headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 30/03/2024 - Ngày 21 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

MỞ SÁNG TRÍ TUỆ

 Chúng ta biết trí tuệ vốn sẵn có nơi mỗi người, chỉ cần phát huy để mở sáng, cần công phu để trí tuệ được hiện tiền. Hành giả tu được hay không chủ yếu y cứ trên trí tuệ. Có một chú nhỏ đang tu học rất giỏi, nhưng chú nghe theo lời bạn bè rủ rê quên tu quên học, bị khiển trách và buộc rời khỏi tập thể.




Chư tăng trình lên Hòa thượng, Ngài nói: “Mấy chú đó thiếu trí tuệ, tu mà không có trí tuệ thì không tu được”. Quả thật rời khỏi tập thể, về nhà một thời gian, chú không tu nữa. Cho nên phải làm thế nào mở sáng trí tuệ. Đây là vấn đề then chốt nhất của người tu chúng ta.

Kiểm lại công phu hằng ngày, chúng ta thấy còn những hạn chế thì nên tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục, sửa chữa. Làm sao chuyển hóa được khuyết điểm chúng ta mới tu tiến. Nếu hằng ngày chúng ta sắp đặt việc tu học tốt thì gặp bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng tu học tốt. Được như thế mới yên lòng. Tâm nếu vọng động, không thanh tịnh thì trí tuệ không hiện tiền. Người làm việc sơ suất, lôi thôi, trật lên trật xuống, chứng tỏ trong tâm không định, trí tuệ không sáng thì không thể an lòng.

Đức Phật dạy “Các thầy Tỳ-kheo, muốn phát huy được trí tuệ của các thầy thì phải làm chủ các giác quan, làm chủ các hiện cảnh chung quanh”. Làm chủ các giác quan và làm chủ các hiện cảnh chung quanh nghĩa là mắt thấy chỉ là thấy, tai nghe chỉ là nghe, không bị cảnh duyên bên ngoài lôi kéo, không dính mắc, không lầm chạy theo chúng, tâm chân thật hiện tiền. Tâm chân thật hiện tiền, trí tuệ mới sáng suốt. Muốn làm chủ như vậy công phu phải liên tục. Xét cho kỹ công phu của chúng ta tuy cũng có nhưng chưa liên tục, còn nhiều thiếu sót. Do vậy mình như người bệnh rét cách nhật, một ngày nắng mười ngày mưa, tu hành không miên mật. Vì thế khi gặp nghịch duyên dễ thối thất công phu, không giữ được sự tu hành liên tục.

Như có huynh đệ xin rời viện về nhà sắp đặt công việc trong vòng 3 ngày, thầy trụ trì cho phép. Vị đó về nhà không những 3 ngày mà kéo dài 13 ngày. Thêm 10 ngày nữa cũng chưa xong, điện thoại về viện xin tiếp một thời gian nữa. Thầy trụ trì hỏi: Công việc gì? Thưa: Công việc nhà. Thầy Trụ trì nhắc nhở: Nếu thầy sống thêm 100 tuổi nữa để lo công việc ở nhà cũng chưa rồi đâu. Tôi hạn cho thầy thêm một tháng nữa thôi. Nên nhớ thầy đã là người xuất gia rồi. Qua một tháng mười mấy ngày, thầy đó trở về. Thầy trụ trì hỏi: “Công việc của thầy thế nào, làm rồi chưa?” Thầy ấy không trả lời được.

Hai phe trong gia đình tranh chấp nhau vụ bán đất để chia tiền. Bên chịu bên không, bên vui bên buồn, cứ giằng co mãi không giải quyết được. Như vậy mà vẫn theo đuổi thì có gọi là Phật sự không? Đâu thể gọi là Phật sự được. Làm công việc chùa, công việc tu hành, công việc trong đạo tràng mới gọi là Phật sự, còn giải quyết chuyện gia đình không thể gọi là Phật sự được. Một tháng mười ngày vị ấy đã đánh mất thời gian và công phu một cách phi lý. Trong cuộc đời mình, sự sắp đặt tu học hằng ngày cứ bị chi phối theo những việc đâu đâu, loay hoay luẩn quẩn mãi như vậy thì chừng nào tu mới rồi đây? Thời gian không có chờ đợi ai, vô thường chóng vánh, đâu biết ngày mai chúng ta còn hay mất? Cho nên mỗi chúng ta phải nỗ lực vươn lên, dùng ý chí và nghị lực trôi tròn công phu của mình.

