headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

BIẾT LO TU

 Trong ngày đầu an cư, chư Tăng Ni đại diện tổ đình Thường Chiếu và các thiền viện về Đà Lạt đảnh lễ cầu pháp Hòa thượng Ân sư. Ngài dạy chúng ta cố gắng dẹp sạch ba con rắn độc tham, sân, si. Sau đó Hòa thượng hỏi tăng chúng đã dẹp được con rắn nào rồi. Hội chúng không ai dám thưa trình gì cả, tôi đành phải đại diện chư Tăng Ni thưa với Hòa thượng: “Chúng con cố gắng hết sức để dẹp sạch ba con rắn độc ấy.

Trong đó, hai con rắn tương đối có thể trị trước là tham, sân. Riêng con rắn si có lẽ chừng nào thành Phật mới hết được. Vì nó ngủ ngầm sâu kín bên trong, rất khó trị.”Cho tới bây giờ tất cả huynh đệ

chúng ta không ai dám nói mình đã dẹp sạch con rắn nào, cũng không xác nhận được con rắn nào hung hăng nhất. Vì vậy, chúng ta không được khinh suất, cần phải cố gắng và cương quyết dẹp sạch tham, sân, phiền não. Cho nên đề tài chúng ta trao đổi hôm nay là “Biết lo tu”.

1. Biết tu

Nói như vậy không có nghĩa là từ lâu nay chúng ta không biết tu. Chúng ta đã học pháp để hành trì tu tập. Chư Tăng Ni xuất gia nhất định phải là người biết tu hơn ai hết. Nhưng phương pháp tu, thái độ tu, tinh thần tu rất quan trọng. Nó quyết định rất lớn cho thành quả tu tập của chúng ta. Bây giờ bất thần có ai hỏi “Thầy tu thế nào?” Có khi chư huynh đệ cũng ấm ớ. Bởi vì công phu hằng ngày của mình không có gì rõ ràng, không có chủ lực. Do vậy, khi bị gạn lại chỗ công phu, chúng ta không khỏi một trường bối rối.

Cho nên, trước tiên cần phải học hiểu Phật pháp cho thấu đáo, sau đó ứng dụng tu tập mới không bị sai lạc. Có nhiều Phật tử sau khi nghe Phật pháp, tuy hiểu được phần nào nhưng thấy khó hành trì, không dám tin mình có thể làm được. Huống là các vị chưa hiểu, chưa lãnh hội được chỗ thâm sâu, thì làm sao có thể ứng dụng tu tập? Cho nên, chúng ta cần phải tự gạn lọc, tự đánh giá sự hiểu biết của mình tới đâu, rồi phát tâm cần cầu tu học cho được tăng tiến thêm. Trong nhà Thiền có câu chuyện thế này:

Một vị cư sĩ đến nghe pháp trong hội của tổ Bách Trượng. Sau khi giảng xong hội chúng lui ra hết, vị cư sĩ ấy nấn ná thêm như muốn thưa với Tổ việc gì. Thấy thế Tổ hỏi:

- Sao ông chưa lui?

Cư sĩ đáp:

- Bạch Hòa thượng! Con có chút duyên sự, xin được thưa với Ngài.

- Ông nói đi.

- Con không phải người thường, con là chồn ở sau núi này. Ngày xưa con là vị tăng cũng giảng giải Phật pháp, hướng dẫn mọi người tu hành. Nhân trả lời câu hỏi: “Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không?” Con trả lời “không”, nên bị rơi vào kiếp chồn tới nay đã 500 kiếp rồi. Hôm nay thỉnh Hòa thượng vì con đáp lại câu hỏi kia, mong giải tỏa oan nghiệt này.

Hòa thượng bảo:

- Ngươi lặp lại câu hỏi ấy đi.

- Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không?

- Không lầm nhân quả.

