headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 10/09/2024 - Ngày 8 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TRÁNH TẠO NHÂN ĐAU KHỔ

ThayTrucLam9 Một hôm, Đức Phật cùng các vị Tỳ-kheo đi khất thực nơi vùng nông thôn. Gặp đám trẻ đang bắt cua ở dưới ruộng rồi đem lên chơi trò cho chúng chạy đua với nhau, con nào thua thì bị phạt bẻ càng. Thử nghĩ nếu con nào thua chừng 10 lần thì bị bẻ hết càng và chân, khi con cua không thể bò được nữa thì chúng lấy chân giẫm đạp bỏ xuống ruộng. Những con thắng nó cũng bẻ càng bớt để chấp mấy con kia.

 Phật thấy trò chơi quá tàn nhẫn, mới kêu lại bảo: “Này các con! Thôi các con hãy dừng lại, đừng có chơi trò chơi như thế. Thí dụ như các con bị chặt cái chân, hay gãy cái tay thì các con có đau không? ” Chúng nó nói: “Dạ đau”. Phật bảo: “Con cua cũng vậy, nó bị các con bẻ gãy càng, gãy chân thì nó cũng đau như các con, các con có biết không?” Lũ trẻ nghe thế nó cũng cảm biết được việc làm không tốt của mình nên làm thinh, không trả lời.

Phật nói tiếp: “Con cua nó cũng biết ăn uống, nó cũng có cha mẹ, anh chị của nó như các con. Mà các con làm khổ con cua như thế, thì các con cũng sẽ làm khổ luôn cha mẹ và anh chị của nó. Cũng như mỗi khi các con đau ốm thì cha mẹ, hay là anh chị của các con cũng phải lo lắng buồn khổ. Con cua mà bị gãy chân đi không được, tức là nó không kiếm ăn được thì nó sẽ còn khổ gấp mấy lần nữa. Thôi thì các con đừng có chơi dại dột như thế nữa”. Bọn trẻ nghe đến đây thì tỏ vẻ hối hận.

Đức Phật khéo nhắc làm như vậy là làm khổ đau cho con cua, thì chúng ta cũng phải nhớ lại là chính mình cũng vậy. Có khi mình bị chặt cái chân, hay mình bị trầy da cũng thấy đau, vậy mà mình bẻ càng, bẻ cẳng con cua mà không thấy đau sao?

Có khi mình đau ốm thì cha mẹ, anh chị lo lắng thêm; con cua bị như vậy thì cha mẹ, anh chị của nó cũng có sự lo lắng cho nó chứ đâu khỏi được, nghĩ như vậy thì mình sẽ có sự cởi mở.

Lúc bấy giờ những người đi đường thấy lạ đứng lại xem rất đông, nhân cơ hội đó Đức Phật dạy thêm, tức là vừa dạy cho những đám trẻ này, vừa dạy cho người lớn.

Phật mới bảo: “Này các con! Chúng ta ai cũng muốn được sống an ổn và vui vẻ, thì các loài cầm thú nó cũng như vậy, chúng cũng muốn được sống an ổn và vui vẻ. Vậy chúng ta phải làm sao cho tất cả mọi loài đều được sống an lành và hạnh phúc, đó là công bằng. Chúng ta phải bảo vệ sự sống cho nhau, và đem niềm vui cho nhau”. Và Ngài nói câu này là câu mà chúng ta phải nên học kỹ, nhớ kỹ không quên là: “Nếu chúng ta không thể đem hạnh phúc đến cho kẻ khác, thì cũng nên cố tránh đừng gây thêm đau khổ”. Phật dạy thêm: “Tất cả loài vật dù lớn hay nhỏ, dù đi bằng hai chân, hay bơi lội dưới nước cũng đều có quyền sống an ổn và hạnh phúc. Chúng ta không nên sát hại hận thù nhau, chúng ta nên giúp đỡ, che chở cho nhau”.

Quý vị nghĩ tại sao Đức Phật dạy như thế? Bởi vì chúng sanh mê lầm nên thường không sống đúng với lẽ thật. Khi làm đau khổ cho người, cho vật thì mình vui, sẵn sàng làm, giả sử người khác làm cho mình như vậy thì mình đâu có chịu. Người có học Phật phải xét lại, tránh bớt không nên tạo cái nhân đau khổ rồi gặp quả phải sống trong đau khổ mà không nhận ra mê lầm của mình. Nghĩa là việc làm sai lầm nhưng mình lại không nhận ra, nhiều khi còn cho mình đúng nên cứ tiếp tục làm theo cái sai lầm đó.

Trích "TU LÀ CHUYỂN HÓA" - TT. Thích Thông Phương

[ Quay lại ]