Người có trí tuệ nghe qua một việc gì, biết nên làm thế nào và có quyết định đúng đắn. Do đó sắp đặt việc dễ thành, hợp thời, hợp lý, nhanh gọn chính xác. Người thiếu trí tuệ, thiếu nhân duyên, nói gì cũng không chính xác, làm gì cũng lừng khừng, không tới đâu hết. Do vậy tất cả chúng ta dù tăng ni hay Phật tử, nhất định phải phát huy trí tuệ, để có đủ khả năng giải quyết mọi việc, trong đó quan trọng nhất là việc sinh tử của mình.

Giải quyết công việc trong đời sống thường ngày cũng cần có một trí tuệ nhạy bén. Như sáng mai mấy huynh đệ đến thưa: “Bạch thầy, bữa nay nên mua phân để vô cho mấy cây xoài”. Vị khác nói: “Thưa thầy, vô phân xoài phải đúng thời điểm, đúng loại phân mới được”. Ai nói cũng có lý hết, ông thầy phải làm sao? Phải có tầm nhìn thấu suốt quyết định mới đúng đắn. Phân công nhân sự, sắp đặt công việc hợp lý, hợp tình, hợp với khả năng của mỗi vị, việc gì cũng thành tựu. Ngược lại, không có trí tuệ quyết đoán chính xác, công việc khó thành tựu. Khi gặp khó khăn, trở ngại nếu không kịp thời giải quyết, đả thông bằng sự sáng suốt thì chẳng có việc nào xong việc nào cả. Mỗi ngày giải quyết những sinh hoạt bình thường như cuốc đất, vô phân, tưới cây, nấu cơm, bữa củi, làm vệ sinh… mà làm không xong thì nói gì tới chuyện làm Phật. Làm Phật cũng không ngoài các sinh hoạt ấy, nhưng việc nào ra việc đó, làm trong chánh niệm, tỉnh táo, sáng suốt nên kết quả luôn tốt đẹp. Với người không sáng suốt, không có lập trường, vừa tính làm việc này, có người bàn ra thì xoay qua việc khác, như vậy làm sao thành tựu được.

Muốn quyết định công việc sáng suốt phải có đầy đủ trí tuệ. Ngày hôm nay cần thiết làm việc đó không thể chần chờ, phải tập trung làm ngay, tất cả các việc khác để lại. Ngày mai ngày mốt làm việc kế tiếp, sắp đặt tuần tự cho công việc trôi chảy. Làm một việc nào tập trung việc đó thôi, làm cho thật chu toàn, tốt đẹp. Người có thái độ làm việc dứt khoát như thế thường luôn đạt kết quả tốt đẹp.

Người có trí tuệ không chấp nhận các hình thức mê tín, dị đoan, mà còn phá trừ hủ tục này nữa, để đem lại sự sáng suốt cho mọi người. Tôi nhớ câu chuyện tại địa phương kia, mỗi năm có lệ cúng tế Hà Bá rất lớn. Lễ vật dâng cho Hà Bá thật tàn nhẫn, đó là chọn một người con gái ném xuống sông làm vợ Hà Bá. Năm ấy, có một quan chức tới trấn nhậm vùng này, ông là Phật tử nên cảm thấy bất nhẫn trước hủ tục nói trên. Khi chứng dự lễ tế, gần tới lúc tiễn cô gái xuống sông, nhìn thấy mẹ cô khóc lóc kêu trời kêu đất, không chịu được nữa, ông đứng lên nói:

- Xin hãy khoan, cho tôi có ý kiến trong sự việc hôm nay. Tôi vinh dự được đến đây dự lễ, thấy vừa đặc biệt, vừa kỳ lạ, vừa tàn nhẫn. Do vậy với tư cách là người có trách nhiệm tại địa phương này, xin mời các vị bô lão đại diện dân làng, xuống nói chuyện với gia tộc Hà Bá trước. Bởi vì trong một lễ cưới, cha mẹ hoặc những vị niên cao lạp trưởng phải thưa chuyện với nhau trước, sau đó làm lễ tiễn cô dâu. Như vậy mới hợp pháp.