Chúng ta lấy chỗ này làm chừng mực để hiểu Phật pháp. Nói không rơi vào nhân quả, tức là phủ nhận nhân quả. Nói không lầm nhân quả, tức là không phỉ báng nhân quả. Nhân quả là một sự vận hành tất yếu như vậy. Có nhân thì có quả. Nhân xấu thì quả xấu, nhân tốt thì quả tốt. Nói không lầm, nhân quả, tức là không bị nghiệp xấu kéo lôi gây tạo nhân xấu. Chúng ta chủ động trong việc nhân quả, không để nghiệp lực chỉ đạo làm điều sai quấy. Một khi làm chủ được nghiệp thì sẽ chấm dứt được các nghiệp tập, cứu cánh thành Phật. Nhưng với người tu hành, dù đã nhiều năm công phu mà chưa làm chủ được mình, vẫn phải trả quả. Không thể nói tu rồi không trả quả, nhất là những quả xấu đã gây tạo từ trước chưa giải quyết xong, bây giờ phải trả hết. Cho nên, Tổ nói: “Người đại tu hành không lầm nhân quả” rất hay, rất thấu đáo. Nhờ câu nói này mà vị cư sĩ kia giải hết các nghi, thoát khỏi thân chồn.

Đây là mức để thẩm định công phu của mỗi hành giả. Huynh đệ chúng ta đã nghe Hòa thượng dạy nhiều rồi, bây giờ chỉ còn việc kiểm xem mình có bị sự vận hành của nhân quả cuốn hút không? Nếu ta còn bị các sự duyên chung quanh cuốn hút thì biết rằng còn đi trong vòng nhân quả. Bao giờ chúng ta chủ động được thì không lầm nhân quả. Chỉ vậy thôi. Người tu thiền có thể lấy đây làm chuẩn mực tu tập. Không luận lão tham hay sơ tham, đối với các hiện tượng, chúng ta chủ động được thì không lầm nhân quả.

Chúng ta biết tu rồi lo tu, phải ráng mà tu. Tu là gì? Là sửa. Như mình thường bị cuốn hút theo các duyên, bây giờ dừng lại không để nó cuốn hút nữa. Muốn được như thế mình phải có lực. Thử tưởng tượng chúng ta rơi vào một dòng xoáy, nếu mình yếu sức thì sẽ bị dòng xoáy này cuốn phăng đi. Với người đủ sức mạnh họ đứng vững an nhiên, không sợ sức hút của dòng xoáy. Trong công phu tu hành cũng thế, đối với tất cả hiện tượng, ai bị xoay chuyển là người không có lực dụng, không có công phu, ai không bị kéo đi là người có sức mạnh, có công phu nên vững vàng chủ động trước mọi hoàn cảnh. Đó là thành quả trong công phu tu hành. Chúng ta kiểm nghiệm lại, thấy còn yếu thì phải lo tu, không thể chần chờ hay lơ là qua ngày.

Như nghe một lời trái tai mạ nhục mình, chúng ta có chủ động được không hay là bị xoáy? Có những việc lớn mình chuẩn bị trước, tạm thời chủ động được nhưng những việc nhỏ cuốn trôi hồi nào không hay. Tới chừng giật mình tỉnh ra thì trễ rồi, nó cuốn đi khá xa. Chúng ta tự kiểm nghiệm ngay chỗ đó sẽ biết năng lực tu hành của mình thế nào. Nếu tự chủ được, đảm bảo ngày cuối cùng không bị nghiệp lực câu thúc dẫn đi, nếu chủ động không được, đành phải để cho nó nắm mũi lôi đi.

Chúng ta tu thiền, tới phút lâm chung đi đâu? Mình không kêu gọi, không cầu khẩn ai thì ai đón? Cho nên tất cả trông cậy vào sức tự chủ của chính mình. Nếu tâm thanh tịnh thì an nhiên giải thoát, tự tại tùy duyên mà đi, biết chỗ đến rõ ràng. Người còn bị nghiệp dẫn thì phải đi theo nghiệp, chừng nào chúng hết vận hành mới dừng được. Ta như chiếc lá bỏ vào máy xay, chừng nào máy dừng lại, chiếc lá rớt xuống thành một nắm xác vụn, không có cách chi chống chế được.

