headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 21/09/2024 - Ngày 19 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THƯỜNG TẠO NGHIỆP LÀNH

ThayTrucLam3Chúng ta muốn vui thì phải tạo nghiệp tương ứng với mong muốn quả vui của mình, tức thường tạo nghiệp lành, tránh nghiệp ác, nghiệp dữ làm khổ người, khổ vật. Muốn vui mà làm khổ người, khổ vật tức là tạo cái nhân khổ, mà tạo nhân khổ thì quả khổ đến chứ làm sao vui được? Trái lại, cái nhân đau khổ không có thì cái quả đau khổ đâu thể đến! Không nhân thì làm sao có quả. Đó là điều thực tế.

Người tu đúng theo chánh pháp Phật dạy là phải thực hành đúng với lý nhân quả thì mới thật sự được an vui. Nhờ tránh không tạo nhân đau khổ nên không có quả đau khổ; và đâu bị lo sợ, đâu bị ray rức hay là mặc cảm tội lỗi. Vì trong lòng chúng ta lúc nào cũng thường nghĩ đến việc lành, việc tốt thì làm sao có buồn, có khổ được! Và cũng đâu có lo sợ ai trả thù trả oán, thì tự vui thôi!

Được vậy rồi thì chúng ta cảm thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản, khi nghĩ đến quả báo việc làm của mình thì tâm không lo lắng, đó là nhân lành, nhân tốt. Như vậy, tuy chúng ta tu chưa được giải thoát, mà chưa giải thoát là còn đi trong luân hồi thì nhờ có nghiệp lành này làm bạn đi cùng thì rất hay! Không phải là hạnh phúc hay sao? Trái lại làm nghiệp ác thì lo sợ ân hận, rồi đi trong luân hồi với những nghiệp ác theo làm bạn, đúng là khổ. Cho nên, kinh Diệu Pháp Thánh Niệm Xứ, Phật dạy bài kệ:

Các điều thiện đáng yêu,
Như cha và như mẹ.
Thiện đẹp thân an ổn,
Hay lìa sự tranh cãi.
Thiện đẹp người trời vui,
Thiện đẹp thêm siêng gắng.
Thiện đẹp quyến thuộc đông,
Thiện đẹp khỏi tam đồ.
Thiện đẹp dứt các ác,
Thiện đẹp lìa phiền não.
Bỏ được các lỗi lầm,
Nên tu các điều thiện.

Phật dạy cần phải tu điều thiện, vì các điều thiện là các điều đáng yêu nên phải gần gũi coi điều thiện như cha, như mẹ vậy. Đó là con đường an vui, hạnh phúc. Cho nên làm điều thiện rồi thì thân được an ổn, không phải lo sợ ai trả oán trả thù, lại hay xa lìa sự tranh cãi hơn thua. Và làm được điều lành thì người, trời cũng vui theo, nhờ vậy thêm tinh tấn. Ra đường gặp bạn bè quyến thuộc đông vui, còn đi ra đường mà gặp người thù nghịch thì khổ. Rồi làm điều lành thì khỏi đọa tam đồ, tức là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; làm thiện đẹp thì dứt các nghiệp ác, lìa phiền não, bỏ được lỗi lầm nên an vui thật sự. Do đó, Đức Phật khuyên chúng ta nên tu các điều thiện.

Hiện tại, chúng ta tu học Phật là vẫn còn sống trong thiện ác, nếu thường tạo nghiệp thiện, tránh nghiệp ác là con đường an vui hơn cả. Đừng bao giờ nói bắn bổng là không thiện không ác, sau rồi phải ăn năn hối hận.

Trong kinh A-nan Vấn Sự Phật Kiết Hung (kinh Ngài A-nan thưa hỏi những điều lành, điều dữ), Phật dạy: “Người đắc đạo đều từ điều thiện sanh, dùng kinh giới để ngăn ngừa thân, miệng, ý. Thiện là áo giáp lớn chẳng sợ binh đao, thiện là thuyền to qua được sông sâu. Người nào gìn giữ được niềm tin vào điều thiện thì trong nhà hòa thuận, an vui, hiện đời vui vẻ, phước tự nhiên đến. Người làm lành, được quả báo tốt chẳng phải do thần, thánh nào ban cho.”

Phật dạy người được đắc đạo là do làm điều thiện, từ nghiệp lành sanh. Dùng kinh, dùng giới để ngăn ngừa ba nghiệp thân, khẩu, ý. Tức là chúng ta nghe kinh, nghe lời Phật dạy rồi giữ giới để thân không tạo nghiệp ác, miệng không nói lời ác và ý không nghĩ điều ác, gọi là ngăn ngừa thân miệng ý. Nên làm điều lành, điều tốt là áo giáp lớn bảo vệ an ổn, chẳng sợ binh đao.