Nói xong ông ra lệnh túm mấy ông già chủ lễ ở đó thảy xuống sông trước. Ông nào ông nấy la trời la đất. Viên quan làm dữ vậy chứ thảy đi đâu, chỉ dọa cho họ sợ. Sau đó kéo lên, chờ tỉnh táo mới giải thích cho dân làng nghe đây là hủ tục mê tín, dị đoan. Cuối cùng viên quan tuyên bố dứt khoát từ đây về sau không ai được làm việc ác đức này, chấm dứt tập tục tàn nhẫn trên, không cho tái diễn. Nhờ thế dân làng sống yên ổn.

Người thế gian còn sáng suốt như thế, huống là người tu chúng ta. Cho nên đã là hàng đệ tử của Phật, phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Trở về vấn đề tu tập của chúng ta. Như bữa nay mệt quá nghe kẻng thức chúng 3 giờ, mình muốn nằm nướng tới 4 giờ. Vừa khởi niệm đó là tự cho phép liền, không xin ai hết, ngủ tiếp. Tuy nhiên, trong khoảng này có một sự ray rứt vô cùng. Nằm ngủ không được, dậy ngồi thiền cũng không ưng, người đâm ra dã dượi. Tình trạng này là do không thắp sáng trí tuệ, không quyết đoán sáng suốt. Do vậy đối với người tu, việc gì chúng ta thấy còn lưỡng lự, chưa quyết thì biết trí tuệ chưa đủ. Biết trí tuệ chưa đủ, chúng ta phải luôn cảnh giác dè dặt, để đừng vi phạm vào lỗi lầm đáng tiếc.

Việc tu hành lừng khừng biểu hiện chúng ta không có tâm kiên quyết, không đầy đủ trí tuệ. Cho nên công phu thất bại, phần lớn do mình chứ không do ai khác. Trong nhà thiền thường có từ “Nhất đao đại đoạn”, nghĩa là một đao chặt đứt làm hai, không để nhùng nhằng. Có những vọng tưởng hết sức vô lý, nhưng chúng ta không làm chủ được, để nó kéo lê kéo lết mình vào nơi tăm tối, mất hết thời gian tu học. Thiệt là uổng, kiếm lại đâu có được. Như buổi sáng khỏe mạnh tươi vui, việc gì ta cũng hoan hỷ giải quyết êm đẹp, nhờ đó thân an tâm lạc. Tới trưa nắng nóng nhức đầu, trong lòng cau có nên giải quyết công việc không tốt, ảnh hưởng xấu đến mọi người chung quanh, thế là tổn giảm một phần công đức rồi. Đây là bệnh chung chúng ta cần phải khắc phục. Vì vậy lúc nào gặp điều kiện thuận lợi chúng ta cố gắng tu học, đừng để thời giờ trôi qua uổng phí, mất mát công phu không tìm lại được.

Người tu cốt yếu làm sao bảo vệ được trí tuệ của mình, tạo điều kiện cho trí tuệ phát triển. Nếu không như thế thì việc tu học không tiến. Cho nên chúng ta phải quyết tâm không được yếu đuối, nhất định tu hành thành công. Như thiền viện quy định thời gian ngồi thiền là hai tiếng, nhưng huynh đệ ngồi khoảng 45 phút đã nghe đau nhức rần rần. Người chịu đựng giỏi thì vượt qua dễ dàng, sau đó thấy bình thường. Người chịu đựng dở hoặc bị vọng tưởng chi phối thì thua cuộc. Cho nên ban đầu không chịu nổi những trận đau nhức này thì một tiếng ngồi cũng chưa nổi, nói chi đến hai tiếng. Nếu có ngồi cũng ẹo qua ẹo lại, ngồi trong đau khổ chứ không có thiền duyệt, pháp hỷ gì hết. Điều này chư huynh đệ kiểm nghiệm trong công phu hằng ngày sẽ thấy rất rõ.