Phật tổ dạy muốn dừng nghiệp, đang lúc còn khỏe mạnh phải chuẩn bị tu, đừng để dính dáng thêm các nghiệp mới nữa. Giản dị vậy thôi. Các ngài bảo mình buông đi, đừng chạy theo các duyên. Lúc còn có thể chuẩn bị được thì lo trước, đừng đợi đến giờ phút bức bách khổ não vây quanh, không thể tự cứu được mà cũng không ai cứu giúp nổi. Thầy nào càng tu càng phấn khởi, vui vẻ là bảo đảm phút cuối an ổn. Thầy nào càng tu càng sầu não, ảm đạm thì khó đoán được ngày mai sẽ về đâu.

Trong công phu phải khéo léo, không buông lung cũng không quá căng thẳng. Nhiều vị tu rất bình thường, không tỏ vẻ siêng năng hơn người, tới giờ ăn đi ăn, tới giờ nghỉ đi nghỉ, Phật tử hỏi đạo lý cũng nói chuyện thông thường thôi, nhẹ nhàng, thanh thản nhưng thật ra, bên trong nội tại vô cùng vững vàng. Bởi các vị này luôn có sự tỉnh giác trong mọi thời mọi lúc, chớ không chỉ y cứ trên thời khóa công phu. Chúng ta kiểm lại, xem khuyết chỗ nào thì tự lo bổ sung phần đó, sống và tu một cách thảnh thơi, vui vẻ mới thật là sống đạo.

Người chủ động được khi sống thì lúc ra đi an nhàn lắm. Từ thất đi ra điện Phật, từ điện Phật đi thẳng ra nhà khách, từ nhà khách đi tới cầu Song Chiếu rồi quanh trở lại, từng bước đi của mình luôn luôn rõ biết, luôn luôn an nhàn. Chúng ta nhìn thấy sự tươi tắn, xanh mát của cây cảnh, tất cả các hiện tượng chung quanh, trong lòng bình an không vướng bận cũng không vui buồn tạp nhạp. Như vậy còn gì thích thú bằng! Ngược lại, hôm nào bực bội, trong tâm nặng nề thì mỗi bước chân lên điện Phật hay ra vườn chùa đều thấy anh ách khó chịu, khó thở vô cùng. Chỗ này tự mình phải kiểm nghiệm để biết mà lo tu.

Sự việc nó không giải thông, thì nhất định phải giải tỏa cho thông thoáng. Đó là việc của mình. Biết lo, biết thương mình thì phải cố gắng tu. Tu đúng phương pháp, có chừng mực theo lời chỉ dạy của các bậc thầy đi trước. Tùy căn nghiệp của mỗi người, áp dụng Phật pháp vào cuộc sống để tu hành. Không phải Thầy dạy kinh Bát-nhã rồi mình tới trước Thầy đọc kinh Bát-nhã cho Thầy nghe. Thầy dạy kinh Bát-nhã là muốn mình “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Nếu chiếu kiến giai không thì ở đâu cũng là trì kinh Bát-nhã, ở đâu cũng là đệ tử hiếu đạo cung dưỡng Thầy, phát huy việc Thầy giao phó. Nếu chưa chiếu kiến được thì dù có đọc vanh vách kinh Bát-nhã cho Thầy nghe cả ngày cũng không phải là đệ tử hiếu đạo.

Người biết lo tu, trước nhất đối với các niệm ác không làm. Kiểm lại thấy mình còn những ác niệm thì phải dẹp ngay. Nhìn ai mà khởi lên niệm thương ghét len lỏi bên trong thì loại ngay, làm sao cho nó tan đi. Nhớ lời Thầy dạy “Vừa khởi lên một niệm là bỏ đi”. Chúng ta vì bất giác nên cứ bị tạp niệm dẫn đi khắp nơi, đến lúc biết được thì mệt mỏi rồi, thua rồi. Nghe một câu nói, ngửi một mùi vị, thấy một dáng dấp… là bị cuốn hút nên chúng cứ lôi mình đi hoài. Bây giờ làm sao khi đối duyên xúc cảnh, chúng ta thấy nghe bình thường, không dao động, không phân biệt. Được như vậy là người tự do, muốn đi đâu thì đi. Cho nên Bồ-tát có lời nguyện đi tới những nơi nào chúng sanh cần để hỗ trợ cho họ thoát khỏi khổ đau.

