headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 10/09/2024 - Ngày 8 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Thầy VÀ CHƠN KHÔNG

nitruongthuannhatNT. Thích Nữ Thuần Nhất

Thầy! Vị Ân sư khả kính, một bậc chân tu, cuộc đời Người trải mình cho đạo pháp, cho chúng sinh không nề lao nhọc. Chơn Không! với núi rừng đầy đạo vị, bao hình ảnh thân thương của thời khai sơn nhọc nhằn mà đậm tình thầy trò huynh đệ. Với duyên sâu dày nên cuộc đời tôi luôn gắn bó với Thầy từ những ngày đầu dựng Pháp Lạc Thất, hình ảnh Thầy đã thấm sâu trong từng tế bào và hơi thở của tôi.

 Cuộc thế vần xoay, vô thường biến chuyển, chúng tôi phải rời Chơn Không theo Thầy xuống núi về Long Thành. Biết bao khó khăn! Biết bao gian nan! Thầy vẫn son sắt một lòng kiên quyết nêu cao đèn Chánh pháp, chuyên tâm giáo hóa Tăng Ni Phật tử.

Trong cuộc hoằng hóa này, tôi luôn được ở bên Thầy và làm tròn phận sự mà Thầy giao phó. Đến ngày Chơn Không tái thiết, tôi được Thầy cho về lại núi rừng xưa. Hôm nay viết về Kỷ yếu 50 năm của Chơn Không, cũng chính là lúc để tôi nhìn lại quãng đời xuất gia tu học, nhìn lại từng nhịp thở của mình cùng với Chơn Không, nơi chiếc nôi Thiền tông mà Thầy tôi khơi mạch.

Nhớ đến Chơn Không là nhắc đến Thầy, đến nhân duyên sâu xa từ thuở ấu thơ tôi vừa tròn 7 tuổi, được theo ông ngoại lên chùa nghỉ lại một đêm. Tiếng chuông chùa ngân vang trong đêm vắng, như đánh thức trong tôi một cái gì đó mơ hồ mà quen thuộc. Tôi thấy lòng mình bồi hồi xúc động, khởi lên ý niệm muốn đi tu, muốn sống đời thanh bần cao thượng, dù chưa biết gì đến hai chữ xuất gia.

Theo thời gian tôi lớn lên như bao đứa trẻ khác, được đến trường đi học rồi đi làm, ý niệm xuất gia của năm nào dường như quên lãng. Mãi đến khi tình cờ nhìn thấy bóng dáng người tu qua lại ở nhà bên cạnh (đó là các chị “Bảy Huệ” do Thầy gửi đi học ngoại điển), lúc ấy trong tôi khởi lên vô vàn câu hỏi “tại sao, tại sao..?”. Sao mình muốn đi tu mà còn ở đây? Sao mình ước muốn mà không thực hành? Các chị thấy tôi hay ngồi một mình suy tư, bèn đến hỏi thăm, lắng nghe tâm sự và ủng hộ chí nguyện xuất gia của tôi, các chị đưa tôi đến quy y với Hòa thượng Linh Sơn.

Ngày ấy nhắc đến chuyện đi tu không chỉ riêng những người thân trong gia đình tôi, mà đối với xã hội quả là bức tường dày đầy chông gai và định kiến. Ba má tôi vốn rất nghiêm khắc, con cái đi đâu đều phải thưa trình, nên muốn quy y tôi đành nói dối với gia đình là phải làm việc ngoài giờ.

Sau mùa an cư 1967, tôi theo các chị bảy Huệ ra Vũng Tàu thăm Thầy, lần này viện cớ với ba mẹ đi thăm cơ sở mới, nhưng thật tình chỉ đến Pháp Lạc Thất trên núi Tương kỳ. Tới nơi vừa trông thấy Thầy với dáng vẻ thong dong bước đi vững chãi, gương mặt nghiêm nghị ánh mắt từ hòa, trong tôi dâng lên một niềm cảm xúc thật kỳ diệu, vừa thân quen gần gũi lại vừa kính tin. Thầy ôn tồn cười nói, còn các chị líu lo như con mừng mẹ, tôi như người tìm được cội nguồn, như trở lại nhà xưa. Thế mới biết tình thầy trò thâm sâu huyền diệu, có lẽ trong chuỗi luân hồi Thầy đã từng dìu dắt hướng dẫn tôi. Đêm đó chúng tôi ngủ lại Pháp Lạc Thất, trong lòng nao nao tìm đường thực hiện mơ ước. Lúc đó tôi đâu biết Tăng Ni có sự khác biệt, nên ngây thơ xin Thầy:

- Thưa Thầy mai mốt con đi tu Thầy cho con ra đây ở nghe Thầy! Thầy chỉ nhìn tôi mà cười.

Mỗi khi được nghỉ phép, tôi thường tìm về chốn non xanh thăm Thầy. Những lần như thế Thầy lại quan tâm hỏi han hoàn cảnh gia đình, ba má và ý nguyện xuất gia của tôi.