Thiền sinh nào kiên quyết chịu đựng thì yên. Chết không sợ thì đau xá gì! Tuy nói như vậy nhưng buổi ban đầu bao giờ cũng khó khăn. Nếu chúng ta thiếu can đảm thì khó vượt qua được. Cho nên có vị tu gần mười năm mà ngồi thiền chưa được hai tiếng. Cứ tới giờ đó là trạo cử, ngồi không yên. Bây giờ phải cố gắng chịu đựng không nhúc nhích, tập dần như thế sẽ hết trạo cử, thân tâm yên định. Chư vị Hòa thượng, các bậc Tôn đức tu thiền trước chúng ta đều nói “Phải chịu đựng, phải gan dạ, phải nhất tâm”. Buổi đầu ngồi được ít nhiều gì cũng phải cương quyết, tới lúc đau phải chịu đựng, chấp nhận không nhúc nhích, không nghĩ tưởng gì khác. Thiệt ra trong lúc đau, mình kéo chân xuống thì thích thú vô cùng, nhưng nhất định không, cứ ngồi yên đó, đúng giờ mới xả. Cương quyết như vậy chúng ta sẽ tu hành thành tựu.

Ngồi thiền muốn được yên ổn, tương đối có ích lợi thì phải ngồi từ một tiếng rưởi tới hai tiếng mỗi thời. Trong vòng một tiếng đầu là dọn dẹp các thứ tạp nhạp, qua một tiếng ấy tâm mới tạm yên. Nếu sự dọn dẹp này gặp phải trở ngại thì một tiếng kế tiếp cố gắng hơn lên. Dọn mãi như thế vọng tưởng cũng sẽ ngán mình, dần dần bọn chúng lặng yên. Hành giả tu thiền cũng cần phải lưu ý, trong các sinh hoạt bình nhật luôn giữ tâm tỉnh sáng, biết rõ vọng tưởng đừng theo nó, tuy không ngồi thiền cũng phải dọn dẹp các niệm tạp. Được như vậy công phu tọa thiền mới đạt nhiều lợi lạc.

Như một năm mình đi ra ngoài một lần thì tâm dễ yên, chỉ giải trừ những con ma cũ thôi. Ngược lại, nếu một năm mình đi ra ngoài ba bốn lần thì ma cũ chưa dẹp, ma mới đã tấp vô. Cuối cùng trong nhà ma mới ma cũ đầy dẫy, không giải quyết nổi, làm sao yên ổn được? Phật dạy, tất cả những nghiệp cũ nằm yên, nghiệp mới không thu vào, nó sẽ chán mình mà bỏ đi thôi. Như khách đến nhà, tôi ngồi nhắm mắt không nói gì hết. Hai ba lần liên tục như vậy thì họ chán không tới nữa. Đơn giản thôi.

Ranh giới giữa mê và giác cách nhau không xa. Nếu tỉnh thì không mê, không mê tức là giác. Chỗ này người tu thiền phải có sự thể nghiệm chắc thực. Chạy theo trần cảnh là mê. Chữ Hán “Mê” có nghĩa là quên, không nhớ, tăm tối. Quên cái gì? Quên tánh giác của mình, tức cái quý báu sẵn có trong nhà. Chúng ta có của báu, Phật dụ như hòn ngọc vô giá, đó là tánh giác sáng suốt. Nhờ tánh giác sáng suốt này chúng ta biết rõ muôn pháp bên ngoài. Tuy nhiên, chúng sinh vì mê nên khi biết các pháp bên ngoài thì bám theo mà quên đi tánh giác, nhận những thứ hư dối ấy cho là thực. Bây giờ ngồi tỉnh lại, biết rõ cái nào thật cái nào giả, không còn lầm tưởng nữa. Đối với tất cả những sự việc, những hiện tượng chung quanh mình biết rõ không thật, đừng mê, tức là sống được với tánh giác. Chỉ đừng mê thôi thì tánh giác hiện tiền.