Nếu chúng ta chưa sống được với Phật chất của mình thì không thể nào đi trên con đường tự do, sáng suốt. Một khi chuẩn bị được việc này rồi chúng ta luôn vui vẻ, an ổn. Có vị thiền sư lúc sắp tịch, đệ tử tới khóc lóc, ngài mở mắt ra quở: “Tôi đi ắt tự biết đường, lo lắng gì mà quí vị khóc. Khóc là khóc cho quí vị bấy lâu nay không lo tu, nên không biết đường đi”. Vì vậy, người biết tu phải trang bị thật đầy đủ, tự mình trang bị cho mình, chứ không phải ai khác.

Thích Ma-ha-nam hỏi Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, nếu bất thình lình con chết, con sẽ đi về đâu?” Phật nói: “Ma-ha-nam, ông đừng lo! Như cái cây bóng ngả về đâu thì khi bị đốn nó sẽ đổ về hướng đó. Cũng vậy, nghiệp nào của ông mạnh sẽ dẫn ông đi theo con đường ấy”. Một lời nói này cũng đủ làm cho chúng ta sảng sốt. Tại sao? Vì bình thường mình ngả về tham, về sân, về si, ưa thích thụ hưởng ngũ dục, nên cuối cùng phải đi theo phiền não, tham, sân, si thôi. Sân thì vô địa ngục, tham thì đọa ngạ quỷ, si thì vào súc sinh. Rõ ràng như vậy. Nghe Phật nói thế, Ma-ha-nam sợ quá nên tuy lãnh trách nhiệm đối với quốc gia, với dòng tộc, nhưng ông luôn giữ năm giới của người Phật tử, để không bị đọa vào các đường ác.

Phật tử kiểm lại, ai đã thọ và giữ trọn năm giới thì không sợ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Giữ gìn năm giới là tu nhân cõi người. Như vậy, sự tu hành hằng ngày quyết định cho con đường thác sinh của chúng ta ở tương lai. Kiểm lại trong tám gió: lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc xem mình có bị hút bởi gió nào không? Đừng nói tám gió đó, bây giờ trong sinh hoạt hằng ngày, ăn mặc, ngủ nghỉ, tiếp xúc, làm việc, tất cả các hiện tượng này, chúng ta có bị cuốn hút không? Nếu còn bị cuốn hút là mình chưa chủ động được. Người tu phải chủ động, phải làm chủ được mình. Thiếu chủ động, không làm chủ được thì cứ bị lăn lóc trong luân hồi sanh tử nhiều đời nhiều kiếp, không lúc nào dừng được. Chúng sinh từ vô thủy đến nay bị gió nghiệp cuốn hút trôi dạt luẩn quẩn trong ba cõi sáu đường, chịu không biết bao nhiêu thống khổ. Bây giờ gặp được Phật pháp rồi phải biết dừng lại.

Cố gắng làm sao đừng bị những ác niệm dẫn đi. Ngoài ác niệm còn có ác hạnh. Nếu không tỉnh sáng, không đủ năng lực, chúng ta sẽ vi phạm vào ác nghiệp ác hạnh, tự chuốc nhiều ác hại. Hòa thượng nói chúng ta cố gắng làm chủ trong mỗi sinh hoạt của bản thân. Như đi bách bộ, tưới kiểng, trồng cây, dâng hương cho Phật, quét chùa v.v... làm tất cả công việc trong sự tỉnh táo, sáng suốt, đừng để ác niệm dấy khởi cuốn đi. Khi làm việc, nếu bất giác ác niệm dễ dấy khởi lắm! Như thầy Tri sự giao cho huynh đệ lau cửa. Mình lãnh nhằm cái cửa dơ nhiều, lại lau một mình không có ai phụ giúp. Còn huynh đệ kia lãnh cái cửa dơ ít, lại được nhiều người phụ nữa. Công việc của huynh đệ trôi chảy, vui vẻ, còn mình trèo lên trèo xuống khó khăn đâm ra bực bội, tăm tối. Từ đó ác nghiệp dấy khởi.

