống mà giống như chết, sống thiếu chủ.

Hằng ngày chúng ta sống là ai sống? Mình sống, nhưng hỏi cái gì là mình thì không biết, đó gọi là sống thiếu hồn. Có vị thầy Tây Tạng, khi qua Tây phương thấy trong nghĩa địa có những ngôi mộ xây cho người chết rất khang trang, tốt đẹp. Vị thầy Tây Tạng mới nói với những người đi theo: "Ở đây người ta xây những ngôi nhà rất tốt đẹp cho những xác chết. Rồi cũng xây những ngôi nhà rất sang trọng cho những xác sống". Qua đây vị thầy Tây Tạng muốn nhắn nhủ cho chúng ta điều gì? Ngoài nghĩa địa là những xác chết, còn đây là những xác sống. Tức là những người còn sống mà thiếu đi cái hồn thì giống như xác, cái xác biết đi, biết đứng, biết cử động, tới lui nhưng thiếu cái hồn nên gọi là xác sống. Như vậy nếu có mặt ngay chỗ đó, nghe vậy chúng ta thấy cũng hổ thẹn. Vì chúng ta sống mà giống như những cái xác biết cử động, biết tới lui nhưng thiếu cái hồn. Vậy chúng ta phải sống sao để thật sự gọi là có hồn, nếu không thì là những xác sống. Chúng ta sống có chủ thì cuộc sống mới sinh động đầy đủ ý nghĩa sống.

Có người phê bình đạo Phật là chán đời nói cái gì cũng vô thường, giả dối không thật. Đó là vì người nghiên cứu chưa tới, chỉ thấy trên lý thuyết Phật nói mọi thứ là giả nhưng không thấy được cái chân thật mà Phật muốn chỉ bày cho con người. Sống với cái chân thật đó mới thấy đời sống chúng ta có giá trị, nếu không thì cuộc đời này vô vị lắm. Người tu mà hiểu đúng ý nghĩa Phật pháp thì rất vui vẻ tươi sáng. Hình ảnh các vị Bồ-tát như Bồ-tát Quán Âm, Bồ-tát Văn Thù, Bồ-tát Phổ Hiền các ngài đâu có buồn. Nghi dung các ngài rất trang nghiêm thanh tịnh ai nhìn vào cũng muốn phát tâm tu theo. Do đó, chúng ta tu Phật phải biết được giá trị của Phật pháp, dạy con người khéo sống trở về ý nghĩa chân thật, đừng tìm kiếm xa xôi.

Tổ Lâm Tế khai thị cho học nhân như sau: "Người học hiện nay chẳng nhận được, là bệnh ở chỗ nào? Bệnh ở chỗ chẳng tự tin. Nếu các ông tự tin chẳng kịp, liền lăng xăng theo tất cả cảnh chuyển, bị muôn cảnh khác chi phối chẳng được tự do. Còn nếu các ông hay thôi những niệm rong ruổi, thì liền cùng Phật Tổ không khác". Chúng ta cũng luôn đang đi tìm tâm phải không? Nếu là tâm mình thì sao lại đi tìm? Vậy ai đi tìm? Đó gọi là đem tâm đi tìm tâm. Như Diễn-nhã-đạt-đa ôm đầu mà chạy la lên tôi mất đầu rồi, giống như người điên. Vậy thì chúng ta có làm chuyện này không? Nếu không điên thì khỏi đi tìm. Nhiều khi chúng ta thấy người khác làm giống như chuyện điên, nhưng kiểm lại không ngờ mình cũng điên theo. Tâm chúng ta do mê lâu đời quá nên quên, bây giờ lại đem tâm đi tìm tâm. Đến khi tỉnh trở lại, mới thấy chúng ta xưa nay đầy đủ hết, đâu có thiếu gì.

Ngài Lâm Tế nhắc thêm: "Các ông muốn biết được Phật Tổ chăng, chỉ là người đang nghe pháp ở trước mặt ông đó. Người học tin chẳng kịp liền hướng ra ngoài chạy tìm kiếm, dù cho tìm kiếm được đều là tướng thù thắng của văn tự, trọn chẳng được ý Tổ sống". Ngài Lâm Tế nhắc chúng ta muốn biết được lẽ thật cùng Phật Tổ không khác, thì chính là "người đang nghe pháp ở trước mặt" thôi. Chính đó là lẽ thật. Phật Tổ giác ngộ cũng giác ngộ ngay chỗ đó, không đâu khác. Do người học tin chẳng kịp, mới hướng ra ngoài chạy tìm kiếm, lo học Phật, học Bồ-tát, tìm thấy Phật, Bồ-tát v.v... nhưng học được những cái đó là Phật, Bồ-tát gì? Phật, Bồ-tát trong kinh điển, trong sách vở; học Phật trong kinh Kim Cang, kinh Pháp Hoa. Còn Phật, Bồ-tát sống là đang ngồi nghe đây. Chúng ta có giải nghĩa được Phật, Bồ-tát thế này thế kia cũng là tướng thù thắng của văn tự. Như Phật là giác, giác gồm có tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Bồ-tát là hữu tình giác, vừa giác cho mình rồi giác hữu tình, là giác cho người. Giải thích rất hay nhưng hỏi Phật, Bồ-tát ở đâu thì không biết.

Có lần Quốc sư Huệ Trung nói chuyện với một pháp sư thời Đường, là Cung Phụng Tử Lân.

Quốc sư hỏi:

- Phật nghĩa là gì?

Ông giải thích:

- Phật nghĩa là giác.

Ngài hỏi lại:

- Vậy Phật có từng mê hay không?

Ông đáp:

- Chẳng từng mê.

Quốc sư Huệ Trung gạn lại:

- Vậy thì dùng giác để làm gì?

Ông trả lời không được.

Như vậy, vị pháp sư chỉ hiểu trên văn tự, nên chưa thấy Phật. Đó là muốn nhắc cho những người học Phật, phải học sao cho thấu được ý nghĩa sống của Phật, chứ không phải chỉ học trên văn tự. Phật chẳng từng mê, vậy dùng giác để làm gì? Nếu người khéo thì cũng có câu trả lời: do chúng sinh mê nên dùng giác để giác ngộ cho chúng sinh. Chúng ta học Phật là học đến những cái gọi là Phật pháp sống, chứ không phải chỉ học trong văn tự, chữ nghĩa.
 

[ Quay lại ]