Trong sự tu học hằng ngày, Phật dạy chúng ta sống với tánh giác, cho nên phải cố gắng nhận diện và phát huy để sống được với nó. Nếu chưa nhận ra chưa sống được, nhất định phải nhận ra phải sống cho được. Lúc đầu nương theo lời dạy của các bậc thầy để nhận ra cái chân thật sẵn có nơi mình, nhưng về sau khi công phu đã thuần thục, tự mình phải thầm nhận, phải sống cho được với cái đó. Nên nhớ tánh giác ở ngay nơi chính mình, chỉ cần không chạy theo, không dính mắc với sáu trần thì nó hiện tiền. Giản dị như vậy.

Tuy nhiên, các bậc tôn trưởng đi trước sợ chúng ta yếu đuối, buông lung, nên đã dùng các phương tiện như tụng kinh, ngồi thiền để chúng ta dễ định tâm. Chủ yếu vẫn là sự tỉnh giác, làm chủ các giác quan đừng chạy theo trần cảnh, chứ không có gì khác. Người không có trí tuệ, dù tụng kinh ngồi thiền tới đâu, lầm mê vẫn cứ lầm mê. Tu như vậy không có chút gì dính dáng. Sự thể nghiệm trong công phu cần kiên trì và thực tập miên mật.

Chúng ta có thể nhận và sống được với tánh giác hay không là tùy vào công phu của mỗi người. Người lăng xăng chạy ngược chạy xuôi theo bên ngoài thì khó nhận được. Người nhắm thẳng chỗ đó hành trì thì dễ nhận. Nhận ra chỉ trong tích tắc thôi, bờ mê chỗ nào, bến giác chỗ nào. Mê với giác không có ranh giới. Nếu giác thì không mê, đã mê thì không có giác. Giống như điện trong không gian, mở công tắc đúng thì sáng, mở không đúng thì tối, không cố định ở đâu hết. Dù chúng ta chưa thành thánh thành Phật, nhưng biết rằng mỗi một sự hành trì là gần gũi, là sống lại với tánh giác, là gần Phật.

Tất cả vọng tưởng lăng xăng buông sạch. Nói thế chứ thật ra nó đâu có mà thải. Chỉ biết rõ vọng thì vọng tự lặng, chân thật hiện tiền. Mở công tắc thì đèn sáng, không mở thì tối. Vậy thôi. Sự tu tập của chúng ta cũng như thế, mở sáng trí tuệ để thấy cái gì thật, cái gì giả dối. Cái hư giả thì nhất định không theo, cái thật thì nhận lấy. Như vậy mê từ đâu mà khởi? Từ chỗ quên tánh giác, ngay đó vọng động liền sanh. Luôn luôn nhớ tánh giác thì không mê. Trong sự tu tập hằng ngày chúng ta nhận cho được tánh giác của mình, nó phóng ra từ cửa sáu căn, cho nên không phải lặn lội tìm kiếm ở đâu xa.

Có Phật tử hỏi:

- Thưa thầy, có khi con không biết tu làm sao?

Tôi hỏi lại:

- Ở nhà Phật tử có thờ Phật không?

- Có.

- Có tụng kinh không?

- Có, con tụng kinh rất siêng năng.

- Ngoài tụng kinh ra có lạy Phật không?

- Có.

- Mỗi lần lạy Phật có nhìn thấy Phật không?

- Có.

Như vậy là biết tu rồi. Bởi vì khi Phật tử thấy Phật, nhớ Phật thì không nhớ chuyện tào lao, không nhớ nhà lầu xe hơi, không lao tâm tổn sức chạy theo nó. Khi nhớ Phật dĩ nhiên công hạnh của Ngài, bi trí của Ngài sẽ làm cho tâm ta thuần tịnh, an vui, đồng thời cũng khiến ta phát tâm dũng mãnh nguyện tu tập để được như Phật. Nếu quý Phật tử gầy dựng đúng như vậy thì đã có tu rồi. Từ đó quí vị có niềm tin học hỏi thêm Phật pháp, siêng năng vui vẻ tu tập hơn.