Ác niệm thường xảy ra và nhận chết chúng ta ngay trong những công việc đời thường, chứ không phải ở những việc nào to tát, trọng đại. Cho nên mình cố gắng tỉnh giác, cố gắng điều chỉnh tâm thật tốt trong những cảnh duyên như vậy. Trong cuộc đời nếu chúng ta không tỉnh thì từng bước dễ gây ác hạnh, tăng trưởng tham, sân, phiền não. Nếu những thứ này tăng trưởng hoài, chúng ta khó mà thực hiện được tâm nguyện giác ngộ giải thoát của mình. Không phát huy ác nghiệp ác hạnh thì đạo hạnh trí tuệ ngày càng tăng trưởng. Có nhiều vị nói: “Thưa thầy, con thấy mình chưa có định hướng tu hành.” Hỏi: “Sao vậy?” Thưa: “Có hồi con thấy mình bước tới một bước, mà lùi hai ba bước.” Biết mình bước lùi hai ba bước thì ráng đứng lên, chạy tới hai ba bước để bù trừ, chứ có việc gì khó mà chán nản. Chúng ta kiên quyết bước những bước thật vững vàng, việc này tự mình thôi. Bước tới hay bước lui, có định hướng hay không là tự mình, không ai có thể thay thế được.

Mỗi người phấn phát công phu, nỗ lực phát nguyện “Tu hành chừng nào bằng Phật mới vừa lòng con”. Đó là định hướng của chúng ta. Đạo lực nằm ở đâu? Ở những sinh hoạt thường nhật, trong ăn cơm mặc áo, ngủ nghỉ. Nếu không tu hành, không có đạo lực, ăn thức ăn cũ còn lại liền phiền não. Lúc đó đi không yên, ngồi cũng không yên, kéo ghế, kéo bàn rầm rầm, làm vậy cho đã giận đã tức, không ngờ lại càng tức giận hơn. Đó là hiện tướng mất tự chủ, không có công phu nên khổ đau, phiền não xoay chuyển luôn luôn. Niềm vui vừa loé lên liền tắt ngủm, khó gầy dựng lại được. Cho nên cần phải biết lo sợ mà cố gắng tu.

2. Lo tu

Đây là kinh nghiệm của các bậc chân tu, các ngài chỉ lo tu thôi. Việc này quan trọng lắm. Hòa thượng Ân sư thường trách: “Mấy chú thích làm cảnh sát quốc tế quá!” Mình cứ ngồi ngã ba ngã tư đường để kiểm soát việc của người ta. Thiệt là vô ích. Bây giờ nghiệm lại chỉ có tu là quan trọng hơn hết. Tu như hơi thở. Hơi thở không thể thiếu ở bất cứ phút giây nào. Chính hơi thở kết thúc mạng sống của chúng ta. Do vậy, chúng ta phải ráng tu và chỉ lo tu thôi, không có việc khác.

Như có lần, tôi khuyên một huynh đệ lớn tuổi đừng buồn phiền chuyện con cháu trong nhà nữa, như thế chẳng những không được gì, càng làm cho mình mất mát công phu, mất mát thời gian. Vị ấy chê đứa cháu trai không có kiến thức mà mở một cửa hàng vi tính, ông thấy bực lắm. Tôi nói: “Tại sao thầy lại bực, mở tiệm là việc của nó, đâu phải của thầy?” Thầy bảo: “Trong nhà có một đứa cháu như vậy mình không ưng.” Tôi nói: “Mình tu hành mà còn nghĩ con cháu thế này thế kia là sai rồi, như vậy làm sao tu được. Bây giờ chỉ lo tu thôi, không nên để tâm vào việc khác.” Rõ ràng chúng ta bám víu, vướng mắc vào các cảnh duyên rồi than khổ, càng nghĩ càng buồn, càng nghe càng tức, càng thấy càng bực v.v... mọc đủ thứ “càng” như vậy, làm sao giải thoát đây?