Thu lai bất báo nhạn quy lai

Thu về chẳng hẹn cùng Nhạn bay.

Thời gian thấm thoát qua, khóa I sắp bế giảng, tôi quyết tâm phải đi tu ngay. Tôi xin nghỉ việc và đến thưa Thầy:

- Thưa Thầy, con về sắp xếp nếu con lên đây Thầy thấy con cười tức là con thắng, nếu con khóc là con thua, và tôi thua thật.

Thầy an ủi: con hãy kiên trì từ từ rồi cũng được!

Ba tôi một con người nghiêm nghị, quắc thước, mạnh mẽ luôn là chỗ dựa vững chãi cho tất cả các thành viên trong gia đình, vậy mà khi tôi viện lý do sinh nhật để họp mặt gia đình xin phép xuất gia, ba tôi đã bật khóc: “Lâu nay con giúp đỡ gia đình, giờ lại nghỉ việc bỏ đi tu, thì bà con lối xóm sẽ nghĩ như thế nào, ba má hất hủi con chăng? Nếu con thật tâm muốn tu cũng được, nhưng đừng đi xa, để ba cất thất cho con tu. Chị con mới mất, ba má không muốn xa ai nữa …” Ba khóc, tôi cũng khóc, đó là sự thua cuộc của tôi. Tuy nhiên tôi vẫn kiên trì không từ bỏ, cứ theo xin mãi, xin mãi. Cuối cùng ông vừa thương, vừa giận nói: “Ừ, muốn đi đâu thì đi”. Lúc ấy tôi bật khóc, khóc vì quá vui mừng, hạnh phúc.

Vì chí nguyện xuất gia đã có từ lâu, nên các thời công phu, chữ Hán tôi đã chuẩn bị học trước và mọi thứ đồ đạc gửi sẵn ở chùa Dược Sư, chỉ chờ sự quyết định của ba mẹ là tôi đi ngay, đến nỗi ba má tôi phải ngỡ ngàng. Tôi đến thưa Thầy, Thầy rất vui, biết tôi thắng cuộc. Thế là năm 1973 cuộc đời tôi chuyển sang bước ngoặc mới. Tôi đã chính thức được xuất gia theo Thầy và gắn bó với Chơn Không.

Sau 1975, đất nước còn khó khăn, đời sống tu sĩ cũng không thoát khỏi hoàn cảnh chung.

Lúc ấy Thầy thành lập tổ hợp tương, huynh đệ chung vai góp sức, vừa làm vừa tu. Thầy vừa lo dạy chúng tôi, vừa đi giảng khắp nơi nhưng không hề than nhọc. Tôi khi ấy nặng nhất cũng chỉ 34kg, đôi lúc còn tự khiêng cả xửng đậu hơn hai mươi kilô, làm thị giả hầu Thầy, tưới cây, làm vườn... Có hôm Thầy nhìn thấy tôi áo quần lấm lem, ướt đẫm mồ hôi, Thầy mới gạn:

- Cực khổ như vầy con có nuối tiếc không?

- Dạ thưa Thầy, con đã chấp nhận.

- Ba má con thấy như thế này, chắc ông bà buồn lắm?

- Dạ thưa Thầy, con đã quyết, ba má con không thể can thiệp.

Khi ấy, có lẽ Thầy muốn thử tôi - Thưa Thầy! được đi tu là điều con mong mỏi nên không hối hận. Năm 1985 Chơn Không có lệnh giải tỏa. đây là một dấu ấn mà Thầy trò chẳng thể nào quên. Một thời khai hoang phá núi, trao truyền mạng mạch Thiền, lợi ích quần sanh, bao nhiêu gắn bó rồi cũng như mây khói, Thầy trò dắt nhau xuống núi, dỡ đi từng viên gạch, từng mái tôn, và những kỷ niệm êm đềm, hào hùng đầy nhựa sống về Long Thành. Trong mắt ai ai cũng bùi ngùi ngấn lệ, nuối tiếc, hi vọng và chờ mong. Lúc ở Linh Chiếu mỗi khi nghe câu hát “Đường về Chơn  Không xa lắc xa lơ… ” của nhạc sĩ Từ Âm, tôi không sao nén được sự xúc cảm, có lẽ Chơn Không đã xa thật rồi!

Đến năm 1993, tôi trở về Chơn Không xin trồng cây gây rừng nhưng không được. Về sau, nhờ Tam bảo gia hộ, Phật tử nhiệt tâm giúp đỡ nên ý nguyện được thành tựu. Năm 1995 thầy trò chúng tôi trở về thăm lại Chơn Không và bắt đầu công cuộc tái thiết. Ngỡ ngàng làm sao! Xót xa làm sao! đường lên núi giờ đây cây cỏ um tùm, bụi gai chằng chịt chẳng nhìn rõ lối, muốn đi phải có người đi trước phát đường, dẫn bước. Cảnh vật ngày xưa giờ đây đã hoang tàn, chẳng thể nói nên lời... Bấy giờ Thầy chỉ có ý định phục hồi như xưa để giữ lại chốn cũ, không có ý định xây dựng quy mô. Nhưng Chơn Không nằm trong địa danh du lịch, vì vậy các cấp chính quyền yêu cầu xây dựng lại phải khang trang. Vì nhân duyên ấy, trước khi tái thiết Chơn Không phải bắt đầu từ công việc làm đường để vận chuyển vật tư … nào máy cẩu, máy xới đào đất, lấp ủi … Tăng Ni, Phật tử Vũng Tàu cùng nhau phá đá, trải qua những tháng ngày gian nan con đường mới hoàn thành từ chân núi lên đến cổng như ngày nay. Vậy là Chơn Không trước giờ im lìm nay lại hồi sinh.