Hiện nay chư Phật tử tuy bận rộn công việc nhưng vẫn tập trung về thiền viện hoặc các đạo tràng tu hành mỗi tuần hoặc mỗi tháng đều đặn. Quí vị áp dụng lời Phật dạy vào những điều kiện riêng của mình như thế là tu rồi. Vừa tu vừa làm được việc của mình. Chúng ta đừng sợ công việc thường ngày không dính dáng tới chuyện tu hành. Không đâu! Nếu người luôn quan tâm đến công phu tu hành thì làm bất cứ việc gì, ở bất cứ nơi đâu cũng tu được. Từ đó họ phấn khởi, tăng tiến hơn, phấn đấu tích cực thì kết quả tu tập ngày càng tốt đẹp. Như vậy ở tại nhà quí vị vẫn tu, chứ đâu phải không.

Trong điều kiện của quí Phật tử, tập tụng kinh, ngồi thiền để nuôi dưỡng tánh giác của mình. Luôn tu tập với niềm vui, công đức sẽ phát sinh. Chúng ta đang khỏe mạnh, tỉnh táo, hiểu biết đúng đắn Phật pháp, đó là phúc duyên của mình, nên cố gắng giữ gìn và phát huy, làm sao nhận ra và sống cho được với tánh giác này. Nhiều Phật tử ở vùng xa muốn tu nhưng không có được một tượng Phật để lễ lạy, để tụng niệm. Tuy nhiên, nhờ phát tâm dũng mãnh, nhân duyên hun đúc, cuối cùng gặp quý thầy giúp đỡ, chẳng những họ thỉnh được tượng Phật về tôn trí mà còn thành lập cả đạo tràng. Quí vị ấy nương theo băng giảng của Hòa thượng Trúc Lâm, trao đổi nhau mà tu. Nhờ tấm lòng tha thiết và sự quyết tâm đối với việc tu học mà được như thế.

Phật dạy chúng ta phải sống được với tánh giác, cho nên cần mở mang, phát huy trí tuệ hiện tiền. Chúng sanh do nghiệp tập nhiều đời nên cứ bị mê đảo che mờ tánh giác. “Mê” là quên đi, “Đảo” là lộn ngược. Như Phật nói thân tâm này không thật, chúng ta cho nó thật và của mình. Ai đụng tới là không được. Rõ ràng từ chỗ mê lầm mà chúng sanh đấu tranh giành giật lẫn nhau. Nếu chúng ta nhận ra tất cả muôn pháp không thật thì hết mê. Lời của Phật là lời của đấng giác ngộ hoàn toàn, chẳng lẽ chúng ta không tin? Đã nương theo Phật tu hành mà Phật nói một đàng mình làm một ngả, có phải đảo lộn không? Phật nói thân này vô thường, chúng sinh lại mất rất nhiều thời gian công sức để bồi bổ cho cái thân vô thường. Phật nói thân này bại hoại, mình lại dốc lòng bảo vệ nó. Phật nói thân này bất tịnh, mình lại đắm mê theo đuổi nó. Quả thật là chúng ta mê loạn điên đảo.

Một khi nhận được thân này không thật, chúng ta giải trừ biết bao nhiêu phiền não, khổ đau. Lo cho thân này, bảo vệ thân này, sợ mất thân này… đều là những nỗi khổ của thân. Đến vọng tưởng gọi là tâm, chúng ta cũng bị mê đảo nữa. Vọng tưởng không thật, là bóng dáng của các trần cảnh, của những sự bất an bất ổn mà mình cứ bảo vệ. Phật nói nó không thật, chúng ta thể nghiệm để nhận thấu được lời Phật dạy. Những ai có hành trì tới nơi, giải trừ hết đau khổ tức thì được an vui, không cần phải tìm kiếm cầu khẩn ai hết. Đã phát huy được trí tuệ, sống không đảo lộn thì nhất định an toàn. Cho nên nói mở mắt tuệ thì thấy được lẽ thật của tất cả các pháp.