Hòa thượng Ân sư thường nhắc nhở việc tu như hơi thở. Chúng ta mang chiếc thân tứ đại nặng năm sáu bảy chục ký, đi đứng nói năng như vầy nhưng nếu thiếu một hơi thở thôi là chết ngay. Hơi thở không thể thiếu thì việc tu đối với chúng ta cũng như vậy, không thể thiếu được. Hiểu rõ điều này, chúng ta không dám lơ là, xem thường công phu hành trì mà phải tiến tu. Nếu thấy buổi sáng thiếu tu, thì buổi chiều phải bù đắp lại. Việc tu quan trọng như thế, nên không để mất công phu bởi bất cứ hoàn cảnh nào. Một vị thiền sư được người bạn thân mời về chứng minh lễ tân gia. Hòa thượng nghĩ “Kẻ tu hành không nên đến chỗ tiệc tùng”. Ngài viết lá thư bảo đệ tử đem đến xin lỗi, từ chối không thể đi được. Cuối thư, là một bài thơ nói lên khí tiết của người tu hành ở núi non, chùa viện, không tiện đến nơi quán xá, tiệc tùng ồn náo, mong bạn hiểu và thông cảm!

Chúng ta kiểm lại thấy công phu tu hành bế tắc ở chỗ nào thì phải cố gắng phấn chấn để vượt qua. Vì bảo vệ hơi thở, không thể bị bế tắc bởi bất cứ lý do nào. Định hướng của chúng ta là chừng nào bằng Phật mới vừa lòng con, nên đâu có tính thời gian được. Tất cả sự duyên từ lớn tới nhỏ đều phải vượt qua. Cái đẹp, vừa ý thích mình cũng lướt qua, cái không vừa ý, không đẹp cũng lướt qua. Chúng ta bình ổn lướt qua tất cả mọi thuận nghịch, đừng để nó dính dáng, cuốn hút. Bảo vệ việc tu hành, tức là bảo vệ hơi thở của mình. Gìn giữ như thế tới chừng nào thành tựu viên mãn, không cần tu nữa mới được nghỉ ngơi.

Hòa thượng Ân sư dạy, như người đang đi lên dốc ngược dù mệt, tuy nhiên không được quyền dừng nghỉ lâu ở bất cứ ngã tư nào, phải cố gắng leo lên. Bao giờ đến được đỉnh cao mới có quyền ngồi hóng mát, nhìn trời nhìn mây. Câu nói nghe bình thường nhưng thật ra được xuất phát từ kinh nghiệm sống trải của một bậc thầy chân tu, không thể xem thường. Kẻ để tâm vướng mắc, quan sát người này người khác mà không lo quan sát lại chính mình thì sẽ loay hoay luẩn quẩn mãi thôi, không đi lên được. Cho nên, huynh đệ chúng ta phải có định hướng tu hành kiên định và thực hiện đến nơi đến chốn.

Trong kinh nghiệm tu hành, người xưa dạy “Chúng ta không ỷ lại, không đợi chờ, không trông cậy vào ai hết”. Ỷ lại thân này không được, ỷ lại dòng tộc không được, ỷ lại thầy bạn cũng không được. Bởi vì tất cả mọi thứ đều biến đổi, vô thường. Nếu chúng ta ỷ lại thì khi mất nơi nương tựa chúng ta sẽ mất chỗ dựa, sẽ té ngã, không thể tự đứng lên được vì thói quen nương tựa. Ông thầy tu giỏi mà đệ tử cứ đóng cửa ngủ hoặc lang thang năm trên năm dưới, nay ở Sài Gòn, mai ra Vũng Tàu, mốt về miền Tây, bữa kia đi miền Đông… Bất chợt thầy theo Phật, quỷ sứ tóm cổ không ai bênh vực được đâu.