Thiện là chiếc thuyền to đưa chúng ta qua sông lớn tránh được tai nạn nguy hiểm. Người nào gìn giữ được niềm tin với điều thiện thì trong nhà hòa thuận, an vui, rồi hiện đời được vui vẻ, phước tự nhiên đến. Người làm điều thiện, tạo nhân lành nhân tốt không cần cầu phước mà phước cũng đến. Còn làm điều ác mà cầu Phật ban phước cho mình, Phật cũng không ban nổi, bởi vì quả đi theo nhân.

Cho nên người làm điều lành thì được quả báo tốt, chẳng phải do thần thánh nào ban cho. Người thường làm điều lành, điều tốt thì tâm an, khỏi cần phải đi coi bói cũng biết được mình ra sao nữa. Nếu khi làm điều lành, điều tốt mà lỡ có một hai chuyện không vui, chuyện nghịch ý đến thì mình biết đó là do nghiệp cũ của mình thuở xưa đã tạo còn sót lại, trả hết rồi được nhẹ nhàng cũng khỏi cần đi coi bói. Đó là lẽ thật.

Phật dạy rõ ràng như vậy, nên chúng ta phải có niềm tin chắc chắn thì lòng luôn an ổn, gặp chuyện tốt thì cũng không quá tự hào, hoặc gặp chuyện xấu cũng không quá buồn khổ, lòng lúc nào cũng thanh thản, nhẹ nhàng thì an vui hạnh phúc.

Các bậc Thánh đều dạy mọi người tạo nghiệp lành, nghiệp tốt chứ không có bậc Thánh nào dạy người làm ác. Muốn an vui là thường tạo nghiệp lành, thích làm các việc công đức thì thâm tâm của mình tăng trưởng quả lành.

Trong Phát Bồ-đề Tâm có nói về Trực tâm, Thâm tâm và Đại bi tâm. Chúng ta thường thích làm điều lành, điều tốt đó là tự làm tăng trưởng thâm tâm. Thâm tâm tức là tâm sâu xa, đó là chỗ của bậc Thánh khen ngợi, là chỗ đi của bậc hiền. Lẽ thật đã rõ ràng như vậy rồi thì mỗi người phải tự xét kỹ thực hành để không phải chuốc lấy những ân hận về sau.

Rồi trong Nhập Bồ-tát Hạnh, Bồ-tát Tịch Thiên cũng dạy rằng: “Như trẻ con thích thú theo đuổi những trò chơi, ta nên sinh tâm đam mê, thích thú với việc lành không bao giờ chán”.

Chúng ta phải thích làm việc lành giống như trẻ con thích chơi những đồ chơi vậy. Trẻ con thấy đồ chơi liền thích, còn chúng ta cũng phải thấy thích điều lành. Hãy tập làm như vậy thì đời mình bảo đảm an vui, hễ thấy điều lành là muốn làm, chứ không phải thấy điều lành liền tránh. Phải tập cho được như vậy.

“Tất cả hành động con người cốt đạt đến hạnh phúc mà chắc gì đã được. Còn việc làm vừa tự lợi, lợi tha nhất định đem lại an vui, nếu không làm thì đâu có được niềm vui ấy”.

Ngài dạy tất cả hành động của con người nhằm mong cầu hạnh phúc, nhưng có cái được, cái không được. Bởi vì mình làm ác thì đâu thể có được an vui. Còn nếu mình vừa tự lợi, lợi tha tức là làm lợi mình, lợi người thì đó là việc làm tốt, nhất định sẽ đem lại an vui; và không làm điều lành thì cũng đâu có được niềm vui. Việc nhất định đem đến an vui mà không làm thì làm sao có được niềm vui ấy! Nên ở đây Ngài dạy rất thực tế.

Đó là điểm mà các ngài muốn nhắn nhủ cho tất cả chúng ta hiểu, rồi tập sống cho đúng theo chánh pháp là: Hãy xem nghiệp lành, nghiệp tốt, việc lành việc tốt giống như là cha, là mẹ thân yêu của mình, thấy là thích liền. Giống như những đứa bé thích đồ chơi, thấy đồ chơi là muốn chạy tới lấy liền. Cũng vậy, chúng ta thấy việc lành việc tốt là thích, muốn làm liền. Tập cho tâm làm như vậy thì bảo đảm là thường được an vui.

- TT. Thích Thông Phương -

[ Quay lại ]