Lẽ thật của tất cả các pháp là gì? Là tánh không. Các pháp do duyên sinh, không thật, vô thường. Như cái bàn này không thật, nó sẽ bị hư hoại, cho dù hiện nay nó có mặt nhưng chắc chắn sẽ không thể tồn tại. Do vậy, nếu bị người nào làm hư hoại trước khi nó phải hư hoại, mình cũng bình thường. Nếu không quán chiếu như thế, ai lỡ tay làm nó hư gãy, mình sẽ phát bực lên rồi gây gổ, tạo nghiệp không tốt. Chẳng những mình bực mà còn nói cho người ta bực, người ta khổ nữa. Khi sáng suốt, bình tĩnh nghe sự việc như vậy mình cười là xong. Tại vì nếu bây giờ nó chưa gãy thì mai mốt cũng gãy. Thôi thì ai biết sửa vui lòng sửa lại giùm, may ra còn dùng được đôi chút, sửa không được thì đem chụm, ít nhất cũng nấu chín nồi cơm. Vui vẻ, không có gì phải phiền não. Ứng xử được như thế là nhờ có trí tuệ.

Với người sáng suốt, tỉnh táo, đối trước sự thay đổi của tất cả các pháp đều bình yên. Thân này tạm dùng, ngày nào không dùng được nữa cũng là lẽ đương nhiên. Bây giờ nó không mất thì mai mốt cũng mất. Người khoảng 60, 70 tuổi hầu hết ông bà đâu còn nữa. Nếu còn là cha mẹ, nhưng đôi khi cha mẹ cũng không còn đủ, huống là người 100 tuổi, làm sao không chứng kiến cảnh người thân chung quanh mất hết. Thế gian không thật mà chúng ta cố chấp giữ cho là của mình, nên gọi là mê đảo. Do mê đảo nên khổ đau. Chỉ người nào có trí tuệ mới hết khổ đau.

Tuy nhiên, không phải nói thân này vô thường rồi chúng ta sống không tích cực. Nhiều người nghe nói thân này vô thường, tâm này vọng tưởng rồi buông bỏ hết. Không phải! Trong sự vô thường, mình phải vận dụng trí tuệ tu tập để đừng bị nó chi phối. Đó chính là nhận cho ra cái chân thật thường hằng, sống với nó thì không còn sợ vô thường nữa. Biết các pháp vô thường, sinh diệt chúng ta không còn bi lụy khi chúng mất đi hay đổi thay. Chỉ có công phu tu tập mới giúp chúng ta tỉnh giác, không bị nó kéo lôi. Cho nên cần phải nỗ lực ứng dụng tu tập theo lời Phật tổ chỉ dạy.

Ngày xưa khi đối duyên tiếp cảnh, bị cảnh duyên kéo lôi, mình không làm chủ được, bây giờ cố gắng không chạy theo cảnh bên ngoài, dần dần tâm an định, nhận ra mình có cái bất sinh bất diệt. Trong mọi sinh hoạt, biết mình có cái liễu liễu thường tri thì không bị ngoại cảnh chi phối, không bị suy suyển bởi những đổi thay, mất mát của cuộc đời. Người tu phải có năng lực. Năng lực gì? Năng lực làm chủ mình. Như chúng ta thường nói vô thường, bây giờ bất thần nghe tin người thân mất, tự xét xem biểu hiện đầu tiên của mình là gì? Bức xúc, buồn khóc hay trầm tĩnh, từ tốn. Nhiều vị bình thường tu thấy tinh tấn, an ổn, nhưng đứng trước sự duyên này chao đảo liền. Tự xem xét, tự đánh giá mình để biết đạo lực của mình mà nỗ lực công phu.