Thầy ngộ đạo không phải mình ngộ đạo, nên không thể thay thế nghiệp lực của đệ tử. Thầy chỉ có thể dạy lại những kinh nghiệm tu hành, đệ tử tự tu tự ngộ, chứ thầy không ngộ thế đệ tử được. Không có chuyện đó bao giờ, cho nên không thể ỷ lại. Hòa thượng Ân sư thường nói với chư tăng: “Mấy chú thấy không? Mới đó khỏe mạnh, bây giờ già bệnh rồi cái chết gần kề, không đảm bảo được phút giây nào hết. Do vậy khi tuổi già bệnh mấy chú ráng lo tu. Bệnh thì nhẫn cái bệnh để tu. Già thì nhẫn cái già để tu. Bận rộn thì nhẫn cái bận rộn để tu v.v...” Tóm lại, mỗi huynh đệ chúng ta ai nấy tự nhẫn chịu, chấp nhận vượt lên trên những biệt nghiệp riêng để mà tu. Chúng ta đừng ỷ lại, đừng trông cậy vào bất cứ ai, mà phải tự gầy dựng cho mình một năng lực để làm chủ, đừng bị cuốn hút bởi tất cả sự duyên nào.

Người ta thường nói vui về hai chữ tu hành, tu thì phải bị hành. Mấy chú cư sĩ tập tu tại thiền viện Thường Chiếu hay than: “Thầy ơi ngồi thiền đau chân quá! Thầy coi, thuở nay con đâu có ngồi thiền, mà bây giờ tréo hai chân lại thế này, đau quá trời quá đất.” Tôi khuyên: “Thôi ráng lên, muốn tu thì phải hành như thế. Hành đến chừng nào tréo chân lên không còn đau nữa mới tu được.” Chúng ta muốn tu thì phải cố gắng, phải chấp nhận, phải gan dạ. Thực hiện việc chính yếu nhất đời mình là tu hành cho tới thành Phật, đâu thể dễ dàng được. Gặp thuận duyên hay nghịch duyên cũng ráng tu, không để tâm thối thất. Nhẫn chịu như vậy mới gọi là công đức tu hành.

Chúng ta nhớ câu chuyện tiểu Kỉnh Tâm, chịu đựng bao nhiêu nhục nhã trước tông môn, trước công chúng, người ta đập hèo đập gậy đau đớn nát thịt nát da, vẫn không có một tiếng than van. Mình là người nữ cứ mở miệng nói quách cho rồi, tội gì phải chịu hàm oan như thế. Nhưng vì đạo nghiệp tu hành, ngài nhẫn chịu tất cả. Nhờ thế mới viên mãn Bồ-tát hạnh. Ngày xưa sư tổ của chúng ta cũng vậy, Hòa thượng ân sư cũng vậy. Các ngài chịu bao nhiêu cực khổ, chứ có sung sướng gì đâu. Từ trên núi dài xuống tới Thường Chiếu, Hòa thượng đã chịu không ít thăng trầm. Huynh đệ bây giờ sung sướng với những tiện nghi trong cuộc sống, cho nên ý chí không được trui rèn nhiều như người xưa, như thầy tổ.

Chúng ta bị bệnh thì phải có gan dạ trị bệnh, giống như tiểu Kỉnh Tâm nhẫn chịu roi đòn. Chịu đựng cho đến cuối cùng, tới nơi tới chốn thì trời trong gió mát, Bồ-tát hiện thành. Bồ-tát Quán Thế Âm là biểu hiện tâm từ rộng rãi vô biên. Chính tâm này mới có năng lực chịu đựng không thể lường. Kinh Bát-nhã, Phật dạy quán năm uẩn đều không để chúng ta nhẫn chịu một cách dễ dàng. Do thấy thân này không thật, các pháp không thật nên không có gì để vướng mắc, bám víu, chấp giữ. Do không chấp giữ nên được giải thoát. Do giải thoát nên an vui, tự tại. Từ đó Bồ-tát phát tâm thương tất cả chúng sinh, chấp nhận mọi nghịch cảnh để thành tựu tự giác giác tha. Thành tựu được như vậy tức là viên mãn Bồ-đề.