Năm 1995, Thầy dạy Thầy cố vấn PH cùng một số thầy về Chơn Không trước, giai đoạn này xây dựng song song hai viện Tăng và Ni, Vì có nhiều khó khăn nên phía viện Ni chỉ có hai dãy nhà, tượng Phật được đặt ở nhà khách, chánh điện có tường, rui mè mà chưa lợp được. Đến mùng 4 tết năm 1998, Thầy sắp đặt cô Thuần Tịnh và tôi cùng một số ni chúng, một lần nữa trở lại Chơn Không. Từ đó tôi đã gắn liền với Chơn Không cho đến ngày hôm nay. Cuộc đời tu của tôi, Thầy chính là người trao ý chí, niềm tin cho tôi, còn Chơn Không là nơi nuôi dưỡng sức mạnh, để tôi trui rèn vượt qua khó khăn thử thách.

Nhìn lại cuộc đời tôi trải qua bao thăng trầm sóng gió, lúc vui, lúc buồn như một giấc mộng dài, giờ đây chúng tôi đều đã già, thuộc hàng lão niên. Nhưng với Thầy, tôi luôn nhỏ bé cùng với nhiều kỉ niệm đầy thâm ân, tôi làm sao quên được thời gian ở Linh Chiếu, có lần tôi bị bệnh tưởng chừng không qua khỏi... Thầy đến tận nơi thăm và động viên tôi. Lúc đó Tôi nghĩ Thầy đã tuổi cao mà vẫn còn đang phục vụ chúng sanh, chẳng màng khó khăn, vậy mà tôi phải đi trước Thầy, chẳng còn phụ giúp gì được cho Thầy sao? Lúc ấy trên giường bệnh tôi đã thưa:

- Thưa Thầy có lẽ con không vượt qua được, chắc con phải đi trước Thầy, con xin sám hối Thầy.

Thầy bảo:

- Con yên tâm, Thầy cho trồng mấy cây tùng ở trước thất con, tùng còn là con còn! Quả đúng như lời Thầy, cây tùng rất mạnh mẽ, cây tùng là sinh mạng của tôi.

Lời của Thầy cả đời tôi chẳng thể nào quên, trồng tùng là trao hi vọng cho tôi. Một người Thầy nghiêm khắc mà đầy đức độ từ bi, Thầy vừa là một người cha vừa là một người mẹ, vừa là tấm gương sáng trong sự tu hành cho bao thế hệ. Tôi được làm đệ tử Thầy là phúc duyên cao tột và mỗi lần nghĩ đến lòng tôi luôn thốt lên hai tiếng: Ân sư!

Lại thêm một kiếp tái sinh

Cho con tiếp bước hành trình Thầy trao.

Nhiều lúc tự nghĩ, đối với Chơn Không tôi thật sự có duyên. Ngay từ lúc làm cư sĩ tôi đã cùng Thầy tìm đất để xây dựng, rồi sau này khánh thành, dỡ bỏ hay tái thiết lại Chơn Không, tôi đều có mặt. Tôi như một lữ khách tha phương tìm về chốn cũ, để cùng trải qua những thăng trầm lịch sử hào hùng bi tráng trong tuổi thanh xuân và lý tưởng của một kiếp người. Giờ đây lại làm một người hoài cổ, kể lại những kỷ niệm xưa, thật đã làm các pháp hữu phải chê cười … Thôi chúng ta hãy “tỉnh giấc mộng” đi!

Nếu đạo pháp của Thầy được ví như cội Bồ đề, cành lá sum suê, vươn xa khắp mọi nơi, thì Chơn Không xin nguyện làm bộ rễ bám sâu vào lòng đất, hút chất dinh dưỡng nuôi cây kia, làm điểm tựa vững chắc cho lữ khách dừng chân nghỉ bước để lấy sức tiếp tục cuộc đăng trình, đến với chúng sanh hoàn thành tâm nguyện của người xuất gia.

Ngày nay tuổi Thầy đã cao, ít khi về lại Chơn Không, nhưng nơi đây luôn có bóng dáng Thầy. Từ đường Tiêu Dao qua đồi Tự Tại đến dốc Thạch Đầu qua ngõ Đại Mai. Đầu gậy Thầy chống dài từng lối đá, để con theo Thầy đi khắp lối Chơn Không và xin nguyện đời đời theo bước chân Thầy tu học cho đến ngày thể nhập Chơn Không

[ Quay lại ]