Con đường đi tới chỗ an vui giải thoát, thật ra phải trải qua nhiều đoạn đắng cay, khó khăn lắm, không phải dễ dàng như chúng ta tưởng. Cho nên hành giả thật tâm tu hành phải chuẩn bị, phải có định tuệ. Định và tuệ đầy đủ, không thể thiếu một mới có thể đưa người tu tới sự thành công viên mãn. Nếu không tu sửa được mình cứ chìm trong mê đảo, không thoát ra, làm sao gọi là người xuất gia, đệ tử của bậc giác ngộ! Tu là sửa đổi, là thăng hoa nội tâm. Tâm từ xấu sửa thành tốt, từ sinh diệt vô thường nhận ra cái không sinh diệt vô thường. Đó là ý nghĩa đích thực, là giá trị cao quý nhất của những người con Phật, cất bước lên đường nguyện ra khỏi ba cõi bất an, đưa mình và tất cả chúng sinh đến bến bờ giải thoát an vui.

Mỗi ngày chúng ta kiểm nghiệm lại ba nghiệp tham, sân, si, xem cái nào còn nhiều thì lo tu sửa cái đó. Chúng ta biết sân thì sinh vào địa ngục, tham thì sinh vào loài quỷ đói, si thì sinh làm súc sanh. Muốn đừng bị rơi vào ba đường ác này thì tuyệt đối phải tránh xa ba thứ độc kia. Nghiệm như vậy rồi, xem mình đã giũa mòn được những thứ độc nào, chúng còn lại nhiều hay ít? Nếu không gầy dựng trí tuệ kịp thời, hậu quả là những con đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh mở ra, chúng ta không thể tránh khỏi đâu. Cho nên phải biết lo sợ mà nỗ lực công phu. Nhấn mạnh như thế để chúng ta quyết tâm và cần kíp tu sửa. Đâu có ai bỗng nhiên được hay, tất cả đều nhờ tu sửa mà nên. Hồi đó mình sân một ngày mười lần, bây giờ sân chừng năm lần rồi dần dần hết sân. Chẳng những không sân mà còn có thể cười ha hả trước những sự việc trái ý nghịch lòng. Giá trị của sự tu tập là như vậy.

Người muốn sống hoài cũng là tham. Cho nên tùy, sống được 80 tuổi cũng tốt, 100 tuổi cũng hay, với điều kiện đi lại được, chứ còn nằm dài đó thì không nên. Chúng ta tùy duyên, tùy phước, tùy nghi, không để niệm tham sân nổi lên trong tất cả thời, như vậy là làm chủ được. Thành ra ai hỏi chúng ta tu thế nào, chỉ cần trả lời buông bỏ tham, sân, si là đủ rồi. Nhớ lời Phật dạy, y cứ kinh điển làm chuẩn tu sống. Tóm lại, tham, sân, si chính là thước đo công phu hằng ngày của người tu Phật. Phải nhớ bảo vệ trí tuệ hiện tiền, nếu không mê đảo sẽ lấn át ngay. Nương trí tuệ Bát-nhã mà sống nhất định sẽ bình an.

Nghiệm lại cho cùng, chúng ta dính mắc cái gì cũng khổ hết, không có dính mắc nào mà không khổ. Biết như vậy chúng ta phải tháo gỡ tất cả mọi trói buộc. Khi áp dụng tu tập, mỗi vị biết rõ tập nghiệp của mình như thế nào, nhắm thẳng ngay đó mà điều trị. Chúng ta có Phật pháp, có huynh đệ, có tất cả những điều kiện tốt để sửa bỏ những điều không hay, quyết tâm phát huy cho được trí tuệ của mình. Đó là bước gầy dựng ban đầu, từ đó ta có niềm vui, việc tu ngày một tăng tiến, nhất định đi tới thành công.

Mong rằng từ những sinh hoạt bình thường trong cuộc sống tu hành, chúng ta mở sáng trí tuệ để bước vào ngôi nhà của chính mình, nhận lại gia bảo xưa nay. Các thiền sư nói “Một bước nhảy thẳng vào đất Như Lai”. Chỉ sợ mình vướng bên này mắc bên kia nên không thể tự cứu. Phải mạnh dạn, dứt khoát nhảy thẳng vào đất Như Lai để vĩnh viễn chấm dứt trầm luân trong sinh tử khổ đau.

Chỉ mong như vậy.

[ Quay lại ]