Sự tu hành của chúng ta được thể hiện qua mức độ chịu đựng. Chịu đựng tới bao giờ chúng ta hoàn thành được Nhẫn lực Ba-la-mật. Không nói nhiều, không nói ít, không nói như thế nào hết, tùy theo căn nghiệp của mỗi người mà có được kết quả riêng biệt. Đó chính là những phần thưởng xứng đáng nhất cho hành giả dốc lòng công phu.

Ba tháng an cư, chư tăng chư ni tuân theo quy chế tùng lâm, cấm túc an cư. Cấm túc an cư là không đi lại bên ngoài. Ngày xưa, Ấn Độ cũng như những nước thuộc vùng nhiệt đới, mùa mưa các loài côn trùng nhỏ nhít sinh sôi nảy nở. Chư tăng đi hành đạo sẽ giẫm lên khiến chúng bị chết rất nhiều. Vì vậy, Đức Thế Tôn chế ra an cư trong ba tháng mùa mưa, là muốn chư tăng ni tránh phạm tội sát. Đồng thời việc ở yên một chỗ cũng giúp cho chúng ta có thời gian tập trung vào công phu, phát triển thiền quán, tuệ giác và công đức phát sinh. Do đó, qua một mùa an cư chư tăng chư ni được tăng thêm được một tuổi đạo, tức là tăng thêm tuổi công đức. Thời đức Phật còn tại thế, sau ba tháng an cư, các thầy Tỳ-kheo thường đạt kết quả tu tập cao nhất, đó là chứng Thánh quả A-la-hán. Đây chính là phần thưởng xứng đáng nhất của các ngài và cũng là pháp cúng dường cao tột nhất dâng lên Đức Thế Tôn.

Ngày nay, tuổi đạo hay tuổi hạ được tính thế nào? Thông thường một vị cư sĩ sau thời gian tập sự được xuất gia, kế đó thọ giới Sa-di. Trải qua một thời gian đủ năm đủ tháng và có hạnh kiểm tốt, được thọ giới Tỳ-kheo. Từ khi được thọ giới Tỳ-kheo, vị ấy bắt đầu tham gia tổ chức an cư kiết hạ của tăng đoàn. Cứ mỗi năm vào mùa hạ, tham dự an cư cho tới ngày lễ Tự tứ ra hạ, tròn đủ như vậy thì được tính một tuổi đạo. Vị Tỳ-kheo nào không tham dự an cư, không dự lễ Tự tứ thì xem như không có tuổi đạo. Người xuất gia thì phải tu hành, phép tắc uy nghi đầy đủ mới có công đức. Tuổi đạo là tuổi công đức, y cứ trên công đức mà có, chứ không phải tính theo năm tháng thế gian. Huynh đệ chúng ta, nếu qua một mùa an cư, biết lo tu hành đầy đủ thì xứng đáng nhận một tuổi đạo. Ngược lại, vị nào còn yếu kém thì cố gắng lên, không nên bỏ trôi đời tu của mình. Như vậy rất đáng thương, đáng tội nghiệp cho mình lắm!

Vào ngày lễ Tự tứ, chư tăng chư ni tham dự an cư siêng năng tu học, xứng đáng nhận một tuổi đạo. Từ đó phấn chấn niềm vui, tăng trưởng công phu tu hành cho tới ngày viên mãn. Với niềm vui đó, tất cả chúng ta cùng phát lời thệ nguyện trước đài sen của đức Thế Tôn, xứng đáng là con Phật, xứng đáng nhận một tuổi đạo. Mỗi người tự khắc tự hứa sẽ cố gắng tu nhiều hơn nữa. Làm sao phải diệt hết ba thứ tham, sân, si tức ba con rắn độc, không để nó lộng hành quậy phá chúng ta. Như vậy mới thực sự an ổn giải thoát.

Xin có lời chúc nguyện đến toàn thể chư huynh đệ, mong tất cả chúng ta thực hiện được tâm nguyện tu hành của mình viên mãn.

[ Quay lại ]